Hình ảnh dấu vết Chúa Giêsu để lại
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
Hằng năm Giáo Hội Công Giáo mừng trọng thể lễ Chúa Giêsu lên trời sau lễ mừng Chúa Giêsu sống lại.
Giáo Hội Chúa Giêsu thời sơ khai lúc ban đầu không có ngày lễ mừng riêng Chúa Giêsu lên trời. Nhưng mãi tới Công đồng Nicaea năm 325 thiết lập ngày lễ đầu tiên mừng trọng thể Chúa Giêsu lên trời, 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết như sách kinh thánh viết thuật lại. (Tông đồ công vụ 1, 1-11).
Theo kinh thánh viết thuật lại, sau khi sống lại Chúa Giêsu còn ở trên trần gian 40 ngày (sách Tdcv 1, 3). Dựa theo con số 40 ngày đó, lịch phụng vụ tính đếm từ ngày Chúa nhật mừng lễ Chúa Giêsu sống lại, nên ngày lễ mừng kính Chúa Giêsu lên trời hằng năm vào ngày thứ Năm trong tuần.
Và trong dòng thời gian, Giáo Hội Chúa Kitô với lòng sốt sắng kính mến đã sáng tác ra kinh cầu chịu nạn Chúa Giêsu để tưởng nhớ cầu nguyện cùng chúa Giêsu Kitô, trong đó có lời cầu: „Chúa Giêsu trước mặt thiên hạ lên trời.“.
Người (Chúa Giêsu Kitô) được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời.“ (Tông đồ công vụ 1, 9-11).
Chúa Giêsu Kitô đã trở về trời. Nhưng Người không biến mất hẳn khỏi sân khấu cuộc sống trần gian. Trái lại vẫn còn để lại những dấu vết, mà xưa nay từ hơn hai ngàn năm nay Giáo Hội Chúa hằng lần theo không phải chỉ cho việc nghiên cứu tìm tòi, nhưng quan trọng cần thiết hơn cho đời sống đức tin.
Những dấu vết Chúa Giêsu Kitô còn để lại là những dấu vết gì?
Ở Jerusalem bên nước Do Thái ngọn núi Cây Dầu là địa điểm hành hương thánh mang tính lịch sử vừa tôn giáo và văn hóa. Vì nơi ngôi nhà nguyện nhỏ cổ kính, xây dựng theo hình bát gíac có mái vòm tròn, trong đó có một khung hình chữ nhật in sâu lõm trên nền nhà. Theo tương truyền đó là „dấu chân Chúa Jesu“ còn in lại khi Chúa đặt bước chân từ gĩa trần gian bay đi về trời.
Ngôi nhà nguyện lịch sử này được xây dựng từ thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh để kính nhớ Chúa Giêsu lên trời, rồi sau đó bị đội quân Batư đến xâm chiếm phá huỷ. Đến năm 614 sau Chúa giáng sinh lại được phục hồi xây dựng lại. Và đến 1009 bị Kalifen Al-Hakim người Hồi giáo phá hủy lần nữa. Sau đó Thập tự quân Thánh chiến Kitô giáo đến xây dựng lại. Và năm 1187 Sultan Saladin Hồi giáo đến chiếm đóng thay đổi và biến thành đền thờ Hồi giáo.
Những người tín hữu Công Giáo hằng năm vào ngày lễ mừng Chúa Giêsu lên trời được phép cử hành lễ nghi phụng vụ nơi nhà nguyện này, trong khi đó những tín hữu Chính Thống giáo cử hành lễ nghi phụng vụ của họ ở sân bên ngoài chung quanh bức tường nhà nguyện.
Đó là dấu vết chân Chúa Giêsu như một chứng tích kỷ niệm lịch sử trên nền nhà nguyện theo tương truyền còn in lại ở đỉnh ngọn núi Cây Dầu. Nhưng Chúa Giêsu sau 03 năm trên trần gian rao truyền tin mừng tình yêu nước Thiên Chúa còn để lại những dấu vết khác có nhiều ý nghĩa sâu đậm cùng cần thiết cho đời sống tâm linh tinh thần con người hơn nữa.
Những dấu vết Chúa Giêsu để lại không in sâu đậm trên nền đất cát đá, nhưng in sâu trong trái tim tâm hồn con người qua những lời Ngài rao giảng cùng những việc Ngài làm cho con người.
Hình ảnh Ông Thánh Gioan tẩy gỉa đi vào sa mạc loan truyền sứ điệp nước Thiên Chúa nêu gương sống ăn chay khắc khổ từ bỏ tất cả, vì cuộc phán xét đang chờ đợi, gợi tâm trí quay hướng về qúa khứ.
Nhưng Chúa Giêsu thì không sống cùng rao giảng như vậy. Với Ngài nước Thiên Chúa đang đến giữa con người. Thiên Chúa là cha của con người. Một khởi đầu thời đại tương lai mới mở ra cho đời sống qua tình yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người.
Với sứ điệp tin mừng nền tảng đó, Chúa Giêsu đã đi vào sa mạc ăn chay cầu nguyện, nhưng Ngài không ở lại trong đó như Ông Thánh Gioan tẩy giả. Trái lại, Ngài tìm đến con người sống trong xã hội. Ngài đến với những người bị xã hội thời lúc đó khinh miệt cho là tội lỗi, những người bé nhỏ. Ngài mở ra cho họ con đường đến với tình yêu Thiên Chúa. Ngài kêu mời họ cùng đồng bàn ăn tiệc, như phúc âm thuật lại (Lc 7,34).
Những dấu vết như thế Chúa Giêsu để lại không chỉ nơi những người đến với Ngài, nhưng nhất là trong đời sống những người đáp lại tiếng mời gọi đi theo bước chân Ngài. Lời Ngài đã đánh động tâm hồn họ. Lời kêu gọi „ Hãy theo Ta“ (Mc 1,17) đã thấm nhập vào tâm can họ, và họ đã bỏ mọi sự cả gia đình riêng tư đi theo Chúa Giêsu.
Họ là những người bước theo dấu vết chân Chúa Giêsu, và cùng chia sẻ nếp sống đời lữ hành của Ngài, để cùng với Ngài loan truyền làm chứng cho nước Thiên Chúa nơi trần gian.
Các vị Môn đệ Tông đồ Chúa, sau khi Chúa Giêsu đi về trời, không được đứng lại mãi trên ngọn núi Cây Dầu hướng mắt nhìn xem Chúa Giêsu lên trời. Nhưng họ phải trở về cuộc sống trần thế ra đi bắt đầu việc làm chứng rao giảng sứ điệp tình yêu nước Thiên Chúa như Chúa Giêsu Kitô đã làm.
Cánh đồng truyền giáo rộng bao la bao trùm vũ trụ công trình thiên nhiên, như Chúa Giêsu đã nói với họ “anh em đi làm chứng cho Thầy bắt đầu từ Jerusalem vùng miền Juda cho tới tận cùng trái đất“ (Công vụ tông đồ 1,8).
Tận cùng biên giới hình thể không gian điạ lý các quốc gia đất nước, các châu lục.
Tận cùng biên giới thời gian qua mọi thời đại thiên niên kỷ, năm tháng ngày giờ.
Tận cùng biên giới thân phận hoàn cảnh đời sống xã hội con người.
Tận cùng biên giới các biến chuyển thay đổi nơi các nền văn hóa thời đại.
Tận cùng biên giới tâm linh, tâm lý con người. (Đức Giám Mục GB. Bùi Tuần, 1999)
Và Hội Thánh Chúa Giêsu từ hơn hai ngàn năm nay luôn hằng tiếp tục sống theo dấu vết Chúa Giêsu để lại, cho dù cuộc lữ hành có phải trải qua những chao đảo biến chuyển tiêu cực đen tối lên xuống. Nhưng luôn trông cậy vào Chúa giúp cho nhận ra khuyết điểm lỗi lầm, để có can đảm điều chỉnh thay đổi mới.
Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
VietCa. News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét