Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser. Chương 1 (1/3)
Không một ai đi trên địa cầu này mà không vướng vào nỗi đau của tâm trạng cô đơn. Người giàu người nghèo, người thông thái người ngu si, người vững tin người vô tri, người khỏe mạnh người đau ốm, tất cả như nhau, đều phải đối diện và vật lộn với tiềm năng bị tê liệt vì cô đơn. Không ai chắc chắn mình được miễn nhiễm. Là con người, là chịu cô đơn.
Tuy nhiên, là con người cũng có nghĩa là có phản ứng. Con người luôn phản ứng với nỗi đau này. Phản ứng theo nhiều kiểu khác nhau. Đôi khi cô đơn đưa chúng ta đến một tầm cao mới của sáng tạo, và đôi khi nó đưa chúng ta tới con đường nghiện ngập, rượu chè, tê liệt cảm xúc; có khi nó dẫn chúng ta gặp gỡ với tình yêu chân thật và tình dục đích thực, đôi khi nó dẫn chúng ta đến những quan hệ phi nhân tính và tình dục hủy hoại; đôi khi nó đưa chúng ta đến một chiều kích thâm sâu mở lòng ra với Thiên Chúa và tha nhân, đến một đời sống trọn vẹn hơn, và đôi khi nó dẫn ta đến việc từ bỏ, kết liễu cuộc sống; đôi khi nó cho ta những thoáng hiện của thiên đường, và đôi khi là những thoáng hiện của địa ngục; đôi khi nó làm vững tinh thần, đôi khi nó phá vỡ tinh thần; nó tác động vào tinh thần con người, luôn luôn là như vậy. Bởi cô đơn là một trải nghiệm sâu thẳm nhất, phổ quát nhất và căn bản nhất mà chúng ta có được.
Ngay cả nếu bạn là người có quan hệ tốt, người có tương quan dễ dàng với người khác và có nhiều bạn bè thân tín, một lúc nào đó, bạn vẫn có thể rơi vào cô đơn. Nếu bạn rất nhạy cảm, là người cảm nhận sự việc sâu sắc, bạn có thể, tùy theo mức độ, cảm thấy cô đơn, cô đơn luôn mãi.
Tuy nhiên, gần như hầu hết chúng ta miễn cưỡng chấp nhận cô đơn, ngay với cả chính mình. Tất thảy chúng ta dường như có nhu cầu bẩm sinh chối bỏ rằng chúng ta đang trải qua sự cô đơn, và như vậy theo cách nào đó, chúng ta có trách nhiệm với nhiều cảm xúc, hành động, và mưu cầu của mình. Chúng ta chỉ chấp nhận mình cô đơn kèm theo cảm giác hổ thẹn và yếu đuối. Cũng vậy, hầu hết chúng ta cảm nhận cô đơn là điều gì đó không tác động lên người bình thường, người lành mạnh. Chúng ta nhận diện cô đơn nơi những người mà xã hội cho là sống bên lề, người già, người vô thừa nhận, khó ưa, người đáng ghét, và những ai vì lý do nào đó tách ra khỏi dòng đời. Chúng ta không bao giờ, một khoảnh khắc cũng không, hình dung rằng chúng ta có thể là chủ thể của những cảm xúc mạnh mẽ về tâm trạng cô đơn.
Tuy thế, phía sau bề nổi, chúng ta không dễ dàng bị phỉnh lừa bởi mã ngoài của sự mạnh mẽ. Chúng ta bị tổn thương, chúng ta sống trong niềm đau, trong cô đơn, một cô đơn đáng nguyền rủa. Và cũng bất hạnh thay, cái giá phải trả cho sự tự lừa phỉnh này rất cao. Chúng ta trả giá nặng nề cho việc không chấp nhận cô đơn của chính mình, cho việc không dám đối diện với nó cách thẳng thắn, và cho việc không đấu tranh chân thật với nó. Như chúng ta đã thấy, tâm trạng cô đơn trở nên nguy hiểm nhất khi nó không được nhận biết, không được chấp nhận và giải quyết cách sáng tạo. Rồi nó trút hết sự tàn phá trên cuộc đời của chúng ta. Ngược lại, chúng ta cũng nên nhìn ra rằng nó mang trong mình một mãnh lực sáng tạo và nhân văn vô cùng khi nó được nhận ra và được định rõ cách đúng đắn.
J.B. Thái Hòa dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét