Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Câu hỏi 79. Tại sao phải xưng tội với một linh mục trong khi tôi có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa?

Câu hỏi 79. Tại sao phải xưng tội với một linh mục trong khi tôi có thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa?

(từ Internet)
Có nhiều tên gọi khác nhau cho bí tích Thống Hối, bao gồm hòa giải, xưng tội và tha tội, và tất cả đều gợi ra lý do tại sao người Công Giáo lại xưng tội với một linh mục. Linh mục cử hành (bí tích) “nhân danh Đức Kitô” (In Persona Christi), hoặc trong ngôi vị của Chúa Kitô. Đó không phải là vị linh mục ấy giải thoát hối nhân khỏi tội lỗi; đúng hơn, chính là Đức Giêsu Kitô qua thừa tác vụ bí tích của linh mục. Những lời xá giải, hoặc tha tội, gợi ý về điều này, vì những lời này được nói ở ngôi thứ nhất. Nếu ngôi thứ nhất “tôi” quy về vị linh mục, thì bí tích sẽ không có hiệu lực. Đúng hơn, ngôi thứ nhất quy về Chúa Kitô. “Tôi tha tội cho anh (chị), nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Thứ hai, bí tích là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Bí tích là cách thế chính yếu để Thiên Chúa truyền thông ân sủng, ơn cứu độ của Ngài trong chúng ta. Bí tích Thống Hối là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng chữa lành. Chính nhờ những lời xá giải mà công phúc của máu thánh Chúa Kitô đổ ra trên hối nhân. Nhờ vậy, chúng ta được chữa lành và tha tội trong máu của Đức Kitô.
Thứ ba, mọi tội lỗi, dù cá nhân đi nữa, đều xúc phạm đến chính Thiên Chúa Toàn Năng. Giống như Adam và Eva, đầy ngạo mạn qua ý thức và ý chí tự do, chúng ta quyết định điều tốt nhất cho mình thay vì để cho Thiên Chúa định đoạt. Theo quan niệm cổ điển, tội được định nghĩa là việc quay lưng lại với Thiên Chúa để hướng về một điều gì đó thấp hèn hơn. Vì mọi tội lỗi, nói cho cùng, đều liên quan đến kiêu ngạo, nên bí tích Thống Hối là một hành vi khiêm nhường thực sự, chống lại sự kiêu ngạo. Đó là một kinh nghiệm khiêm nhường khi thú nhận một tội lỗi sâu kín nhất của mình cho người khác, mặc dù người đó là một linh mục, đang cử hành nhân danh Đức Kitô. Bằng hành động khiêm hạ này, chúng ta bày tỏ với Thiên Chúa Toàn Năng rằng chúng ta thực sự thống hối khi chúng ta xúc phạm đến Ngài. Việc đền tội mà vị linh mục đề ra giúp chúng ta đền trả lại hành vi phạm tội của mình và thực hành nhân đức khiêm nhường. Mặc dù việc đền tội không tẩy xóa được xúc phạm mà tội lỗi chúng ta gây ra chống lại Thiên Chúa Toàn Năng, nhưng nó chắc chắn giảm nhẹ tội lỗi của chúng ta.
Thứ tư, bí tích Thống Hối là bí tích hòa giải. Tội lỗi không chỉ ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa, nhưng còn phá vỡ tương quan của chúng ta trong Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô. Tội lỗi chia cắt chúng ta khỏi tương quan đó. Do đó, bí tích Hòa Giải không chỉ khôi phục tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, mà còn phục hồi chúng ta cho Giáo Hội. Sự tha thứ thực sự bắt đầu bên ngoài việc xưng tội. Thái độ thật lòng ăn năn và dốc lòng chừa phải đi trước việc xưng tội, nhưng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã thiết lập bí tích này như là cách thức thông truyền ơn tha thứ của Ngài.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 112.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét