Đức Hồng Y RATZINGER: KHOA GIẢI THÍCH KINH THÁNH GẶP KHỦNG HOẢNG
Vũ Văn An
Hàng năm, Viện Tôn giáo và Đời sống Công cộng, là viện xuất bản tạp chí FIRST THINGS, tài trợ cho loạt Thuyết giảng Erasmus ở Thành phố New York. Năm 1988, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, lúc đó, đang lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin, nay là Đức Giáo Hoàng Hưu trí Bênêđíctô XVI, trình bày bài tựa là Khoa Giải thích Kinh Thánh gặp Khủng hỏang, với những phân tích và nhận định hết sức thông sáng, vẫn còn giá trị cho đến nay, khi ta bắt gặp rất nhiều cách giải thích hết sức tùy tiện về Kinh Thánh. Chúng tôi xin chuyển ngữ trọn bài nói chuyện của ngài:
Trong cuốn History of the Antichrist (Lịch sử Kitô Giả) của Wladimir Solowjew, kẻ thù cánh chung của Chúa Cứu thế đã tự tiến cử mình với các tín hữu, trong số những điều khác, bằng sự kiện hắn đã lấy bằng tiến sĩ thần học tại Đại Học Tübingen và đã viết một tác phẩm chú giải Kinh Thánh được công nhận là tiên phong trong lĩnh vực này. Kitô Giả, một nhà chú giải Kinh Thánh nổi tiếng! Với nghịch lý này, Solowjew muốn tìm cách làm sáng tỏ tính lưỡng nghĩa cố hữu trong phương pháp luận chú giải Kinh thánh trong gần một trăm năm nay. Nói về cuộc khủng hoảng của phương pháp phê bình-lịch sử ngày nay thực tế là một chuyện cố nhiên. Bất chấp sự kiện này là nó đã có một khởi đầu rất lạc quan.
Trong sự tự do tư tưởng mới tìm được đó, sự tự do được phong trào Ánh sáng lao đầu vào nhanh chóng, các tín điều hoặc tín lý của Giáo Hội xuất hiện như một trong những trở ngại thực sự đối với việc hiểu biết đúng đắn chính Kinh thánh. Nhưng một khi được giải thoát khỏi giả định xấc xược này, và được trang bị một phương pháp luận hứa hẹn tính khách quan nghiêm ngặt, dường như cuối cùng chúng ta có thể nghe lại giọng nói rõ ràng và không thể nhầm lẫn của sứ điệp ban đầu của Chúa Giêsu. Thật vậy, những gì đã bị lãng quên từ lâu nay lại được mang ra công khai một lần nữa: tính phức điệu (pophony) của lịch sử lại được nghe một lần nữa, nổi lên từ đằng sau sự đơn điệu của những cách diễn giải truyền thống. Khi yếu tố con người trong lịch sử thánh thiêng ngày càng hiển thị nhiều hơn, thì bàn tay của Thiên Chúa dường như cũng lớn hơn và gần gũi hơn.
Tuy nhiên, dần dần, bức tranh trở nên hỗn độn. Các lý thuyết khác nhau gia tăng và nhân thừa và tách biệt với nhau và trở thành một hàng rào thực sự ngăn cản việc truy cập Kinh thánh của tất cả những ai chưa được khai tâm. Dù sao thì những người đã được khai tâm cũng không còn đọc Kinh thánh nữa, nhưng đang cắt Kinh thánh ra nhiều mảnh khác nhau mà từ đó nó đã được soạn thảo. Chính phương pháp luận dường như cũng đòi hỏi một phương thức triệt để như vậy: nó không thể đứng yên khi đánh hơi được hoạt động của con người trong lịch sử thánh thiêng. Nó phải cố gắng loại bỏ tất cả các tàn dư bất hợp lý và làm sáng tỏ mọi sự. Chính đức tin cũng không phải là một thành tố của phương pháp này, mà Thiên Chúa cũng không phải là một nhân tố được xử lý trong các biến cố lịch sử. Nhưng vì Thiên Chúa và hành động của Thiên Chúa đã thấm nhiễm toàn bộ trình thuật của Kinh thánh về lịch sử, nên người ta có nghĩa vụ bắt đầu với việc giải phẫu phức tạp lời lẽ của Kinh thánh. Một mặt có nỗ lực tháo gỡ các sợi chỉ khác nhau (của trình thuật) để cuối cùng người ta nắm trong tay điều là “lịch sử thực sự”, có nghĩa là yếu tố nhân bản thuần túy trong các biến cố. Mặt khác, người ta phải cố gắng cho thấy làm sao ý niệm về Thiên Chúa lại đã trở nên đan xen trong tất cả các sự việc đó. Vì vậy, một lịch sử “thực sự” khác phải được tạo nên thay thế cho lịch sử đã được ban cho. Bên dưới các nguồn hiện có — nghĩa là chính các sách Kinh thánh — chúng ta giả thiết phải tìm ra các nguồn gốc nguyên ủy khác, các nguồn gốc, đến lượt chúng, trở thành tiêu chuẩn để giải thích. Không ai thực sự nên ngạc nhiên khi thủ tục này dẫn đến sự nảy sinh vô số giả thuyết mà cuối cùng biến thành một khu rừng mâu thuẫn. Cuối cùng, người ta không còn học được điều văn bản muốn nói, nhưng là điều đáng lẽ nó đã nên nói, và là điều nhờ đó các bộ phận cấu thành nó có thể được truy ngược lại qua bản văn.
Tình trạng sự việc như vậy chỉ có thể tạo ra phản ứng ngược lại (counterreaction). Nơi các nhà thần học hệ thống biết thận trọng, đã bắt đầu có việc tìm kiếm một nền thần học càng độc lập với khoa chú giải càng tốt. Nhưng một nền thần học có thể có được giá trị khả dĩ nào khi bị cắt đứt khỏi nền tảng của chính nó? Vì vậy, phương thức cực đoan (radical) vốn được gọi là “não trạng chính thống cực đoan” (fundamentalism) đã bắt đầu thu phục được những người ủng hộ cho là tự sai lầm và mâu thuẫn bất cứ ứng dụng nào của phương pháp phê bình lịch sử vào Lời Thiên Chúa. Họ muốn đọc Kinh thánh trở lại trong nghĩa đen của nó, đúng như nghĩa đen của nó và đúng như người đọc bình thường vốn hiểu nó như vậy. Nhưng khi nào tôi thực sự đọc Kinh thánh “theo nghĩa đen”? Và đâu là cách hiểu “chuẩn mực” đối với Kinh thánh trong tất cả các nét đặc thù của nó? Chắc chắn não trạng chính thống cực đoan có thể coi là tiền lệ chủ trương của chính Kinh thánh, vì chủ trương này vốn chọn quan điểm của “những người nhỏ bé”, “những người có trái tim trong sạch” làm quan điểm diễn giải của mình. Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn là đòi hỏi “nghĩa đen” và “tính hiện thực” hoàn toàn không phải là đơn nghĩa (univocal) như thoạt nhìn lần đầu. Đương đầu với vấn đề của khoa diễn giải, một diễn trình thay thế khác xuất hiện: việc giải thích diễn trình lịch sử của việc phát triển các hình thức chỉ là một phần nhiệm vụ của người giải thích; cái hiểu của vị này trong thế giới ngày nay là việc khác nữa. Theo ý tưởng này, người ta nên điều tra các điều kiện cho chính cái hiểu để đi đến việc hình dung được bản văn vượt quá việc “mổ xẻ” lịch sử này. Thực thế, điều này hoàn toàn đúng, vì quả tình người ta chưa thực sự hiểu toàn bộ một điều gì đó, nếu mới chỉ biết giải thích các hoàn cảnh xung quanh sự khởi đầu của nó.
Nhưng làm thế nào có thể đi đến một cái hiểu, một mặt không dựa vào sự lựa chọn võ đoán một số khía cạnh đặc thù nào đó, nhưng mặt khác cho phép tôi hiểu thông điệp của bản văn chứ không phải điều gì đó phát xuất từ chính bản thân tôi? Một khi phương pháp luận đã đưa lịch sử vào chỗ chết bằng cách mổ xẻ nó, ai có thể đánh thức nó để nó có thể sống và nói với tôi? Xin để tôi nói một cách khác: nếu “khoa diễn giải” có khi nào tiến tới chỗ thuyết phục được, thì trước tiên phải tìm thấy sự hài hòa bên trong giữa việc phân tích lịch sử và việc tổng hợp diễn giải.
Chắc chắn, nhiều bước tiến lớn đã được thực hiện theo hướng này, nhưng tôi phải trung thực nói rằng một câu trả lời thực sự thuyết phục vẫn chưa được đưa ra. Nếu Rudolph Bultmann sử dụng triết lý của Martin Heidegger như một phương tiện để trình bầy lại lời Kinh thánh, thì phương tiện đó phù hợp với việc ông tái tạo lại bản chất thông điệp của Chúa Giêsu. Nhưng chính việc tái tạo này không phải là sản phẩm của nền triết học của ông ấy đó sao? Mức độ đáng tin cậy của nó ra sao theo quan điểm lịch sử? Cuối cùng, với phương thức hiểu này, chúng ta đang lắng nghe Chúa Giêsu hay Heidegger? Tuy nhiên, người ta khó có thể phủ nhận rằng Bultmann đã đương đầu một cách nghiêm túc với vấn đề gia tăng khả năng tiếp cận thông điệp của Kinh Thánh của chúng ta. Nhưng ngày nay, một số hình thức chú giải nào đó đang xuất hiện mà ta chỉ có thể giải thích như những triệu chứng tan rã của việc giải thích và khoa diễn giải. Các nhà chú giải duy vật và duy nữ, bất cứ người ta nói gì khác về họ, thậm chí không tự cho mình hiểu chính bản văn theo cách trong đó nó được dự kiến từ ban đầu. Cùng lắm, họ có thể được xem như nói lên quan điểm cho rằng thông điệp của Kinh thánh trong và từ chính nó vốn không thể giải thích được, hoặc nếu không, thì nó vô nghĩa đối với cuộc sống trong thế giới ngày nay. Theo nghĩa này, họ không còn quan tâm đến việc xác minh sự thật, mà chỉ quan tâm đến bất cứ điều gì sẽ phục vụ cho các nghị trình đặc thù của họ. Họ tiếp tục biện minh cho việc kết hợp nghị trình của họ với tài liệu Kinh thánh bằng cách nói rằng nhiều yếu tố tôn giáo giúp tăng cường sức sống của nghị trình họ. Vì vậy, phương pháp lịch sử thậm chí có thể dùng như một tấm áo choàng che đậy những cuộc thao túng như vậy trong chừng mực nó mổ xẻ Kinh thánh thành những phần không liên tục, sau đó có thể được đưa vào sử dụng mới và lồng vào một bản dựng phim mới (hoàn toàn khác với bối cảnh Kinh thánh nguyên thủy).
Vấn đề chính
Đương nhiên, tình trạng trên không xảy ra ở mọi nơi với cùng một mức độ nghiêm trọng. Các phương pháp thường được áp dụng với rất nhiều sự thận trọng, và lối diễn giải chiểu tự cực đoan thuộc loại mà tôi vừa mô tả đã bị một số lượng lớn các nhà chú giải bác bỏ. Ngoài ra, việc tìm kiếm các biện pháp sửa chữa các sai lầm căn bản trong các phương pháp hiện đại nay đã diễn ra trong một thời gian. Việc khảo cứu bác học để tìm ra một tổng hợp tốt hơn giữa các phương pháp lịch sử và thần học, giữa phê bình cao hơn và tín lý Giáo Hội, hầu như không phải là một hiện tượng gần đây. Người ta có thể thấy điều này do sự kiện hiếm ai ngày nay có thể khẳng định rằng một sự hiểu biết thực sự phổ biến về toàn bộ vấn đề này đã được tìm thấy, có tính đến cả những hiểu biết thông sáng không thể phủ nhận được do phương pháp lịch sử khám phá ra, trong khi cùng một lúc, khắc phục được các hạn chế của nó và tiết lộ chúng trong một diễn giải hoàn toàn thích đáng. Ít nhất cần việc làm của cả một thế hệ mới mong đạt được một điều như vậy. Do đó, điều tiếp theo sẽ là một nỗ lực để phác thảo một vài phân biệt và chỉ ra một vài bước đầu tiên có thể sử dụng để hướng tới một giải pháp cuối cùng.
Không cần đặc biệt phải chứng minh rằng một mặt, tìm an ổn trong lối hiểu mà mình cho là thuần túy, theo nghĩa đen của Kinh Thánh, là điều vô ích. Mặt khác, não trạng cực nệ thể chế Giáo Hội (ecclesiasticism) hoàn toàn có tính thực nghiệm (positivistic) và cứng ngắc cũng chẳng ích lợi chi. Tương tự như vậy, chỉ thách thức các lý thuyết cá thể, nhất là những lý thuyết táo bạo và đáng ngờ hơn, là điều không đủ. Tương tự như vậy, không hài lòng là lập trường trung dung của việc cố gắng lựa lọc trong mỗi trường hợp càng sớm càng tốt những câu trả lời của khoa chú giải hiện đại phù hợp với truyền thống nhiều hơn. Một lo xa như vậy đôi khi tỏ ra có lợi, nhưng nó không nắm được tận gốc vấn đề và trên thực tế vẫn phần nào võ đoán nếu nó không thể làm cho lý lẽ của mình trở nên khả niệm. Để đi đến một giải pháp thực sự, chúng ta phải vượt ra khỏi các tranh cãi về chi tiết và nhấn mạnh tới các nền tảng. Điều chúng ta cần có thể được gọi là một khoa phê bình khoa phê bình (criticism of criticism). Ý tôi không phải là một số phân tích bên ngoài, mà là một phê bình dựa trên tiềm năng cố hữu tự phân tích chính nó của mọi tư duy có phê phán.
Chúng ta cần một việc tự phê bình phương pháp lịch sử, có thể mở rộng tới việc phân tích về chính lý lẽ lịch sử, trong liên tục tính và sự phát triển phương pháp lý trí phê bình nổi tiếng của Immanuel Kant. Xin cho tôi đoan chắc ngay với các bạn rằng tôi không cho là tôi hoàn tất được một nhiệm vụ to lớn như vậy trong một thời gian ngắn chúng ta có mặt với nhau. Nhưng chúng ta phải bắt đầu cách nào đó, ngay cả bằng cách khám phá sơ bộ một điều vẫn còn là một vùng đất chưa được khai phá. Có vẻ như việc tự phê bình phương pháp lịch sử sẽ phải bắt đầu bằng cách đọc các kết luận của nó một cách dị đại (diachronic) để tránh thái độ coi mình đã nắm được sự chắc chắn gần như lâm sàng-khoa học. Chính cái chắc chắn biểu kiến này đã giúp các kết luận của nó được chấp nhận rộng dài xưa nay.
Thực thế, trọng tâm của phương pháp phê bình lịch sử nằm ở nỗ lực thiết lập trong lĩnh vực lịch sử một mức độ chính xác về phương pháp luận có thể mang lại kết luận chắc chắn giống như trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng điều mà một nhà chú giải coi là dứt khoát có thể bị các nhà chú giải khác đặt nghi vấn. Đây là một quy tắc thực tế được giả định là có giá trị rõ ràng và hiển nhiên. Bây giờ, nếu mô hình khoa học tự nhiên được tuân theo không do dự, thì tầm quan trọng của nguyên lý Heisenberg cũng nên được áp dụng vào phương pháp phê bình lịch sử. Heisenberg đã chỉ ra rằng kết quả của một thí nghiệm nhất định nào đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm của người quan sát. Trường hợp này đúng đến nỗi cả các câu hỏi lẫn các quan sát của người quan sát tiếp tục thay đổi theo tiến trình tự nhiên của các biến cố. Khi được áp dụng vào nhân chứng của lịch sử, điều này có nghĩa là việc giải thích không bao giờ có thể chỉ là sự tái tạo đơn giản về hữu thể lịch sử, “như nó đã từng là”. Hạn từ “giải thích” cho chúng ta một manh mối dẫn tới chính câu hỏi: mọi nhà chú giải đều đòi một “đi vào” [inter], một việc đi vào trong và một hiện hữu “ở bên trong” [inter] hoặc giữa các sự vật; đo là sự can dự của chính người diễn giải. Tính khách quan thuần túy là một sự trừu tượng phi lý. Nó không phải là người không can dự tiến đến nhận thức; đúng hơn, chính sự quan tâm là một yêu cầu cho khả thể tiến đến nhận thức.
Như thế, ở đây, câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để người ta trở nên quan tâm, không phải để bản thân lấn át tiếng nói của người khác, mà một cách khiến người ta khai triển một loại hiểu biết nội thẳm hơn về những điều thuộc quá khứ, và tai nghe được lời chúng nói với chúng ta hôm nay?
Nguyên tắc được Heisenberg đưa ra cho các thí nghiệm trong các khoa học tự nhiên này có một ứng dụng rất quan trọng đối với mối liên hệ chủ thể-khách thể. Chủ thể không được cô lập một cách gọn gàng trong thế giới riêng của nó ngoài bất cứ sự tương tác nào. Người ta chỉ có thể cố gắng đưa nó vào trạng thái tốt nhất có thể. Điều này càng đúng hơn đối với lịch sử vì các diễn trình vật lý hiện hữu trong hiện tại và có thể lặp lại. Hơn nữa, các diễn trình lịch sử vốn xử lý tính không thể hiểu thấu và các lớp lang sâu thẳm của con người và do đó, càng dễ bị ảnh hưởng bởi chủ thể nhận thức hơn là các biến cố tự nhiên. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể tái tạo lại bối cảnh lịch sử ban đầu của một chủ thể từ những manh mối hiện còn lại đó?
Vào thời điểm này, chúng ta cần dẫn nhập điều tôi vốn gọi là phương thức dị đại đối với các phát hiện chú giải. Sau khoảng hai trăm năm nghiên cứu chú giải các bản văn, người ta không còn coi mọi kết quả của chúng có sức nặng như nhau nữa. Bây giờ người ta phải nhìn chúng trong bối cảnh lịch sử đặc thù của chúng. Lúc đó, ta mới thấy rõ: một lịch sử như vậy không chỉ là một lịch sử tiến bộ từ các kết luận không chính xác đến các kết luận chính xác và khách quan. Nó xuất hiện nhiều hơn như một lịch sử của các mối liên hệ qua lại được tái tạo một cách chủ quan mà các phương thức của nó tương ứng hoàn toàn với các phát triển của lịch sử tâm linh. Đổi lại, những phát triển này được phản ảnh trong những cách giải thích đặc thù các bản văn. Trong cách đọc dị đại của khoa chú giải, những tiền đề triết học của nó trở nên khá rõ ràng. Bây giờ, ở một khoảng cách nhất định nào đó, người quan sát ngạc nhiên xác định rằng những cách giải thích này, vốn giả thiết là rất nghiêm ngặt về mặt khoa học và hoàn toàn mang tính “lịch sử”, thực ra lại phản ảnh tinh thần áp đảo (overriding) của chính chúng, chứ không phải là tinh thần của thời xa xưa. Cái nhìn sâu sắc này không nên đưa chúng ta đến sự hoài nghi về phương pháp, mà đúng hơn, đến sự công nhận trung thực về điều giới hạn của nó là chi, và có lẽ nó cần được thanh lọc như thế nào.
Kỳ sau: Tự phê bình phương pháp phê bình -lịch sử trên mô hình phương pháp này được Martin Dibelius và Rudolph Bultmann giảng dạy ra sao
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét