Cẩm nang hỏi đáp Triết học (Câu 127 – 129) TRIẾT HỌC TRUNG CỔ
- Triết học Trung cổ là gì?
Triết học Trung cổ là giai đoạn lịch sử của tư tưởng từ thế kỷ thứ Tư cho tới thế kỷ thứ Mười bốn, vốn chiếm ưu thế bởi những mối quan tâm về mặt tôn giáo, nghiên cứu về Triết học Thượng cổ Hy lạp và một đòi hỏi để hòa hợp vấn đề lý trí với niềm tin tôn giáo. Một cách chính yếu nhưng không phải hoàn toàn như vậy, giai đoạn này bị giới hạn về những mối liên hệ của Học thuyết Kitô Giáo. Vì thế, vào thế kỷ thứ Tư, thánh Augustine (354-430) đã đưa Kitô Giáo và nền tảng triết học vào những lãnh vực chính trị và đạo đức. Cuối kỷ nguyên này, Nicolas thành Oresme (1323-1382), trong khi trình bày những học thuyết thuộc trường phái Aristotle về chuyển động lại được phê chuẩn bởi Giáo hội, ông đã có thể tính toán về vi phân và hình học tọa độ trước cả những học thuyết về cơ học của Galileo.
- Triết học Kitô giáo khác biệt với thần học Kitô giáo như thế nào?
Công việc chính yếu của các thần học gia Kitô giáo thời Trung cổ là phải trình bày có tính học thuật về học thuyết Giáo Hội Công Giáo, họ không đặt vấn đề về những tiền đề nền tảng hay nội dung về tôn giáo vốn được dựa trên Kinh Thánh Tân Ước của nó. Việc làm chính của các triết gia Kitô giáo thời Trung cổ là phải giải thích làm thế nào để chấp nhận tri thức vốn không có nguồn gốc từ Kitô giáo hòa hợp với Thần học Kitô giáo. Sự phân biệt này không được thực hiện nơi tác phẩm thuộc Giáo hội thời sơ khai, như những bài viết của thánh Augustine chẳng hạn.
- Vai trò của thánh Augustino ngay trong thời kỳ đầu của triết học Trung cổ là gì?
Thánh Augustine, tên đầy đủ là Aurelius Augustine (354-430) là một nhân vật chủ chốt trong thời kỳ chuyển tiếp giữa tư tưởng cổ điển và Trung cổ. Một số người nhìn nhận ngài như là người cuối cùng trong số những tư tưởng gia vĩ đại thời kỳ cổ điển, trong khi những người khác cho rằng ngài là nhà tư tưởng đầu tiên của thời kỳ Trung cổ. Ngài sinh sống vào thời kỳ suy tàn của Đế quốc Roma, với cảnh chính trị rối loạn và những thất bại về mặt quân sự, đồng thời có sự chấp nhận Kitô giáo như là tôn giáo chính thức của chính quyền Roma. Chỉ ngay trước khi thánh Augustine qua đời, những người Vandals (những người phá hoại nền văn hoá) đã đốt bỏ và tàn phá thành Hippo, nơi ngài làm giám mục.
Những trước tác có ảnh hưởng nhất của thánh Augustine bao gồm: Tự Thú (Confessions), bàn về Ba Ngôi (On the Trinity), Bàn về Sáng thế theo Thánh thư (On Genesis According to the Letter), và Thành đô Thiên Chúa (City of God). Tất cả những tác phẩm này phản ánh đức tin của ngài sau cuộc hoán cải và cung cấp một cấu trúc về mặt tri thức cho nhiều tác phẩm Kitô giáo sau đó. Mặc dù lúc đầu ngài được giáo dục về mảng tu từ, nhưng những nghiên cứu sau này của ngài về chủ nghĩa Tân-Plato lại chịu ảnh hưởng sâu xa bởi hiểu biết về mặt tôn giáo. Hơn nữa, ngài tiếp cận lãnh vực triết học dưới khía cạnh là nó có thể phục vụ tôn giáo như thế nào, hơn là như một môn học có giá trị trong nội tại của chính nó. Vị thế thứ yếu của triết học này được chấp nhận rộng rãi bởi các triết gia thuộc toàn bộ giai đoạn Trung cổ. Augustine là một trong số những Giáo phụ thời đầu của Giáo hội và được tuyên phong như một vị thánh, bởi những tiếng tung hô của dân chúng, và như là truyền thống trong suốt những thế kỷ đầu của Giáo hội Công giáo.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Naomi Zack, Ph.D., The Handy Philosophy Answer Book, (Visible Ink Press, 2010), 57-58
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét