Trang

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Ô CHỮ THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU 4





Ô CHỮ
THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU 4






Trong ô chữ nay, những lời giải được xếp ngang dọc. Mời các bạn cùng tìm.


Những gợi ý

01.   Chị Têrêxa khi còn trẻ được nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng bởi cuốn sách này.

02.   Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu sống trong Dòng nào? 

03.   Chị Têrêxa được đặc biệt nuôi dưỡng bởi giáo huấn của vị thánh này. 

04.   Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu  nói: Sau khi con chết con sẽ "đổ mưa" gì xuống trần gian?

05.   Đây là một trong những đức tính nổi bật của chị Têrêxa.

06.   Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã xin Đức Giáo Hoàng nào cho phép chị vào Dòng trước tuổi qui định?

07.   Tác giả “Truyện một tâm hồn” là ai? 

08.   Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh trưởng tại nước nào? 

09.   Đức Giáo Hoàng nào đã phong chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh?  

10.   Song thân chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu – Ông Louis Martin và bà Zélie Guerin - hai ông bà đã được phong tước gì bởi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II? 


Nguyễn Thái Hùng

Chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu,




Chiêm ngắm thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu,
cùng nhau bồi đắp tình thương và sự sống từ những gì nhỏ bé nhất

“Tình yêu phải được chứng tỏ bằng việc làm, vậy làm sao tôi có thể bày tỏ tình yêu? Những việc lớn lao, tôi không được làm. Cách duy nhất để tôi chứng tỏ tình yêu là tung những cánh hoa nhỏ, những cánh hoa là tất cả những hi sinh nhỏ bé, ánh mắt, lời nói, việc làm nhỏ bé nhất như những hành động của tình yêu”.

Chị thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đã viết như thế. Cô thiếu nữ nhỏ bé bước vào Nhà kín Cát Minh từ năm 15 tuổi và qua đời năm 24 tuổi vì chứng lao phổi (1873-1897). Trong 9 năm sống trong Nhà kín, chị không đảm nhận trách nhiệm và công việc gì lớn lao, ngoại trừ làm giám tập năm 1893 lúc 20 tuổi. Đúng như chị nói: “Những việc lớn lao, tôi không được làm”. Những việc lớn lao như ước mơ làm linh mục, ước mơ chịu tử đạo... Tất cả đều không làm được.

Nhưng chị nữ tu bé nhỏ ấy lại trở thành vĩ đại. Cuốn tiểu sử tự thuật của chị “Truyện một tâm hồn” đã trở thành sách thiêng liêng bán chạy nhất trong thế kỷ 20, được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ Âu châu và cả Á châu, và ngày nay vẫn tiếp tục ấn hành. Trong sắc lệnh ký ngày 10.6.1914, Đức Bênêđictô XV đã cho phép tiến hành hồ sơ phong thánh cho chị, miễn chuẩn đòi hỏi phải đợi 50 năm sau khi chết mới được phép tiến hành. Chị được tuyên phong chân phước vào tháng 4 năm 1923, và hai năm sau, được Đức Piô XI tuyên phong hiển thánh (17.5.1925). Năm 1927, Đức Piô XI đặt chị làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1997, Đức Chân phước Gioan Phaolô II nâng chị thánh lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh. Trong lịch sử Giáo Hội, chỉ có ba người nữ được nhận tước hiệu cao cả này là thánh nữ Têrêxa Avila, thánh nữ Catarina Siêna, và chị thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu.

Tất cả những sự kiện trên phát xuất từ tầm ảnh hưởng lớn lao của chị thánh trong đời sống hàng triệu người trên thế giới, tầm ảnh hưởng của linh đạo tình yêu được thể hiện ngay trong những việc nhỏ bé và thông thường của đời sống hằng ngày. Cũng chính ở đây, người tín hữu Việt Nam học được cách sống lời mời gọi của Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã công bố Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 vào ngày 1-5-2011. Thư Chung được ký ngày 28-4 nhưng HĐGM đợi đến ngày 1-5 mới chính thức công bố, vì ngày đó trùng với Chúa nhật Tôn vinh Lòng Chúa thương xót, cũng là ngày tuyên phong chân phước cho Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng cụm từ “văn minh tình thương và văn hóa sự sống”. Tất cả để nêu cao lời mời gọi “cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Xã hội Việt Nam trong thập niên vừa qua đã có sự phát triển tương đối về kinh tế, nhưng bên cạnh đó lại xuất hiện nhiều vấn đề xã hội: sự chênh lệch giàu nghèo, những tệ nạn xã hội, sự đổ vỡ của gia đình, sự bất cập của giáo dục… tất cả đều gia tăng ở mức báo động và là dấu hiệu của thứ văn hóa bạo lực, hận thù và chết chóc. Vì thế, HĐGM kêu gọi mọi người tín hữu Chúa Kitô cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống.

Câu hỏi đặt ra là: làm sao tôi có thể xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống vì tôi chỉ là một bà nội trợ với những công việc nhỏ nhặt hằng ngày, chỉ là một người cha lo lắng kiếm tiền để nuôi sống gia đình, chỉ là một người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, chỉ là một tu sĩ với công việc đạo đức hằng ngày? Rất nhiều câu hỏi tương tự có thể đặt ra trước lời mời gọi cao cả nhưng quá lớn lao.

Chính ở đây, thánh nữ Têrêxa Hài Đồng chỉ cho chúng ta con đường: “Tôi là một tâm hồn rất nhỏ bé, chỉ có thể dâng lên Chúa những gì rất bé nhỏ”, “Cách duy nhất để tôi chứng tỏ tình yêu là tung những cánh hoa nhỏ, những cánh hoa là tất cả những hi sinh nhỏ bé, ánh mắt, lời nói, việc làm nhỏ bé nhất như những hành động của tình yêu”. Chị thánh mời gọi mỗi Kitô hữu biến những công việc bổn phận, những gặp gỡ trao đổi hằng ngày thành những hành động của tình yêu. Triệu triệu hành động nhỏ bé của tình yêu sẽ được nối kết với nhau, làm nên một nền văn hóa mới, nền văn hóa của Tin Mừng tình thương và sự sống trong tác động của Thánh Thần Thiên Chúa.

Khi còn sống, chị thánh Têrêxa từng ước mơ đến lập Nhà Kín ở Hà Nội. Như thế, dù có sự xa cách về không gian, nhưng đã có sự gần gũi trong tâm tưởng giữa chị thánh và Giáo Hội Việt Nam. Ngày nay, dù có sự xa cách giữa trời và đất, chắc chắn vẫn còn đó – và còn mạnh mẽ hơn nữa–  sự gần gũi trong mầu nhiệm hiệp thông các thánh. Ước gì định hướng “yêu thương qua những việc nhỏ bé” của chị thánh thấm đẫm tâm hồn tín hữu Việt Nam, để ngay giữa những khó khăn và thử thách của đời sống, hạt mầm yêu thương vẫn được gieo, cho nền văn hóa tình thương và sự sống đâm rễ sâu và triển nở trong lòng người và giữa lòng đời.
Lễ Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu 2011

HTT

Nguồn: WHĐ


Lời giải đáp
Ô CHỮ
THÁNH TÊRÊXA HÀI ĐỒNG GIÊSU 4




01.   Kinh Thánh.
02.   Dòng Cát Minh.
03.   Thánh Gioan Thánh Giá.
04.   Hoa hồng.
05.   Phó thác
06.   Ðức Giáo hoàng Lêô XIII.
07.   Thánh nữ Têrêxa
08.   Nước Pháp
09.   Ðức Giáo hoàng Piô XI.
10.   Đáng kính

NGUYỄN THÁI HÙNG 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét