SÁM HỐI
Lm. Stephano Huỳnh Trụ
1. Có người cho rằng sám hối là từ ngữ của nhà Phật, nhưng Công giáo sử dùng thuật từ này rất phổ biến, chẳng hạn như trong các bài giảng, các linh mục thường kêu gọi mọi người phải sám hối, Mùa Chay là mùa sám hối, bí tích Giao Hoà là bí tích Sám Hối, vv… Như vậy phải chăng khi nói đến sám hối, người Công giáo có cùng một quan niệm về sám hối như bên Phật giáo?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ sám hối theo nguyên ngữ của nó, trong quan niệm của nhà Phật và nhìn lại quan niệm của Công giáo về việc sám hối.
2. Nghĩa của từ sám hối.
Sám懺 gồm bộ tâm忄và chữ tiêm 韱, chữ tiêm chỉ dùng cho phát âm. Có người giải thích chữ tiêm 韱 nguyên thuỷ là hai chữ sơn-cửu山韭, nghĩa là rau hẹ rừng. Rau hẹ rừng mọc tùm lum, khi một người hối hận về một việc gì thì tâm trí cũng “tùm lum” như rau hẹ rừng, nên có bộ tâm. Thực ra, “sám” là lược âm của tiếng Phạn kṣama, đúng âm là “sám-ma (懺 摩)”. Nhiều tác giả [1] cho rằng “sám” đồng nghĩa với “hối”, nghĩa là hối tiếc những việc sai lầm đã qua, nhưng theo ngài Nghĩa Tịnh [2] “sám” nghĩa là khoan thứ hoặc xin được khoan thứ (forgiveness, tolerance) [3]. Từ điển của Gérard Huet [4] cũng cho nghĩa này: “Sám” (dt. kṣamā) (1) Sự chịu đựng ; (2) Tha tội, tha thứ ; (tt. kṣama) (1) Kiên nhẫn, có sức chịu đựng ; (2) Có thể; (3) Chịu đựng được, khoan thứ; (đt. kṣam) (1) Kiên trì, chịu đựng, nâng đỡ ; (2) Cho phép ; (3) Tha thứ, khoan dung với...
Hối悔 có bộ tâm忄và chữ mỗi 每, chữ mỗi dùng cho phát âm, nghĩa là tiếc điều lỗi trước (do bởi từ trong lòng hối hận những lời nói hay việc làm có thiếu sót, nên có bộ tâm). Hối là tiếng thuần Hán, nói đủ là hối-quá (悔 過), có nghĩa là: dt. (1) Thiếu sót ; (2) Tiếc nuối ; đt. (3) Hối lỗi, thừa nhận lỗi lầm ; (4) Giận ghét ; (5) Chừa cải.
Như vậy, hai chữ “sám” và “hối” không đồng nghĩa với nhau mà chỉ có mối liên hệ gần nhau thôi.
Đại Từ Điển Tiếng Việt giải nghĩa: Sám hối là ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình [5].
3. Quan niệm về sám hối theo Phật giáo.
Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả sám kỳ tiền khiên, hối giả hối kỳ hậu quá: Sám là sám trừ tội trước, hối là hối cải lỗi sau [6]”. Sám hối là tự mình ăn năn, hổ thẹn những lỗi lầm trước đây đã tạo, nguyện sửa đổi không dám tái phạm những lỗi lầm đó nữa. Về mặt từ nguyên, sám hối vốn được sử dụng trong Phật Giáo có nghĩa là thuyết tội (Phạn: āpatti-deśanā) hoặc thuyết ác (Phạn: pāpa-deśanā [5]) , tức là nói lên những lỗi lầm hay việc làm phi pháp của mình, Luật tạng thường gọi là phát lộ.
Cần lưu ý rằng quan niệm về tội trong Phật giáo khác hẵn với Kitô giáo. Chữ “tội” tiếng Phạn là "āpatti", có nghĩa là: cái bị rơi, do động từ “pat”: rơi, đi xuống mà thành. Vì thế, nhà Phật quan niệm tội nhân là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chỗ cao xuống chỗ thấp do phạm phải các điều xấu ác. Cũng như trong một lớp học, phần lớn học sinh theo kịp bài thì cuối năm được lên lớp, còn bên cạnh đó là một số ít không theo kịp nên phải lưu ban hoặc bỏ học. Đối với những người “bị rơi” như thế - tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “không bị rơi” là điều rất cần thiết, cho nên họ xưng thú (phát lộ) lỗi lầm của mình trước vị tăng (những người không bị rơi) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Nhờ những lời chỉ bảo và đức hạnh của các tăng, ý chí làm lành lánh dữ (thiện pháp) ở trong con người lầm lỗi sẽ được nâng đỡ và tăng cường. Hơn nữa, xét về tâm lý, người phạm tội luôn mang cảm giác hối hận, bứt rứt, khiến cho tâm hồn bất an. Những cảm giác ấy nếu để lâu không giải toả sẽ chuyển thành trạng thái mặc cảm dưới dạng vô thức và tiếp tục ảnh hưởng đến tâm thái của người phạm tội. Việc sám hối (thuyết tội, thuyết ác) như thế trong chừng mực nào đó sẽ giải toả cái tâm lý đang bị dồn nén ấy. Đây chính là ý nghĩa mang tính chữa trị tâm lý của việc sám hối.
Ngoài ý nghĩa chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý này, sám hối còn có ý nghĩa tu tập thuộc lĩnh vực tâm linh và là một trong những phấp tu tập khá phổ biến đối với Phật Giáo Đại Thừa, đồng thời cũng là một phương pháp nhằm ngăn ngừa việc tái phạm của 3 nghiệp [8] trong Phật Giáo Nguyên Thủy. Nếu Phật Giáo Đại Thừa chọn 2 ngày 14 hay ngày rằm, ngày 29 hay 30 làm ngày lễ sám hối chung cho hai giới xuất gia và tại gia, thì Phật Giáo Nguyên thủy dùng phương pháp quan sát 3 nghiệp của chính mình làm phương pháp tu tập, có nghĩa là kiểm tra 3 nghiệp đã qua của mình, nghiệp nào trong 3 nghiệp ấy phạm phải sai lầm, người đó cần tìm thầy hay tương đương vị thầy để bộc bạch trình bày lỗi lầm của mình và phát nguyện từ đây về sau không tái phạm lầm lỗi đó nữa.
Tóm lại, trong Phật giáo, sám hối có mục đích chữa trị về tâm lý, tu tập về tâm linh và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như chúng ta có thể lầm tưởng.
4. Quan niệm về sám hối theo Công giáo.
Công Đồng Trentô định nghĩa: "Sám hối là cảm thấy đau buồn, gớm ghét tội đã phạm và quyết chí chừa cải" [9] . Đau buồn và gớm ghét nhìn về quá khứ, còn quyết tâm chừa cải nhắm tới tương lai.
Sám hối là tâm tình và hành động mà người ta nhìn nhận và cố gắng sửa lại một sai trái để nhận được sự tha thứ nơi người mà họ xúc phạm. Trong ngữ cảnh tôn giáo, sám hối thường chỉ sự ân hận về những tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Nó luôn bao gồm sự thừa nhận có tội, và đồng thời bao gồm ít nhất một trong các điều sau: (1) Tuyên hứa hay quyết định không tái phạm; (2) Nổ lực đền bù lại tác hại do tội lỗi gây ra hoặc bằng cách nào đó. (3) Đảo ngược lại những hậu quả tai hại nếu có thể.
Trong Cựu ước, có 2 động từ Hipri được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Shuv (đt. to turn, to return, quay (Is 6,10), quay trở lại (Tv 51,13), thay đổi và (2) Nicham (đt. to feel sorrow, cảm thấy hối hận). Ý nghĩa căn bản của nó được diễn tả trong trong tiếng Hy Lạp bởi danh từ metanoia, chỉ sự thay đổi (meta) của tư tưởng và tâm hồn (nous).
Trong Tân Ước, có 3 từ Hy Lạp được dùng để diễn đạt nghĩa sám hối: (1) Metamelomai (đt., được dùng 6 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng, chẳng hạn như có ý hối tiếc hay thậm chí hối hận vì tội, nhưng không nhất thiết có sự thay đổi nội tâm. Chữ nầy được dùng trong trường hợp chỉ sự hối hận của Giuđa Iscariot (Mt 27,3). (2) Metanoeo (đt., được dùng 34 lần): Chỉ sự thay đổi tư tưởng và chủ đích do kết quả của việc nhận thức. (3) Metanoia (dt., cùng gốc với đt. nói trên, được dùng 24 lần): Chỉ sự sám hối thực sự, một sự thay đổi tư tưởng, chủ đích và đời sống theo những đòi hỏi của việc xá tội.
Quan niệm về tội theo Kitô Giáo: Đối với Kitô hữu, Thiên Chúa là cứu cánh tối hậu, là Thiện hảo, là Sự sống, là Hạnh phúc thật của con người. Và tội (1) Là bất tuân lề luật Chúa; (2) Là quay lưng chống lại Thiên Chúa, lấy thụ tạo làm cứu cánh; (3) Là khước từ tình yêu Thiên Chúa và do đó cũng là khước từ tình yêu anh em. Thực vậy, lề luật Chúa không gì khác hơn là sự khôn ngoan của Ngài vạch lối cho con người đi tới chỗ thành tựu đích thực, tội đã bẻ ngoặt con đường dẫn đến hạnh phúc thật của ta là Thiên Chúa, kéo ta lìa xa Chúa, lấy mình làm cứu cánh. Nhưng nếu chỉ có những khoản luật vô tri, vô giác và thực sự bao giờ cũng trừu tượng, sẽ không có tội - hiểu theo nghĩa Công Giáo. Cho nên câu định nghĩa thứ ba đưa ta vào sâu trong bản chất của tội hơn cả: Tội luôn luôn là chống lại Thiên Chúa: "Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa" (Tv 50), tội luôn luôn đụng tới những quan hệ liên vị, liên chủ thể: Tội làm ta đoạn tuyệt với Thiên Chúa và đồng thời cũng chia rẽ ta với anh em.
Vậy, khi ta hướng nhìn về Chúa Tình Thương để nhận ra tội lỗi của mình, ta sẽ có thể thấy hết tầm mức ghê tởm của tội lỗi nhưng đồng thời chúng ta cũng sẽ biết sám hối ăn năn, thay vì tự dày vò mình trong mặc cảm tội lỗi không lối thoát. Mặc cảm tội lỗi chỉ là một trạng thái tâm lý không có đối tượng rõ rệt nhưng rất khắc nghiệt; còn tâm tình sám hối phát sinh từ một nhận thức đúng về thực trạng của mình trước mặt Thiên Chúa, thì giải phóng cõi lòng tội nhân.
Quan niệm về sám hối theo Công giáo bao gồm: (1) Sự nhận biết đích thực về hành vi và tình trạng phạm tội của chính mình. (2) Nhận thức về lòng thương xót của Chúa nơi Đức Kitô. (3) Thật lòng ghét bỏ mọi tội lỗi (Tv. 119, 128; G 42,5-6; 2Cr 7,10) và quay về với Chúa; Và (4) Kiên trì cố gắng theo đuổi một cuộc sống thánh thiện theo đường lối Chúa bằng cách tuân giữ các giới răn của Chúa. Lòng sám hối thực sự là sự nhận thức về tội (Tv 51,4.9), về sự nhơ uế của tội (51, 5.7.10) và sự bất lực của bản thân (51,11; 109,21.22). Như vậy, hối nhân nhận ra mình như Chúa vẫn nhìn thấy và muốn kẻ ấy như thế. Nhưng ý thức sám hối không duy chỉ là một sự cảm nhận về tội mà thôi, nhưng còn là sự cảm nhận về lòng thương xót, thiếu yếu tố này thì không thể có lòng sám hối thưc sự được (51,1; 130,4). Trong ngôn ngữ thần học, sám hối cũng hàm chỉ việc trở lại (metanoia) của tội nhân (Mt 8,2; 4,17) về với Chúa trong đức tin, cậy, mến nhờ ơn Chúa giúp và tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
Tóm lại, trong Công giáo, sám hối không phải là sự tự cứu thoát mình, mà là một tác động hỗ tương giữa Thiên Chúa và tội nhân: Ơn Chúa kêu gọi và tội nhân thật tình đáp lại. Tình thương Chúa đã thắng tội lỗi.
5. Nhận xét và tạm kết.
Ngày xưa, cha Đắc Lộ cho rằng: "Sám hối là sự mê tín của người lương dân làm để được tha tội; bởi lẽ là họ dâng cho tượng thần vật gì để các vị tế lễ ăn, và như vậy họ được các vị ấy xá tội cho" [10], nên ngài đã không dùng từ sám hối để dịch từ contritio hay pænitentia trong La ngữ, mà dùng chữ "hối tội, ăn năn tội [11]" hoặc "cới tội" [12]. Cho đến thời cha Cố Chính Linh, cũng chưa thấy ngài dùng từ sám hối: "Bay hãy ăn năn đền tội, vì nước thiên đàng đã gần đến" (Mt 3,2) [13].
Nhưng ngày nay, từ sám hối đã đi vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, hoà nhập vào tiếng nói của toàn dân. Có lẽ mọi người Việt đều hiểu sám hối như các từ điển lớn của Việt Nam giải nghĩa là "ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình" [14], "hối hận vì đã mắc lỗi và mong sửa chữa" [15], cho nên người Công giáo cũng đã sử dụng thuật từ này trong đời sống đức tin của mình.
Tuy nhiên khi sử dụng, chúng ta cần lưu ý là từ này có nguồn gốc từ Phật giáo, khi đặt trong ngữ cảnh Công giáo thì ý nghĩa, nội dung của thuật từ này khác hẳn với quan niệm của anh em Phật giáo.
_________________________________________
Ghi chú
[1] x. Sách tham khảo (Đoàn Trung Còn, Thích Minh Châu - Minh Chi, Lê Ngọc Trụ: tr. 740).
[2] Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713) là vị cao tăng thời nhà Đường, ông cùng với Cưu Ma La Thập (Phạn: Kumārajīva, 鳩摩羅什, 344-413), Chơn Đế (Phạn: Paramārtha, Nhật: Shindai, 眞諦, 499-569) và Huyền Tráng (玄奘, 602-664), được xem như là 4 nhà phiên dịch vĩ đại trong văn học Phật Giáo Trung Quốc.
[3] x. Hướng Thiên, Tìm hiểu về sám hối, trong TẬP SAN PHÁP LUÂN, PL.2548, Số 8, tháng 10 năm Giáp Thân (2004).
[4] Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT- FRANÇAIS, 1994, tr. 130.
[5] Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
[6] Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999, tr. 96.
[7] John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997, tr. 230.
[8] "Nghiệp" là hành động, được chia làm ba loại: (1) Hành động của thân (thân nghiệp): gồm những động tác đi, đứng, nằm, ngồi và tất cả những động tác khác của tay, chân và thân thể (kể cả ăn uống và xúc chạm). (2) Hành động của miệng (khẩu nghiệp): gồm mọi lời nói và âm thanh do miệng lưỡi phát ra. (3) Hành động của ý (ý nghiệp): gồm mọi tư tưởng phát xuất từ tâm ý.
[9] "Contritio, quae primum locum inter dictos paenitentis actus habet, animi dolor ac detestatio est de peccato commisso, cum proposito non peccandi de cetero" (DZ.1676).
[10] Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991, P.II, tr. 200.
[11] Alexandre de Rhodes, sđd, P.I, tr. 334: pænitentia peccatorum cum petitione venix.
[12] Cới tội = cải hối. cf. Dict Hue: "cới, chừa cới: s'amender", xem trong: PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY, NGÀY THỨ TÁM của Alexandre De Rhodes, in trong GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN của Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn, Saigon, 1961, tr.186: "Nhân vì sự ấy Đức Chúa trời có định ngày phán xét chung, mà nói ra cùng người ta ngày sau có phán xét chung ấy, cho kẻ chẳng tránh tội vì phải kính dái Đức Chúa trời, ít là cới tội vì dái xấu hổ, khi đã hay các tội mình, dẫu kín, ngày sau thì tỏ ra trước mặt cả và thiên hạ".
[13] Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916. Mt 3,2: "Pænitentia agite, appropinquavit enim regnum caelorum". Bản dịch của Nhóm CGKPV, 1998: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".
[14] x. Nguyễn Như Ý (chủ biên), sđd.
[15] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 2000.
______________________________________________
Tham khảo
1. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM - LUSITAN - LATINH (TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA), Roma, 1651. Phiên dịch: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1991.
2. Albertus Schlicklin, KINH THÁNH - CỨ BẢN VULGATA, Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hong Kong 1913-1916.
3. Nguyễn Khắc Xuyên, Phạm Đình Khiêm, GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ TÁC PHẨM CHỮ QUỐC NGỮ ĐẦU TIÊN, nxb. Tinh Việt Văn Đoàn,Saigon, 1961.
4. Thích Minh Châu, Minh Chi, TỪ ĐIỂN PHẬT HỌC VIỆT NAM, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1991.
5. Đoàn Trung Còn, PHẬT HỌC TỪ ĐIỂN, in lần thứ..., nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1992.
6. Lê Ngọc Trụ, TẦM NGUYÊN TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1993.
7. John Bowker, THE OXFORD DICTIONARY OF WORLD RELIGIONS, Oxford University Press, 1997.
8. Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1999.
9. Thích Thanh Từ, KINH PHÁP BẢO ĐÀN GIẢNG GIẢI, nxb. TP.HCM, tái bản lần III, TP.HCM, 1999.
10. TẬP SAN PHÁP LUÂN, Số 8 - tháng 10 năm Giáp Thân, PL.2548, Tu Thư Phật Học, 2004.
11. Gérard Huet, HÉRITAGE DU SANSKRIT, DICTIONNAIRE SANSKRIT-FRANÇAIS, Version 228, 28/06/2008.
TRAI TỊNH HAY CHAY TỊNH ?
Lm. Stephano HUỲNH TRỤ
1. Có người hỏi tôi tại sao có người nói “trai tịnh”, có người lại nói là “chay tịnh”. Vậy từ nào đúng hơn? Trước khi trả lời, chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này.
2. Trai tịnh: Trai tịnh chữ Hán viết là 齋淨.
2.1. Trai: Chữ 齋 (trai) gồm có chữ 齊 (tề) và chữ 示(thị) [1]. Chữ tề (齊) xưa cũng đọc là trai, nay ở đây có nghĩa là chuyên tâm. Chữ示 (thị) được tạo thành bởi hai chữ 二 (là chữ thiên 天 (cổ), đọc là thiên, không phải chữ nhị 二) và 小 [2] (là ba gạch thẳng xuống tượng trưng cho nhật, nguyệt và tinh tú, không phải chữ tiểu 小), nghĩa là nhìn về trời để biết được những việc thay đổi của thời cuộc. Chữ 示 (thị) chỉ việc của thần, của trời. Cho nên tất cả các chữ Hán có liên quan đến thần đều có bộ 示 (thị).
Chữ trai (齋) có những nghĩa này: đt. (1) Tắm rửa sạch sẽ, không ăn thịt cá, kiêng uống rượu, kiêng phòng sự, ăn thức ăn thực vật để phụng sự thần hay Phật, còn gọi là trai giới. (2) Rước nhà sư tới nhà mở lễ giỗ: trai chủ. (3) Dâng thức ăn cho nhà sư khất thực: thí trai; (4) Lập đàn cầu cúng: trai tiếu. dt. (1) Nhà sư ăn cơm trước buổi trưa. (2) Phòng riêng của học trò độc thân hay của nhà tu: thư trai. (3) Nhà riêng để ở trong lúc sắp tế lễ.
Trai theo chữ Nôm có nghĩa: dt. (1) Người đàn ông trẻ tuổi. (2) Người thuộc nam giới: Bác trai. (3) Hạt châu: Ngọc trai. (4) không biết xấu hổ: Trai lơ. (5) Sò mang vỏ có xà cừ: Trai lệch mồm (6) Âm hộ (tiếng bình dân): Cái trai.
Có người phân biệt ý nghĩa trai (齋) và giới (戒) [3]: Giữ tâm hồn trong sạch gọi là trai (齋), phòng ngừa tai hoạn gọi là giới (戒); ăn chay ba ngày gọi là trai (齋), ăn chay bảy ngày gọi là giới (戒).
2.2 Tịnh có những chữ Hán này: 淨, 凈, 並, 穽, 靚 , 靜, 靖. Trong từ trai tịnh, chữ tịnh là 淨. Chữ này nghĩa là: dt. (1) Đất của Phật: Tịnh độ (thổ 土). đt. (2) Làm sạch. (3) Thiến. tt. (4) Sạch sẽ. (5) Hư vô.
2.3 Trai tịnh nghĩa là giữ mình trong sạch cả về tâm hồn lẫn thể xác để chuẩn bị tế tự, thờ thần kính Phật, để tỏ lòng khiêm nhường với thái độ lệ thuộc và phó thác hoàn toàn trước thần Phật.
3. Chay tịnh
3.1 Chay: Theo giáo sư Lê Ngọc Trụ [4] trường hợp tiếng Hán Việt chuyển ra tiếng Nôm khi âm khởi đầu đã đổi thì đa số vận ai đổi ra ay, như: đại > thay; hài > giày; sái > rảy; trai > chay; trái > vay... Như vậy chữ chay là do chữ trai chuyển sang nên chay (Nôm) đồng nghĩa với trai (Hán Việt).
Vậy chữ trai đồng nghĩa chữ chay, chỉ có khác biệt ở chỗ người ta chỉ nói ăn chay mà không nói ăn trai.
3.2. Chay tịnh: đồng nghĩa với trai tịnh, nhưng từ chay tịnh liên kết một chữ Nôm và một chữ Hán, còn từ trai tịnh thì hai chữ đều là chữ Hán.
Sách Phụng vụ các giờ kinh dùng thuật từ trai tịnh [5], còn Điển ngữ Thần học Thánh kinh thì dùng thuật từ chay tịnh [6]. Hai cách dùng đều được mọi người chấp nhận.
4. Việc ăn chay phổ biến từ rất lâu đời trong các tôn giáo. Mỗi tôn giáo có quan niệm riêng về việc ăn chay và do đó có cách thức giữ chay khác nhau. Với Kitô giáo [7], qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3). Ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: nếu không có Chúa, chúng ta không thể làm được gì; trong giây phút ta muốn cầu khẩn Chúa một việc quan trọng (xc. Tl 20,26; 2Sm 12,16-22; Edr 8,21; Et 4,16), nhất là để nhìn nhận mình là tội nhân và qua việc nhìn nhận thực lòng tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa thứ tha (1V 21,27; Đn 9,3). Chay tịnh thân xác chỉ có ý nghĩa khi đi đôi với một sự kiêng giữ hay xa tránh tội (xc. Is 58,1-12), nói khác đi, chay tịnh chỉ là hình thức bên ngoài (Mt 5,16-18).
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã từng chay tịnh để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa hoặc chuẩn bị thực hiện công trình cao cả với Thiên Chúa. Như ông Môsê và ông Êlia, Chúa Giêsu đã chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 4,1; Xc. Xh 24,18; 34,28; 1V 19,8), trước khi công bố Luật mới trong bài giảng trên núi. Tuy nhiên Chúa Giêsu cho thấy rằng chay tịnh tự nó chỉ có giá trị tương đối với các môn đệ, những người được mời tham dự bữa tiệc của Đấng Thiên Sai, thì chay tịnh nói lên thái độ sốt sắng đợi chờ Tân lang, tức là Đức Kitô (Mt 9,14-15).
Chay tịnh của Hội thánh vào ngày thứ Tư lễ Tro và ngày thứ Sáu Tuần Thánh nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi, đó cũng là một sự chuẩn bị đón mừng lễ Phục Sinh. Chay tịnh Thánh Thể được giới hạn một giờ trước khi rước lễ - 15 phút đối với các bệnh nhân - chủ yếu đây là một cử chỉ tôn kính, là sự chuẩn bị đón nhận chính Chúa Kitô trong bí tích, làm hiện thực công trình yêu thương tuyệt diệu của Chúa.
--------------------
Ghi chú:
[1] Trung Chánh hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển, trang 45.
[2] Sđd, tr. 1142.
[3] Sđd, tr. 45.
[4] Lê Ngọc Trụ, VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972, tr. XIX.
[5] CGKPV xuất bản năm 1995, tr. 377.
[6] Do Giáo Hoàng học viện Piô X, Đà Lạt xuất bản năm 1973, qu. 1, tr. 210.
[7] Dom Robert Le Gall, DICTIONAIRE DE LITURGIE, 1982.
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hình Âm Nghĩa Tổng Hợp Đại Tự Điển, Đài Loan, 1970.
2. Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh Nxb Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
3. Từ Điển Hán Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb TP.HCM, TP.HCM, 2002.
4. Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị, Lê Ngọc Trụ, tái bản lần 1, Khai trí, Sài Gòn, 1972,
5. Từ Điển Việt Nam, Lê Văn Đức, Sài Gòn, 1970.
6. Từ Điển Tiếng Việt, Viện Ngôn Ngữ Học, Nxb Đà Nẵng, 2004.
7. Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Lm. Antôn Trần văn Kiệm, 2004.
8. Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển, Đài Loan, 2004.
9. Từ điển Hán Việt, Trung Quốc, 1994.
GIỮ CHAY VÀ ĂN CHAY :
Lm. Stephano Huỳnh Trụ
1. Tháng 3 năm 2007, tôi có viết một bài giải thích hai thuật từ trai tịnh và chay tịnh, nay có người lại hỏi tôi có gì khác biệt giữa thuật từ “giữ chay” và “ăn chay”. Hai thuật từ này dùng rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, mà chúng ta ít để ý đến ý nghĩa khác biệt của nó. Vậy chúng ta tìm hiểu xem hai thuật từ này đồng nghĩa hay khác nghĩa.
2. Tìm hiểu việc ăn chay, giữ chay trong vài tôn giáo
2.1 Phật Giáo:
Theo quan điểm bình dân, Phật tử ăn chay là vì muốn tránh quả báo luân hồi. Theo thuyết luân hồi, con người sau khi chết bị đày xuống địa ngục, sẽ bị đẩy làm ngã quỷ (ma đói), sau khi hối cải sẽ được làm súc sinh (loài vật), cuối cùng đầu thai trở lại làm người theo bánh xe luân hồi. Do đó, tu sĩ Phật Giáo hay nhiều Phật tử có thói quen ăn chay trường, tức là không ăn thịt và những thức ăn có máu, vì có thể sẽ ăn thịt người thân của mình trong kiếp súc sinh. Những ngày 1, 14, 15 và 30 âm lịch được coi là ngày mở cửa âm phủ, các linh hồn được tự do, những ngày đó Phật tử thường ăn chay [1].
Thực ra, trong Phật Giáo có hai trường phái chủ trương ăn chay khác nhau. Phật giáo Nam Tông, vì muốn giữ truyền thống khất thực của Đức Phật, thời Phật giáo Nguyên thủy, cho nên phái này chủ trương ăn chay theo cách ‘tam tịnh nhục’, nghĩa là những loại thịt nào mà mình không thấy người ta giết, không nghe tiếng kêu la của loài thú bị giết, hay không có sự nghi ngờ nào người khác vì mình mà giết, những loại thịt đó thì tỳ kheo được thọ dụng, không phạm giới. Thế nhưng, Phật giáo Bắc Tông (Đại Thừa ở Trung Quốc) thì không chấp nhận cách ăn chay này, họ quan niệm rằng ăn chay là không được ăn thịt cá, chỉ ăn các loại rau đậu…
Tuy nhiên, dù Nam Tông hay Bắc Tông, mục đích của việc ăn chay là nhằm tăng trưởng lòng từ bi, giảm bớt lòng sân hận, bằng cách tu tập không sát sinh, biết thương yêu người đồng loại và ngay cả các loài vật khác. Khi đã có lòng từ bi, không nỡ giết loài cầm thú, thì người ấy khó có thể giết người. Đó là lý do tại sao đức Phật đưa ra giới cấm: ‘không được sát sinh’. Giới này cũng chính là nhân tố để hình thành quan điểm ăn chay trong đạo Phật.
2.2 Hồi Giáo:
Người Hồi giáo ăn chay vào khoảng tháng 9 (lịch Hồi giáo, gọi là tháng Ramadan). Trong tháng này, khi còn ánh sáng mặt trời, họ không được ăn và uống, đến đêm thì mới ăn. Cũng trong tháng này, con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần nhau vào ban ngày nhưng ban đêm vẫn có thể ân ái với nhau. Trẻ em và phụ nữ có mang không phải thực hiện Ramadan.
Đối với Hồi giáo: Ăn chay là "nhịn ăn, nhịn uống trước rạng đông đến hoàng hôn và quyết tâm diệt trừ những ham muốn tầm thường, chế ngự được sự đói khát, đè nén được dục vọng là làm chủ được thể xác, không còn bị nó sai khiến. Khi kềm chế được dục vọng là tinh thần tự giải thoát, ý chí được tự do, tâm hồn thanh thản, đây là điều kiện cần cho việc tịnh tâm, cầu nguyện và giúp thăng tiến về mặt tâm linh... "Ăn chay" là chấp nhận quy phục Allah, mọi giai tầng trong xã hội đều phải tuân thủ như nhau: Vua, quan, sĩ, nông, công, thương, binh, đều phải nhịn ăn đúng giờ, xả chay đúng giờ quy định... Hành động này thể hiện sự bình đẳng của nhân loại trước Allah."
Như vậy, mục đích việc ăn chay trong Hồi giáo là để chế ngự những ham muốn tầm thường, làm chủ bản thân, thăng tiến tinh thần.
2.3. Công Giáo:
Đối với người Công Giáo, chay tịnh là một trong ba hành vi được khuyên làm nhiều nhất trong đạo (cùng với việc cầu nguyện và bố thí), tín hữu giữ chay để biểu lộ lòng sám hối, ăn năn, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Việc chay tịnh bao gồm nhịn ăn (jejunium [2]) và kiêng ăn (abstinentia [3]) mà chúng ta quen gọi là "ăn chay" và "kiêng thịt".
- Việc nhịn ăn (ăn chay): Trong ngày chay chỉ được ăn một bữa no (chọn bữa nào cũng được), còn những bữa khác chỉ được ăn chút ít để bụng còn đói. Trong ngày chay không được ăn vặt như kẹo, bánh v.v,...
- Việc kiêng ăn (kiêng thịt): Cấm ăn thịt loài máu nóng (heo, bò, gà, vịt…) bao gồm thịt và tất cả những thứ khác như tim, gan, lòng... Nhưng được dùng các nước thịt và các đồ ăn có pha chất thịt, như cháo nước thịt. Được ăn cá và loài máu lạnh (như ếch, rùa, sò, cua, tôm). Ngày kiêng thịt cũng được phép dùng trứng và các sản phẩm từ sữa như bơ và phó mát [4]...
Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì lúc không sử dụng lương thực Thiên Chúa ban, con người cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình: chay tịnh để tự hạ trước Thiên Chúa (xc. Tv 34,13; 68,11; Đnl 8,3) [5].
Ngoài việc nhịn ăn và kiêng ăn nói trên, người thực hành việc chay tịnh còn phải tránh xa tội lỗi và dục vọng, như gương của Chúa Giêsu “giữ chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (Mt 4, 2) và thánh Luca nói rõ hơn “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả” (Lc 4, 2).
Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của giữ chay là chế ngự : không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Giữ chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng còn phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống.
3. Nghĩa chữ ăn, giữ và chay:
3.1. Ăn (chữ Nôm: 咹) : đt. (1) Đưa thực phẩm vào bao tử: Ăn cháo đá bát (không nhớ ơn), ăn chay (tránh dùng thịt cá và ngũ huân); (2) Đi kiếm thức ăn hoặc lợi nhuận: Ăn mày, ăn xin, ăn bám, ăn hại, ăn lương; (3) Thắng cuộc: Ăn con xe, ăn giải nhất, ăn non (vội rút lui khỏi cuộc đỏ đen sau khi chiếm được thắng lợi, vì sợ sắp tới vận xui); (4) Thích hợp tiếp nhận: Ăn cánh, ăn khách, ăn ảnh; (5) Thoả thuận: Ăn chịu, ăn gánh (ưng thuận gia nhập hội đoàn và đóng góp cho hội đoàn), ăn giá (số tiền được thỏa thuận giữa kẻ mua người bán); (6) Vui hưởng, ăn uống nhân một dịp gì: Ăn chơi, ăn diện, ăn Tết; (7) Nam nữ sống chung: Ăn nằm, ăn ngủ, ăn ở; (8) Thấm vào, dính vào, lan rộng ra: Giấy ăn mực, keo dán không ăn, ăn nên làm ra (công việc làm ăn có phần hanh thông), nước ăn chân (chân ngâm nước lâu bị hư da); (9) Lối cư xử và sinh sống: Ăn cháo đá bát (vô ơn bạc nghĩa), ăn cơm nhà vác ngà voi (làm công vụ mà không được lợi lộc gì); (10) Ngang với, giá trị tương đương: một đô la Mỹ ăn mười bảy nghìn đồng.
3.2. Giữ (chữ Nôm: 佇, 拧, 貯) : đt. (1) Cầm chắc trong tay, không để mất mát: Nắm giữ đầu dây; (2) Để cạnh mình, trong mình và quan tâm đến cho khỏi mất, khỏi chuyển sang người khác, khỏi thay đổi: Giữ chìa khoá; giữ hành lý, giữ độc quyền; (3) Làm cho dừng, ngừng lại, ở lại: Đắp bờ giữ nước; (4) Cản trở sự thay đổi: Giữ giá, giữ trật tự; (5) Hành động cách thận trọng, đề phòng thiệt thòi tai hại: Giữ kẽ (cư xử e dè trước người lạ), giữ ý (không dám nói cho hết tư tưởng thầm kín), giữ vệ sinh; (6) Đảm nhiệm một công việc hay chức vụ: Giữ chức giám đốc; (7) Tuân thủ theo yêu cầu của một công việc, trung thành với một niềm tin: Giữ đạo, giữ vững lập trường.
3.3. Chay (chữ Nôm 齋, 斎): Trong bài “Trai tịnh hay chay tịnh” năm 2007 tôi đã phân tích chữ chay, chữ này là do chữ trai (齋, Hán Việt) chuyển sang, nên chay đồng nghĩa với trai. Chay nghĩa là: (1) Kiêng ăn vì lý do tôn giáo: Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối; (2) Kiêng thịt cá và ngũ huân (5 món : nồng hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò) vì lý do tôn giáo: Ăn chay trường; (3) Mời nhà sư tới cầu kinh cho người chết: Lập đàn chay; (4) Cây cho trái ngọt và mềm lại cho vỏ dùng để ăn trầu: Trái chay, vỏ chay; (5) Dầu thảo mộc dùng làm keo khi khô rất cứng: Trát dầu chay (hay đọc ra chai).
4. Nghĩa từ ăn chay, giữ chay:
4.1. Ăn chay vốn là một từ bên Phật Giáo và đã được cha Alexandre de Rhodes giảng trong Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh như sau: "Ăn chay. Đích thực có nghĩa là kiêng thịt và cá, nhưng bây giờ để chỉ sự ăn chay của những Kitô hữu. Ăn chay (jejunium) có nghĩa là giới hạn lượng lương thực được ăn vào những ngày cụ thể. Còn kiêng cữ (abstinentia) có nghĩa là từ bỏ một thức ăn khoái khẩu như thịt, cá, tôm…"
Ăn chay, theo nghĩa hẹp, là ăn uống có kiêng cử (Ví dụ: kiêng ăn thịt cá... đối với Phật tử, kiêng ăn ngoài bữa và giảm lượng thức ăn... đối với người Công Giáo, kiêng ăn uống ban ngày đối với người Hồi Giáo).
Ăn chay, theo nghĩa rộng, là thực hành việc khổ chế bằng cách kiêng cử không chỉ về món ăn thức uống mà còn cả những phương tiện hưởng thụ và thỏa mãn khác [6]. Theo nghĩa này thì "ăn chay" không chỉ là việc ăn uống mà còn là một thái độ (tinh thần thống hối), một lối sống (khiêm cung, từ bỏ những thú vui chính đáng) nhằm biểu lộ lòng thống hối, tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa Kitô (theo Công Giáo) - mà ta quen gọi là "giữ chay".
4.2. Giữ chay là tuân thủ những yêu cầu về việc chay tịnh, giữ chay bao hàm ý nghĩa rộng hơn là ăn chay (theo nghĩa hẹp). Tương tự như khi chúng ta nói bổn phận "giữ ngày Chúa Nhật" thì rộng nghĩa hơn là bổn phận "dự (xem) lễ ngày Chúa Nhật" [7].
5. Kết luận
Thuật từ giữ chay là thuật từ riêng biệt của người Công Giáo, ngoài từ điển Công Giáo, các từ điển ngoài đời hầu như không có thuật từ này và nó cũng đúng với ý nghĩa của việc chay tịnh của người Công Giáo.
Mặc dù ăn chay có nghĩa rộng như đã nói trên, nhưng trong một số trường hợp, chúng tôi thấy nên dùng chữ giữ chay thay cho ăn chay thì thích hợp hơn, thí dụ:
- “Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Đức Chúa” (Tl 20, 26).
- “Họ cử hành tang lễ, khóc lóc và ăn chay cho đến chiều để tỏ lòng thương tiếc vua Sa-un” (2Sm 1, 12).
- “Khi nghe những lời ấy, vua A-kháp xé áo mình ra, khoác áo vải bố bám sát vào thịt, ăn chay, nằm ngủ với bao bì và bước đi thiểu não” (1 V 21, 27).
- “Xin cha cứ đi tập hợp tất cả những người Do-thái ở Su-san lại. Xin bà con ăn chay cầu nguyện cho con. Suốt ba ngày đêm, đừng ăn uống gì cả. Con và các cung nữ cũng sẽ làm như thế.” (Et 4, 16).
- “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói.” (Mt 4, 2).
- “Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, và việc đi biển từ nay thật nguy hiểm, vì ngày ăn chay đã qua rồi.” (Cv 27, 9).
Cũng theo nghĩa này mà chúng ta thấy trong bản tiếng Việt Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1997) dùng chữ "giữ chay" thay vì "ăn chay" [8].
-------------------------------------------------
Ghi chú:
[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%82n_chay.
[2] Jejunium: (1) Chay = jẻne ; (2). Đói = faim; (3). Tính chất đất khô chồi = stérilité.
[3] Abstinere : (1) Kiêng, giữ; (2) Giữ xa, giữ khỏi.
[4] Lưu ý: Tuổi giữ chay: Từ 18 tuổi trọn đến hết 59 tuổi ; Tuổi kiêng thịt: Từ 14 tuổi trở lên ; Ngày buộc giữ chay và kiêng thịt : Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.[5] Xem Bài Giảng Chúa Nhật số 3-2007.
[6] "Fasting means self-mastery; it means being demanding with regard to ourselves; being ready to renounce things—and not just food—but also enjoyment and the various pleasures" (Sứ Điệp Mùa Chay 1979 của ĐTC Gioan Phaolô II, Số 2).
[7] "Điều răn thứ nhất: Vào các Chúa nhật và các ngày lễ buộc, các tin hữu buộc phải tham dự thánh lễ và tránh tất cả những công việc tự bản chất ngăn trở việc thánh hóa những ngày ấy." (Sách Giáo Lý HTCG số 2042).
[8] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của Ban Giáo Lý GP.TPHCM, 1997: Số 575, 1387, 1430, 1434, 2043, 2742.
-------------------------------------------------
Tham khảo.
1. Bộ Giáo Dục Đào Tạo, Nguyễn Như Ý (chủ biên), ĐẠI TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, nxb. Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1999.
2. Hoàng Phê (chủ biên, TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Viện Ngôn Ngữ Học, nxb Đà nẵng, Hà Nội-Đà Nẵng, 2005.
5. Alexandre de Rhodes, TỪ ĐIỂN ANNAM-LUSITAN- LATINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La), nxb Khoa Học Xã Hội, Tp. HCM, 1991.
10. Phật học từ điển, tập 3, Đoàn Trung Còn, 1967.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét