Tác dụng tích cực của Chú Dẫn về Ấn Tích Bí Tích
Có thể quả quyết: Chú Dẫn của Tông Tòa Xá Giải về ấn tín bí tích, công bố ngày 1 tháng 7 năm 2019 (xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/251249.htm), đã có tác dụng tích cực, ít nhất tại California, Hoa Kỳ.
Thực vậy, theo các trang mạng Công Giáo hôm nay, dự luật gọi là S.B. 360 được thượng viện tiểu bang California thông qua, nhưng trong khi đưa ra tòan thể quốc hội tiểu bang biểu quyết, đã được các nhà đề xướng thu hồi.
Điều ấy chứng tỏ: trước thái độ rõ ràng dứt khoát của Tòa Thánh, những người thử gân cốt Giáo Hội Công Giáo đành phải rút lui. Độc tại duy tương đối chỉ chịu dừng tay, khi ta đương đầu với nó thẳng thừng và cương quyết.
Theo Catholic News Service, trong một lật ngược bất ngờ, dự luật ở California đòi các linh mục phải vi phạm ấn tín bí tích xưng tội đã được các nhà bảo trợ rút lại. Thông tấn xã này nói là do chiến dịch hạ tầng phát động bởi các người Công Giáo ở tiểu bang, thành viên các nhóm tín ngưỡng khác, và các người cổ động cho tự do tôn giáo khắp nước.
Dự luật trên được thu hồi một ngày trước khi được dự tính đem ra điều trần tại Ủy Ban An Toàn Công Cộng của Quốc Hội California, với hiệu quả là sẽ không còn được xem xét nữa.
Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Los Angeles, người đứng đầu các Giám Mục California trong chiến dịch chống đối dự luật, cho hay “S.B. 360 là một dự luật nguy hiểm. Nếu bất cứ ngành lập pháp nào cũng có thể buộc các tín hữu phải tiết lộ các suy nghĩ và tâm tư thầm kín nhất của họ chia sẻ với Thiên Chúa trong lúc xưng tội, thì thực sự không còn phạm vi nào trong cuộc sống nhân bản được tự do và an toàn khỏi chính phủ”.
Tác giả dự luật, Thượng nghị sĩ Dân chủ Jerry Hill của San Mateo quyết định thu hồi dự luật sau khi được biết nó sẽ không đủ số phiếu để được Ủy Ban thông qua.
Quyết định của Ông Hill được đưa ra cùng ngày với việc Ủy Ban An Toàn Công Cộng công bố một tường trình của nhân viên nêu ra các lo ngại nghiêm trọng về Tu Chính Án Thứ Nhất và việc khả chấp pháp liên quan đến dự luật, trong khi ghi nhận rằng không một tiểu bang nào khác đã có cách tiếp cận như thế đối với bí tích.
Trong hình thức nguyên thủy của nó, dự luật S.B. 360 ra lệnh cho các linh mục phải tiết lộ bất cứ thông tin nào các ngài nghe được trong lúc xưng tội liên quan đến việc lạm dụng tình dục vị thành niên.
Một phiên bản đã tu chính, cũng vẫn bác bỏ các việc xưng tội bảo mật đối với các linh mục và các nhân viên Giáo Hội làm việc với các ngài, đã được Thượng Viện California thông qua với số phiếu 30-2 vào tháng 5, 2019.
Đức Tổng Giám Mục Gomez, trước đó, đã gọi dự luật là “một đe dọa giết chết tự do tôn giáo của mọi người Công Giáo” trong một cột báo ngày 17 tháng 5 và ngài được sự tham gia của mọi Giám Mục tiểu bang trong việc yêu cầu tín hữu thúc giục các dân biểu tiểu bang chống lại dự luật.
Bản phân tích của Ủy Ban An Toàn gi chú rằng hơn 125,000 người đã bày tỏ sự chống đối dự luật của họ cho các nhà lập pháp. Nhưng các phân tích gia Công Giáo cho rằng con số ấy thấp. Chiến dịch #KeepTheSeal (Hãy Duy Trì Ấn Tín) phát động trong tổng giáo phận Los Angeles đã thành công phân phối hơn 140,000 lá thư tới Tòa Nhà Quốc Hội ở Sacramento tính đến ngày 8 tháng 7. Ngoài ra, 16,700 điện thư của các người Công Giáo quan tâm ở Los Angeles đã được gửi cho các dân biểu.
Đức Tổng Giám Mục Gomez đã yêu cầu dọc lá thư đó tại mọi giáo xứ trong mọi Thánh Lễ trong các ngày cuối tuần 15-16 tháng 6.
Trong lá thư đó, ngài viết “Chúng ta không thể để chính phủ bước vào các tòa giải tội của chúng ta để áp đặt các điều khoản cho mối liên hệ đích thân của chúng ta với Chúa Giêsu”. Ngài kêu gọi các tín hữu chống đối dự luật.
Tổng giáo phận cũng lập một trang mạng, tên là KeepTheSeal.com, để các tín hữu viết cho các dân biểu của họ và học hỏi nhiều hơn về bí tích hòa giải.
Các nhà bình luận nhấn mạnh rằng không có bằng chứng nào được trình bầy trong dự luật cho thấy việc xưng tội đã được sử dụng để che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên. Đồng thời, các lo ngại ngày càng nhiều đối với dự luật đã được gióng lên từ nhiều người Công Giáo khắp Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác.
Việc rầm rộ tường trình của các phương tiện truyền thông quốc gia và Công Giáo đã thúc đẩy phản ứng của nhiều tiếng nói Công Giáo từ nhà báo kỳ cựu John L. Allen Jr. của tờ Crux tới Bill Donahue của Catholic League. Sự rầm rộ này lên đến đỉnh cao ngày 1 tháng 7, khi Tòa Thánh ban hành một văn kiện từ vị đứng đầu Tòa án cao nhất của mình, tái xác nhận tầm quan trọng và tính bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích.
Trong chiến dịch chống đối dự luật lần này, ngày 8 tháng 7, một bản tuyên bố, ký bởi các nhà lãnh đạo Hồi Giáo, Chính Thống Giáo, phái Luthêrô, Anh Giáo và Baptist cũng như đại diện các Giáo Hội Đông phương và các nhà thờ Da Đen, đã được gửi tới các thành viên của ủy ban Quốc Hội; bản tuyên bố nói rằng “chúng tôi một lòng với người Công Giáo Rôma Hoa Kỳ trong việc lên án việc tấn công vào tự do tôn giáo đại diện bởi phiên bản hiện thời của dự luật 360 của Thượng Viện California”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét