Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

HỌC HỎI TK 100 TUẦN: TUẦN 30 & 31, 32 & 33

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN: TUẦN 30 VÀ 31
Tuần 30: Sách Các Vua 2
(chương 1-13)

I. ƠN GỌI CỦA ÊLISÊ (1V 19, 19-21)
Trong trình thuật về ơn gọi của Elisê, nên quan tâm đến một vài chi tiết: Áo choàng của Elia là biểu tượng quyền năng của vị tiên tri (x.2V 2, 8.14: đập áo choàng rẽ biển). Elisê đã đáp lại lời mời gọi bằng cách giết bò và lấy cày làm củi. Hành động này diễn tả quyết tâm dứt khoát từ bỏ mọi sự để theo thầy.

So sánh với Chúa Giêsu (đọc Lc 9, 57-62), Người còn đòi hỏi nhiều hơn đến độ “để kẻ chết chôn kẻ chết.” Chúa Giêsu không coi nhẹ quan hệ gia đình nhưng Người muốn cho thấy tính tuyệt đối của Nước Trời.

Những trình thuật trên giúp ta thấy rõ hơn đòi hỏi từ bỏ trong đời sống Kitô hữu, không chỉ trong đời tu mà đối với mọi tín hữu, mọi ơn gọi. Sự từ bỏ này không những được thể hiện trong những chọn lựa quan trọng của đời sống mà còn cần được thể hiện ngay trong những chọn lựa hằng ngày.

II. QUYỀN NĂNG CỦA LỜI THIÊN CHÚA

1. Elisê làm nhiều phép lạ

Tiên tri Elisê làm nhiều phép lạ: những phép lạ trên sự vật như chữa lành nước uống, lượng dầu của bà goá nghèo khổ; những phép lạ trên bệnh tật và cả thần chết. Điều cần nhấn mạnh ở đây là quyền năng của Lời Chúa, Lời chữa lành, Lời ban sự sống. Ý nghĩa này được thể hiện cách cụ thể qua phép lạ chữa lành Naaman.

2. Phép lạ chữa lành Naaman (5,1-17)

Vua Israel bất lực trước cơn bệnh của Naaman. Dù thương mến vị tướng này hết sức, nhà vua không thể giúp gì được. Như thế, quyền lực chính trị và quân sự không phải là tất cả. Rộng hơn nữa, mọi thứ quyền lực con người có trong tay đều có những giới hạn của nó. Sự giới hạn này gắn liền với chính thân phận hữu hạn của loài thụ tạo. Không biết nhìn nhận những giới hạn này là không sống đúng với sự thật về con người, và có thể dẫn đến những hành động tai hại.

Thái độ của Naaman: Ông từ chối đi tắm ở sông Giođan theo yêu cầu của tiên tri Elisê vì lập luận rằng có nhiều dòng sông ở quê ông còn tốt hơn. Chính ở đây, độc giả khám phá ý nghĩa của bản văn: vấn đề không phải là dòng sông mà là lời của vị tiên tri dạy, đúng hơn là Lời Thiên Chúa phán qua miệng vị tiên tri. Chính Lời Thiên Chúa làm cho nước sông Giođan có khả năng chữa lành, chính Lời Thiên Chúa chữa lành và ban sự sống.

Những chi tiết trên giúp ta suy nghĩ về đức tin và đời sống Kitô hữu của mình.

Nước sông Giođan là hình ảnh nước rửa tội: Bệnh phong là hình ảnh của tội lỗi (thân phận người phong trong Israel mô tả ý nghĩa của tội lỗi: mất hiệp thông với Thiên Chúa, với cộng đoàn, bị xa cách). Naaman nhờ nước sông Giođan mà được sạch, da thịt trở nên đẹp đẽ như da đứa trẻ. Cũng vậy, nước rửa tội ban cho ta ơn tái sinh, dẫn ta vào sự hiệp thông đã mất.

Ý nghĩa của cử hành bí tích: Trong mọi cử hành bí tích đều có Lời và chất liệu như nước, dầu, bánh... Đây chỉ là những chất liệu bình thường trong cuộc sống nhưng Lời Thiên Chúa (qua thừa tác viên) làm cho chất liệu mang nội dung mới. Cả linh mục cũng như giáo dân đều cần quan tâm đến ý nghĩa này để cử hành bí tích với ý thức đức tin, không biến bí tích thành ma thuật.

Một chi tiết cần lưu ý vì có thể gây thắc mắc là câu chuyện Elisê nguyền rủa đám trẻ con khiến chúng chết. Hành động đó không phát xuất từ sự độc ác của vị tiên tri nhưng để làm nổi bật lời cảnh giác: đừng coi nhẹ lời ngôn sứ.

III. TRUNG TÍN VỚI LỜI CHÚA

Tiên tri là người được Chúa sai đi để công bố Lời Chúa cho dân, vì thế các ngài nhấn mạnh rất nhiều đến việc trung tín với Lời Chúa. Có thể lấy một vài câu chuyện trong Sách Các Vua để minh hoạ.

1. Truyện bà Jezabel

Vì lòng tham, hai vợ chồng vua Achaz sử dụng mọi thủ đoạn tồi tệ nhất để chiếm đoạt vườn nho của Nabot. Nabot bị tố cáo tội phạm thượng đến Thiên Chúa và Đức Vua, và ông bị ném đá chết. Và nhà vua ung dung chiếm đoạt vườn nho của Nabot (1V 21, 4-15). Thế nhưng tiên tri Elia được Chúa sai đến tuyên án lệnh của Thiên Chúa, một án lệnh khủng khiếp: “Ta sẽ giáng tai hoạ xuống trên ngươi, Ta sẽ xoá sạch hậu duệ ngươi… Chó sẽ ăn thịt Jezabel…” 1V 21,23. Và án lệnh đã được thi hành: vì vua Achaz bày tỏ lòng sám hối nên Chúa phán, “Vì nó đã hạ mình trước mặt Ta, nên Ta sẽ không giáng họa trong buổi sinh thời của nó, nhưng đến đời con nó, Ta sẽ giáng họa xuống nhà nó” (21,29). Nhưng bà Jezabel đã phải chịu hình phạt như Lời Chúa phán (2V 9, 30-37).

2. Truyện Vua Ahaziah

Nhà vua đau ốm và sai người đi thỉnh ý thần Baal xem có qua nổi cơn bệnh không (2V 1,2). Quả là một cử chỉ tỏ tường cho thấy nhà vua đã bỏ Chúa để tin theo các thần tượng ngoại giáo. Vì thế Chúa phán qua miệng tiên tri Elia: “Ở Israel không có Thiên Chúa hay sao, mà các anh lại đi thỉnh ý Baal… Vì thế Đức Chúa phán thế này: ngươi sẽ không xuống khỏi giường mà ngươi đã lên nằm, vì thế nào ngươi cũng chết” (2V 1, 3-4). Và án lệnh của Thiên Chúa đã được thi hành (2V 1,17).

Hai câu truyện trên và nhiều sự kiện khác trong sách đều nhằm làm nổi bật đòi hỏi trung tín với Thiên Chúa và với giao ước. Đây không phải là lời đe doạ nhưng là lời mời gọi cho tất cả các tín hữu, để mỗi người cố gắng sống trung tín với ơn gọi đã lãnh nhận: ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi gia đình, ơn gọi linh mục tu sĩ. Cuộc sống ta sẽ chỉ có hạnh phúc thật sự sâu xa và bền vững khi sống sự trung tín này.
Nguồn: tgpsaigon.net

Tuần 31: Tổng kết sách Các Vua

A1A2A3A4A5
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: Đường về Emmaus

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 32 VÀ 33
Tuần 32: Sách Amos
ƠN GỌI TIÊN TRI (7, 10-17)
  1. Tiên tri, ơn gọi chứ không phai nghề nghiệp

Bối cảnh xã hội: đất nước bị phân chia thành hai miền: vương quốc miền Nam (Giuđa) và vương quốc miền Bắc (Israel). Trong vương quốc Israel, vua xây Đền Thờ ở Bêthel để ngăn cản dân, không cho họ xuống Đền Thờ Giêrusalem vốn thuộc vương quốc Giu Đa. Amagia mệnh danh là một tiên tri nhưng ông thi hành sứ vụ tiên tri như một nghề và thường nói những lời bênh vực nhà vua để làm vui lòng nhà vua. Ngược lại, câu trả lời của Amos cho thấy, làm tiên tri không phải là một nghề ông chọn nhưng là tiếng gọi của Chúa, tiếng gọi không thể cưỡng lại: “Tôi không phải là tiên tri, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm tiên tri. Tôi chỉ là người nuôi súc vật và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa Trời đã bắt lấy tôi … và truyền cho tôi: ‘Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân ta’”. Khi đó lời mà tiên tri công bố không còn là lời của loài người nhưng là Lời của Thiên Chúa.

  1. Sống chức năng tiên tri của người Kitô hữu

Mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm làm tiên tri vì được chia sẻ làm chức năng tiên tri của Chúa Kitô khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Vậy lời nói của ta nhắm đến điều gì? Làm vui lòng người đời hay trung thành với Lời Chúa? Cách cụ thể, trong đời sống gia đình, trong việc giáo dục con cái, trong những mối quan hệ xã hội, lời nói của ta được sử dụng ra sao?

*  THIÊN CHÚA ĐỨNG VỀ PHÍA NGƯỜI NGHÈO (2, 6-16; 8, 4-8)

  1. Thiên Chúa của kẻ nghèo

Đọc Thánh Kinh, một trong những điều quan trọng là phải tự hỏi: Chúa là ai? Chúa mặc khải Ngài là ai trong đoạn Thánh Kinh mà tôi đọc? Đồng thời phải ý thức rằng Thiên Chúa tự tỏ mình ra (mặc khải) không chỉ qua lời nói mà còn qua những hành động, những kỳ công mà Người thực hiện trong lịch sử. Ở đây, Amos dựa vào hành động quan trọng nhất là việc Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập: “Chính Ta đã đem các ngươi lên khỏi đất Ai Cập, dẫn các ngươi đi trong sa mạc bốn mươi năm trường, để các các ngươi chiếm hữu đất của người Emori” (2,10). Ngài lấy đó là điểm quy chiếu để khám phán dung nhan Thiên Chúa là Đấng đứng về phái người nghèo, người bị áp bức. từ đó, Ngài lên án tình trạng bóc lột, bất công, gian dối trong xã hội bàng những lời lẽ rất mạnh: “vì tội của Israel đã lên tới cực độ, Ta sẽ không rút lại bản án” (2,6) “Đức Chúa đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Giacop mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi của chúng” (8,7).

  1. Suy niệm

Rất nhiều người xưng mình là người tin Chúa nhưng Chúa là ai? Có khi nào tự uốn nắn hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích của mình để biện hộ cho lối sống bất chính của mình? Đã từng có một triết gia phê phán rằng: không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, mà chính con người đã dựng nên Thiên Chúa theo hình ảnh họ” (Feuerbach). Dù không đồng ý với nhận định này, ta cũng không thể phủ nhận một phần chân lý hàm chứa trong đó khi nhìn vào thực tế. Vì thế, phải luôn quay về với Kinh Thánh để khám phán dung nhan đích thực của Thiên Chúa, và thờ phượng Thiên Chúa như Ngài là chứ không như ta mong muốn.

Cách cụ thể, dựa trên giáo huấn của tiên tri Amos, nếu Thiên Chúa đứng về phía người nghèo, tôi có thể nhân danh Chúa mà làm những việc gây thiệt hại cho người nghèo? Có quyền khinh bỉ người nghèo?

X  NỀN PHỤNG TỰ ĐÍCH THỰC (5,21-27)

  1. Thế nào là phụng tự mà thiên chúa muốn?

Phụng tự là hành vi căn bản của niềm tin tôn giáo. Nhưng đâu là phụng tự đích thực? Phải chăng chỉ là những nghi lễ bên ngoài? Lời kết án của Amos cho thấy điều gì? Nền phụng tự Chúa mong muốn là phụng tự phải đi đôi với lẽ phải và công lý: “Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa. Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn” (5,23-24).

  1. Suy niệm

So sánh với nhiều nơi trên thế giới, trong các nghi thức phụng tự người Công giáo Việt Nam tham dự rất đông. Tỷ lệ người Công giáo Việt Nam tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật có lẽ vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng liệu có nguy cơ tách ly giữa phụng tự và đời sống không? Có những cử hành nghi lễ thật rầm rộ, đồng thời đời sống thiếu yêu thương, bác ái và công bằng? Những câu hỏi này nêu lên không nhằm xét đoán ai nhưng cho chính mình.

“Sự phân ly giữa các Kitô hữu tuyên xưng với cuộc sống thường nhật của họ phải được kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất trong thời đại chúng ta. Trong Cựu Ước, các tiên tri đã mạnh mẽ tố cáo gương xấu này, và trong Tân Ước chính Chúa Giêsu Kitô còn ngăm đe nhiều hơn nữa bằng những hình phạt nặng nề. Do đó không được tạo ra sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế là xao lãng bổn phận đối với tha nhân và hơn nữa đối với Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa“ ( Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, số 43).

ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: Đường về Emmaus

Tuần 33: Sách Hô-sê, chương 1-7
I. Tổng quát

1,1 : Dẫn nhập

Tên gọi Hosea nghĩa là “hành động cứu độ” hay “Đấng Cứu độ”. Sách Hosea mở đầu với lời “Lời Đức Chúa phán với ông Hosea” (khác với Amos: Lời của Amos). Như thế nhấn mạnh tính linh hứng của lời rao giảng.

1,2 – 3,5 : Giavê, Phu quân của Israel

Ba chương đầu tập trung vào cuộc hôn nhân của Hosea, những bất trung của bà vợ Gomer, nghi ngờ về con cái, và áp dụng hoàn cảnh này cho giao ước của Israel với Giavê.

4,1 – 5,7: Tội ác của các nhà lãnh đạo

Tất cả những tội ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân đều được gọi là ngoại tình; như thế làm nổi bật mối tình thắm thiết của Giavê với Dân Ngài.

5,8 – 8,14: Ám sát, bất ổn, mất mát.

Các chương này bàn đến những vụ ám sát các vua và hoàng tộc, những chính sách ủng hộ hay chống Assyria, những hứa hẹn to lớn nhưng thực chất nghèo nàn…

II. Kinh nghiệm hôn nhân và lời rao giảng

1. Tiên tri Hosea có kinh nghiệm rất đau buồn về hôn nhân (1,2-8)

Người vợ của Hôsê có nguồn gốc không tốt đẹp, lại là một người vợ bất trung: “hãy đi cưới một người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm” (1,2). Cũng vì thế, nhà tiên tri đặt cho con cái mình những cái tên lạ thường: “không-được-thương”, “không-phải-dân-Ta”.

Hơn thế nữa, người vợ của ông lại còn ngoại tình. Thế nhưng vâng lời Chúa, ông đã tha thứ cho vợ và đón nhận vợ trở về: “Một lần nữa, ngươi cứ đi yêu người đàn bà đang có tình nhân và đang ngoại tình” (3,1-5).

2. Rao giảng Lời Chúa từ chính kinh nghiệm bản thân

Kinh nghiệm về hôn nhân đã giúp tiên tri Hôsê cảm nghiệm tình yêu nóng bỏng của Thiên Chúa với Dân Người: tình yêu tha thứ, tình yêu kiên nhẫn, tình yêu đổi mới. Người Kitô hữu cũng được mời gọi để cảm nghiệm Thiên Chúa qua chính kinh nghiệm trong đời sống gia đình của mình, trong tương quan vợ chồng, tương quan cha mẹ và con cái.

Tiên tri Hosê không chỉ rao giảng bằng lời nói nhưng còn bằng hành động và chính cuộc sống của mình. Khi ông đi cưới một người đàn bà làm điếm là để nói với dân rằng “cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm” (1,2). Và khi ông đi cưới một người đàn bà đang ngoại tình, cũng là để nói với dân về “Đức Chúa yêu thương con cái Israel, trong khi chúng lại quay lưng đi theo các thần khác” (3,1). Cũng thế, người Kitô hữu được mời gọi loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng chính cuộc sống cụ thể của mình. Vậy cuộc sống hằng ngày của tôi có trở thành lời loan báo Tin Mừng không, hay lại là phản chứng?

3. Hôn nhân và giao ước giữa Thiên Chúa với con người

Thiên Chúa đã ký kết giao ước với Dân Ngài. Theo cách diễn tả của Môsê, giao ước này mang tính lề luật. Với Hosea, giao ước này trở thành giao ước hôn nhân với nền tảng là tình yêu và sự tín nhiệm lẫn nhau. Ở đây, hôn nhân mang ý nghĩa và giá trị đặc biệt vì diễn tả chính tình yêu của Thiên Chúa với loài người, mở đường cho cách nhìn của thánh Phaolô: “Sách Thánh có lời chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Eph 5,31-32).

III. Bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

1. Tiên tri Hosê nói về Thiên Chúa

Khi nói về Thiên Chúa, Hosê không chỉ nói về Thiên Chúa cách chung chung. Ít nhất là 45 lần, ngài sử dụng từ YAHWEH là Danh Thiên Chúa được tỏ cho Môsê (Xh 3, 11-15), nghĩa là Thiên Chúa là Đấng hằng ở với Dân. Khi Hosea dùng từ Elohim hay El để nói về Chúa thì luôn luôn là “Chúa của anh em” hay “Chúa của tôi”:

* Nó sẽ thưa “Thiên Chúa của con” (2,25)

* Con cái Israel sẽ trở lại tìm kiếm Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng (3,5)

Cách diễn tả này nói lên mối quan hệ mật thiết và sống động giữa Thiên Chúa và Dân của Người. Đồng thời cách diễn tả này giúp ta ý thức hơn về đời sống đức tin.

2. Tin là bước vào mối quan hệ cá vị với Thiên Chúa

Tin không chỉ là nhìn nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc chấp nhận những định tín về Ngài. Nhưng tin là bước vào mối quan hệ cá vị, thân tình, riêng tư với Thiên Chúa như vợ chồng, cha mẹ và con cái, bạn với bạn… Cầu nguyện là cách thế tốt nhất để diễn tả, đồng thời giúp ta sống mối quan hệ này.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Nguồn: tgpsaigon.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét