Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

ĐTC: Giáo Lý Thương Xót - Bài 34

ĐTC: Giáo Lý Thương Xót - Bài 34

Tác giả: 
 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 TRIỀU KIẾN CHUNG HẰNG TUẦN, THỨ TƯ 30-11-2016

GIÁO LÝ VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT - BÀI 34

Paul VI General Audience 11.30.16

"Việc làm cuối cùng của lòng thương xót về tinh thần đó là việc cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta có thể đặt nó bên cạnh việc làm cuối cùng của lòng thương xót về thể xác là việc làm mời gọi chúng ta chôn xác kẻ chết".


Xin chào Anh Chị Em thân mến!

Với bài giáo lý hôm nay, chúng ta kết thúc loạt bài về lòng thương xót. Thế nhưng, cho dù các bài giáo lý chấm dứt lòng thương xót vẫn tiếp tục! Chúng ta tạ ơn Chúa về tất cả những điều ấy và lưu giữ lấy nó trong lòng chúng ta như những gì êm ái ủi an. 

Việc làm cuối cùng của lòng thương xót về tinh thần đó là việc cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Chúng ta có thể đặt nó bên cạnh việc làm cuối cùng của lòng thương xót về thể xác là việc làm mời gọi chúng ta chôn xác kẻ chết. Việc chôn xác kẻ chết này dường như là một yêu cầu lạ lùng, thế mà, tiếc thay, ở một số vùng đất trên thế giới đang sống trong tình trạng tai ương chiến tranh, dưới những cuộc oanh tạc ngày đêm gieo rắc sợ hãi cùng với các nạn nhân vô tội, thì nó lại là một việc làm hợp thời. Theo đó Thánh Kinh đã cống hiến cho chúng ta một tấm gương sáng đó là tấm gương của Ông Tobia, người liều chết để chôn táng kẻ chết bất chấp lệnh cấm của nhà vua (xem Tobia 1:17-19;2:2-4). Ngày nay cũng có những người liều mạng để mai táng những nạn nhân đáng thương của chiến tranh. Bởi thế, việc làm tỏ lòng thương xót về thể xác này cũng không phải là những gì xa vời với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nó khiến chúng ta nghĩ đến những gì xẩy ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, khi mà Đức Trinh Nữ Maria cùng với tông đồ Gioan và một số phụ nữ ở gần bên thập giá của Chúa Giêsu. Sau khi Người qua đời thì Ông Giuse Arimatha đã đến - một con người giầu có là phần tử trong Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, nhưng cũng là một người trở thành môn đệ của Chúa Giêsu - đã hiến ngôi mộ mới của mình được đào sâu trong hốc đá cho Người. Ông đã đích thân đến xin Philatô cho hạ xác Chúa Giêsu: một việc làm thực sự của lòng thương xót được thực hiện một cách hết sức can đảm (xem Mathêu 27:57-60)! Đối với Kitô hữu, chôn táng là một tác động của lòng đạo đức, nhưng cũng là một tác động của niềm tin tưởng lớn lao. Chúng ta đặt vào ngôi mộ thân xác của những người chúng ta thương yêu, với niềm hy vọng về sự phục sinh của họ (xem 1Corinto 15:1-34). Đó là một nghi thức vẫn lưu lại một cách mãnh liệt và cảm kích nơi thành phần dân chúng ta, và là những gì đặc biệt vang vọng trong Tháng 11 này, một tháng đặc biệt giành cho việc tưởng nhớ và cầu cho kẻ chết.

Việc cầu cho kẻ chết, trước hết, là dấu hiệu tỏ lòng biết ơn về chứng từ họ lưu lại cho chúng ta cùng với sự thiện họ đã thực hiện. Chính là tạ ơn Thiên Chúa đã ban họ cho chúng ta cùng với lòng yêu thương của họ với tình thân nghĩa của họ. Vị linh mục đọc rằng: "Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến tín hữu của Chúa, người đã ra đi trước chúng con bắng chỉ dấu đức tin và đang an giấc" (Roman Canon). Một việc tưởng nhớ tác hiệu đơn sơ đầy ý nghĩa, vì nó ký thác những người thân yêu của chúng ta cho lòng thương xót Chúa. Chúng ta nguyện cầu với niềm hy vọng Kitô giáo để họ được ở với Ngài trên Thiên đàng, với niềm trông đợi được gặp lại nhau trong mầu nhiệm yêu thương ấy, một mầu nhiệm chúng ta không hiểu, nhưng lại là một mầu nhiệm chúng ta biết là chân thực, vì nó là những gì Chúa Giêsu đã hứa. Tất cả chúng ta sẽ được phục sinh và tất cả chúng ta sẽ muôn đời ở với Chúa Giêsu, ở với Người.

Việc tưởng nhớ tín hữu qua đời không được làm cho chúng ta quên cầu nguyện cho kẻ sống nữa, thành phần, cùng với chúng ta, hằng ngày phải đối diện đương đầu với các cơn thử thách của cuộc đời. Tuy nhiên, nhu cầu của việc cầu nguyện này trở nên hiển nhiên hơn nữa nếu chúng ta đặt nó trong ánh sáng của việc tuyên xưng đức tin: "Tôi tin vào mối Hiệp Thông Các Thánh". Nó là một mầu nhiệm thể hiện cái vẻ đẹp của lòng thương xót được Chúa Giêsu tỏ ra cho chúng ta. Thật vậy, Mối Hiệp Thông Các Thánh" là ở chỗ tất cả chúng ta đều được chìm ngập vào sự sống của Thiên Chúa và chúng ta sống trong tình yêu thương của Ngài. Tất cả kẻ sống và kẻ chết đều được hiệp thông, tức là nên một; được liên kết trong cộng đồng của tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa, và của những ai được nuôi dưỡng bằng Thân Thể của Chúa Kitô và thuộc về đại gia đình của Thiên Chúa. Được liên kết lại với nhau tất cả chúng ta là một gia đình; bởi thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau.

Có biết bao nhiêu là cách thức khác nhau để cầu nguyện cho tha nhân của chúng ta! Tất cả những cách thức ấy đều hiệu lực và được Thiên Chúa chấp nhận nếu thành tâm thực hiện. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người mẹ và những người cha chúc phúc cho con cái của mình ban sáng và ban tối. Thói lệ này vẫn còn ở trong một số gia đình: việc chúc lành cho con cái là một lời cầu nguyện; tôi đang nghĩ đến việc cầu nguyện cho người bệnh, khi chúng ta đi thăm họ và cầu cho họ; đến việc âm thầm chuyển cầu, đôi khi bằng cả những giọt nước mắt, đến rất nhiều trường hợp khó khăn cần phải cầu nguyện.  (Đến đây ĐTC nói buông khi ngài kể một câu chuyện cụ thể vừa mới xẩy ra mà ngài biết được như sau:) Hôm qua có một nam nhân tốt lành, một con người làm ăn, đã đến dự Lễ ở Nhà Thánh Matta. Nam nhân trẻ trung này cảm thấy cần phải đóng cửa xưởng sản xuất của mình vì anh không còn kham nổi nữa và anh ta đã khóc mà nói: "Con không muốn hơn 50 gia đình bị mất việc làm. Con có thể khai phá sản rồi lấy tiền mang về, nhưng con sẽ cảm thấy nhức nhối suốt đời của con vì 50 gia đình này". Đó là một Kitô hữu tốt lành, cầu nguyện bằng các việc làm: anh ta đến dự Lễ để xin Chúa cho mình một lối thoát, chẳng những cho bản thân mình mà còn cho 50 gia đình nữa. Đó là một người biết cách cầu nguyện, bằng tấm lòng kèm theo sự kiện, anh ta biết cầu nguyện ra sao cho tha nhân của mình. Anh ta đang ở trong một tình trạng khó khăn, và anh ta không tìm một lối thoát nào dễ nhất: "để mặc kệ họ tự lo cho họ". Người này là một Kitô hữu. Tôi cảm thấy rất vui khi nghe anh ta nói!

Có lẽ cũng có nhiều người khác như anh ta, hôm nay đây, vào giây phút mà rất nhiều người đang đau khổ vì không có việc làm. Tôi cũng nghĩ đến với lòng biết ơn về các tin vui liên quan đến một người bạn, một người họ hàng thân thuộc, một đồng bạn..: "Lạy Chúa, xin cảm tạ Chúa về điều tốt đẹp ấy!" Việc này cũng là việc cầu nguyện cho kẻ khác! Tạ ơn Chúa khi xẩy ra những điều xuôi may. Đôi khi, như Thánh Phaolô nói: "Chúng ta không biết phải cầu nguyện làm sao như chúng ta cần phải cầu nguyện, nhưng chính Thần Linh chuyển cầu cho chúng ta bằng những lời than khôn tả" (roma 8:26).

Chính Thần Linh là Đấng cầu nguyện trong chúng ta. Bởi thế, chúng ta hãy mở lòng mình ra để Thánh Linh, Đấng thấu suốt các ước muốn thẳm sâu trong chúng ta, có thể thanh tẩy chúng và làm cho chúng được mãn nguyện. Dầu sao chúng ta hãy luôn xin cho Ý Chúa được thể hiện đối với bản thân chúng ta cũng như với những người khác, như trong Kinh Lạy Cha, vì Ý của Ngài chắc chắn là sự thiện cao cả nhất, là lòng thiện hảo của một Người Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta: hãy cầu nguyện và hãy để Thánh Linh cầu nguyện trong chúng ta. Điều tốt đẹp trong đời sống là ở chỗ cầu nguyện bằng cách tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa, bằng cách xin một điều gì đó, bằng cách khóc lóc khi gặp khó khăn, như nam nhân ấy. Thế nhưng chớ gì lòng của chúng ta luôn cởi mở ra cho Thần Linh để Ngài cầu nguyện trong chúng ta, với chúng ta và cho chúng ta.
Để kết thúc những bài giáo lý về lòng thương xót này, chúng ta hãy tự quyết tâm cầu nguyện cho nhau, nhờ đó các việc làm tỏ lòng thương xót về thể lý và tinh thần càng trở thành lối sống của chúng ta. Những bài giáo lý này, như tôi đã nói ngay từ đầu, được kết thục nơi đây. Chúng ta đã thông qua 14 việc làm tỏ lòng thương xót, thế nhưng lòng thương xót vẫn tiếp tục và chúng ta cần phải thực hiện lòng thương xót bằng 14 cách thức này. Xin cám ơn anh chị em.

 

Nếu cần xem lại tất cả loạt bài Giáo Lý về Lòng Thương Xót trong Năm Thánh Thương Xót 2016, xin bấm vào cái link sau đây:


Mời xem thêm bản Tổng Lược Nguyên Văn Những Lời cân/đáng/nên Chú Trọng của Tông Thư Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Khổ ở phần cuối cái link sau đây:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét