ĐỀ XUẤT

Nhân học Kitô giáo

30. Giáo hội, mẹ và thầy, không chỉ đơn giản lắng nghe. Luôn bám sát sứ mệnh nguyên thủy của mình, và đồng thời luôn cởi mở đón nhận sự đóng góp của lý trí, Giáo Hội tự đặt mình vào việc phục vụ cộng đồng các dân tộc, bằng cách đề nghị với họ một cách sống. Điều rõ ràng là nếu chúng ta phải cung cấp các chương trình giáo dục có kết cấu vững chãi, phù hợp với bản chất đích thực của con người (nhằm hướng dẫn họ hướng tới một cách trọn vẹn việc hiện thực hóa bản sắc giới tính của họ trong bối cảnh ơn gọi tự hiến mình), thì ta không thể đạt được điều này nếu không có một nền nhân học rõ ràng và thuyết phục biết cung cấp một nền tảng có ý nghĩa cho giới tính và cảm giới. 

Bước đầu tiên trong diễn trình rọi sáng vào nhân học này bao gồm việc thừa nhận rằng “đàn ông cũng có một bản chất mà họ phải tôn trọng và không thể thao túng theo ý muốn (26). Đây là điểm tựa hỗ trợ cho hệ sinh thái nhân bản từ “việc tôn trọng phẩm giá của chúng ta như những hữu thể nhân bản”, và từ mối liên hệ cần thiết của cuộc sống của chúng ta di chuyển qua “luật luân lý vốn được ghi khắc vào bản chất của chúng ta” (27).

31. Nhân học Kitô giáo có nguồn gốc trong trình thuật về nguồn gốc loài người xuất hiện trong Sách Sáng thế, nơi chúng ta đọc thấy rằng “Thiên Chúa đã dưng nên con người giống hình ảnh của chính Người [...] Người dựng nên họ có nam có nữ” (St 1:27) Những lời này nắm bắt không chỉ yếu tính của câu chuyện sáng thế mà còn là cau chuyện về mối liên hệ mang lại sự sống giữa những người đàn ông và đàn bà, một mối liên hệ đưa họ vào sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Bản ngã (self) được hoàn tất bởi một người khác hơn là bản ngã, theo bản sắc chuyên biệt của mỗi người và cả hai có một điểm gặp gỡ tạo thành năng động tính hỗ tương có nguồn gốc từ và được duy trì bởi Đấng Tạo Dựng.

32. Kinh thánh mặc khải sự khôn ngoan trong kế sách của Đấng Tạo Dựng, một kế sách “đã giao phó cho con người cơ thể, nam tính và nữ tính của họ làm nhiệm vụ; và một cách nào đó, trong nam tính và nữ tính, Người giao cho họ làm nhiệm vụ chính nhân tính của họ, phẩm giá nhân vị, và cả dấu hiệu rõ ràng của sự hiệp thông liên ngã trong đó con người tự hoàn thành chính mình qua việc hiến thân đich thực" (28). Như vậy, bản chất con người phải được hiểu dựa trên sự hợp nhất giữa thân xác và linh hồn, khác xa với bất cứ loại chủ nghĩa duy vật lý hay chủ nghĩa duy tự nhiên nào, vì “trong sự hợp nhất giữa các xu hướng tinh thần và sinh học của họ và của mọi đặc điểm chuyên biệt khác cần thiết cho việc theo đuổi cùng đích của họ" (29).

33. “Tính toàn bộ hợp nhất hóa” (30) (unified totality) này tích hợp chiều kích dọc (con người hiệp thông với Thiên Chúa) với chiều kích ngang được cấu thành bởi sự hiệp thông liên ngã mà đàn ông và đàn bà vốn được kêu gọi phải sống (31). Bản sắc như một nhân vị của một người đạt đến sự trưởng thành đích thực bao lâu họ cởi mở với người khác, bởi chính lý do là “trong việc cấu hình ra cách thế hiện hữu của riêng ta, bất kể là nam hay nữ, không chỉ đơn giản là kết quả của các nhân tố sinh học hoặc di truyền, nhưng của nhiều yếu tố có liên hệ với tính khí, lịch sử gia đình, văn hóa, kinh nghiệm, giáo dục, ảnh hưởng của bạn bè, các thành viên gia đình và những người được tôn trọng cũng như các tình huống đào tạo khác” ( 32). Thực thế, “sự kiện có tính yếu tính là con người nhân bản chỉ trở thành chính mình với người khác. Cái ‘Tôi/anh/con’ chỉ trở thành chính nó từ cái ‘Ngài’ và từ cái ‘em/anh’. Nó được dựng nên để đối thoại, để hiệp thông đồng đại (synchronic) và dị đại (diachronic). Chỉ là nhờ cuộc gặp gỡ với cái ‘em/anh’ và cùng với cái ‘chúng mình’, mà cái ‘tôi’ mở ra với chính nó” (33).

34. Cần phải tái khẳng định nguồn gốc siêu hình của sự dị biệt giới tính, như một bác bỏ nhân học các mưu toan phủ nhận tính sóng đôi nam-nữ của bản chất con người, từ đó gia đình đã được tạo ra. Việc phủ nhận tính sóng đôi này không những xóa bỏ viễn kiến coi con người như kết quả của một hành động tạo dựng mà còn tạo ra ý niệm coi con người như một loại trừu tượng hóa “tự chọn cho mình bản tính mình sẽ là".

Đàn ông và đàn bà ở trạng thái tạo vật như là các phiên bản bổ túc cho nhau của điều có nghĩa là nhân bản đang bị tranh cãi. Nhưng nếu không có tính sóng đôi đàn ông đàn bà được xếp đặt từ trước trong sáng thế, thì cả gia đình cũng không còn là một thực tại được sáng thế thiết lập. Tương tự như vậy, đứa trẻ mất đi vị trí em đã chiếm hữu từ đó và phẩm giá vốn thuộc về em” (34).

35. Nhìn từ quan điểm này, giáo dục về giới tính và cảm giới phải có sự tham gia của mỗi người vào diễn trình học hỏi “một cách kiên trì và nhất quán, ý nghĩa của cơ thể mình” (35) trong sự thật trọn vẹn nguyên ủy của nam tính và nữ tính. Điều này có nghĩa là “học hỏi để chấp nhận cơ thể chúng ta, để chăm sóc cho nó và tôn trọng ý nghĩa đầy đủ nhất của nó [...] Ngoài ra, biết đánh giá cơ thể của mình trong nữ tính hay nam tính của nó là điều cần thiết nếu tôi có khả năng tự nhận ra mình trong một cuộc gặp gỡ với một ai đó khác với mình [...] và tìm sự phong phú hóa lẫn nhau” (36). Do đó, dưới ánh sáng hệ sinh thái hoàn toàn nhân bản và toàn vẹn, các người đàn bà và đàn ông sẽ hiểu ý nghĩa thực sự của giới tính và dục quan tính (genitality) theo quan điểm ý hướng tính có tính tương quan và thông đạt nội tại vốn vừa thông tri cho bản chất thân xác của họ vừa thúc đẩy mỗi người về phía người kia một cách hỗ tương.

Gia đình

36. Gia đình là nơi tự nhiên để mối liên hệ hỗ tương và hiệp thông giữa người đàn ông và người đàn bà tìm được thể hiện trọn vẹn nhất. Vì chính trong gia đình, người đàn ông và đàn bà, kết hợp bằng một khế ước yêu thương vợ chồng tự do và hoàn toàn có ý thức, có thể sống thực “tính toàn bộ trong đó mọi yếu tố của con người đều dự phần - sức hấp dẫn của cơ thể và bản năng, sức mạnh của cảm giác
và cảm giới, khát vọng của tinh thần và ý chí” (37). Gia đình là “một sự kiện nhân học, và do đó là một sự kiện xã hội, văn hóa”. Mặt khác, “lên đặc điểm cho nó bằng các khái niệm ý thức hệ chỉ lôi cuốn trong một khoảnh khắc lịch sử, và sau đó suy giảm” (38) có nghĩa là phản bội lại ý nghĩa thực sự của nó. Gia đình, nhìn như một đơn vị xã hội tự nhiên tạo thuận lợi cho việc thể hiện tối đa tính hỗ tương và bổ sung giữa những người đàn ông và đàn bà, đi trước cả trật tự chính trị - xã hội của Nhà nước mà quyền tự do lập pháp phải lưu ý tới nó và dành cho nó sự nhìn nhận thích đáng. 

37. Lý trí cho chúng ta biết rằng hai quyền căn bản, bắt nguồn từ chính bản chất của gia đình, phải luôn được bảo đảm và bảo vệ.
Đầu tiên, quyền gia đình được công nhận như là môi trường sư phạm chính cho sự đào tạo giáo dục của trẻ em. Chính “quyền đệ nhất đẳng” này phải tìm được phát biểu cụ thể nhất của nó trong “nhiệm vụ nặng nề nhất” (39) mà cha mẹ phải chịu trách nhiệm trong việc “giáo dục bản thân và xã hội toàn diện cho con cái họ (40), bao gồm giáo dục giới tính và cảm giới của chúng, trong khuôn khổ rộng lớn hơn của nền giáo dục tình yêu, hiến thân cho nhau” (41). Cùng một lúc, nó vừa là một quyền vừa là một trách nhiệm giáo dục có “tính yếu tính”, vì nó được nối kết với việc lưu truyền sự sống con người; nó có tính nguyên ủy và đệ nhất đẳng liên quan đến vai trò giáo dục người khác, nếu tính đến tính độc đáo trong mối liên hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái; và nó là điều không thể thay thế và bất khả nhượng, và do đó, không thể ủy thác hoàn toàn cho người khác hoặc bị người khác chiếm đoạt (42).

38. Trẻ em được hưởng một quyền khác có tầm quan trọng không kém: “được lớn lên trong một gia đình có cha và mẹ có khả năng tạo ra một môi trường thích hợp cho sự phát triển và sự trưởng thành về cảm xúc của đứa con” và “tiếp tục lớn lên và trưởng thành trong mối liên hệ đúng đắn được phát biểu bởi nam tính và nữ tính của một người cha và một người mẹ và do đó chuẩn bị cho sự trưởng thành về cảm giới (43). Chính trong hạt nhân của đơn vị gia đình mà trẻ em có thể học cách nhận biết giá trị và vẻ đẹp của các khác biệt giữa hai giới, cùng với phẩm giá bình đẳng và sự hỗ tương của họ trên bình diện sinh học, chức năng, tâm lý và xã hội. “Đối diện với một nền văn hóa chuyên giản lược phần lớn giới tính con người vào bình diện của một điều gì thông thường, vì nó diễn giải và sống nó một cách giản lược và nghèo nàn bằng cách chỉ nối kết nó với cơ thể và với khoái lạc ích kỷ, việc phục vụ giáo dục của phụ huynh phải nhắm vững vào việc đào tạo trong lĩnh vực giới tính có tính bản thân thực sự và trọn vẹn: vì giới tính là một sự việc làm phong phú toàn bộ con người - cơ thể, cảm xúc và linh hồn - và nó biểu lộ ý nghĩa thâm sâu nhất của nó trong việc dẫn dắt con người đến việc hiến mình trong tình yêu”
(44). Tất nhiên, các quyền như vậy hiện hữu song song với mọi quyền căn bản khác của con người, đặc biệt là những quyền liên quan đến tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Bất cứ nơi nào những điều như vậy được chủ trương chung, những người tham gia vào giáo dục cũng có thể tìm được nơi để hợp tác sinh ích cho mọi người. 

Trường học

39. Tính đệ nhất đẳng của gia đình trong việc giáo dục trẻ em được bổ sung bởi vai trò phụ đới của trường học. Được củng cố bởi nguồn gốc của nó trong Tin Mừng, “Các trường Công Giáo đang lên đường trở thành một trường học cho con người nhân bản và của những con người nhân bản. ‘Con người của mỗi hữu thể nhân bản cá thể, trong các nhu cầu vật chất và tinh thần của họ, đều nằm ở trung tâm lời dạy của Chúa Kitô: đây là lý do tại sao việc cổ vũ con người nhân bản là mục tiêu của trường Công Giáo’. Sự khẳng định nhấn mạnh đến mối liên hệ sống còn với Chúa Kitô của con người này nhắc nhở chúng ta rằng chính trong con người của Người mà sự viên mãn của sự thật liên quan đến con người phải được tìm thấy. Vì lý do này, trường Công Giáo, khi tự dấn thân vào việc phát triển con người toàn diện, đã làm như vậy để vâng theo sự thúc giục của Giáo hội, trong việc ý thức rằng mọi giá trị của con người đều tìm được sự thành toàn và hiệp nhất của chúng trong Chúa Kitô. Ý thức này nói lên tính trung tâm của con người nhân bản trong dự án giáo dục của trường Công Giáo” (45).

40. Trường Công Giáo phải là một cộng đồng giáo dục, trong đó con người có thể tự phát biểu và lớn lên trong nhân tính của họ, trong một diễn trình đối thoại tương quan, tương tác theo cách xây dựng, thực thi khoan dung, hiểu các quan điểm khác và tạo tin tưởng vào một bầu khí hài hòa đích thực. Một trường học như vậy thực sự là “một cộng đồng giáo dục, một nơi các dị biệt sống hòa thuận với nhau.
Cộng đồng trường học là nơi để gặp gỡ và cổ vũ sự tham gia. Nó đối thoại với gia đình, vốn là cộng đồng đệ nhất hạng mà các học sinh theo học vốn thuộc về. Nhà trường phải tôn trọng nền văn hóa của gia đình. Nó phải lắng nghe cẩn thận các nhu cầu nó tìm thấy và những kỳ vọng hướng tới nó” (46). Theo cách này, các bé gái và bé trai được đồng hành bởi một cộng đồng dạy dỗ chúng “biết khắc phục chủ nghĩa duy cá nhân và khám phá, dưới ánh sáng đức tin, ơn gọi chuyên biệt của chúng vào một đời sống có trách nhiệm trong cộng đồng với những người khác” (47).

41. Các Kitô hữu nào đang sống ơn gọi giáo dục trong các trường không Công Giáo cũng có thể làm chứng, phục vụ và cổ vũ sự thật về con người nhân bản. Thực thế, “Việc đào tạo toàn diện con người nhân bản, vốn là mục đích của giáo dục, bao gồm việc phát triển mọi quan năng nhân bản của học sinh, cùng với việc chuẩn bị cho đời sống chuyên nghiệp, đào tạo đạo đức và ý thức xã hội, có ý thức về một nền giáo dục siêu việt và tôn giáo” (48). Nhân chứng bản thân, khi tham gia một cách chuyên nghiệp, đóng góp rất lớn vào việc đạt được các mục tiêu này.

42. Giáo dục về cảm giới đòi hỏi thứ ngôn ngữ thích đáng cũng như cân bằng. Trên hết, nó phải lưu ý rằng, trong khi trẻ em và những người trẻ chưa đến tuổi trưởng thành hoàn toàn, họ đang chuẩn bị với một quan tâm lớn để cảm nghiệm mọi khía cạnh của cuộc sống. Do đó, cần phải giúp học sinh “phát triển cảm thức phê phán trong việc đối phó các tấn công của các ý niệm và đề xuất mới, sự tràn ngập văn hóa khiêu dâm và sức nặng quá tải của các kích thích có thể làm biến dạng giới tính” (49). Trước sự oanh kích liên tục của các thông điệp mơ hồ và không rõ ràng, và kết cục chỉ tạo ra sự mất phương hướng về cảm xúc cũng như cản trở sự trưởng thành về tâm lý và tương quan, những người trẻ “nên được giúp đỡ để nhận ra và tìm kiếm các ảnh hưởng tích cực, trong khi xa lánh các điều làm tê liệt khả năng yêu thương của họ” (50). 

Xã hội

43. Một viễn cảnh tổng thể về tình hình xã hội đương thời phải trở thành một phần của diễn trình giáo dục. Sự biến đổi của các mối liên hệ xã hội và liên ngã, “thường vẫy ngọn cờ tự do, nhưng, trong thực tế, nó đã đem lại một sự tàn phá về tinh thần và vật chất cho vô số con người nhân bản, đặc biệt là những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Điều còn hiển nhiên hơn bao giờ hết là sự suy giảm của nền văn hóa hôn nhân có liên hệ với cảnh nghèo đói gia tăng và một loạt các bệnh xã hội khác ảnh hưởng bất tương xứng tới đàn bà, trẻ em và người già. Luôn luôn họ là những người phải chịu khổ nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này” (51).

44. Dưới ánh sáng của tất cả những điều trên, không được để gia đình phải đối diện với các thách thức tự mình phải giáo dục giới trẻ. Giáo hội, về phần mình, tiếp tục hỗ trợ các gia đình và những người trẻ tuổi trong các cộng đồng cởi mở và chào đón. Các trường học và cộng đồng địa phương được kêu gọi, cách riêng, thực thi một sứ mệnh quan trọng ở đây, mặc dù họ không thay thế được vai trò của cha mẹ nhưng bổ sung cho nó (52). Sự khẩn cấp đáng chú ý của các thách thức mà công việc đào tạo nhân bản đang phải đối diện, nên hành động như chất kích thích hướng tới việc tái thiết liên minh giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

45. Điều được nhiều người thừa nhận là liên minh giáo dục trên đã tham gia vào cuộc khủng hoảng. Hiện có nhu cầu cấp thiết phải cổ vũ một liên minh mới chân chính chứ không đơn giản chỉ ở bình diện bàn giấy, một dự án chung có thể cung cấp một “nền giáo dục giới tính tích cực và khôn ngoan” (53), có thể hòa hợp trách nhiệm chính của phụ huynh với công việc của các thầy cô. Chúng ta phải tạo điều kiện thích hợp cho cuộc gặp gỡ xây dựng giữa các tác nhân khác nhau có liên hệ, tạo nên một bầu khí minh bạch trong đó tất cả các bên liên tục thông báo cho người khác về những gì họ đang làm, tạo điều kiện cho sự tham gia tối đa và do đó tránh được những căng thẳng không cần thiết thường nảy sinh vì các hiểu lầm gây ra bởi sự thiếu rõ ràng, thiếu thông tin hoặc thiếu năng lực.

46. Đối với toàn bộ liên minh giáo dục này, hoạt động sư phạm nên được thông tri theo nguyên tắc phụ đới: “Tất cả những người tham gia khác trong diễn trình giáo dục chỉ có thể thực thi trách nhiệm của họ nhân danh các phụ huynh, với sự đồng ý của họ và, ở một mức độ nào đó, với sự cho phép của họ” (54). Nếu họ thành công trong việc làm việc với nhau, gia đình, trường học và xã hội rộng lớn hơn có thể tạo ra các chương trình giáo dục về cảm giới và giới tính biết tôn trọng giai đoạn trưởng thành của riêng mỗi người liên quan tới các lãnh vực này và đồng thời cổ vũ sự tôn trọng đối với cơ thể của người khác. Các chương trình này cũng sẽ lưu ý đến tính đặc thù sinh lý và tâm lý của người trẻ, cũng như giai đoạn tăng trưởng và trưởng thành nhận thức thần kinh (neurocognitive) của mỗi người, và do đó có thể đồng hành với họ trong việc họ phát triển một cách lành mạnh và có trách nhiệm.

Đào tạo các nhà đào tạo

47. Tất cả những người làm việc trong việc đào tạo nhân bản đều được kêu gọi thực thi trách nhiệm lớn lao trong việc thực hiện hữu hiệu các dự án sư phạm trong đó họ có can dự. Nếu họ là người trưởng thành và cân bằng bản thân, được chuẩn bị tốt, điều này có thể có ảnh hưởng tích cực mạnh mẽ đối với các học sinh (55). Do đó, điều quan trọng là việc đào tạo chính họ không chỉ bao gồm bộ môn chuyên nghiệp mà còn được chuẩn bị cả về văn hóa và tinh thần nữa. Việc giáo dục con người nhân bản, nhất là về phương diện phát triển, đòi hỏi sự lưu tâm lớn lao và đào tạo liên tục. Chỉ đơn giản lặp lại các điểm tiêu chuẩn của một môn học là điều không đủ. Người ta chờ mong các nhà giáo dục hôm nay có khả năng “đồng hành với học sinh của mình hướng tới những mục tiêu cao cả và đầy thách thức, trân trọng các kỳ vọng cao đối với họ, làm cho các học sinh can dự và nối kết với nhau và với thế giới” (56). 

48. Các nhà quản lý trường học, nhân viên giảng dạy và các nhân viên khác đều có chung trách nhiệm vừa bảo đảm cung cấp một việc phục vụ có phẩm chất cao nhất quán với các nguyên tắc Kitô giáo vốn nằm ở trung tâm dự án giáo dục của họ, vừa giải thích các thách thức của thời đại trong khi hàng ngày làm chứng cho sự hiểu biết, tính khách quan và đức khôn ngoan của họ (57). Một sự kiện thường được chấp nhận là “con người hiện đại sẵn lòng lắng nghe các nhân chứng hơn các thầy dạy, và nếu họ có lắng nghe các thầy dạy, thì là vì các vị này là các nhân chứng” (58). Do đó, thẩm quyền của một nhà giáo dục được xây dựng trên sự kết hợp cụ thể “của một cuộc đào tạo tổng quát, đặt cơ sở trên khái niệm xây dựng có tính tích cực và chuyên nghiệp về sự sống và nỗ lực không ngừng để thể hiện nó. Một việc đào tạo như vậy vượt quá việc đào tạo thuần chuyên môn cần thiết để giải quyết các khía cạnh thân thiết hơn của nhân cách, bao gồm các khía cạnh tôn giáo và tâm linh” (59).

49. Khi việc ‘đào tạo các nhà đào tạo’ được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc Kitô giáo, nó có mục tiêu không những là việc đào tạo các thầy cô cá thể nhưng cả việc xây dựng và củng cố toàn bộ cộng đồng giáo dục qua việc trao đổi hữu hiệu giữa mọi người có liên hệ, một cuộc trao đổi có cả chiều kích mô phạm lẫn cảm xúc. Do đó, các mối liên hệ năng động phát triển giữa các nhà giáo dục và việc phát triển chuyên nghiệp được làm giàu bằng sự phát triển bản thân toàn diện, ngõ hầu công việc giảng dạy được thực hiện để phục vụ việc nhân bản hóa. Bởi đó, các nhà giáo dục Công Giáo cần được chuẩn bị đầy đủ về các phức tạp của nhiều vấn đề khác nhau mà lý thuyết giới tính từng nêu ra và được thông tri đầy đủ về cả pháp luật hiện hành lẫn được đề nghị trong khu vực tài phán liên hệ của họ, được sự hỗ trợ của những người có trình độ trong lĩnh vực này, theo cách cân bằng và có định hướng đối thoại. Ngoài ra, các viện và trung tâm nghiên cứu cấp đại học được kêu gọi cung cấp sự đóng góp chuyên biệt của họ ở đây, để việc học hỏi thoả đáng, cập nhật và kéo dài suốt đời về đề tài này luôn có sẵn đó cho các nhà giáo dục.

50. Về trách vụ chuyên biệt của việc giáo dục về tình yêu con người, thực hiện “với sự trợ giúp của những tiến bộ mới nhất trong tâm lý học và nghệ thuật và khoa học giảng dạy” (60), các nhà đào tạo cần “có một khóa đào tạo tâm lý sư phạm thích hợp và nghiêm túc, cho phép nắm bắt các tình huống cụ thể cần được quan tâm đặc biệt” (61). Kết quả là, “một viễn kiến rõ ràng về tình hình là điều cần thiết vì phương pháp được áp dụng không chỉ dần dần tạo điều kiện cho sự thành công của việc giáo dục tinh tế này, nhưng cũng tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa những người khác nhau có trách nhiệm” (62).

51. Quyền tự chủ và tự do giảng dạy ngày nay được công nhận trong nhiều hệ thống pháp luật. Trong bối cảnh như vậy, các trường học có thể hợp tác với các định chế giáo dục Công Giáo cao hơn để phát triển cái hiểu sâu sắc hơn về các khía cạnh khác nhau của giáo dục giới tính, với mục đích xa hơn là tạo ra tài liệu giảng dạy mới, các công trình tham khảo sư phạm và các thủ bản giảng dạy dựa trên “viễn kiến Kitô Giáo về đàn ông và đàn bà” (63).

Vì mục đích này, các nhà sư phạm, những người làm việc trong lãnh vực huấn luyện các giáo viên và các chuyên gia về văn học dành cho trẻ em và thiếu niên đều có thể đóng góp vào việc tạo ra một bộ dụng cụ đầy sáng kiến và sáng tạo, một bộ dụng cụ, đối diện với các viễn kiến khác chỉ có tính phiến diện hoặc bị bóp méo, có thể cung cấp một nền giáo dục vững chắc và tích hợp về con người nhân bản từ tuổi thơ trở đi. Trước bối cảnh đổi mới của liên minh giáo dục, sự hợp tác ở bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế giữa mọi bên liên hệ không nên tự giới hạn vào việc chia sẻ các ý tưởng hoặc trao đổi hữu ích các thực hành tốt nhất mà nên trở thành sẵn có đó như một phương thế chủ yếu để thường trực đào tạo chính các nhà giáo dục.

Kỳ tới: Kết luận và Chú thích