Chúa Kitô thiết lập bí tích
Tuấn Việt dịch từ: Bernard Cooke, Sacraments and Sacramentality, Twenty-Third Publications, 7thEdition, New London, 2006, trang 57-67.
Mục lục
1. Lượng giá lại về mặt lịch sử
2. Thiết lập là sống, chết và chỗi dậy
3. Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa
5. Đức Giêsu, sự hiện diện của Abba
6. Đức Giêsu, bí tích về sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa
WHĐ (20.03.2021) - Sách giáo lý Hội thánh Công giáo số 1131 định nghĩa: “Các bí tích là những dấu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.” Nhưng rõ ràng, các sách Tân ước không hề minh nhiên thuật lại việc Chúa Giêsu thiết lập các bí tích. Và trải qua một thời gian dài suốt dòng lịch sử, Hội Thánh không định nghĩa bí tích là gì và có bao nhiêu bí tích. Mãi đến Công đồng Trentô (1546-1563), Hội Thánh mới chính thức và long trọng tuyên bố thành tín điều: “Nếu ai nói rằng bí tích của Tân ước không do Chúa Kitô thiết lập, hoặc nói có ít hay nhiều hơn bảy bí tích, thì sẽ bị tuyệt thông”. Vậy Đức Giêsu đã thiết lập các bí tích Kitô giáo theo cách thức nào? (Lời người dịch)
1. Lượng giá lại về mặt lịch sử
Giống như những phát biểu mang tính giáo thuyết về đức tin Kitô giáo khác, chúng ta đã lặp đi lặp lại trong những thế kỉ qua rằng: “Các bí tích là những dấu chỉ thánh thiêng, được Chúa Kitô thiết lập, để ban ân sủng”, và chúng ta đã làm điều đó mà không hề quan tâm đến ý nghĩa của những gì chúng ta tuyên bố. Hoặc là, nếu phải giải thích về mặt giáo lý, chúng ta thường giải thích một cách hời hợt, thậm chí nhiều lúc giải thích sai. Suốt những thế kỉ qua, chúng ta thường hiểu rằng chính Đức Giêsu, trong những năm sứ vụ công khai và trước khi về trời, đã hướng dẫn cho các Tông đồ biết cách thức cử hành các nghi lễ bí tích khác nhau (thánh tẩy, cử hành thánh lễ, vv…). Cuộc tranh luận kéo dài hàng thế kỉ giữa các thần học gia, để xem có phải chính Chúa Giêsu đã đích thân quy định cách chi tiết các cử hành phụng vụ thiết yếu (ví dụ như dùng nước trong việc thánh tẩy với công thức tuyên xưng Ba Ngôi), hay là Ngài chỉ để lại cho các Tông Đồ những công thức chung cho việc cử hành bí tích, còn phần chi tiết là do các Tông Đồ. Nhưng cho dù các thần học gia chọn lựa hình thức thiết lập các bí tích “theo loài” (specific) hay “theo loại” (generic), thì cũng có một sự nhất trí với nhau rằng phụng vụ bí tích đã được Chúa Giêsu dự liệu và ủy thác bằng một cách thức nào đó.
Đôi khi lối giải thích này gặp phải những khó khăn. Trong các trình thuật của Tân ước về hoạt động của Chúa Giêsu, có rất ít dấu hiệu cho thấy Chúa Giêsu đã thiết lập như vậy, có lẽ ngoại trừ việc Thánh tẩy và lập Phép Thánh thể. Các nghiên cứu Thánh kinh và lịch sử hiện đại - làm rõ một cách đáng kể bức tranh về Kitô giáo thực sự như thế nào - đã cho thấy cách hiểu “truyền thống” thậm chí còn khó chấp nhận hơn. Trong thực tế, dưới ánh sáng của những gì chúng ta đã biết về Giáo hội sơ khai, thật không thể nào duy trì quan niệm cho rằng các nghi lễ bí tích được Chúa Giêsu dự liệu, hay ủy thác. Nhưng, liệu rằng những gì chúng ta thực hiện với dáng vẻ như là yếu tố bền vững và sâu sắc trong niềm tin Kitô giáo, nghĩa là những gì các Kitô hữu đã thực hiện trong các bí tích, có thể tìm được nguồn gốc của nó trong chính hoạt động cứu độ của Chúa Giêsu hay không?
Một phần của vấn đề có thể nằm ở thực tế là chúng ta đang tìm kiếm một điều không xác thực khi chúng ta trở lại Tân ước và các tài liệu Kitô giáo sơ khai. Chúng ta đang tìm kiếm với một góc nhìn quá nhỏ hẹp, tìm kiếm các cử hành phụng vụ như là những gì đã được kết cấu hóa, ít nhất là trong hình thức chính yếu, giống như “bảy bí tích” của chúng ta. Điều hữu ích cho ta lúc này là chúng ta cần phải có một cái nhìn bao quát hơn về cách hiểu mang tính giả thuyết của chúng ta về “bí tích”: đó là những gì ảnh hưởng lên một cái gì đó nhờ ý nghĩa của nó. Nói cách khác, bí tích là những gì đem lại ý nghĩa cho những thứ khác. Như vậy, vấn đề của chúng ta giờ đây là: Chúa Giêsu đã làm gì khiến thay đổi ý nghĩa của thực tại nhân loại của chúng ta? Đâu là ý nghĩa nơi hành động của Ngài đã làm biến đổi ý nghĩa kinh nghiệm nhân loại của chúng ta, và do đó, cũng là thực tại của hiện sinh nhân loại chúng ta?
2. Thiết lập là sống, chết và chỗi dậy
Chúng ta hãy bắt đầu với một câu trả lời khái quát cho câu hỏi này, và sau đó sẽ trình bày cách chi tiết hơn. Chúa Giêsu đã thiết lập (và tiếp tục thiết lập) hệ thống bí tích Kitô giáo bằng toàn bộ đời sống và đặc biệt là bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài. Bằng việc sống, chết và đi vào trong một hình thái mới của đời sống nhân loại, Ngài đã biến đổi thực tại và ý nghĩa của điều nói lên ý nghĩa của kiếp nhân sinh. Ngài đã mặc lấy cho “nhân loại” một ý nghĩa mới. Vì lý do đó, Ngài chính là mặc khải mới từ Thiên Chúa về nhân tính là gì. Như một số thần học gia ngày nay phát biểu, Chúa Giêsu là “dụ ngôn của Thiên Chúa”, là câu chuyện sống động thực sự giải thích về nhân loại cũng như Thiên Chúa là gì.
Thông qua cuộc sống, cái chết và phục sinh, Chúa Giêsu đã đem lại cho toàn bộ kinh nghiệm nhân loại một ý nghĩa “Kitô”; Ngài đã đem lại cho đời sống con người một ý nghĩa làm con thực sự, bằng cách hiện thực hóa trong sự phát triển nhân loại của Ngài những gì có nghĩa là trở nên một con người đang lớn lên, bằng cách đáp trả Thiên Chúa, Đấng mà Ngài cảm nghiệm như là Abba. Ngài cũng cho thấy làm thế nào người ta có thể trở thành người hơn bằng cách chấp nhận thực tại của việc làm “con yếu dấu” của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cái chết và sự phục sinh của Ngài, cuộc vượt qua của Ngài vào trong một hiện sinh nhân loại hoàn toàn mới và trọn vẹn, là những gì đem lại ánh sáng cho toàn bộ đời sống của Ngài và giải thích lại với chiều sâu mới ý nghĩa của tất cả những gì Ngài đã trải qua. Đây là những gì đã làm thay đổi một cách cơ bản các cử hành bí tích căn bản của đời sống nhân loại của Ngài và của chúng ta.
Một cách khác để diễn tả vai trò của Chúa Giêsu trong việc thiết lập các bí tích Kitô giáo đó là: chính Ngài là bí tích căn bản của sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Nói về Chúa Giêsu theo những hạn từ chính xác hơn có vẻ như mới mẻ, nhưng cách hiểu được diễn tả bởi những lời ấy được chứa đựng trong chính Tân ước. Các phạm trù đã được sử dụng bởi Giáo hội sơ khai, và đồng thời cũng là bởi các bản văn Tân ước, hiểu vai trò bí tích này của Chúa Giêsu là: (1) Lời của Thiên Chúa và (2) Đền thờ mới.
3. Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa
Bên cạnh thần học Tân ước về Chúa Giêsu như là Ngôi Lời của Thiên Chúa, truyền thống Cựu ước lâu đời cũng đã trình bày những suy tư về lời của Thiên Chúa. Trong thời kì các phong trào ngôn sứ vĩ đại xuất hiện ở Israel (khoảng thế kỉ thứ tám và thứ bảy trước Công nguyên), có quan niệm cho rằng chính lời của Thiên Chúa đã đem lại năng lực sống (power of life) cho lịch sử nhân loại. Những lời ấy đã làm hoang mang và gây lo lắng cho con người trong một thời gian dài trước đó. Tại sao lời của lề luật, cho dù được viết ra hay được nói ra, có thể gây nên cái chết hay giam hãm hay đem lại phần thưởng? Làm thế nào những dấu chỉ kì lạ này in vào các bảng bùn (clay tablets) hay được ghi trên giấy papyrus đem lại một thông điệp trải dài hàng trăm dặm? Làm thế nào sức mạnh của một vị vua có thể được chứa đựng trong một mệnh lệnh? Do đó, dân Israel, được làm thành một dân bằng việc Thiên Chúa nói với họ, đặc biệt trong lề luật, ngày càng trở nên say mê nhờ sức mạnh của lời Thiên Chúa.
Lời Thiên Chúa trở nên khả dĩ là nhờ các tác nhân con người. Rõ ràng nhất là, ĐỨC CHÚA nói với dân thông qua các ngôn sứ, các vị ấy có nhiệm vụ nói thay Thiên Chúa; nhưng một cách căn bản hơn, lời Thiên Chúa hướng dẫn đời sống của dân Israel thông qua lề luật, như nó đã được công bố và giải thích bởi các tư tế và kinh sư. Lời này hướng dẫn và an ủi; đó là lời giáo huấn, nhưng trên hết, nó là lời mệnh lệnh kèm theo lời hứa hay đe dọa.
Lời của Thiên Chúa chất chứa một sức mạnh vô song, đặc biệt là năng lực sống dồi dào. Khi Thiên Chúa kêu gọi ngôn sứ Jeremiah thực thi sứ vụ ngôn sứ, vị ngôn sứ được cho biết rằng lời Thiên Chúa sẽ ở trên môi miệng ông để xây dựng và phá hủy, để gieo trồng và nhổ lên. Như vậy, không có gì ngạc nhiên, Jeremiah phải miễn cưỡng tuyên bố những lời tiên báo tàn khốc về sự sụp đổ của Jerusalem. Khi được thốt ra từ môi miệng của vị ngôn sứ, lời tiên báo này giống như một sức mạnh thể lý và cũng là nguyên nhân cho điều nó loan báo. Lời quyền năng này được mô tả cách ấn tượng ở một trong những đoạn văn đầy hình ảnh nhất của Sách Thánh (Is 55, 9-11):
“Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”
Không chỉ các ngôn sứ triển khai cách hiểu này về lời hữu hiệu của Thiên Chúa. Trong truyền thống tư tế, như chúng ta nhận thấy trong chương mở đầu của sách Sáng Thế, lời Thiên Chúa chính là sức mạnh sáng tạo. Khác với các thần thoại cổ khác về nguồn gốc thế giới, bản văn tư tế này trình bày ĐỨC CHÚA chỉ đơn thuần truyền lệnh cho vũ trụ xuất hiện. Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng!” Lời này đã làm ra thế giới; nó làm cho Israel trở thành một dân. Từ quan điểm xã hội đơn thuần, lời của ĐỨC CHÚA, theo niềm tin của dân Israel, có ảnh hưởng hơn mọi thứ khác, đã kiến thiết Israel trở thành một dân.
Khi chúng ta đọc những trang Tân ước, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu liên hệ đến thần học về lời Thiên Chúa này theo nhiều mức độ khác nhau. Ngài là một ngôn sứ, ngôn sứ vĩ đại được mong đợi, là người rao giảng niềm mong đợi sau hết về “Ngày của Đức Chúa”. Nhưng Ngài còn hơn thế nữa, Ngài hiện thực hóa ý niệm về ơn gọi ngôn sứ như được mô tả trong Bài ca Người tôi tới (Is 52-53); Ngài thực sự tóm tắt toàn bộ lịch sử ngôn sứ của Israel trong sứ mạng của riêng Ngài. Nhưng suy tư của Kitô giáo về Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa. Không chỉ là lời Thiên Chúa trên môi miệng Đức Giêsu theo một cách thức độc đáo nhất, nhưng trong chính hữu thể của Ngài như là một con người xuất thân từ làng Nazareth, Ngài là Lời cứu rỗi, sáng tạo và mặc khải của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, người Kitô hữu cần phải nhớ điều này là: mầu nhiệm Đức Giêsu như là hiện thân của Lời tự mặc khải của Thiên Chúa vẫn tiếp tục trong lịch sử. Với cái chết và phục sinh của mình, Đức Giêsu không chỉ dừng lại việc thực hiện của Lời này, như thể là công trình của Ngài đã hoàn tất. Thay vào đó, với sự phục sinh, Ngài đã thực hiện một cách viên mãn chức năng này. Là Lời của Thiên Chúa, Ngài thông truyền ân huệ là chính Thiên Chúa, nhờ đó, con người có thể đón nhận ân huệ này, và khi chấp nhận như vậy, con người được cứu độ và được sống bởi Thần Khí Thiên Chúa; và Đức Giêsu là Lời ấy mãi mãi và không thể thay đổi. Như vậy, khi nghiên cứu về việc nhập thể của Ngôi Lời trong Đức Giêsu, chúng ta không chỉ đang nói về những gì đã diễn ra, nhưng còn là những gì đang tiếp tục diễn ra hôm nay.
4. Đức Giêsu, Đền thờ mới
Khi Đức Giêsu hoàn thành một cách siêu việt tất cả kinh nghiệm của dân Israel về lời Thiên Chúa, đồng thời Ngài cũng thực hiện trong bản thân và công trình của Ngài ý nghĩa và chức năng sâu sắc hơn của đền thờ Jerusalem và chức tư tế của nó. Trong những thế kỉ đóng chân tại Jerusalem, đền thờ được Salomon xây dựng này đã đóng vai trò biểu trưng rất sâu xa trong đời sống của Israel. Sự tồn tại của nó là dấu chỉ sự nâng đỡ và củng cố của Thiên Chúa đối với triều đại Đavid, và qua triều đại này, là vương triều Giuđa. Khi nó dần dần trở nên đền thờ trung tâm của toàn thể Israel, và chức tư tế của nó có được một vị trí ưu việt trong đời sống tôn giáo của dân tộc, đền thờ dần dần trở nên trung tâm hiệp nhất. Trong đền thờ, hòm bia giao ước được gìn giữ để nhắc nhớ giao ước được kí kết ở Sinai. Cũng trong đền thờ, người ta dâng những hy lễ lên Thiên Chúa như được mô tả trong lề luật. Trong những dịp đại lễ tại đền thờ, khi đó dân Israel từ khắp nơi quy tụ lại với nhau, lắng nghe lời công bố và giải thích luật, nhờ đó Thiên Chúa hướng dẫn đời sống của họ.
Theo một ý nghĩa nào đó, đền thờ này là nơi hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa Israel. Không phải ĐỨC CHÚA bị giam hãm trong nơi cực thánh, phần thánh thiêng nhất của đền thờ, nhưng ở đây, sự hiện diện của Thiên Chúa được tập trung một cách nào đó, nơi đó người ta có thể được bảo đảm có cơ hội tiếp xúc với Thiên Chúa, làn khói bốc lên từ các hy lễ xác quyết cho dân rằng Thiên Chúa đang chấp nhận lời cầu nguyện của họ và đáp ứng các nhu cầu của họ. Đền thờ đóng vai trò như là một biểu tượng về sự trung thành liên lĩ của dân Israel đối với Thiên Chúa; nó còn hơn là một biểu tượng về lòng trung thành không ngơi nghỉ của Thiên Chúa trong việc bảo vệ và hướng dẫn dân chúng.
Trình bày vai trò biểu trưng mạnh mẽ và trung tâm của đền thờ vua Salomon, chúng ta có thể tưởng tượng ý nghĩa thảm họa đổ ập xuống dân khi quân đội Babilon phá hủy nó vào năm 586 TCN. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu hiểu đúng lòng khao khát mãnh liệt nhất của dân Do Thái ở nơi lưu đày Babilon mong muốn trở về Jerusalem và tái thiết đền thờ.
Vào thời Chúa Giêsu, đền thờ đã được tái thiết này mang một ảnh hưởng biểu trưng rộng lớn hơn. Mặc dù dân Do Thái bị phân tán xung quanh lưu vực Địa Trung Hải trong cuộc lưu đày là kết quả của các cuộc xâm lược Palestine, họ tìm thấy nguồn căn tính và hiệp nhất nơi đền thờ Jerusalem. Khi có thể, họ đến đền thờ để cử hành các nghi lễ quan trọng. Ngay cả khi không thể đi lên Jerusalem, việc nhận biết về sự hiện hữu của đền thờ là sức mạnh thống nhất giữa dân Do Thái.
Như được mô tả trong Tin Mừng, sự mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và giới lãnh đạo Do Thái xét cho cùng được cô đọng trong mối tương quan giữa chính bản thân Ngài và việc xây dựng đền thờ. Đức Giêsu không chỉ công kích những lạm dụng trong việc thờ phượng ở đền thờ, nhưng sứ mạng của Ngài còn đánh dấu khởi đầu cho sự kết thúc của đền thờ và tất cả những gì diễn ra trong đó, kết thúc vai trò trung gian đặc biệt của chức tư tế đền thờ. Những gì được thực hiện trong đời sống của Ngài và đặc biệt là trong cái chết và phục sinh của ngài vừa thay thế vừa hoàn thiện tất cả ý nghĩa của đền thờ trong đời sống của dân giao ước. Chính Chúa Giêsu là “nơi cư ngụ” mới của sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa được gắn liền với một nơi thánh thiêng; việc cư ngụ của Thiên Chúa phải tìm ra tiêu điểm của nó trong dân giao ước mới, cộng đoàn đó là “thân thể của Đức Kitô” (theo cách nói của thánh Phaolô).
5. Đức Giêsu, sự hiện diện của Abba
Khi chúng ta dừng lại để suy tư về đề tài Tân ước nói về Chúa Giêsu như là Lời và Đền Thờ, chúng ta có thể nhận thấy rằng đức tin Kitô giáo nhìn nhận Chúa Giêsu như là bí tích căn bản về sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử. Ngài không chỉ là dấu chỉ hữu hình mà Thiên Chúa thực hiện trong thế giới của chúng ta; Ngài là công trình của Thiên Chúa trong thế giới. Điều này bắt đầu với sự hiện diện độc nhất của Thiên Chúa với cảm nghiệm của Đức Giêsu Nazareth, cảm nghiệm về Abba của Chúa Giêsu, một cảm nghiệm có một không hai nơi tâm trí con người của Ngài với thực tại siêu việt, là một điều gì đó mà chúng ta chỉ có thể hình dung cách mơ hồ. Chúng ta có thể liên tưởng đến một cái nhìn trực tiếp về Thiên Chúa, chúng ta có thể nói rằng Ngài nhận thức về Thiên Chúa “diện-đối-diện”, chúng ta cũng có thể nói nhận thức về Thiên Chúa lan tỏa trong toàn bộ tinh thần của Ngài, nhưng tất cả phát biểu này đều không thỏa đáng, thậm chí còn là những diễn tả sai lạc về sự mật thiết mầu nhiệm giữa con người lịch sử này và Thiên Chúa siêu việt mà Ngài xem như là Abba - Cha. Không một người Do Thái trong thời Chúa Giêsu sử dụng từ ngữ thân thương này để gọi Thiên Chúa của Israel.
Chúng ta có thể đưa ra một loại suy mờ nhạt từ một vài hoàn cảnh con người về sự thân mật riêng tư. Ví dụ, khi tôi nói chuyện với người mà tôi rất yêu thương và tôi nhìn vào đôi mắt người ấy, có một sự thân mật chân thành về mối liên hệ cá nhân, và tôi không thể giấu mình đối với người đó, và do đó, chúng tôi trở nên hiện tại đối với nhau. Trái lại, nếu tôi không thực sự muốn nói chuyện cách chân thành với ai đó, tôi tránh tiếp xúc trực tiếp bằng mắt. Do đó, chúng ta có thể quảng diễn rằng Chúa Giêsu, với những gì chúng ta gọi là “đôi mắt của linh hồn” sống trong sự thân mật và hiện diện của Thiên Chúa, và Ngài đã sống như vậy với sự nhận thức về tình trạng – vượt ra khỏi những gì người khác có thể tuyên bố - làm Con Thiên Chúa.
Bởi vì sự nhận thức về Thiên Chúa siêu vượt như là Cha của Ngài là điều bất khả phân ly khỏi việc tự nhận thức về mình, Đức Giêsu luôn sống trong sự hiện diện đầy ý thức của Thiên Chúa; Thiên Chúa cư ngụ trong sự hiện diện đặc biệt nơi Đức Giêsu. Thiên Chúa bày tỏ chính mình như là ngôi vị nơi người con mang bản tính nhân loại (human son) này; Đức Giêsu là sự bày tỏ được đón nhận và chuyển dịch (received and translated) trong đời sống con người. Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa đã trở thành xác phàm. Cụ thể hơn, Đức Giêsu không nghĩ về chính Ngài tách biệt khỏi nhận thức về Abba, trong mối tương quan với Đấng mà Ngài làm nên sự ý thức về chính mình của Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng vai trò của Đức Giêsu liên quan đến sự hiện diện của Thiên Chúa là một điều hoàn toàn thụ động. Sự hiện diện đòi hỏi rằng người ta phải tự do mở ra với người muốn thông truyền; nó đòi hỏi lắng nghe theo ý nghĩa sâu xa nhất của hạn từ đó. Tư tưởng Tân ước nói đến khía cạnh này nơi tương quan của Chúa Giêsu với Cha của Ngài trong hạn từ “vâng phục”. Ngài sống trong sự chấp nhận liên lĩ và vô điều kiện; mọi thứ trong đời sống của Ngài là sự đáp trả đầy yêu thương đối với tình yêu mà Ngài cảm nghiệm phát xuất từ Cha của Ngài. Truyền thống Tin Mừng Gioan mô tả Đức Giêsu như là “luôn làm đẹp lòng Cha.” Một cách cụ thể, ở bình diện đời sống cá nhân, việc Đức Giêsu hướng tình yêu về Cha, đối với Ngài, có nghĩa là sống như một con người và với ý thức như là người con.
Đức Giêsu là con người, giống như tất cả chúng ta, mối tương quan bao hàm trong việc sống như người con của một ai đó là một điều ở trong tình trạng tiến triển. Thật không may, nhiều người đi đến tuổi trưởng thành chỉ về mặt sinh học và vẫn là con của ai đó về mặt pháp lý, bởi vì họ từ chối cha mẹ của họ ở bình diện cá nhân từ lâu; mối tương quan này không còn quan trọng đối với họ; nó không nằm ở cội nguồn căn tính của họ. Đối với tất cả chúng ta, trở thành con không phải là một tiến trình lâu dài, trong nhiều trường hợp, đó còn là một quá trình đầy khó khăn. Đối với Đức Giêsu, tiến trình trở thành con của Cha vẫn tiếp tục kéo dài trong suốt đời sống trần thế cũng như qua cái chết và phục sinh của Ngài.
“Việc trở thành con” này chắc chắn được điều kiện hóa bởi hoàn cảnh thời gian, nơi chốn, và những gì xảy ra làm nên kinh nghiệm ngày nối tiếp ngày của Đức Giêsu; mối liên hệ này và sự chấp nhận của Cha được thể hiện một cách cụ thể trong quá trình đáp ứng với những hoàn cảnh này. Do đó, cá tính riêng trong đời sống lịch sử của Ngài đã trở nên, và vẫn trở nên, một phần nội tại trong bản chất của Ngài như là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chính con người này, Đức Giêsu Nazareth, một cách cụ thể, là Đức Kitô và là Chúa.
Bởi vì sự phát triển con người của Đức Giêsu được thể hiện qua việc đáp trả liên tục với sự hiện diện đặc biệt của Cha Ngài, chúng ta có thể nói rằng việc tự tỏ bày một cách cá nhân của Thiên Chúa, Ngôi Lời, là sự sáng tạo không ngừng của con người Đức Giêsu. Không chỉ sáng tạo về mặt hữu thể học như là yếu tố duy trì sự hiện hữu của mọi thứ trong vũ trụ. Cũng không chỉ sáng tạo theo cách thức cảm nghiệm tôn giáo mãnh liệt của Thiên Chúa định hình trong ý thức của vị ngôn sứ và nhà huyền bí. Trong Đức Giêsu, nó vượt ra khỏi những kiểu cụ thể này, bởi vì nó chính là nguồn của việc tự nhận thức về bản thân của Ngài. Căn tính con người của Ngài là làm con của Cha.
6. Đức Giêsu, bí tích về sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa
Một cách diễn tả khác về bản chất và vai trò của Đức Giêsu đó là Ngài là bí tích về sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, hiển nhiên điều này đem chúng ta đến gần hơn với nghiên cứu của chúng ta về vấn đề Đức Kitô thiết lập các bí tích có nghĩa là gì. Ở trọng tâm tính chất bí tích của Đức Giêsu, và cử hành bí tích Kitô giáo, chính là sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa với Đức Giêsu mà Ngài nhận biết trong kinh nghiệm về Cha của Ngài, một sự hiện diện đòi buộc Đức Giêsu mở ra hoàn toàn với việc trao ban chính mình đối với Cha Ngài. Khi nó phát triển trong suốt đời sống trần thế, cảm nghiệm này là biểu tượng nền tảng qua đó Đức Giêsu dần dần ý thức về Thiên Chúa và về chính mình.
Tuy nhiên, sự hiện diện biến thể và sáng tạo này của Cha Đức Giêsu trở thành bí tích hóa đối với những người khác, vì nó được thể hiện theo cách thức làm thay đổi ý nghĩa đời sống con người và nó được “chuyển dịch” (translate) ở hai mức độ: 1) Nó là một phần của nhận thức của Đức Giêsu theo cách thức đụng chạm đến ý nghĩa của mọi thứ khác mà Ngài đã trải nghiệm. 2) Như vậy, nó được diễn tả trong những lời nói và hành động mà Đức Giêsu chia sẻ với những người xung quanh Ngài và diễn tả những gì đời sống có ý nghĩa với Ngài. Nhận thức của Ngài và sự mở ra với Cha Ngài phải diễn ra như là một yếu tố nội tại trong cảm nghiệm liên tục của Ngài về tình trạng con người Giêsu. Ngài cảm nghiệm Cha của Ngài như là nguồn cội, ý nghĩa sau cùng và mục đích tối hậu của mọi sự kiện diễn ra trong đời sống của Ngài. Cha của Ngài được mặc khải cho Ngài ở trong và thông qua những biến cố; đồng thời, những biến cố ấy khác biệt một cách triệt để như là những kinh nghiệm nhân loại, chúng không bao gồm sự hiện diện này của Cha Ngài.
Đức Giêsu đã sống một loạt những hệ lụy về kinh nghiệm cụ thể của nhân loại trong lịch sử (là người Galilê trong thời kì biến loạn xã hội mà cuối cùng dẫn đến việc người Rôma phá hủy Jerusalem, dạy dỗ và xây dựng một nhóm nhỏ các môn đệ, bị các thượng tế chống đối, vv…) trong một cảm nghiệm liên lỉ về sự hiện diện của Cha Ngài. Đối với Ngài, thực chất của việc làm người là liên tục được “thần thiêng hóa” (divinized). Bởi vì Cha của Ngài là thực tại căn bản nhất mà Ngài ý thức được, thực tại của Cha Ngài đem lại ý nghĩa tối hậu cho mọi thứ khác mà Ngài trải nghiệm. Tự nhận thức về chính mình – là cái đã dần dần phát triển kinh nghiệm này – được định hình bởi mối tương quan với Cha Ngài, Đấng được nhận biết giữa những gì xảy ra trong cuộc đời Ngài.
Theo cách này, dòng kinh nghiệm nền tảng mang tính nhân loại được biến đổi trong ý nghĩa của nó, đó là trong tính chất bí tích của nó, bởi những gì diễn ra trong nhận thức của Đức Giêsu. Nhờ trải nghiệm về mặt tâm lý học sâu xa với cái siêu việt, tất cả các yếu tố căn bản của việc làm người – được sinh ra, lớn lên, đau khổ, vui mừng, thành công, thất bại, quyết định, nguy hiểm, không chắc chắn, cái chết, sợ hãi, hy vọng, yêu thương – mang lấy một ý nghĩa sâu xa chưa từng có. Ở đây, trong Đức Giêsu, những gì nhân tính có thể trở thành nếu nó sống trong sự thân mật với thần linh được mặc khải; đồng thời, ở đây trong Đức Giêsu, cùng đích của nhân loại cũng được mặc khải.
Tuy nhiên, những gì diễn ra trong ý thức của Đức Giêsu chỉ ở mức độ thứ nhất của “chuyển dịch”. Để sự hiện diện cụ thể của Người Cha thần thiêng trở thành bí tích cho người khác, ý nghĩa đời sống con người đã được biến đổi này phải được thông truyền nhờ Đức Giêsu thông qua lời nói và hành động của Ngài. Đây là những gì trình thuật của Tin Mừng về sứ mạng, cái chết-phục sinh của Đức Giêsu muốn nhắm tới. Thông qua giáo huấn và việc chữa lành của Đức Giêsu, nhưng trên hết là cuộc gặp gỡ trao ban sự sống qua cái chết của Ngài, Ngài đã bí tích hóa sự hiện diện biến thể của Cha nhờ những gì chính Ngài đã sống.
Khi chúng ta cẩn thận nhìn lại những thập niên đầu của Kitô giáo và quá trình suy tư và truyền thống truyền khẩu dẫn đến việc biên soạn các bản văn Tân ước, chúng ta có thể nhận thấy rằng các Kitô hữu tiên khởi rất ý thức về “chuyển dịch ở mức độ thứ hai” của việc cử hành bí tích của Đức Giêsu, tuy nhiên, một cách hiển nhiên, chúng không được thực hiện theo cách mà chúng ta đang làm. Cách tiếp cận của họ được diễn tả trong quan niệm rằng Thiên Chúa đã thực hiện những việc làm vĩ đại: cuộc sống, cái chết và phục sinh của Đức Giêsu; đây là đỉnh điểm của tất cả việc làm vĩ đại của Thiên Chúa đã làm nên lịch sử Israel thời Cựu ước. Dĩ nhiên, những gì Đức Giêsu đã làm là những gì Ngài thực sự đang làm, nhưng đó cũng là công trình của Thiên Chúa trong Đức Giêsu: Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đến làm Đấng Cứu Thế, và đã xác nhận điều đó bằng cách làm cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết. Những gì Chúa Giêsu đã là, đã nói và đã làm phải được xem như là bày tỏ sự hiện diện và ý định cứu độ của Thiên Chúa. Nói theo hạn từ Thánh Kinh, Đức Giêsu đã là và là “vinh quang Thiên Chúa”.
Do đó, không có gì nơi Đức Giêsu là vô nghĩa. Trong những cách thức đó, hành động của Đức Giêsu và chính hữu thể của Ngài truyền đạt những ý nghĩa, chúng mặc khải cho chúng ta ý nghĩa về chính những kinh nghiệm đời sống của chúng ta. Ý nghĩa của những gì Ngài đã nói và đã làm gợi lên những ý nghĩa mà chúng ta áp dụng vào chính kinh nghiệm của chúng ta. Đời sống của Ngài, và đặc biệt là cái chết và sự phục sinh, là những dụ ngôn có phần bí ẩn mà Thiên Chúa trao tặng chúng ta như là nguồn khai mở ý nghĩa sâu xa vào trong điều kiện con người. Những ai tuyên bố là môn đệ Đức Giêsu là những người chấp nhận “ý nghĩa Giêsu” (Jesus meaning) này như là của chính họ và làm cho nó trở thành “lề luật mới” hướng dẫn đời sống của họ. Những nhận thức này phát xuất từ việc lắng nghe “dụ ngôn Thiên Chúa” là quan trọng nhất và là những yếu tố quyết định trong việc thông diễn (hermeneutic) các kinh nghiệm của họ.
7. Tóm tắt
Đức Giêsu đã thiết lập các bí tích không phải bằng cách đích thân làm ra những nghi lễ tôn giáo nào đó. Thay vào đó, Ngài đã đem lại cho toàn bộ kinh nghiệm nhân loại một ý nghĩa mới, bởi vì Ngài đã sống, đã chết và đã sống lại vào trong một đời sống mới dưới ảnh hưởng liên lỉ của sự hiện diện thân mật của Thiên Chúa. Thiên Chúa, Abba của Đức Giêsu, sống với Ngài một cách thân mật chưa từng có, nên Kitô giáo sơ khai đã xem Đức Giêsu như là “đền thờ mới”. Đức Giêsu là hiện thân sống động của sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, vì Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa, là bí tích về quyền năng cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại.
Mặc dù toàn bộ đời sống của Đức Giêsu mang tính bí tích, nhưng đặc biệt hơn, ý nghĩa bí tích được gắn kết với cái chết và sự phục sinh của Ngài. Trong khi cảm nghiệm cái chết như là tự do chấp nhận nguy hiểm tột bậc, như là hoàn toàn trung thành với chân lý và tình yêu, như là chứng từ cao nhất về Abba của Ngài, và như là việc bước vào đời sống mới, Đức Giêsu đem lại cho đời sống nhân loại một ý nghĩa trọn vẹn và viên mãn. Đây là “ý nghĩa Kitô” (Christ-meaning) được diễn tả bởi các bí tích Kitô giáo khi chúng biến đổi-ý nghĩa (trans-signify) đời sống con người. Đức Giêsu thiết lập các bí tích này bằng bí tích nguyên sơ về sự hiện diện cứu độ của Cha Ngài trong đời sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 86 (Tháng 01 & 02 năm 2015)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chua-kito-thiet-lap-bi-tich-41633
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét