Trang

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2019

Câu 84 & 85: Việc xưng các tội lập đi lập lại và việc xưng tội không thành sự


Câu hỏi 84. Điều gì xảy ra khi tôi luôn xưng các tội giống nhau?
Nếu chúng giống nhau, thì bạn phải tự hỏi mình xem, “Tôi có thực sự nỗ lực biến đổi đời sống mình không?” Nếu chúng ta vướng vào một nết xấu mà chúng ta thực sự đang cố gắng xóa bỏ, thì có thể hiểu được là việc xóa bỏ đó đó cần thời gian, sức lực và cam kết thay đổi. Thay thế những nết xấu bằng những nhân đức có thể là một quá trình gian khổ. Đôi khi bạn tiến được một bước về phía trước, và đôi khi bạn lùi lại hai bước về phía sau. Thiên Chúa đồng cảm với hối nhân và sẽ ban một ân sủng dồi dào trong bí tích để hỗ trợ cho việc hoán cải.
Có những lúc, các hối nhân sẽ xưng cùng một danh sách các tội phạm vì họ đã không xét mình cách cẩn thận. Việc xét mình diễn ra bên ngoài tòa giải tội trước khi lãnh nhận bí tích Giải Tội. Nếu các tội của tôi luôn giống nhau, thì liệu tôi có dành thời gian để xét mình theo mười điều luật của Thiên Chúa và những chi tiết của nó như được Giáo hội hướng dẫn không? Đôi khi chúng ta không làm vì chúng ta cảm thấy thoải mái với tội lỗi của mình và không muốn thay đổi. Thay đổi là điều khó khăn, nhưng không phải là điều không thể làm được, với ân sủng Thiên Chúa. Hầu hết các nhà thờ Công Giáo đều có những bản “xét mình.” Chỉ cần chọn lấy một bản và đọc.
Câu hỏi 85. Thế nào là việc xưng tội cách không thành sự?
Việc xưng tội không thành sự là khi hối nhân cố tình che giấu một tội trọng trong đời sống của mình. Nếu bạn ý thức về một tội trọng và vì một lý do nào đó quyết định không xưng thú, bạn xúc phạm đến bí tích; đó là tội phạm thánh. Điều 2120 sách Giáo lý Giáo hội Công giáo định nghĩa phạm thánh: “… bao gồm việc xúc phạm hay cư xử bất xứng đối với các bí tích và các hành vi phụng vụ khác, cũng như đối với người, đồ vật, và các nơi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa”. Do đó, cố ý không xưng một tội trọng với linh mục trong tòa giải tội, hối nhân đang xúc phạm đến bí tích. Phạm thánh là một tội nặng, và một người không nên rước lễ cho đến khi họ được thanh tẩy nhờ bí tích Giải Tội, nếu không, việc rước lễ sẽ là một tội phạm thánh nghiêm trọng hơn.
Việc xưng tội cũng được coi là không thành sự khi hối nhân không có ý định sửa đổi đời sống của mình và sẽ tiếp tục phạm tội tương tự.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 117-18.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét