Minh họa bảy ơn Chúa Thánh Thần
MINH HỌA BẢY ƠN CHÚA THÁNH THẦN
Tác giả: Tom Hoopes
Chuyển ngữ: Nguyễn Trần Minh Đức
Từ: aleteia.org (18.5.2018)
WGPPD (20.5.2021) - Hình ảnh liên tưởng giúp ta dễ dàng ghi nhận ý nghĩa và cách thức hoạt động của các ơn này.
Các bài đọc lễ Hiện Xuống, Chúa nhật tuần này, kể về cách thức Chúa Thánh Thần hiện xuống đầy ấn tượng trên các Tông đồ và Đức Maria.
Nhưng đối với mỗi người chúng ta, Ngài đến bằng cách âm thầm hơn: Đó là bảy ơn Ngài ban thông qua Bí tích Rửa tội, tuyệt đối cần thiết đối với đời sống Kitô hữu.
Các ơn thiêng này có thể khó hiểu và khó phân biệt. Đây là cách giúp tôi ghi nhớ:
1. Ơn khôn ngoan như việc xức dầu.
Ơn khôn ngoan giúp phân biệt đúng sai - khôn ngoan là nhận biết Thiên Chúa cả bằng tâm và trí ta.
Nói cách khác, ơn khôn ngoan đến từ việc nhận biết Thiên Chúa không như một người tầm đạo mà như người trong nhà. Chúng ta có thể biết Ngài như vậy vì là thành viên thuộc về gia đình Ngài.
Khi chúng ta được xức dầu lúc Rửa tội và Thêm sức - được đóng ấn bởi Thánh Thần - chúng ta được kết hợp vào một gia đình mới với Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Chúa Giê-su Kitô là người anh, và Chúa Thánh Thần kết nối chúng ta với các thánh trong mối dây yêu thương.
Khi chúng ta được nhận vào gia đình này, các linh mục xức dầu trên trái tim (trên ngực của trẻ sơ sinh được rửa tội) và tâm trí (trán của chúng ta lúc Thêm sức) - một dấu son của sự Khôn Ngoan thật.
2. Ơn hiểu biết như lưỡi lửa.
Nhiều người kinh nghiệm được khi đọc Kinh thánh và thấy chữ như sống động nhảy bật ra khỏi trang sách. Hay chẳng hạn như bạn chưa bao giờ nhận thấy một điều gì đó trong một câu chuyện Phúc Âm trước đây, rồi bỗng nhiên bạn chợt nhận ra một ý nghĩa mới về toàn bộ sự việc.
Bạn có thể minh họa điều này như một bóng đèn trên đầu ai đó - hoặc bạn có thể làm theo cách của Bài đọc I: “Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một” (Cv 2:3).
Đây là ánh sáng nội tâm mà ơn hiểu biết của Thánh Thần ban cho - không chỉ trong Kinh thánh mà trong suốt cuộc sống của chúng ta.
3. Ơn biết lo liệu như Phê-rô trong buổi sáng Lễ Ngũ Tuần
Biết lo liệu là ơn giúp ta thấy rõ ý muốn của Thiên Chúa.
Trong Bài đọc I của Chúa Nhật này, chúng ta nghe kể rằng những người thuộc các ngôn ngữ khác nhau đều có thể hiểu được các tông đồ người Ga-li-lê.
Vào Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta đã nghe sứ điệp mà họ nghe: Thánh Phêrô can đảm rao giảng, dứt khoát, nhưng cũng rất thu hút, về Chúa Giêsu.
Ngài không lên án, xúc phạm hoặc hạ giá dân chúng vì những yếu đuối của họ; Ngài thách thức họ và kêu gọi họ đến với sự vĩ đại, mỗi người bằng ngôn ngữ riêng của họ.
Ơn lo liệu của Thánh Thần giúp ta nhận ra thánh ý Chúa cách rõ ràng và phá bỏ những rào cản để thực hiện.
4. Ơn sức mạnh như một cơn gió thổi mạnh.
Ơn sức mạnh hàm chứa sự can đảm, nhưng Chúa Thánh Thần không chỉ đơn giản làm cho chúng ta dũng cảm hơn; Ngài ban cho chúng ta lòng dũng cảm đến từ việc tin cậy vào sức mạnh Thiên Chúa.
Bài đọc I của ngày lễ này kể về sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống như sau: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà” (Cv 2:2).
Ơn sức mạnh là một luồng gió mạnh thúc đẩy linh hồn bạn; một luồng gió từ phía sau ban cho bạn sự tự tin để đối mặt với chặng cuối của cuộc đua, biết rằng những nỗ lực của bạn đang được thúc đẩy bởi một sức mạnh vô hình.
5. Ơn thông minh như chim bồ câu.
Chúa Thánh Thần thường được mô tả như một con chim bồ câu, và điều đó có một ý nghĩa rất cụ thể trong Kinh thánh. Trên chiếc tàu Nô-ê, chim bồ câu là loài chim đã được thả ra để bay đi tìm đất liền, mang lại niềm hy vọng.
Ơn thông minh của Chúa Thánh Thần hoạt động theo cùng một cách đối với chúng ta - Ngài mang đến cho chúng ta lăng kính của Thiên Chúa để giúp ta nhìn nhận các sự việc bằng con mắt của Ngài.
Chúa Giê-su nói “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16:13).
6. Ơn đạo đức như nước hằng sống.
Chán nản là một mối đe dọa lớn đối với đời sống thánh thiện. Chúng ta có thể dễ dàng đón nhận ơn gọi của Chúa Kitô, rồi nhìn lại cuộc sống của chúng ta và bỏ cuộc.
Bài phúc âm vào đêm canh thức của Chúa Nhật Hiện Xuống kể lại câu chuyện Chúa Giê-su đứng lên và phán với đám đông: "Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7:38).
Gio-an thêm vào: “Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí” (Ga 7:39) – Ơn đạo đức của Thánh Thần, giống như nước, làm tươi mới và hồi sinh đời sống thiêng liêng của chúng ta.
7. Ơn kính sợ Chúa như trụ mây.
Tại các biến cố khác nhau của Cựu ước - Biển Đỏ, Núi Sinai và những nơi khác Thiên Chúa xuất hiện giữa dân Ngài dưới hình cột mây
Nhưng không phải là một đám mây đen mà là một trụ mây đầy ánh sáng. Đó là dấu hiệu chỉ sự huyền nhiệm tuyệt hảo của Thiên Chúa toàn năng.
Khi nghĩ về Thiên Chúa, chúng ta phải tỏ lòng tôn trọng và kính sợ như dân Ít-ra-en đã bày tỏ khi nhìn thấy cột mây. Ơn kính sợ Chúa làm cho điều này trở nên khả thi.
Hãy cầu nguyện để được những ơn này. Thánh Phao-lô nói: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả”
Nguồn: phatdiem.org (20.5.2021)
https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/minh-hoa-bay-on-chua-thanh-than-41936
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét