Như trên đã nói, phần lớn các bản dịch sang tiếng Anh hiện nay dựa vào hình thức y như Pascal để lại, nghĩa là từng mảnh một, tuy phần đầu, có được ông sắp xếp thành một số đề mục. Hình thức này dĩ nhiên là để tôn trọng công trình của Pascal trong nguyên bản của nó, nhưng nó không cho biết đại cương ý hướng của tác giả tức việc hộ giáo. Bởi thế, trong chiều hướng trình bầy nền hộ giáo đặc biệt của Pascal, chúng tôi dựa vào bản tiếng Pháp xuất bản năm 1858 của Librairie De Firmin Didot Frères, Fils Et Cie, Imprimeurs De L'institut De France, để chuyển ngữ phần thứ hai của tác phẩm tức phần trực tiếp nói đến tôn giáo theo sắp xếp của Nhà Xuất Bản này. Cách sắp xếp theo ý hướng hộ giáo nói chung này chắc chắn phát xuất từ Tu Viện Port Royal, vì ngoài phần tiểu sử của Pascal do người chị ruột, Bà Périer, nhũ danh Gilberte Pascal, còn có một tuyển lựa một số bài viết của Pierre Nicole, một tu sĩ trụ cột của Tu Viện này, người mà Wikipedia cho rằng từng có công lớn trong việc thu thập các Lá Thư Gửi Người Ở Tỉnh của Pascal và dịch nó sang tiếng Latinh. Nicole cũng là người hơn bất cứ ai khác đã thành công trong việc trình bầy chủ trương của Tu viện Port Royal với thế giới. Chủ trương này là điều người ta vẫn gọi là phái Jansen (Jansénisme), một phái mà cả gia đình Pascal lui tới, sinh hoạt với, tham gia trực tiếp. Nếu có ai nắm bắt được tư duy hộ giáo của Pascal thì hẳn phải là những người lãnh đạo tu viện này.



Trong khi chuyển ngữ, chúng tôi có tham khảo bản dịch tiếng Anh năm 1958 của Nhà Xuất Bản E. P. Dutton & Co., Inc, New York với lời dẫn nhập của T.S. Eliot, bản dịch tiếng Anh của Tiến sĩ A.J.Krailsheimer do Penguin Books xuất bản năm 1966, và bản tiếng Anh của Isaac Taylor do William Collins, Glasgow, xuất bản năm 1838. Bản cuối cùng có cái lợi là theo thứ tự của bản tiếng Pháp chúng tôi dựa vào, nhưng xét về nội dung dịch, có phần lỏng lẻo hơn; vả lại, bản dịch được thực hiện phần nào do ảnh hưởng Thệ Phản vì dịch giả muốn Pascal là Thệ Phản hơn Công Giáo Rôma được dịch giả coi là “papism, romanism, popery...”, những hạn từ đôi chút hạ giá.

PHẦN THỨ HAI, CHỨA CÁC TƯ TƯỞNG TRỰC TIẾP LIÊN QUAN TỚI TÔN GIÁO.

MỤC THỨ NHẤT: Các mâu thuẫn gây ngạc nhiên tìm thấy trong bản tính con người đối với chân lý, hạnh phúc, và nhiều điều khác.

I. Không có gì kỳ lạ trong bản chất của con người hơn các mâu thuẫn người ta phát hiện ở đó liên quan tới mọi sự vật. Họ được tạo dựng để biết sự thật; họ khao khát nó một cách hăng say, họ tìm kiếm nó; tuy nhiên, khi cố gắng nắm bắt nó, họ bị choáng ngập và bối rối đến mức đặt thành chủ đề tranh cãi về việc nắm giữ nó. Đó là điều đã sinh ra hai phái là Pyrrhon và duy giáo điều, trong đó phái thì muốn cướp đi của con người mọi nhận thức về sự thật, nhóm lại cố gắng bảo đảm với họ về sự thật đó; nhưng mỗi nhóm có những lý do ít chân thực đến mức làm tăng thêm sự hàm hồ và bối rối của con người, khi không có ánh sáng nào khác ngoài ánh sáng họ tìm thấy trong bản chất con người.

Lý do chính của phái Pyrrhon là chúng ta không có gì chắc chắn về chân lý của các nguyên lý ngoài đức tin và mặc khải, nếu không là việc chúng ta cảm nhận chúng một cách tự nhiên bên trong chúng ta. Hay, họ nói, tình cảm tự nhiên này không phải là bằng chứng thuyết phục về sự thật của chúng, vì không có gì chắc chắn bên ngoài đức tin, liệu con người được tạo dựng bởi một vị thần tốt lành hay một con quỷ độc ác, liệu họ luôn luôn hiện hữu, hay chỉ được tạo ra cách tình cờ, họ nghi ngờ liệu những nguyên tắc được trao cho chúng ta này là đúng, hay sai, hay không chắc chắn, theo nguồn gốc của chúng ta. Hơn nữa, không ai có thể bảo đảm, ngoài đức tin, liệu mình đang thức hay đang ngủ, vì trong khi ngủ, người ta không ít tin một cách chắc chắn họ đang thức hơn là đang thức thực sự. Người ta tin mình thấy các không gian, các hình, các chuyển động; người ta cảm thấy thời gian trôi qua, người ta đo lường nó, và cuối cùng người ta hành động theo cách tương tự như lúc tỉnh táo. Đến nỗi, một nửa đời sống trôi qua trong giấc ngủ theo sự thừa nhận của chính chúng ta, trong đó, bất cứ điều gì xuất hiện với chúng ta, chúng ta đều không biết có thật hay không, mọi tâm tình của chúng ta lúc đó đều là ảo ảnh; ai biết được liệu nửa đời còn lại kia trong đó chúng ta nghĩ mình đang thức không phải là một giấc ngủ hơi khác giấc ngủ đầu, mà chúng ta thức khi nghĩ rằng mình ngủ, như người ta thường mơ thấy mình mơ, chồng chất hết giấc mơ lên giấc mơ nọ?

Tôi bỏ qua các phát biểu mà phái Pyrrhon đưa ra chống lại những ấn tượng về phong tục, giáo dục, cách cư xử, quốc gia và những điều tương tự khác, khiến hầu hết mọi người chỉ biết giáo điều hóa dựa trên những nền tảng viển vông này.

Điểm mạnh duy nhất của phái duy giáo điều là khi nói một cách ngay lành và chân thành, người ta không thể nghi ngờ các nguyên lý tự nhiên. Họ nói, chúng ta biết sự thật, không chỉ bằng lý luận, mà còn bằng tình cảm, và bằng trí hiểu sống động và sáng láng; và chính từ loại thứ hai này mà chúng ta biết những nguyên lý đầu hết. Thật vô dụng khi việc lý luận, vốn không dự phần vào đó, cố gắng chống trả chúng. Phái Pyrrhon, những người chỉ có điều này làm đối tượng, đã cố gắng ở điểm này một cách vô ích. Chúng ta biết rằng chúng ta không hề mơ, tuy nhiên chúng ta bất lực xiết bao trong việc chứng minh điều đó bằng lý trí. Sự bất lực này không kết luận điều gì khác ngoài sự yếu kém của lý trí chúng ta, nhưng không phải là sự không chắc chắn của mọi nhận thức của chúng ta, như họ tuyên bố: vì việc nhận thức các nguyên lý đầu hết, như có không gian, thời gian, chuyển động, số lượng, vật chất, chắc chắn như bất cứ nguyên lý nào lý luận đem đến cho chúng ta. Và chính trên các nhận thức của trí hiểu và tình cảm mà lý trí phải dựa vào, và nó đặt cơ sở cho mọi diễn ngôn của nó. Tôi cảm thấy có ba chiều trong không gian, và các con số là vô hạn; và sau đó, lý trí chứng minh rằng không hề có hai số bình phương mà số này lại gấp đôi số kia. Các nguyên lý tự cảm nhận, các định đề tự kết luận; tất cả đều chắc chắn, dù qua các con đường khác nhau. Và cũng thật nực cười khi lý trí đòi hỏi tình cảm và trí hiểu phải chứng minh những nguyên lý đầu hết này mới chịu chấp nhận chúng, thật nực cười khi trí hiểu yêu cầu lý trí một tình cảm về tất cả những mệnh đề mà nó chứng minh. Sự bất lực này do đó chỉ có thể làm lý trí phải khiêm nhường, một lý trí luôn muốn phán xét mọi sự; nhưng không phải để chống lại sự chắc chắn của chúng ta, như thể chỉ có lý trí mới có thể giáo huấn chúng ta. Trái lại, nhờ ơn Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ cần điều đó, và chúng ta biết mọi sự bằng bản năng và tình cảm! Nhưng bản nhiên đã bác bỏ chúng ta điều thiện hảo này, và nó cho chúng ta rất ít nhận thức thuộc loại này: tất cả những điều khác chỉ có thể đạt được bằng việc lý luận.

Đó là cuộc chiến tranh diễn ra giữa những con người. Mỗi người đều phải đứng về một phía, và nhất thiết phải đứng về phía duy giáo điều hay phía Pyrrhon; vì bất cứ ai nghĩ mình đứng trung lập sẽ là người thuộc phái Pyrrhon hạng nhất: tính trung lập này vốn là bản chất của phái Pyrrhon; ai không chống lại họ là ủng hộ họ cách tuyệt vời. Người ta sẽ làm gì trong trạng thái trên? Họ có nghi ngờ mọi sự không? Họ có nghi ngờ mình có đang thức hay không, có bị véo hay bị phỏng hay không? Có nghi ngờ là mình nghi ngờ hay không? Có nghi ngờ là mình hiện hữu hay không? Không ai tiến xa như thế; và tôi thực sự cho rằng chưa bao giờ có một người theo Pyrrhon hữu hiệu và hoàn toàn cả. Bản nhiên nâng đỡ lý trí bất lực, và ngăn nó không đi quá xa như thế. Ngược lại, người nào đó, nếu ít được thúc đẩy, có sẽ nói họ chắc chắn nắm được sự thật không khi không thể chứng minh được quả quyết của mình, và buộc phải buông tay?

Ai sẽ tháo gỡ sự rối bời này? Bản nhiên khiến phái Pyrrhon nhầm lẫn, và lý trí khiến phái duy giáo điều bối rối. Vậy, hỡi con người, ngươi sẽ ra sao, kẻ tìm kiếm thân phận thực sự của mình bằng lý trí tự nhiên? Ngươi không thể tránh khỏi một trong các phái này, cũng như không thể tồn tại trong bất cứ phái nào. Đó là điều con người đối xử với con người liên quan tới sự thật.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét con người, liên quan tới hạnh phúc mà họ rất tha thiết tìm kiếm trong mọi hành động của họ; vì mọi người đều mong muốn được hạnh phúc: điều này không có ngoại lệ. Bất kể phương tiện khác nhau được họ sử dụng vào đó, tất cả đều hướng đến mục tiêu đó. Điều khiến một ai đó lên đường tham chiến và ai kia không lên đường chính là do cùng một mong muốn như nhau này ở cả hai, chỉ là do những nẻo đường khác nhau mà thôi. Ý chí không bao giờ thực hiện một bước nhỏ nhất nào ngoại trừ hướng về đối tượng này. Đó là động cơ cho mọi hành động của mọi con người, kể cả những kẻ tự tử và tự treo cổ. Tuy nhiên, trong suốt bao nhiêu năm qua, chưa bao giờ có ai, không nhờ đức tin, đã từng đạt đến đối tượng này, nơi mọi người đều không ngừng hướng tới. Tất cả đều phàn nàn, hoàng tử, thần dân; quý tộc, thường dân; người già, người trẻ; kẻ mạnh người yếu; thông thái ngu dốt; khỏe khoắn ốm đau; thuộc bất cứ quốc gia nào, thuộc bất cứ thời nào; ở mọi lứa tuổi và mọi thân phận.

Một bằng chứng quá lâu dài, quá liên tục và quá độc dạng như thế, hẳn sẽ thuyết phục chúng ta về sự bất lực chúng ta không thể đạt được hạnh phúc bằng nỗ lực của mình: nhưng điển hình này không dạy chúng ta điều gì cả. Nó không bao giờ giống y như nhau đến mức không có một sự khác biệt tinh tế nào; và chính từ đó chúng ta mới mong rằng, hy vọng của chúng ta sẽ không bị thất vọng vào dịp này cũng như vào dịp khác. Vì vậy, hiện tại không bao giờ thỏa mãn chúng ta, hy vọng lừa bịp chúng ta, và, từ bất hạnh này sang bất hạnh khác, dẫn chúng ta đến cái chết, đó là đỉnh cao vĩnh cửu của nó.

Điều kỳ lạ là không có gì trong thiên nhiên có khả năng thế chỗ cho cùng đích và hạnh phúc của con người, các vì sao, các nguyên tố, thực vật, động vật, côn trùng, bệnh tật, chiến tranh, tệ nạn, tội ác, v.v. Vì con người đã rơi khỏi trạng thái tự nhiên của họ, nên không có gì không lừa bịp họ hướng tới. Vì họ đã đánh mất sự thiện đích thực, mọi sự đối với họ đều xem ra tốt lành, kể cả sự hủy diệt của họ, hoàn toàn trái ngược với lý trí và tự nhiên. Người thì tìm kiếm hạnh phúc trong quyền hành, người thì tìm kiếm nó trong sự tò mò và trong khoa học, lại có những người tìm nó trong khoái lạc. Ba tư dục này đã tạo nên ba phái; và những người được gọi là triết gia thực sự không làm gì khác ngoài việc tuân theo một trong ba phái. Những người đã tiếp cận chúng hơn cả đều cho rằng điều cần thiết là sự thiện phổ quát, mà mọi người đều mong muốn, và trong đó, mọi người đều phải có phần, không nên nằm trong bất cứ sự vật đặc thù nào mà một mình họ không thể sở hữu, và, là những điều đặc thù khi bị chia sẻ, sẽ làm khổ người chiếm hữu chúng nhiều hơn vì việc thiếu thốn phần họ không có, hơn là chúng thỏa mãn họ bằng cách hưởng thụ phần thuộc về họ. Họ hiểu rằng sự thiện đích thực phải như thế nào để mọi người có thể sở hữu nó cùng một lúc mà không bị suy giảm và không có sự đố kỵ, và không ai có thể đánh mất nó trái với ý muốn của họ. Họ hiểu điều đó, nhưng họ không thể tìm thấy nó: và thay vì một điều thiện vững chắc và hữu hiệu, họ chỉ ôm lấy hình ảnh trống rỗng của một nhân đức tuyệt vời.

Bản năng của chúng ta khiến chúng ta cảm thấy phải tìm kiếm hạnh phúc trong chính mình. Các đam mê của chúng ta đẩy chúng ta ra bên ngoài, ngay cả khi không có các đối tượng để kích thích chúng. Các đối tượng từ bên ngoài cám dỗ chúng ta và mời gọi chúng ta, ngay cả khi chúng ta không nghĩ tới chúng. Vì vậy, các triết gia nói một cách vô vọng: Hãy vào trong chính mình bạn, bạn sẽ thấy điều tốt của mình ở đó; không ai tin họ: và những người tin họ đều là những kẻ trống rỗng nhất và ngu ngốc nhất. Vì còn có gì lố bịch và viển vông hơn những gì các nhà Khắc kỷ đề xuất, và sai lầm hơn tất cả những lý luận của họ? Họ kết luận rằng chúng ta luôn có thể làm những gì chúng ta thỉnh thoảng làm được; và vì ham muốn vinh quang khiến thực hiện được một vài điều cho những người sở hữu nó, những người khác cũng có thể làm như vậy. Đó là những xuẩn động mà người lành mạnh không nên bắt chước.

II. Cuộc chiến tranh nội bộ của lý trí chống lại các đam mê khiến những người muốn có hòa bình bị chia thành hai phái. Một phái muốn từ bỏ đam mê và trở thành thần thánh; phái kia muốn từ bỏ lý trí và trở nên dã thú. Nhưng họ không thể làm thế được, không phải phái này cũng không phải phái kia; và lý trí vẫn luôn còn đó, để buộc tội tính hèn hạ và bất công của các đam mê, và gây rối sự an nghỉ của những kẻ phó mình theo chúng; và các đam mê vẫn luôn sống động trong chính những người muốn từ bỏ chúng.

III. Đó là điều con người có thể tự mình làm được và bằng nỗ lực của chính mình đối với điều chân và điều thiện. Chúng ta không có khả năng để chứng minh, bách chiến bách thắng đối với mọi chủ nghĩa giáo điều: chúng ta có ý niệm về sự thật, bách chiến bách thắng đối với mọi thuyết Pyrrhon. Chúng ta mong muốn sự thật, và chỉ tìm thấy trong mình sự không chắc chắn. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc, và không tìm thấy gì ngoài đau khổ. Chúng ta không thể không mong muốn sự thật và hạnh phúc, và chúng ta không có khả năng và sự chắc chắn cũng như hạnh phúc. Lòng mong ước này còn lại trong chúng ta để trừng phạt chúng ta cũng như khiến chúng ta cảm thấy mình đã từ nơi đâu sa xuống.

IV. Nếu con người không được tạo dựng cho Thiên Chúa, tại sao họ chỉ hạnh phúc trong Thiên Chúa? Nếu con người được tạo dựng cho Thiên Chúa, tại sao họ lại trái ngược với Thiên Chúa?

V. Con người không biết phải đặt mình vào hàng ngũ nào. Họ rõ ràng bị lạc đường, và cảm thấy bên trong mình vết tích của một trạng thái hạnh phúc, mà họ đã sa khỏi, và không thể phục hồi. Họ lo lắng tìm kiếm nó khắp mọi nơi và không thành công trong bóng tối không thể chọc thủng.

Đó chính là nguồn gốc của những cuộc đấu tranh nơi các triết gia, một số nhận nhiệm vụ đề cao con người bằng cách khám phá ra các sự vĩ đại của họ, và số khác hạ thấp con người bằng cách trình bày các khốn cùng của họ. Điều kỳ lạ nhất là mỗi bên sử dụng các lý lẽ của bên kia để thiết lập ra ý kiến của mình; vì sự khốn cùng của con người kết cục bằng sự vĩ đại của họ, và sự vĩ đại của họ kết cục bằng sự khốn cùng của họ. Vì vậy, một số người đã kết luận sự khốn cùng một cách tốt hơn nhiều khi họ lấy sự vĩ đại làm bằng chứng; và những người khác kết luận sự vĩ đại với nhiều sức mạnh hơn nhiều, khi họ dựa vào chính sự khốn cùng này. Tất cả những điều mà nhóm này đã nói để chứng minh sự vĩ đại chỉ là sử dụng lối lý luận của những người khác để kết luận về sự khốn cùng, vì càng từ trên cao xuống rơi xuống thì càng khốn khổ hơn: còn những người khác thì ngược lại. Họ vượt lên nhau trong một vòng tròn bất tận: chắc chắn khi con người có nhiều ánh sáng hơn, họ ngày càng khám phá ra nhiều hơn sự khốn cùng và vĩ đại nơi con người. Tóm lại, con người biết mình khốn cùng. Nên, họ khốn cùng, vì họ biết điều ấy; nhưng họ rất vĩ đại, vì họ biết họ khốn cùng. Vậy thì con người phù phiếm xiết bao? Mới lạ, hỗn loạn, mâu thuẫn xiết bao! Phán xét vạn vật, sâu giòi đần độn của trái đất, lưu giữ chân lý, đầy rẫy bất định, vinh quang và chối bỏ của vũ trụ: nếu họ tự huênh hoang, tôi sẽ hạ họ xuống; nếu họ tự hạ thấp, tôi sẽ khen ngợi họ; và luôn nói ngược lại họ, cho đến khi họ hiểu ra rằng họ là một con quái vật không thể hiểu nổi.

Kỳ tới: Mục II: Cần nghiên cứu tôn giáo