Trang

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Thứ Năm Tuần 25 TN2


Dấu Hỏi Cho Người Khác
(Lc 9,7-9)
Suy Niệm:
Dấu Hỏi Cho Người Khác
Trong những dòng cuối cùng của Thông điệp "Hòa Bình Dưới Thế", Ðức Gioan XXIII đã định nghĩa một người Kitô hữu chân chính: Mỗi người Kitô hữu trong thế giới phải là một mảnh sao băng chiếu sáng, là tụ điểm của tình yêu, là men sống động giữa anh em mình. Người Kitô hữu càng đóng trọn vai trò của mình, khi càng sống mật thiết với Chúa. Người Kitô hữu không sống cho mình, nhưng sống cho và vì người khác. Một mảnh sao băng chỉ chợt lóe lên rồi lịm tắt, nhưng cũng đủ thu hút con người về một góc trời nào đó; một chút men bé nhỏ trong khối bột, nhưng cũng đủ làm dậy cả khối bột. Như thế đó, sự hiện diện của người Kitô hữu, có sức thu hút, tạo chú ý, quấy rầy lương tâm người khác, nếu cuộc sống ấy là một cam kết, một dấn thân trọn vẹn.
Tin Mừng hôm nay cũng muốn nhắc nhở chúng ta về chân lý ấy. Qua lời nói, việc làm, và nhất là cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã không ngừng là một dấu hỏi cho người đương thời. Mỗi người một câu trả lời, nhưng bất cứ ai cũng được mời gọi để bày tỏ lập trường đối với con người của Chúa Giêsu. Riêng Vua Hêrôđê, ông tiến thêm một bước là muốn đến gặp Chúa Giêsu.
"Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Câu hỏi ấy, Chúa Giêsu không ngừng đặt ra cho chúng ta, và qua chúng ta, Ngài tiếp tục đặt ra cho mọi người. Qua cuộc sống của mình, người Kitô hữu cũng phải là một câu hỏi cho những người chung quanh; và dĩ nhiên câu hỏi càng trở nên dồn dập khi cuộc sống ấy là một hành trình đi ngược dòng đời.
Giữa một xã hội lấy bon chen làm khuôn vàng thước ngọc, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tinh thần nghèo khó. Giữa một xã hội lấy hận thù làm luật sống, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi nếu họ vẫn tiếp tục yêu thương và tha thứ đến cùng. Giữa một xã hội mà nhiều người thường buông xuôi, thất vọng, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống lạc quan tin tưởng vào Ðấng luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại. Giữa một xã hội mà sự tử tế đối với nhau đã thành một thứ xa xỉ phẩm, người Kitô hữu sẽ mãi mãi là một câu hỏi, nếu họ tiếp tục sống tử tế với mọi người, ngay cả những người thù địch. Sống như thế quả là một đòi hỏi gay go, nhưng đó không chỉ là một cố gắng suông, mà là một thể hiện của một cuộc sống mật thiết với Chúa. Không có ơn Chúa, không sống kết hiệp với Chúa, người Kitô hữu không thể đi đến cùng những cam kết sống chứng nhân của họ.
Xin Chúa ban thêm sức mạnh, để trong cuộc sống chứng tá, chúng ta luôn xác tín rằng chúng ta đang sống nhờ Chúa, với Chúa và cho Chúa.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày

Thứ Năm Tuần 25 TN2

Bài đọc: Eccl 1:2-11; Lk 9:7-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Lẫn lộn!

Có biết bao nhiêu những lẫn lộn trong cuộc đời: lẫn lộn giữa vàng thật và vàng giả, giữa sự thật và sự dối trá, giữa người lương thiện và kẻ ác nhân… Đã không biết bao lần chúng ta đã phán đóan sai lầm vì không học được chữ ngờ! Bài đọc I hôm nay tập trung trong các lẫn lộn về cuộc đời. Phúc Âm tường thuật những lẫn lộn của nhiều người và của tiểu vương Hêrôđê về Chúa Giêsu.



KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Lẫn lộn về cuộc đời: Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời?

(1) Ông Qôhelét mở đầu sách bằng nhận xét của ông về cuộc đời: "Phù vân của mọi phù vân. Phù vân của mọi phù vân. Tất cả là phù vân.” Chữ “phù vân” dịch từ tiếng Do Thái (hebel), có nghĩa là hơi nước hay hơi thở. Chúng thóat ra ngòai, bay lên không, rồi tự tan biến vào không gian mà không ai thấy. Tiếng Hy-Lạp của bản LXX là “mataio,thj,” có nghĩa hư ảo hay không có giá trị gì cả. Cuộc đời của con người giường như cũng thế: mỗi người có mặt trên dương gian trong khỏang một thời gian, cố gắng tạo cho mình một cái gì đó, nhưng rồi cũng qua đi chẳng để lại một vết tích gì cả.



(2) Kết luận trên đến từ những quan sát tỉ mỉ của ông Qôhelet về cuộc đời con người và các biến chuyển của thiên nhiên trong vũ trụ:

- Con người ra sức làm việc để tạo cho mình có một tài sản, nhưng khi xuôi hai tay nằm xuống thì có mang được gì đâu; tất cả đều phải để lại cho người khác hưởng. Con người qua các thế hệ nối tiếp nhau qua đi, nhưng tài nguyên vẫn tồn tại trong thế giới.

- Các biến chuyển của thiên nhiên trong trời đất: “Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. Gió thổi xuống phía Nam, rồi xoay về phía Bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.”

- Chẳng có gì mới lạ dưới ánh mặt trời vì tất cả đều là bổn cũ sọan lại như lời Qôhelet nhận xét: “Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.”

Nêu lên tất cả các nhận xét trên đây, ông Qôhelet có mục đích giúp mỗi người chúng ta dừng lại để đặt câu hỏi cho những gì chúng ta đang theo đuổi. Câu hỏi tối quan trọng cho mọi người: Đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời? Chắc chắn ý nghĩa của cuộc đời không hệ tại ở chỗ có tài sản vì tất cả rồi cũng qua đi. Ý nghĩa của cuộc đời cũng không hệ tại ở chỗ tìm ra các điều mới lạ, vì cái gì con người tưởng mới đã xảy ra trong lịch sử; và con người chẳng làm thay đổi được những gì đã có sẵn trong thiên nhiên. Ý nghĩa của cuộc đời cũng chẳng hệ tại ở chuyện lưu danh cho hậu thế, vì tất cả các việc làm dù có tốt đến đâu rồi cũng bị rơi vào quên lãng.

2/ Phúc Âm: Tiểu Vương Hêrôđê lẫn lộn về Chúa Giêsu: từ chỗ muốn được gặp đến chỗ khinh thường sau khi gặp.

Tiểu vương Hêrôđê Antipas là một trong 3 người con của Vua Hêrôđê Cả và bà Malthrace. Ông được vua cha cho cầm quyền hai vùng: Galilee và Perea. Trong Tân Ước, ông luôn được gọi là người đã tống ngục và chém đầu Gioan (Mat 14:3-12 = Mk 6:17-29; Ant 18.5.2) và chất vấn Chúa Giêsu khi Ngài ra tòa tại Jerusalem (Lk 23:6-12). Hai người con khác của ông là Philip và Archelaus. Philip là tiểu vương vùng phía Đông Jordan, từ Caesarea cho tới Bethabara. Archelaus là tiểu vương của Samaria và Judea.

(1) Ông nghe những người khác nói về Chúa Giêsu: Là tiểu vương của vùng Galilee, nơi mà Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và dùng đa số thời gian của Ngài trong 3 năm để rao giảng; chắc chắn ông đã nghe những lời đồn thổi rất nhiều về Chúa Giêsu. Có người nói: "Đó là ông Gioan từ cõi chết trỗi dậy," vì tính tình của Ngài cũng nhiệt thành và thẳng thắn như Gioan. Kẻ khác nói: "Ông Êlijah xuất hiện," vì Ngài có uy quyền làm phép lạ như tiên tri Elijah. Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại," vì những lời rao giảng xác tín của Ngài. Nói tóm, tất cả mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một con người đặc biệt, nhưng không ai nghĩ Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa từ trời xuống để ở với con người.

(2) Tiểu vương Hêrôđê băn khoăn suy nghĩ về Chúa Giêsu: "Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi!” Nếu quả là Gioan từ cõi chết sống dậy thì tiểu vương Hêrôđê có lý do để khiếp sợ Gioan báo thù. Sau đó, ông tìm cách gặp Đức Giêsu để tìm hiểu về Ngài. Trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, khi Tổng Trấn Philatô biết Chúa Giêsu là người Galilee, ông liền cho áp giải người đến với Tiểu Vương Hêrôđê, lúc đó cũng đang có mặt tại Jerusalem. Tin Mừng Luca tường thuật: “Khi Vua Hêrôđê thấy Đức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Hêrôđê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Philatô” (Lc 23:8-11).

Cho dẫu tiểu vương Hêrôđê có dịp gặp Chúa Giêsu nơi dinh quan Tổng Trấn Philatô, ông vẫn không nhận ra Chúa là ai, vì ông sống và hành động hòan tòan theo tính xác thịt của con người; nhất là khi thấy Chúa bị đối xử như một tử tội. Ông khác với thánh Phêrô là người được Thiên Chúa soi sáng cho biết đích thực Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống.



ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Để biết nhìn đúng và tránh được lẫn lộn, chúng ta đừng chỉ nhìn hời hợt bề ngòai, nhưng phải nghiên cứu và tìm tòi cho đến nơi; nhất là câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời.

- Chúng ta cần chính mình tìm hiểu về Chúa và rút ra kết luận như thánh Phêrô, chứ không chỉ nghe người khác nói lại về Chúa như tiểu vương Hêrôđê.

- Tất cả mọi sự trên đời là phù hoa. Chỉ có một điều vững bền muôn đời là Thiên Chúa. Chỉ có một nguồn Sự Thật đã được mặc khải là qua Đức Kitô, chúng ta biết về Thiên Chúa và về mọi sự xảy ra trong vũ trụ trong mối tương quan với Thiên Chúa.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

****************



Ông này là ai ?

 Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó. Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến. 



Suy nim:

Đức Giêsu với các môn đệ của Ngài đã nổi tiếng ở vùng Galilê,
qua các hoạt động rao giảng và chữa bệnh.
Tiếng đồn về Ngài ngày càng lan rộng (Lc 5, 15).
Điều đó hẳn đã đến tai của Hêrôđê (c. 7),
vị tiểu vương cai quản vùng Galilê trong hơn bốn mươi năm (Lc 3, 1).
Hêrôđê bối rối và lúng túng trước những tin mình nhận được.
Ông đã cho chém đầu Gioan Tẩy giả, kẻ được coi là ngôn sứ (c. 9).
Bây giờ lại nổi lên một người khác tên là Giêsu.
Người ta đồn đãi nhiều về nhân vật Giêsu này.
Có một số người nói ông này là Gioan bị chém đầu nay sống lại.
Có những người khác nói đó là ông Êlia tái giáng
sau khi đã được đưa về trời trong cơn gió lốc (2V 2, 11).
Cũng có những kẻ nói Giêsu là một ngôn sứ nào đó thời xưa sống lại.
Quả thật nhìn việc làm, lời giảng và lối sống của Giêsu,
người ta dễ thấy Ngài là một ngôn sứ (x. Lc 7, 16-17).
Mà chính Đức Giêsu cũng nhận mình là ngôn sứ (Lc 4, 24; 13, 33).
“Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”
Hêrôđê tò mò muốn biết Ngài là ai.
Ông không tin Đức Giêsu là Gioan bị chém đầu, nay sống lại.
Và ông tìm cách gặp mặt Ngài (c. 9).
Hêrôđê đã được gặp Đức Giêsu trong cuộc Khổ Nạn (Lc 23, 6-12).
Lúc ấy Ngài xuất hiện trong tư cách một phạm nhân.
Dù vậy Hêrôđê cũng vui sướng vì ước ao của mình được thỏa nguyện.
Ông đã nghe Ngài làm được những phép lạ lớn lao,
nên ông ước mong được chứng kiến tận mắt một vài phép lạ.
Tiếc thay Đức Giêsu đã không muốn chiều Hêrôđê.
Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng làm một phép lạ nào.
Ngài thanh thản bình an trước những lời tố cáo của các thượng tế.
Ngài không muốn tránh cái chết mà Ngài biết nằm trong ý định của Cha.
“Ông này là ai ?”, Hêrôđê đã tìm thấy câu trả lời khiến ông bị hụt hẫng.
Giêsu chỉ là một anh khờ dại, chỉ đáng bị khinh bỉ và chế giễu.
Cuộc tìm kiếm với nhiều tò mò của Hêrôđê kết thúc.
Ông chẳng bao giờ biết được Đức Giêsu thật sự là ai.
Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Ông Giêsu này là ai?” (Lc 5,21; 7,49; 8,25).
Hôm nay nhân loại vẫn đặt câu hỏi quan trọng đó.
Để trả lời, phải bước vào một cuộc hành trình, bỏ lại những thành kiến.
Tò mò, thích những điều giật gân, muốn thấy những điều lạ thường:
tất cả những điều ấy không giúp ta khám phá mầu nhiệm một con người.
Sự thật về Giêsu có khi lại được nhận ra qua cái im lặng cam chịu,
qua sự bất lực đớn đau trên thập giá hơn là qua sự thi thố quyền năng.
Phải đổi toàn bộ cái nhìn của mình để nhận ra được Giêsu là ai,
để không vội vã đánh giá Ngài dựa trên tiêu chuẩn người đời.
Như Hêrôđê, chúng ta có thể có cơ hội gặp mặt Giêsu,
nhưng vẫn không biết Ngài là ai.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
khi đến với Chúa
con tháo bỏ đôi giày: những tham vọng của con
con cởi bỏ đồng hồ: thời khóa biểu của con,
con đóng lại bút viết: các quan điểm của con,
con bỏ xuống chìa khóa: sự an toàn của con,
để con được ở một mình với Ngài,
lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.
Sau khi được ở với Ngài,
con sẽ xỏ giày vào
để đi theo đường của Chúa,
con sẽ đeo đồng hồ
để sống trong thời gian của Chúa,
con sẽ đeo kính vào
để nhìn thế giới của Chúa,
con sẽ mở bút ra
để viết những tư tưởng của Chúa,
con sẽ cầm chìa khóa lên
để mở những cánh cửa của Chúa.
(Graham Kings)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

"Ông Gioan đã bị trẫm chém đầu rồi, ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế".

Kinh nghiệm của vua Hêrôđê


Bài Phúc Âm hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là ai? Dựa theo vài chi tiết trong Phúc Âm, chúng ta có thể nói ông là một con người dám làm điều nghịch lại với lương tâm mình vì say mê quyền hành và danh vọng. Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội. Khuyết điểm khác nữa cũng của vua Hêrôđê là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, ông muốn trấn an lương tâm và thuyết phục mình rằng không có gì sai quấy trong việc đã làm. Ông đã giết chết Gioan Tẩy Giả, nhưng khi ông thấy Chúa Giêsu Kitô thì ông tự nhủ là Gioan đã sống lại và như thế thì mình không có lỗi gì và rằng điều xấu ông đã làm đã được đền bù. Vua Hêrôđê đã hành động nghịch lại lương tâm và tệ hại nhất là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.

Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm điều đó, vì chúng ta sợ kẻ khác sẽ nói; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm, bởi vì chúng ta yêu thích những niềm vui nhục dục hơn mọi sự khác; chúng ta biết rõ điều gì nên làm, lương tâm chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta nên sống liêm chính, nhưng chúng ta vẫn gian lận với nhau và lường gạt những kẻ thân yêu nhất, bởi vì rất dễ làm như vậy. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò mọi sự vẫn như bình thường. Sau khi hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy tội ác, dường như thể không có gì xảy ra cả.
Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta là việc chối bỏ điều tội trong chúng ta. Chúng ta hãy trở về lại nơi chúng ta cần phải làm, trở về lại với bản tính tự nhiên của mình. Có lúc vua Hêrôđê khao khát muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta không biết đây là vì tò mò hay là vì tiếng lương tâm thúc đẩy, vì trong nội tâm còn có chút khao khát muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng khao khát của vua Hêrôđê có lẽ còn quá yếu ớt và có thể là vì những điều trần tục và những sự đam mê không được phép bóp chết đi.

Chúa Giêsu đã cho vua Hêrôđê được dịp gặp Ngài trong cuộc thương khó và chúng ta biết rõ vua Hêrôđê đã bỏ qua tất cả cơ hội để sống với thực thể thật của Chúa Giêsu, đã bỏ mất cơ hội canh tân đời sống mình. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của và từ vua Hêrôđê, ông đã hành động nghịch lại lương tâm và đã che giấu tội ác của mình.

Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Đức Giêsu gây nhiều câu hỏi

“Ông Gio-an ta đây đã chém đầu rồi! Vậy ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?”Rồi vua tìm cách thấy mặt Đức Giêsu. (Lc. 9, 9)

Không phải quá khứ mới đặt câu hỏi về Người. Ngày nay vẫn còn nhiều câu hỏi lúng túng hơn xưa về Đức Giêsu. Lúc còn sinh thời, Người đã có vấn đề. Ông hoàng Hê-rô-đê xứ Galilê nghe tất cả những điều Người nói và làm. Ngay ở một thời, cả khối trung đông không cóvấn đề gì lớn,thế mà ông đã có những thông tín viên săn lùng tin tức cho ông. Tiếng tăm về Đức Kitô lan ra hầu khắp nơi. Những ý kiến về Người: tốt có, xấu có được loan truyền rộng rãi như trong thế giới chúng ta hiện nay.

Phải chọn lựa thế nào? làm sao biết được chính xác về nhân vật kỳ lạ nay?

Những người này coi Người là Gio-an Tẩy Giả đã sống lại. Những người khác cho là Ê-li-a tái xuất hiện. Nhiều kẻ nói: đây là một trong những tiên tri thời xưa sống lại. Họ đã có ý kiến khác xa nhau về cùng một vấn đề, quần chúng dễ tin và hầu như lúc nào cũng thèm khát những điều lạ lùng dễ cảm động. Đức Kitô, qua sứ điệp và cử chỉ cư xử của mình, đã nuôi nấng cái lòng ham thích lẫn lộn của những hạng người nhỏ bé chỉ biết hướng về cái trước mắt và tầm thường.

Hê-rô-đê bối rối về những tin đồn về Đức Giêsu, vì ông không bao giờ có lương tâm yên ổn. Ông không thể quên Gio-an đã bị ông ra lệnh chém đầu. Ông luôn tự vấn, nếu chém đầu một người vô tội và thánh thiện, sẽ bị công lý trừng phạt. Ông cũng muốn gặp Đức Giêsu. Ông mong có ngày sẽ gặp Người, nhưng như với Gio-an, ông sẽ bỏ qua một bên ơn phúc được ban cho ông.

Những người của thế kỷ chúng ta vẫn tiếp tục tra hỏi về Đức Kitô. Những người này khám phá thấy Người là con Thiên Chúa và con Đức Maria. Những người khác chẳng bao giờ đi đến cùng sự thật về căn tính của Người. Bất hạnh thay! Tại sao thế? vì lý lẽ của họ giống như của Hê-rô-đê, không có lòng khiêm tốn cần thiết để chấp nhận những điều khó hiểu của đức tin và họ không có tinh thần từ bỏ mà đức tin yêu cầu. Sự thật về Đức Kitô, theo Tin Mừng của Người là một thách đố phiền phức. Chỉ có những người có tinh thần nghèo khó mới có thể được nâng lên tới đỉnh vinh quang.
GF.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét