Nên khôn ngoan hay điên rồ?
NÊN KHÔN NGOAN HAY ĐIÊN RỒ? (CN. XXVIII/TN-B)
Mới đọc tiêu đề bài viết, chắc chắn không ít độc giả sẽ cho kẻ viết bài này bị “ấm đầu”! Khuyên nên khôn ngoan thì được chớ sao lại khuyên “nên khôn ngoan hay điên rồ”? Thẫn thờ sờ lên trán, thấy hâm hâm nóng, gật gù thú nhận: “có lẽ mình bị ấm đầu thật sự rồi!” Lại giật mình khi thấy từ “hâm hâm nóng”, thảng thốt nhớ lại một Lời dạy của Đấng A-men – là Đấng hiện có, đã có và đang đến (Kh 1, 4), là “Chứng Nhân trung thành và chân thật” (Kh 3, 4), là chính Đức Giê-su Ki-tô (2Cr 1, 20; Kh 3, 14; GL/HTCG, số 1065) – đã nói với Hội thánh Lao-đi-ki-a: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3, 15-16). Ôi chao! Ước nguyện được ở trong Chúa mà sống đến độ Người muốn "mửa ngươi ra khỏi miệng Ta" thì quả là... hết biết!
Cái cảnh “hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh” cũng giống như kiểu “dở dở ương ương” ở Việt Nam khiến cổ nhân phải khuyên dạy: “Khôn cho người ta dái (nể sợ), dại cho người ta thương; đừng có dở dở ương ương cho người ta ghét!”. Thầm nghĩ nếu quả thật mình cứ "dở dở ương ương" thì chắc chắn mình sẽ giống như những người "hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh" trong Hội Thánh Lao-đi-ki-a. Bèn đề ra một châm ngôn sống và quyết tâm thực hiện như lời khuyên của Thánh Phao-lô: "Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối." (Ep 5, 15-16). Nhờ vậy mà tìm được một câu trả lời cho cái vấn nạn “ấm đầu” ở trên: "Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật." (1Cr 3, 18). Thánh Phao-lô còn khuyên “hãy trở nên như điên rồ", vậy thì tiêu đề “nên khôn ngoan hay điên rồ?” cũng không đến nỗi gì! Lẩm cẩm lý sự cùn cho “dzui dzẻ cả làng”, bây giờ thì xin nghiêm chỉnh vào đề:
Từ lời khuyên của Thánh Phao-lô nêu trên (“đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan” – Ep 5, 15-16), lại nhớ tới cái quan niệm của người đời về khôn ngoan và khờ dại: Kẻ khôn ngoan là kẻ biết chọn cho mình những đìều lợi (cả tinh thần lẫn vật chất), còn những người được cho là khờ dại là những người ngu ngơ, ngờ nghệch trong mọi tình huống và thường chịu đủ thứ thiệt thòi. Tuy nhiên, trong cuộc sống nhiều khi những người ngu dại lại được sống một cuộc sống yên ổn, an bình (“ngu giả an chi”, “Ngu si hưởng thái bình”), còn những người khôn ngoan thì chẳng bao giờ tâm hồn được yên ổn, cuộc sống vật chất có thể vinh hoa phú quý, nhưng tinh thần luôn bị giằng xé chao đảo vì tính toán, lo toan. Vì thế nên nhiều khi nhìn lại mình, đành chẹp mịêng buông một câu chán chường: “Biết ai là dại, biết ai khôn!” (Trần Tế Xương), thậm chí còn muốn quay về với cái dại (an nhàn) hơn là cái khôn (tranh danh đoạt lợi): “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người tới chốn lao xao.” (Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Ca dao Việt Nam có câu: “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, Lường thưng, tráo đấu, chẳng qua đong đầy”. Câu này khuyên con người nên ăn ở thật thà, đừng theo những người dùng sự khôn ngoan để lừa lọc người khác, thu lợi cho mình, nhất là trong việc giao dịch, mua bán. “Lường thưng, tráo đấu” là dùng những đồ dùng đong thóc gạo {đấu , thưng} thiếu cân lượng để lường gạt, cũng giống như kiểu ngày nay người ta hay sử dụng: mài quả cân {cân xách tay} cho nhẹ bớt, hoặc sửa kim đồng hồ (cân bàn). Và như vậy thì làm sao so sánh được với những người thật thà, chất phác (vốn được coi là khờ dại). Quả thực đã không thiếu những kẻ tự cho mình là khôn ngoan khi dùng mưu này, chước nọ lừa dối người khác để trục lợi cho mình. Họ đã quên mất một điều khi dùng mưu mô lường gạt người khác thì cũng chính là lúc mình tự lừa dối mình (“Còn hạng người xấu xa và bịp bợm sẽ ngày càng xấu hơn, họ vừa lừa dối, vừa bị lừa dối.” – Tm 3, 13). Ấy cũng bởi vì “thật thà là cha quỷ quái”, nên “Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục.” – Ep 5, 6).
Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 10, 17-30) trình thuật về một thanh niên giàu có khôn ngoan. Cái khôn ngoan của anh là đã nhận ra Đức Giê-su là “Thầy nhân lành” và cầu xin Người chỉ cho phương cách tìm được sự sống đời đời. Đức Giê-su trắc nghiệm anh về cuộc sống qua những điều răn, anh thực tâm trả lời: "Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ." Vì thế, "Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến". Tuy nhiên khi Đức Ki-tô nói "Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi", thì "Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải." Xét cho cùng, anh nhà giàu vẫn khư khư ôm lấy cái khôn ngoan của loài người. Anh đã khôn ngoan mới trở nên giàu có ở cuộc sống trần thế. Anh vẫn khôn ngoan muốn tìm đến với Thầy nhân lành để có được sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, anh lại muốn ôm lấy cả hai, nên anh trở thành người "hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh". Quả đúng là "Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại." (Lc 16, 8). Và cũng vì không thể chọn cả hai, nên anh sa sầm ngay nét mặt, bỏ đi một nước.
Anh nhà giàu đã phải đối diện với một chọn lựa gay go, trong đó, anh chỉ được chọn một trong hai – hoặc sự giàu sang ở đời này, hoặc sự sống vĩnh cửu đời sau – chớ không thể chọn cả hai. Anh đã tìm đến với Đức Ki-tô, chứng tỏ anh cũng muốn có một cuộc sống vĩnh cửu tốt đẹp. Sở dĩ anh bỏ đi một nước vì cái sự sống đời đời anh chỉ mới nghe nói chớ chưa thấy được tận mắt ("thực mục sở thị"), còn sự giàu sang ở đời này anh đã nắm chắc trong tay. Giữa một cái thực tại nhãn tiền với một cái viễn tượng mơ hồ, thì – theo sự khôn ngoan của loài người – ai cũng chọn hiện thực, đó cũng là lẽ thường tình. Và cũng chính những kẻ từng cho mình là khôn ngoan như vậy, đã cười nhạo các thánh "Tử vì Đạo" là những kẻ khờ dại. Họ cho rằng chỉ cần khôn ngoan bước qua (thậm chí có thể đạp lên) cây thập tự bằng gỗ vô tri vô giác, thì sẽ có một cuộc sống "an an tự tại". Vậy mà các thánh Tử vì Đạo lại không muốn, mà đi chọn lấy cái chết nhục nhã như thế, thì thật là khờ dại! Phải chăng những kẻ cười nhạo các Thánh Tử vì Đạo ấy, họ chính là những kẻ mà Thánh Phao-lô nói đến trong thư gửi tín hữu Ti-tô (“Thật vậy, có nhiều kẻ bất phục tùng, nói năng rỗng tuếch, lường gạt, mà đa số là những kẻ được cắt bì.” – Tt 1, 10).
Ôi chao! Khôn hay dại, dại hay khôn đây? "Thế sự đua nhau nói dại khôn, Biết ai là dại, biết ai khôn?" (Trần Tế Xương). Quả thật là “C’est la vie!” (“Đời mà!” – Đời là thế đó! – Ngụ ngôn Pháp). Đứng trước một chọn lựa gay go như trên, ai chẳng muốn chọn sự khôn ngoan, nhưng với Ki-tô hữu thì nên biết rằng "sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng." (1Cr 3, 19); và vì thế nên "hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối." (Ep 5, 15-16).
Một cách cụ thể là đừng phân vân để rồi trở thành một thứ "dở dở ương ương, hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh", mà phải dứt khoát từ bỏ tất cả những gì theo sự khôn ngoan của thế gian, để chọn lấy sự khôn ngoan như Lời Chúa dạy. Cũng đừng lo sợ khi sẵn sàng từ bỏ tất cả thì sẽ phải mất tất cả những thứ đó. Ngược lại, khi dứt khoát từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, thì lại được lời lãi gấp bội không những ở đời này, mà còn có được sự sống vĩnh cửu ở đời sau ("Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau." (Lc 18, 29-30).
Một tấm gương sáng cho vấn đề này là vua Sa-lô-môn (bài đọc 1 – Kn 7, 7-11): Làm đến bậc đế vương thời phong kiến thường thì ai cũng cho mình là người khôn ngoan chớ chẳng bao giờ chịu nhìn nhận mình là khờ dại. Vậy mà vua Sa-lô-môn (con vua Đa-vít, là con rể của Pha-ra-ô vua Ai-cập) khi mới lên ngôi đã cùng với toàn thể đại hội đi Ghíp-ôn, vì ở đó có Lều Hội Ngộ của Thiên Chúa mà ông Mô-sê đã làm trong sa mạc. Tại đây, Sa-lô-môn dâng một ngàn lễ vật toàn thiêu lên Đức Chúa, được Người hiện ra và phán: "Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho." Vua Sa-lô-môn thưa với Thiên Chúa: "Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với vua Đa-vít thân phụ con và đặt con lên ngôi kế vị người. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, xin cho lời Ngài phán với vua Đa-vít thân phụ con được ứng nghiệm, vì Ngài đã đặt con làm vua cai trị một dân đông như bụi đất. Vậy xin Ngài ban cho con được khôn ngoan và hiểu biết để con lãnh đạo dân này, vì ai cai quản được dân của Chúa, một dân lớn như thế này?" (2 Sb 1, 3-17; 1V 3, 4-14).
Sa-lô-môn đã không xin cho mình được vinh hoa phú quý, gấm vóc lụa là, cung tần mỹ nữ, cũng không xin quyền lực “hét ra lửa mửa ra khói” như những ông vua phong kiến để khu trừ những đối thủ của mình, cũng chẳng xin được trường thọ để ngồi trên ngai vàng lâu dài mà hưởng lộc thiên tử (con Trời) như kiểu Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) “tìm thuốc trường sinh, tiêu diệt kẻ thù”. Chính Thiên Chúa đã xác nhận ưu điểm đó của Sa-lô-môn và ban cho ông những đặc ân vượt xa cả những điều ông cầu xin (Thiên Chúa phán với vua Sa-lô-môn: "Vì ngươi có những tâm tư như thế, - ngươi đã không xin cho được giàu sang, phú quý và vinh quang, cũng không xin cho những kẻ ghét ngươi phải chết, hay cho bản thân ngươi được sống lâu, mà chỉ xin cho ngươi được khôn ngoan và hiểu biết để lãnh đạo dân Ta, dân mà Ta đã đặt ngươi làm vua cai trị -, cho nên ngươi sẽ được khôn ngoan và hiểu biết. Hơn nữa, giàu sang, phú quý và vinh quang, Ta cũng sẽ ban cho ngươi, đến nỗi trước và sau ngươi, không có vua nào sánh với ngươi được." Và vì thế, “Ra khỏi Lều Hội Ngộ, vua Sa-lô-môn đã rời nơi cao tại Ghíp-ôn mà trở về Giê-ru-sa-lem trị vì Ít-ra-en.” – 2Sb 11-13).
Không còn nghi ngờ gì nữa, mà cũng chẳng nên do dự, bởi “vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống” (Gc 1, 6). Do dự thì chắc chắn sẽ trở nên một thứ “hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, dở dở ương ương, ấm ớ hội tề”. Hãy dứt khoát chọn cho mình hoặc sự khôn ngoan theo thói đời để trở thành điên rồ trước mặt Thiên Chúa, hoặc khờ dại, điên rồ theo cách đánh giá của thế nhân, để có được sự khôn ngoan đích thực (“Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật.” – 1Cr 3, 18). Vâng “Thần khí phán rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ.” (1Tm 4, 1). Nên chi hãy cầu xin Thiên Chúa ban Thần Khí Thánh Linh soi sáng và dẫn dắt tìm đến với “Con Đường + Sự Thật + Sự Sống” Giê-su Ki-tô qua Lời Hằng Sống, để rồi “hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1, 22).
Ôi! Lạy Chúa! Con luôn biết rằng con người của con thật yếu đuối mỏng giòn, nhưng vẫn tự coi mình là khôn ngoan khi sống một cuộc sống khép kín, chỉ nghĩ cho riêng mình và thu tích những gì có lợi cho bản thân, mà không hề nghĩ tới anh em khó nghèo, tật bệnh. Trong khi đó, con lại luôn mong muốn được hưởng một cuộc sống vĩnh cửu khi nhắm mắt lìa đời. Sự ích kỷ và hèn nhát đã khiến con trở thành một thứ dở dở ương ương, hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, đã không muốn mất đi sự sống đời đời, mà cũng chẳng từ bỏ những gì thuộc về thế gian.
Cúi xin Chúa thương ban Thánh Linh soi sáng và hướng dẫn con biết sẵn sàng và đủ dũng khí từ bỏ tất cả những gì thuộc về trần thế như cánh phù dung sớm nở tối tàn; mà biết tìm về với sự sống đời đời nơi Trái Tim Nhân Lành của Chúa! Ôi! Lạy Chúa! Xin cho con luôn biết "cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại" (Ep 5, 15-16) để ngày sau được diễm phúc hưởng tôn nhan Chúa trên cõi phúc truờng sinh. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM.Lam Thy ĐVD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét