Trang

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Mc 8,14-21: ''Một cái bánh'', ''nhiều bánh'' và ''phép lạ bánh hoá nhiều''






Một khi đã có Đức Giê-su hiện diện với các môn đệ thì không có gì phải lo lắng về của ăn.
Bản văn Mc 8,14-21
Bản dịch lấy trong: Tin Mừng Mác-cô Hy Lạp – Việt.
14Và các ông (các môn đệ) quên đem bánh theo; chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền.
15Người (Đức Giê-su) căn dặn các ông rằng: “Anh em hãy chú ý, hãy coi chừng men của những người Pha-ri-sêu và men của Hê-rô-đê.”
16Các ông bàn tán với nhau là các ông không có nhiều bánh.
17Biết thế, Người nói với họ: “Sao anh em lại bàn tán là anh em không có nhiều bánh? Anh em chưa nhận biết cũng chẳng hiểu ư? Sao lòng anh em vẫn còn chai đá thế? 18Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao, 19khi Thầy bẻ năm cái bánh cho năm ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mảnh vụn?”Các ông nói với Người: “Mười hai.” “20Và với bảy cái bánh cho bốn ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mảnh vụn?”Các ông nói [với Người]: “Bảy.” 21Người nói với các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”
Dẫn nhập
Đoạn Tin Mừng Mc 8,14-21 thuật lại câu chuyện xảy ra trên biển hồ Ga-li-lê sau khi Đức Giê-su và các môn đệ lên thuyền ở vùng Đan-ma-nu-tha (8,10), một nơi ở bờ phía tây biển hồ Ga-li-lê, và họ “đi qua bờ bên kia” (8,13). Nơi đến của chuyến đi là Bết-xai-đa, địa danh này được nói đến ở đầu trình thuật tiếp theo: “Họ đến Bết-xai-đa, người ta mang đến cho Người (Đức Giê-su) một người mù và nài xin Người để Người chạm vào anh ta…” (8,22).
Đoạn văn Mc 8,14-21 có nhiều chi tiết khá khó hiểu và lạ thường. Chẳng hạn, kiểu nói “chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14) muốn nói điều gì? Tại sao đang nói về “bánh” (artos), Đức Giê-su lại căn dặn các môn đệ: “Hãy coi chừng men của những người Pha-ri-sêu và men của Hê-rô-đê”? Danh từ “men” (zumê) ám chỉ điều gì nơi Hê-rô-đê và nơi những người Pha-ri-sêu? Tại sao các môn đệ lại bàn tán về việc “không có nhiều bánh”?
Trên bề mặt, xem ra câu chuyện chẳng có gì trầm trọng, tại sao Đức Giê-su lại quở trách các môn đệ nặng lời như thế? Trong Tin Mừng Mác-cô, đây là đoạn văn Đức Giê-su khiển trách dồn dập với một loạt từ ngữ được ghép với phủ định từ: “Không”. Độc giả ngạc nhiên khi ở giữa sách Tin Mừng Mác-cô (chương thứ 8, trên toàn bộ 16 chương của sách Tin Mừng) mà kết quả huấn luyện của Đức Giê-su, cũng như sự tiếp thu của các môn đệ chưa có gì khả quan. Theo nhận định của Đức Giê-su, các môn đệ là những người “chưa nhận biết”, “không hiểu” (8,17a), “chưa hiểu” (8,21). Lòng các ông vẫn còn “chai đá” (8,17b). Các ông “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (8,18). Những lời quở trách được nhấn mạnh thêm khi Đức Giê-su nói dưới hình thức câu hỏi, và trong đoạn văn, không có một lời giải thích nào từ phía các môn đệ.
Những lời quở trách nặng nề dành cho các môn đệ là điểm đặc thù trong Tin Mừng Mác-cô. Đối với độc giả, hành trình nhóm nhân vật “các môn đệ của Đức Giê-su” trong Tin Mừng này mang nhiều ý nghĩa. Đề tài này đã được phân tích trong bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (Mc 7,18) “Hành trình của các môn đệ” nói gì với độc giả? (http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2011/05/tim-hieu-tm-mc-anh-e...). Bài viết này đã đề cập đến đề tài “không hiểu”, “không biết” của các môn đệ trong đoạn văn Mc 8,14-21.
Bài chia sẻ sau đây chỉ bàn đến đề tài “bánh” (artos) trong đoạn văn Mc 8,14-21 bằng cách nối kết các ý tưởng: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14), lời bàn tán của các môn đệ về “không có nhiều bánh” (8,16.17) và hai phép lạ bánh hoá nhiều (Mc 6,42-44; 8,1-9) được Đức Giê-su nhắc lại trong lời chất vấn các môn đệ (Mc 8,19.20).
1. “Không có nhiều bánh” và “phép lạ bánh” 
 
Đề tài “bánh” xuyên suốt đoạn văn Mc 8,14-21. Thật vậy, trình thuật mở đầu bằng việc các môn đệ “quên đem bánh theo” và “chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14). Tiếp đến là lời bàn tán: “không có nhiều bánh” (8,16). Đức Giê-su nhắc lại tranh luận này trong câu tiếp theo (8,17) và quở trách các môn đệ nặng lời. Để minh họa lòng chai dạ đá của các môn đệ, Đức Giê-su đã nhắc lại hai phép lạ bánh hoá nhiều mà Người đã thực hiện trước đó (Mc 6,30-44; 8,1-9).
Đức Giê-su thực hiện phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ nhất cho năm ngàn người ăn (Mc 6,30-44). Phép lạ thứ nhất này kết thúc như sau: “42Tất cả đã ăn và đã được no nê. 43Họ thu lại những mảnh vụn được mười hai giỏ đầy cùng với cá còn dư. 44Những kẻ ăn [bánh] là năm ngàn người đàn ông” (6,42-44). Ở Mc 8,18-19, Đức Giê-su nhắc lại phép lạ này với các môn đệ bằng một câu hỏi. Người chất vấn các môn đệ: “18bAnh em không nhớ sao, 19akhi Thầy bẻ năm cái bánh cho năm ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mảnh vụn?” (8,18b-19a) Các môn đệ đã trả lời đúng câu hỏi này: “Mười hai” (8,19b).
Với kiểu hành văn tương tự, Đức Giê-su nhắc lại phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ hai ở đầu chương 8 (Mc 8,1-9). Đức Giê-su hỏi các môn đệ ở 8,20: “Với bảy cái bánh cho bốn ngàn người, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mảnh vụn?” Lần này các môn đệ cũng trả lời chính xác: “Bảy”. Con số này được nói đến trong phép lạ bánh hoá nhiều lần thứ hai (8,1-9). Người thuật chuyện cho biết ở 8,8-9: “8Họ đã ăn và đã được no nê, và họ thu lại những mảnh vụn còn thừa được bảy thúng. 9Có khoảng bốn ngàn người. Rồi Người (Đức Giê-su) giải tán họ.”
Như thế, có mối liên hệ giữa “một cái bánh trong thuyền” (8,14) với lời bàn tán “không có nhiều bánh”, cùng với “vô số bánh” trong hai phép lạ bánh hoá nhiều. Đức Giê-su đã nhắc lại hai phép lạ bánh hoá nhiều để soi sáng cho lời bàn tán “không có nhiều bánh”. Mạch văn cho phép hiểu: các môn đệ đã không nhớ hai phép lạ bánh hoá nhiều đã xảy ra trước đó, nên họ mới bàn tán về việc “không có nhiều bánh” trên thuyền. Hay nói chính xác hơn, các môn đệ nhớ rõ chi tiết hai phép lạ ấy (vì các ông trả lời đúng hai câu hỏi của Đức Giê-su ở 8,19-20), nhưng các ông chưa hiểu ý nghĩa của hai phép lạ bánh hoá nhiều. Các ông chưa nhận ra quyền năng của Đức Giê-su. Thật vậy, nếu như chỉ với “năm cái bánh và hai con cá” (6,38), Đức Giê-su có thể nuôi 5000 người ăn no nê, thì việc các môn đệ tranh luận “không có nhiều bánh” đang khi Đức Giê-su hiện diện với họ trên thuyền là bằng chứng hiển nhiên cho thấy rằng các môn đệ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe” (8,18).
2. “Chỉ có một cái bánh” và “không có nhiều bánh”
Như đã phân tích, mạch văn cho phép hiểu các môn đệ thực sự chưa nhận biết và chưa hiểu Đức Giê-su là ai. Đây cũng là tình trạng của cộng đoàn đón nhận Tin Mừng Mác-cô vào cuối thế kỷ I và tình trạng của độc giả qua mọi thời đại. Trình thuật Mc 8,14-21 nhằm soi sáng và mời gọi độc giả nhận ra quyền năng của Đức Giê-su và tín thác vào Người. Các môn đệ trong đoạn văn 8,14-21 bị quở trách nặng nề là những chi tiết quý giá cho độc giả. Bởi vì những lời quở trách trong bản văn giúp độc giả có cơ may hiểu đúng về Đức Giê-su, nhờ đó độc giả biết cách “thấy” và “nghe” Người, nghĩa là nhận ra ý nghĩa lời nói và việc làm của Đức Giê-su.
Đề tài “chưa biết”, “chưa hiểu”, “chưa tin” của các môn đệ trong đoạn văn Mc 8,14-21 còn thể hiện qua chi tiết tương phản: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14) và lời bàn tán về “không có nhiều bánh” (8,16). Đối với các môn đệ “một cái bánh” là không đủ, nên các ông lo lắng, bàn tán vì “không có nhiều bánh”, như thể sự hiện diện của Đức Giê-su trên thuyền chẳng giúp được gì cho họ.
Đối với các môn đệ “một cái bánh” là chưa đủ, cần có “nhiều bánh”. Ý tưởng này đã bị Đức Giê-su quở trách. Nghĩa là đối với Đức Giê-su, “một cái bánh” là đủ. Độc giả nhận ra rằng, nếu tin vào quyền năng của Đức Giê-su thì “một cái bánh” là đủ, vì hai phép lạ bánh hoá nhiều đã bày tỏ cách hiển nhiên quyền năng của Người. Vì vậy, nếu như các môn đệ tin vào Đức Giê-su và nhận ra Người là ai thì các ông sẽ không bàn tán về việc “không có nhiều bánh”. Ý tưởng chính của đoạn văn là mời gọi độc giả nhận biết về Đức Giê-su. Tin Mừng Mác-cô đã trình bày cách độc đáo đề tài này qua hai ý: (1) Đối lập giữa “một bánh” và “nhiều bánh” (8,14.15.16). (2) Kiểu nói lạ lùng: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14).
    a) “Một cái bánh” và “nhiều bánh”
Qua lời quở trách các môn đệ, Đức Giê-su muốn nói rằng “một cái bánh là đủ”, không phải lo lắng về chuyện “không có nhiều bánh” (8,16-17). Từ “nhiều” in nghiêng vì trong bản văn Hy Lạp không có từ “polus” (nhiều). Từ này được thêm vào vì danh từ “bánh” (artos) trong bản văn Hy Lạp dùng ở đối cách, số nhiều (artous). Dịch sát câu 8,16b: Các môn đệ bàn tán với nhau là “Các ông không có những chiếc bánh (artous ouk ekhousin)”. Để xuôi tiếng Việt, có thể dịch 8,16b: “Các ông không có nhiều bánh”. Từ “nhiều” không có trong tiếng Hy Lạp, nhưng cần thêm vào để diễn tả danh từ “bánh” ở số nhiều.
Chi tiết này quan trọng trong bản văn, bởi vì nếu dịch từ “bánh” ở số ít: “Các ông không có bánh” sẽ làm mất tương phản quan trọng “một bánh – nhiều bánh”, đồng thời làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Tại sao lại bàn tán là “không có bánh” trong khi đã có một chiếc bánh trên thuyền với họ. Vấn đề các môn đệ bàn tán không phải là “không có bánh”, nhưng là “không có nhiều bánh” vì đối với các ông, chỉ có một chiếc bánh trên thuyền là không đủ. Để hiểu đối lập giữa “một bánh” và “nhiều bánh”, cần tìm hiểu ý nghĩa kiểu nói lạ lùng: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền”.
    b) “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền”
Kiểu nói nhấn mạnh và lạ lùng: “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” (8,14) cho phép hiểu “bánh” theo nghĩa biểu tượng. Mạch văn cho phép đồng hoá “bánh” với “Đức Giê-su”. Nếu thay từ “bánh” bằng danh xưng “Đức Giê-su” thì câu văn vẫn có nghĩa: “Chỉ có một mình Đức Giê-su với các ông trên thuyền”. Ý tưởng này sẽ xuất hiện trong trình thuật Đức Giê-su biến hình trên núi (Mc 9,2-8). Sau trình thuật biến hình, người thuật chuyện kể: “Chợt nhìn quanh, các ông (Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an) không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su với họ” (9,8). Như thế “Chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” cho phép liên tưởng tới sự hiện diện của Đức Giê-su với các môn đệ trên thuyền. Nhưng đối với các môn đệ, xem ra sự hiện diện của Đức Giê-su là không đủ, nên mới có lời bàn tán. Họ lo lắng “không có nhiều bánh”, như thể Đức Giê-su không hiện diện với họ.
Sự đồng hoá giữa “bánh” và “Đức Giê-su” sẽ được thực hiện cách minh nhiên trong bữa tiệc ly. Chính Đức Giê-su là tấm bánh bẻ ra cho các môn đệ. Người thuật chuyện kể về bữa tiệc ly như sau: “Đang khi họ ăn, Người (Đức Giê-su) cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’” (Mc 14,22). Đối với độc giả, hình ảnh “bánh ở với các môn đệ...” (8,14) gợi đến Bánh Thánh Thể. Như thế, kiểu nói “chỉ có một cái bánh với các ông trên thuyền” gợi đến chính sự hiện diện của Đức Giê-su. Người là tấm bánh duy nhất có khả năng nuôi dưỡng Hội Thánh qua mọi thời đại. Theo nghĩa này, chỉ cần duy nhất “một chiếc bánh” trên thuyền (hình ảnh tượng trưng Hội Thánh) là đủ.   
Một khi đã có Đức Giê-su hiện diện với các môn đệ thì không có gì phải lo lắng về của ăn. Từ ý nghĩa trên, trình thuật Mc 8,14-21 cho thấy các môn đệ chưa tin vào Đức Giê-su và chưa nhận ra quyền năng của Người. Đề tài “bánh” trong đoạn văn 8,14-21 mời gọi độc giả nhận biết Đức Giê-su là ai. Từ đó mở lòng ra lắng nghe giáo huấn của Người để được nuôi dưỡng và được sống.
Kết luận
Đề tài “bánh” (artos) trong đoạn văn Mc 8,14-21 được xây dựng qua cách dùng từ “bánh” (artos) ở số ít (một cái bánh) và số nhiều (nhiều bánh). Sau đó, Đức Giê-su soi sáng lời bàn tán về bánh bằng cách nhắc lại hai phép lạ bánh hoá nhiều (Mc 6,30-44; 8,1-9), nghĩa là “không có nhiều bánh” được đặt song song với “đã có vô số bánh”.
Khi các môn đệ bàn tán với nhau về chuyện: “không có nhiều bánh” là các ông đã chưa nhận ra quyền năng của Đức Giê-su, được bày tỏ qua hai phép lạ bánh hoá nhiều. Liệu độc giả có tránh khỏi những lời quở trách Đức Giê-su dành cho các môn đệ hay không? Nghĩa là phải chăng độc giả là người thực sự đã nhận biết Đức Giê-su là ai, đã thấy, đã nghe, đã hiểu và đã đón nhận quyền năng của Người? Những lời Đức Giê-su quở trách các môn đệ trong bản văn cũng là những lời dành cho độc giả. Đó là những lời cảnh báo nhằm giúp độc giả hiểu được ý nghĩa của bản văn và ý nghĩa của hai phép lạ bánh hoá nhiều.
Nếu đặt những lời Đức Giê-su quở trách các môn đệ ở Mc 8,14-21 với những lời quở trách khác trong Tin Mừng Mác-cô thì tình trạng các môn đệ là “những người ở trong” (insider) vì các ông được làm môn đệ Đức Giê-su, nhưng các môn đệ đã trở thành “những kẻ ở ngoài” (outsider), vì các ông đã không thấy, không nghe, không biết, không tin. Nhóm nhân vật “các môn đệ” được trình bày như thế trong Tin Mừng Mác-cô là để độc giả có cơ may “bước vào bên trong” và trở thành “người ở trong” (insider), nghĩa là nhận biết Đức Giê-su là ai và tin vào quyền năng của Người, đặc biệt trong những hoàn cảnh éo le của cuộc sống (xem bài viết: “Anh em ngu muội như thế sao?” (Mc 7,18) “Hành trình của các môn đệ” nói gì với độc giả?).
Bài viết này chưa phân tích đề tài “men của những người Pha-ri-sêu và men của Hê-rô-đê” (8,15). Trong mạch văn, dường như đề tài “men” (zumê) cắt ngang và chèn vào đề tài “bánh” (artos). Tuy nhiên, trong bối cảnh văn chương rộng lớn hơn của Tin Mừng Mác-cô, có thể hiểu “men Pha-ri-sêu” và “men Hê-rô-đê” theo nghĩa nào? Đề tài “bánh” và “men” liên hệ hay độc lập với nhau? Phải chăng cách suy nghĩ của các môn đệ trong đoạn văn Mc 8,14-21 cũng là cách suy nghĩ của những người Pha-ri-sêu và của Hê-rô-đê về Đức Giê-su? Hy vọng sẽ có dịp chia sẻ với quý độc giả về đề tài này trong một bài viết khác./.
  
Ngày 12 tháng 02 năm 2012.
Giu-se Lê Minh Thông, O.P.
http://leminhthongtinmunggioan.blogspot.com/2012/02/mc-814-21-mot-cai-ba...
Email: josleminhthong@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét