Trang

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Đôi mắt của tình yêu

 Đôi mắt của tình yêu

Ronald Rolheiser, 2021-05-03

Chúng ta hình dung một cặp say sưa yêu nhau trong thời gian đầu; một người tân tòng yêu mến Chúa, cầu nguyện đến xuất thần; một thanh niên lòng đầy lý tưởng, làm việc không mệt mỏi vì người nghèo, lòng bừng bừng vì khao khát công bằng. Hai bạn trẻ đó có yêu nhau thực sự không? Người tân tòng đó có yêu Chúa thực sự không? Nhà hoạt động xã hội trẻ có có thật sự yêu người nghèo không? Đó là những câu hỏi không dễ để trả lời.

Khi có cảm giác yêu là chúng ta thật sự đang yêu ai? Yêu người khác? Yêu bản thân? Yêu mẫu hình và sinh lực nơi những người khác? Yêu ảo tưởng của chúng ta về người đó? Hay là yêu cái cảm giác mà trải nghiệm đó khơi lên trong chúng ta? Khi yêu, chúng ta thật sự yêu người khác hay chỉ đắm mình trong một cảm giác tuyệt vời vốn có thể dễ dàng được vô số người khơi lên?

Có những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Thánh Gioan Thánh Giá nói tình yêu là tất cả những điều này, là chúng ta thật sự yêu người đó, yêu ảo tưởng của chúng ta về người đó, và đắm mình trong cảm giác vui thích mà chuyện này khơi gợi lên trong lòng chúng ta. Chính vì thế, một chuyện luôn xảy ra là, đến một lúc nào đó trong mối quan hệ, những cảm giác yêu nồng nàn mạnh mẽ nhường chỗ cho vỡ mộng – và theo định nghĩa, “vỡ mộng” là xóa tan những ảo tưởng, mộng tưởng sai lầm, những gì không có thật. Với Thánh Gioan Thánh Giá, khi chúng ta yêu, thì một phần tình yêu đó là thật, và một phần là ảo tưởng. Hơn nữa, ngài nói điều này cũng đúng với những cảm giác sốt sắng ban đầu của chúng ta khi cầu nguyện và làm những việc hảo tâm. Có sự trộn lẫn cả hai, cả tình yêu chân thực và ảo tưởng.

Một vài phân tích khác lại không nương tay đến thế. Nhiều phân tích xác định rằng mọi tình yêu ban đầu của chúng ta, dù là với người khác, với Thiên Chúa  khi cầu nguyện, với người nghèo trong việc phục vụ, chủ yếu đều là ảo tưởng. Xét cho cùng, chúng ta yêu chuyện được yêu, yêu những gì lời cầu nguyện làm cho ta, hoặc là yêu cảm giác chúng ta có được khi làm việc vì công bằng. Người khác, Thiên Chúa và người nghèo, chỉ là điều thứ yếu. Chính vì thế, chuyện thường xảy ra là khi lửa mến ban đầu nguội đi, thì tình yêu của chúng ta dành cho đối tượng cũng lạnh dần. Khi ảo tưởng chết đi, thì cảm thức yêu cũng thế. Chúng ta yêu mà không thật sự hiểu người kia, và chúng ta hết yêu mà cũng không thật sự hiểu người kia. “Bắt đầu yêu” trong tiếng Anh là “fall in love” (tiếng Việt là rơi vào lưới tình, là phải lòng) và nó nói lên nhiều điều. “Fall/ngã” không phải là điều chúng ta quyết định mà điều xảy đến với chúng ta. Linh đạo về hôn nhân có một khẩu hiệu rất sáng suốt: hôn nhân là lựa chọn, yêu thì không.

Ai nói đúng đây? Khi chúng ta yêu, bao nhiêu phần là tình yêu đích thực và bao nhiêu phần là ảo tưởng, vốn thật sự chỉ là chúng ta đang yêu chính mình? Nhà thơ người Mỹ Steven Levine trả lời câu hỏi này từ một góc nhìn khác và soi rọi nhận định mới về vấn đề này.

Ông nói rằng, tình yêu không phải là “cảm xúc đối ngẫu”. Với ông, mỗi khi chúng ta cảm nhận tình yêu chân thực, chính lúc đó, chúng ta cảm nhận sự đồng nhất với Thiên Chúa và vạn vật. Ông viết: “Cảm nghiệm tình yêu trỗi dậy khi chúng ta buông bỏ sự tách biệt của mình trước sự đồng nhất toàn thể. Nó là một cảm giác hợp nhất… Nó không phải là cảm giác, đúng hơn là một tình trạng hiện hữu…. Nó không phải là ‘cả hai nên một’ cho bằng ‘một mà thể hiện như hai’”. Nói cách khác, khi yêu ai đó, thì lúc ấy, chúng ta là một với người đó, không tách rời, đến nỗi dù cho những ảo tưởng và cảm giác của chúng ta chỉ nhắm vào tác động cho riêng chúng ta, nhưng luôn có đó một điều sâu sắc hơn và chân thực hơn nhiều. Chúng ta là một với người kia trong hiện hữu, và khi yêu, chúng ta cảm nhận được điều đó.

Với quan điểm này, tình yêu chân thực không phải là cái chúng ta cảm nhận cho bằng là cái mà chúng ta là. Về căn bản, tình yêu không phải là một cảm xúc gây xúc động hay một đức tính (dù chúng là những phần của tình yêu). Tình yêu là một tình trạng siêu hình, chứ không phải một thứ đến rồi đi như cảm xúc, không phải một thứ mà chúng ta có thể chọn hoặc bỏ theo tinh thần của mình. Tình trạng siêu hình là điều được trao, điều mà chúng ta tồn tại trong nó, điều mà một phần con người chúng ta cố kết dù chúng ta không nhận ra. Do đó, tình yêu, thậm chí cả cảm giác mới yêu, có thể giúp chúng ta ý thức hơn về sự không tách rời của mình, về sự thống nhất hiện hữu của chúng ta với người khác.

Khi yêu đậm sâu hay nồng nhiệt, có lẽ (như lời Thomas Merton mô tả một thị kiến cha thấy ở một góc đường) chúng ta có thể tỉnh hơn khỏi mộng ảo tách biệt và ảo tưởng khác biệt để thấy được vẻ đẹp và chiều sâu nơi tâm hồn người khác. Có lẽ nó cũng sẽ cho chúng ta thấy được người khác, thấy được phần mà cả tội, dục vọng hay sự tự tri đều không vươn dến được, phần cốt lõi hiện thực của con, là con người trong mắt Thiên Chúa.

Và thật là tuyệt vời, “nếu chúng ta có thể thấy người khác như thế suốt.”

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2021/05/05/doi-mat-cua-tinh-yeu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét