Trang

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Thánh Gioan Thánh Giá (1542 - 1591)

Thánh Gioan Thánh Giá (1542 - 1591)

Vị Tôn Sư của Tình Yêu Tinh Ròng

Thánh Gioan Thánh Giá vẫn rất gần gũi với nhiều người trẻ qua cuộc đời và sự nghiệp của ngài.

Cuộc đời

Ngài sinh ở Castille năm 1542, trong một gia đình nghèo, bị gạt sang bên lề xã hội, vì cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của cha ngài. Ngài mồ côi lúc lên bốn. Từ niên thiếu, ngài đã tìm kiếm Thiên Chúa, làm y tá, rất ham học. 

 Năm 20, ngài vào tập viện dòng nam Cát-Minh. Làm linh mục năm 24 tuổi. Ngài ước ao được sống đời tận hiến nhiều hơn. Sau những năm miệt mài ở đại học Salamanque, ngài theo Thánh Têrêxa của Chúa Giêsu trong cuộc cải tổ đan viện. Với chức vụ tập sư (bề trên nhà tập), ngài đã thu hút nhiều người trẻ ước mong theo đuổi một cuộc sống như ngài...

Chỉ trong vài năm, ngài đã viết nhiều thi phẩm và khảo luận, diễn tả được kinh nghiệm cao đẹp nhất về Thiên Chúa. Dù gặp nhiều thử thách, ngài vẫn rất vui tươi hồn nhiên, qua đời năm 49 tuổi, chìm đắm trong những lời thắm thiết của sách Diễm Ca.

Sứ điệp

Sứ điệp của ngài là: “Hãy đi nhanh lên!” Đừng dậm chân tại chỗ trong một thứ đạo đức hời hợt hay trong một cố gắng tập nhân đức suông. Phải chấp nhận đêm tối, vượt qua khổ đau mà đạt tới đích, là sự cảm nghiệm chắc chắn Tình Yêu Thiên Chúa ngay từ bây giờ.

Ngôn ngữ của ngài đầy chất thơ và giàu hình ảnh: ngôn ngữ của tình yêu và đam mê. Nhằm giúp đỡ những tâm hồn – xưa cũng như nay, không biết bày tỏ tâm sự cùng ai – ngài đã dùng các tư tưởng truyền thống và trình bày lại một cách mới mẻ.

Đối với ngài, Chúa Kitô là người bạn tuyệt hảo. Chính tình bạn ấy đã giúp niềm khao khát tuyệt đối và nguồn sống quảng đại của ngài có cơ hội biểu lộ trọn vẹn. Nhờ trí thông minh sắc sảo, ngài đã khéo phân tích con tim loài người, những khát khao và những thắc mắc của nó trước cuộc sống. 

Nhiều người đã nhận ra chính mình trong các tác phẩm của ngài, và gặp được nơi ngài một người dẫn đường chắc chắn, soi sáng cho những kinh nghiệm hằng ngày của họ và đem lại ý nghĩa cho đời sống họ...

Con đường thần hóa

Những người trẻ đọc thánh Gioan Thánh Giá trong 10 năm gần đây đã cho biết rằng những lời của thánh nhân rất liên quan đến họ và còn có ý nghĩa rất nhiều với những người trẻ thời nay: Thánh Gioan Thánh Giá dìu dắt họ trên con đường thần hóa. Thật vậy, ơn gọi của chúng ta là để cho Thiên Chúa biến đổi thành “Tình Yêu”, như khúc củi bừng cháy, thoát khỏi những lớp vỏ tạp để biến thành lửa.

Élisabeth Chúa Ba Ngôi sau khi đọc thánh Gioan Thánh Giá đã tóm tắt mục đích ơn gọi Kitô-hữu trong mấy tiếng: “Ước mơ của tôi là trở thành Chúa Giêsu.”

Xuyên qua các tác phẩm của ngài, thánh Gioan Thánh Giá tỏ ra ngài hiểu con tim loài người một cách sâu sắc. Ngài chạm đến toàn diện con người. Chấp nhận cùng đi với ngài là chấp nhận thưởng thức một nguồn nước sống mà chẳng mấy chốc người ta sẽ khó mà bỏ đi được.

Mãnh lực của sự thèm khát nơi con người

Thánh Gioan Thánh Giá đã không ngại nói đến mãnh lực của sự thèm khát nơi con người. Ngài đề ra một lối định hướng cho nỗi thèm khát ấy. Ngài chỉ cho ta biết phải làm thế nào để sự thèm khát vốn luôn có trong con người ngày càng hướng về Thiên Chúa hơn. Ngài giải thích cho thấy sự thèm khát ấy dù hướng về bất cứ phương trời nào vẫn khiến con người thất vọng, chỉ khi nào quy hướng về Thiên Chúa mới thỏa mãn được thôi.

Với tuổi trẻ

Thánh Gioan Thánh Giá có còn gây được hứng thú gì cho người trẻ hôm nay không? Trong câu hỏi này có cái nghịch lý. Quả thế, Thánh Gioan Thánh Giá không kể lại một kinh nghiệm tuổi trẻ. Ngài chỉ diễn tả hồi kết thúc của một con đường dài, của một công trình tập cầu nguyện bằng cách nghiền ngẫm Thánh Kinh. Ngài là hiện thân của một lý tưởng từ bỏ. Và như thế, ngài thật rất xa với kinh nghiệm tuổi trẻ. Thế thì, điều gì đã khiến ngài trở nên hấp dẫn?

Một lý tưởng

Người trẻ nhạy cảm với một lý tưởng, một mô hình tinh túy. Về điểm này, Thánh Gioan Thánh Giá quả là một tấm gương ngoại hạng. Ngài là bằng chứng cho thấy lý tưởng ấy có thể thực hiện được. Đường hướng ngài đề ra cho ta thật cần thiết và có thể đạt đích được, dù đối với ta điều có vẻ thật khác thường. 

Thánh Gioan mời gọi ta từ bỏ, không phải là sự phủ nhận chính mình, nhưng là sự từ bỏ giúp phát triển con người mình. Đó là điều các người trẻ vẫn ước vọng. Các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá nếu không nhất định khiến ta phải đọc ngay, thì cũng gợi lên cho ta sự tò mò muốn đọc.

Có thể đạt tới

Gương của chị Élisabeth Chúa Ba Ngôi cho thấy lộ trình do Thánh Gioan Thánh Giá đề ra có thể theo được. Linh đạo của ngài không làm ta mất gốc, và cũng không ép buộc ta phải sống theo một khuôn khổ cứng ngắc. Linh đạo của ngài giúp ta đảm nhận những cam kết dấn thân của mình bằng cách sống một điều gì đó thật sâu xa về mặt tâm linh. Thánh Gioan thức tỉnh các ước vọng sâu xa nhất của ta, để đưa ta đến gần Thiên Chúa.

Tính cách cá nhân

Cách diễn tả đầy chất thơ của Thánh Gioan Thánh Giá thật hấp dẫn. Ngài đưa trả mỗi ngườivề trong nội tâm. Hẳn nhiên, ai nấy không muốn trở thành một thứ sao y bản chánh của ngài, nhưng muốn gặp được khuôn mặt chứng nhân đích thực của mình nơi mình đang sống. Ngài mời mỗi người khám phá ra sự thánh thiện của riêng mình trong thế giới ngày nay: “Tôi mơ ước một thế giới khác.”

Một thế giới khác

Người trẻ ngày nay tìm kiếm một thế giới khác. Thánh Gioan có vẻ đang đưa ta vào thế giới đó khi ngài mặc khải cho ta cách thật sâu sắc về thế giới của ta. Ngài vẫn ở giữa lòng thế giới và mời ta nhìn nó với một cái nhìn khác. Ngài xóa hẳn mình trước Tin Mừng để mời ta khám phá lại Tin Mừng. 

Ngôn ngữ đầy biểu tượng của ngài đánh động tâm hồn ta và các hình ảnh ngài dùng thật dễ hấp thụ: khúc củi bừng cháy, mặt trời xuyên qua cửa kính, dòng suối trong như pha lê...

Tính chất nhân bản

Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều đánh động người ta nhất chính là cái chất người của ngài.Ngài hiểu biết những yếu đuối của con người. Ngài mời chúng ta phục hồi khả năng ngưỡng mộ trước thiên nhiên và sự sống.

Ngài cũng thôi thúc ta trở về trong nội tâm. Quả vậy, nếu việc dấn thân là quan trọng, thì việcnội-tâm-hóa các biến cố và tất cả những gì làm nên thế gian lại càng quan trọng hơn nữa. Lộ trình ngài đề ra, liên quan đến từng Kitô-hữu, dù họ ở bất cứ đâu.

Đọc Thánh Gioan Thánh Giá, điều hấp dẫn đối với độc giả chính là một thứ “giao kết” giữa “nhiệm nhặt” và “tình yêu”. Tính cách mô phạm và đòi hỏi trong đường lối của ngài không loại trừ cái tình yêu đã xây đáp nền tảng cho đường lối ấy, nhưng thật thắm thiết hài hoà với nhau.

Ngày nay người ta sống trong một cuộc duyệt xét lại một cách sâu rộng các quy luật dòng. Thế giới chúng ta thường sử dụng lối phân cách đối nghịch giữa “quy luật” và “tình yêu”.Thánh Gioan Thánh Giá hòa hợp cả hai.

Ngược với dáng dấp bề ngoài, người trẻ không dị ứng với những gì là đòi hỏi. Họ còn khổ tâm vì tương lai quá mịt mờ, thiếu định hướng. Qua những tác phẩm ngài viết và cũng qua chính cuộc sống ngài, Thánh Gioan Thánh Giá đã đáp ứng được cho nỗi khao khát chân lý tuyệt đối trong lòng người trẻ. 

Ngài cho thấy rằng luật lệ không cản bước tình yêu. Nếu cần, ngài cũng nhắc ta nhớ rằng, giữa cuộc sống không dễ dàng này, muốn đạt được mục đích đã đề ra, dù là mục đích nào, ta không thể không chấp nhận một sự nhiệm nhặt nào đó.

“Xin tỏ bày cho con sự Hiện Diện của Chúa

Ước mong thị kiến về Vẻ Đẹp của Chúa khiến con chết ngất!”

(Thánh Gioan Thánh Giá)
Tu huynh Dominique Poirot. Đan sĩ Cát-Minh


NGỌN LỬA SỐNG

(Ca khúc bàn về sự hiệp nhất thân mật và thích đáng nhất cũng như sự chuyển hóa của linh hồn trong Thiên Chúa)
                            O
              I.  Ôi ngọn lửa tình yêu hằng sống,
Ngài làm tôi êm ái bị thương
Nơi  trung tâm sâu thẳm linh hồn!
Vì giờ đây, đau đớn không còn,
Theo ý Ngài, xin hãy hoàn thành,
Và làm cho tơi tả bức màn
Của cuộc gặp này thật sự dịu dàng.

             II.  Ôi vết phỏng êm ái!
Ôi thương tích tuyệt vời!
Ôi bàn tay mềm mại!
Ôi cái chạm thanh cao!
Ngài tỏa hương sự sống vĩnh hằng,
Vì chúng tôi trả hết nợ nần!
Thiêu hủy tôi, Ngài làm tôi biến đổi
Từ cái chết Ngài  làm nên sự sống.

           III.  Ôi những ngọn đèn cháy sáng!
Chiếu huy hoàng vào hang hốc giác quan,
Nơi trước đây tăm tối mù lòa,
Nay chuyển hoá thành những điều tuyệt hảo,
Thành sức nóng và thành ánh sáng
Cho Đấng Chí Ái tôi yêu.

            IV. Trong linh hồn tôi, Ngài thức giấc,
Dịu dàng và âu yếm biết bao,
Nơi ấy, Ngài định cư bí mật.
Trong làn hơi Ngài thở ngọt ngào,
Phong phú vinh quang cùng thiện hảo,
Ngài dịu dàng thông ban tinh tế,
Tình yêu Ngài cho tôi.

Trích Trong Thánh Thi - Gioan Thanh Giá - NT Vĩnh An dịch

ĐÊM TĂM TỐI
(Ca khúc nói lên cách thức của linh hồn, trên con đường tâm linh đã nhờ tình yêu, đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn với Thiên Chúa; điều mà Thiên Chúa làm cho linh hồn để thực hiện sự hiệp nhất)
                                 O
               I.  Nhờ một đêm tăm tối
Bừng cháy tình yêu đầy nỗi lo âu.
Ôi, duyên phận tốt lành!
Tôi đã ra đi không ai nhìn thấy,
Ngôi nhà tôi từ nay an nghỉ.

             II.  Trong đêm tối và được an toàn,
Nhờ cầu thang bí mật, ngụy trang.
Ôi, duyên phận tốt lành!
Tôi ra đi trong ẩn khuất, tối tăm;
Ngôi nhà tôi từ nay an nghỉ.

            III.  Giữa lòng đêm được chúc phúc,
Trong bí mật – vì không ai nhìn thấy
Và cả tôi cũng chẳng thấy gì –
Không ánh sáng, không người dẫn lối,
Ngoài ánh đèn đang cháy trong tim.

            IV.  Ánh sáng ấy dẫn tôi đi tới
Chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa,
Dẫn đến nơi Đấng Ay đang chờ,
Đấng mà tôi quen biết lâu ngày;
Và nơi hẹn không người lai vãng.

             V.  Ôi đêm! Ngươi đã hướng dẫn ta.
Ôi đêm! Ngươi hơn cả bình minh khả ái.
Ôi đêm! Ngươi đã kết hiệp
Tình nương cùng với Đấng Tình Quân:
Nàng chuyển hóa thành Đấng nàng yêu mến.

            VI. Trong lòng tôi đầy hoa,
Được giữ nguyên cho một mình Chàng,
Chàng lưu lại nơi ấy, ngủ say,
Tôi vuốt ve và quạt mát cho Chàng
Bằng một chiếc quạt bá hương.

          VII.  Đang khi tôi vuốt nhẹ tóc Chàng
Gió thổi lên từ lỗ châu mai;
Và bàn tay thanh bình của gió
Đã làm tôi bị thương ở cổ,
Khiến mọi giác quan tôi ngưng nghỉ.

        VIII.  Tôi lặng thinh trong sự lãng quên,
Mặt nghiêng trên mặt Đấng Tình Quân
Tất cả đứng im và tôi bất động,
Buông bỏ điều làm tôi lo lắng,
Giữa những cành hoa huệ,
Và quên.

Trích Trong Thánh Thi - Gioan Thanh Giá - NT Vĩnh An dịch
Xin Thiêu Đốt Chúng Con
Lạy Thánh Thần trào tuôn từ Thiên Chúa,
Xin lửa Ngài thiêu đốt chúng con;
Như cành cây nhỏ trong lò lửa,
Cho chúng con cháy bỏng tình Ngài.

Xin nhổ bao cỏ lùng tội lỗi
Trong chúng con đe dọa hạt mầm,
Mầm sự sống Ngài đang gieo vãi,
Bằng chính Lời và Bánh trường sinh.

Xin khắc vào lòng con tên mới
Danh Giêsu, Đấng đã Phục sinh
Xin thổi hơi và chúng con có thể
Ngợi ca Ngài: chân lý hiển vinh.

Trích Trong Thánh Thi - Gioan Thanh Giá - NT Vĩnh An dịch

Khởi đầu đã có Ngôi Lời

Khởi đầu
Đã có Ngôi Lời,
Người là Thiên Chúa sáng ngời,
Ở cùng Thiên Chúa muôn đời hiển vinh
A – lê – lui – a ! (3lần)

Người là sự sống, hào quang
Và luôn chiếu sáng
Đêm trường chúng ta !
A – lê – lui – a ! (3lần)

Ai luôn tin tưởng danh Người
Gọi tên Thiên Chúa đời đời là Cha.
Ai luôn đón nhận Ngôi Lời
Được ơn hằng sống cuộc đời mai sau.
A – lê – lui – a ! (3lần)

Ngôi Lời làm một phàm nhân,
Giữa lòng nhân loại lỗi lầm tội khiên,
Tỏ bày chân lý thiêng liêng
A – lê – lui – a ! (3lần)

Chúng ta lãnh nhận nơi Người
Dồi dào ân sủng mừng vui dư đầy
Người là mạc khải tỏ bày
Ẩn thân Thiên Chúa nào hay mắt trần
A – lê – lui – a ! (3lần)

Nhờ Người, Con Một Giêsu
Chúng ta được mở mắt mù tội nhân
Mai này đối diện Thiên Nhan!
A – lê – lui – a ! (3lần)

Trích Trong Thánh Thi - Gioan Thanh Giá - NT Vĩnh An dịch
GIOAN THÁNH GIÁ – TÌNH YÊU VÀ HY SINH
Gioan Thánh Giá
r-john-of-the-cross.jpg
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8, 34).
Câu Kinh thánh này được thể hiện rõ nét trong cuộc đời của Thánh Gioan Thánh Giá, con người của đam mê, bí ẩn và tin tưởng cùng phương châm sống của Ngài là “tình yêu và hy sinh” dệt nên con người sống hoàn toàn vì tình yêu trong tâm tình tạ ơn suốt cả cuộc sống ngài. Ngài sống trọn cuộc sống trong đau đớn nhưng vẫn hằng cảm tạ Chúa như trong Thánh vịnh 41 “Con ngâm nga bài thánh nhạc thâu đêm, Thành kinh nguyện dâng Chúa Trời hằng sống” (Tv 41,9). Thật khó để có thể tìm được một con người như ngài, dù cuộc sống có là chi, có bị đối xử bất công thế nào, bị đánh đập dã man, hay bị ngưỡi đãi vì sự ghét ghen của anh em mình,… thì ngài vẫn không ngừng cất lên lời ca tạ ơn vì Thiên Chúa đã ban cho ngài được như vậy, ngài đem tình yêu thương đến tận mọi nơi trong cộng đoàn, trong mọi người và trong chính sâu thẩm của tâm hồn ngài. Chính vì lẽ đó, ngài đã thốt lên “Có ai thấy Thiên Chúa bởi sự tàn nhẫn đâu ?” hay “Ở đâu không có tình yêu, hãy đem lại tình yêu và bạn sẽ tìm thấy tình yêu.” .
Đối với ngài, Thiên Chúa không bao giờ có sự tàn nhẫn, không bao giờ có bất công nhiều người trong chúng ta chúng ta chắc hẳn, khi gặp một biến cố, một khó khăn nào đó có thể sẽ thốt lên những lời than trách, những câu thở dài, nhưng với Gioan đó không phải là những hình phạt hay nói một cách tế nhị hơn “thánh giá Chúa gửi đến”. Những đau khổ mà ngài chịu là những kinh nghiệm sống, những lời tạ ơn cho thế hệ chúng ta hôm nay đang từng bước theo ngài, theo lại lối xưa ngài đã từng dấn thân và bước đi, để hôm nay ngài đã được ở lại trong Thiên Chúa của tình yêu. Ngài cũng muốn mời gọi chúng ta gieo rắc tình yêu của chính mình, tình yêu phát xuất tự trong tâm hồn sâu thẳm để dành cho mọi người xung quanh, để tất cả mọi nơi là tình yêu, và hy sinh cho nhau cách khiêm nhu trọn vẹn.
Khi suy niệm về cuộc đời của ngài, chúng ta có thể tìm thấy nhiều tâm tình tạ ơn của Thánh nhân để lại trong những tác phẩm của ngài, những tâm tình đó có thể được thốt lên bằng những vần thơ du dương, hay những hy sinh thường ngày của cuộc sống. Trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống ngài luôn sống với sự tạ ơn và niềm vui đến từ Thiên Chúa, có lẽ vì điều này mà con người của ngài toát lên được vẻ đẹp của thánh thiện và lòng trắc ẩn mà ngài cảm nghiệm được từ nơi Thiên Chúa đã dành cho nhân loại và chính ngài đã sống điều này suốt cả chặng đường theo Đức Kitô. Ngài dạy rằng, chỉ khi nào chúng ta dám cắt bỏ sợ dây dục vọng thì chúng ta mới có thể bay lên cùng Thiên Chúa. “Sợi dây dục vọng” mà Gioan muốn nhắc tới thiết nghĩ không đơn thuần chỉ là những thú vui xác thịt, xa hoa trần thế chóng qua, mà còn là những ước mơ danh vọng, những suy tính trong tương lai của một con người đang dấn thân, đang tìm kiếm. Có thể thấy rằng, chính ngài đã sống điều này trước khi dạy chúng ta sống, ngài đã sống điều ngài muốn nói và ngài tìm gặp được Chúa ngay trong cuộc sống trần thế.
“Vào trường hợp tôi, Chúa Giêsu sẽ là gì?” Thói quen đặt câu hỏi trong tất cả mọi công việc của mình làm đã khiến ngài không tránh né một hy sinh nào, vì ngài biết rõ việc mình đang làm và tâm tình mà Thiên Chúa muốn trao gửi vào công việc ấy qua bàn tay thánh thiện của ngài. Ngài yêu thương các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo cách đặc biệt, yêu như Chúa đã yêu họ vậy. Gioan như gắn cuộc sống của mình với họ, họ đau mình cũng đau, họ thiếu vắng tình yêu, mình phải đem tình yêu đến và trao cho họ như là điều Thiên Chúa muốn và đã làm vậy. Sống mật thiết với Thiên Chúa trong tất cả con người của ngài đã tạo nên nơi ngài một đức ái bao la ngay từ lúc còn trẻ, thể hiện trong các công việc phục vụ bệnh nhân với tâm tình yêu thương và hy sinh mà rất nhiều người cảm phục và mến mộ.
Gioan Thánh Giá rất thích cuộc sống khó nghèo, và sự nghèo túng khủng khiếp không bao giờ lay chuyển được tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài luôn dùng những khúc ca tạ ơn Chúa vì đã cho ngài biết ngài phải sống và cư xử cách nào. Vì vậy, ngài hành động khác thường trên những người xung quanh, giải thoát họ khỏi những việc hư hỏng tạo cho họ một lòng yêu thích hy sinh. Sự thánh thiện của ngài vượt quá nhiều người và trở nên khó hiểu, công cuộc canh tân cải tổ nhà dòng của ngài (cùng với Thánh nữ Têrêxa Avila) bị người khác cho là nổi loạn và đã trừng phạt ngài. Người ta đối xử cứng rắn với ngài, ba lần mỗi tuần họ đưa ngài tới nhà cơm và đánh đập không nương tay. Nhưng ngài cảm thấy đang đi đúng con đường của Chúa muốn, và tạ ơn Chúa vì đã chịu được hạ nhục và chịu được khổ cực. Những bắt bớ làm tăng thêm đức tin và lý tưởng của ngài. Đáp lại, ngài yêu mến nhiều hơn và trong hầm tối thiếu khí trời, ngài dệt nên những vần thơ từ đau khổ tạo thành cuốn “thánh ca thiêng liêng” mang phong thái riêng của ngài, tác phẩm của tình yêu và tạ ơn ngài dâng lên Thiên Chúa.
Thánh nhân đã nhận lấy đau khổ để đổi lấy sự trong sạch cho bản thân, thế nhưng ngài lại thương cảm cho những đau khổ của người khác, ngài còn tế nhị hơn với những đau khổ tình thần mà ngài diễn tả đó là “đêm tối của tâm hồn”.Nhưng ngài hiểu rằng, những đau khổ kia thanh tẩy tâm hồn rất nhiều. Ngài từng chia sẻ, chúng ta không thể kết hợp được với Thiên Chúa nếu không có khổ hạnh trong tâm hồn. Khi con người chúng ta đang lo nghĩ, đang suy tư về những danh vọng, những vinh hoa hay vinh quanh cho bản thân, là khi chúng ta chưa có thể kết hợp được với Thiên Chúa, chưa đi vào con đường mà tình yêu phải bước đi. Những đố kị, ghen ghét nhau trong cộng đoàn, trong anh em là những lệch lạc của con đường tình yêu mà ngài dạy. Sự trong sạch phải luôn đi kèm với tình yêu trao ban, cho dù chính bản thân bị thiệt thòi, bị đau khổ, chỉ có thế, chúng ta mới tìm thấy sự trong sạch cho tâm hồn được. Phải luôn đồng cảm với những con người khổ hạnh vì bệnh tật và trao gửi tình yêu của mình cho họ, để giúp họ ngày một nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa ngày đêm đang dành cho họ và không bao giờ ngưng.
“Lạy Chúa, xin cho con chịu khổ hạnh và khinh miệt vì Chúa”. Lời cầu nguyện ấy đã được Thiên Chúa nhậm lời khi mà Thiên Chúa đã ban cho ngài ngày nào cũng được chịu khổ hình, đau khổ, chết trong khiêm hạ và tâm nguyện của ngài đừng là bề trên trong giờ lâm chung. Có bao giờ chúng ta giống thánh nhân chưa? Cầu nguyện xin được đau khổ… điều đó không có nghĩa, ngày hôm nay chúng ta cứ xin cho được chịu đau khổ, chịu khinh miệt, nhưng ngài muốn qua cuộc sống của ngài, chúng ta hãy bắt chước noi theo, luôn tạ ơn Thiên Chúa trong tất cả các hoàn cảnh của cuộc sống, không cầu mong danh vọng, vinh quang cho bản thân, sống khiêm nhu và ngợi khen Chúa mỗi ngày.
Cuộc đời của ngài là một nổ lực quả cảm, dám sống trọn vẹn với tên gọi của ngài : “Gioan Thánh Giá”. Sự điên rồ của thập giá xưa thể hiện nơi Đức Kitô thế nào để nhân loại hứng lấy được tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng, thì nay cũng tái diễn lại nơi cuộc sống của ngài như vậy dành cho hết thảy mọi người. Thánh giá, chỉ có những người có đức tin mới có thể chấp nhận được hình hài ô nhục của nó, chẳng phải người Do Thái từng cho đó là sự bỉ ổi, sự xấu xa đó sao? Chỉ có những người trộm cướp, những tên giết người mới bị dùng đến hình phạt này, nhưng Chúa Giêsu đã phải mang lấy hình phạt nhục nhã này, để chúng ta được giải thoát, được trở về với Chúa Cha và để minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Gioan đã không sợ khi nhận lấy cái tên mới của mình, cái tên của “sự điên rồ thế gian” – Gioan Thánh Giá, để cũng mang vào mình bao sự bất công, dò xét, đánh đập mà những người khác dành cho mình. Thế nhưng, hoàn cảnh nào đi nữa, ngài luôn sống với một tâm tình của Tình yêu – Tạ ơn – Hy sinh. Thánh Gioan Thánh Giá cũng mời gọi chúng ta mỗi ngày cùng bước vào những chặng đường của hành trình tìm kiếm Đức Kitô, từ bỏ bản thân hay những ảo tưởng của mình bằng cách sống nhiệm nhặt và thật lòng khiêm nhường, cam chịu đau khổ thiệt thòi. Cuộc đời của ngài đã chứng minh cho chúng ta rằng đau khổ làm cho linh hồn chúng ta tinh khiết, ví tựa như thanh củi được đốt trong lò sưởi, lửa cháy thiêu đốt là làm tan nát thanh củi nhưng tạo nên được ngọn lửa hồng rực sáng.
Không am tường được hết ý nghĩa và tâm tình của ngài nơi cuộc đời cũng như những tác phẩm của ngài để lại nếu chúng ta không đi sâu vào cuộc đời tu hành của Gioan. Suốt cuộc đời tu hành bị anh em đày đọa nhưng không bao giờ oán hận, có lẽ trong thâm tâm Gioan vẫn im lặng chấp nhận với nụ cười nhân ái và tha thứ mà họ không thể nào hiểu được. Chính những hành hạ bất công đó đã làm cho Gioan ngày càng thêm gần gũi với Chúa Tình Yêu hơn. Có bao giờ, chúng ta đã im lặng để suy nghĩ, để học hỏi ngài về những nhân đức mà ngài đã sống chưa?
Lạy Thánh Gioan Thánh Giá, xin giúp chúng con từ bỏ con người, từ bỏ cái tôi tội lỗi thấp hèn của chúng con để sống cuộc sống vì Thiên Chúa, vì cộng đoàn và vì anh em xung quanh chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn biết chấp nhận hy sinh, đau khổ vì tình yêu, vì lòng yêu mến như ngài đã từng sống và dạy chúng con. Trên Thiên quốc, xin hãy ngày đêm để mắt đến những công việc chúng con đang làm cũng như những gì chúng con đang suy nghĩ… Xin cho chúng con biết học đòi được nhân đức bác ái của ngài, để qua cuộc sống hôm nay của chúng con, nhiều người cũng nhìn ra Thiên Chúa là tình yêu nữa.
Francis John Mary MG

KHÁT KHAO ĐIỀU CHÚA KHAO KHÁT
·         Gioan Thánh Giá | 
·         Joseph Trung, O.Carm.
John_Cross1.jpg
Tiến Trình Thần Hóa của Nhân Loại
(Lm. John Welch, O.Carm.)
            Ngôn ngữ của những người Cát Minh thường rất táo bạo. Khi thánh Gioan Thánh Giá miêu tả về kết quả của một đời sống chiêm niệm, ngài thường nói về một sự biến đổi sâu xa đến độ chúng ta trở nên Thiên Chúa. Đối với thánh Gioan, việc chăm chú lắng nghe dõi theo sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong đời mỗi người, và một thái độ sẵn sàng để được biến đổi bởi tình yêu, dẫn đến tiến trình thần hóa.[1]
            Thánh Gioan miêu tả mục tiêu của hành trình Kitô Hữu  trong những từ ngữ đặc biệt trữ tình trong bài Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, cả thơ và lời bình thơ. Ở đó ngài tìm kiếm ngôn từ diễn giải kinh nghiệm của mình trong việc kết hiệp với Thiên Chúa một tiến trình biến đổi đến mức mà ngài mô tả như  được thần hóa, hay được hóa thân nên như Chúa (deification). Ngài diễn tả một mối giao tình thân thiết, cá biệt mạnh mẽ giữa linh hồn với Thiên Chúa, một mối hiệp nhất sâu xa nơi cốt lõi của hiện hữu của chính mình.
            Nhiều lần đọc về Thánh Gioan Thánh Giá với ngôn ngữ về cái nada, tĩnh tại, và cô tịch, người ta có thể cho rằng đời sống chiêm niệm sẽ ngày càng rút lui vào bên trong và sẽ kết thúc trong cô quạnh. Cách nhìn này vừa vặn với một lối nhìn rập khuôn thường được nối kết với một thánh nhân hay một người thánh thiện. Một tác giả đã miêu tả thế này: bạn biết một người là thánh thiện khi ông ấy giữ thẳng đầu mình vào sáu giờ mười phút sáng, và trông như thể ông ta đã nhận một tin xấu mà chúng ta vẫn chưa được nghe.
            Nhưng điều gì thật sự diễn ra khi chúng ta "trở thành Chúa"? Thật hữu ích để xem lại phân tích của thánh Gioan về khát khao của con người. Ngài đã nhận xét rằng những khát khao của lòng người không bao giờ ngơi, lôi chúng ta nay đây, mai đó. Những khát khao đó giống như những đứa trẻ con gào lên để gây chú ý, và sẽ chẳng ở yên được bao lâu. Ngài cũng lưu ý là ngay cả khi lòng ta đạt được điều gì đó mà nó khao khát sâu xa, nó cũng chỉ thỏa mãn được đôi chút, và rồi những khao khát lại bắt đầu lôi kéo lòng ta một lần nữa. Thánh Gioan so sánh điều này với tình trạng của một người yêu nao nức mong đợi một ngày đặc biệt với người yêu dấu, nhưng rồi lại hoá ra thất vọng sâu xa. Ngài kết luận rằng con người chúng ta luôn mang một niềm khao khát, một cơn đói, mà chỉ mình Thiên Chúa mới làm cho no thỏa được. Bất cứ nguồn dinh dưỡng nào khác hứa hẹn thỏa mãn hoàn toàn đều sẽ làm biến dạng cuộc sống chúng ta.
            Nhưng khi con tim dò dẫm vươn tới một vị Chúa mà nó chẳng thể gọi tên, nó lại tiếp tục trao chính mình cho những thứ không phải là Thiên Chúa. Trong khi tìm đáp ứng những khát khao nơi mình, con tim liên tục yêu cầu những người khác, những dự án, hoàn cảnh, kế hoạch, cộng đoàn làm Chúa của nó, trở nên nguồn đáp ứng những khát khao sâu thẳm nhất nơi mình. Con tim thường yêu cầu một phần tạo vật của Chúa trở nên cùng đích, trở thành Chúa. Con tim tạo ra những ngẫu tượng, và trong cách trao chính mình cho những ngẫu tượng này, trong cách tập trung đời mình quanh những ngẫu tượng này như thể chúng đã là chính Thiên Chúa vậy, thì lúc đó con tim trở thành nô lệ. Đây chính là những dính bén, trong ngôn ngữ của thánh Gioan, nhưng ngài cũng gọi tình trạng đó là một con tim nô lệ. Trong cách thức trao ban chính mình cách hoàn toàn cho những thứ dính bén, những ngẫu tượng, con tim không còn tự do để đáp trả lại lời mời gọi của sự hiện diện từ nhân nơi trung tâm của nó nữa.
            Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh đến một lối giải thoát khổ hạnh cho con tim. Nhưng trong chính hoàn cảnh của mình, ngài thuật lại rằng ngài đã không thể nới lỏng cái cố bám vúi nơi mình, những thứ mà ngài dích bén vào vì nó quá thân thiết với cuộc sống ngài. Thánh Têrêsa Avial cũng thuật lại vấn đề tương tự. Ngài càng từ bỏ các ngẫu tượng của mình bao nhiêu, giải thoát chính mình khỏi trọng tâm sai quấy bao nhiêu, thì ngài lại càng vướng mắc vào nhiều hơn.
            Thánh Gioan hiểu được là chỉ có tình yêu của Chúa mới có thể lôi kéo ngài ra khỏi những ngẫu tượng. Ngay tại nơi mà những khát khao của ngài đã mệt nhoài vì cố sức tìm kiếm cách thế để hoàn thiện mình, trong đêm tối của sự thất bại hiển nhiên nơi mình, thánh Gioan đã cảm nghiệm được một đốm lửa từ một tình yêu sâu sa hơn. Tình yêu này đã mời gọi ngài bỏ qua tình trạng sa đọa  của mình; tình yêu sắp đặt lại trật tự của những thứ tình cảm khác nơi ngài; và nó cho phép ngài từ từ nới lỏng những bám vúi trong cuộc đời ngài và tin tưởng canh tân hành trình cuộc đời.

Tiến vào sâu hơn trong Thiên Chúa.           
            Bằng cách sử dụng một hình ảnh tương tự như cuộc hành trình vào lâu đài nội tâm của thánh Têrêsa, thánh Gioan miêu tả hành trình tâm linh như một hành trình hướng tới trọng tâm nơi Thiên Chúa đang ngự. Ngài viết: "Trung tâm của linh hồn là Thiên Chúa". Nhưng trung tâm này không phải là một trung tâm xa cách mà chỉ đạt đến sau một cuộc đời đầy nổ lực. Không, thánh Gioan nói rằng bất cứ ai dầu chỉ có một chút mức độ tình yêu  thôi thì đều được ở trong trung tâm, ở trong Thiên Chúa. Đây là vấn đề mức độ. Ở mỗi cấp độ tình yêu linh hồn sẽ di chuyển sâu hơn vào trung tâm của mình, hay như khi thánh Gioan viết về linh hồn: "mặc dầu linh hồn đang ở trong trung tâm của mình, linh hồn chưa thực sự ở trong chính trung tâm sâu nhất của mình, vì linh hồn có thể tiến sâu hơn nữa trong Thiên Chúa."[2]
            Tiến trình tiến sâu hơn nữa vào trong Thiên Chúa là một tiến trình thần hóa. Thánh Gioan viết, "… một khi đã đạt đến mức độ cuối cùng, tình yêu của Thiên Chúa đã đến mức đụng chạm tới linh hồn nơi trung tâm cuối cùng và sâu thẳm nhất của nó, hẳn phải soi sáng và biến đổi linh hồn nơi toàn bộ hiện hữu, tài năng và sức lực của nó, và tuỳ theo khả năng của nó, cho đến khi nó trở nên như Thiên Chúa.”[3]        
            Thánh Gioan kể lại một sự biến đổi phi thường của khao khát nơi con tim ngài như hiệu quả của hành trình đi sâu hơn vào trong Thiên Chúa. Khát khao nơi ngài và khát khao nơi Thiên Chúa giờ đây hoà hợp trong một hoà điệu của những khát khao. Ngài trình thuật lại cùng Chúa:
Những gì Ngài khao khát con cầu xin, con sẽ cầu xin; và những gì Ngài không khao khát, con sẽ không khát khao, con cũng không thể khát khao, ngay cả điều đó cũng không đi vào tâm trí con để con khát khao nó được. Thỉnh nguyện của con là giờ đây  được trở nên đáng quý và đáng yêu hơn trước mặt Ngài, vì những thỉnh cầu của con đến từ Ngài, và Ngài khiến con thực hiện những thỉnh nguyện này, và con thực hiện những thỉnh nguyện này trong niềm hạnh phúc và vui sướng của Chúa Thánh Thần, quyết định của con giờ đây phát sinh từ sự tán thành của Ngài [Tv 17:2], đó là khi Ngài quý trọng và lắng nghe ý nguyện cầu của con.[4]

Trong tiến trình này thánh Gioan nói rằng đức tin lôi kéo trí năng của chúng ta hướng tới Thiên Chúa vượt xa bất cứ loài thụ tạo nào; và đức cậy sẽ giải thoát ký ức của chúng ta khỏi những vọng tưởng quá khứ cũng như những cảnh huống của tương lai, cho phép chúng ta sống trong niềm mong đợi thuần khiết; và ý chí của chúng ta sẽ càng ngày càng yêu với tình yêu của Thiên Chú.
Theo đó, trí năng của linh hồn này là trí năng của Thiên Chúa; ý chí của nó là ý chí của Thiên Chúa; ký ức của nó là ký ức về Thiên Chúa; và niềm hoan lạc của nó là niềm hoan lạc của Thiên Chúa; mặc dầu vậy bản thể của linh hồn này lại không phải là bản thể của Thiên Chúa, vì nó không thể trải qua một cuộc cải đổi bản thể vào trong Ngài được, linh hồn đã trở thành Thiên Chúa thông qua việc tham dự vào Thiên Chúa, được kết hiệp với Ngài và được hấp thụ trong Ngài, khi linh hồn ở trong giai đoạn này…. Linh hồn có thể lặp lại lời của thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi."[5]

Thánh Gioan tiếp tục nổ lực mô tả kinh nghiệm về tiến trình thần hóa: "Đây là niềm hạnh phúc và sự thỏa mãn sâu xa của linh hồn: nên biết rằng linh hồn trao cho Thiên Chúa hơn tự bản thân nó xứng đáng trao cho Ngài, chính ánh sáng thần linh và hơi nóng thần linh được ban tặng cho linh hồn."[6]
            Trong khi viết về những khoảnh khắc mãnh liệt trong cảm nghiệm hiệp nhất với Thiên Chúa qua Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, thánh Gioan kể lại, "Bởi thế trong giai đoạn này linh hồn không thể thực hiện những hoạt động bởi vì Chúa Thánh Thần thực hiện tất cả và hướng linh hồn tới những hoạt động đó. Theo đó tất cả mọi hoạt động của linh hồn đều thiêng liêng… hoạt động của Thiên Chúa trong Thiên Chúa."[7]
            Lại nữa, "bữa tiệc này diễn ra nơi bản thể của linh hồn…. Bởi đó tất cả mọi chuyển động của linh hồn này đều thiêng liêng. Mặc dầu vậy những chuyển động này thuộc về linh hồn, chúng thuộc về linh hồn bởi vì Thiên Chúa thực hiện chúng trong linh hồn và với linh hồn, vì linh hồn ước muốn và thỏa mãn với biến chuyển đó."[8]

Yêu mến với tình yêu của Chúa
            Thánh Gioan lập biểu đồ sự thuần khiết của khao khát qua những đêm dày nơi giác quan và tinh thần. Ngài dường như đang nói rằng khi chúng ta yêu chỉ thuần trên bình diện cảm giác chúng ta đang yêu theo một phương cách mất trật tự, đang xoay chuyển mọi sự trở về lại với chúng ta và sự hoàn thành chính mình ngay tức khắc. Chúng ta yêu theo cách thế tìm kiến hạnh phúc của mình, tìm thoả mãn chính mình. Xuyên qua màn đêm giác quan, một trật tự được đem vào trong chính những khao khát và trong thái độ sống của chúng ta. Những khả năng cảm thụ và năng lực tinh thần giờ đây trở nên hoà hợp, và chúng ta yêu trong một thái độ đúng đắn và chính chắn hơn.
            Giờ đây chúng ta không còn yêu đơn giản chỉ vì đối tượng của tình yêu thỏa mãn chúng ta nữa. Giờ đây chúng ta yêu vì chúng ta chủ tâm chọn yêu. Chúng ta yêu vì hiểu rằng chúng ta nên yêu. Ngoài những gì chúng ta nghĩ về tha nhân hay những gì chúng ta nhận lại từ tình yêu của mình,chúng ta yêu tha nhân vì Thiên Chúa đã ban cho họ một sự đáng yêu vô bờ cùng một nhân phẩm và chúng ta yêu họ như những thọ tạo của Thiên Chúa, những anh chị em của mình. Có thể chẳng có niềm hoan lạc hay sự thỏa mãn tức khắc nào cả, nhưng chúng ta chọn yêu bằng bất cứ giá nào vì đó là điều đáng làm. Chúng ta có thể chọn yêu ngay cả kẻ thù của mình, như Đức Giêsu đã dạy. Giờ đây tình yêu của chúng ta dường như có trật tự và định hướng phù hợp, và cuộc sống của chúng ta là một cuộc đời theo định hướng Tin Mừng.
            Nhưng thánh Gioan có vẻ như thuật lại một sự biến đổi còn sâu xa hơn nữa. Xuyên qua những trải nghiệm mà ngài gọi là đêm dày của tinh thần, trong đó những năng lực tinh thần nơi trí tuệ, ký ức, và ý chí đã được thanh luyện hơn nữa, ý hướng cho tình yêu dường như vượt ra khỏi chúng ta và đi vào trong Thiên Chúa. Thực chất mà nói, chúng ta không còn có lý do nào cho tình yêu riêng mình. Ý hướng, động lực cho tình yêu của chúng ta giờ đây ở trong Thiên Chúa, và tất cả những gì chúng ta có thể làm được là yêu.
            Người đó và Thiên Chúa được kết hiệp mật thiết, và có một sự hoà hợp nơi những khát khao đến thế, như thể Thiên Chúa đang yêu Thiên Chúa trong tình yêu của chúng ta, như thể Thiên Chúa đang yêu thế giới của Thiên Chúa trong tình yêu của chúng ta, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là sống trong thế giới theo một cách thế thật đáng yêu. Thực tế mà nói, lý lẽ không còn nơi chúng ta nữa. Thánh Gioan viết: "…ở đây linh hồn yêu mến Thiên Chúa, không phải qua chính bản thân nó, nhưng qua chính Thiên Chúa."[9] Cuộc sống của chúng ta đã mặc lấy khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tinh thần của Chúa Kitô nơi chúng ta yêu mến Đấng Tạo Hóa và mọi loài thọ tạo.
            Ở đây chúng ta có một chứng từ đáng lưu ý về tiềm năng của nhân loại. Có lẽ đó là lý do tại sao Evelyn Underhill gọi các nhà thần bí là "những người tiên phong của nhân loại." Họ đã khám phá những miền trong nhân tính của họ, những miền đang vẫy gọi trong tất cả chúng ta.

Sống vượt ra ngoài câu hỏi "Tại Sao"
            Meister Eckhart có một nhận định thách thức về việc hoàn toàn không dính bén (phá chấp) được nhìn thấy nơi con người được thần hóa của Gioan. Eckhart, một su sĩ Dòng Đa Minh thế kỷ mười bốn, đã nói về sự phá chấp như nhân đức vĩ đại nhất trong các nhân đức. Đối với Eckhart, phá chấp tận căn là phải học để "sống vượt ra ngoài câu hỏi tại sao". Eckhart nói về một nơi chốn nội tâm, tương tự như bản thể của linh hồn nơi Gioan Thánh Giá, nơi mà "không gian của Thiên Chúa là không gian của tôi, không gian của tôi là không gian của Thiên Chúa… chính tại không gian nội tâm này mà bạn nên thực hiện tất cả những công việc của mình mà không hỏi, 'Tại sao?'"[10] Eckhart diễn tả xa hơn về cảm giác phá chấp căn bản của mình:
            Chừng nào bạn còn thực hiện công việc của mình vì nước trời, hay vì Thiên Chúa, hoặc vì phúc lộc đời đời của bạn, và bạn làm những công việc đó nhưng không, bạn đang hoàn toàn lạc đường rồi…. Bất cứ ai đang kiếm tìm Thiên Chúa thông qua "những nẻo đường" thì chỉ tìm thấy " những nẻo đường" và đang đánh mất Thiên Chúa, Đấng ẩn núp trong những nẻo đường. Nhưng những ai tìm kiếm Thiên Chúa vượt ngoài những nẻo đường thì sẽ tìm thấy Ngài như Ngài ở trong chính mình, và người đó sẽ sống với Người Con, và Người Con là chính sự sống.
              Nếu ai đó cứ tiếp tục hỏi về cuộc sống trong một ngàn năm: "Tại sao bạn đang sống?" Nếu cuộc sống đã có thể trả lời, nó đã nói: 'tôi sống để tôi có thể sống.' Đó là vì cuộc sống sống vượt lên trên chính mình và bật lên từ chính nguồn của nó, và vì thế nó sống mà không hỏi tại sao chính nó lại đang sống.
            Nếu ai đó yêu cầu một con người chân thực trình bày về nền tảng của chính mình "Tại sao bạn đang thực hiện những công việc của mình?" và nếu người đó phải đưa ra một câu trả lời thẳng thắn, anh ta sẽ chỉ nói, "tôi làm việc để tôi có thể làm việc."[11]
            Phải chăng người phá chấp và được thần hóa là một người máy? Phải chăng con người này không còn phải suy tư và thực hiện những quyết định bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm việc đó? Chắc chắn là điều này không xảy ra để Gioan Thánh Giá trở nên người máy. Khả năng trí tuệ của ngài vẫn hoạt động, nhưng giờ đây trở nên thiêng liêng, và cũng thế đối với trí nhớ và ý chí của ngài. Sự kết hợp với Thiên Chúa có vẻ thân tình đến độ một con người đang hoạt động theo cách thức con người rất đẹp và cách thức hoạt động, cách thức hiểu biết và yêu mến mang tính nhân hoại đó, giờ đây trở nên hoàn toàn phù hợp với ý Chúa, với sự hiểu biết và yêu mến thế giới này của Thiên Chúa.
            Hiển nhiên là giờ đây cách thức mà con người đó hiểu thế giới này và những mối tương giao lẫn nhau của thế giới phù hợp với cái nhìn của Thiên Chúa, những gì con người đó yêu mến và cách thức yêu mến giờ đây cũng phù hợp với tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng tất cả mọi khả năng cần để tiếp tục hoạt động, một cách tự nhiên những khả năng này dẫn đến một cuộc đời cộng tác với Nước Thiên Chúa. Con người đó giờ đây đang sống trong một phương cách phù hợp với thánh ý Thiên Chúa; đó là sự toàn mãn (well-being) của nhân loại. Giờ đây phương cách mà con người đó sống thúc đẩy một thế giới của tình thương, của công bằng, của bình an. Rất nhiều "lời lẽ" của con người đó giờ đây chỉ nói lên một "Lời", Đấng là Thiên Chúa.
            Có nhiều người sống trong điều kiện thần hóa này chăng? Có bao nhiêu người thực sự sống vượt ra bên ngoài câu hỏi 'tại sao'? Eckhart cảnh báo rằng những người như thế rất khó nhận diện.
Bạn cần phải thật sự lưu ý, vì những người như thế rất khó nhận ra được. Khi người khác chay tịnh, họ ăn uống, khi người khác canh thức, họ ngủ, khi người khác cầu nguyện, họ giữ thinh lặng - nói tóm lại, tất cả mọi lời nói và hành động của họ lạ lẫm đối với những người khác; bởi vì bất cứ những gì mà những người tốt lành thực hành khi đang ở trên hành trình tiến về hạnh phúc muôn đời, tất cả những thứ đó rất xa lạ đối với những người hoàn thiện. Họ tuyệt đối chẳng cần gì, vì họ có quyền thừa hưởng nơi thành đô mà họ thật sự được sinh ra để hưởng.[12]
Việc chiêm niệm về Thiên Chúa nơi họ thì rất thường xuyên và chan hòa nơi những công việc của lòng mến.
            Vậy thì rất nhiều người trong chúng ta phù hợp với diễn tả này. Khi những người khác giữ chay chúng ta lại ăn uống, khi họ canh thức chúng ta lại ngủ mê, và khi họ cầu nguyện chúng ta lại làm thinh. Hiển nhiên là một vài tiêu chuẩn khác phải được sử dụng để phân biệt những ai đang sống vượt ra bên ngoài câu hỏi "tại sao" với những người đang sống không có định hướng.

Sự Biến Đổi nơi Thánh Têrêsa
            Thánh Têrêsa Avila đã cung cấp một trong những diễn tả chi tiết hơn về trạng thái này trong mối tình hiệp nhất mật thiết với Thiên Chúa, trạng thái mà thánh Gioan Thánh Giá gọi là thần hóa. Trong khi bàn luận về trạng thái của ngài trong cư sở thứ bảy trong Lâu Đài Nội Tâm, trạng thái  hôn ước linh thiêng, thánh Têrêsa diễn tả những thay đổi trong chính ngài.
            Thánh Têrêsa tường thuật lại một sự kết hiệp gần gũi với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại không chiếm giữ ngài. Trong thực tế, thánh nhân kể rằng ngài được liên kết trong sứ vụ của mình tràn đầy hơn trước đó bởi vì sự kết hiệp này trong "cực điểm nội tâm". Khi thánh nữ qui hướng sự chú ý của mình về Chúa, Thiên Chúa đã ở ngay đó rồi. Trong khi nếm hưởng sự hiệp nhất mật thiết này với Chúa, thánh Têrêsa bị thu hút vào trong tất cả những bổn phận thực sự của công việc thiết lập những cộng đoàn mới trong tiến trình cải tổ của ngài.
            Thánh Têrêsa cũng tường thuật lại là cuối cùng ngài đã có thể đơn giản là quên đi chính mình. Ngài học được rằng nếu ngài chăm lo công việc của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ chăm lo cho những việc của ngài. Một trong những nhận thức vĩ đại nhất trong cuộc đời thánh nhân là Thiên Chúa khao khát ngài (Têrêsa). Khi thánh Têrêsa đã có thể chấp nhận sự thật là Thiên Chúa khát khao ngài, bằng cách này hay cách khác ngài đã được giải thoát khỏi nhu cầu tiếp tục nài xin những điều khác nếu ngài đã có thể ước muốn.
            Thánh Têrêsa vẫn luôn có một ước muốn chịu đau khổ lớn lao, nhưng ước muốn đó không còn gây phiền toái như trước đây nữa. Ngài viết: "Vì ước muốn còn lại trong những linh hồn này là thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi họ đạt đến độ chừng như cực đại đến nổi họ nghĩ rằng mọi sự Đấng Uy Nghi thực hiện đều tốt đẹp. Nếu Thiên Chúa ước muốn linh hồn chịu đau khổ, thật tốt thay; nếu không nó cũng không hủy hoại chính mình như nó đã từng làm."[13] Bởi vì ngài hòa hợp với Thiên Chúa hơn, nên thánh Têrêsa bớt ngờ vực chính mình. Khi ngài đang sống chủ yếu ở ngoại biên của toà lâu đài, cuộc sống của ngài vỡ vụn trong nhiều trọng tâm, ngài không thể tin vào những khao khát của mình. Vào lúc Têrêsa tường thuật lại những trải nghiệm nơi cư sở thứ bảy, giờ đây ngài "ước muốn điều Thiên Chúa ước muốn" và bớt nghi ngờ bản thân mình hơn.
            Thực tế, thánh Têrêsa còn tường thuật là được giải thoát ngay cả với ước muốn chết và hoàn tất cuộc hành hương của mình. Tại cư sở thứ sáu có một nỗi khổ lớn lao vì ngài ý thức về sự tội lỗi nơi mình và sự xa cách Thiên Chúa của mình, cũng như những khát khao chưa được thực hiện quá lớn lao. Ngài muốn kết thúc cuộc hành trình và hoàn tất sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Tuy nhiên giờ đây nơi cư sở thứ bảy những gì Têrêsa muốn không còn là vấn đề nữa. Ngài nói ngài không còn ước muốn chết nữa, nhưng ước muốn sống và sống trong nhiều năm nếu Thiên Chúa được phục vụ. Nếu Thiên Chúa muốn ngài cứ sống và phục vụ, ngài sẽ sống lâu chừng nào mà Thiên Chúa muốn. Nếu Chúa gọi ngài về, ngài sẽ vui lòng ra đi. Giờ đây ngài thật sự tự do và chỉ ước muốn những gì Thiên Chúa mước muốn. Ngài luôn luôn dạy rằng, mục đích của cầu nguyện là trở nên phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Ngài còn viết, "Có rất ít người, vượt khỏi mọi vướng bận, để thật sự tìm vinh danh Thiên Chúa."[14]
            Và đây, ngài còn tường thuật thêm về một niềm vui sâu xa khi bị ngược đãi, không còn có thái độ thù ngịch hay những ước muốn xấu dành cho kẻ ngược đãi mình. Thực tế, ngài còn có lòng thương cảm sâu xa dành cho họ và giúp đỡ họ nếu họ cần đến ngài.
            Ngài nói rằng giờ đây ngài ước muốn hoặc là được ở một mình, hoặc là phục vụ các linh hồn. Ngịch lý lớn lao, và cả sự căng thẳng, của việc trở nên một ẩn sĩ trong cộng đoàn dường như đã tìm thấy một giải pháp trong ngài. Ngài đang sống ở một nơi mà hai người căn bản chỉ còn là một.
            Ngài không còn cảm nghiệm sự khô khan trong cầu nguyện nữa, cũng như ngài không còn có những cảm nghiệm xuất thần nữa. (Ngài thừa nhận rằng chỉ thi thoảng mới có những trải nghiệm như vậy, nhưng rất hiếm khi xảy ra nơi công cộng). Hiển nhiên những thị kiến và những lời lẽ, cùng những trãi nghiệm phi thường khác, là kết quả của nhân tính của ngài được mở rộng và làm cho phù hợp với Đấng Thánh. Giống như một con tàu vũ trụ, sau cùng ngài cũng được lắng đọng trong bầu khí của môi trường mới, một môi trường linh thánh.
           
Con Người Được Thần Hóa
            Sau khi nghe thánh Gioan Thánh Giá diễn tả về kinh nghiệm của ngài về tiến trình được thần hóa, khát khao được mài giũa, và sau khi lắng nghe diễn tả của thánh Têrêsa Avila về sự biến đổi nơi ngài, có thể nói gì về con người được thần hóa chăng? Con người đó giống như cái gì?
            Người được thần hóa dường như là một con người thật sự sống động,những năng lực nơi họ đã được mang đến với cuộc sống, được hiện thực hóa. Con người đó sẽ không có những khả năng mà trước đó không có, nhưng người đó sẽ được tự do để sử dụng những ân điển mà mình đã lãnh nhận.
            Toàn bộ con người đã được mang vào trong sự hòa hợp với trọng tâm của nó. Không còn chiến đấu chống lại chính mình nữa, hay vận hành theo một phương cách khác thường. Người đó được hợp nhất.
            Có một sự bình tĩnh sâu lắng đến độ chấp nhận trao ban chính mình, một sự tự siêu thoát (a self-transcendence.)
            Người được thần hóa được đặt nền hay bám rễ sâu trong lòng từ bi nhân hậu ở cốt lõi của nhân cách. Cuộc sống của người đó tự nhiên tỏ lộ thái độ chấp nhận, lòng trắc ẩn, lòng quãng đại, và cả tâm tình khiêm tốn. Tha nhân được quý trọng, và cộng đoàn lớn mạnh.
            Vì người đó hiểu biết thế giới này với trí hiểu của Thiên Chúa, và yêu thế giới với tình thương mến của Thiên Chúa, người đó có thể yêu thế giới này, dấn thân vì nó, trở nên thiết tha về nó, mà không vồ vập và bám giữ, mà con tim không tan nát hay trở nên nô lệ, và cũng không làm méo mó thế giới này. Nói cách khác, con người này yêu với tự do của con tim, tự do trong tinh thần. Người ấy tự do trở nên thọ tạo mà Thiên Chúa muốn và tự do yêu thế giới như nó thật sự là và vì lợi ích của thế giới.
            Liệu có nhiều người như thế chăng? Vậy hãy nhớ lời cảnh báo của Eckhart là thật khó nhận biết những người như thế, tôi vẫn nghĩ chúng ta hẳn phải nói rằng có rất nhiều người đạt đến tầm mức đó. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói một người sẽ ở ngay tại trung tâm dẫu chỉ với một cấp độ tình yêu, nhưng vẫn có những trọng tâm khác và người đó có thể tiến sâu hơn vào trong Thiên Chúa. Tôi có ý nói rằng thần hóa là một tiến trình, một cuộc hành trình với nhiều chặng đường, luôn luôn là một cuộc hành hương, nhưng là một cuộc hành hương tràn đầy ân sủng. Trọng tâm đã đến với chúng ta.
             Rất có thể ngọn lửa tinh thần của chúng ta và ngọn lửa của Thần Khí Thiên Chúa vẫn chưa trở nên một, nhưng trong vũ điệu của mình hai ngọn lửa ấy đã chạm lẫn nhau, và lại tách ra, đôi ngọn lửa ánh lên trong nhau, và đôi khi đôi ngọn lửa ấy tan biến vào nhau. Thánh Gioan khuyên chúng ta mở lòng mình ra với vũ điệu này để đôi ngọn lửa ấy có thể trở nên một.
            Mỗi tâm hồn đều đang học lấy cách thức để kể về câu chuyện làm người - đó là một câu chuyện gắn chặt vào cuộc đời và tự do bằng một tình yêu ở chính tại cốt lõi của chúng ta và cung cấp nhiên liệu cho hành trình của chúng ta. Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng chúng ta đang trở nên Chúa nhờ dự phần trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa mời gọi chúng ta trao chính mình cho ngọn lửa không sợ hãi, nhưng kiên gan, bền chí, và biết ơn.


             


[1] Cách đặc biệt, các thần học gia Hy Lạp tiên khởi đã phát triển chủ đề thần hóa, một sự dự phần vào trong đời sống của Thiên Chúa trong hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan Thánh Giá nhấn mạnh rằng thọ tạo luôn luôn duy trì tình trạng thọ tạo, và không bao giờ trở thành bất thụ tạo được.
[2] Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Tình Yêu Sống Động, trong Tổng Hợp Các Tác Phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá, bản dịch của Kieran Kavanaugh, O.C.D., và Otilio Rodriguez, O.C.D. (Washington, D.C.: Nhà Xuất Bản ICS, 1991), đoạn 1, số 12.
[3] Ibid., số 13.
[4] Ibid., số 36.
[5] Ibid., đoạn 2, số 34.
[6] Ibid., đoạn 3, số 80.
[7] Ibid., đoạn 1, số 4.
[8] Ibid., số 9.
[9] Ibid., đoạn 3, số 82.
[10] Edmund Colledge, O.S.A., và Bernard McGinn, dịch và giới thiệu., Meister Eckhart (New York: NXB Paulist, 1981), 183.
[11] Ibid., 183, 184.
[12] Richard Woods, O.P., Eckhart's Way (Wilmington, Delaware: Michael Glazier, 1986), 146, 147.
[13] Terêsa Avila, Lâu Đài Nội Tâm - Tổng Hợp Các Tác Phẩm của Thánh Têrêsa Avila, cuốn 2, bản dịch của Kieran Kavanaugh, O.C.D., và Otilio Rodriguez, O.C.D. (Washington, D.C.: Nhà Xuất Bản ICS, 1980), Cư Sở Thứ Bảy, chương 3, số 4.
[14] Ibid., số 6.
 (Bản dịch của Lm. Giuse Trần Thanh Trung, O.Carm.)


http://www.dongcatminh.org/khat-khao-dieu-chua-khao-khat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét