Thiên Đàng ở đâu?
Đối với Kitô hữu, có lẽ ai cũng nghĩ rằng mình biết Thiên đàng ở đâu, dĩ nhiên là ở trên trời.
Tin như vậy là đủ, chẳng ai cắc cớ thắc mắc thiên đàng ở chỗ nào trên trời. Vả lại ai có thẩm quyền trả lời cho một thực thể siêu hình đó. Cuối cùng chỉ những tay vô thần sừng sỏ nêu ra vấn đề này với thâm ý bắt bí tín lý Thiên Chúa giáo. Vấn đề xem ra không đơn giản, vì gần đây chính một số nhà tư tưởng Công Giáo cũng nói về “nơi chốn” của thiên đàng. Vậy chúng ta phải hiểu về chốn thiên đàng như thế nào? Bài viết này không dám trả lời cho vấn đề lớn đó. Đây chỉ là một chú giải nhỏ, phụ theo lời giảng của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà thôi.
Thiên đàng hiểu theo truyền thống
Thiên đàng, theo đức tin truyền thống Việt Nam, là một nơi chốn cụ thể và được đồng hóa với cõi trời. Trong kinh “Lạy Cha” câu mở đầu nói rõ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Rồi những khóm từ như “Đức Mẹ lên trời”, “lễ Thăng Thiên”, “hoan hô Chúa trên các tầng trời”… tất cả đều xác định thiên đàng là cõi trời. Trong những truyền thống đức tin khác, như của Âu Mỹ, họ không dùng chữ “trời” mà dùng danh xưng “heaven” (thiên đàng). Cũng trong kinh “Lạy Cha”, câu mở đầu là “Our Father who art in heaven.” Theo tiếng Hebrew, heaven có nghĩa là “trên cao” (Catholic Encyclopedia). Tuy heaven không xác định là ở trên trời, nhưng vẫn được hiểu ngầm như vậy. Trong thánh kinh có rất nhiều trình thuật gợi ý như “Hãy nhìn lên thiên đàng mà xem các tầng mây cao hơn ông biết mấy!” (Yob 35:5). Thánh Stêphanô nói, "Này tôi thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (CV 7:56). Thánh Gioan miêu tả cảnh phục sinh: “Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ thiên đàng: ‘Hãy lên đây’, và các ngài lên thiên đàng trong đám mây, trước mặt thù địch của các ngài” (KH 11:12). Sách Tông đồ công vụ miêu tả rõ hơn, “Khi Chúa Giêsu được đưa lên cao, các môn đệ nhìn theo Chúa cho đến khi một đám mây che kín mất Ngài” (CV 1:9).
Thiên đàng hiểu theo truyền thống
Thiên đàng, theo đức tin truyền thống Việt Nam, là một nơi chốn cụ thể và được đồng hóa với cõi trời. Trong kinh “Lạy Cha” câu mở đầu nói rõ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Rồi những khóm từ như “Đức Mẹ lên trời”, “lễ Thăng Thiên”, “hoan hô Chúa trên các tầng trời”… tất cả đều xác định thiên đàng là cõi trời. Trong những truyền thống đức tin khác, như của Âu Mỹ, họ không dùng chữ “trời” mà dùng danh xưng “heaven” (thiên đàng). Cũng trong kinh “Lạy Cha”, câu mở đầu là “Our Father who art in heaven.” Theo tiếng Hebrew, heaven có nghĩa là “trên cao” (Catholic Encyclopedia). Tuy heaven không xác định là ở trên trời, nhưng vẫn được hiểu ngầm như vậy. Trong thánh kinh có rất nhiều trình thuật gợi ý như “Hãy nhìn lên thiên đàng mà xem các tầng mây cao hơn ông biết mấy!” (Yob 35:5). Thánh Stêphanô nói, "Này tôi thấy các tầng trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (CV 7:56). Thánh Gioan miêu tả cảnh phục sinh: “Rồi các ngài nghe một tiếng lớn từ thiên đàng: ‘Hãy lên đây’, và các ngài lên thiên đàng trong đám mây, trước mặt thù địch của các ngài” (KH 11:12). Sách Tông đồ công vụ miêu tả rõ hơn, “Khi Chúa Giêsu được đưa lên cao, các môn đệ nhìn theo Chúa cho đến khi một đám mây che kín mất Ngài” (CV 1:9).
Nếu chúng ta đi tìm lời nói của Đức Giêsu về vấn đề này, chúng ta không thấy có chỗ nào Người nói thiên đàng ở trên trời. Đức Giêsu cũng không đồng hóa Thiên Chúa với thiên đàng (hay trời). Lời cầu nguyện của vua Salômôn chứng tỏ người xưa cũng ý thức như vậy: “Có thật Thiên Chúa cư ngụ dưới đất chăng? Này, trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, huống chi ngôi nhà con đã xây đây!” (1 Vua 8:27)
Đại chúng cho rằng có thể suy diễn vấn đề trên qua nguyên tắc: thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự, vậy nếu biết Thiên Chúa ở đâu, ta sẽ biết thiên đàng ở đâu. Người ta cũng đã tưởng rằng chỉ có ba câu trả lời cho vấn đề ấy. Thứ nhất, thuở xưa người ta tin Thiên Chúa tạo ra vũ trụ nhưng Chúa là Đấng siêu việt vượt trên vật chất, nên không đồng hóa với vũ trụ. Thiên Chúa ở ngoài vũ trụ. Đến thế kỷ 18, con người khám phá ra vũ trụ vô cùng lớn, lớn đến mức dù ta có di chuyển với tốc độ ánh sáng, qua hằng ngàn năm, cũng chưa tới biên giới của nó. Con người không chấp nhận nổi có chỗ nào gọi là bên trên hay bên ngoài vũ trụ. Vả lại nếu Thiên Chúa ở bên ngoài vũ trụ, vậy vũ trụ càng lớn, Chúa lại càng ở rất xa con người. Làm sao con người có thể gần Thiên Chúa để cầu nguyện.
Câu trả lời thứ hai, người ta đặt Thiên Chúa vào bên trong vũ trụ. Do đó mà có niềm tin thiên đàng ở trên trời, tức là ở bên trong vũ trụ. Nhờ thế mà con người có thể gần với Thiên Chúa. Quan niệm này cũng không ổn, vì nếu ở trong vũ trụ Thiên Chúa phải là một sinh thể của vũ trụ. Có lý nào Thiên Chúa là một phần của vũ trụ mà vũ trụ ấy lại do chính Ngài tạo ra. Những niềm tin sơ thuần cho rằng Thiên Chúa ở bên ngoài hay bên trong vũ trụ đều đẩy trí thức đến ngõ bí vì kết quả vô lý của suy luận.
Câu trả lời thứ ba dựa vào tín lý. Trong lãnh vực này, chúng ta thấy có hai phe. Phe thứ nhất, đại diện là Joseph Campbell, tin rằng con người không thể nào biết được Thiên Chúa là ai. Vì vậy không nên đặt vấn đề sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thánh kinh cũng nói: “Thiên Chúa vượt xa hơn và vượt trên tất cả những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ về Ngài” (GLCG 2794). Thần học gia Paul Tillich phủ nhận lối diễn tả “hiện hữu của Thiên Chúa”. Ông cho rằng nói như vậy chúng ta đã mặc nhiên cho Thiên Chúa là một phần thực thể của thiên nhiên. Bởi vì “hiện hữu” có nghĩa là đang có và đang biệt lập đứng lơ lửng ở đâu đó ngoài mặt đất. Ông đổi ý niệm “hiện hữu” (exist) bằng ý niệm Thiên Chúa “thường hằng” (God is). Nhóm thứ hai cho rằng Thiên Chúa mang bản chất pantheism, nghĩa là mọi thứ đều ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở khắp mọi nơi (omnipresence) vì Ngài là Đấng vô hạn (immensity) (Council of Lateran, c. "Firmiter"; Vatican Council, Sess. III, c. 1.). Như vậy vũ trụ ở trong Thiên Chúa. Tóm lại, như chúng ta thấy, với những nhận định trên, câu trả lời về “thiên đàng ở đâu” vẫn còn bỏ ngỏ.
Điểm thời sự không thể tránh
Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tạo nên vấn đề thời sự. Ngài nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài người.” Giáo hoàng nói rõ thêm,“Thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây, nhưng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần." (1) Đối với giới truyền thông ngoài Công Giáo, lời tuyên bố này quá bất ngờ vì đi ra ngoài nhận định về thiên đàng của truyền thống.
Điểm thời sự không thể tránh
Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21 tháng 7 năm 1999, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tạo nên vấn đề thời sự. Ngài nói: “Thiên đàng là một trạng thái sống (state of being) chứ không phải là một nơi chốn (place) theo nhận thức của ngôn ngữ loài người.” Giáo hoàng nói rõ thêm,“Thiên đàng không phải là một khái niệm trừu tượng hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây, nhưng là một lối sống, là mối quan hệ giữa cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Kitô phục sinh, và hiệp thông với Chúa Thánh Thần." (1) Đối với giới truyền thông ngoài Công Giáo, lời tuyên bố này quá bất ngờ vì đi ra ngoài nhận định về thiên đàng của truyền thống.
Mười một năm sau, 2010, dưới triều Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, Tòa Thánh cho phát hành cuốn YOUCAT (Youth Catechism – Giáo Lý Công Giáo cho Giới trẻ). Trong tập sách này, hiện thực của thiên đàng được lập lại và chính thức đưa vào mục giáo lý. Theo đó thiên đàng không phải là một nơi chốn mà là một trạng thái sống (a kind of life) trong ý thức về Thiên Chúa hiện diện. Sự hiện diện này không lệ thuộc vào không gian và thời gian (không-thời gian). (2) Như vậy cả hai đức Giáo Hoàng, những vị có thẩm quyền tông truyền, đều quan niệm về “nơi chốn” thiên đàng như nhau.
Sự tiếp nhận
Ngay sau khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu, không ít người sửng sốt và phản đối. Có người dè dặt cho rằng, “Có lẽ Giáo hoàng có một mạc khải tư nào đó về thiên đàng chăng.” Đa số tín hữu vướng mắc trong những sự kiện như: Đức Mẹ hồn xác lên thiên đàng (trời), hay: đến ngày tận thế xác chết sống lại, kẻ lành lên thiên đàng... Họ cho rằng vì thể xác là vật chất, nếu không có nơi chốn thì thể xác sẽ tồn tại ở đâu. Ngoài ra những khóm từ gợi hình trong thánh kinh như: mở cửa thiên đàng, tầng trời mở ra, ngự bên hữu Chúa Cha… tất cả đều trình bày theo kinh nghiệm ở trong một nơi chốn.
Sự tiếp nhận
Ngay sau khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát biểu, không ít người sửng sốt và phản đối. Có người dè dặt cho rằng, “Có lẽ Giáo hoàng có một mạc khải tư nào đó về thiên đàng chăng.” Đa số tín hữu vướng mắc trong những sự kiện như: Đức Mẹ hồn xác lên thiên đàng (trời), hay: đến ngày tận thế xác chết sống lại, kẻ lành lên thiên đàng... Họ cho rằng vì thể xác là vật chất, nếu không có nơi chốn thì thể xác sẽ tồn tại ở đâu. Ngoài ra những khóm từ gợi hình trong thánh kinh như: mở cửa thiên đàng, tầng trời mở ra, ngự bên hữu Chúa Cha… tất cả đều trình bày theo kinh nghiệm ở trong một nơi chốn.
Mặc dù thánh Phaolô đã giảng thân xác phục sinh là một thân xác thần linh (celestial bodies) không phải là thân xác huyết nhục. (1 Côr 15: 35-44) Thân xác Chúa Giêsu phục sinh là một điển hình. Chúa chợt “xuất hiện” để nói chuyện với hai đệ tử trên đường đến Emmaus, rồi “tan biến” khi tới nơi. Chúa cũng “hiện ra” giữa các môn đệ đang họp trong gian phòng cửa khóa kín, rồi cũng “biến mất” sau khi chúc lành cho họ. Xem thế, thân xác thần linh không cần một nơi chốn cụ thể để trú ngụ. Đa số tín hữu quen trong giới hạn của không gian 4 chiều, nên muốn giới hạn thiên đàng và Thiên Chúa trong không gian 4 chiều. Họ không thể tưởng tượng nổi một thân xác thần linh và một thiên đàng không có nơi chốn. Họ hoang mang đối diện với sự kỳ diệu của thực thể vô không-thời gian mà con người khó diễn tả và trí tưởng tượng phải dừng lại nơi giới hạn của nó.
Đàng khác cũng có rất nhiều người tiếp nhận lời giảng của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II một cách dễ dàng. Họ cho rằng Giáo Hoàng đưa ra một nhận thức thần học đúng, nhưng tạo ra dao động chỉ vì ngài thiếu phần chú giải đi kèm. Nhận xét này rất chính xác. Chúng ta có thể đặt chú giải cho nhận thức đó qua nhận định về bản thể của thân xác hiển linh. Có lẽ không hình ảnh nào cụ thể hơn là bánh và rượu trong thánh lễ. Nếu thân xác Chúa Giêsu bị giới hạn trong thể chất, và trong không-thời gian, làm sao chúng ta có Mình Máu Chúa Giêsu, trong dạng bánh và rượu, hiện diện cùng lúc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bàn về thân xác hiển linh của Đức Mẹ, chúng ta cũng biết Đức mẹ đã hiện ra và biến mất rất nhiều lần. Mỗi lần hiện ra chỉ vài người tuyển chọn mới có diễm phúc chiêm ngưỡng Đức Mẹ. Chẳng hạn lần hiện ra ở Fatima, mặc dù có rất nhiều người đứng tại chỗ Đức Mẹ hiện ra, nhưng chỉ có 3 em nhỏ nhìn thấy Đức Mẹ. Như vậy thân xác Đức Mẹ vừa là hữu hình vừa là vô hình tùy theo liên hệ với từng cá nhân. Nếu xác Đức Mẹ là thể chất vật lý, mọi người đều phải thấy như nhau. Rõ ràng là thân xác phục sinh không bị trói buộc bởi bất cứ một luật lệ vật lý nào. Suy ra mối kết hợp giữa cá nhân và Thiên Chúa (thiên đàng) là một trạng thái sự sống riêng tư, chứ không theo bất cứ luật lệ vật lý nào.
Chân lý bao gồm cả đức tin lẫn kiến thức, nên tín hữu chúng ta buộc phải học hỏi tìm hiểu. Ðó là lý do Thánh Phêrô đã dạy, "Hãy nỗ lực bổ sung đức tin với nhân đức, và bổ sung nhân đức với sự hiểu biết" (2 Phê 1:5). Năm 2000, ký giả vô thần Peter Seewald hỏi Hồng y Ratzinger “Thiên đàng ở đâu?” Hồng y trả lời, “Những từ như ‘mây’ và ‘thiên đàng’ chỉ là cách nói mà con người muốn tìm cho Thiên Chúa có một nơi chốn. Đúng ra cách nói ‘Chúa Giêsu lên thiên đàng’ chỉ có nghĩa là không còn nhìn thấy trên mặt đất chứ không phải không còn hiện diện trên mặt đất.” (3) Bởi vậy vẫn có người tuyển chọn có ơn phước nhìn thấy Chúa Giêsu, chẳng hạn thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh Padre Pio…
Quan điểm thần học
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một tín lý quen thuộc và đặt tín lý đó vào một tam đoạn luận đơn giản: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự. Vậy thiên đàng ở khắp mọi nơi.
Quan điểm thần học
Chúng ta hãy bắt đầu bằng một tín lý quen thuộc và đặt tín lý đó vào một tam đoạn luận đơn giản: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Thiên đàng là nơi Thiên Chúa ngự. Vậy thiên đàng ở khắp mọi nơi.
Như vậy phải chăng giữa thiên đàng và con người không còn ranh giới? Theo thần học, đoạn lý luận trên vô giá trị, bởi vì đã không thấy thiên đàng là ơn phước. Thiên đàng không phải là kết quả của một điều kiện hay của một định luật vật lý. Mặc dù Thiên Chúa ở khắp mọi nơi nhưng Chúa tỏ lộ vinh quang của Người qua phương cách ơn phước đặc sủng. Theo thần học gia Gerhard Ebeling, “Không phải Thiên Chúa ở đâu, thiên đàng ở đó, mà là thiên đàng ở đâu Thiên Chúa ở đó” (not that God is where heaven is, but rather heaven is where God is). Vì là ơn phúc nên phải có sự kết hợp sống động giữa cá nhân và Thiên Chúa. Cũng không phải ai cũng có mức độ ơn phước giống nhau. Gọi là thiên đàng, hay trời, chỉ là cách biểu đạt bất toàn của ngôn ngữ loài người về trạng thái cá nhân “hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi” (GLCG 1024). Nói cách khác, không hề có một thiên đàng tĩnh, tồn tại bất biến ở nơi nào đó trong vũ trụ.
Tình kết hợp giữa cá nhân và Thiên Chúa biểu lộ giáo huấn vô cùng quan trọng về tính tự do của con người. Tính tự do đặt con người ở thế chủ động trước ơn phước của Thiên Chúa. Ta muốn liên kết với Thiên Chúa hay không là tùy ở ta. Bởi vì Thiên Chúa chỉ “hiện diện” ở những nơi đạo đức tốt lành. Thiên Chúa không “hiện diện” ở nơi tội lỗi sa đọa. Đức Giêsu đã nói, “Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa (Mat. 5:8). Tuy nhiên lại phải hiểu rằng “hiện diện” không nằm trong bất cứ phạm trù nào thuộc không-thời gian. Lm Phan Đình Cho tóm tắt rằng thiên đàng phải hiểu là một ơn phước mà Thiên Chúa dành cho người tốt lành và hoả ngục là một thái độ con người tự do từ chối ơn phước đó. (4)
Vài sự kiện trong hạnh các thánh có thể làm rõ hơn về ý tưởng thiên đàng là một ơn phước của Thiên Chúa. Các vị thánh cao trọng như Gioan Thánh Giá (John of the Cross), Têrêsa Lisieux, và thánh Têrêsa Calcutta đã trải qua một khoảng thời “mất ơn phước vì bị Thiên Chúa bỏ rơi”. Thánh Gioan Thánh Giá gọi kinh nghiệm này là “đêm đen của linh hồn”. Thiên Chúa cố tình không “đến” với họ khiến tâm hồn họ lạc lõng, trống rỗng, tối đen và đau khổ. Thiên Chúa dành riêng cho một số vị đặc sủng ơn thử thách “đêm đen” này. (5) Nhưng đây là một chủ đề khác, chúng ta không muốn đi ra ngoài chủ đề hôm nay.
Trở lại với tín lý “Thiên Chúa ở khắp mọi nơi”. Thần học dạy rằng chúng ta phải thấy tín lý đó theo hướng nhìn về ơn sáng tạo và ơn cứu độ phổ quát. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi có nghĩa Thiên Chúa nâng đỡ sự hiện hữu của vũ trụ. Bởi vì duy chỉ có Thiên Chúa là Hữu. Không gì có trước Hữu, nên Thiên Chúa là Đấng tự Hữu, Hữu Tuyệt Đối. Thiên Chúa đã tạo dựng nên vũ trụ từ hư vô. Nghĩa là mọi vật từ hư vô nhờ Hữu, qua Hữu mà được thành hữu thể. Vì từ Hữu mà ra, nên mọi hữu thể đều thuộc về Hữu, và hiện tính của Hữu có trong mọi hữu thể. Vì vậy mọi hữu thể đều ở trong Hữu. Nếu Thiên Chúa vắng mặt mọi thứ trở thành hư vô ngay tức khắc.
Nếu cảnh giới thiêng liêng nằm ngoài không-thời gian, thì hiển nhiên thiên đàng không nằm trong vũ trụ vật chất. Vì ngôn ngữ của lời cầu nguyện, bắt buộc chúng ta phải xưng hô với Thiên Chúa như một Đấng ở đối diện, nhưng không phải như vậy. Thánh Augustine đã nói những lời cảm khái, “Chúa ở bên trong và luôn luôn ở cùng tôi.” Thánh Phaolô đã có lần đứng giữa chợ trong thành Athens giảng đạo. Thánh nói, “Họ đã đi tìm Thiên Chúa, nhưng thực ra Thiên Chúa đâu có ở xa chúng ta. Chúng ta sống và sinh hoạt trong Thiên Chúa. Nhờ đó chúng ta hiện hữu” (CV 17:27). Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, “Nếu Thiên Chúa là một đối tượng cụ thể có thể thấy được thì người đó không phải là Thiên Chúa.”
Điều mà hai Giáo Hoàng đưa ra đã được các thần học gia nói tới từ thời thánh Augustinô cho tới ngày nay. Thiên đàng là “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không thể nghĩ tới, lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1cor 2:9). Vì vậy, hiện tại con người chỉ có thể “thấy” Thiên Chúa bằng đức tin mà thôi. Cho nên “thấy qua đức tin” là một trạng thái của sự sống. Cái thấy này khác với cái thấy trọn vẹn “mặt giáp mặt”, trong cõi vĩnh hằng, khi con người có thân xác phục sinh hiển linh. Khi đó con người không những kết hợp với Thiên Chúa, mà còn kết hợp với các thánh và với các thiên thần (GLCG 962). Thời điểm vĩnh hằng đó, đối với kinh nghiệm hạn hẹp của con người tại thế, chỉ có thể hình dung bằng cách đặt toàn bộ vào một nơi chốn. Theo truyền thống, ngôn ngữ loài người gọi “nơi chốn” đó là thiên đàng. Thiên đàng là một huyền nhiệm không thể nói rõ ra được.
Đỗ Trân Duy
--------------
(1) Xin đọc “Heaven”, L'Osservatore Romano, Weekly Edition in English. 28 July 1999.
(2) Xin đọc các câu hỏi 52, 123, 158, 242, 285, và 518 về thiên đàng trong YOUCAT. 2011. Ignatius Press, San Francisco
(3) Xin đọc “Where is God?” P. 105, God and the World. 2002. Joseph Ratzinger. Ignatius Press, San Francisco.
(4) Phan Đình Cho. 2000. Câu hỏi 47, Giải đáp 101 câu hỏi về cái chết và sự sống vĩnh hằng. University Press. New York, USA.
(5) Mẹ Têrêsa Calcutta. Come Be My Light. 2007. Brian Kolodiejchuk chủ bút. Nhà xuất bản Doubleday. Đồng thời để hiểu rõ hơn ý nghĩa của “đêm đen” xin tham cứu bài “On A Dark Night” trong sách The Ascent To Truth. 1981. Thomas Merton. Nhà xuất bản Harcourt Brace & Company, San Diego, California.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét