Thời tuyệt vời nhất để làm một linh mục
Làm linh mục thời buổi này quả là một thách thức lớn lao. Nhiều người ngần ngại không còn dám bước chân vào. Vậy mà có người lại cho rằng nay là lúc tuyệt vời để làm một linh mục Công Giáo. Mà người này lại là một tân tòng, mới trở lại Đạo Công Giáo. Đó là Shane Schaetzel, người có bài đăng trên https://completechristianity.blog/2019/06/30/the-greatest-time-to-be-a-priest. Chúng tôi xin chuyển dịch bài viết của ông:
Một cây nến trong bóng tối chói lọi hơn đống lửa tốt đốt ban ngày.
Trong ký ức sống động, chưa bao giờ có thời gian nào tốt hơn để làm một linh mục. Nội một trăm năm nay, chưa hề có thời gian nào tốt hơn để làm một linh mục. Nội một ngàn năm nay, chưa hề có thời gian nào tốt hơn để làm một linh mục. Và tôi nói điều này trong tư cách một người chưa bao giờ có ước muốn nào làm linh mục cả.
Điều này không ngỏ với những người đàn ông lớn tuổi hiện đang mang ơn thánh đến cho các giáo xứ và các nhà thờ chính tòa, mà đúng hơn với những người đàn ông trẻ tuổi vừa mới bắt đầu, những người đàn ông mới thụ phong trong 10 năm nay hay gần như thế, và những người đàn ông đang còn ở trong chủng viện, cũng như những người đang xem xét chức linh mục. Chưa bao giờ có một thời gian tốt hơn để làm một linh mục như lúc này, nhưng chỉ với điều kiện cha là một linh mục trẻ.
Cụm từ linh mục trẻ ở đây tôi muốn nói không những là một linh mục trẻ trong cơ thể, mà còn là một linh mục truyền thống trong tinh thần. Vì bóng tối vĩ đại đang trùm phủ Giáo Hội hiện nay chính là cơ hội để cha chói sáng như ngọn lửa. Tôi sẽ nói cho cha hay một bí quyết. Có thể đây là một bí quyết cha đã biết rồi, nhưng đôi khi nghe nó từ người khác, hoặc có được một quan điểm khác về nó, vẫn là điều hữu ích. Chưa bao giờ có thời gian nào tuyệt vời hơn để làm một linh mục, vì hiện cha có thể làm được rất nhiều với một tối thiểu cố gắng. Bóng tối đã làm điều này thành khả hữu.
Tôi là một tân tòng mới gia nhập Giáo Hội Công Giáo, nói chính xác, là một người thuộc phái Phúc Âm (Evangelical) trở lại qua ngả Anh Giáo. Vì thế, tôi có một quan điểm lớn hơn phần lớn người Công Giáo, vì tôi đã sống ở phía kia hàng rào, có thể nói như thế. Đây là bí quyết...
Người Thệ Phản đang chịu y hệt cùng một nan đề như Giáo Hội Công Giáo. Không hề khác nhau mảy may. Hoàn toàn y hệt. Người Thệ Phản chỉ xử lý cách khác thôi. Trong nửa thế kỷ qua, người Thệ Phản cũng rủ nhau ra khỏi các hệ phái chính dòng (Anh giáo, Giám chế (Episcopal), Luthêrô, Trưởng Lão (Presbyterian), Cải Cách...) một cách chỉ có thể diễn tả là ra đi ồ ạt. Họ lìa bỏ các hệ phái chính dòng để theo các Giáo Hội Phúc Âm (Ngũ Tuần?) khởi đầu vốn nhỏ hơn, nhưng khi họ gia nhập, kích sỡ các Giáo Hội Phúc Âm này phồng nở thành điều chúng ta hiện nay gọi là “các siêu nhà thờ”. Tại sao họ lìa bỏ các hệ phái chính dòng? Tại sao họ gia nhập Phái Phúc Âm? Muốn trả lời các câu hỏi này, chúng ta phải trước nhất học biết điều gì đã xẩy ra với các Giáo Hội Thệ Phản và Phúc Âm trong thế kỷ 20.
Trong thế kỷ 20, các hệ phái Thệ Phản chính dòng ủng hộ cả chủ nghĩa duy cấp tiến lẫn chủ nghĩa duy hiện đại. Giáo huấn Thệ Phản truyền thống của họ bị thay thế bằng một ý thức hệ chuyên bác bỏ phép lạ và đức tin siêu nhiên.Thay vào đó, họ bắt đầu giảng dậy tâm lý học, lòng khoan dung và trọn gói chuyện vớ vẩn về một “giáo hội dễ chịu” ( church of nice). Họ bắt đầu ủng hộ ngừa thai và ly dị, rồi phá thai và sau cùng là đồng tính luyến ái. Những người Thệ Phản đi lễ trung bình dần dần cũng khinh bỉ bỏ đi. Tôi nhớ, vì tôi ở đó. Tôi nghe các cuộc đàm đạo giữa người cha theo phái Luthêrô của tôi và các thân hữu Luthêrô của người. Họ và cha mẹ tôi cùng bỏ đi vì cùng các lý do. Cha tôi vốn đã lìa bỏ giáo hội Luthêrô từ lâu để làm yên lòng bà mẹ theo phái Baptist của tôi. Nhưng người tiếp tục tiếp xúc gần gũi với các bằng hữu và gia đình theo phái Luthêrô. Cho tới năm 1990, những người này lìa bỏ phái Luthêrô để gia nhập phái Phúc Âm.
Ngược lại, các Giáo Hội Phúc Âm bám chắc các giáo huấn lịch sử của Phong Trào Thệ Phản. Họ vứt bỏ khá nhiều những biểu hiệu bên ngoài của Phong Trào Thệ Phản, nhưng duy trì “cốt lõi” của giáo huấn Thệ Phản. Họ nhấn mạnh phong thái thờ phượng lỏng lẻo và không trịnh trọng, theo đó, người ta có thể vận bất cứ y phục nào họ muốn để đến nhà thờ, và lắng nghe loại âm nhạc ca ngợi và thờ phượng đương thời trong nghi thức phụng vụ, nhưng đó không thực sự là lý do để họ gia nhập. Lý do thực sự khiến họ gia nhập là nghe giảng dậy, một điều thường hệ ở việc một người bình thường bước ra đọc một số đoạn Sách Thánh, và dành giờ giải thích chúng có nghĩa gì. Tôi còn nhớ rõ những ngày ở Nam California. Các mục sư Thệ Phản chính dòng hỏi một mục sư Phúc Âm “bí quyết của ông là đâu?” Câu trả lời của vị này rất thẳng thắn và trung thực “Tôi chỉ đọc Sách Thánh cho họ rồi giải thích đoạn này có nghĩa gì”. Dĩ nhiên, có một chút gì đó trong đó nữa. Phái Phúc Âm bác bỏ cả chủ nghĩa cấp tiến lẫn chủ nghĩa duy hiện đại, nên khi họ giải thích những đoạn này có nghĩa gì, họ làm thế một cách cổ điển Thệ Phản, một cách người ta không được nghe cả một thế hệ hay hơn. Những người Thệ Phản này đói khát nghe đức tin được giảng dậy cho họ, một cách truyền thống, đến nỗi họ sẵng lòng rời bỏ các hệ phái chính dòng của họ (các hệ phái mà gia đình họ vốn theo hàng mấy thế kỷ qua!) để theo Giáo Hội Phúc Âm mới xuất phát, gặp nhau ngay trong một tiệm tạp hóa tân trang, chỉ để được nghe và hiểu lời Thiên Chúa đã được viết ra.
Do đó, có lẽ cha là một linh mục trẻ, hay có lẽ thầy còn đang ở trong chủng viện, hay có lẽ bạn là một thanh niên đang nghĩ đến việc làm linh mục. Cha hay bạn có muốn biết cách làm một linh mục tuyệt vời hay không? Cha có muốn biết cách lôi cuốn các người Công Giáo và tân tòng từ xa từ rộng hay không?Cha có muốn biết cách xây dựng một cộng đoàn lớn hơn bất cứ cộng đoàn nào hay không. Thật dễ. Khi có trận đói, cha xuất hiện với thực phẩm. Khi có bóng tối, cha đốt lên một ngọn nến. Đang có trận đói truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo. Nhưng không phải chỉ có truyền thống. Cũng có trận đói nhận thức lời Thiên Chúa được viết ra nữa.
Các cha, các linh mục Công Giáo trẻ, các cha chỉ cần làm những điều sau đây...
1. Mặc áo dòng.
2. Cử hành phụng vụ truyền thống, và khi tôi nói truyền thống, các cha hãy làm cho nó hợp truyền thống bao nhiêu có thể, bất cứ các cha sử dụng hình thức nào, cho dù việc này khiến các linh mục lớn tuổi hơn giận dữ.
3. Rồi trong bài giảng, các cha hãy giải thích Sách Thánh mà các cha vừa đọc trong Thánh Lễ. Các cha hãy giải thích cho họ từng câu. Các cha hãy dùng Sách Giáo Lý Baltimore (với các linh mục Hoa Kỳ, Kinh Bản Hỏi với các linh mục Việt Nam?) như một trợ cụ, các cha hãy giữ mọi sự càng chính thống bao nhiêu càng hay, và kết thúc mỗi bài giảng bằng một lời ngắn gọn kêu gọi thống hối và hoán cải.
Nếu các cha làm những điều trên, phần rất chắc là các cha SẼ bị bách hại. Các cha sẽ bị bách hại bởi những ông bà giáo dân lớn tuổi nhưng “hippy” muốn các linh mục của họ nhu mì và nhu nhược. Các cha sẽ bị bách hại bởi các linh mục lớn tuổi hơn phán rằng các cha làm con thuyền đong đưa và trở thành những nên gây rối. Các cha sẽ bị bách hại bởi các vị Giám Mục yếu bóng vía co ro trước các đòi hỏi của những kẻ già đời “hippies”, duy nữ, đồng tính luyến ái và Mácxít. Đúng, các cha sẽ bị bách hại, nhưng Chúa Kitô và các tông đồ trước các cha cũng đã bị bách hại. Sự kiện phần lớn việc bách hại này phát xuất từ bên trong Giáo Hội chỉ chứng tỏ rằng bóng tối hiện nay dầy đặc biết chừng nào. Thế nhưng chính vì cái bóng tối này dầy như thế mà các cha sẽ toả hết sức sáng. Vì thời thế càng tối tăm, cơn khát càng lớn lao, nhưng nếu các cha làm 3 điều đơn giản trên, các cha không chỉ là linh muc tuyệt với. Các cha còn là các vị thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét