Trang

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

Đất nước và Giáo Hội tại Papua New Guinea

 1. Đất nước và Giáo Hội tại Papua New Guinea


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây là chuyến tông du thứ 45 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du dài nhất trong triều Giáo Hoàng của Ngài.

Chúng tôi xin giới thiệu với quý vị và anh chị em vài nét về đất nước và Giáo Hội tại Papua New Guinea

Tổng quan

Papua New Guinea là một quốc gia quần đảo ở châu Đại Dương bên bờ Thái Bình Dương, gồm phía Đông của đảo New Guinea và nhiều đảo xa bờ biển (phía Tây của New Guinea là hai tỉnh Papua và Tây Papua của Indonesia). Papua New Guinea nằm vào phía Tây Nam Thái Bình Dương, ở một vùng được gọi là Mélanésie từ đầu thế kỷ 19. Thủ đô của Papua New Guinea, Port Moresby là một trong số các thành phố lớn của nước này.

Papua New Guinea là một trong những quốc gia có nhiều dân tộc nhất trên thế giới, với hơn 850 ngôn ngữ thổ dân và nhiều dân tộc như vậy, nhưng chỉ vào khoảng 5 triệu người. Đây cũng là một trong những nước có dân số sống tại nông thôn nhiều nhất, chỉ 18% người sống ở những trung tâm thành thị. Đây cũng là nước ít được thám hiểm nhất trên thế giới, không chỉ về địa lý mà còn về văn hóa, nhiều loài động thực vật được cho là chỉ có ở Papua New Guinea.

Papua' là một từ ngữ dùng để chỉ dạng tóc xoăn tít của dân bản xứ. Một nhà thám hiểm đã tình cờ phát hiện ra thổ dân trên hòn đảo này, nhưng ông lại ngạc nhiên vì ngờ ngợ đây là thổ dân da đen ở Guinée với mái tóc xoăn tít. Người Guinea có tóc xoăn nhưng không có tóc xoăn theo kiểu như thế, và lại ở rất xa Guinea, nên ông đặt tên cho thổ dân mới phát hiện là Papua New Guinea. Và tên đó trở thành tên quốc gia.

Lịch sử cận đại

Nửa phía bắc nước này rơi vào tay người Đức năm 1884 với tên gọi New Guinea Đức. Sau Thế Chiến thứ Nhất, Australia được Hội Quốc Liên uỷ quyền cai quản New Guinea Đức. Phần phía Nam do Australia quản lý trong Thế Chiến thứ Nhất và được gọi là Papua.

Chiến dịch New Guinea từ 1942 đến 1945 là một trong những chiến dịch quân sự lớn thời Thế Chiến thứ Hai. Xấp xỉ 216,000 binh sĩ, thủy thủ và phi công Nhật, Australia và Mỹ đã chết trong Chiến dịch này.

Sau Thế Chiến thứ Hai, hai vùng lãnh thổ đã được gộp vào chung và được gọi đơn giản là “Papua New Guinea” và do Australia quản lý.

Quá trình giành độc lập một cách hoà bình từ Australia đạt đến mục tiêu vào ngày 16 tháng 9 năm 1975, và hai bên vẫn có quan hệ gần gũi. Australia vẫn là nhà cung cấp viện trợ song phương lớn nhất cho Papua New Guinea.

Chính trị

Papua New Guinea là một thành viên Khối thịnh vượng chung, và Quốc vương Charles Đệ Tam của Vương Quốc Anh là nguyên thủ quốc gia. Ông Bob Dadae, là Toàn Quyền, thay mặt cho nhà vua.

Quyền hành pháp thực tế nằm trong tay Thủ tướng, người lãnh đạo nội các. Thủ tướng hiện nay là James Marape, đắc cử vào năm 2019. Nghị viện quốc gia đơn viện có 109 ghế, trong số đó 20 ghế thuộc các thống đốc của 19 tỉnh và Quận thủ đô quốc gia.

Giáo Hội Công Giáo tại Papua New Guinea

Thánh lễ Công Giáo đầu tiên được cử hành trên Quần đảo Louisiade vào năm 1606. Trong giai đoạn đầu việc truyền giáo diễn ra thuận lợi nhưng sau đó Giáo Hội bị cấm cách vì không chấp nhận tập tục đa thê. Nhà truyền giáo người Ý Cha Giovanni Battista Mazzuccini đã bị tử đạo trên Đảo Woodlark ở Tỉnh Milne Bay vào năm 1845.

Các nhà truyền giáo người Đức của Dòng Ngôi Lời đã thành lập các phái bộ trên Sông Sepik và các vùng ven biển phía bắc từ những năm 1890. Đức Cha Louis Couppe đã thành công ở Đông New Britain. Nhưng ngài hành động quyết liệt để chống lại nạn buôn bán nô lệ bản địa kết quả là năm nhà truyền giáo nam và năm nữ tu đã bị bọn buôn người thảm sát ở vùng Baining của New Britain vào năm 1904.

Năm 1995, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho Peter To Rot, một giáo lý viên và là người bản xứ New Guinea từ New Britain tử đạo vào năm 1945, khi ông từ chối chấp nhận chế độ đa thê và bị quân Nhật xâm lược giết chết. Nhiều người Công Giáo và nhà truyền giáo địa phương khác đã phải chịu cái chết, tra tấn và giam cầm dưới tay người Nhật. Bốn mươi lăm nhà truyền giáo đã bị thảm sát trên tàu khu trục Akikaze của Nhật Bản vào năm 1943.

Một phái bộ Dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Bougainville, bắt đầu vào năm 1901, đã rất thành công và phần lớn dân số đã theo Công Giáo. Đức Cha Thomas Wade đã bảo đảm được sự hỗ trợ mạnh mẽ cho phái bộ từ Úc và Hoa Kỳ.

Kể từ khi giành được độc lập, Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Papua New Guinea vào năm 1984 và 1995.

Những người Công Giáo nổi bật trong chính trường Papua New Guinea bao gồm Michael Somare, John Momis (người đã là một linh mục trong nhiều năm) và Bernard Narokobi.

Ngày nay, Giáo Hội Công Giáo ở Papua New Guinea có 2.476.000 tín hữu chiếm 30,5% trong tổng số 8.125.000 dân.

Anh chị em giáo dân sinh hoạt trong 453 giáo xứ, 804 cứ điểm truyền giáo (56 cứ điểm có linh mục thường trú, 748 không có linh mục thường trú), và 165 trung tâm khác

Giáo Hội tại đây có 27 giám mục bao gồm 17 Giám Mục đang coi sóc giáo phận, và 10 vị là Giám Mục hiệu tòa, nghĩa là đã nghỉ hưu, 599 linh mục, bao gồm 304 linh mục triều, và 295 linh mục dòng, và 1 phó tế vĩnh viễn

Giáo Hội tại Papua New Guinea cũng có 995 tu sĩ bao gồm 179 nam tu sĩ, và 816 nữ tu, 306 đại chủng sinh, 12 nhà truyền giáo, và 2.709 giáo lý viên.

Sứ thần Tòa Thánh tại Papua New Guinea là Đức Tổng Giám Mục Mauro Lalli, người Ý, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1965.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:45, sau lễ nghi từ biệt với Indonesia, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta để đến phi trường quốc tế Jacksons của Port Moresby

Lúc 18:50, Đức Thánh Cha sẽ đến Sân bay quốc tế Jacksons và có nghi thức chào mừng ở đây.

Thứ Bẩy, 7 tháng 9

Lúc 09:45 Đức Thánh Cha sẽ thăm viên Toàn Quyền tại Tòa nhà Chính phủ

Sau đó, lúc 10:25, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các cơ quan chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại APEC Haus

Buổi chiều, lúc 17h, Đức Thánh Cha sẽ thăm Trường Trung học Kỹ thuật Caritas và gặp gỡ các nhân viên mục vụ đường phố và các tình nguyện viên Callan.

Lúc 17:40, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các giám mục Papua New Guinea và quần đảo Solomon, các linh mục, phó tế, những người được thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên tại Đền Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu

Chúa Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

Lúc 07:30, Đức Thánh Cha sẽ tiếp Thủ Tướng Papua New Guinea, ông James Marape, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh

Lúc 08:45, ngài sẽ dâng thánh lễ tại Sân vận động Sir John Guise

Sau Kinh Truyền Tin, lúc 13:00, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành bằng máy bay từ Sân bay quốc tế Jacksons của Port Moresby để bay đến Vanimo.

Lúc 15:30, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các tín hữu của Giáo Phận Vanimo tại quảng trường trước Nhà thờ chính tòa Thánh Giá.

Lúc 16:50, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với một nhóm nhà truyền giáo tại Trường Nhân văn Holy Trinity ở Baro

Lúc 17:40, ngài khởi hành bằng máy bay từ Sân bay Vanimo để quay lại Port Moresby

Thứ Hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024

Lúc 09:45 Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ tại Sân vận động Sir John Guise

Lúc 11:10 Lễ tạm biệt sẽ diễn ra tại Sân bay quốc tế Jacksons Port Moresby, và Đức Thánh Cha lên đường đến Timor-Leste

2. BC hay BCE

Simon Caldwell của tờ Catholic Herald, Anh, ngày 30 tháng 8 năm 2024, cho hay: Người Công Giáo đã cáo buộc Vatican phản bội Chúa Giêsu bằng cách thay thế cụm từ “Trước Chúa Kitô [BC]” bằng cụm từ “Trước Công Nguyên [BCE]” trong các tài liệu chính thức.

Thuật ngữ truyền thống BC đã được thay thế bằng BCE trong bản dịch tiếng Anh của một lá thư vào tháng 7 của Đức Phanxicô về vai trò của văn học trong quá trình đào tạo Kitô hữu.



Ann Widdecombe, một người trở lại Công Giáo và là cựu bộ trưởng của Đảng Bảo thủ Anh, là một trong những người Công Giáo trên toàn thế giới tức giận vì động thái này.

“Nếu Vatican làm như vậy thì đó là một sự phản bội hoàn toàn”, Widdecombe nói.

“Nếu Vatican xóa tên Chúa Kitô khỏi các tài liệu chính thức thì đó là một sự phản bội hoàn toàn”.

Việc sử dụng thuật ngữ thế tục BCE xuất hiện trong đoạn 12 của bức thư, ám chỉ đến bài phát biểu của Thánh Phaolô trước Areopagus được mô tả trong Công vụ Tông đồ.

Đoạn văn có nội dung: “Câu thơ này có hai trích dẫn: một trích dẫn gián tiếp, từ nhà thơ Epimenides (thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên), và trích dẫn trực tiếp, từ Phaenomena của nhà thơ Aratus xứ Soli (thế kỷ thứ ba trước Công nguyên), người đã viết về các chòm sao và các dấu hiệu của thời tiết tốt và xấu.”

Văn bản này thể hiện sự thay đổi lớn so với quan điểm của Giáo hội về lịch sử, được hình thành từ sự xuất hiện của Đấng cứu thế.

Giáo hội luôn đánh số năm là “BC”, nghĩa là “Trước Chúa Kitô”, hoặc “AD” – Anno Domini, hoặc trong năm của Chúa chúng ta, để biểu thị thời đại của Giáo hội.

Thuật ngữ BCE được các học giả Do Thái sử dụng từ những năm 1800, những người không thừa nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu thế.

Thuật ngữ này đã len lỏi đi vào cách sử dụng phổ biến với chủ nghĩa thế tục gia tăng của các xã hội phương Tây và sự từ chối mọi khái niệm về Chúa, và thường gây tranh cãi.

BCE chỉ xuất hiện trong bản dịch tiếng Anh của bức thư của Đức Giáo Hoàng. BC vẫn là từ viết tắt được ưa chuộng cho các bản dịch sang tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ba Lan và tiếng Ả Rập.
 
http://vietcatholicnews.org/News/Home/Archive?date=2024-09-03

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét