Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Hướng Dẫn Giải Thích Kinh Thánh Theo Công Giáo

Hướng Dẫn Giải Thích Kinh Thánh Theo Công Giáo

Bài này tóm tắt các phương pháp giải thích Thánh Kinh được Hội Thánh chấp nhận và đưa ra ưu điểm, khuyết điểm cũng như giới hạn của từng phương pháp để giúp các Giáo Lý viên phân biệt được những gì là đúng hay sai trong khi theo học các lớp Thánh Kinh ở Đại Học hay cả trong các Chương Trình Đào Tạo các Giáo Lý Viên của các Giáo Phận.
 
HƯỚNG DẪN GIẢI THÍCH THÁNH KINH THEO CÔNG GIÁO

Bài này tóm tắt các phương pháp giải thích Thánh Kinh được Hội Thánh chấp nhận và đưa ra ưu điểm, khuyết điểm cũng như giới hạn của từng phương pháp để giúp các Giáo Lý viên phân biệt được những gì là đúng hay sai trong khi theo học các lớp Thánh Kinh ở Đại Học hay cả trong các Chương Trình Đào Tạo các Giáo Lý Viên của các Giáo Phận.
 
DẪN NHẬP

Đối với hầu hết các học giả Thánh Kinh Công Giáo ngày nay, một phương pháp khoa học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp "Phân Tích (hay Phê Bình) Lịch Sử".  Nhiều sách giáo khoa và giải thích về Thánh Kinh của Công Giáo khẳng định rằng Hội Thánh Công Giáo đã ủng hộ (endorse) Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử.  Nhưng theo các tài liệu của Công Đồng Vaticanô II, nhất là theo Hiến Chương Tín Lý về Mặc Khải và tài liệu gần đây nhất của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh là tài liệu "Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh" thì Hội Thánh chỉ khuyến khích dùng và nêu lên sự cần thiết của việc dùng tất cả các phương pháp giải thích Thánh Kinh, trong đó có phương pháp Phân Tích Lịch Sử. 

Khi nói về ích lợi của Phương Pháp Phân Tích Lịch Sừ, tài liệu này nhấn mạnh rằng: "Một khi phương pháp này không bị chi phối bởi những thành kiến bên ngoài, nó đưa đến việc hiểu biết Thánh Kinh một cách chính xác hơn" (câu I4).  Nhưng trong phần thứ III, khi nói về các đặc tính của việc giải thiách Thánh Kinh theo Công Giáo, Ủy Ban nhắc nhở các nhà chú giải Thánh Kinh là phải dùng các phương pháp này "trong phạm vi truyền thống sống động của Hội Thánh" (Đoạn III).  Trong mục C của phần này, Ủy Ban nhắc cho các nhà chú giải Thánh Kinh  rằng họ "không được phép chỉ đưa ra các kết luận dựa theo Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử, mà còn phải giải thích các ý nghĩa Kitô học, Quy Điển và Hội Thánh của bản văn Thánh Kinh."

Tiếc rằng phần lớn các sách giáo khoa của Công Giáo Âu Mỹ về Thánh Kinh ngày nay đi theo trường phái thuần Phân Tích Lịch Sử, bởi vì họ bỉ ảnh hưởng bởi các học giả Thánh Kinh thuần Lịch Sử vĩ đại như Cha Raymond E. Brown và đồng bạn, mà điển hình là hai sách "New Jerome Biblical Commentary" và "Collegeville Biblical Commetaries", cũng như các bài mở đầu và các chú giải của sách "New American Bible".  Hầu hết các bài chú giải viết trong hai sách trên và các chú thích của New American Bible đã coi "Thuyết Hai Nguồn - Two Source Theory" và "Thuyết Tài Liệu - Documentay Theory" như là những chân lý khoa học vững chắc về Thánh Kinh, mà trên thực tế các thuyết này đang bị lung lay tận gốc như kiềng hai chân.  Khi làm như vậy, các học giả này đã hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các truyền thống của Hội Thánh, mà nếu có đề cập đến thì cũng chỉ tìm cách để hạ giá các truyền thống này.  Vì thế chúng tôi không ngạc nhiên khi có nhiều sinh viên, và ngay cả các linh mục mất đức tin sau khi theo học các lớp Thánh Kinh theo trường phái Thuần Lịch Sử này.

Để giúp các Giáo Lý viên có một cái nhìn chính đáng về giáo huấn của Hội Thánh chúng tôi đề nghị các bạn đọc kỹ  Sách Giáo Lý Công Giáo, Mục 2 và Mục 3 của Phần Thứ Nhất, và tài liệu Interpretation of The Bible in The Church . Chúng tôi hy vọng có một ngày nào đó Chúa cho chúng tôi thì giờ để phiên dịch tài liệu này ra Tiếng Việt. Tài liệu này tương đối khó đọc hơn là một tài liệu tóm tắt của giáo sư John Gresham, Giáo sư tại Đại Chủng Viện Kenrick-Glennon và Viện Phaolô VI tựa đề " A Catholic Guide to Biblical Interpretation " mà chúng tôi xin tạm dịch ở đây là "Hướng Dẫn Giải Thích Thánh Kinh theo Công Giáo".  Trong bài này, giáo sư John Gresham tóm tắt các văn kiện Toà Thánh về các phương pháp giải thích Thánh Kinh chính và nói lên các ưu khuyết điểm của từng phương pháp.

1.    Phương Pháp Phân Tích Lịch Sử
2.    Phương Pháp Phân Tích Bản Văn
3.    Phương Pháp Giải Thích Theo Quy Điển
4.    Phương Pháp Giải Thích Theo Xã Hội
5.    Phương Pháp Giải Thích Theo Hội Thánh
6.    Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo hay Tu Đức
 
Trong tất cả các phương pháp kể trên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh rất nhiều đến Phương Pháp Giải Thích Theo Linh Đạo , và khuyến khích chúng ta dùng phương pháp này trong các lớp Giáo Lý.

Về Đức Tin cũng như về Thánh Kinh, cái nhìn của Hội Thánh bao giờ cũng là cái nhìn chung dung, cái nhìn toàn diện.  Thánh Kinh là hiện thân của Ngôi Lời Nhập Thể với hai bản tánh Thiên Chúa và Loài Người. Nếu chỉ nhấn mạnh đến Đức Kitô là Thiên Chúa thật mà quên rằng Người cũng là người thật trong việc dạy Giáo Lý là chúng ta dẫn học sinh đến sai lạc.  Nếu chỉ coi Thánh Kinh là Lời Chúa mà quên rằng Ngài cũng dùng các tác giả nhân loại với sự hiểu biết hữu hạn của con người để bày tỏ những mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa thì chúng ta cũng bị sai lầm khi học hỏi Thánh Kinh. Nhưng nếu chỉ coi Thánh Kinh là một tác phẩm của loài người và phân tích Thánh Kinh hoàn toàn dưa theo sự hiểu biết hiện đại mà quên rằng Chúa Thánh Thần cũng là tác giả của Thánh Kinh, và Thánh Kinh được trao cho Hội Thánh để truyền lại cho chúng ta, thì chúng ta lại càng bị sai lầm hơn nữa. Vì thế mà Hội Thánh không ủng hộ một phương pháp nghiên cứu Thánh Kinh nào cả, mà khuyến khích chúng ta dùng tất cả mọi phương pháp, trong phạm vi giới hạn của chúng, tùy theo mục đích của chúng ta. 

Hy vọng bài này sẽ giúp các bạn phân biệt được điều gì là đúng, và điều gì là sai khi theo học các lớp Thánh Kinh ở Đại Học hay cả trong các Chương Trình Đào Tạo các Giáo Lý Viên của các Giáo Phận.
Houston, Mùa Hè 2007
Phaolô Phạm Xuân Khôi
 

 
A.     Thế Giới đằng sau bản văn (Phạm vi Lịch Sử)
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH LỊCH SỬ
Trình Bày / Biện Minh / Giới Hạn / Phương Tiện / Áp Dụng
________________________________________
Trình Bày Phương Pháp :

Phương pháp phân tích lịch sử nghiên cứu các văn bản Thánh Kinh như các tài liệu lịch sửvà tìm cách hiểu bản văn trong phạm vi lịch sử.

Đối với phương pháp phân tích lịch sử, manh nha ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới đứng đằng sau bản văn, đó là:

•    Cái thế giới lịch sử và văn hóa mà trong đó bản văn được phát sinh. 

•    Các nhân vật và biến cố trong lịch sử mà từ đó bản văn chính được tạo ra.

•    Các truyền thống được truyền khẩu hoặc được viết thành văn có trước khi bản văn cuối cùng được thành hình. 
 
Phương pháp phân tích lịch sử cố ý xác định ý nghĩa nguyên thủy của bản văn bằng cách tái tạo: 

•    Khung cảnh nguyên thủy.

•    Môi trường lịch sử và văn hóa đầu tiên mà trong đó bản văn được sáng tác.

•    Những nguồn tài liệu dùng để viết bản văn, hoặc truyền khẩu hoặc được ghi chép.

•    Các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dẫn đến việc viết bản văn. 

•    Các niềm tin về thần học cũng như văn hóa của những người đầu tiên viết và đọc bản văn. 

•    Chủ ý của các tác giả đầu tiên.

Có nhiều phương pháp phân tích lịch sử khác nhau được dùng trong mỗi giai đoạn của lịch sử bản văn. Phương pháp phân tích văn thể được dùng để khám phá ra các truyền thống khẩu truyền đằng sau bản văn. Phương pháp phân tích nguồn văn để tìm ra các văn bản được sát nhập vào bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến vai trò của soạn giả hay người viết cuối cùng là người gom góp các tài liệu hoặc truyền khẩu hoặc đã được viết xuống thành bản văn Thánh Kinh. Phươnh pháp phân tích văn tự chú ý đến lịch sử của việc lưu truyền bản văn sau khi bản chính đã được soạn thảo.

Phương pháp phân tích văn thể điều nghiên từng tiết mục của các bài truyền khẩu có trước khi bản văn được viết ra. Phương pháp này chú trọng đến các thể văn hay cách cấu trúc của truyền khẩu và tìm cách tái lập của truyền thống ấy. Thí dụ, các nhà phân tích văn thể xắp loại Thánh Vịnh bằng các đặc tính cấu tạo chung, và tìm cách tái lập việc phụng tự tại đền thờ của dân Israel trước khi các thánh vịnh này được gom lại và viết thành sách. Các nhà phân tích văn thể của Tân Ước phân tích cách cấu trúc chung của mỗi loại câu chuyện trong Tin Mừng (chuyện về phép lạ, dụ ngôn,vv...) và tái tạo hoàn cảnh sống mà trong đó các câu chuyện này được kể lại trong Hội Thánh sơ khai trước khi chúng được thu thập và viết thành các sách Tin Mừng. 

Giai đoạn kế tiếp trong lịch sử của bản văn Thánh Kinh là việc gom góp những truyện truyền khẩu này lại thành các sưu tập văn viết, mà sau đó trở thành nguồn gốc của các bản văn Thánh Kinh cuối cùng. Phương pháp phân tích nguồn văn cố gắng tìm ra nguồn gốc của bản văn Thánh Kinh cuối cùng bằng cách phân chia bản văn này ra thành nhiều nguồn văn có trước. Thí dụ, nhiều nhà phân tích văn thể Cựu Ước đọc Ngũ Thư như là một tổng hợp của bốn nguồn văn, Giavê, Êlôít, Thứ Luật, và Tư Tế, viết tắt là J,E,D&P. Các nhà phân tích nguồn văn của các Tin Mừng cũng điều nghiên các liên hệ giữa ba Tin Mừng nhất lãm, và lập ra nguồn văn thứ tư gọi là Q (từ chữ "quelle" có nghĩa là "nguồn"). Liên quan đến phương pháp phân tích nguồn văn là "phương pháp phân tích truyền thống." Phương pháp phân tích truyền thốngkhông đặt nặng việc tìm ra các tài liệu gốc đã được viết trước, nhưng tìm cách phân biệt những truyền thống có trước (truyền khẩu hay văn tự) đã được thu nhập vào bản văn Thánh Kinh.  

Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo bản văn Thánh Kinh. "Người biên tập" là người soạn thảo và tác giả cuối cùng (có thể là một cá nhân hay một cộng đoàn). Người này gom góp các truyền thống truyền miệng hay văn tự khác nhau thành bản văn cuối cùng.  Trong phương pháp phân tích biên tập, người chú giải đặc biệt quan tâm đến vai trò tích cực của soạn giả cuối cùng trong việc chọn lựa, xắp đặt, và giải thích các truyền thống trước đó. Thí dụ, nhà phân tích biên tập quan tâm đến việc xác định các lý do lịch sử và thần học trong cách Thánh Luca kể lại Cuộc Khổ Nạn so sánh với các Tin Mừng khác. Tương tự, một học giả về Cựu Ước có thể chú ý đến nhãn quan thần học của người viết Sử Ký (Sử biên niên)  khi kể chuyện về Vua Đavid, nhất là khi so sánh với lịch sử Thứ Luật được tìm thấy trong các sách Samuel I và II.

Phương pháp phân tích văn tự nghiên cứu  việc lưu truyền bản văn sau đó. Vì chúng ta không có những nguyên bản Thánh Kinh, các phương pháp phân tích bản văn được dùng để phân tích những thủ bản hiện còn tồn tại. Việc nghiên cứu lịch sử và so sánh các dị bản được dùng để tái lập bản văn gốc. Thí dụ, các phương pháp phân tích văn bản được dùng để so sánh các kết luận khác nhau của Tin Mừng Marcô tìm thấy trong các thủ bản hiện có, và xác định đâu là kết thúc nguyên thủy của Tin Mừng này. Cách nghiên cứu này đôi khi được gọi là vì không chú tâm đến việc giải thích ý nghĩa của các bản văn như (phân tích lịch sử). Phương pháp phân tích văn tự chỉ nhằm mục đích tái tạo bản văn nguyên thủy mà thôi. 

________________________________________
Biện minh cho phương pháp phân tích lịch sử

Đây là một phương pháp cần thiết để nghiên cứu Thánh Kinh vì một lý do hiển nhiên là các tài liệu Thánh Kinh xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác với hoàn cảnh của các độc giả đương thời. Việc nghiên cứu bất cứ tài liệu cổ nào đều đòi hỏi kiến thức về khung cảnh lịch sử của tài liệu ấy. Đây là một phần của lý luận được đưa ra để khai mào việc dùng phương pháp phân tích lịch sử hiện đại để nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh  trong thế kỷ thứ 19 - phương pháp này đã được chứng minh là hữu dụng trong việc nghiên cứu các văn bản cổ nên cũng có thể dùng để nghiên cứu các bản văn Hibri cổ và các bản văn Kitô Giáo thởi sơ khai. Với một khoảng cách dài giữa thời gian các bản văn Thánh Kinh được ghi chép và thời đại của chúng ta, thật khó mà bác bỏ lý luận này. 

Một lý luận khác biện minh cho việc dùng phương pháp này để nghiên cứu các bản văn Thánh Kinh có tính cách mâu thuẫn hơn. Phương pháp phân tích lịch sử được đề ra như là một âm mưu "giải phóng" việc nghiên cứu Thánh Kinh khỏi khoa Thần Học Tín Lý. Người ta lý luận rằng các nhà thần học chỉ dùng các bản văn Thánh Kinh để chứng minh cho các hệ thống thần học của họ bằng cách áp đặt trên bản văn những ý nghĩa được rút ra từ hệ thống thần học của họ. Việc này thay vì làm sáng tỏ ý nghĩa tiên khởi của các câu văn thì làm cho chúng ra tối nghĩa. Đối với những người truyền bá phương pháp phân tích lịch sử đầu tiên này, và nhiều phương pháp hiện hành, một điều chính yếu của phương pháp phân tích lịch sử là nghiên cứu bản văn Thánh Kinh, không phải như một Sách Thánh độc đáo được Thiên Chúa mặc khải, nhưng chỉ như một tài liệu lịch sử mà thôi.  Từ đó, một tiếp cận nghiên cứu Thánh Kinh thuần lịch sử được khai triển, nhất là trong các đại học, mà không đếm xỉa gì đến Đức Tin, Thần Học hay Giáo Huấn Hội Thánh. 

Vậy vấn đề được đặt ra là có chỗ đứng nào cho phương pháp phân tích lịch sử trong tiếp cận đọc Thánh Kinh với Đức Tin, dưới sự hướng dẫn của Huấn quyền của Hội Thánh không? Trong khi chúng ta phải loại bỏ tiếp cận thuần lịch sử vì lý do sau đây, thì Đức Tin Công Giáo lại chuẩn y tiếp cận lịch sử. Quả thật, sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải và linh ứng đòi hỏi chúng ta phải dùng tiếp cận lịch sử. 

Trước hết, dùng tiếp cận lịch sử về Thánh Kinh là công nhận rằng việc Thiên Chúa mặc khải có xảy ra thật trong lịch sử nhân loại. Hiến Chế Tín Lý Mặc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng việc Thiên Chúa mặc khải thực sự xảy ra khi Thiên Chúa vô hình, vì tình yêu sung mãn của Ngài đã "đi lại giữa chúng ta" trong lịch sử nhân loại. "Công trình mặc khải" được thể hiện bằng "lời nói và việc làm...mà bản chất liên kết chặt chẽ với nhau."   Các bản văn Thánh Kinh phát sinh từ một "lịch sử cứu độ." Cho nên chúng ta có thể dùng các phương pháp phân tích lịch sử để giúp chúng ta đi vào lịch sử cứu độ trong quá khứ trong khi chúng ta tìm cách hiểu các lời nói và việc làm của Thiên Chúa.  Viễn cảnh Nhập Thể và Bí Tích của đạo Công Giáo xác thực sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử nhân lọai. Nói cách khác, Đức Tin Công Giáo xác quyết rằng mặc khải xảy ra trong phạm vi lịch sử nhân loại.Việc nghiên cứu Thánh Kinh bằng phương pháp phân tích lịch sử cung cấp cho chúng ta những phương thế để chúng ta có thể hiểu Thánh Kinh rõ hơn trong phạm vi ấy. Theo tài liệu về Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh thì:

Thánh Kinh, thực ra, không tự mình xuất hiện như một mặc khải trực tiếp các chân lý vĩnh cửu, nhưng như chứng từ viết về những lần can thiệp của Thiên Chúa mà trong đó Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại.  Bằng một cách thế khác hẳn với các giáo lý của các tôn giáo khác, sứ điệp của Thánh Kinh có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Cho nên không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh cách đúng đắn nếu không nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử ảnh hưởng đến các bản văn này. 

Thứ đến là, sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải của Thiên Chúa trong các bản văn Thánh Kinh đòi buộc phải dùng tiếp cận lịch sử đẩ nghiên cứu Thánh Kinh. Theo sự hiểu biết của Công Giáo về mặc khải thìThiên Chúa đã nhờ loài người và dùng cách nói của loài người mà phán dạy. Thiên Chúa chọn các tác giả Thánh Kinh và hoạt động trong họ và nhờ họ mà truyền đạt lời của Ngài, nhưng Ngài lại hoàn toàn sử dụng năng lực và khả năng của họ để họ viết như những tác giả thật sự (Dei Verbum 11-12). Đức Thánh Cha Piô XII viết trongDivino Afflante Spiritu rằng các tác giả được linh hứng của Thánh Kinh là dụng cụ sống động và hợp lý của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, trong khi được linh hứng bởi Thiên Chúa, các tác giả nhân loại không phải là các dụng cụ thụ động mà chủ động của Thiên Chúa. Họ đem cá tính của mình vào các bản văn Thánh. Điều này phù hợp với Đức Tin Công Giáo là ơn thánh làm cho thiên nhiên được nên hoàn hảo. Trong việc mặc khải, Thiên Chúa đã nâng việc làm theo khả năng nhân loại của các tác giả thành Thánh Kinh. Các phương pháp phân tích lịch sử có thể được dùng để hiểu rõ hơn về các tác giả nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng để thông tri lời Ngài. 

Như vậy khi chúng ta nhìn đến giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, mặc dù phương pháp thuần lịch sử bị gạt bỏ, chúng ta thấy rằng tiếp cận lịch sử được công nhận. Hiến Chế vế Mạc Khải của Công Đồng Vaticanô II kêu gọi các nhà chú giải Thánh Kinh hãy:

tìm ý nghĩa mà trong những trường hợp xác định, thánh sử đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong thời đại và hoàn cảnh văn hóa của họ, qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy để hiểu đúng ý nghĩa tác giả Thánh Kinh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức người thời ấy thường dùng để giao tế với nhau. (DV 12) 

Đức Thánh Cha Piô XII nói trong Tông thư Divino Afflante Spiritu: 

Như thế, hãy để cho các nhà chú giải Thánh Kinh, với sự cẩn trọng hết sức, mà không bỏ sót những tia sáng tìm được từ những nghiên cứu gần đây, cố gắng xác định đặc tính và hoàn cảnh riêng biệt của thánh sử, thời đại mà vị ấy sống, các nguồn tài liệu truyền khẩu hay văn tự mà vị ấy đã dùng và cách diễn tả mà vị ấy đã sử dụng. 
________________________________________
Giới hạn của phương pháp phân tích lịch sử

Trong lúc những người có đức tin thường thắc mắc về một vài xu hướng của phương pháp phân tích lịch sử, thì trong những năm gần đây, phương pháp này đã bị phê bình cả trong Hội Thánh lẫn trong các đại học. Các lời phê bình ấy vạch ra giới hạn của phương pháp này..

Một trong các lời phê bình là phương pháp phân tích lịch sử thường có khuynh hướng nghiên cứu tiền sử của các bản văn Thánh Kinh mà không tìn hiểu ý nghĩa của toàn thể bản văn. Một số người có thể lý luận rằng, các học giả thuộc phái phân tích lịch sử bỏ ra quá nhiều năng lực để phân tích các nguồn và các tiền đề lịch sử của bản văn Thánh Kinh nên không còn năng lực để giải thích  ý nghĩa của bản văn cho chúng ta. Nghiên cứu theo phương pháp phân tích lịch sử thường được coi là chia cắt bản văn ra thành những mảnh vụn như mổ xẻ một xác chết không hồn mà không biết làm sao gắn lại được nữa. Những người nói lên các lời phê bình này đã kêu gọi phải chú ý đến sách Thánh Kinh cách toàn phần, như một bản văn thánh, hay ít ra một tác phẩm văn chương được cắt nghĩa trong hình thức cuối cùng, bất chấp lai lịch trước đây của các nguồn văn tác giả dùng. 

Một phê bình tương tự là trọng tâm của phương pháp phân tích lịch sử bị lêch lạc. Thay vì tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử được tái tạo đằng sau bản vănnhư các nhà phân tích lịch sử làm, một số người cho rằng phải chú tâm nhiều hơn đến những tường thuật trong bản văn Thánh Kinh. Các nhà bình phẩm này cho rằng thật là một sai lầm lớn cho các nhà phân tích lịch sử khi thay thế những câu truyện được kể trong Thánh Kinh với lịch sử được họ tái tạo dựa theo các tiêu chuẩn lịch sử hiện đại. Người đọc Thánh Kinh chỉ còn lại một số dữ kiện tối thiểu có thể được xác nhận cách chắc chắn trong lịch sử, mà mất đi các ý nghĩa phong phú đa dạng được tìm thấy trong chính những câu truyện được diễn tả trong Thánh Kinh. 

Một lời phê bình khác đã được những người có đức tin mạnh dạn đưa ra. Cộng đoàn tín hữu không đọc Thánh Kinh như một tác phẩm về lịch sử cổ thời, nhưng như Lời của Thiên Chúa. Nghiên cứu theo phương pháp phân tích lịch sử thường không vượt qua giai đoạn phân tích xem bản văn có ý nghĩa gì trong vị trí lịch sử nguyên thủy,để phân biệt xem bản văn muốn nói gì hôm nay với Dân Thiên Chúa là những người tìm các giáo huấn trong bản văn. Chú giải Thánh Kinh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ phân tích lịch sử. Phân tích lịch sử phải đóng góp vào "phân tích theo giáo huấn Hội Thánh." Đức Thánh Cha Phaolô VI (trong bài diễn từ đọc trước Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, ngày 14 tháng 3, 1974) đã kêu gọi các học giả Thánh Kinh phải dùng phương pháp phân tích theo giáo huấn Hội Thánh bằng những lời này:

Công việc của anh em không phải chỉ giải thích các bản văn cổ để trở lại hình thái sơ khởi của một số bản văn Thánh Kinh. Nhiệm vụ chính yếu của một nhà chú giải Thánh Kinh là trình bày sứ điệp mặc khải cho Dân Thiên Chúa; phơi bày chính ý nghĩa của Lời Chúa ngay trong những Lời ấy trong mối liên hệ với con người hiện đại.  

Các phê bình cũng nhằm vào sự quá thiên lệch về lý trí thường xảy ra trong việc nghiên cứu Thánh Kinh khi dùng phương pháp phân tích lịch sử. Trong một vài trường hợp thì đó là hậu quả của việc áp đặt những hệ luận triết học trên một phương pháp lịch sử đáng lý ra phải trung dung. Một số các nhà phân tích Thánh Kinh dựa theo thuyết duy lý hoặc theo thuyết tự nhiên để tìm những cách giải thích theo lịch sử về các phép lạ xảy ra trong Thánh Kinh. Trong những trường hợp khác, điều này phản ảnh khuynh hướng của phương pháp. Một tiếp cận thiên về những trường hợp tương tự trong lịch sử, hoặc chịu ảnh hưởng bởi tiếp cận này, như một nguyên tắc thì thường không được trang bị để giải thích những biến cố mới và lạ lùng của mặc khải của Thiên Chúa mà Thánh Kinh làm chứng. Các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo sẽ dùng phương pháp phân tích lịch sử cách thận trọng, ý thức rằng phương pháp này có thể bị bóp méo bởi những thiên lệch duy lý dùng để chứng thực nội dung Thánh Kinh được giải thích. 

Việc nhấn mạnh đến sự gián đoạn của phương pháp phân tích lịch sử để giải thích Thánh Kinh cũng bị chỉ trích là đặt các truyền thống sớm và muộn vào vị thế đối nghịch nhau. Theo một số học giả duy lý vào thế kỷ thứ 19 thì Thánh Tông Đồ Phaolô đã dùng các huyền thoại của Hy Lạp về cứu độ mà bóp méo giáo huấn đơn giản của Chúa Giêsu. Còn các học giả Thánh Kinh ở hậu bán thế kỷ 20 thì lại khám phá ra rằng sứ điệp trung thực của Thánh Phaolô về ân sủng đã bị thất lạc khi Kitô Giáo được cơ chế hóa trong giai đoạn cuối của thời kỳ viết Tân Ước. Gần đây hơn nữa một số học giả bị lôi cuốn bởi các sách ngoài quy điển và một số truyền khẩu được tái tạo mà cho rằng chúng diễn tả sự bình đẳng của sứ điệp của Chúa Giêsu đúng hơn là sách Tân Ước, vì chúng không bị áp đặt bởi một giáo hội chuyên chế. Ngược lại phương thức của Công Giáo là nhấn mạnh sự liên tục và phát triển của của các truyền thống Thánh Kinh từ truyền khẩu và các bài viết về thời tiền sử, đến việc biên soạn cuối cùng và sát nhập vào quy điển, cùng việc liên tục sử dụng và giải thích Thánh Kinh trong đời sống Hội Thánh.  

Một phê bình cuối cùng mà nhiều bình luận gia ngày nay nhắm vào phương pháp phân tích lịch sử là đả kích và việc phương pháp này đôi khi mạo nhận là có tính cách khoa học khách quanvà địa vị đặc quyền của phương pháp này. Trong quá khứ chúng ta thường nghe nói về "kết quả chắc chắn" của phân tích thượng như là phương pháp phân tích lịch sử đã tái tạo được ý nghĩa gốc của các biến cố trong Thánh Kinh và các bản văn Thánh Kinh một cách chắc chắn theo khoa học. Trong một thế giới đa dạng của thời nghiên cứu Thánh Kinh hậu tân thời, tiếp cận lịch sử, mà tự nó đã đưa ra những phương pháp và những ước đoán khác nhau, bây giờ chỉ là một trong nhiều tiếp cận để nghiên cứu Thánh Kinh. Chúng tôi bênh vực sự đồng qui của tất cả những tiếp cận này trong phương pháp giải thích Thánh Kinh của Công Giáo. Phương pháp giải thích Thánh Kinh của Công Giáo xác nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu bản văn theo phương pháp phân tích lịch sử, nhưng nó không phải là phương pháo độc nhất được dùng để hiểu bản văn Thánh Kinh. 
________________________________________
Phương Tiện

Các sách Bách Khoa và Tự Điển Thánh Kinh cung cấp cho chúng ta phương thế tìm tài liệu về lịch sử và văn hóa ddứng sau các bản văn Thánh Kinh.  Một số tác phẩm hữu ích là: 

•    Anchor Bible Dictionary bộ bách khoa tự điển gồm 6 quyển dành cho học giả.

•    Cultural Dictionary of The Bible John Pilch. (Liturgical Press) trình bày phương diện xã hội và văn hóa của các vật dụng trong Thánh Kinh, các sinh hoạt thường nhật, các biểu tượng và quan niệm trong phạm vi lịch sử. 

•    Eerdman’s Dictionary of the Bible . (Eerdmans) Một tự điển Tồng Quát có tíng cách Đại Kết dành cho các học giả. (600 học giả về Thánh Kinh góp bài). Cập nhật hóa nhất.

•    The Dictionary of The Bible . J. McKenzie. (Simon Schuster) học giả Dòng Tên soạn thảo.

•    HarperCollins Bible Dictionary - Một tự điển khác.

•    Nelson’s New Illustrated Bible Dictionary (Thomas Nelson) Tyndale Bible Dictionary (Tyndale House.) New Bible Dictionary (InterVarsity Press) Các tự điển tổng quát về Thánh Kinh  dựa theo các học giả bảo thủ.

Hầu hết các sách chú giải Thánh Kinh hiện đại nhấn mạnh đến việc giải thích Thánh Kinh theo lịch sử. Nghiên cứu và so sánh vài sách chú giải khác nhau sẽ cho thấy các cách giải thích khác nhau dựa theo phương pháp phân tích lịch sử. 

Trọn bộ chú giải một cuốn gồm:

•    The Collegeville Bible Commentary   Giải thích Thánh Kinh theo phương pháp lịch sử và từ chương bởi các học giả Công Giáo dùng ngôn ngữ dễ hiểu.
•    New Jerome Biblical Commentary (Prentice Hall) Giải thích Thánh Kinh theo phương pháp phân tich lịch sử có tính cách lý thuyết được soạn thảo bởi các học giả Công Giáo.  Sách này là bản tu chính của sách The New Jerome Bible Handbook  (Liturgical Press), là sách có tính cách bình dân hơn.
•    Farmer, William R., et al. The International Bible Commentary: A Catholic and Ecumenical Commentary for the Twenty-First Century (Liturgical Press) Sách gồm những bài giải thích dựa theo lịch sử, văn học và mục vụ do nhiều học giả trên toàn cầu đóng góp. Có nhiều bài giới thiệu tốt. 
Các bộ sách chú giải Thánh Kinh theo phương pháp phân tích lịch sử gồm nhiều quyển là:
•    Word Biblical Commentary  
•    Anchor Bible Commentary
•    New International Commentary on Old Testament and New International Commentary on the New Testament
Tự Điển Thần Học và Chú Giải Thánh Kinh giúp nghiên cứu các từ ngữ làm sáng nghĩa thần học các từ trong Thánh Kinh theo khung cảnh lịch sử và văn hóa đầu tiên của chúng.
•    Dictionary of Biblical Theology by Xavier Leon-DuFour, Hoc giả Thánh Kinh người Pháp. Pauline Books & Media.
•    Theological Dictionary of the New Testament Kittel, Gerhard, and G. Friedrich, eds. G. Bromiley, trs.Eerdmans. 10 vols. Gồm cả Kinh Thánh và mục lục bằng tiếng Anh.
•    Dictionary of New Testament Theology Colin Brown. Zondervan.
•    Sacramentum verbi: an encyclopedia of Biblical theology. Ed. by Johannes Baptist Bauer.  Herder and Herder
________________________________________
Áp Dụng

Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây về đoạn Thánh Kinh mà bạn đang tìm kiếm:
•    Nó được viết khi nào và ở đâu?
•    Nguồn văn đã được viết lại thế nào trong đoạn này?
•    Các từ chính trong câu có nghĩa gì trong khung cảnh nguyên thủy của chúng?
•    Tác giả nguyên thủy muốn nói gì cùng độc giả?
•    Việc nghiên cứu đoạn văn này theo phương pháp phân tích lịch sử có giúp thêm sự hiểu biết cho việc giải thích đoạn này trong hiện tại không?
 
 
 
B.     Thế Giới trong Bản Văn (Phạm vi Văn Chương)
PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH VĂN CHƯƠNG/BẢN VĂN
Trình bày / Biện minh / Giới hạn / Phương tiện / Áp dụng

 
________________________________________
Trình bày phương pháp:

Phương pháp phân tích văn chương không chú trọng đến những gì đã xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử của thời đại tác giả, mà chỉ chú trọng đến những sự việc hay biến cố được diễn tả trong Thánh Kinh và tìm hiểu xem những sự việc hay biến cố đó có ý nghĩa gì.  Trọng tâm của phương pháp này là thế giới nằm trong bản văn. Các nhà chú giải Thánh Kinh theo phương pháp phân tích bản văn cho rằng mỗi tác phẩm văn chương tạo nên một thế giới riêng. Khi đọc tác phẩm, độc giả đi vào thế giới này. Thế giới ấy chính là câu chuyện được bản văn diễn tả. Ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới mà tác phẩm tạo ra, chứ không phải qua các biến cố trong đời sống của tác giả. Trong khi các nhà phân tích lịch sử nhìn bản văn Thánh Kinh như một cổ vật trong lịch sử cần phải được giải thích theo lịch sử, thì các  phân tích bản văn nhìn bản văn Thánh Kinh như một tác phẩm văn chương cần phải được phân tích theo các phương pháp văn chương. 

Các phương pháp phân tích mạch văn, phân tích tu từ, phản ứng của độc giả, và cấu trúc bản văn đều nằm trong phạm vi của phương pháp phân tích bản văn.  

Phương pháp phân tích mạch văn đặt trọng tâm vào cách kể chuyện trong Thánh Kinh, phân tích các tình tiết, các khung cảnh và thời gian của các biến cố, phân loại và dùng các kỹ thuật văn chương như châm biếm, đùa chơi, và lập lại như phương thức khai triển câu chuyện và những đề tài quan trọng của nó. 

Phân tích tu từ dùng những thuyết tu từ cổ điển để phân tích những phương pháp lý luận trong bản văn Thánh Kinh. Phương pháp này chú trọng đến cách hành văn, cách dùng từ ngữ, tình cảm, và lý luận của tác giả để thuyết phục độc giả. 

Những người theo phái cấu trúc (Structuralism) đọc các bản văn Thánh Kinh dưới lăng kính của một cấu trúc văn chương phổ quát. Họ giải thích các nhân vật, các đề tài, và các biến cố trong Thánh Kinh qua vai trò và nhiệm vụ của các nhân vật hay biến cố này trong một cấu trúc chắc chắn hay văn phạm phổ quát.  

Khoa phân tích phản ứng độc giả phân tích bản văn Thánh Kinh dựa theo kinh nghiệm của độc giả, giải thích lời trong Thánh Kinh dựa theo các thắc mắc, ước vọng, hay ngạc nhiên mà độc giả cảm nghiệm được khi đọc bản văn. Phương pháp này nhấn mạnh đến vai trò tích cực của độc giả trong việc xét định ý nghĩa của bản văn.  
________________________________________
Biện minh cho phương pháp phân tích bản văn

Phương pháp phân tích bản văn đã đem lại một sự điều chỉnh cho phương pháp phân tích lịch sử đang thịnh hành trong giới học giả Thánh Kinh hiện đại. Phương pháp phân tích lịch sử đã phạm phải một lầm lỗi là đã quá chú ý đến việc viết lại lịch sử sau bản văn, cho nên đã bỏ mất nhiều ý nghĩa đa dạng hàm chứa trong bản văn. Các nhà phân tích bản văn đã quan tâm đến văn thể của các bản văn Thánh Kinh. Họ cho rằng thể văn kể chuyện không phải là thể văn lịch sử, nhất là lịch sử theo nghĩa hiện đại. 

Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo xác quyết tầm quan trọng của văn thể trong Thánh Kinh. Mặc Khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh được diễn tả bằng nhiều thể văn khác nhau. Để giải thích thỏa đáng, cần phải chú ý đến các thể văn của từng câu Thánh Kinh và dùng phương pháp giải thích phù hợp với thể văn đó. Trong Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, Công Đồng Vaticanô II viết:

Để tìm ra chủ ý của các thánh sử, giữa những phương pháp khác cũng cần phải xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, tiên tri, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác.  (Dei Verbum 12)

Việc nhìn nhận tầm quan trọng của văn thể trong mặc khải của Thánh Kinh này cho phép chúng ta biện minh cho việc sử dụng phương pháp nghiên cứu bản văn để giải thích Thánh Kinh.

Trong số các thể văn dùng trong Thánh Kinh, thể văn kể chuyện hay tường thuật rất quan trọng đối với Đức Tin Kitô giáo, từ việc tường thuật lịch sử dân Israel đến các câu chuyện trong Tin Mừng.  Hình thức kể chuyện vẫn đóng vai trò quan trọng trong hạnh các Thánh. Ngay chính trong Kinh Tin Kính cũng có những cấu trúc kể chuyện được bắt đầu bằng công cuộc tạo dựng, đoạn giữa kể lại vắn tắt việc Đức Kitô xuống thế giữa giòng lịch sử và đưa đến  kết luận là nói về thế giới sắp đến. Các thần học gia chuyên về kể chuyện nhấn mạnh đến việc học thuộc lòng và cử hành các "câu chuyện" Kitô giáo đã hình thành cộng đoàn Kitô hữu ra sao. Các nhà giải thích Thánh Kinh theo phương pháp lịch sử thường đơn giản hóa các câu chuyện phong phú trong Thánh Kinh thành nguồn cho họ tái lập lịch sử.  Phương pháp phân tích bản văn không những cung cấp cho chúng ta những tiếp cận thích hợp với thể văn của Thánh Kinh, mà còn cho chúng ta một phương thế để hiểu vai trò của việc kể chuyện trong đời sống của cộng đoàn tín hữu.  
________________________________________
Giới hạn của phương pháp phân tích bản văn

Có hai điều quan trọng mà các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo phải để tâm đến khi dùng phương pháp phân tích bản văn.  

Trước hết là việc loại bỏ sự thiên lệch về lịch sử trong một số những bài phân tích bản văn. Các học giả chú trọng đến thế giới nằm trong bản văn nhiều khi không còn đếm xỉa gì đến thế giới đứng đằng sau bản văn, là những biến cố lịch sử mà bản văn làm chứng. Đức Tin Nhập Thể của Công Giáo xác quyết sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa trên thế gian, chứ không phải chỉ thế giới nằm trong bản văn Thánh Kinh. Các câu chuyện được kể trong Thánh Kinh, như trong các sách Tin Mừng,  không phải chỉ diễn tả các biến cố tưởng tượng, mà cả các biến cố xảy ra trong lịch sử nhân loại được các chứng nhân kể lại. 

Thứ đến là người ta phải thận trọng về những giải thích văn thể có tính cách chủ quan. Phương pháp giải thích bản văn cho người giải thích nhiều tự do để sáng tạo. Sự sáng tạo này có thể giúp ta dễ hiểu Thánh Kinh, nhưng cũng đưa đến những giải thích sai lầm độc đoán, đặc biệt là khi người giải thích hoàn toàn bất kể đến chủ ý của tác giả và bối cảnh lịch sử.   
________________________________________
Phương Tiện

Books of the Bible, edited by Bernhard Anderson (Scribners) đây là một bộ sách tra cứu hai quyển giới thiệu phương pháp phân tích bản văn cho từng sách trong Thánh Kinh.

Một sách hướng dẫn về các sách chú giải, các bài viết và các tác phẩm khác liên quan đến phương pháp phân tích bản văn (dù không được cập nhật hóa) là của Mark Minors Literary-Critical Approaches to the Bible: An Annotated Bibliography and the sequel Literary-Critical Approaches to the Bible; A Bibliographical Supplement ( Locust Hill Press)
Dictionary of Biblical Imagery. Leland Ryken (InterVarsity) giải thích các hình ảnh, biểu tượng và phép ẩn dụ trong Thánh Kinh. Xin cũng coi, A Complete Literary Guide to the Bible. Ed. by Leland Ryken and Tremper Longman III. (Zondervan)
Các sách chú giải nhấn mạnh đến tiếp cận văn chương là:
•    Sacra Pagina (Tân Ước) một bộ (Liturgical Press)
•    Berit Olam (Cựu Ước) một bộ (Liturgical Press)
________________________________________

Áp Dụng
Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây về đoạn Thánh Kinh bạn vừa nghiên cứu:
•    Đoạn Thánh Kinh ấy thuộc thể văn nào?
•    Đoạn Thánh Kinh ấy thích hợp với cấu trúc văn chương của quyển sách ở chỗ nào?
•    Ai là tác giả, người kể chuyện, và người nói?
•    Ai là độc giả hay thính giả?
•    Tình tiết của đoạn văn là gì?
•    Các nhân vật trong đọan văn là ai?
•    Các kỹ thuật văn chương nào được dùng trong đoạn văn?
•    Các chủ đề và hình ảnh nào được tìm thấy trong đọan văn?
•    Việc phân tích bản văn có giúp bạn hiểu biết thêm về ý nghĩa của đoạn này không?
 
 
 
C.     Thế Giới ngoài Bản Văn (Cộng Đồng Giải Thích)
PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP QUY ĐIỂN
Trình bày / Biện Minh / Giới Hạn / Phương Tiện / Áp Dụng
________________________________________
Trình bày phương pháp:

Phương pháp Quy Điển là phương pháp giải thích Thánh Kinh trong đó chú trọng đến việc các bản văn lịch sử này được cộng đồng tín hữu thu thập lại thành một Quy Điển Thánh Kinh. Đối với những người giải thích Thánh Kinh theo tiếp cận này, quan niệm về quy điển đưa đến ba hiệu quả chính trong việc giải thích Thánh Kinh.

Thứ nhất, sự chú trọng đến những gì xảy ra trước khi bản văn Thánh Kinh được soạn thảo và các nguồn tài liệu có trước đó của các nhà phân tích lịch sử được thay thế bằng việc đặt trọng tâm vào dạng quy điển cuối cùng của Sách Thánh như là một khối duy nhất. Mỗi đoạn được cắt nghiã theo mạch văn của toàn thể cuốn sách.

Thứ nhì, qua việc đặt một sách vào quy điển  Thánh Kinh, sách ấy được đặt vào một khung cảnh mới. Mỗi bản văn Thánh Kinh giờ đây là phần tử của một bộ sách. Quy điển cung cấp cho chúng ta một phạm vi để giải thích Thánh Kinh -- các sách Thánh Kinh được giải thích trong phạm vi của toàn bộ Thánh Kinh.

Thứ ba, "quy điển" ám chỉ một sưu tập các sách "thánh". Quy điển là một sưu tập các bản văn "thánh" có địa vị uy quyền đối với một cộng đồng tôn giáo. Các sách này được công nhân là mặc khải bởi Thiên Chúa, là những thông điệp từ Thiên Chúa, và tiếp tục thích hợp với cộng đồng tín hữu, cùng siêu vượt các giới hạn của tình trạng lịch sử nguyên thủy của chúng. Các nhà chú giải theo quy điển cắt nghĩa các bản văn Thánh Kinh như là những bản văn thánh và cố gắng giải thích ý nghĩa của các bản văn này cho cộng đoàn tín hữu hiện đại.
________________________________________
Biện minh cho phương pháp giải thích Thánh Kinh theo quy điển

Sau khi xác định sự cần thiết phải chú ý đến phạm vi lịch sử và các dạng văn chương của Thánh Kinh, hiến chế về Mặc Khải của Thiên Chúa kêu gọi phải đồng thời chú ý đến phạm vi quy điển của Thánh Kinh:

Vì Thánh Kinh  phải được đọc và giải thích nhờ cùng một Thánh Thần, là Đấng đã viết Thánh Kinh ( dịch khác bản tiếng Anh , xin xem chú thích ), nên phải quan tâm đến nội dung và sự thống nhất của toàn bộ Thánh Kinh … (Dei Verbum 12)

Cần phải giải thích Thánh Kinh theo quy điển vì Hội Thánh hiểu Thánh Kinh như một bộ sách sưu tập các văn bản được Thiên Chúa linh hứng và được Hội Thánh công nhận là quy luật có thẩm quyền về Đức Tin. Điều này có nghĩa là nếu chỉ dùng phương pháp phân tích lịch sử mà thôi thì chưa đủ. Cần phải giải thích theo Thần Học, nghĩa là giải thích Thánh Kinh như những thông điệp của Thiên Chúa gửi cho Dân Chúa qua dòng lịch sử. Hơn nữa, mỗi sách trong Thánh Kinh phải được cắt nghĩa như là một phần của toàn bộ Thánh Kinh. Toàn thể Thánh Kinh đều được linh hứng. Trong sự đa dạng của Thánh Kinh lại có một sự hiệp nhất về chân lý là kết quả của sự linh hứng của Một Chúa Thánh Thần duy nhất, là Đấng thúc đẩy và hướng dẫn các thánh sử viết các sách trong quy điển, được Hội Thánh thu thập và công nhận. Đối với nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo thì sự hiệp nhất này được tìm thấy trong Đức Kitô, là Đấng kiện toàn Cựu Ước và ban cho chúng ta một trọng tâm cho Tân Ước.

Đối với các học giả Công Giáo, việc chú giải Thánh Kinh theo qui điển phải đi song song với việc giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh. "Qui điển" ám chỉ một cộng đồng tôn giáo là cộng đồng có khả năng và thẩm quyền để thừa nhận những sách nào thuộc về quy điển và loại ra ngoài quy điển những sách khác. "Chú giải Thánh Kinh theo Quy điển" chấp nhận "cái cộng đồng lập ra quy điển", là Hội Thánh, như là một phạm vi mà trong đó Thánh Kinh được giải thích.
________________________________________
Chú thích của dịch giả:

Đoạn này chúng tôi không dịch theo bản Tiếng Anh vì bản này dịch mù mờ: "But since holy scripture must be read and interpreted in the same spirit in which it was written,"  mà dịch theo bản Tiếng Pháp "Mais comme lÉcriture Sainte doit être lue et interprétée avec le même Esprit qui la fait écrire" hay là bản La Tinh: "Sed, cum Sacra Scriptura eodem Spiritu quo scripta est etiam legenda et interpretanda sit" cả chữ "qui" của tiếng Pháp và"quo" của tiếng La Tinh đều là đại từ liên tiếp (relative pronoun)chỉ chữ Esprithay Spiritu viết hoa, có nghĩa làChúa Thánh Thần, chứ không viết thường "spirit" như bản tiếng Anh.
Trở lại chỗ cũ
________________________________________
Giới hạn của phương pháp giải thích Thánh Kinh theo quy điển

Việc Công Giáo tôn trọng "lịch sử" của mặc khải đưa đến một số thận trọng đối với tiếp cận quy điển trong việc giải thích Thánh Kinh. Quy điển của Kitô giáo đưa người ta đến việc đọc Thánh Kinh của Do Thái như là "Cựu Ước" được nên trọn trong Tân Ước là làm chứng cho Đức Kitô. Trong Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh, Ủy ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh xác nhận cách đọc Cựu Ước quy chiếu về Đức Kitô này, nhưng khuyến cáo rằng cách giải thích như thế không có nghĩa là hoàn toàn bất chất những ý nghĩa trước đây của những sách Thánh Kinh ấy: 

Phải tôn trọng mỗi giai đoạn của lịch sử Cứu Độ.  Loại bỏ hoàn toàn các ý nghĩa riêng của Cựu Ước có nghĩa là nhổ Tân Ước ra khỏi các cội nguồn trong lịch sử. 

Tôn trọng sự khác biệt về văn chương và thần học của Thánh Kinh đưa đến một sự thận trọng khác về tiếp cận quy điển về Thánh Kinh. Việc giải thích Thánh Kinh theo quy điển cũng phải tôn trọng sự khác biệt về các hình thức văn chương và các quan điểm thần học tìm thấy trong Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh dưới ánh sáng của toàn thể quy điển không có nghĩa là tạo ra những sự hòa hợp hay thống nhất giả tạo bất kể sự khác biệt về các thể văn và quan điểm thần học trong quy điển Thánh Kinh. 

Giải thích theo quy điển cũng phải để ý đến sự khác biệt của các quy điển. Do Thái giáo và Kitô giáo không những chỉ có các sách khác nhau, mà những sách có chung trong hai quy điển lại không được xắp đặt giống nhau, tạo thành hai cấu trúc về quy điển khác nhau cho một tuyển tập tương tự. Trong khi quy điển của Công Giáo và Tin Lành có cách xắp đặt gần giống nhau, nhưng lại khác nhau về nội dung của Cựu Ước. Một số học giả Thánh Kinh thời nay đề nghị một quan niệm về quy điển mở rộng và uyển chuyển hơn  bao gồm cả những sách Hipri và Kitô giáo đã bị loại ra ngoài quy điển hiện hành. Mỗi cách giải thích Thánh Kinh theo quy điển sẽ trình bày lối cắt nghĩa theo phạm vi quy điển của giáo hội mình. Những người đọc Thánh Kinh trong phạm vi quy điển phải đọc với một ý thức về phạm vi quy điển và giải thích của giáo hội xuất bản quyền sách ấy. 
________________________________________
Phương Tiện

Giải thích Thánh Kinh theo quy điển hầu như không còn thịnh hành trong khung cảnh giải thích Thánh Kinh thời đại nữa. Học giả Thánh Kinh Tin Lành, Brevard S. Childs, trong thập niên 1970, đã bắt đầu kêu gọi các học giả Thánh Kinh xét lại phạm vi quy điển của Thánh Kinh. Tác phẩm của ông, Introduction to the Old Testament as Scripture and The NewTestament as Canon: An Introduction vẫn được dùng như một sách nhập môn về giải thích Thánh Kinh theo quy điển.

Các Bách Khoa Tự Điển về Thánh Kinh có thể được dùng để trợ giúp việc giải thích Thánh Kinh theo quy điển, vì các sách này thường có những bài truy nguyên các đề tài Thánh Kinh qua toàn bộ quy điển.

Các Sách Mục Lục (Concordances) có thể được dùng để tìm ra các đoạn chứa đựng chữ muốn tra cứu trong toàn thể Thánh Kinh. (Thảo chương Thánh Kinh hay các Thánh Kinh trên mạng lưới Internet cũng giúp ta tìm được các đoạn này).
Để có thêm ví dụ về giải thích theo quy điển, bạn có thể trở lại các Giáo Phụ và các nguồn tài liệu khác trong phần Giải Thích Thánh Kinh theo Hội Thánh .  
________________________________________
Áp Dụng

Hãy trả lời các câu hỏi dưới đây về đoạn Thánh Kinh của bạn:
•    Đoạn này cho bạn những sứ điệp, hay sự hiểu biết gì về các giáo huấn thần học?
•    Thông điệp thần học của đoạn này có góp phần vào thông điệp thần học của cả cuốn sách chứ đựng đoạn này không?
•    Thông điệp này có góp phần vào giáo huấn chung của Thánh Kinh không?
•    Giáo huấn hay thông điệp của Thánh Kinh nói chung giúp gì cho bạn để hiểu biết về ý nghĩa thần học của đoạn này?
 
 
 
D.    Thế Giới nằm bên dưới Bản Văn (Phạm vi Xã Hội)
GIẢI THÍCH THEO KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ GIẢI PHÓNG
Trình Bày / Biện Minh / Giới Hạn / Phương Tiện / Áp Dụng
________________________________________
Trình bày phương pháp:

Phạm vi xã hội của Thánh Kinh nói về cái thế giới nằm dưới bản văn để đôi khi ám chỉ hoàn cảnh xã hội của tác giả và của các độc giả, là những người đóng góp và sự hình thành tác phẩm gốc và các giải thích các bản văn Thánh Kinh sau đó. 

Nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp khoa học xã hội chú trọng đến hoàn cảnh xã hội trong lịch sử của các tác giả tiên khởi và cộng đồng của họ để biết về sự hiểu biết về xã hội học của bản văn Thánh Kinh.  Tiếp cận này coi ngôn ngữ như phản ảnh các thực thể xã hội. Các phương pháp và học thuyết xã hội, nhân chủng và đôi khi tâm lý được dùng như dụng cụ để "nhìn xuống dưới bản văn" hầu hiểu hoàn cảnh xã hội ảnh hưởng đến tác giả và bản văn thế nào. Bản văn Thánh Kinh được đọc như một tiết lộ vể các trào lưu, cơ chế, và xung đột xã hội, cũng như vai trò của xã hội thời ấy, cùng một thông điệp cho độc giả thời nay cùng với lịch sử xã hội riêng của họ. 

Giải thích Thánh Kinh theo cách Giải Phóng nhấn mạnh nhiều đến hoàn cảnh xã hội của độc giả Thánh Kinh hiện đại trong khi nghiên cứu tình trạng xã hội của các thánh sử. Các nhà thần học Giải Phóng nhấn mạnh rằng độc giả đang bị vướng mắc vào một hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh này sẽ hình thành cách giải thích Thánh Kinh của họ. Các nhà thần học Giải Phóng đặc biệt lo ngại rằng những người chiếm địa vị uy quyền, giàu sang và thế giá trong xã hội sẽ không hiểu được cái thông điệp hùng hồn về giải phóng xã hội nằm trong các bản văn Thánh Kinh. Các nhà thần học này lấy  việc Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ làm then chốt cho cho việc giải thích Thánh Kinh. Thông điệp giải phóng trong cuộc Xuất Hành của dân Israel được tiếp tục qua những lời rao giảng của các ngôn sứ về công bằng và được hoàn tất trong Tin Mừng cho người nghèo của Chúa Giêsu. Để hiểu đúng thông điệp này của Tin Mừng, người ta phải đọc Tin Mừng "cùng với người nghèo" hay từ chỗ đứng của họ trong xã hội của họ, là chỗ đứng của những người cần sự giải phóng mà Thiên Chúa đã hứa. Như thế, việc giải thích Thánh Kinh phải đi đôi với việc phân tích hoàn cảnh xã hội hiện đại cách hoà hợp với thông điệp của Thánh Kinh về giải phóng xã hội cho những người bị áp bức trong xã hội hôm nay.  
________________________________________
Biện minh cho phương pháp giải thích Thánh Kinh theo thuyết xã hội

Đạo Công Giáo xác nhận diện xã hội của công trình của Thiên Chúa trên thế gian. Hiến Chế về Hội Thánh (Lumen Gentium) công bố rõ ràng:

Thiên Chúa không thánh hóa con người và cứu chuộc họ chỉ như những cá nhân không có liên hệ hay dính lứu gì với nhau. (Lumen Gentium 9)

Tài liêu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh chú thích về phạm vi xã hội của việc giải thích Thánh Kinh như sau:

Để tự liên lạc, Lời của Thiên Chúa đã đâm rễ trong đời sống của các cộng đồng nhân loại. 

Bằng việc nhấn mạnh đến phương diện xã hội của ơn cứu độ của Thiên Chúa, nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo sẵn sàng đón nhận việc nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường xã hội mà trong đó mặc khải đã xảy ra. 

Giáo huấn xã hội của Công Giáo cũng dành chỗ cho những đóng góp của việc giải thích Thánh Kinh theo Giải Phóng, mặc dù một vài phương diện của khoa thần học này đã bị phê bình trong các giáo huấn của Hội Thánh. Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo xác nhận "quyền ưu tiên của người nghèo" là trọng tâm của khoa thần học Giải Phóng. Ngay cả trong những tài liệu vạch ra một số sai lầm của khoa thần học Giải Phóng, Hội Thánh cũng xác quyết sự quan trọng và giá trị của việc đọc Thánh Kinh theo nhãn quan và cảm nghiệm của người nghèo, và sự cần thiết của việc giải phóng xã hội:

Một đóng góp rất tích cực, vì môn thần học này làm nổi bật những khía cạnh của Lời Thiên Chúa mà sự phong phú của Lời này chúng ta vẫn chưa hoàn toàn nắm được.  (Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, Giáo huấn về Sự Tự Do và Giải Phóng của Kitô hữu, 70)

Cảm nghĩ này cũng được vọng lại trong Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh:

Thần học Giải Phóng bao gồm những yếu tố có giá trị chắc chắn: một ý thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng cứu độ; sự khẳng định về phương diện cộng đồng của Đức Tin; một ý thức cấp bách về sự cần thiết của việc giải phóng bắt nguồn từ công bình và bác ái; một cách đọc Thánh Kinh mới mẻ trong đó tìm cách làm cho Lời Thiên Chúa thành ánh sáng và của ăn cho Dân Thiên Chúa giữa các cuộc đấu tranh và các niềm hy vọng của họ.  
________________________________________
Giới hạn của phương pháp giải thích Thánh Kinh theo xã hội

Phân tích xã hội của thế giới Thánh Kinh phải luôn được tiến hành với một ý thức rằng tiếp cận này có bản chất thử nghiệm. Chúng ta có một sự hiểu biết rất giới hạn về các môi trường xã hội của các bản văn Thánh Kinh và thường phải dùng các phương thức và lý thuyết được khai triển trong những môi trường xã hội khác.

Giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo cảnh cáo những điểm thần học Giải Phóng quá đáng sau:

•    Đơn giản hóa thông điệp giải phóng của Thánh Kinh thành một thông điệp chỉ nhằm đến việc giải phóng về kinh tế và chính trị, chứ không phải là một cuộc giải phóng toàn diện gồm cả canh tân đời sống thiêng liêng và phục sinh vào sự sống môn đời.
•    Đồng hóa Nước Thiên Chúa với những chương trình chính trị, cách mạng, hay không tưởng nào đó.
•    Áp dụng lý thuyết này vào những cuộc đấu trang giai cấp đến nỗi phủ nhận sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa. 
________________________________________
Phương Tiện
Một sách nhập môn về việc dùng Thánh Kinh trong Thần Học Giải Phóng là sách do Norman K. Gottwald xuất bản, The Bible and Liberation. Orbis, 1983.
________________________________________
Áp Dụng
•    Câu bạn đọc cho thấy gì về hoàn cảnh xã hội mà trong đó sách này được soạn thảo? 
•    Câu này có ám chỉ gì về tình trạng kinh tế, chính trị và xã hội hiện đại không?
 
 
 
E.     Thế Giới đằng sau Thánh Kinh (Cộng Đoàn Giải Thích)
Phạm vi Hội Thánh & Giải Thích theo Hội Thánh
Trình bày / Biện minh / Giới hạn / Phương tiện / Áp dụng
________________________________________
Trình bày phương pháp:

Phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải thích Thánh Kinh trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh. Thánh Kinh đã được phát sinh từ một cộng đoàn Đức Tin, trước hết là dân Israel cổ thời, rồi sau đó là Hội Thánh. Các bản văn Thánh Kinh được thu thập, lưu tuyền, và giải thích trong chính cộng đồng ấy. Môi trường Hội Thánh này đã cung cấp phạm vi mà trong ấy Thánh Kinh được giải thích và thực thi.  Các nhà chú giải Thánh Kinh phải nhìn nhận rằng Hội Thánh là cộng đồng giải thích chính yếu:  

Điểm đặc thù của việc giải thích Thánh Kinh theo Công Giáo là sự thận trọng đặt mình trong truyền thống sống động của Hội Thánh (Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh). 

Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh dựa vào niềm tin rằng Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng các thánh sử, đang tiếp tục hướng dẫn Hội Thánh trong việc giải thích Thánh Kinh: 

Hội Thánh, là Dân Thiên Chúa, ý thức rằng mình được Chúa Thánh Thần giúp đỡ để hiểu và giải thích Thánh Kinh. (Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh) 
 
Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là giải thích Thánh Kinh theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hoạt động trong  Hội Thánh. Sự hướng dẫn này của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh được tìm thấy ở những nguồn sau đây: 

•    Các Kinh Tin Kính và các Công Đồng -- Ngay cả trước khi có Tân Ước thì các tín hữu tiên khởi đã lưu truyền Đức Tin của họ bằng những bảng tóm lược dưới hình thức các Kinh Tin Kính (xem ví dụ về Kinh Tin Kính sơ khai trong I Corinthô 15). Các Kitô hữu đầu tiên cũng nhóm họp các Công Đồng chống lại những sai lạc và làm sáng tỏ nội dung của Tín Điều Kitô (xem TĐCV 15). Các Kinh Tin Kính và các Công Đồng của Hội Thánh, vừa tóm tắt nội dung Đức Tin và sửa sai những sai lầm về tín lý, vừ cung cấp một cơ cấu về tín lý để chúng ta đọc và giải thích Thánh Kinh.

•    Huấn Quyền sống động của Hội Thánh -- Theo Đức Tin của Hội Thánh, huấn quyền của Thánh Phêrô và các Thánh Tông Đồ được trường tồn trong đời sống Hội Thánh qua các đấng kế vị các ngài, là Đức Giáo Hoàng và các đức giám mục, là những người dạy Đức Tin Kitô giáo qua một ân sủng biệt của Đức Kitô và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Các nhà chú giải Thánh Kinh Công Giáo phải tìm sự hướng dẫn từ các giáo huấn tông truyền của các ngài để hiểu Thánh Kinh. 

•    Các Giáo Phụ - Các Giáo Phụ đóng vai trò căn bản và vạc ra quy tắc cho việc hình thành quy điển và trong việc khai triển các cơ cấu về Ba Ngôi và Kitô học, mà trong đó quy điển được giải thích, làm cho các giải thích Thánh Kinh của các ngài tiếp tục có giá trị. Trong khi các nhà chú giải Thánh Kinh thời đại phải dè dặt về các phương pháp ngụ ngôn của các Giáo Phụ, họ phải học từ các ngài cách đọc Thánh Kinh theo thần học trong lòng truyền thống sống động của Hội Thánh, với một tinh thần Kitô chân chính.(Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh). 

•    Các Tiến Sĩ Hội Thánh - Giáo huần của Hội Thánh nhận ra một số người được ơn đặc biệt để thấu hiểu Đức Tin, hiểu biết các mầu nhiệm đức tin, và khả năng chia sẻ sự hiểu biết thâm sâu của họ qua  các bài họ viết và qua đời sống của họ. Các "Tiến Sĩ Hội Thánh" này hướng dẫn các nhà chú giải Thánh Kinh về linh đạo cũng như thần học. 

•    Sensus Fidelium (Cảm quan Tín Ngưỡng) -- Có một sự hiểu biết sống động về Đức Tin Công Giáo được chia sẻ cách khác nhau giữa mọi tín hữu. Đây là sự hiểu biết về Đức Tin Kitô lãnh hội được khi tham dự đời sống bí tích và phụng vụ của Hội Thánh và sống theo đường của Đức Kitô trong đời thường nhật, như Hội Thánh dạy.  Giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh cách chân chính đòi hỏi người giải thích phải đọc Thánh Kinh theo cảm nghiệm là họ thuộc về một cộng đồng diễn giải Đức Tin.
________________________________________
Biện minh cho phương pháp giải thích Thánh kinh theo Hội Thánh

Đức Thánh Cha Piô XII nhiệt tình khuyến khích các học giả Thánh Kinh thời đại đừng bỏ qua sự đóng góp của các Giáo Phụ và Tiến Sĩ Hội Thánh trong công tác giải thích Thánh Kinh. Ngài dựa vào những sự hiểu biết về các thực tại tâm linh đằng sau bản văn mà các vị ấy đã cống hiến mà kêu gọi:
Các nhà chú giải Công Giáo sẽ tìm thấy sự giúp đỡ vô giá trong việc chuyên cần nghiên cứu các tác phẩm mà trong đó các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh và các nhà chú gĩa thời danh trong các thời đại đã qua đã giải thích các Sách Thánh. Vì đôi khi các ngài không được huấn luyện về những kiến thức đời, và hiểu biết về các ngôn ngữ của Thánh Kinh như các học giả của thời đại chúng ta, nhưng vì  chức vụ được Thiên Chúa chỉ định cho các ngài trong Hội Thánh, các ngài lại xuất xắc về việc hiểu biết những sự trên trời, và có một kiến thức đặc biệt giúp các ngài hiểu thấu ý nghĩa thâm sâu nhất của Lời Thiên Chúa. (Divino Afflante Spiritu 28)

Bản Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh lý luận rằng ngay từ thủa ban đầu các bản văn Thánh Kinh được phát xuất từ công đồng Đức Tin cho cộng đồng Đức Tin, là phạm vi cơ bản mà trong đó các bản văn được cắt nghĩa. 

Thánh Kinh nằm trong cuộc đối thoại với cộng đồng tín hữu: Thánh Kinh phát xuất từ các truyền thống Đức Tin của họ ... Cho nên việc giải thích Thánh Kinh xảy ra trong lòng Hội Thánh ... Chính cộng đồng Đức Tin tạo thành nội dung sống động cho các hoạt động văn chương của các tác giả Thánh Kinh ... Một cách tương tự, việc giải thích Thánh Kinh đòi hỏi người chú giải Thánh Kinh phải hoàn toàn tham gia vào đời sống và Đức Tin của cộng đồng tín hữu của thời đại của họ.  
Hiến Chế về Mặc Khải của Công Đồng Vaticanô II nhìn nhận Hội Thánh như là nhà Giải Thích Thánh Kinh dựa vào tác động chung của Chúa Thánh Thần làm cho Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền Hội Thánh nên sống động và linh hứng:

Như thế, hiển nhiên là Thánh Truyền, Thánh Kinh, và Huấn Quyền của Hội Thánh, theo ý định vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa, liên kềt và nối liền với nhau đến nỗi một thực thể không thể đứng vững một mình nếu không có hai thực thể kia. Và dưới tác động của một Chúa Thánh Thần duy nhất, cả ba, theo phương cách riêng, cùng góp phần hữu hiệu vào việc cứu rỗi các linh hồn. (Dei Verbum 10)
________________________________________
Giới hạn của phương pháp giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh

Một nguy hiểm của khoa giải thích Thánh Kinh theo Hội Thánh là việc chỉ dùng Thánh Kinh như một mớ dẫn chứng cho các giáo huấn của Hội Thánh.  Việc dùng Thánh Kinh để dẫn chứng có thể lựa chọn từng câu Thánh Kinh một cách nguyên tử hay lịch sử mà không đếm xỉa đến nội dung văn chương hay lịch sử của các câu Thánh Kinh ấy. Phương pháp này cũng không nhận ra hoạt động của động lực lịch sử mà qua đó giáo huấn của Hội Thánh được hình thành qua dòng thời gian. Người giải thích phải đi từ phạm vi lịch sử và văn chương của một câu Thánh Kinh đến phạm vi Hội Thánh sau đó theo quỹ đạo dẫn từ khung cảnh nguyên thủy đến những giải thích của Hội Thánh tiếp theo đó và đến việc khai triển tín lý. 
________________________________________
Phương Tiện

•    Bộ sách chú giải nhan đề Ancient Christian Commentary on the Scriptures trình bày tuyển tập các bài chú giải của các Giáo Phụ cho từng câu Thánh Kinh một. Bộ mới sẽ được phát và sẽ bao gồn toàn bộ Thánh Kinh. Bộ Faith of the Early Fathers (Jurgens) và bộ Biblia Patristica cũng rất hữu dụng để tìm các giải thích Thánh Kinh của các Giáo Phụ. 

•    Nhiều tuyển tập về giáo huấn Hội Thánh có bảng liệt kê Thánh Kinh và giáo điều nhờ đó bạn có thể tìm các câu Thánh Kinh hay các đề tài về tín lý liên quan đến các câu Thánh Kinh ấy trong tài liệu của Huấn Quyền.  Thí dụ xem bảng liệt kê về The Christian Faith in the Doctrinal Documents of the Catholic Church ( Neuner & Dupuis), Sources of Catholic Dogma (English trans.of Denzinger) và Decrees of the Ecumenical Councils (Tanner)

•    Tương tự, bảng liệt kê Thánh Kinh trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo có thể được dùng để đặt những câu Thánh Kinh vào phạm vi Hội Thánh bằng cách xem các câu này được dùng thế nào và ở đâu trong sách tóm lược giáo huấn của Hội Thánh.

•    The Navarre Bible New Testament (Scepter Publishers) gồm có các chú chú giải của các Giáo Phụ, các Đức Giáo Hoàng, Công Đồng Vaticanô II, Giáo Lý, cũng như các tác giả linh đạo nổi danh như thánh Josemaria Escriva, Cũng đã xuất bản: The Navarre Bible: Pentateuch. (Scepter Publishers) và nhiều sách Cựu Ước khác.
________________________________________
Áp Dụng
•    Hãy tìm trong những giáo huấn mới đây của Hội Thánh các thí dụ về giải thích Thánh Kinh và dùng câu Thánh Kinh bạn chọn. Có thể là các giải thích hay bài giảng của các Giáo Phụ về câu ấy, hay đoạn ấy được nhắc đến trong một Công Đồng, một huấn từ của Đức Thánh Cha, hay trong Sách Giáo Lý Công Giáo. 

•    Hãy nói rõ cách áp dụng đoạn này vào vấn đề tín lý, thần học, linh đạo hay mục vụ. 

•    Đoạn này làm sáng tỏ giáo huấn mới đây của Hội Thánh ở điểm nào?  

•    Giáo huấn mới đây của Hội Thánh làm giúp giải thích đoạn này thế nào? 
 
 
F.      Thế Giới bên trên Bản Văn (Phạm vi Linh Đạo)
ĐỌC LỜI CHÚA THEO LECTIO DIVINA
Trình Bày / Biện Minh / Giới Hạn / Phương Tiện / Áp Dụng
________________________________________
Trình bày phương pháp:

Khi đi vào phạm vi linh đạo của Thánh Kinh, người ta đi qua đi qua nghĩa văn tự của bản văn Thánh Kinh mà đến nghĩa thiêng liêng. Theo tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh năm 1994, nghĩa văn tự của Thánh Kinh không phải là nghĩa đen như trong phái cơ bản, nhưng là nghĩa được diễn tả cách trực tiếp bởi các thánh sử, một nghĩa được hiểu theo phương pháp phân tích lịch sử và văn chương của bản văn. Nghĩa thiêng liêng được hiểu là nghĩa được diễn tả bởi bản văn Thánh Kinh khi đọc dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, trong khung cảnh của Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô và đời sống mới phát sinh từ Mầu Nhiệm ấy. 

Như thế,  có một phạm vi linh đạo trong của các bản văn  Thánh Kinh, và người ta có thể tìm thấy ý nghĩa thiêng liêng khi đi vào phạm vi này. Trong khi một người đi vào phạm vi lịch sử qua việc học hỏi và điều nghiên lịch sử, thì người khác có thể đi vào phạm vi linh đạo của Thánh Kinh qua Niềm Tin vào Đức Kitô và mở lòng ra đón nhận ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần. Phải, nếu có những phương pháp để nghiên cứu Thánh Kinh theo lịch sử, thì cũng có phương pháp đọc Thánh Kinh giúp cho người đọc đi vào ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Kinh. Đương nhiên là phương pháp đưa một người vào vòng ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần và đi sâu vào những cảm nghiệm của đời sống mới trong Đức Kitô phải rất khác các phương pháp đọc Thánh Kinh khác. Phương pháp đọc Thánh Kinh theo linh đạo này được truyền thống Công Giáo gọi là Lectio Divina.

Phương pháp đọc bản văn Thánh Kinh này có 4 giai đoạn: 

1.    Lectio (Đọc) -- Chậm rãi đọc bản văn với sự chú ý và tâm đầu óc cởi mở. 

2.    Meditatio (Suy Niệm) -- Suy niện về đoạn Thánh Linh vừa đọc; tập trung tư tưởng vào đoạn Thánh Kinh ấy; đi vào đoạn Thánh Kinh bằng trí tưởng tượng, tự đặt mình vào biến cố hay sứ điệp trong ThánhKinh.  

3.    Oratio (Cầu Nguyện) -- Đáp lại lời bạn vừa đọc như là một thông điệp Thiên Chúa gửi đến; hướng tâm hồn về Đấng đang nói với bạn qua đoạn Thánh Kinh; nhập cuộc đối thoại thiêng liêng với Thiên Chúa là Tác Giả đoạn Thánh Kinh này. 

4.    Contemplatio (Chiêm Nghiệm) -- Im lặng. Hiện diện. Kính mến. Kết hợp. (Đây là mục đích của đọc Thánh Kinh theo phương pháp thiêng liêng, một mục đích mà chúng ta có thể cố gắng đạt đến, vì chúng ta có thể chuẩn bị, nhưng điều tối hậu chúng ta chỉ có thể nhận được là một món quà ân sủng). 

Tác giả về linh đạo, Á Thánh Columba Marmion, tóm tắt bốn giai đoạn của Lectio Divina như sau:

Chúng ta đọc (lectio) Dưới đôi mắt của Thiên Chúa (meditatio) Cho đến khi Ngài chạm đến tâm hồn chúng ta (oratio) Và nó bùng cháy (contemplatio)

[Trích dẫn từ Thelma Hall trong Too Deep for Words: Rediscovering Lectio Divina, (Paulist, 1988) tr. 44 ]
________________________________________
Biện minh cho phương pháp đọc Thánh Kinh theo linh đạo  

Trong giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, chỉ học Thánh Kinh qua sách vở hay trường học thì không thể hiểu được ý nghĩa của Thánh Kinh, mà phải nhờ cầu nguyện. Cần phải cầu nguyện xin ơn Chúa thì mới hiểu được các câu trong Thánh Kinh.  Các bản văn Thánh Kinh này không thể được hoàn toàn hiểu trong phạm vi lịch sử và văn chương được vì các bản văn này cũng thuộc về phạm vi tinh thần. Cách sách này tuy lúc nào cũng thuộc về thế giới chúng ta, nhưng lại phải được đọc như do trời ban xuống, siêu vượt giương gian,  như là một sự truyền thông và tự tỏ mình ra của Thiên Chúa. Trong diễn từ trước Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh năm 1974 Đức Thánh Cha Phaolô VI ghi chú sự giới hạn của việc nghiên cứu Kinh Thánh kinh viện và sự cần thiết của việc mở tâm trí ra đón nhận sứ điệp của Thiên Chúa:

Cần phải có một sự mở lòng thật sự tuyệt đối với Mầu Nhiệm của Thiên Chúa Tình Yêu, nếu không nhà chú giải sẽ mãi mãi bị mù mờ trong tối tăm bất kể trình độ thức giả của người ấy. 

Điều đáng ghi chú là năm 1943, Đức Thánh Cha Piô XII đã dùng lời khuyên của Thánh Augustinô đểkết luận Tông Thư Divino Afflante Spiritu, một Tông Thư  khuyến khích việc dùng phương pháp lịch sử và văn chương để nghiên cứu Thánh Kinh, rằng:

Vậy, các nhà chú giải các Lời Sấm của Thiên Chúa hãy chăm chỉ thi hành công việc thánh này với tất cả tâm hồn của họ. "Là họ hãy cầu nguyện để họ có thể hiểu." 

Sự cần thiết của việc đọc Thánh Kinh theo linh đạo được đâm rễ trong sự hiểu biết của Công Giáo về Thánh Kinh như là phương tiện truyền thông của Thiên Chúa: 

Bởi vì trong các Sách Thánh, Chúa Cha là Đấng ngự trên Trời gặp gỡ con cái của Ngài với tình yêu cao cả, và nói với chúng; sức mạnh và quyền năng của Lời Chúa thì thật lớn lao đến nỗi Lời này đứng như là một cột trụ nâng đỡ và năng lượng cho Hội Thánh, cho sức mạnh của Đức Tin của con cái Hội Thánh, lương thực cho linh hồn, nguồn sống thiêng liêng tinh tuyền và vĩnh cửu. (Dei Verbum 22)
________________________________________
Giới hạn của phương pháp đọc Thánh Kinh theo linh đạo

Giáo huấn Công Giáo về giải thích Thánh Kinh thường cảnh cáo việc lạm dụng phương pháp giải thích Thánh Kinh theo linh đạo mà dẫn đến các giải thíchchủ quan hoặc ức đoán, với đặc tính là quá ngoại ngôn trong mọi chi tiết của các câu Thánh Kinh. Tài liệu Giải Thích Thánh Kinh trong Hội Thánh  cảnh cáo tất cả những giải thích xa lạvới chủ ý đầu tiên của các thánh sử. Người ta có thể tìm thấy ý nghĩa đầy đủ và thâm sâu hơn của các câu Kinh Thánh trong lịch sử cứu độ khi các câu này được thể hiên qua việc Chúa Giêsu xuống thế, nhưng những giải thích theo linh đạo không được tự tách rời khỏi nguồn gốc của nó mà ở đó Lới nguyên thủy của Thiên Chúa được truyền thông trong lịch sử. 

Đọc Thánh Kinh theo linh đạo cũng phải tránh các giải thích theo cá nhân. Người ta phải đọc và suy niệm về Thánh Kinh trong Đức Tin của Hội Thánh. Các giải thích theo linh đạo của các Giáo Phụ và các tác giả linh đạo sau này, luôn luôn có giá trị và sáng suốt, mặc dù đôi khi các ngài dùng phép dụ ngôn quá nhiều vì các ngài giải thích Thánh Kinh theo suy loại Đức Tin, theo sứ điệp của toàn bộ Thánh Kinh được đọc theo truyền thống quy hướng về Đức Kitô của Hội Thánh.
________________________________________
Phương Tiện

•    Một sách nhập môn về thực hành Lectio Divina hiện đại là sách Too Deep for Words: Rediscovering Lectio Divina (Paulist) của Thelma Hall. Cũng xem bài The Ancient Art of Lectio Divina của Luke Dysinger trên Internet.

•    Các sách của các Thánh, các nhà thần bí, và các vị linh hướng, đặc biệt là các suy tư của các vị ấy về các đoạn Thánh Kinh, có thể được đọc như các mẫu cho Lectio Divina. Các tác giả này có thể được đọc như những nhà chú giải Thánh Kinh khác -- các nhà chú giải này có thể thiếu kiến thức về phạm vi lịch sử hay văn chương (thế giới đằng sau và ở trong bản văn), nhưng đã leo lên đỉnh cao của phạm vi linh đạo (thế giới bên trên bản văn). Có thể tìm thấy nhiều ví dụ trong bộ Classics of Western Spirituality của Paulist Press.  Trong vài trường hợp, các bộ này gồm thư mục về Thánh Kinh có thể được dùng để tìm các suy tư của các tác giả linh đạo về một câu Thánh Kinh nào đó.

•    Message of Biblical Spirituality   là một bộ sách mới được Liturgical Press xuất bản, chú trọng đần sứ điệp thiêng liêng của các sách trong Thánh Kinh. 

•    The Navarre Bible New Testament (Scepter Publishers). Với Tân Ước của RSV và chú giải của các giáo su Đại Học Navarre, Tây Ban Nha,  gồm có các giải t thíchi của các Giáo Phụ, các Đức Giáo Hoàng, Công Đồng Vaticanô II, Giáo Lý, cũng như các tác giả linh đạo nổi danh như thánh Josemaria Escriva, Cũng đã xuất bản: The Navarre Bible: Pentateuch. (Scepter Publishers) và nhiều sách Cựu Ước khác.

•    Mark P. Shea. Making Senses Out of Scripture: Reading the Bible As the First Christians Did. (Basilica Press) cung cấp cho chúng ta bài học nhập môn vầ bốn nghĩa của Thánh Kinh, trong đó nghĩa văn chương, và linh đạo của các đoạn văn Thánh Kinh được hoà hợp với nhau. 

•    Một tác giả linh đạo Việt Nam mà bạn nên đọc là Đức Cha JB Bùi Tuần (Chú Thích của dịch giả) và Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn văn Thuận...

________________________________________
Áp Dụng

Hãy đọc một số bài trên Internet về Lectio Divina và thực hành cách vừa đọc Thánh Kinh vừa suy niệm và cầu nguyện này bằng đoạn Thánh Kinh của bạn. Hãy ghi lại những gì bạn hiểu được trong câu này hay ghi lại một lời cầu nguyện để đáp lại lờ trong câu này. Lectio Divina giúp bạn hiểu câu này thế nào? (Nhớ giử sự liên tục giữa nghĩa lịch sử và văn tự với câu này và sự hiểu biết tâm linh mà bạn đạt được nhờ suy niêm và cầu nguyện). 

Tìm một thí dụ về những suy niệm về bài Thánh Kinh của bạn theo linh đạo trong thủ bút của một vị Thánh, một nhà thần bí, hay một tác giả linh đạo khác. Tác giả giúp bạn hiểu thêm gì về đoạn văn? So sánh với những giải thích thiên về phương pháp phân tích lịch sử và văn chương, thì những hiểu biết này thế nào? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét