Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

LỜI CHÚA LÀM CON NGƯỜI NÊN …

LỜI CHÚA LÀM CON NGƯỜI NÊN …




Đức Bênêđictô XVI đã để lại cho toàn Giáo hội Tông huấn Lời Thiên Chúa. Không thể phủ nhận sự sâu sắc và vẻ đẹp của Tông huấn này. Chính vì thế, tôi muốn cống hiến một vài suy nghĩ đơn giản khi đọc Tông huấn đó như một lời mời gọi các tín hữu hôm nay để mình bị quyến rũ bởi chính Lời HẰNG SỐNG CỦA THIÊN CHÚA LÀ Đức Giêsu trong hành trình đức tin hôm nay..

Nhưng trước tiên, tôi muốn độc giả để ý nét đặc biệt ngay trong tựa đề. Tựa đề này chưa trọn, vẫn bỏ ngỏ. Tôi để lửng hầu mỗi độc giả có thể làm cho tựa đề này trọn nghĩa thích hợp nhất, sau khi đọc qua bài này, hoặc tốt hơn, sau khi đọc Tông huấn Lời Thiên Chúa.

Tông huấn ấy khẳng định rằng Thiên Chúa đã lên tiếng nói, đã ngỏ lời. Thiên Chúa đã phá vỡ cõi uông mang, hư vô, cõi im ỉm, và Ngài đã mở lời đối thoại, bởi vì tự đời đời Thiên Chúa đã nói Lời Tình Yêu của ngài trong Thánh Thần. (x. số 6) Điều này thật tuyệt vời đến không ngờ. Tiếng Chúa rền vang trên sóng nước, lay động vùng hỗn mang tăm tối sự chết để mọi sinh vật xuất hiện. Tự muôn thuở, “Thiên Chúa không bao giờ mà không có Lời Ngài” (số 6). Nhờ Thiên Chúa lên tiếng, “chúng ta nhận được nhiều tặng phẩm quí giá: giá trị của thân xác, tặng phẩm của lý trí, tự do và lương tâm.” (số 9). Nhờ lắng nghe lời Thiên Chúa trước hết và tiên quyết, con người mới đánh giá  được “nhu cầu phải sống theo luật đã được ghi khắc trong tâm khảm chúng ta” (số 9). Như vậy, làm người cách chân chính không thể tách khỏi Thiên Chúa, vì nhờ ân sủng, con người “chia sẻ sự sống Thiên Chúa và vượt thắng sự ích kỷ” của mình (số 9). Ngay trong nhân vị của mình, con người có thể nhận ra “một bản giao hưởng của lời,  một lời được diễn đạt bằng muôn vàn cách thức: một bản thánh ca nhiều giọng” (số 7).

Thế nhưng tất cả bản giao hưởng ấy lại qui về và diễn đạt chỉ một Lời đúng thực: Đức Giêsu. “Vậy diễn nghĩa ‘lời Thiên Chúa’ ở đây qui chiếu tới ngôi vị Đức Giêsu Kitô, Người Con đời đời của Chúa Cha, đã làm người.” (số 7) Hay “Lời Thiên Chúa được nói suốt lịch sử cứu độ, và trọn vẹn nhất trong mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể, chết và phục sinh.” (số 7). Như thế, Kitô giáo không đến từ sáng kiến con người, cũng chẳng phải từ nỗ lực nhân loại tự tìm ơn giải thoát. Tiên vàn, “Kitô giáo là tôn giáo của Lời Thiên Chúa, không phải là một lời được viết ra và câm lặng, nhưng là Lời nhập thể và hằng sống.” (số 7) Kitô giáo xuất phát từ Tình Yêu là như vậy đó.
Tất cả sức hùng biện của Kitô giáo nằm ở đây. “Con người được đặt trước chính con người Đức Giêsu. Lịch sử độc nhất và riêng biệt của Người là lời dứt khoát của Thiên Chúa nói cho con người.” (số 11) Tính độc nhất vô nhị này được Đức Bênêđictô XVI diễn đạt như sau: “Đức tin tông truyền làm chứng rằng Lời vĩnh cửu đã trở thành một trong chúng ta. Lời Thiên Chúa được diễn đạt chân thật trong những lời nhân loại… Lời đã được rút gọn… Lời vĩnh cửu đã trở thành nhỏ - nhỏ đủ để vừa vặn vào một máng cỏ. Người đã trở thành một trẻ thơ để lời đó có thể được chúng ta nắm bắt. Nay lời đó không chỉ có thể nghe được; không chỉ có một tiếng nói, nay lời có một bộ mặt, bộ mặt mà chúng ta có thể nhìn thấy: bộ mặt của Đức Giêsu Nadarét.” (số 11). Bộ mặt đó dẫu bị che khuất bởi lời của thập giá, thì vẫn không câm lặng. Sự im lặng lại trở thành lời nói thuyết phục nhất: sự thinh lặng của lời. Khi chết, Đức Giêsu lại mạc khải dứt khoát nhất: Thiên Chúa là tình yêu. (x. số 12) Thiên Chúa đã nói hết tất cả trong cái chết của Con Ngài để chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa. Và lời dứt khoát quyết liệt này trở thành lời vinh quang tột đỉnh cho con người. Lời của Đức Giêsu đã chết và được chôn táng đã trở thành lời của Đức Kitô phục sinh. Sự thinh lặng của lời được tỏ lộ trong tất cả ý nghĩa chân chính và dứt khoát của nó: Lời Phục sinh là ánh sáng dứt khoát cho lối bước của chúng ta. (x. số 13). Chính Ngôi Lời-Đức Giêsu, nhập thể, chết, và phục sinh đã đưa con người vào một quĩ đạo rất mới, bất ngờ hoàn toàn đến nỗi chưa hề nghe nói bao giờ. Nay, làm người cách sung mãn chân thật độc nhất gắn liền với tình bạn với Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế, Vatican II nói rằng “Chúa là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm qui tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của tâm hồn và đáp ứng mọi niềm khao khát.” (GS 45)

Nếu thế, tựa đề chưa tròn ở trên sẽ được độc giả viết thêm vào như thế nào đây. “Lời Thiên Chúa làm con người nên . . . .” Bạn có thể làm cho câu này thành đầy nghĩa duy nhất không? Nó mở ngỏ cho bạn y như cuộc đời vẫn mở ngỏ để bạn viết được một câu duy nhất chân chính và sung mãn. Tôi mời bạn, nhưng đúng hơn, đức tin mời bạn làm như thế. Ước gì bạn viết được thật đúng vì nó sẽ cho bạn biết sự sung mãn duy nhất của đời sống là gì đấy.

Tác giả: Lm Giuse Nguyễn Văn Am, SDB
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét