Giáng Sinh dưới mắt thần học gia Ratzinger
Lễ Giáng Sinh cuối cùng trong tư cách giáo hoàng trị vì, tức năm 2012, Đức Bênêđíctô XVI, nhân dịp giảng Lễ Giáng Sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô, đã cảm kích nói đến việc “vẻ đẹp của đoạn Tin Mừng này làm tâm hồn chúng ta xúc động: một vẻ đẹp vốn chói chang sự thật. Nó luôn làm chúng ta ngạc nhiên khi Thiên Chúa tự biến mình thành một trẻ nhỏ để chúng ta có thể yêu mến Người, để chúng ta có thể dám yêu mến Người, và như một trẻ nhỏ, tự để Người cho chúng ta ôm ẵm. Như thể Thiên Chúa muốn nói rằng: Ta biết vinh quang của ta làm chúng con sợ hãi, và chúng con luôn cố gắng muốn khẳng định tư cách của chúng con trước sự cao cả của Ta. Nên giờ đây, Ta đến với chúng con như một trẻ nhỏ, để chúng con có thể tiếp nhận Ta và yêu mến Ta”.
Bốn năm sau, nhân nói chuyện với nhân viên Giáo Triều dịp Lễ Giáng Sinh 2016, Đức Phanxicô lặp lại gần như nguyên vẹn các ý tưởng trên, lồng trong một trích đoạn, không phải của vị tiền nhiệm tức khắc, mà là của Chân Phước Phaolô VI:
“Thiên Chúa có thể đến bọc trong vinh quang, huy hoàng, chói lọi và đầy quyền lực, để chúng ta sợ hãi, để chúng ta giụi mắt kinh ngạc. Nhưng thay vào đó, Người đã đến như một con người bé nhỏ nhất, mòng dòn và yếu ớt nhất. Tại sao? để không ai xấu hổ khi đến gần Người, để không ai phải sợ sệt, để mọi người có thể tới gần Người, tới sát bên Người, để không còn khoảng cách nào giữa chúng ta và Người. Thiên Chúa đưa ra cố gắng lao mình xuống, lặn sâu trong chúng ta, để mỗi người chúng ta, mỗi người trong anh chị em, có thể chuyện trò thân mật với Người, tin tưởng nơi Người, tới gần Người và hiểu rõ rằng Người nghĩ đến anh chị em và thương yêu anh chị em… Thiên Chúa quyết định trở thành một trẻ thơ tí hon vì Người muốn được yêu mến”.
Và từ luận lý học nói trên, Đức Phanxico đã nói tới việc cải tổ Giáo Triều, không theo “luận lý học thế gian, không theo não trạng quyền lực và sức mạnh, tư duy Biệt Phái và những người chỉ thấy sự việc theo định luật nhân quả hooặc định mệnh thuyết”. Mà là luận lý học khiêm nhường.
Ngày sinh của Chúa Giêsu
Cũng trong tinh thần khiêm nhường ấy, Đức Bênêđíctô XVI đã “từ bỏ” ngôi vị Giáo Hoàng của mình ngay từ năm 2007 khi cho xuất bản cuốn đầu tiên, tựa là “Jesus of Nazareth” trong bộ ba cuốn viết về Chúa Giêsu của ngài. Thực vậy, khi cho xuất bản cuốn này, Đức Bênêđíctô nói rõ: khảo luận này “không hề là một thao tác của huấn quyền” mà đúng hơn “nói lên việc bản thân [tác giả] đi tìm gương mặt của Chúa” hay nói một cách trực tiếp hơn, đây là công trình của một thần học gia, kết luận việc làm có tính khoa học của Giáo Sư Ratzinger.
Năm 2012, cuốn sau cùng của bộ ba trên được xuất bản dưới tựa đề “Jesus of Nazareth: The Infancy Narative” (Chúa Giêsu Nadarét: Trình Thuật Tuổi Thơ).
Báo Time hồi ấy, khi đưa tin về cuốn sách trên, đã cho rằng “Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tranh luận về năm sinh của Chúa Giêsu… Gợi ý cho rằng Chúa Giêsu không thực sự sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai vốn được các nhà thần học, các nhà sử học và các nhà lãnh đạo tinh thần tranh luận không thôi, nhưng điều làm cho vụ này ra khác là nay nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo là người nêu ra câu hỏi này”.
Đặt tin như thế quả là cố tình lập lờ và coi thường lời nói trên đây của ngài khi cho xuất bản cuốn đầu tiên. Ngài không viết dưới danh hiệu Giáo Hoàng mà là thần học gia Ratzinger. Chính trong tư cách này, ngài cho rằng Chúa Giêsu rất có thể đã sinh ra trước niên hiệu ta vốn nghĩ. Vì lịch ta hiện dùng, tức lịch bắt đầu với ngày sinh của Chúa Giêsu, đã được lập ra bởi Dionysius Exiguus, một đan sĩ thế kỷ thứ 6. Lịch này rất có thể sai.
Trong cuốn sách trên, tác giả giải thích rằng Exiguus, người được coi như nhà sáng chế ra lịch Kitô Giáo, “đã lầm trong cách tính toán của ông đến vài năm. Ngày Chúa Giêsu thực sự sinh ra có thể trước đó một ít năm”.
Thực thế, Tin Mừng Mátthêu cho hay: Chúa Giêsu sinh ra lúc Hêrốt Đại Vương đang cai trị Giuđêa. Và vì Hêrốt chết năm thứ 4 trước Công Nguyên, nên Chúa Giêsu hẳn phải đã sinh ra trước năm theo tính toán của Exiguus.
Thực ra, đây cũng chỉ là một lập luận vì Tin Mừng Luca thì quả quyết Chúa Giêsu sinh ra lúc Quirinius làm Tổng Trấn ở Syria, năm thứ 6 Công Nguyên.
Tuy nhiên, trọng tâm của thần học gia Ratzinger không phải ở đó. Điều ngài muốn nhấn mạnh là tái xác nhận tín lý Chúa Giêsu được sinh ra cách đồng trinh, một chân lý đức tin “không thể đặt thành nghi vấn”. Theo ngài, đây là hòn đá tảng của đức tin, dấu chỉ “quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa… Nếu Thiên Chúa không có quyền năng trên vật chất, thì Người đơn thuần không phải là Thiên Chúa”.
Thần học gia Ratzinger cũng đề cập tới “vấn đề lịch sử được giải thích” (interpreted history). Theo ngài, “mục đích của các soạn giả Tin Mừng không phải là đưa ra một trình thuật thấu đáo, nhưng ghi lại những gì xem ra quan trọng đối với cộng đồng đức tin mới phát sinh… Các trình thuật tuổi thơ là lịch sử được giải thích, được cô đọng và viết xuống phù hợp với việc giải thích”.
Nhưng tác giả vẫn nhấn mạnh rằng lịch sử các ngài kể quả là “những gì thực sự đã xảy ra”. Nói cách khác, trái với mong chờ của ta trong tư cách những con người nam nữ hiện đại, các thánh sử không nhằm cung cấp cho ta một tường thuật như in (video report) cuộc sống gia đình của Chúa Giêsu hay chép lại chính xác lịch sử gia đình Người. Đấy không phải là quan tâm của những người Do Thái và Kitô hữu thời Chúa Giêsu, và do đó, không nên bắt các ngài phải theo đúng tiêu chuẩn sử học của ta ngày nay.
Nói theo kiểu nói của thần học gia Ratzinger, điều quan yếu là “mục đích yếu tính” của các ngài. Đây là kiểu nói được dùng nhiều lần trong tác phẩm mà nếu nói theo ngôn từ của trường phái Thomist, nó có nghĩa: phải nhận diện được những điều thuộc bản chất (substantial) của bản văn Thánh Kinh ngược với những điều chỉ có tính phụ thuộc (accidental).
Như Công Đồng Vativan II vốn dậy, mọi điều được các tác giả của Thánh Kinh quả quyết đều được Chúa Thánh Thần linh hứng và do dó, không sai lầm. Nhưng ta phải thận trọng biện phân bản chất chính xác của nó nếu không mốn rơi vào các chủ trương cực đoan, coi mọi điều Thánh Kinh viết đều là sự thật tuyệt đối.
Với nguyên tắc đó, tác giả kết luận như sau về các trình thuật xem ra không tương hợp với nhau bao nhiêu về gia phả Chúa Giêsu của các Tin Mừng Mátthêu và Luca:
“Cả hai tin mừng gia đều không quan tâm nhiều tới các tên cá nhân cho bằng cấu trúc biểu tượng trong đó, vị trí của Chúa Giêsu trong lịch sử được sắp đặt trước mắt ta: sự phức tạp của việc Người được đan kết với các tuyến lịch sử của lời hứa, cũng như sự bắt đầu mới vốn lên đặc điểm cho nguồn gốc của Người song song với tính liên tục của hành động Thiên Chúa trong lịch sử”.
Nhưng thần học gia Ratzinger có cái hiểu đặc biệt về chữ biểu tượng vì, như trên đã nói, ngài không hề có ý nói: các trình thuật của Tin Mừng chỉ là các biểu tượng, không hề có nội dung lịch sử.
Nhận định về gia phả của Chúa Giêsu, thần học gia Ratzinger cho rằng: tuy không dùng chữ gia phả, nhưng “tự ngôn” của Thánh Gioan là “gia phả” căn cội nhất trong các Tin Mừng, vì ngài không những tìm căn cội của Chúa Giêsu nơi Ápraham hay nơi Ađam như hai tin mừng gia kia, mà leo lên tới tận Thiên Chúa: “từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vốn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Bản chất của Thánh Kinh là thế. Một bản chất vụ thực (realist) hơn cả.
Lễ Giáng Sinh theo Joseph Ratzinger
Đó là tựa đề một bài báo của Andrea Gagliarducci viết ngày 26 tháng Mười Hai năm 2011. Theo ông, Đức Bênêđíctộ XVI luôn coi Ngày Giáng Sinh là một ngày đặc biệt. Vào ngày này, gia đình ngài thường họp mặt và Đức Ông Georg, anh trai ngài, thường từ Đức tới thẳng Vatican. Hai anh em ăn với nhau một bữa ăn Đức hết sức đặc trưng. Rồi họ cùng suy niệm về mầu nhiệm sinh hạ Thiên Chúa, thường là trước Hang Đá. Tại Phủ Giáo Hoàng, có hai Hang Đá, một là Hang Đá do chính Georg và Joseph làm hồi còn nhỏ. Đức Bênêđíctô cầu nguyện trước Hang Đá này và suy niệm. Và một phần trong bài suy niệm có thể tìm thấy trong các bài giảng lúc ngài chưa làm giáo hoàng.
Ta hãy lui về lịch sử một chút. Đó là mùa Giáng Sinh năm 2000, Năm Đại Thánh. Tờ 30 Giorni, một nguyệt san quốc tế, yêu cầu Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết một bài gần như xã luận nhân dịp Lễ Giáng Sinh.
Ngài viết: “Trong Mùa Giáng Sinh, chúng ta trao đổi quà cáp, hân hoan với nhau và dự phần vào niềm vui được các thiên thần loan báo cho mục đồng, nhớ lại Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho như một quà tặng cho nhân loại: Con của Người, Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại tiếp nhận món quà này. Trong câu truyện dài này, Thiên Chúa trở nên quen thuộc với việc ở với con người và con người trở nên quen thuộc với việc hiệp thông với Thiên Chúa. Câu truyện này bắt đầu với đức tin của Ápraham. Ápraham là cha của những người tin, cha của đức tin nơi người Kitô hữu, là cha của chúng ta trong đức tin”.
Đức Hồng Y Ratzinger nhân cơ hội này liên kết Giáo Hội với Israel. Vì theo ngài, đối với các Kitô hữu, Israel và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Ngài giải thích: “ai cũng biết cuộc sinh hạ nào cũng đều khó khăn. Chắc chắn mối liên hệ giữa Giáo Hội đang xuất hiện và Israel đôi lúc có tính thù nghịch. Giáo Hội bị chính mẹ mình coi như đứa con gái thoái hóa, trong khi các Kitô hữu coi mẹ mình như đui mù, cố chấp”. Và điều này dẫn tới nhiều thái độ bài Do Thái.
Một bài giảng khác được ngài lấy hứng nhân dịp viếng Đài Thiên Văn Vatican ở Castelgandolfo năm 1994. Đây là đài thiên văn do các cha Dòng Tên điều khiển. Trong nhiều thế kỷ, các cha dòng Tên vẫn leo lên Đài Thiên Văn này để quan sát bầu trời. Nhưng ngày nay, Đài này đã trở thành gần như một viện bảo tàng. Các dụng cụ ở đó vẫn còn dùng được. Nhưng ánh đèn của Thành Phố Rôma và của cả Âu Châu nay sáng quá khiến các cha không tài nào quan sát được bầu trời nữa. Thành thử một đài thiên văn mới đã phải được xây dựng trên Núi Graham ở Tiểu Bang Arizona, Hoa Kỳ.
Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đến viếng Đài Thiên Văn ở Castelgandolfo trước Lễ Giáng Sinh ít ngày. Ngài có ấn tượng sâu sắc đến nỗi đã nhắc đến nó trong bài giảng Lễ Vọng Giáng Sinh ở nhà thờ Berchtesgaden. Ngài so sánh việc quan sát bầu trời với việc tìm kiếm Thiên Chúa, việc đầu là ẩn dụ cho việc sau. Và ngài kết luận: “ánh sáng của con người, ánh sáng do ta sản xuất ra đã che khuất ánh sáng của bầu trời. Ánh sáng của ta đã che khuất các vì tinh tú của Thiên Chúa. Đây gần như một ẩn dụ: vì quá nhiều các sự vật do ta tạo ra, ta khó nhận ra các dấu vết của Công Trình Sáng Thế của Thiên Chúa, và chính Sáng Thế”.
Gấu Teddy, danh sách Giáng Sinh
Nhân dịp mừng 65 năm thụ phong linh mục của Đức Bênêđíctô XVI, một chuyến du hành qua Bavaria đã được tổ chức từ Rôma do sử gia Michael Hesemann, đồng tác giả cuốn “Em Trai Tôi, Đức Giáo Hoàng” với Georg Ratzinger, tổ chức. Nhân dịp này, các người hành hương đã khám phá nhiều điều lý thú về tuổi thơ của anh em nhà Ratzinger, nhất là những hoài niệm liên quan tới Lễ Giáng Sinh.
Lúc lên hai, Joseph đã cùng anh chị em qua bên kia phố ngắm nhìn thỏa thích các đồ trang trí Lễ Giáng Sinh bầy bán ở một cửa hàng đối diện với nhà mình. Con ngươi trong mắt cậu là con gấu teddy trưng ở cửa sổ. Ngày nào, cậu cũng tới ngắm nghía cho thỏa thích. Nhưng rồi ngay ngày trước lễ Giáng Sinh, gấu bỗng biến mất. Cậu òa lên khóc, không ai dỗ nổi. Phải đợi sau Thánh Lễ Vọng Giáng Sinh, cậu mới hân hoan trở lại: thì ra gấu đã xuất hiện dưới cây thông giáng sinh của gia đình!
Đến lúc 7 tuổi, cậu viết trên một danh sách Giáng Sinh rằng: “con hứa sẽ là một người tốt”. Chắc chắn cậu giữ lời hứa này. Để tưởng thưởng, cậu đã được ba đồ vật cậu tha thiết xin: một chiếc áo để mặc chơi trò làm lễ với anh trai Georg, Sách Lễ dịch sang tiếng Đức để cậu có thể học chữ La Tinh, và mẫu ảnh Thánh Tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét