VẤN ĐỀ ĐỊA LÝ TRONG PHÚC ÂM MACCÔ
Tác giả Phúc Âm đã đóng khung cuộc đời Chúa Giêsu trong môt ranh giới rất đơn giản ở đó người ta thấy lộ rõ ra hai cực: Galilê và Giêrusalem. Thực thế, sau khi chịu phép rửa ở sông Giođan (1,9). Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ của mình ở Galilê, nằm ở mạn bắc xứ Palestin (1,14-9,29). Chỉ mãi về sau Ngài mới băng ngang Galiê theo hướng nam để “lên” Giêrusalem, thủ phủ xứ Giuđêa (9,30). Chính ở đó Ngài sẽ đương đầu với các nhà cầm quyền tôn giáo của dân tộc mình để rồi trải qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh (11,10 -16,8).
Lộ trình theo sát đường kẻ kiểu này chắc chắn là sản phẩm của một sự “khái quát hóa”, bởi vì theo như Phúc Âm của Gioan cho biết, sứ vụ của Đấng Mêsia trải dài trên hoặc ba năm. Chắc hẳn Chúa Giêsu đã lên Giêrusalem nhiều lần theo như tập tục vào các dịp lễ của người Do Thái (x. Ga 5,1; 7,2; 10,22; 12,12).
Như thế, nơi Phúc Âm Maccô, địa lý đã được dùng để “phục vụ” cho một ý đồ cao siêu. Quả thực đối với Maccô, Galilê và Giêrusalem là hai địa danh đối kháng nhau, mỗi nơi mang một ý nghĩa riêng biệt. Galilê là nơi Chúa mở đầu sứ vụ và đồng thời là nơi Chúa thi hành sứ vụ, rao giảng cho dân ngoại. Từ thời Cựu Ước, thành phố mạn bắc này từng chịu nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Chỉ danh xưng của nó cũng nói lên được điều này: đây là một “khu vực thuộc các dân tộc” chen vai thích cánh với nhau (Is 8,23). Vậy mà chính tại Galilê Chúa Giêsu đã được dưỡng nuôi (ở Nadaret: Lc 4,16). Tại đây Ngài đã khai mạc sứ vụ (1,14). Ngài đã thiết lập ở Caphanaum và bên bờ hồ Tibêria, căn cứ hoạt động và giảng dạy của Ngài (1,16; 2,1.13; 4,1). Ở phần đầu Phúc Âm, người ta thấy đoàn lũ dân chúng Galilê hồ hởi đón nghe và theo dõi các phép lạ Chúa Giêsu ban phát cho họ.
Tuy nhiên, từ chỗ đó, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ Ngài vượt qua các biên giới. Ngài cùng họ vượt hồ Tibêria, từ bờ bên mạn tây thuộc Do Thái đi qua bờ mạn đông thuộc dân ngoại. Với hành vi lặp đi lặp lại này, Ngài không ngừng kêu mời họ mở rộng tầm nhìn để mang Tin Mừng đến với đám dân ngoại (xem toàn bộ từ 4,35-5,20). Càng bành trướng sứ vụ Chúa Giêsu càng gia tăng việc di chuyển đến những vùng không thuộc dân Do Thái chẳng hạn vùng Phênixi (hiện là Liban), vùng Tirô và Siđon (7,24.31a) hay vùng Thập Tỉnh, hiện nay là Giocđani (7,31b).
Qua việc thực hiện các chuyến đi ngắn hoặc dài nơi vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu muốn tập cho các bạn hữu mình quen với tư tưởng rằng Ngài không chỉ là Đấng Mêsia của dân Do Thái mà còn của dân ngoại nữa. Các vị hữu trách tương lai của Giáo Hội phải ý thức rằng Chúa Giêsu mang đến ơn cứu độ phổ quát. Đây chính là ý nghĩa lần hóa bánh ra nhiều lần thứ hai được Chúa Giêsu thực hiện ở mạn đông sông Giocđan (8,1-9), nơi đây Chúa Giêsu đã mở ra bàn tiệc Lời Ngài và ân sủng Ngài cho một dân tộc bên ngoài dân riêng của Chúa. Cũng không phải tình cờ mà ngay tại Betsaiđa, vùng đất dân ngoại, Chúa Giêsu đã mở mắt cho một người mù (8,22-26), hành vi này được ví như khúc nhạc dạo đầu cho sự khám phá ra thân thế Ngài (điều này được thực hiện ở Cêsarê Philipphê, giữa vùng đất dân ngoại: 8,27-29). Như thế không nên ngạc nhiên tại sao ngay khi vừa sống lại, Chúa Giêsu đã bảo các bạn hữu mình đến gặp Ngài “ở Galilê” là nơi Ngài đang chờ họ để sai họ theo chân Ngài ra đi mang Tin Mừng cho toàn thế giới (16,7-8.15).
Đối nghịch với Galilê, Maccô đã biến Giêrusalem, thủ đô của Do Thái, thành một cực khép kín và chống lại Chúa Giêsu. Ngay từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu thi hành sứ vụ, nhóm luật sĩ và Biệt phái “đến từ Giêrusalem” đã tố cáo là Ngài bị Satan nhập (3,22) nào là Ngài để các môn đệ mình vi phạm các truyền thống cổ xưa (7,1). Chính tại Giêrusalem, trung tâm đức tin Do Thái Chúa Giêsu sắp phải đương đầu gay gắt nhất với đám thủ lĩnh tôn giáo của dân riêng Chúa (11,1-12,40). Cũng chính ở đó Ngài sẽ bị bắt, bị xét xử, bị kết án tử hình và bị hành hình do lời xúi giục của các vị cầm quyền Do Thái cao cấp nhất (14,1-15,47).
Như thế vấn đề địa lý trong Phúc Âm Maccô chứa đựng một bài học sâu sắc: là người theo Chúa Giêsu, các Kitô hữu không được để cho Phúc Âm bị đóng khung trong bất cứ loại thành “Giêrusalem” nào! Họ phải luôn luôn liên kết với Đấng Phục Sinh là Đấng từ bờ hồ Tibêria đã mời gọi họ “ra khơi”. Bởi vì “trong Chúa Kitô không còn phân biệt ai là Do Thái, ai là Hy Lạp nữa” (Thư Phaolô gởi tín hữu Galat 3,28). Ơn cứu độ phải được mang đi từ Giêrusalem và từ Galilê đến tận cùng thế giới.
Jacques Hervieux
Nguồn: tinmung.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét