Thầy Là Ðức Kitô
(Lc 9,18-22)
Suy Niệm:
Thầy Là Ðức Kitô
Trong số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 25 TN2
Bài đọc: Eccl 3:1-11; Lk 9:18-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Sống trong trần gian, con người cảm thấy khả năng hạn hẹp của mình vì bị lệ thuộc vào trời đất, thời gian, hòan cảnh, và môi trường sinh sống. Nếu biết trước và họach định làm sao cho phù hợp với các yếu tố này, con người sẽ thành công; nếu không, sẽ nắm chắc phần thất bại. Khác hẳn với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời đúng lúc vì Ngài biết mọi sự và không bị tùy thuộc vào bất cứ một yếu tố nào. Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng những ví dụ cụ thể về hai sự khác biệt này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thời nào việc đó. Chìa khóa thành công: phải biết 4 đúng: đúng thời, đúng nơi, đúng người, đúng chất liệu.
1.1/ Con người cần phải biết làm việc hợp thời đúng lúc để đạt được kết quả mong muốn. Người Việt-Nam chú trọng đến 3 yếu tố cần phải có để bảo đảm thành công trong bất cứ lãnh vực nào của cuộc đời: thiên thời – địa lợi – nhân hòa; nếu thiếu một trong 3 yếu tố sẽ nắm chắc thất phần bại.
(1) Thiên thời: là thời gian của Trời. Con người cần phải biết thời gian của Trời qua các hiện tượng và trật tự trong trời đất: nắng, mưa, gió, tuyết, xuân, hạ, thu, đông. Để dễ hiểu, chúng ta lấy một ví dụ về nông nghiệp: Biết những điều này sẽ giúp con người biết phác họa kế họach khi nào cầy đất, khi nào gieo mạ, khi nào cấy, bao lâu phải chờ đợi, và khi nào phải gặt. Người không hiểu biết thời gian của trời sẽ gieo khi phải gặt, và vì thế đã đi sai với thời gian của Trời, làm sao có kết quả được? Hơn nữa, con người còn cần phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi đã gieo trong một thời gian cần thiết: không thể gặt sớm quá hoặc để lâu quá. Gặt sớm quá sẽ chưa đủ chín và để lâu quá sẽ ủng thối.
(2) Địa lợi: là cơ hội xảy đến với con người trên thế gian. Vẫn theo ví dụ về nông nghiệp, nếu con người mua được mảnh đất tốt: nằm chỗ không cao quá để khỏi bị khô cằn, không sâu quá để khỏi bị lụt lội. Rồi còn phải tùy thuộc vào phân bón, thuốc diệt sâu rầy… Nếu con người không biết nắm lấy những cơ hội xảy đến trong cuộc đời để biết cách đầu tư cho hợp thời thì cũng sẽ không thành công.
(3) Nhân hòa: là lòng người hòa thuận. Con người phải biết cách cư xử sao cho hợp tình, hợp lý, và hợp nơi chốn. Không thể cười nơi đám ma và khóc trong đám cưới như Sách Giảng Viên dạy: “một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy.” Hơn nữa, con người nào phải áp dụng cách cư xử đó; không thể áp dụng một cách cư xử cho hết mọi người. Sách Giảng Viên dạy: “một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” Lòng người rất phức tạp và thay đổi. Nếu không biết cư xử sao cho phù hợp lòng người cũng nắm chắc phần thất bại.
1.2/ Trái với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời và đúng lúc vì Ngài không lệ thuộc vào thời gian và thời gian của con người nằm trong tay của Ngài. Ngài cũng chẳng bị tùy thuộc vào cơ hội vì Ngài biết tất cả những gì xảy ra và Ngài tạo cơ hội cho con người. Ngài không bị lệ thuộc vào con người nhưng tất cả mọi người phải tùy thuộc nơi Ngài. Tác giả của Sách Giảng Viên xác quyết: “Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.”
2/ Phúc Âm: Đúng người: Thánh Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô!
Câu hỏi “Đức Giêsu là ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn quan trọng hơn cho các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông Đồ không biết đúng Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của Chúa ở trần gian sau khi Chúa Giêsu từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha? Nhất là khi các ông phải đối diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài. Trình thuật của Luca đặt câu hỏi này trong bối cảnh Chúa cầu nguyện một mình, Ngài cầu xin Thiên Chúa để các Tông Đồ biết nhận ra Ngài là ai.
2.1/ Câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlijah, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." Tất cả những câu trả lời này tuy có nói lên được sự tôn kính và uy quyền của Chúa, nhưng vẫn không phải là câu trả lời Chúa mong muốn, vì những nhân vật này chỉ là những người dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới mà thôi. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn câu hỏi thứ nhất: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa." Đây mới thực sự là câu trả lời Chúa Giêsu muốn nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là Đấng được xức dầu để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai, vì người Do-Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những gì Ngài sắp mặc khải cho các Tông Đồ.
2.2/ Kế họach cứu độ của Thiên Chúa: Các Tông Đồ không chỉ cần biết Chúa Giêsu là ai, mà còn cần phải biết kế họach cứu độ của Thiên Chúa, vì cuộc Thương Khó của Ngài sắp diễn ra tại Jerusalem. Như những người Do-Thái khác, các ông đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ đánh dẹp tất cả các kẻ thù của người Do-Thái, cai trị họ trong công lý, và triều đại của Người sẽ vô tận. Nhưng kế họach cứu độ của Thiên Chúa thì rất khác với dân, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông cuộc Thương Khó sắp tới của Ngài lần đầu tiên: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, không dễ cho các Tông Đồ hiểu và chấp nhận kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Để đạt được kết quả như lòng mong ước, con người cần phải biết và làm đúng thời gian, đúng nơi chốn, và hợp lòng người.
- Để đạt được mục đích của cuộc đời, chúng ta cần biết Chúa Giêsu là ai, hiểu những gì Ngài mặc khải, và làm những gì Ngài truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP
****************
Anh em bảo Thầy là ai ?
Trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng. Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình. Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Cầu nguyện như Chúa
Lời tuyên xưng của thánh tông đồ Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" được nhắc lại trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại.
Ðoạn Phúc Âm được chia ra làm ba phần:
- Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông đồ xem các ông nghĩ như thế nào về Chúa.
- Lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa"
- Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ về thực thể mình là ai?
Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: "Các con nghĩ Thầy là ai?"; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng liêng của mình: "tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế nào?"
Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" là một biến cố quan trọng. Chúa Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người, hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho con được ơn trưởng thành trong đức tin và trong tình thương Chúa. Xin cho con luôn được trung thành với lời tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô" để rồi có thể múc lấy từ đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Môn đệ có cái nhìn đúng
Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đức Kitô của Thiên Chúa” (Lc. 9, 20)
Phải, môn đệ có cái nhìn đúng, môn đệ này chính là Phê-rô. Phê-rô này có lúc rất sáng suốt, có lúc lại té ngã lạc đường, thất vọng. Tuy nhiên chính ông đã xé được bức màn mầu nhiệm về con người của Đức Giêsu.
Một hôm, Đức Giêsu, như mỗi lần trước một biến cố quan trọng sắp xảy đến, Người đi cầu nguyện không xa các môn đệ lắm, các ông cũng tôn trọng những lúc Thầy chí thánh nói chuyện với Thiên Chúa. Tự nhiên, Người tiến đến với các ông và hỏi: “Đám đông nói Thầy là ai?” Tại sao Đức Kitô lại quan tâm lo lắng về dư luận quần chúng? tại sao Người coi đó là quan trọng? chả nhẽ Người hồ nghi về sứ mệnh của Người sao? sự oán ghét của đồng hương đối với Người là một thử thách khiến người bối rối đến nỗi phải tìm đến các môn đệ để tìm an ủi và nâng đỡ sao? hay Người sợ các ông sẽ bị lôi cuốn theo những kẻ đói nghịch đang công khai tìm mọi cơ hội truy lùng Người chăng?
Cần phải biết ý nghĩ thầm kín của Đức Kitô mới có thể trả lời tất cả các câu hỏi trên. Có phải Người lo âu hay chỉ muốn biết một cách chắc chắn người ta nghĩ gì về mình thôi chăng? bản văn của Thánh Lu-ca kể quá gọn và khô, không cho biết gì hơn nữa.
Các tông đồ cũng đơn giản trả lời Người: Kẻ thì bảo Người là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại nói là Ê-li-a hay một ngôn sứ thời xưa. Nhưng Phê-rô, người một ngày kia sẽ trở thành “sếp” hướng đạo các bạn, đã đứng lên trả lời Đức Kitô đã hỏi cảm nghĩ của các ông về Người rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Đó chính là điều mà Đức Kitô muốn khẳng định về mình khi Người giải thích Kinh Thánh ở hội đường Nagiarét trong ngày sabát. Vậy Phê-rô đã hiểu và các bạn khác cũng thế! các ông đã không bỏ Người vì các ông biết Người như thế và các ông tin vào Người. Người hỏi các ông, tuy nhiên, Người vẫn im lặng về căn tính của mình. Người không muốn người ta hiểu lầm Người là Đấng Kitô nhất thời ở trần thế, nên Người nói thêm: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
GF.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét