Ba căng thẳng tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về vùng Amazon
Mauricio Lopez Oropeza (https://www.facebook.com/vaticannews/posts/mauricio-lopez-oropeza-executive-secretary-of-the-pan-amazonian-ecclesial-networ/2564790203532568/), đồng sáng lập viên và là tổng thư ký của Mạng Lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (REPAM) một cơ quan được thành lập năm 2014 tại Brasilia, có bài nhận định sau đây về Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về vùng này.
Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Toàn Vùng Amazon đang và ngày càng trở thành một Thượng Hội Đồng vượt xa lãnh thổ mà nó đặt cơ sở. Tuy thế, chúng ta không nên quên tập chú địa dư đặc biệt của nó vì điều này có thể làm giảm cơ hội tạo ra những thay đổi và quan điểm cần thiết để Thượng hội đồng đáp ứng hữu hiệu trước tình huống đặc thù đang cần một sự chuyển đổi trong cung cách Giáo hội hiện diện ở đấy. Điều rất quan trọng là Thượng hội đồng về Toàn Vùng Amazon không nên mất đi sự liên quan và cảm thức thuộc về của mình, và trên hết, khả năng của nó trong việc loan báo đích thực Tin mừng giữa các điều kiện phức tạp đầy mong manh và khiếm diện như thế liên quan đến Giáo hội, đầy chết chóc xuất phát từ các hình thức thống trị, hủy diệt và hoạt động khai khoáng ngày càng gia tăng trên lãnh thổ, và cho việc chấp nhận và nhìn nhận cần thiết đối với ân sủng và mặc khải của Thiên Chúa giữa sự đa dạng văn hóa của các dân tộc nguyên thủy (bản địa) và các cộng đồng khác, và cách họ sống thực niềm hy vọng và sự phản kháng của họ để tồn tại và ở lại đó.
Vì vậy, rõ ràng đây là một Thượng Hội Đồng được tổ chức trong sự căng thẳng giữa các thái cực hoặc cực đoan bổ sung cho nhau. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội thực sự cho việc thay đổi cần thiết và mong đợi trong Giáo hội và cách Giáo Hội hiện diện trong thế giới. Như một sự suy tư về sự Hợp nhất trong Đa dạng và chiều kích Ba Ngôi của đức tin của chúng ta, căn cứ vào kinh nghiệm bản thân trong các diễn trình và giai đoạn khác nhau của Thượng hội đồng hiện tại, tôi xin trình bày ở đây những gì tôi cho là BA CĂNG THẲNG TRỌNG YẾU quanh và trong Thượng Hội Đồng Amazon. Tôi hy vọng rằng chúng được dùng như các chìa khóa để hiểu được thời điểm hiện tại của Giáo hội, những gì phải đặt ra và những gì được tranh luận, trong Thượng hội đồng Toàn Vùng Amazon này:
Một mặt, chúng ta có sự căng thẳng về
1. KÍCH CỠ. Thượng hội đồng hiện tại tập chú vào một chiều kích lãnh thổ chuyên biệt, với những thách thức và đặc điểm rất đặc thù đòi hỏi nơi Giáo hội một kiểu hiện diện và đáp ứng phù hợp với thực tại này. Về điểm này, chúng ta có thể nói đến việc lãnh thổ xuất hiện như một nguồn cứ liệu (locus) thần học mới, và một chủ đề giáo hội mới trong chiều kích lãnh thổ của nó. Điều này mang theo nó những hệ luận nghiêm trọng đối với chính cơ cấu của Giáo hội, xét vì khái niệm lãnh thổ, hay đất hứa trong truyền thống cổ xưa, là một yếu tố đem lại ý nghĩa và bản sắc và là nguồn nâng đỡ lý do hiện hữu và sứ mệnh của Giáo hội: nhưng trong truyền thống theo chân Chúa Kitô, nó cũng là lời kêu gọi không ngừng tìm cách khám phá ra Thiên Chúa nhập thể trong Chúa Giêsu, nghĩa là, nằm trong một lãnh thổ, trong một nền văn hóa và bối cảnh chuyên biệt, và tiếp tục trở thành nhập thể trong diễn biến thay đổi của thời gian.
Trong lĩnh vực Khoa học xã hội, cũng cần phải công nhận lãnh thổ như một cấu trúc xã hội và có tính biểu tượng, một cấu trúc cần được xem như một mạng lưới tương quan phức tạp, hiểu biết qua lại, thừa nhận nhau và phụ thuộc lẫn nhau. Đây là một viễn cảnh giúp chúng ta hiểu mối tương quan của các lãnh thổ với các khía cạnh bề ngoài không rờ mó được như văn hóa và linh đạo của chúng ta, với các môi trường tự nhiên xung quanh mang lại cho chúng ta sự sống, và với lịch sử của chúng ta. Ngoài ra, trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên, trường hợp của Toàn Vùng Amazon cũng đặc biệt có liên quan, vì nơi đây, lãnh thổ được hình thành như một sinh quần (biome) hoặc một đơn vị sinh thái vốn là một hệ thống sống của các mối tương quan hữu cơ phức tạp xác định ra các khía cạnh chuyên biệt của hệ thực vật, động vật và tính siêu đa dạng sinh học (mega-biodiversity).
Đó là một thực tại, như được nêu ra trong Tài liệu Chuẩn bị, trong đó:
Trong rừng Amazon, có tầm quan trọng sống còn đối với hành tinh, một cuộc khủng hoảng sâu xa đã phát khởi, do sự can thiệp kéo dài của con người trong đó, “nền văn hóa vứt bỏ” (LS 16) và não trạng khai khoáng chiếm ưu thế. Amazon là một vùng có tính đa dạng sinh học phong phú, nó có tính đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tín ngưỡng, một tấm gương phản chiếu toàn bộ nhân loại, một tấm gương, để bảo vệ sự sống, đòi phải có các thay đổi về cơ cấu và bản thân của toàn thể nhân loại, của các Nhà nước và của Giáo hội.
Và mặt khác, chiều kích phổ quát của Giáo hội, trong đó nhu cầu đồng hành với các hành trình cải cách giáo hội từng truyền cảm hứng cho chúng ta từ Công đồng Vatican II là điều rõ ràng hiển nhiên, và được phát biểu rõ ràng trong mô hình mục vụ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mong muốn cho toàn thể Giáo hội, nơi tương lai được trình bày như là mang lại hy vọng và thử thách. Theo cách này, Thượng hội đồng có thể, và nên, đóng góp sự soi sáng trong một tổng quan phổ quát, khẳng định tính hai mặt hoặc trọng tâm kép của Thượng hội đồng này khi nói đến tầm nhắm của nó:
Những suy tư của Thượng hội đồng đặc biệt vượt ra ngoài phạm vi chỉ có tính giáo hội đúng nghĩa của Amazon, bởi vì chúng tập chú vào Giáo hội hoàn cầu cũng như vào tương lai của cả hành tinh. Chúng ta bắt đầu từ một lãnh thổ chuyên biệt mà từ đó chúng ta muốn xây dựng một cây cầu hướng tới các sinh quần chủ yếu khác trong thế giới của chúng ta: Lưu vực Congo, hành lang sinh học của Trung Mỹ, rừng nhiệt đới của châu Á và Thái Bình Dương, tầng nước ngầm Guaraní, và nhiều nơi khác.
Để trả lời cho vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra: Đây có phải là 1 Thượng hội đồng chỉ dành cho Toàn Vùng Amazon hay dành cho cả Giáo hội hoàn cầu từ một thực tại chuyên biệt là thực tại Amazon? Và, xét vì chúng ta biết rằng Thượng hội đồng phải đáp ứng cả hai chiều kích nối kết qua lại và phụ thuộc lẫn nhau này, chúng ta cũng cần phải hỏi, Đâu là các hệ luận mà Thượng hội đồng này và chiều kích kép của nó sẽ mang lại cho tương lai sứ mệnh của Giáo hội cả trong chính lãnh thổ lẫn cho toàn thể Giáo hội hoàn cầu?
Ở một bình diện khác, trong chủ đề và tiêu đề mà Đức Giáo Hoàng đã quyết định cho Thượng hội đồng: “Vùng Amazon, những Nẻo Đường mới cho Giáo hội và cho một Hệ Sinh thái Toàn diện”, một sự căng thẳng lớn thứ hai được phát biểu về
2.TÍNH THỜI GIAN – THỜI. Một mặt, chủ đề và tiêu đề của Thượng hội đồng nói với chúng ta về lời kêu gọi khẩn cấp phải chuyển đổi về Mục vụ trong cụm từ “Những Nẻo đường mới cho Giáo hội”, một cụm từ chắc chắn muốn trình bầy nghị trình mục vụ của Tông huấn “Evangelii Gaudium: về việc công bố Tin mừng trong thế giới ngày nay”, một tông huấn phản ảnh nỗ lực của triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô để giải thích các dấu chỉ thời đại và kêu gọi phải có một cách để trở thành Giáo hội biết hiệp thông và phục vụ Nước Trời trong bối cảnh hiện tại này, y hệt như nó hiện là, và không dựa vào cách đọc lỗi thời về nó. Đó là khoảnh khắc mà chúng ta có thể xác định một cách dứt khoát là “Kairos” (hoàng thời), vì chúng ta có thể thấy các đặc điểm chuyên biệt của sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa và của lời kêu gọi đến với Người, giữa một thế giới đang đi tìm mầu nhiệm, trong một thực tại bị phân mảnh, trong đó, Giáo hội nhận diện được lời Chúa Thánh Thần kêu gọi đồng hành với tiến trình này trong một “cuộc nối vòng tay lớn truyền giáo”. Đây là một lời kêu gọi làm môn đệ truyền giáo, làm chứng cho một Giáo hội đáng tin cậy, với một ơn gọi rõ ràng để nhận ra và chấp nhận sự đa dạng, nhập thể vào nó và khẳng định nó như biểu thức của Thiên Chúa.
Và ở cuối đầu kia của sự căng thẳng thứ hai này, chính chủ đề của Thượng hội đồng ngỏ với chúng ta về lời kêu gọi phải đạt tới một “hệ sinh thái toàn diện” như một sự hiện diện và sống như Giáo hội. Về căn bản, đó là một lời kêu gọi Chuyển đổi Sinh thái, mà hành trình của nó được trình bầy rõ ràng trong Thông điệp “Laudato sí: Về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”. Giống như ở điểm trước, điểm này mang lại cho chúng ta một cách đọc ngắn gọn và sâu sắc về các dấu chỉ thời đại, nhưng trong trường hợp này dựa vào cuộc khủng hoảng hành tinh ở quy mô không bao giờ tưởng tượng hoặc dự đoán được, trong đó chính tương lai của con người và của hành tinh đang gặp nguy cơ.
Chúng ta thấy mình đối diện với một lời kêu gọi phải thay đổi cách chúng ta liên hệ với mẹ và chị đất và tất cả những gì bà đại diện về tính đa dạng của các của cải sáng thế, phải thay đổi căn bản trong mối liên hệ của chúng ta với nhau, vì chúng ta đã thiết lập một diễn trình khai thác và tích lũy chưa từng có (“văn hóa vứt bỏ”), một diễn trình đã đem hành tinh này đến trạng thái phải chăm sóc cao độ và đến cùng kiệt các giới hạn của nó. Đây là một lời mời bắt buộc phải thay đổi mối liên hệ bằng một cảm thức huyền nhiệm, thừa nhận rằng chúng ta cần suy nghĩ lại nền linh đạo của mình để tìm ra một thứ linh đạo đơn giản hơn, dựa trên điều cốt yếu, và có thể giúp chúng ta hiệp thông thực sự với chị- mẹ đất, với các anh chị em của chúng ta trên thế giới này, nhất là những người bị loại trừ nhất nhưng đang bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và với Thiên Chúa của sự sống, Đấng muốn một tương lai có thể có cho những thế hệ sắp đến.
Nói tóm lại, đây là một thời điểm đòi hỏi một sự thay đổi thực sự và tức khắc, và vì thế nó cần phải được xem như một thời của “cronos” (thời gian theo nghĩa trôi qua). Điều đó có nghĩa: thời gian trôi nhanh không tài nào hãm được đến mức nếu chúng ta không làm điều gì đó có ý nghĩa để thay đổi tình hình, thì có lẽ đã quá muộn. Một thay đổi cụ thể, hữu hình, khẩn cấp và không thể thương lượng, dựa trên viễn kiến một Hệ sinh thái toàn diện cho Thượng Hội Đồng này. Liệu một Thượng Hội Đồng có thể diễn giải khoảnh khắc “hoàng thời” này để nắm được sự mặc khải của Thiên Chúa, Đấng đòi ta một sự chuyển đổi mục vụ tiệm tiến nhưng nhất định phải có, đồng thời, có thể thực hiện một lời kêu gọi có tính tiên tri và hữu hiệu để chuyển đổi ở bình diện vật chất và trong các mối liên hệ, trước cuộc khủng hoảng xã hội môi trường lớn lao của hành tinh trong một thời “cronos” (thời trôi qua)? Điều này mà không có điều kia sẽ không đầy đủ, và không trọn vẹn.
Và cuối cùng, có một sự căng thẳng lớn thứ ba về
3. CUỘC CẢI CÁCH ĐANG TIẾN HÀNH bên trong Giáo hội. Sự căng thẳng này được liên kết với hai sự căng thẳng trước đó, trong chừng mực chúng ta coi nó như một điểm đến của diễn trình mặc khải và kêu gọi chuyển đổi từ Công đồng Vatican cho đến nay. Một cuộc cải cách đang trong diễn trình, vẫn chưa trọn vẹn do năng động tính tự nhiên của Giáo hội và của thế giới, như một biểu thức cho hành động sáng tạo của Thiên Chúa luôn chuyển vận, nhưng đang đạt tới, hoặc mong muốn đạt tới, một số điểm thành toàn trong thời điểm hiện tại.
Ở đây, sự căng thẳng, trước hết, được phát biểu giữa một thái cực tìm kiếm sự liên tục của điều chúng ta coi như mô hình của Tính trung tâm: một tâm thức có tính truyền thống hơn, được liên kết với một Giáo hội dưới hình thức tập trung quyền hành vốn có tính phẩm trật và theo chiều dọc một cách áp đảo đứng cao trên Giáo Hội ngoại vi. Cách làm Giáo hội như thế liên hệ với phong cách bảo tồn nhiều hơn, một phong cách chỉ chăm sóc một số khía cạnh thiết yếu nào đó trong bản sắc giáo hội của chúng ta, nhưng có lẽ, đã đánh mất khả năng biện phân được liên kết chặt chẽ hơn với một tình huống đang thay đổi một cách năng động và, như một kết quả, thấy khó mà khám phá được và tự cho phép mình được đánh động và lên khuôn bởi sự mới lạ thường trực của sự mặc khải của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đặt để trong thời gian và không gian và, do đó, đối kháng với sự thay đổi.
Điều cần là chăm sóc toàn bộ cơ thể giáo hội của chúng ta, bảo vệ tương lai của nó và duy trì các yếu tố quan trọng của đức tin chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận diện nơi nào mong muốn bảo tồn đã khiến chúng ta quên mất sự phong phú to lớn trong tiến trình năng động của Thiên Chúa được mặc khải giữa tính đa dạng, hoặc còn hơn nữa, nơi nào chúng ta đã quên mất Chúa Kitô bị đóng đinh, Đấng đang hiện diện tại biên giới đa dạng của thế giới chúng ta ngày nay. Có một lời kêu gọi trở thành một sự hiện diện nhập thể, được hội nhập văn hóa và có tính liên văn hóa, yêu cầu chúng ta phải là một Giáo hội có khả năng tự tổ chức lại, từ bỏ một số an toàn cơ cấu, đi ra ngoài và gặp gỡ những người bị thương tích và bị gạt qua một bên. Và điều này ngày nay thật khẩn cấp xiết bao ở Toàn Vùng Amazon, một lãnh thổ rất được thèm muốn và bị bóc lột, và đối với người dân của nó.
Và ở phía bên kia của sự căng thẳng này, một nỗ lực để xây dựng một Giáo hội có tính đồng nghị (synodal) hơn. Nghĩa là, một Giáo hội có khả năng tự duyệt xét lại nội bộ của mình để thay đổi nhịp bước của mình, thay đổi cách hiện diện và nhận ra những chủ đề đa dạng đang nài nỉ Giáo Hội đồng nhịp với các người nam nữ ngày nay, những người vốn là đối tượng của cứu chuộc. Một Giáo hội được tổ chức theo mô hình cai trị có tính đồng nghị hơn, hoặc có tính tham gia hơn, có tính hợp đoàn hơn, hiệp thông nhiều hơn và thiết lập ra các cơ cấu và tiêu chuẩn mới giúp nó khả năng sánh bước và cùng nhịp với các tiếng khóc than và hy vọng của thực tại, có khả năng kết hợp sự mới mẻ phát xuất từ sự phong phú của tính đa dạng. Và một lần nữa, cùng với người dân và những nhà truyền giáo từng tự mình nhập thân một cách nghiêm túc, Toàn Vùng Amazon có được bao nhiêu để dạy chúng ta những cách thức mới mẻ, các hình thức mới mẻ và một viễn kiến sâu sắc về bí tích và thừa tác vụ, vốn có ý nghĩa trong thời gian và không gian này và với những người này.
Một Giáo hội có tính đồng nghị phải đảm nhận việc tái cấu trúc cách thức hiện diện và hoạt động của nó để tiếp nhận việc aggiornamiento (cập nhật hóa) này, từng bắt đầu đã hơn 55 năm trước nhưng nay vẫn chưa trọn vẹn, và với một tầm nhìn đồng nghị tìm cách đạt tới điểm thành toàn thực sự. Chỉ cần đọc một số trích đoạn trong Tông Hiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Episcopalis communio: Về Thượng hội đồng Giám mục”, có tính quan phòng và được trình bày một cách chiến lược với Thượng hội đồng Toàn Vùng Amazon trong tâm trí, để nhận diện các đặc điểm của sự căng thẳng thứ ba này. và cho phép chúng ta biện phân được nơi Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta để Thượng hội đồng này có thể dõi sáng cho sự chuyển đổi rất cần thiết:
Thượng hội đồng giám mục cũng phải được chuyển đổi ngày càng nhiều để trở thành dụng cụ ưu tuyển để nghe Dân Thiên Chúa: “Trước nhất, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần, cho các nghị phụ Thượng hội đồng, được ơn biết lắng nghe: nghe Thiên Chúa và nghe với Người tiếng than khóc của người ta; hãy lắng nghe người ta, để thổi vào họ sự lựa chọn mà Thiên Chúa vốn kêu gọi chúng ta chọn” [23].
Trong tài liệu về cơ cấu và bản sắc này, một khao khát đã được phát biểu muốn có một Giáo hội có tính đồng nghị hơn trong hiến pháp của mình, và vì là một Tông Hiến, nó xác nhận rằng có thể cải tổ và tái dựng cơ cấu giáo hội để đặt Giáo Hội vào thế phục vụ ngày càng gần gũi hơn với những gì thời điểm hiện tại đòi hỏi, và do đó, chuyển từ chính sách bảo tồn sang chính sách hoán cải mục vụ và xã hội sinh thái cấp bách hướng tới chính sách đồng nghị. Đây là các hoán cải triệt để, hay đúng hơn, các hoán cải tận gốc và lâu bền.
Ở bình diện này, có một sự căng thẳng rõ ràng với một số khía cạnh của Bộ Giáo luật, mặc dù không quá đáng khi nói rằng đây là một bộ pháp lý có thể thay đổi trong Giáo hội của chúng ta để đáp ứng Thần Khí sâu sắc nhất của mặc khải Thiên Chúa, chứ không phải là một ngôn từ bất di bất dịch được khắc vào đá, ngược với lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải có sự đồng nghị lớn hơn như đã được phát biểu trong Tông Hiến Episcopalis Communio.
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa sự sống để chúng ta, với những cố gắng đức tin và khả năng tốt nhất biết đọc các dấu chỉ thời đại, để trong khoảnh khắc “đồng nghị” này, với lãnh thổ Amazon và người dân bản địa và các cộng đồng đa dạng của nó như khuôn mặt của Nhập thể, và trong mầu nhiệm đa dạng sinh học to lớn của nó như nói lên khuôn mặt của Thiên Chúa, chúng ta có thể biến đổi chính mình, chọn sự sống, và vinh danh nó. Chúng ta hãy cởi dép ra và đối đầu với các dấu hiệu hủy diệt nghiêm trọng đang đè nặng lên không gian linh thánh này, nơi những khuôn mặt đa dạng của Chúa Kitô nhập thể vẫn còn đang bị đóng đinh. Chúng ta hãy hy vọng rằng chúng ta sẽ được phép đạt tới các cải cách cần thiết. Chúng ta cũng cầu xin cho được sự biện phân tế vi và rõ ràng, để có thể vượt qua các quan điểm phân tán hoặc chủ nghĩa cực đoan với các thái cực của chủ nghĩa bảo thủ chuyên bác bỏ việc thay đổi bất cứ điều gì, và những người tìm cách tự phục vụ mình và các thay đổi chỉ nhằm dễ dãi với chính họ mà thiếu bản sắc giáo hội.
Chớ chi chúng ta biết cách gieo các hạt giống chuyển đổi giữa khoảnh khắc Hoàng Thời này, và có khả năng đáp ứng một cách tiên tri, bằng sức mạnh của Giáo hội tử đạo Amazon, trước cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội nghiêm trọng này, vì tình thế không còn chịu đựng thêm nữa.
Tôi xin kết thúc suy tư này bằng một trích dẫn từ tông hiến Episcopalis communio giúp chúng ta hy vọng và chuẩn bị sức mạnh cho khía cạnh quan trọng nhất của Thượng hội đồng, đó là, giai đoạn thực thi sau Thượng hội đồng trong đó chúng ta có thể biện phân và nhận được sức mạnh từ 3 căng thẳng được nêu ra ở đây:
- KÍCH CỠ: giữa tính lãnh thổ và tính phổ quát.
- TÍNH THỜI GIAN - THỜI: giữa Hoàng Thời (kairos) của “những nẻo đường mới cho Giáo hội” và thời gian trôi qua (cronos) của việc khẩn cấp phải ứng phó với cuộc khủng hoảng xã hội môi trường nhờ một nền sinh thái toàn diện.
- Và, đối với việc CẢI CÁCH ĐANG TIẾN HÀNH: giữa tính trung tâm và tính đồng nghị.
Và cuối cùng, việc cử hành Phiên Họp Thượng hội đồng phải được tiếp theo bằng giai đoạn thực thi (...) Điều cần là phải nắm rõ ràng rằng «các nền văn hóa rất khác biệt với nhau và bất cứ nguyên tắc chung nào (...) cũng cần được hội nhập văn hóa nếu nó muốn được tuân giữ và áp dụng »[31]. Nhờ cách này, người ta có thể thấy tiến trình đồng nghị đã có khởi điểm và đỉnh cao của nó trong dân Chúa, mà trên đó, các ơn Chúa Thánh Thần sẽ tuôn đổ suốt trong cuộc họp của các Mục tử.
Kỳ tới: Đón đọc nguyên văn Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Amazon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét