Trang

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Chúa nhật XXV thường niên - Năm B KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU


Chúa nhật XXV thường niên - Năm B KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU


Chúa nhật XXV  thường niên - Năm B
KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU
Lm. Đan Vinh
1. TIN MỪNG : Mc 9,30-37
(30) Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn có ai biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”.(32) Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (33) Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” (34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (35) Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : (37) “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
2. Ý CHÍNH :
Tin Mừng hôm nay tóm trong 3 điểm chính như sau: Một là Đức Giê-su tiên báo lần thứ hai về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Người sắp trải qua, nhưng các môn đệ do sợ bị quở trách hay vì sợ đối diện sự thật không như ý, nên đã không dám hỏi Người. Hai là các ông tưởng Thầy sắp lên làm vua, nên tranh luận nhau xem ai sẽ nắm giữ chức vụ cao trọng hơn. Đức Giê-su đã dạy các ông bài học về sự khiêm nhường phục vụ của người môn đệ. Ba là Người đòi các ông phải quan tâm đến những người nghèo khổ bé nhỏ, tượng trưng bằng một đứa trẻ được Người đặt giữa các ông. Người còn tự đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ này.
3. CHÚ THÍCH :
- C 30-32 : + Con Người : Nhấn mạnh về nhân tính của Đức Giê-su. Như người Tôi Trung của Đức Chúa, Đức Giê-su sẵn sàng chịu đau khổ để đền tội thay cho dân hầu làm cho các tội nhân được nên công chính (x. Is 53,2-12). +Sẽ bị nộp vào tay người đời: “Rơi vào tay người đời” là một số phận hẩm hiu, trái ngược với “Rơi vào tay Đức Chúa” (2 Sm 24,14). Thánh Phao-lô viết: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32). +Bị giết chết và sẽ sống lạ i: Người sẽ bị giết do tay người đời nhưng sẽ sống lại nhờ quyền năng Thiên Chúa (x. Cv 13,27-30). +Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người : Vì chưa có ý niệm gì về mầu nhiệm thập giá nên các môn đệ cảm thấy rất buồn khi nghe Thầy loan báo điều này (x. Mt 17,23). Họ không dám hỏi lại có lẽ vì sợ bị quở trách như ông Phê-rô trước đó (x. Mc 8,33), mà cũng vì sợ phải đối diện với sự thật không như ý mình muốn !
- C 33-34 : + “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” : Đặt câu hỏi này với các môn đệ, Đức Giê-su cho thấy Người luôn quan sát từng lời nói và cử chỉ hành động của các ông để giáo huấn. + Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả : Qua thái độ làm thinh, các môn đệ đã nhận ra khuyết điểm của các ông là ham muốn địa vị quyền hành, trái với tinh thần khiêm nhượng phục vụ mà Đức Giê-su luôn nêu gương và chỉ dạy.
- C 35-37 : + Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : Trong tư thế ngồi của một ông thầy (ráp-bi), Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai môn đệ lại gần mà giáo huấn. + “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” : Đức Giê-su nhấn mạnh đến tinh thần khiêm tốn phục vụ mà môn đệ của Người phải có là tự hạ, trở thành người tôi tớ hầu hạ mọi người. Ở đây có sự đối nghịch giữa “người đứng đầu” với “người rốt hết”. Đối với Đức Giê-su, giá trị của người lãnh đạo phải dựa trên nền sự khiêm hạ, sẵn sàng phục vụ tha nhân vô điều kiện. + “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” : Em nhỏ trong câu này không tượng trưng cho sự ngây thơ vô tội, nhưng là biểu tượng cho người nghèo khó tầm thường, những kẻ vô danh tiểu tốt, tàn tật, yếu đuối và bị bỏ rơi... + “Là tiếp đón chính Thầy... tiếp đón Đấng đã sai Thầy” : Đức Giê-su đề cao sự khiêm nhường phục vụ những người nghèo, có giá trị thiêng liêng cao quý như hành động phục vụ Người và phục vụ chính Chúa Cha  Đấng đã sai Người (x. Mt 10,40).
4. CÂU HỎI : 1) Khi tự xưng là Con Người, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì? 2) Đức Giê-su đã loan báo về sứ mệnh Thiên Sai như thế nào? 3) Tại sao các môn đệ dù chưa hiểu rõ lại không dám hỏi Thầy về điều các ông vừa nghe ? 4) Dọc đường, các môn đệ tranh luận với nhau điều gì ? Tại sao các ông làm thinh không trả lời câu Thầy hỏi? 5) Đức Giê-su đòi các mục tử trong Nước Trời phải có cách ăn ở thế nào? 6) Khi đưa một em nhỏ đặt giữa các ông, Đức Giê-su muốn dạy bài học gì ? 7) Người dạy các ông phải khiêm nhường phục vụ những ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA :
1. LỜI CHÚA : Rồi Đức Giê-su ngồi xuống gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35).
2. CÂU CHUYỆN : VỊ BÁC SĨ GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN ĐÁNH GIÀY
Cùng với cha và người em, bác sĩ SA-RI MÊ-Ô (Charies Mayo) đã xây dựng bệnh viện Mê-ô nổi tiếng tại thành phố Rô-sét-tơ (Rochester) Hoa kỳ.
Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quí khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ May-ô làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng ! Có thể họ đã quên làm việc này chăng ? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang loay hoay đánh những chiếc giày cuối cùng cho các khách quí.
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành huyền thoại ! Bác sĩ May-ô được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, vì những công trình y khoa to lớn đem lại nhiều lợi ích, mà còn vì đời sống khiêm nhường bình dị của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng với địa vị của ông.
3. SUY NIỆM :
1) Lãnh đạo là khiêm nhường phục vụ : Đức Giê-su đề cao nhân đức khiêm nhường của các nhà lãnh đạo Hội Thánh mà Người sắp thiết lập. Do các môn đệ tưởng Thầy sắp lên làm vua nên dọc đường đã tranh cãi nhau xem ai giữ chức vụ lớn hơn ! Đức Giê-su hiểu rõ tâm trạng của các ông, nên khi Thầy trò về đến nhà trọ tại thành Ca-phác-na-um, Người đã dạy các ông bài học về sự khiêm nhường phục vụ mà các ông phải thực hiện.
2) Thế nào là khiêm nhường thực sự ? : Dĩ nhiên, trong bất cứ tổ chức nào cũng cần có người lãnh đạo. Tuy nhiên trong xã hội đời thường, người lãnh đạo thường quan liêu, muốn được “ăn trên ngồi trước”. Còn lãnh đạo trong Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập thì không được như vậy. Họ phải trở nên mục tử tốt lành chăm sóc đoàn chiên, phục vụ con chiên theo gương mẫu và lời dạy của Mục Tử tối cao là Đức Giê-su : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ phục vụ mọi người” (Mc 9,35). Trong Giáo Hội cũng như trong bất cứ một tập thể  nào, lòng kiêu ngạo muốn làm đầu người khác, và lòng ganh tị không muốn thấy ai giỏi hơn hoặc thành công hơn mình… là những thói xấu cản trở cho việc nên thánh cần được loại bỏ.
3) Noi gương Đức Giê-su : Muốn loại bỏ lòng kiêu ngạo và ganh tị, chúng ta cần học nơi Đức Giê-su đức khiêm nhường và phục vụ tha nhân (x Mt 11,29), “đến để phục vụ, chứ không để được phục vụ” (Mc 10,45). Ai làm lớn thì càng phải khiêm tốn phục vụ người dưới. Thánh Phao-lô dạy phải noi gương khiêm nhường của Đức Giê-su : "Vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (Pl 2,5b-8). Tin mừng Gioan cũng cho thấy Đức Giê-su đã nêu gương rửa chân cho các môn đệ trước khi dạy các ông bài học khiêm nhường phục vụ anh em (Ga 13,12-15).
4) Ích lợi của đức khiêm nhường : Khiêm nhường giúp chúng ta luôn cố gắng học tập để ngày một thăng tiến. Cần khiêm tốn học tập bất kỳ ai, ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào. Chính đức khiêm nhường sẽ mang lại sức mạnh và tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng (x Mt 11,29).
5) Cần phục vụ theo tinh thần Tin Mừng : Phục vụ theo lời Chúa dạy không phải chỉ đòi người dưới phục vụ người trên, nhưng đòi người lãnh đạo, đặc biệt là các mục tử phải chăm sóc phục vụ đoàn chiên Hội Thánh (x Lc 22,26) như lời Chúa dạy : Ai làm đầu phải hầu thiên hạ và trở thành tôi tớ phục vụ mọi người (x Mc 10,44).
6) "Hãy đi và làm như vậy" (Lc 10,37) : Để có đức khiêm nhường, chúng ta cần phải làm những việc như sau :
- Cần xin ơn Chúa giúp : Hãy năng dâng lời nguyện tắt xin Đức Giê-su đổ ơn Thánh Thần giúp ta khiêm hạ và chân thành phục vụ anh em, nhất là những người tàn tật bất hạnh và bị bỏ rơi.
- Cần xét mình mỗi ngày : Để thực tập khiêm nhường phục vụ, mỗi người chúng ta cần tập thành thói quen xét mình mỗi buổi tối trước khi nghỉ đêm : Hôm nay tôi có phục vụ cho ai kèm theo lời nguyện tắt hay không ? Tôi làm các việc tốt để làm cho Chúa vui hay làm vì tiếng khen nơi người đời (x Mt 6,1). Tôi có sẵn lòng làm những việc nhỏ bé và ít người muốn làm hay không (x Mt 6,2) ? Có sẵn sàng làm những việc phục vụ trong âm thầm không ai hay biết không (x Mt 6,3-4) ?
- Cần phục vụ với tình yêu thương : Những ai đứng đầu một cộng đoàn không nên nại vào lý do mình phục vụ cho tập thể nên cũng muốn người khác phải biết ơn và phục vụ lại cho mình. Cần phải tránh thái độ quan liêu, độc đoàn và vô trách nhiệm, nói chung là thiếu đức bác ái mục tử như những kẻ chăn thuê đã bị Đức Giê-su quở trách (x Ga 10,11-13)..
4. THẢO LUẬN: 1) Bạn sẽ phục vụ tha nhân, nhất là những người nghèo khó bệnh tật cách nào để nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su (x Ga 13,35)? 2) Là người đứng đầu một tập thể nhỏ là gia đình, đội nhóm, lớp học… và có chút quyền hành, chúng ta sẽ làm gì để noi gương Mục Tử Giê-su chăm sóc phục vụ đoàn chiên, “đến cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin để nhận ra Chúa nơi những người đau khổ do đói cơm bánh vật chất cũng như thiếu bánh ăn tinh thần là Lời Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn thấy Chúa đang bị bỏ rơi trong những người đau khổ, Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để đón nhận tha nhân, mở rộng trái tim để cảm thông, mở rộng đôi tay để hết lòng phục vụ như phục vụ chính Chúa. Ước gì con luôn kết hiệp với Chúa phục vụ trong âm thầm nhỏ bé, để xứng đáng được Chúa ban ơn tha tội và hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng con sau này.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Nguồn: tinmung.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét