Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG TÂN ƯỚC

TÌM HIỂU LỜI CHÚA TRONG TÂN ƯỚC


Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước có rất nhiều chứng từ cho thấy Lời Chúa trong bản văn được linh hứng có một hiệu năng đặc biệt mà không lời người phàm nào so sánh được, đó là Lời Chúa mang theo ân sủng cứu độ. Xin đọc Is 55,10-11; Gr 23,29; St 1,11 tt; Rm 1,16; Cv 14,3; Pl 2,16; Hr 4,12-13; Gc 1,18.21… Thật vậy, Lời Chúa là lời hữu hiệu, thực thi điều mình loan báo. Đó là tính cách thực hiện (performative) của chính Lời. Quả vậy, trong lịch sử cứu độ, không có sự tách biệt giữa điều Thiên Chúa nói và điều Thiên Chúa làm; chính Lời của Người luôn sống động và hữu hiệu (x. Hr 4,12), như từ “davar” trong tiếng Hípri diễn tả rõ ràng.[1]

Các tác giả Tân Ước, cũng như các tác giả Cựu Ước, đều tin rằng Thiên Chúa phán cùng dân Người để ban ơn sủng và sức mạnh cho họ. Nhưng trong Tân Ước, Thiên Chúa đã thay đổi cách thức phán lời (công thức các ngôn sứ sử dụng trong Cựu Ước rất ít khi xuất hiện trong Tân Ước). Tân Ước, thay vì tập trung vào việc Thiên Chúa phán, thì lại tập trung vào lời của Thiên Chúa phán ngang qua con người Đức Giêsu Kitô (quyền giảng dạy của Đức Giêsu), và lời của Thiên Chúa về Đức Giêsu (Tin Mừng rao giảng về công trình cứu độ của Thiên Chúa thực hiện nhờ Đức Kitô). Nơi con người và công trình của Người, Đức Giêsu đã trở thành hình thái tối cao cùng tận về sự thông tri (communication) của Thiên Chúa, như tác giả thư Hípri nói: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Hr 1,1-2a).[2]

Lời giảng dạy của chính Đức Giêsu

Dù không sử dụng những công thức cũ của các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhưng lời giảng dạy của Đức Giêsu cũng được các môn đệ tin rằng bắt nguồn từ Thiên Chúa và có thẩm quyền tối thượng. Đức Giêsu công bố Nước Thiên Chúa (Mt 4,17; Mc 1,15; Lc 4,43), và ai nghe lời Người là nghe Thiên Chúa (Lc 5,1; 8,11.21; 11,28). Tương quan độc nhất vô nhị của Đức Giêsu với Thiên Chúa, trong tư cách là Con Một Thiên Chúa, đã làm cho Người khác hẳn các ngôn sứ (Ga 14,10b; 17,8). Người cho thấy lời giảng của Người có thẩm quyền tối thượng và các phép lạ Người làm chứng thực điều đó (Mt 7,28-29; Mc 1,22.27; Lc 4,32.36). Những câu “Anh em nghe Luật dạy người xưa rằng … còn Thầy, Thầy bảo anh em…” (Mt 5,21-48; x. 19,8-9) cho thấy thẩm quyền tối cao của Đức Giêsu. Kết thúc Bài Giảng Trên Núi, Người khẳng định số phận của con người ra sao tùy thuộc vào cách thức họ ứng đáp với lời Người rao giảng (Mt 7,24-27; x. Lc 6,46-49).

Đức Giêsu diễn tả ý thức của Người về thẩm quyền tối cao đó qua công thức Người thường sử dụng: “Quả thật, tôi nói cho các ông biết” (50 lần trong Tin Mừng Nhất Lãm, 25 lần trong Tin Mừng theo thánh Gioan mà luôn luôn là nhân đôi “Quả thật, quả thật»). Những ai xấu hổ vì Đức Giêsu và lời Người thì sẽ phải chịu hậu quả nặng nề (Mc 8,38; Ga 12,48), còn những ai giữ lời Người thì sẽ không bao giờ phải thấy cái chết (Ga 8,51). Lời giảng dạy của Người tồn tại mãi mãi dù cho trời đất có qua đi (Mt 24,35; Mc 13,31; Lc 21,33; x. Mt 5,18).

Sứ điệp Tin Mừng do các Tông Đồ rao giảng

Sách Công Vụ Tông Đồ và các thư trong Tân Ước đều cho thấy có một sự dịch chuyển trọng tâm : từ lời Thiên Chúa phán ngang qua Đức Giêsu thành lời của Thiên Chúa về Đức Giêsu. Các thành ngữ hạn như «lời Chúa», «lời Thiên Chúa», hoặc đơn giản là “lời”, đều được sử dụng để chỉ về Tin Mừng, nghĩa là lời rao giảng về công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô (Cv 1,8; 2 – 4; 8,14; 11,1; 10,34-43; 13,44-49). “Lời” cũng còn được gọi là “lời rao giảng về ơn cứu độ” (Cv 13,26), “lời Tin Mừng” (Cv 15,7), “lời ân sủng” (Cv 14,3; 20,32), “lời đức tin mà chúng tôi rao giảng” (Rm 10,8; x. 10,9-17), “lời rao giảng về thập giá” (1Cr 1,18; x. 2,2), “lời sự thật, Tin Mừng ơn cứu độ” (Ep 1,13; x. Cl 1,5), “lời sự sống” (Pl 2,16). “Lời” được đồng hóa với Tin Mừng cũng được tìm thấy trong các thư Gc 1,18.21 và 1Pr 1,23-25.

Như vậy, nhìn chung là có hai cấp độ: thứ nhất là chính Tin Mừng, và hai là lời rao giảng về Tin Mừng đó nhờ các sứ giả của Thiên Chúa ; cả hai cấp độ này đều bắt nguồn từ Thiên Chúa (2Cr 5,18-21; x. Rm 1,1-4; Tt 1,1-3).

Vì Tin Mừng xuất phát từ Thiên Chúa nên mang năng quyền và hiệu năng cao cả để cứu độ thế giới (Rm 1,16; 1Cr 1,18; 1Tx 2,13). Khác với bói toán ma thuật, “Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu”, không phải do bởi chính bản thân của lời, nhưng vì Thiên Chúa hằng tác sinh tác phúc ngang qua những lời đó (Hr 4,12-13).

Đức Giêsu là Lời (logos)

Chúng ta thấy rằng trong Tân Ước, thành ngữ “lời Thiên Chúa” thường được sử dụng để chỉ về lời giảng dạy của Đức Giêsu hoặc lời rao giảng về Đức Giêsu. Đôi khi, “lời” (Hy-lạp: logos), hoặc “lời Thiên Chúa”, cũng được dùng như một danh xưng cho chính con người Đức Giêsu (Ga 1,1.14; Kh 19,13). Cần lưu ý ngắn gọn rằng thánh Gioan đã sử dụng hạn từ logos theo truyền thống đức tin của người Do-thái, hơn là theo não trạng người Hy-lạp.

Trước hết và quan trọng nhất, thánh Gioan dùng hạn từ logos (Lời) để gọi Đức Giêsu là nhằm diễn tả mối tương quan của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Tin Mừng Ga, ngay từ đầu và xuyên suốt Tin Mừng, đã cho thấy điều này (1,1.14.18; 3,16.18; 5,17-21; 10,30; 14,11.20; 17,11…, đặc biệt là lời tuyên xưng của ông Tôma ở 20,28 và 20,30-31). Thư gửi tín hữu Hípri cũng khẳng định tương tự (Hr 1,1-4).

Hai, thánh Gioan gọi Đức Giêsu là Lời (logos) để cho thấy mối tương quan giữa Đức Giêsu với thế giới tạo thành. Thánh Gioan ghi rằng Đức Giêsu đã hiện hữu trước khi thế giới được tạo thành (Ga 1,1-2 ; đây là một ám chỉ đến sách Sáng thế 1,1 là Lời Chúa về lúc khởi đầu của thế giới). Đức Giêsu cao cả tách biệt khỏi tạo thành và cùng hiện diện khi Thiên Chúa sáng tạo muôn vật (Ga 1,3). Lời mạc khải này rõ ràng dựa trên các sách Kinh Thánh Cựu Ước nói về việc sáng tạo thế giới (St 1,3.9.11 ; Tv 33,6.9 ; 104,5-7), cũng như nhân cách hóa Đức Khôn Ngoan như cùng với Thiên Chúa sáng tạo và duy trì vạn vật (Cn 8,22-31 ; x. Gv 24,1-9 ; Dc 7,22-28), nhưng dù vậy thánh Gioan cũng nâng cao và phát triển thêm các ý tưởng này của Cựu Ước.

Sau cùng, thánh Gioan gọi Đức Giêsu là Lời (logos) để diễn tả mối tương quan của Đức Giêsu với loài người (Ga 1,4.14). Ngôi Lời vốn là Thiên Chúa nhưng đã trở thành con người để mang lại cho con người sa ngã sự sống đời đời. Câu Kinh Thánh này đặt nền tảng trên các sách Cựu Ước nói về Lời Chúa được Chúa sai đi như một năng lực tác sinh tác phúc cho con người (Đnl 32,46-47 ; Tv 107,20 ; Is 55,11), nhưng trong Tin Mừng Gioan, Lời này không chỉ được nhân cách hóa, nhưng còn đi hẳn vào hiện sinh của kiếp người, để mang lại cho con người sự sống đời đời. Vì vậy, sách Khải huyền thật có lý khi diễn tả Chúa Kitô được tôn vinh trong hình ảnh « Lời của Chúa », khi Người trở lại trong vinh quang, vào lúc lịch sử chấm dứt (Kh 19,13). Sau cùng, trong thư 1Ga 1,1-2, thành ngữ « Lời sự sống » không còn trực tiếp chỉ về con người Đức Giêsu, nhưng ám chỉ đến lời rao giảng về Người cũng như sự sống mà Người ban cho những ai tin vào Người. Từ chính kinh nghiệm thiết thân của mình, thánh Gioan hoàn toàn làm chứng cho đức tin này.  

LM. JM. Mười Một, CSsR






[1] Tông huấn Verbum Domini, 53.  
[2] Bài này được viết theo mục “Word” trong một quyển sách tiếng Anh mà tôi chưa tìm ra tựa sách. Đây cũng là bài thứ 53 trong loạt bài “Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh”.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét