Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI ? CHƯƠNG 1


MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI ? CHƯƠNG 1


CHƯƠNG 1
MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI ?
Linh hứng và tính cách lịch sử của “Lời”
Ngay từ nhỏ, mỗi khi nghe các tín hữu nói đến “Lời Chúa” đã làm tôi phải suy nghĩ. Và sau này khi mới bắt đầu đọc Sách Thánh, tôi vẫn luôn đặt vấn đề với những kiểu nói: “Thiên Chúa phán bảo Áp-ra-ham”, “Thiên Chúa phán bảo Mô-sê”, “Sấm ngôn của Đức Chúa” …! Hầu như “phán bảo” chính là một trong những đặc tính của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, nếu so sánh với với các tượng thần khác: “Có mắt có miệng, không nhìn không nói” (Tv 115, 5-7; Br 6, 7).
Tôi tự hỏi: Thiên Chúa, chẳng ai được thấy Người! Làm sao Người có thể phán bảo hay nói với con người được? Làm sao người ta dám nói: “Thiên Chúa nói với tôi thế này thế kia?” Tôi xem đó như một sự dối trá, hay đúng hơn chỉ là một ảo tưởng của con người, trong sự cô đơn của bản tính hay chết, đã sáng chế ra một đối tác thần thiêng trong tưởng tượng, rồi tạo ra những vấn nạn và những giải đáp.
“Lời Chúa!” Chúng ta đã quá quen thuộc với kiểu nói này, đến nỗi không còn nhận ra cái lạ lùng của nó! Mặc dù theo kinh nghiệm chung, thường chính là sự im lặng của Thiên Chúa. Giữa khung cảnh hỗn độn của tiếng nói và âm thanh trong thế giới hiện đại của chúng ta, Thiên Chúa hầu như không “lắm lời”!
Vậy các tác giả Sách Thánh muốn nói gì khi rất thường xuyên dùng kiểu nói “Lời Chúa”? Vì một dân thờ độc thần cách hết sức khắt khe, với khái niệm tuyệt đối về sự siêu việt của Thiên Chúa, họ thừa biết rằng Đức Chúa không có miệng như con người, và con người không ai dám nói rằng đã thấy mặt Chúa. Vậy làm sao tác giả Kinh Thánh dám viết: “Đức Chúa đàm đạo với ông Mô-sê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33, 11).
Họ muốn gì khi dùng những cách nói: “Đức Chúa phán bảo Áp-ra-ham!”, “Đức Chúa phán bảo Mô-sê!”, giống như Thiên Chúa nói chuyện cách thân tình với con người? Phải chăng họ cho rằng Áp-ra-ham, Mô-sê hay Ê-li-a đã “nghe tiếng Chúa”, trong bụi cây rực lửa, trên núi, trong cơn giông hay trong ngọn gió hiu hiu? Những người viết Sách Thánh, phải chăng đã viết theo lời Chúa đọc, giống như Ma-hô-mét nhận kinh Co-ran?
Thiên Chúa nói với con người thế nào? Người giao tiếp với con người thế nào? Làm sao Đấng Vô Cùng có thể gặp sự “có cùng” của con người? Người nói bằng ngôn ngữ nào? Nhiều người đã chẳng có xu hướng “làm cho các thần thánh của họ nói” bằng chính những lời lẽ của họ đó sao? Hàng ngàn năm nay, người ta đã chẳng làm cho Chúa nói, ngay cả để xúi giục con người lâm chiến, tàn sát kẻ thù, vì “vinh quang cao cả” của Chúa đó sao!
Đó là cả một vấn đề về Mạc Khải được đặt ra ở đây: nó cũng là vấn đề nền tảng của Do-thái-Ki-tô-giáo. Và cách chúng ta trả lời cho những câu hỏi trên kia, một phần nào đó, sẽ ảnh hưởng đến cách đọc Kinh Thánh của chúng ta (theo chủ thuyết cơ bản hay lệ thuộc vào từ chương), và cả quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa (Thiên Chúa của thiên mệnh hay Thiên Chúa can thiệp vào mọi sự).
Thật ra, môn học về ngôn ngữ Do-thái giúp chúng ta hiểu rằng hạn từ “lời” thực sự không có cùng một ý nghĩa đối với người Do-thái như đối với người Âu Châu. Với người Do-thái, cụm từ “Lời của Chúa” không phải là một “cuộc trò chuyện”. Từ dâvar trong tiếng Do-thái mà ta dịch là “lời” có rất nhiều nghĩa: một câu chuyện, biến cố đã xảy ra hay một tường thuật. Hiểu như thế thì Xuất Hành là một Lời Chúa. Lưu đày cũng là một Lời Chúa .
Trong Tin Mừng Lu-ca, ta có thể đọc: “Khi các thiên sứ từ biệt mục đồng để về trời, các bạn mục đồng bàn nhau: “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ ra cho ta biết”, - theo nguyên ngữ: “như lời đã được thực hiện” (Lc 2, 15; cũng xem Lc 1, 65; Cv 10, 22. 37).
Và tiếp sau đó: “Còn bà Ma-ri-a, thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”, - theo nguyên ngữ: “…ghi nhớ những lời ấy và tìm hiểu ý nghĩa trong lòng” (Lc 2, 19).
Khái niệm về “Lời” trong ngôn ngữ Do-thái thật khác xa với tâm thức Hy lạp & La mã của chúng ta, thường chỉ xem “lời” như một âm được phát ra thành tiếng, một tiếng nói, lời nói.
Lời Chúa phát sinh từ các biến cố và từ lòng người
Trong Sách Thánh, Lời Chúa không từ trời vọng xuống. Nếu, một cách nào đó, người ta có thể nói là Thiên Chúa tỏ mình, Thiên Chúa “nói” qua vật thụ tạo của Người … thì cũng chính trong những biến cố đã xảy ra mà Lời Chúa được phát sinh. Lời Chúa được cấu tạo từ từ. Trong lịch sử Kinh Thánh, Thiên Chúa tỏ mình qua những biến cố lịch sử và qua lòng dạ con người. Chính vì vậy mà tôi luôn do dự khi giới thiệu Kinh Thánh như “Lời của Chúa”! Tôi thích nói Sách Thánh là lời của nhiều người mà qua đó chúng dần dần diễn tả một Lời, một sứ điệp của Thiên Chúa.
Thiên Chúa tỏ mình qua những biến cố mà những người được Thần Khí Chúa linh hứng, sẽ giải thích để loan truyền một sứ điệp, một Lời của Chúa. Lời và linh hứng là như những chìa khóa để hiểu ý nghĩa trong Kinh Thánh về Lời Chúa. Ngay từ bài tường thuật đầu tiên trong sách Sáng Thế, Lời Chúa đã luôn kết hợp với “hơi thở” của Chúa, với Thần Khí (ruah). Ở đâu phát sinh ra Lời, thì ở đó Thần Khí cũng thổi hơi.
“Muôn loài Ngài dựng nên, phải phụng thờ Ngài!  Ngài phán, chúng liền xuất hiện. Ngài gửi sinh khí tới,  chúng được tác thành. Tiếng Ngài phán ra nào ai chống nổi”! (Gđt 16, 14).
Và khi Lời Chúa nhập thể nơi Đức Giê-su, Ngôi Lời, là với tất cả sức mạnh sáng tạo của Thánh Linh. Lời của Người sẽ là “Thần Khí và Sự Sống”.
Qua dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc tuyển chọn, Thiên Chúa thôi thúc nhiều vị trung gian, được tác động cách đặc biệt bởi Thần Khí Người, như Áp-ra-ham, Mô-sê, các ngôn sứ, các nhà khôn ngoan, hiền triết… họ đã diễn giải ý nghĩa sâu xa những biến cố lịch sử của dân và thẩm định một sự hiện diện sinh động của Thiên Chúa. Những biến cố kia trở thành những Lời của Chúa, những sứ điệp dễ hiểu để chuyển đạt tới toàn thể dân chúng.
Thiên Chúa tỏ mình dần dần theo nhịp tiến của lịch sử con người Ít-ra-en là một dân tộc đã từ từ khám phá ra, qua những biến cố lịch sử bi hùng của mình, một vị Thiên Chúa luôn yêu thương, quan tâm đến vận mệnh của họ và không ngừng mời gọi họ đi vào tương quan, mà Sách Thánh gọi là Giao Ước với Người, để được hướng dẫn và giải thóat. Tóm lại, Người là một vị Thiên Chúa thốt lên “lời”, tự tỏ mình trong mọi tác động. Qua một chuỗi những biến-cố-lời, Thiên Chúa vén mở từng tí một, kế hoạch yêu thương của Người, về vận mệnh và cùng đích lịch sử của con người. Điều này giải thích tại sao trong Kinh Thánh toàn là những câu chuyện đầy chất “người”, từ việc cưới hỏi, chiến tranh, nổi loạn, tình yêu ngang trái, phản nghịch. Tất cả những gì kết dệt nên cuộc sống thường ngày của con người, đều là nơi Mạc Khải, là Lời của Chúa. Lời này không phải là một thông tin về Thiên Chúa chỉ cốt thoả mãn tính hiếu kỳ thuần tuý về mặt kiến thức, nhưng là một Mạc Khải bằng hành động của Người.
Con người trong Kinh Thánh khám phá ra mầu nhiệm Thiên Chúa qua những gì Người đã thực hiện cho loài người. Trước câu hỏi: “Thiên Chúa là ai?”, trẻ em Do-thái sẽ không trả lời như trong sách giáo lý cũ xưa của chúng ta: “Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, trọn tốt trọn lành, ở khắp mọi nơi…”, nhưng: “Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi là Đấng đã đưa chúng tôi ra khỏi Ai-Cập” .
Kinh Thánh luôn liên quan mật thiết với tôi, vì đó là một cách ưu tiên, một cuốn “sách của sự Gặp Gỡ”. Trong đó tôi khám phá biết được Thiên Chúa nói với con người như thế nào, Thiên Chúa nói với tôi ngày nay ra sao. Tôi đọc Kinh Thánh, vì trong đó tôi khám phá ra chính mầu nhiệm đức tin của tôi. Để sống ngày hôm nay của Chúa, tôi phải khám phá ra ngày hôm nay của Kinh Thánh.
Cùng với việc “linh hứng”, chúng ta phải thêm ngay chìa khóa thứ hai để hiểu Lời Chúa trong Sách Thánh, đó là “lịch sử tính”. Ta nói rằng Kinh Thánh được “linh hứng” vì chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho các tác giả Kinh Thánh, nhưng vẫn tôn trọng văn hóa, cách diễn tả, và nhất là bước tiến chậm chạp của họ về mặt tâm linh.
Mạc Khải không từ trời rơi xuống. Không có “đường giây nóng” giữa trời và đất để Thiên Chúa đọc cho chúng ta những chân lý có sẵn. Mạc Khải là kết quả của một cuộc đối thoại. Kinh Thánh là một thực tập đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, nó tùy thuộc vào con người chúng ta, cũng như một bà mẹ dạy dỗ con, bà phải bập bẹ theo ngôn từ của con mình. Thánh Phao-lô nói: luật Mô-sê chính là môn sư phạm cần thiết để dân Chúa tiến bước đến với Mạc Khải tối hậu nơi Đức Ki-tô, Lời Thiên Chúa nhập thể.
Qua bao thế kỷ, Đức Chúa của Ít-ra-en đã được xem là Thiên Chúa của tổ tiên toàn thể chi tộc: là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp. Một Thiên Chúa thường tỏ ra rất thiện chiến, dành quyền định đoạt cho những chiến thắng hay chiến bại của dân, lên án hay tiêu diệt kẻ thù, kể cả người già lão, thiếu phụ và trẻ em! Điều đó làm ta khó chấp nhận, bởi vì có sự cách biệt quá lớn về thời gian, chúng ta đọc Kinh Thánh, bằng tâm thức của con người trong thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay, những sự kiện đã xảy ra vào thời điểm của hơn hai mươi thế kỷ trước chúng ta!
Đây là cả vấn đề “lịch-sử-tính” của Lời Chúa. Thiên Chúa là một nhà mô phạm luôn kiên nhẫn, tôn trọng từng bước đi của con người. Chính qua lịch sử của họ mà con người, kể cả con người trong Kinh Thánh, dần dần thanh tẩy quan niệm của họ về Thiên Chúa và cách nhận biết hành động của Người trong đời mình. Ta có thể nói rằng Kinh Thánh vừa là Lời của Chúa vừa là lời của con người.
Lời Chúa không phải là một mớ những chân lý có sẵn, từ trời rơi xuống, một “kho chứa”, một truyền thống khô cứng, được bảo tồn cách tôn nghiêm và được lặp lại cách trung thành. Nhưng trong Sách Thánh, Lời Chúa là một cuộc khám phá từ từ ra một Thiên Chúa sống động, tự tỏ mình theo nhịp bước của lịch sử. Người để cho Lời của Người nẩy sinh nơi từng chuỗi biến cố, trong con tim, trong ngôn ngữ con người, như chúng có thể cảm nghiệm, có thể nói lên được. Chính điều này minh chứng rằng “Lời” luôn sinh động, luôn được cưu mang.
Kinh Thánh, một truyền thống sống động của lịch sử một dân tộc
Bạn có thể nói: Sách Thánh phức tạp quá! Mà đúng vậy, người ta có thể cảm thấy bị mất hút trong tất cả những cuốn sách, to, nhỏ, lại chẳng theo một thứ tự nào, mà từ lối hành văn đến ngôn từ, dường như quá xa cách với văn hóa, với những âu lo bận rộn của chúng ta hiện nay.
Ta nên nhớ rằng Sách Thánh, trong nhiều thế kỷ trước kia, đầu tiên đã chỉ là một truyền thống “truyền khẩu” rộng rãi trong dân gian. Giữa thời kỳ di dân của Áp-ra-ham (khoảng năm 1850 tr. CN), thời kỳ Xuất Hành với Mô-sê (khoảng năm 1250 tr. CN), và những văn bản đầu tiên được ghi chép dưới triều đại Đa-vít và Sa-lô-môn (khoảng năm 900 tr. CN), ta thấy tất cả có hơn tám thế kỷ truyền khẩu! Nói cách khác, một biến cố như việc Xuất Hành ra khỏi Ai-Cập, đã chỉ được ghi chép lại sau 350 năm truyền khẩu!
Là một dân du mục, các chi họ Do-thái thời ấy không có sách vở, cũng chẳng có đất đai cố định. Nhưng chỉ có một điều là họ đã không hề bị “quá tải” về những tin tức, để thường xuyên sống khép kín trong những tin tức thời sự hàng ngày như chúng ta hôm nay! Trái lại, họ đã có một “bộ nhớ” cộng đồng rất sống động, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Chiều đến, xum họp trong lều trại gia đình, hoặc quây quần chung quanh đống lửa cộng đoàn, những “người thuật chuyện” thường hâm nóng “bộ nhớ cộng đồng” bởi tài tường thuật những biến cố lịch sử dân tộc, với tất cả tình tiết, đặc biệt theo âm điệu nhịp nhàng của nó.
Một cách nào đó, việc sáng chế ra ngành in ấn đã hủy hoại đi “bộ nhớ vĩ đại” của tổ tiên chúng ta, nó đã có khả năng lưu truyền cách trung thực, qua nhiều thế hệ, biết bao bài tường thuật, biết bao vần thơ, điệu hát. Cứ như thế, mỗi chi tộc lưu truyền mọi kỷ niệm của nguồn gốc, của từng biến cố quan trọng, vui buồn đã kết dệt thành lịch sử dân tộc cùng với tổ tiên họ. Mọi biến cố đều được kể lại, được diễn giải và hiện thực hóa không ngừng.
Không chỉ có một, nhưng rất nhiều truyền thống “truyền khẩu”. Theo dòng thời gian và lịch sử của những người du mục này, nhiều chi họ khác nhau qui tụ lại và thành lập những cam kết mới, nên họ đã phải “tùy cơ ứng biến” mà sắp xếp lại hoặc thêm vào những tường thuật các biến cố liên quan đến toàn thể bộ tộc nới rộng! Tuy vẫn giữ tên tuổi các tổ tiên cũng như những biến cố quan trọng của toàn dân (dân Ít-ra-en đã chưa bao giờ được thống nhất hoàn toàn, vì thế họ cũng sẽ chẳng bao giờ chịu đóng khung trong một truyền thống duy nhất!).
Thế nên, khi các ký lục thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn bắt đầu soạn thảo và ghi chép những tường thuật “truyền khẩu” kia thành văn bản, họ đã thu thập cả những chuyện kể đang lưu truyền trong các bộ tộc miền Bắc cũng như miền Nam. Và nhất là theo ánh sáng của niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất (thuyết “độc thần” đã dần dần được hình thành với thời gian), dưới sự linh hứng của Thần Khí, các ký lục đã cảm nhận được tác động của Thiên Chúa qua những biến cố kia. Một vị Thiên Chúa đã có sáng kiến tự tỏ mình, tự thông truyền, để đi vào tương quan với con người.
Sách Thánh, vì thế, không là tác phẩm của ông A, B hay C tự tay viết một lúc, nhưng là một cuốn sách vĩ đại của “toàn thể bộ nhớ”, của truyền thống sống động của cả một dân tộc, có thể nói đó thực sự là cả một “thư viện”, trong đó có những gia phả, lẫn lộn với những tường thuật về các kỷ niệm riêng của nhiều bộ tộc, về những cuộc giao tranh, những thắng bại, những ganh đua tranh chấp, những hy vọng cũng như thất vọng của dân tộc mình. Chúng là sản phẩm của rất nhiều người, đa số là vô danh. Hầu như toàn dân đều cùng ghi lại những gì họ đã trải qua, để nói lên quan niệm của họ về Thiên Chúa, ý nghĩa mà họ đã gán cho lịch sử của riêng mình và của toàn dân. Cứ thế, mỗi thế hệ lại thêm thắt, chỉnh sửa những văn bản thời trước, bằng cách thêm vào những gì họ vừa trải nghiệm. Cái di sản khổng lồ này luôn được đọc đi đọc lại, khiến nó có khả năng đối chiếu với niềm tin, với những xác tín của họ, trước những tình huống mới của cuộc đời và trước những nền văn hóa của mọi dân tộc khác.
Một dân tộc gương mẫu, một dân tộc rạng ngời
Nhưng chắc bạn sẽ hỏi tại sao lại ưu tiên chọn lịch sử dân này thay vì một dân tộc khác? Đúng là Thiên Chúa không thiên vị, và Thần Khí Người linh hứng trong tâm hồn mọi người. Có biết bao nền văn minh, có vô số sự khôn ngoan, hiền triết, tín ngưỡng khác nhau, minh chứng cho sự tìm kiếm ý nghĩa nơi con người đều được thôi thúc bởi Thần Khí. Nhưng Thiên Chúa, với sự tự do cao cả của Người, đã chọn một dân tộc du mục bé nhỏ này, làm nơi ưu tiên để từ từ vén mở căn tính và kế hoạch yêu thương của Người cho nhân loại. Cuộc đối thoại ưu tiên kia đã khiến cho dân tộc nhỏ bé này thành một dân tộc gương mẫu, một dân tộc rạng ngời. Qua dân tộc này, chính là toàn thể nhân loại đã được mời gọi đi vào cuộc đối thoại của tình yêu thương với Thiên Chúa duy nhất.
Ngay từ khi cuộc đối thoại khởi đầu trong lịch sử, với Áp-ra-ham, nó đã liên quan đến mọi người rồi: “Nhờ ngươi, mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 3). Thế nên, tôi đọc Sách Thánh, vì những trang sử dài của dân tộc này, là một lịch sử liên quan đến tôi và toàn thể nhân loại. Chính vì lý do này mà, đối với mỗi người chúng ta, Kinh Thánh vẫn luôn mãi còn là Lời Chúa.
Một “Lời” vẫn luôn còn là hiện thực
Thiên Chúa có còn nói với chúng ta hôm nay không? Đây mới là một câu hỏi quan trọng! Vì nếu ngày nay Người không nói với chúng ta nữa, thì việc Người nói trong quá khứ nào có gì quan trọng! Tác giả Kinh Thánh đã không ngần ngại viết rằng Lời Chúa không ngoài tầm tay của ta: “Nhưng Lời ở gần kề bên bạn, nó ở trong miệng, trong tim bạn, để bạn đem nó ra thực hành” (Đnl 30, 13-14).
Ta đã thấy rằng Sách Thánh là một sự đọc lại không ngừng những biến cố nền tảng của dân tộc được tuyển chọn. Văn liệu Talmud ngày nay của các giáo trưởng Do-thái vẫn còn tiếp tục kiểu “đọc lại” này. Việc hiện thực hóa Lời Chúa kiểu này có tầm quan trọng đặc biệt, đến nỗi các giáo trưởng gọi đó là “Luật truyền khẩu” của họ.
Chính Chúa Thánh Thần, qua dòng thời gian, cũng linh hoạt Giáo Hội và các tín hữu, làm họ có khả năng đọc, diễn giải và hiện thực hóa các sách Kinh Thánh như thế, nhưng nhất là biến cố Đức Ki-tô Giê-su. Thần Khí Thiên Chúa còn tiếp tục đi xuống chiều sâu của con người. Người linh hứng cho các tác giả Sách Thánh, và cũng chính Người, ngày hôm nay giúp chúng ta đọc lại lịch sử đời mình và lịch sử dân Chúa, như những nơi ưu tiên để “Người nói”.
Trong cuộc sống của mỗi tín hữu và của Giáo Hội, luôn có những biến cố mới, phát sinh và kéo theo nhu cầu cho sự cảm thông, cho sự giải thích Kinh Thánh một cách mới mẻ. Mỗi thế hệ, ki-tô hữu chúng ta đều được mời gọi để hiện thực hóa Tin Mừng, mà xưa kia đã không đề cập đến những vấn đề của thời hiện đại, như thụ thai trong ống nghiệm, gây chết êm dịu, qui chế của mạng viễn thông…
Vì nếu Lời Chúa đem đến cho đời ta một ý nghĩa, một hướng đi cho lịch sử, thì nó cũng cho phép chúng ta minh định những ứng dụng mới. Lời Chúa và những biến cố lịch sử làm giầu lẫn cho nhau. Lời Chúa soi sáng cho lịch sử, còn lịch sử giúp con người đào sâu ý nghĩa Lời Chúa. Sự hỗ trợ song phương nòng cốt này được Thần Khí Chúa hướng dẫn và đảm bảo cho sự liên tục và hoà hợp với Mạc Khải về căn tính con người và cùng đích của lịch sử.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều kết dệt bằng những biến cố: hạnh phúc, bất hạnh, gặp gỡ, tranh chấp, vui vẻ, thử thách, dự án với thất bại… Và rất thường khi chỉ một thời gian dài, sau khi biến cố xảy ra, dù quan trọng hay bề ngoài xem như vô nghĩa, mà mỗi người mới nhận ra rằng những biến cố kia, thật sự mang tính quyết định cho những ngày còn lại của đời mình. Được Thần Khí Chúa soi sáng, ta có thể cảm nhận được, trong chính những biến cố ấy, một sự Hiện Diện đã đem đến cho những khúc quanh của đời ta một ý nghĩa. Niềm tin chính là “ánh sáng nội tâm” đã vén mở ra ý nghĩa chân thật cho những gì chúng ta đã sống, nó chiếu sáng trên hiện tại và soi dẫn tương lai của ta. Tất cả những điều này có thể trở thành “Lời Chúa” cho mỗi người.
Vì nếu trong Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã tỏ lộ điều chính yếu trong kế hoạch yêu thương của Người, thì chúng ta cũng phải nhập cuộc để không ngừng hiện thực hóa, Lời mà Người đã tỏ lộ cho chúng ta, theo dòng lịch sử. Thánh Linh Chúa giúp Giáo Hội, và các tín hữu đọc Sách Thánh, để luôn làm nảy sinh từ đó một Lời hiện thực. Một thí dụ cụ thể: con người chúng ta đã phải đợi biết bao thế kỷ để hiểu được rằng tình-bằng-hữu mà Thầy Giê-su mời gọi mỗi người ki-tô hữu chúng ta, đòi hỏi phải bãi bỏ chế độ nô lệ!
Quả thật Kinh Thánh là một nguồn linh hứng vô tận. Cách đọc và hiểu Sách Thánh thay đổi, vì điều kiện sống và lương tâm con người không ngừng thay đổi, tiến hóa. Ta chẳng bao giờ có thể kết thúc việc đọc, tìm hiểu và đào sâu Kinh Thánh, để kín múc từ đó những luồng sáng mới. Thường xuyên đọc Sách Thánh sẽ giúp ta ý thức hơn sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời mình để qua đó nhìn ra tác động của Người trong thế giới.
Vào buổi đầu của Giáo Hội, chính Thánh Linh Chúa thúc đẩy những tín hữu tiên khởi và các Giáo Phụ đọc các Ngôn Sứ theo ánh sáng Biến Cố Đức Giê-su Ki-tô. Cả Thầy Giê-su cũng thế, sau biến cố Vượt Qua, khi gặp các môn đệ trên đường về Em-mau: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27).
Bám rễ sâu trong thái độ nghe trân trọng những khát vọng và những vết thương của con người thời đại, chúng ta không phải nói nhiều về Thiên Chúa, cho bằng nói “Lời Chúa” cho họ. Chúng ta được mời gọi, bằng trọn cuộc sống của mình, làm cho mọi người phát hiện ra rằng Lời Chúa là nguồn sáng và thẩm định, giúp con người thực hiện công việc Nhân tính hóa và Thiên tính hóa con người cách trọn hảo nhất.
Lời Chúa còn là Lời sáng tạo. “Mỗi ngày Thiên Chúa vẫn tác tạo nên tôi bằng chính bản thân tôi”, Emmanuel Mounier đã phải thú nhận như thế. Đón nhận, nghiền ngẫm và cầu nguyện Lời Chúa, là để mình được yêu thương, uốn nắn tùy theo cường độ tình yêu của Người.
Từ Công Đồng Va-ti-ca-nô II, các tín hữu đã ý thức hơn rằng Thiên Chúa không chỉ nói qua văn bản Sách Thánh, nhưng còn qua “mọi biến cố, với những lời nói liên quan mật thiết với chúng nữa” . Công Đồng còn yêu cầu các tín hữu là những người được Thần Linh Chúa ngự trị cần nên rất mực thận trọng chú ý đến những “dấu chỉ thời đại”, vì nó có thể là Lời Chúa cho chúng ta ngày nay.
Những điều kiện để thẩm định, trong những biến cố hay cuộc sống của các ngôn sứ hôm nay, đích thực cũng là một “Lời Chúa” như đối với các ngôn sứ và mọi nhân vật khác trong Sách Thánh xưa kia. Một niềm tin biết lắng nghe, sẵn sàng cởi mở cho Thần Khí Chúa, để “nhìn một cách khác” cuộc sống cá nhân hay cộng đoàn. Tín hữu không thể sống niềm tin của mình mà không học biết thẩm định sự Hiện Diện sinh động như “tiếng nói” của Thiên Chúa, tận chiều sâu cuộc sống hằng ngày của mình cũng như của cộng đoàn. Sứ vụ đầu tiên của Giáo Hội phải là một dân tộc biết lắng nghe, biết chấp nhận để Lời Chúa thúc giục. Sự đổi mới và phong phú của các cộng đoàn tín hữu tùy thuộc vào mức độ hướng mở đến với Thần Khí Chúa, chiêm ngắm, nghiền ngẫm, sống và hiện thực hóa Lời Người.
Chỉ có thái độ cùng-nhau-lắng-nghe Lời Chúa, mới cho chúng ta sự táo bạo để bắt tay vào một công việc mênh mông là hội-nhập-văn-hóa, để dám nói “một cách khác” về Thiên Chúa, Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội, Ơn Cứu Độ, các bí tích… trong sự hài hoà với những gì mà di sản của Tổ Tiên để lại cho chúng ta, với lòng biết ơn sâu xa đối với các vị tiền nhân.
Niềm tin của người ki-tô hữu hôm nay không đòi buộc phải ứng dụng mọi dữ kiện của những nền văn hóa trong Sách Thánh. Trái lại, niềm tin được tỏ ra như một sức năng động của cuộc sống, nó hướng dẫn cho sự hiện hữu của con người trong mọi thời đại. Chúng ta không bắt buộc phải chấp nhận quan điểm về nguồn gốc vũ trụ trong Kinh Thánh để tin vào Thiên Chúa Tạo Hoá. Đức Tin vượt trên mọi thể thức, mẫu mực.

NGUỒN : hdgmvn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét