Chúa lên Trời, Ngài để lại chúc thư gì cho mỗi chúng ta?
LM. Phaolô Phạm Trọng Phương
1/ Chúa lên Trời, niềm hy vọng chắc chắn?
Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 665 “Chúa Giê-su Ki-tô, là Đầu của Hội Thánh, đã đi trước chúng ta vào Nước vinh hiển của Chúa Cha, để chúng ta, là chi thể của Thân Thể Người, sống trong niềm hy vọng một ngày kia sẽ được vĩnh viễn ở với Người”. Quả thật, việc Đức Giê-su lên trời không phải hôm nay mới lên, mà khi Ngài sống lại đã lên ngự bên hữu Chúa Cha rồi. Nhưng tại sao hôm nay, chúng ta mới mừng biến cố vô cùng quan trọng này? Phải chăng Chúa có phương cách của Ngài là muốn hiện ra và đồng hành với các môn đệ sau khi Ngài chết. Đức Giê-su Phục Sinh đã đến và cùng đi với các Tông Đồ để củng cố đức tin yếu kém của các ông. Việc chưa tin và còn cứng lòng của các Tông Đồ sau biến cổ khổ nạn của Ngài, Đức Giê-su biết rõ hơn ai hết. Vì thế, sau khi Chúa Cha cho Đức Giê-su sống lại để giúp các ông hiểu rõ về chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su.“Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” (Cv 1, 2-3)
Tuy nhiên, mặc dù sự hiện diện của Đức Giê-su sau khi sống lại cũng chưa đủ để thuyết phục cho các Tông đồ và mọi người tin một cách chắc chắn. Cho nên, sau 40 ngày, Đức Giê-su đã thực hiện một điều kỳ lạ trước mặt các Tông Đồ: “Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.” (Cv 1,9). Đức Giê-su lên Trời là Ngài được ngự bên hữu Chúa Cha. Ngài trở về nơi Ngài đã xuất phát. Ngài lên Trời để chỉ đường cho chúng ta đi theo. Ngài lên Trời để khẳng định và xác tín với mỗi chúng ta rằng: ‘Quê hương thiên đàng’ là có thật, nơi hưởng vui vẻ đời đời với Chúa là có thật. Ngài lên Trời để nhắn gửi với mọi người rằng là Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta.“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,2-3).
Quả thật, để chiếm được “chỗ ở” hay thiên đàng mà Đức Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta không phải không có khó khăn và gian nan, nghĩa là chúng ta phải chiến đấu để qua cửa hẹp, là phải biết từ bỏ tính mê nết xấu, là biết làm lành lánh dữ, là yêu thương tha thứ, là công bằng vị tha, là vui tươi dẫu có đau khổ và thử thách,…Do đó, nói như nhạc sĩ Hoàng Vân trong bài ca Hát về Cây Lúa hôm nay: “Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.” Thật vậy, cuộc sống Thiên đàng mai sau sẽ được quyết định tuỳ thuộc vào cuộc sống hiện tại của mỗi chúng ta. Do đó, chúng ta cố sao để sống cho tốt, cho xứng đáng là hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc. Khi chúng ta sống tốt và yêu thương là chúng ta đang hưởng phúc thiên đàng nơi trần gian rồi. Câu chuyện sau đây phần nào giúp chúng ta hiểu rõ thế nào là hoả ngục, thế nào là thiên đàng.
Có một hiệp sĩ Samurai kia rất hung bạo. Ông tìm đến một thiền sư hỏi: Xin cho tôi biết thiên đàng, hỏa ngục là gì. Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói: Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hỏa ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi. Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém vị thiền sư. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại mà nói: “Hỏa ngục là đó”. Nhận được bài học thực tế của vị thiền sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư đã dám hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hỏa ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt vị thiền sư với tất cả tấm lòng thành và tỏ ý sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn sâu vào đôi mắt y mà bảo: “Thiên đàng là thế đó”.
2/ Mệnh lệnh hay ‘chúc thư’ của Chúa Giê-su trước khi Ngài lên trời?
Trước khi về Trời, Đức Giê-su đã để lại một “chúc thư” hay sứ vụ quan trọng cho các Tông Đồ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”(Mt 28,18-20). Sứ vụ này chính Đức Giê-su đã thực hiện, Ngài đã nêu gương. Nay trước khi Ngài lìa khỏi các Tông đồ, Ngài cũng muốn truyền lại sứ vụ đặc biệt này cho tất cả mọi người nhằm mở mang Tin Mừng của Nước Trời đến tất mọi hang cùng ngõ hẻm để hết thảy mọi người tin và được hưởng ơn cứu độ. Đây là ý muốn của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô Tông Đồ dân ngoại đã nói: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (Tm 2,4). Thật vậy, sứ vụ Loan Báo Tin Mừng cho muôn dân là trách nhiệm của mỗi ki-tô hữu. Không ai có quyền chối từ sứ vụ đó khi trên mình mang danh là ki-tô hữu. Nói rõ hơn như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng là những ai đã chịu Bí tích Thánh Tẩy đều có trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng hay truyền giáo. Chính Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng: “Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo” (AG 2)
Là ki-tô hữu, chúng được mời gọi dấn thân đi đến với tha nhân, vì đó là sứ mạng. Chính Thánh Phaolô đã cảm nhận: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14); hay “Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16). Đúng là khốn, là buồn nếu mỗi ki-tô hữu không chịu Loan Báo Tin Mừng. Tuy nhiên, để sống sứ vụ truyền giáo hay loan báo niềm vui Tin Mừng, mỗi ki-tô hữu tiên vàn là người vui và bình an, là người có Chúa. Mà đã có Chúa thì phải có niềm vui. Nếu không có niềm vui thì sứ vụ loan báo Tin Mừng xem ra phản tác dụng. Đức Thánh Cha đã cảm nhận được điều đó hết sức thực tế như sau: Có những kitô hữu sống như chỉ có Mùa Chay mà không có Phục Sinh. (NVTM, số 6). Ngài nói tiếp: Cho nên, một nhà truyền giáo không thể lúc nào cũng giống như một người vừa đi đưa đám về. Chúng ta hãy phục hồi và gia tăng lòng nhiệt thành,“niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc rao giảng Tin Mừng, ngay cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt […] Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, là thế giới đang tìm kiếm, có khi trong lo âu, có khi trong hy vọng, nhận được Tin Mừng không phải từ nhà truyền giáo buồn rầu và chán nản, thiếu kiên nhẫn hoặc lo âu, nhưng từ thừa tác viên của Tin Mừng mà cuộc sống của người ấy tỏa sáng lòng nhiệt thành, là người đã nhận được niềm vui của Đức Kitô trong mình trước”.(NVTM, số 10)
3/ Đức Giê-su lên Trời nhưng Ngài vẫn ở với nhân loại cho đến tận thế, nghĩa là làm sao?
Đức Giê-su lên Trời, nhưng Ngài không bao giờ bỏ rơi các môn đệ nói riêng, và chúng ta nói chung. Điều đó được chứng thực qua lời nói của Ngài: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nghĩa là làm sao?
Vì là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê-su đã không nỡ lòng nào bỏ bê các Tông đồ và nhân loại lầm than. Dấu chỉ đó được cụ thể hoá qua những lời nói của Ngài đối với các môn đệ trước khi rời xa họ. Trước tiên, Đức Giê-su gửi Thánh Thần đến cho các Tông đồ. “Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16,7) Điều đặc biệt là Đức Giê-su muốn ban Thịt Máu của Ngài cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung. Chính câu nói “Thầy sẽ ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế” là ý muốn nói từ nay Ngài không thể hiện diện bằng xương bằng thịt như anh em đang thấy, nhưng Thầy sẽ hiện diện bằng cách thức khác, đó là Ngài trở nên Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống mỗi người. Từ nay tấm bánh trắng và chén rượu nho, sau khi được truyền phép, tấm bánh trở nên Mình của Đức Giê-su, chén rượu trở nên Máu của Đức Giê-su. Từ nay, Ngài ở cùng nhân loại nơi các nhà tạm nơi các nhà thờ được thánh hiến. Nói cách thâm sâu hơn, khi chúng ta rước Mình Máu Người, chúng ta có Người hiện diện trong nhà tạm tâm hồn của chúng ta. Từ nay, chúng ta không còn cô đơn hay mồ côi nữa vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng ta, đặc biệt, có Đức Giê-su là Bí Tích Thánh Thể ở bên cạnh ta nơi nhà chầu và nhất là ở trong cung lòng của mỗi chúng ta khi chúng ta rước Ngài. Bên cạnh đó, Đức Giê-su còn hiện diện nơi Lời Chúa, nơi những người nghèo, nơi những dấu chỉ yêu thương với anh em đồng loại.
Mầu nhiệm Đức Giê-su lên Trời không chỉ là niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh cửu cho những ai có niềm tin vững chắc, mà mầu nhiệm này còn nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm tiếp nối sứ vụ Loan báo Tin Mừng của những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, giúp người khác đi trên con đường Đức Giê-su đã đi. Đó là con đường về Trời. Đặc biệt, mầu nhiệm Chúa lên Trời không làm cho chúng ta mất Chúa, xa lìa đời đời, nhưng lời hứa của Chúa là “Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế” đã làm cho chúng ta vui mừng hơn, có hy vọng tràn trề hơn và nhờ đó, chúng ta có sức mạnh và lòng nhiệt huyết để ra đi loan báo Tin Mừng cho mỗi anh chị em để chỉ đường cho nhiều người cùng về Trời với chúng ta. Amen.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét