LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ BA TUẦN XXII THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: 1 Cor 2:10-16; Lk
4:31-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ :
Vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc hiểu
biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vai trò quan trọng của
Thánh Thần trong việc giúp hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
1.1/ Thánh Phaolô dùng sự lọai suy dễ hiểu để cắt
nghĩa sự cần thiết của Thánh Thần trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên
Chúa:
“Vậy ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là
thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì
nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa.” Ngài muốn nói có
những nỗi ưu tư sâu kín trong mỗi người mà người khác không bao giờ hiểu nổi
trừ thần trí của mỗi người. Cũng vậy có những mầu nhiệm nơi Thiên Chúa mà con
người không thể hiểu nổi trừ Thánh Thần của Thiên Chúa.
Chính vì điều này mà Chúa Giêsu nói với Phêrô
khi ông tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa: “Này anh Simon con ông Jonah,
anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy,
nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17). Hay thánh Phaolô đã
khẳng định: “Không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa mà không do
Thánh Thần hướng dẫn” (I Cor 12:3b). Chính nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể
hiểu những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa.
1.2/ Thánh Thần giúp người rao giảng hiểu biết và
trình bày những mầu nhiệm này. Trước khi có thể rao giảng những mầu nhiệm của Thiên
Chúa, người rao giảng cần phải được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để hiểu những mầu
nhiệm này, vì không ai có thể cho cái mình không có. Sau khi hiểu rồi, họ còn
phải đựơc sự hướng dẫn của Thánh Thần trong cách trình bày những mầu nhiệm này
cho người nghe: “Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ đã
học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được
nơi Thánh Thần. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thánh Thần linh hứng để diễn tả
thực tại thuộc về Thánh Thần.”
1.3/ Thánh Thần giúp người nghe hiểu và sống Lời
Chúa.
Thánh Thần không chỉ tác động trên người rao giảng mà còn phải tác động trên
người nghe; nếu không, người nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai những mầu nhiệm
của Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết điều này: “Phần chúng ta, chúng ta đã
không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thánh Thần phát xuất từ Thiên
Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Con người sống
theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thánh Thần Thiên Chúa, vì
cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thánh Thần mới có
thể xét đoán. Nhưng con người sống theo Thánh Thần thì xét đoán được mọi sự, mà
chẳng có ai xét đoán được người đó.”
Và ngài kết luận sự cần thiết của Thánh Thần
trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa như sau: “Thật vậy, ai đã
biết tư tưởng của Chúa, để chỉ vẽ cho Người? Còn chúng tôi, chúng tôi biết được
tư tưởng của Đức Kitô.” Điều xác quyết này cho thấy Thánh Thần của Chúa Kitô
cũng là Thánh Thần giúp thánh Phaolô và các người rao giảng hiểu được những gì
Chúa Kitô trình bày, và cũng là Thánh Thần sẽ trợ giúp cho những người nghe thì
họ mới có thể hiểu được các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Quỉ ô uế luôn sợ hãi sự hiện diện của
Thánh Thần.
2.1/ Lời của Chúa Kitô là lời có uy quyền vì được
Chúa Thánh Thần hướng dẫn.
Khi nghe người rao giảng trình bày, khán giả
có thể nhận ra giá trị những lời của họ. Càng hiểu biết về các lãnh vực chuyên
môn bao nhiêu, khán giả càng dễ nhận ra giá trị của diễn giả trình bày về lãnh
vực chuyên môn đó bấy nhiêu. Vì thế, không lạ gì khi Chúa Giêsu xuống
Capernaum, một thành miền Galilee, vào ngày Sabath, để giảng dạy dân chúng. Họ
sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
2.2/ Phản ứng của quỉ thần ô uế:
Đối ngược với sự hiện diện của Thánh Thần là
quỉ thần. Nếu Thánh Thần giúp con người hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên
Chúa thì quỉ thần sẽ tìm cách tiêu diệt để con người không thể hiểu những mầu
nhiệm này. Người Ai-Cập tin có tất cả 36 thứ quỉ thần luôn chờ đợi để vào qua
các giác quan và tác hại nơi con người: quỉ câm, quỉ điếc, quỉ dâm dục… Quỉ ô
uế trong Phúc Âm hôm nay có thể hiểu là quỉ dâm dục, chúng biết và khiếp sợ uy
quyền của Chúa Giêsu: "Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến
ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh
của Thiên Chúa!"
Trước tiên chúng ta cần tin tưởng: Quỉ thần
chỉ có uy quyền trên con người chứ không bao giờ có uy quyền trên Thiên Chúa và
những người được Thiên Chúa gìn giữ. Chúa tiêu diệt quỉ thần bằng hai cách:
(1) Trừ quỉ bằng uy quyền của Thiên Chúa: như Phúc Âm hôm nay
tường thuật. Ngài quát mắng nó: "Câm đi, hãy xuất khỏi người này!" Quỷ
vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm
hại gì anh.
(2) Lời Chúa: Trong Cựu Ước, nhất là trong các biến cố
tường thuật việc Chúa gọi các tiên tri, Ngài tiêu diệt sự ô uế nhơ bẩn bằng
cách đặt Lời Ngài vào miệng tiên tri Jeremiah (Jer 1:9), hay bắt Ezekiel há
miệng ăn sách Lời Chúa (Eze 3:2). Một khi đã có Lời Chúa là có sự hiện diện và
uy quyền của Thiên Chúa. Cũng vậy, trong Tân Ước, các Tông Đồ và các môn đệ
cũng được thanh tẩy bằng Lời Chúa. Một khi đã có những Lời này là có sự hiện
diện và uy quyền của Thánh Thần của Thiên Chúa, các ông có thể khai trừ quỉ
bằng những Lời này. Không lạ gì khi mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với
nhau: "Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho
các thần ô uế, và chúng phải xuất!"
ÁP
DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
(1) Sự hiện diện cần thiết của Chúa Thánh Thần
trong việc hiểu biết và loan truyền các mầu nhiệm của Thiên Chúa là chuyện có
thật. Nếu các nhà rao giảng lơ là với sự cần thiết của Chúa Thánh Thần thì
chẳng lạ gì khi không thấy hiệu quả của lời rao giảng của họ: chỉ là nước đổ
đầu vịt mà thôi!
(2) Sự hiện diện của quỉ thần trong đời sống
là chuyện có thật chứ không phải chuyện giả tưởng. Đức Giáo Hoàng đương kim
Benedictô đang cảnh cáo về việc coi thường sự hiện diện của quỉ thần trong đời
sống con người.
(3) Chúng ta có thể tiêu diệt quỉ thần bằng
cách để cho Lời Chúa thấm nhập trong tâm hồn.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét