MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 2
LỜI CHÚA VÀ LINH HỨNG
TRONG KINH THÁNH
Linh hứng trong Giao Ước
Thứ Nhất
Ta vẫn nói các tác giả
được “linh hứng”. Vậy phải hiểu thế nào về việc linh hứng trong Kinh Thánh?
Định nghĩa bản chất sự gợi hứng này quả là không đơn giản chút nào. Vì vừa phải
tôn trọng Thiên Chúa là Đấng có sáng kiến, vừa phải tôn trọng tự do của con
người, vì họ không chỉ đơn thuần là một dụng cụ thụ động. Thật lạ lùng, ta
không hề thấy xuất hiện hai từ “linh hứng” trong Kinh Thánh, ngay cả Tân
Ước . Trong những văn bản xa xưa nhất,
ta cũng chỉ thấy một vài ý ám chỉ. Như khi nói rằng theo lệnh truyền của Thiên
Chúa mà Mô-sê đã viết Giao Ước:
“Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy ghi chép
những lời này, vì dựa trên chính những lời này mà Ta đã lập giao ước với ngươi
và với Ít-ra-en” (Xh 34, 27; 24, 4…).
Sau đó còn được nói rõ
hơn với Giê-rê-mi-a: “Có lời Đức Chúa phán với ông Giê-rê-mi-a rằng: Ngươi hãy
viết vào một cuốn sách tất cả những lời Ta phán với ngươi” (Gr 30, 2; 36, 2).
Nhưng nếu cách nói “linh
hứng” không có trong Kinh Thánh, thì ngược lại quyền sở hữu của Thần Khí là một
thực tại đã có từ lâu đời, và luôn được nhắc đến. Từ rất sớm “Thần Khí của
Thiên Chúa” đã xuất hiện như một sức mạnh huyền nhiệm, đi vào lịch sử dân được
tuyển chọn để đồng hành với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Người chiếm
hữu những người được chọn và biến đổi họ. “Thần Khí này của Thiên Chúa”, qua
trung gian những người được chọn, được biến đổi, và “linh hứng” này, hầu như đã
hướng dẫn những giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ.
Tác động của Thần Khí
đôi khi bất ngờ và mau qua. Người “đánh động”, “ngự xuống trên người được gợi
hứng với sức mạnh và quyền năng” của Người:
“Bà sinh được một con trai và đặt tên là
Sam-son. Đứa bé lớn lên, Đức Chúa chúc lành cho nó. Và Thần Khí Đức Chúa bắt
đầu tác động trên Sam-son, tại trại Đan, giữa Xô-rơ-a và Ét-ta-ôn” (Tl 13,
24-25).
Thần Khí Thiên Chúa có
thể thức tỉnh nơi con người một sức mạnh thể lý cách phi thường, và làm cho họ
thực hiện được những kỳ công trong một trận chiến. Bởi đó nhiều vị lãnh tụ dân
Do-thái, mặc dù không hề được chuẩn bị, bỗng nhiên được biến đổi hoàn toàn.
Thần Khí mặc cho họ bản lãnh một nhân vật mới lạ, để họ trở thành những vị
tướng lãnh can trường, những vị “cứu tinh” của dân tộc mình:
“Thần Khí Đức Chúa ập xuống trên ông, và với
hai bàn tay không, Sam-son đã xé xác sư tử như xé một con dê con; nhưng ông
không kể cho cha mẹ biết việc ông đã làm” (Tl 14, 6. 19) .
“Sau đó ông (Sa-mu-en) sẽ đến Ghip-a của Thiên
Chúa, và ở cổng thành…Thần Khí Đức Chúa sẽ nhập vào ông, ông sẽ lên cơn xuất
thần ngôn sứ cùng với họ, và ông sẽ biến thành một người khác. Vậy khi các dấu
ấy xẩy đến cho ông, thì ông hãy tuỳ cơ ứng biến, vì Thiên Chúa ở với ông” (1 Sm
10, 5-13; 19, 20-24).
“…Thần Khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó
trở đi…” (1 Sm 16,13).
“Thần Khí Đức Chúa ập xuống trên tôi, và nói
với tôi: “Ngươi hãy nói: Đức Chúa phán thế này” (Ed 11, 5).
Thần Khí Chúa đến ngự
trên những vị lãnh tụ có đặc sủng như Mô-sê, Gio-suê, Sa-mu-en, Đa-vít.
“Ông Mô-sê ra nói lại với dân những lời của
Đức Chúa. Ông tập hợp bảy mươi người trong số kỳ mục của dân và đặt họ đứng
chung quanh Lều. Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê.
Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi
Thần Khí đậu xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó
không tái diễn nữa. Có hai người ở lại trong trại, một người tên là En-đát, một
người là Mê-đát. Cả hai đã có tên trong sách các kỳ mục, nhưng họ không đến Lều
trại. Thần Khí đậu xuống trên các ông và họ bắt đầu phát ngôn trong trại. Một
thanh niên báo tin cho Mô-sê: “En-đát và Mê-đát đang phát ngôn trong trại!”
Giô-suê, con ông Nun, đã từng theo Mô-sê từ nhỏ, lên tiếng nói với Mô-sê: “Thưa
Thầy, xin thầy ngăn cản họ!” Nhưng Mô-sê trả lời: “Anh ghen cho tôi à? Phải chi
Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Vì Đức
Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ. Rồi Mô-sê vào trại cùng với các kỳ mục
của dân Ít-ra-en” (Ds 11, 24-30).
“Đây là những lời cuối cùng của vua Đa-vít:
“Sấm ngôn của Đa-vít, con ông Giê-sê…Thần Khí Đức Chúa dùng tôi mà phán, lời
Người ở trên lưỡi tôi. Thiên Chúa của Ít-ra-en đã nói, Núi Đá của Ít-ra-en đã
phán cùng tôi…” (2 Sm 23, 1-3).
Thần Khí cũng có thể ban
ơn ngôn sứ. Thần Khí đến trên một vài người như một ơn hoàn toàn tự do của
Thiên Chúa. Khi Ba-lác, vua Mo-áp, yêu cầu ngôn sứ Ba-la-am chúc dữ, nguyền
rủa dân Ít-ra-en, vì đã chiếm đất của họ, nhưng ông này bị một sức mạnh từ bên
trong bắt phải chúc lành cho Ít-ra-en, và còn tiên đoán việc Đấng Cứu Thế sẽ
từ dân này mà đến: “Ba-la-am thấy Ít-ra-en đóng trại theo chi tộc của họ; Thần
Khí của Chúa ở trên ông, ông liền cất tiếng nói lên sấm ngôn của ông” (Ds 24,
2).
Thần Khí còn là nguồn
gốc của ơn giải thích các giấc mộng. Chính Người đã ban cho Giu-se khả năng
cắt nghĩa giấc mộng của những viên quan chức trong đền Pha-ra-on: “Chúng tôi đã
chiêm bao mà không ai giải thích được. Giu-se nói với họ: “Chỉ Thiên Chúa mới
giải thích được, nhưng cứ kể cho tôi nghe nào!” (St 40, 8). Và giấc mộng của
Pha-ra-on với bẩy con bò béo và bảy con bò gầy: “…Giu-se thưa với Pha-ra-on
rằng: Không phải tôi, mà là Thiên Chúa sẽ cho câu trả lời đem lại bình an cho
Pha-ra-on.”… “Điều Thiên Chúa sắp làm thì Người sẽ báo cho ông biết…” (St 41,
16-38).
Chỉ một mình Đa-ni-en,
được Thần Khí Chúa ngự trong ông, mới có thể giải thích giấc chiêm bao của vua
Na-bu-cô-đô-nô-xô: “Bấy giờ tất cả các thầy phù thủy, pháp sư, chiêm tinh gia
và cả các thầy bói toán vào chầu. Ta đã kể cho họ nghe giấc mộng của ta, nhưng
họ không thể cắt nghĩa giấc mộng ấy muốn nói gì. Sau hết, có Đa-ni-en vào chầu,
và cũng là người có Thần Khí của Chúa ở nơi mình” (Đn 4, 4-5; 6, 4).
Các ngôn sứ, những người
được “linh hứng”
là thành phần Thiên Chúa
ưu tuyển
Nhưng, rõ ràng trong
lịch sử Kinh Thánh, các ngôn sứ đều là những người ưu tiên được Thần Khí của
Chúa cư ngụ, đôi khi họ còn được xem là những người được “bàn tay Thiên Chúa”
nắm giữ:
“Thật vậy Đức Chúa đã phán với tôi thế này,
khi tay Người nắm lấy tôi, khi Người dạy tôi đừng đi theo đường lối dân này”
(Is 8,11).
“Một thần khí nâng tôi lên và nắm lấy tôi; tôi
ra đi, lòng tràn ngập cay đắng và phẫn nộ. Bàn tay Đức Chúa nắm chặt lấy tôi”
(Ed 3, 14).
“Bây giờ, hãy dẫn đến tôi một người gảy
đàn." Người gảy đàn vừa đánh đàn, thì bàn tay Đức Chúa ở trên ông” (2 V 3,
15).
Trong sách Hô-sê, vị
ngôn sứ này đã được mệnh danh là người của Thần Khí hay người được linh hứng
(Hs 9, 7); và Mi-kha đã không ngần ngại nói rằng: “Phần tôi, nhờ Thần Khí Đức
Chúa, tôi được đầy sức mạnh” (Mk 3, 8).
Sau thời gian lưu đày,
một số văn bản đã nói cách rõ ràng rằng Thiên Chúa, bởi Thần Khí của Người, đã
nói qua các vị ngôn sứ:
“Lòng chúng, chúng để cho chai cứng như kim
cương để khỏi vâng giữ Lề Luật và lời dạy bảo mà Đức Chúa các đạo binh đã gửi
đến nhờ thần khí của Người, qua trung gian các ngôn sứ thời xưa. Và chuyện xảy
ra là Đức Chúa các đạo binh đã giáng xuống cơn thịnh nộ lớn lao” (Dcr 7, 12).
“Đã nhiều năm Chúa kiên nhẫn với họ, dùng thần
khí và ngôn sứ của Người mà đưa lời cảnh cáo. Nhưng họ chẳng màng lắng tai
nghe, nên Người trao nộp họ vào tay dân tứ xứ” (Nkm 9, 30).
Còn Ê-dê-ki-en, ông
tuyên bố rõ ràng rằng Thần Khí của Chúa là linh hồn cho việc linh hứng nơi các
ngôn sứ: “Tiếng đó bảo tôi: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với
ngươi đây”. “Một Thần Khí đã nhập vào tôi, đúng như lời Người đã phán với tôi,
và làm cho chân tôi đứng vững, và tôi đã nghe tiếng Người phán với tôi” (Ed 2,
1-2; 3, 24).
Các ngôn sứ đều công
nhận có một sức mạnh từ bên trong tác động trên họ, thúc đẩy họ nói, ngay cả
khi tính mạng có thể bị đe doạ:
“Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con
đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng (...). Có lần
con tự nhủ: "Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà
nói nữa." Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong
xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20,
7-9).
Các ngôn sứ vẫn biết
rằng ngôn từ mà họ nói đều không phải là của họ:
“Sư tử đã gầm lên: ai mà không sợ hãi? Đức
Chúa là Chúa Thượng đã phán, ai chẳng nói tiên tri? Sa-ma-ri đồi trụy sẽ bị
diệt vong” (Am 3, 8).
Sau thời gian lưu đầy,
Thần Khí Chúa còn được nhìn nhận như cội gốc của đời sống luân lý và đạo đức
của tín hữu. Vì thế mà tác giả Thánh Vịnh xin Chúa đừng cất đi khỏi họ thần khí
của Người:
“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng
trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con
không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv
51 (50), 12-13).
Chính Thần Khí ngự trong
tâm hồn người công chính và ban cho họ sức mạnh để sống một đời thánh thiện:
“Điều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện, bởi
Người là Thiên Chúa của con. Xin thần khí tốt lành của Chúa dẫn con đi trên
miền đất phẳng phiu” (Tv 142 (143), 10) ;
Các ngôn sứ vẫn thường
nói rằng chỉ có Thần Khí mới có thể tái tạo lề luật và sự công chính, và ban
cho con người sự bén nhạy mới mẻ đối với Lời Chúa và Giao Ước của Người. Được
tái sinh bởi Thần Khí, dân Do-thái nhận biết Thiên Chúa của mình và bước đi
trong đường lối Người:
“Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các
ngươi (...) Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các
ngươi” (Ed 36, 27-28) .
Một kinh nghiệm tâm linh
được diễn tả bằng ngôn
ngữ biểu tượng
Thiên Chúa không “nói”
trực tiếp với con người, nhưng bởi Thần Khí, Người “nói” hay đúng hơn “gợi
hứng” cho các ngôn sứ. Những gì chúng ta vừa rảo qua trên đây chứng tỏ Thiên
Chúa đã dùng nhiều cách để “nói” với con người. Để diễn tả kinh nghiệm tâm linh
của một “lời được linh hứng”, ta đã thấy các tác giả Sách Thánh hay nói
tới “thị kiến”, “giấc mộng” hoặc “linh hứng
bên trong”. Đối với Mô-sê, các tác giả còn diễn tả linh hứng của ông như một
cuộc “diện kiến”, giáp mặt thực sự với Thiên Chúa. Lối nhân-hình-hóa này là một
cách để người Do-thái nhấn mạnh về sự
thân mật đặc biệt với Thiên Chúa và uy quyền của Lời Người:
“Hãy nghe Ta nói đây! Nếu trong các ngươi có
ai là ngôn sứ, thì Ta, Đức Chúa, Ta sẽ tỏ mình ra cho nó trong thị kiến, hoặc
sẽ phán với nó trong giấc mộng. Nhưng với Mô-sê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà
Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn,
và hình dáng Đức Chúa, nó được ngắm nhìn. Vậy tại sao các ngươi không sợ nói
động đến Mô-sê, tôi tớ Ta” (Ds 12, 6-8)?
Nhưng đa số cách diễn tả
“lời linh hứng” không được xác định rõ: “Đức Chúa phán với ông Áp-ram: Hãy rời
bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St
12,1).
Đôi khi Lời như được sử dụng cách gần gũi với tâm lý bình thường,
như sự khôn ngoan của Thiên Chúa làm việc trong tâm hồn con người:
“Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi,
hỡi con cái loài người. (...) Nghe đây, ta sẽ công bố những lời cao quý, môi ta
sẽ thốt lên những điều ngay thẳng” (Cn 8, 4-6).
“Giờ đây, hỡi các con, hãy nghe ta. Phúc thay
người bước theo đường lối ta chỉ bảo. Muốn nên khôn, phải nghe lời nghiêm huấn,
đừng bao giờ gạt bỏ. Phúc thay người lắng nghe ta dạy, ngày ngày canh thức
trước cửa nhà ta, túc trực ở ngay lối ra vào. Vì gặp được ta là gặp sự sống, và
hưởng ân lộc Đức Chúa ban cho” (Cn 8, 32-35).
“Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho
tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi” (Kn
7, 7; x. Kn 8).
Vẫn luôn luôn là một
linh hứng bên trong, một sự thông hiểu, hay một sự khôn ngoan thiêng liêng chỉ
dạy cho biết phải sống thế nào.
“Trong vương quốc của ngài, có một nhân vật
mang nơi mình thần khí của các bậc thần thánh (...) người ta gặp thấy nơi nhân
vật ấy sự sáng suốt, thông hiểu và khôn ngoan sánh được với sự khôn ngoan của
các thần” (Đn 5, 11).
“Pha-ra-ô nói với ông Giu-se: "Sau khi
Thiên Chúa đã cho ông biết tất cả những điều ấy, không ai thông minh và khôn
ngoan như ông” (St 41, 39).
Mỗi tác giả Sách Thánh,
đã dùng một ngôn ngữ, với ít nhiều tưởng tượng, biểu tượng, ảnh hưởng của nền
văn hóa riêng mà diễn tả linh hứng của họ. Điều quan trọng, chính là mỗi người,
từ Áp-ra-ham, Gia-cóp, Mô-sê, đều nhận thức rằng Thiên Chúa “nói” với họ. Lời
Chúa đôi khi khiến họ làm những việc ngoài ý muốn. Hơn nữa, sự gặp gỡ, “thông
hiệp” với Thiên Chúa hằng sống, luôn đảo lộn cả cuộc sống với những dự tính của
họ:
“Ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia: "Tôi
không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là
người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi
tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi: "Hãy đi tuyên sấm
cho Ít-ra-en dân Ta” (Am 7, 14-15).
Và bất kể mọi hình thức
của cuộc đối thoại này, những người được linh hứng không bao giờ tự nhận Lời đã
hoàn toàn do sáng kiến Thiên Chúa là của mình. Nhưng họ xác tín rằng Thiên Chúa
không bao giờ vắng mặt trong lịch sử đời họ, Người hiện diện ở mọi nơi, nhất
là trong tim con người. Những gì họ diễn tả theo văn hóa Do-thái, có thể không
thích hợp với tâm thức Tây Phương của chúng ta. Ta có thể bị “dội” bởi cách họ
mô tả một Thiên Chúa hầu như lúc nào cũng “can thiệp” vào mọi sự, làm như con
người chỉ còn là một nhân vật “múa rối” và Thiên Chúa chính là người “giật dây”
trong mọi tình huống.
Đúng thế, một số thành
ngữ nếu hiểu theo nghĩa đen, nếu không đặt chúng trong môi trường văn hóa riêng
của tác giả, ta có thể cho là phi lý! Như khi ông No-e đóng tàu xong và đem mỗi
loại súc vật một cặp lên tàu, tác giả viết: “Thiên Chúa đóng cửa sau khi Noe
lên tàu” (St 7, 16)!
Ta không nên ngạc nhiên
về lối viết nhân-hình-hóa này thường được dùng trong Cựu Ước, đó là cách người
Đông Phương dùng để nói lên sự quan tâm, sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi
biến cố của con người. Trong Tân Ước,
tác giả sách Khải Huyền đã không ngần ngại “đặt vào miệng” Thiên Chúa:
“Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ” (Kh 3, 20).
Thật ra, kiểu nói đặc
biệt theo văn hóa Do-thái, luôn được dùng để diễn tả một kinh nghiệm tâm linh.
Khi các tác giả Sách Thánh viết “Thiên Chúa nói với ông No-e”, “Thiên Chúa bước
đi, gõ cửa, đóng cửa…”, họ hiểu hơn ai hết rằng Thiên Chúa siêu việt và duy
nhất, Người không có miệng lưỡi, cũng không có chân tay, như những tượng thần
do tay người làm ra. Nhưng họ dùng ngôn từ biểu tượng, sánh với những tương
quan của con người, chỉ vì con người chúng ta không thể diễn tả cách khác hơn.
Trong truyền thống ki-tô hữu, các nhà thần bí cũng thường dùng thứ ngôn ngữ
biểu tượng, để diễn tả một kinh nghiệm tâm linh “khôn tả”, một cuộc đàm đạo nội
tâm với Thiên Chúa.
Những cách thế linh
hứng, nói lên sự tế nhị và huyền nhiệm của tương quan giữa Ơn Thánh, việc khởi
xướng của Thiên Chúa, tác động của Thần Khí và tự do của con người. Con người
là một hữu thể tự do mà Thiên Chúa không thể cưỡng ép. Nhưng chính Người đã
lấp đầy khoảng cách giữa siêu việt tính vô hình của Người và bản chất hữu hạn
của con người, bởi ơn ban của Thần Khí, Đấng linh hứng, soi sáng lương tâm, con
tim hay tâm hồn con người.
Để diễn tả sự hợp tác
nhiệm mầu giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thần Khí Chúa và tinh thần của con
người, mà thánh Phao-lô gọi là động lực nội tâm, là hơi thổi của Thần Khí.
“Thần Khí Chúa hợp tác với tinh thần con người”: nói cách khác, Thiên Chúa
không bao giờ để con người thay thế mình! nhưng Người thiêu đốt lòng người,
soi sáng trí thông minh và thêm sức cho ý chí con người. Đó chính là điều mà
các tác giả Sách Thánh nói nột cách giản dị khi họ viết: “Chúa phán”.
Linh hứng,
một đặc sủng với nhiều
cách thể hiện khác nhau
Ta đã nhận thấy tác động
của Thần Khí rất khác nhau. Vì vậy mà “linh hứng” còn rộng rãi hơn đặc sủng đã
ban cho “tác giả” Sách Thánh. Thần Khí Chúa có thể chọn một người để họ kiện
toàn một vài hành động, có khi khiêm tốn, có khi mang tính cách quyết định cho
lịch sử dân Người. Cũng có trường hợp, nhất là đối với các ngôn sứ, một “linh
hứng phải nói”. Ngôn sứ là những người thông ngôn cho Thần Khí, và hiệu quả của
linh hứng là việc họ tuyên bố những “lời sấm của Chúa”, để giáo huấn dân
Người.
“Linh hứng trong văn viết” chỉ là một khía
cạnh của linh hứng trong trọn bộ Kinh Thánh! Quả là sai lầm nếu ta thu hẹp linh
hứng vào duy một thời kỳ có chữ viết. Vì “lời”, trước khi được viết thành chữ,
thì đã được thực hiện trong cuộc sống. Với con người của Kinh Thánh, những
phát-ngôn-viên chính của Thiên Chúa là các ngôn sứ, nhà hiền đức, tư tế, mỗi
người diễn tả cách khác nhau. “Lề Luật (hay giáo huấn) sẽ không thiếu nơi tư
tế, lời khuyên bảo nơi nhà hiền đức, và lời nơi các ngôn sứ” (Gr 18, 18).
Ta có thể phân định ra
ba thể cách linh hứng: “linh hứng để hành động”, mà ta có thể xem như linh hứng
mục vụ, chính linh hứng này thúc đẩy các mục tử hay người lãnh đạo của dân
Chúa; “linh hứng bằng lời nói”, cho các ngôn sứ loan truyền Lời Chúa; và “linh
hứng bằng văn viết” của nhiều người, tiếp nối và kiện toàn hai loại linh hứng
trên thành văn bản. Cả ba hình thức trên tạo thành toàn thể linh hứng trong
Kinh Thánh.
Một Lời để sống,
chứ không phải một sự
thật để chiêm ngưỡng
Linh hứng là một lực đẩy
của Thần Khí tác động vào toàn thể con người. Người công chính, kẻ có lòng tin,
trước hết không phải là kẻ tìm chiêm ngưỡng màu nhiệm Thiên Chúa, cho bằng
“nghe” tiếng gọi của kế hoạch tình yêu Người. Trong Kinh Thánh, nghe, lắng nghe,
luôn luôn quan trọng hơn “nhìn, thấy”.
“Nghe đây, Ít-ra-en!” Tôn giáo trong Kinh
Thánh là tôn giáo của lắng nghe, của hành động, hơn là hiểu biết: Biết Thiên
Chúa, đối với một người Do-thái, không phải là có một ý tưởng về Người, nhưng
là làm một kinh nghiệm về hành động của Thiên Chúa đối với dân Người. Điều ưu
tiên cho con người trong Kinh Thánh, không phải sự hiểu biết Thiên Chúa bằng
trí tuệ, mà là một kinh nghiệm cụ thể, thiết yếu về một Thiên Chúa đang dấn
thân trong lịch sử và linh hứng trong con tim loài người.
Văn hóa Do-thái khác xa văn hóa của Tây Phương chúng ta. Ảnh hưởng
văn hóa Hy-lạp và La-mã, chúng ta thường diễn tả bằng những ý tưởng trừu tượng,
trong khi các tác giả Sách Thánh luôn diễn tả bằng những hình ảnh và cách nói
cụ thể. Như về người mục tử: “Tôi đây là mục tử của bầy chiên của tôi” (Ed 34,
15) hay “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt, chính là Đấng đã tác thành ngươi,
tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh” (Is 54, 5). Thầy Giê-su đã tỏ lộ Cha
Mình và kế hoạch yêu thương của Người, bằng hình ảnh, bằng dụ ngôn trong đời
thường, nhiều hơn là bằng những định nghĩa giáo điều.
Với dân Hy-lạp, sấm của
thần thánh là những chân lý được biểu lộ bởi sự hiểu biết của trí tuệ. Tâm thức
này đã ảnh hưởng trên truyền thống của các Giáo Phụ, và thần học thời Trung
Đại. Vì thế, nơi thánh Tô-ma A-qui-nô, vai trò của ngôn sứ chủ yếu là về mặt
trí tuệ: ông ta nhận từ Thiên Chúa những sự thật còn được giấu ẩn, để chuyển
tới sự hiểu biết của con người. Do đó có xu hướng lẫn lộn “mạc khải” những chân
lý và “linh hứng”, mà xem các tác giả Kinh Thánh chỉ là những người “chuyển đạt
mạc khải” và chân lý.
Điều này cho ta thấy rõ
hơn về tầm quan trọng của linh hứng bằng văn viết, vào thời Trung Đại, một số
Giáo Phụ chú giải hầu như hoàn toàn không biết đến tên tác giả “trần thế”! Vì
cho rằng Kinh Thánh là Lời trực tiếp của Thiên Chúa. Mọi lời trong Sách Thánh
đều do Thiên Chúa phán ra! Và nếu gặp những đoạn khó có thể rút ra một sứ điệp
thiêng liêng… thì nhà chú giải tìm cầu cứu trong các “ẩn dụ” để cố gắng phỏng
đoán ra một ý nghĩa ẩn chứa sau mỗi từ trong đoạn văn ấy.
Xưa kia các Giáo Phụ có khi còn dùng những cách diễn tả để người ta
hiểu rằng Kinh Thánh như một bài chính tả do Thiên Chúa đọc ra. Thánh
Au-gus-ti-nô đã chẳng nói Kinh Thánh là một lá thư từ trời gửi xuống đó sao?
Còn thánh Giê-rô-ni-mô xem tác giả các Sách Thánh như những dụng cụ của Thiên
Chúa. Kinh Coran được đọc cho Ma-hô-mét viết, cũng chính là quan điểm của Hồi
Giáo. Nơi các anh em tin lành cũng như nơi đa số tín hữu công giáo, cho tới đầu
thế kỷ 19, quan điểm này vẫn được nhiều người tin theo.
Các nhà chú giải hiện
đại nhắc nhở rằng: chúng ta không thể không biết đến vai trò của “tác giả trần
thế”. Thiên Chúa là một nhà mô phạm rất kiên trì. Người từ từ hé mở kế hoạch
yêu thương của mình, bằng cách tôn trọng cá tính của người viết, tài sử dụng
ngôn ngữ, với sự nhạy cảm của tác giả, và Thiên Chúa đã khôn khéo thích ứng sứ
điệp của Người vào văn hóa của những người đón nhận sứ điệp đó. Chính qua sự
phong phú cũng như giới hạn của tác giả, sự tiến hóa chậm chạp trong quan điểm
của họ về Thiên Chúa, mà chúng ta được mời gọi thẩm định Lời Chúa đang còn phải
vạch một lối đi xuyên qua cái vỏ dầy cộm của con người. Một lần nữa, Lời Chúa
không từ trời rơi xuống. Chúng ta cần biết tôn trọng Thiên Chúa, vì Thần Khí
Người chính là nguồn linh hứng, và tôn trọng tự do của con người.
Chính vì vậy, trong một
đoạn Kinh Thánh, ta chỉ có thể xem là “linh hứng” những gì liên quan đến kế
hoạch tình thương của Thiên Chúa cho con người, chứ không phải toàn bộ trang
tường thuật, có thể bao gồm những sai lầm về lịch sử hay khoa học. Sai lầm của
những người theo chủ thuyết cơ bản, là thần thiêng hóa cả môi trường văn hóa
xã hội, là lẫn lộn vỏ bọc với cốt lõi của sứ điệp, thay vì thẩm định hoa trái, sứ
điệp mà nó cưu mang. Thầy Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, đã thích ứng với văn hóa
và ngôn ngữ dân Do-thái của thời đại mình sống, mà tỏ lộ thánh ý Cha.
Nếu Hiến Chế Tín Lý về
Mạc Khải của Thiên Chúa đã ghi rõ rằng “Những gì chứa đựng trong Kinh Thánh,
đều được viết ra dưới sự linh hứng của Thần Khí”, thì đồng thời Hiến Chế cũng
nhấn mạnh về sự tự do của tác giả, họ không chỉ đơn thuần là dụng cụ thụ động:
“Nhưng để viết các sách thánh, Thiên Chúa đã chọn những người và dùng họ trong
khả năng và phương tiện của họ, để khi chính Người hành động trong họ và qua
họ, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ
viết những điều đó thôi” .
Không biết đến bối cảnh
văn hóa xã hội của các tác giả, có thể diễn giải sai sứ điệp của họ, và rơi vào
con đường lệch lạc của chủ thuyết cơ bản cực đoan.
“Tuy nhiên vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa đã
nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy, nên để thấy rõ điều
chính Người muốn truyền đạt cho chúng ta, nhà chú giải Kinh Thánh phải cẩn
thận tìm hiểu điều các thánh sử thực sự có ý trình bày và điều Thiên Chúa muốn
diễn tả qua lời lẽ của họ. Ðể tìm ra chủ ý của thánh sử, giữa những phương pháp
khác, cũng cần phải xét đến văn loại” .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét