Ai trong chúng ta cũng muốn có một tương lai vững chắc và đó là điều khôn ngoan, cần thực hiện. Khác biệt ở chỗ cách thực hiện điều khôn ngoan trên. Nhiều người tin là cách bảo đảm tốt cho tương lai là tích trữ tiền, của cải, vật chất. Để thực hiện điều mong ước, một số cố gắng học thành tài; số khác, thay vì đi học lại sớm tìm việc làm; số khác nữa đầu tư vào ngành thể thao, nghệ thuật; số khác nữa theo ngành nghề mình yêu thích. Giầu có là điều tốt. Đây là ơn đặc biệt Chúa ban. Tuy nhiên ơn Chúa ban không phải dành riêng cho chính mình mà còn phải trở thành chân, tay của Đức Kitô để chia xẻ, phân phát cho tha nhân. Người có nhiều thì phân phát nhiều, người có ít thì phân phát ít, tùy theo khả năng mỗi người nhận được. Phân phát, chia sẻ chính là làm giầu đời sống nội tâm, bởi không ai lấy được của mình đã cho đi.

Của cải được hiểu dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có thể là tiền tài, bất động sản, đá quí, tài năng cá nhân. Mục đích của vật chất là phục vụ đời sống, làm cho đời sống mình và đời sống tha nhân tốt hơn. Khi vật chất không phân phát mà cất giữ dành riêng cho mình, chúng là nguyên nhân gây đổ vỡ. Không mấy ai nghĩ tích trữ của cải chính là biến ơn lành, niềm vui thành điều dữ, điều hại. Đức Kitô nói về của cải khi một người trong đám đông lên tiếng xin Đức Kitô can thiệp vấn đề bất hoà trong gia đình.

'Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi'. Lk 12,13.

Đức Kitô dùng cơ hội này nhắc cho mọi người biết, mọi tạo vật trên đời sự sống của chúng đều có giới hạn. Giống như chúng ta, mọi sự đều có ngày qua đi. Không ai giữ được của mãi mãi. Đức Kitô kể dụ ngôn người nông gia trúng mùa, ông xây thêm chỗ chứa đựng hoa quả thu hoạch, dành riêng cho mình. Đức Kitô kết luận dụ ngôn bằng câu hỏi

'Ngay đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì của cải ngươi tích trữ sẽ dành cho ai? Lk 12,20

Xây thêm kho lẫm của đó nằm yên trong kho; phân phát cho người nghèo của đó được giữ trong con tim người nhận. Người nông gia sai lầm lớn trong việc tích trữ của cải.

Thứ nhất, ông ta không học từ thiên nhiên. Ruộng vườn của ông đạt mức thu hoạch tối đa, trong khi ông không xử dụng hết tài kinh doanh của mình. Tích trữ, của không sinh lợi. Ông có thể biến vật chất mau hư nát thành tình yêu bất tận, bằng cách cho đi những gì ông có. Lúa thóc không thể giữ quá lâu trong kho bởi bản chất chúng không tồn tại nhiều năm. Giữ lâu trong kho chúng mất hương vị, rồi bị mục nát. Của cải, vật chất cho đi tăng giá trị bởi người nghèo không có gì để trả, Thiên Chúa thay họ ban cho bạn nhiều ơn lành khác. Một trong những ơn đó là sự sống trường sinh. Bạn phân phát của cải mục nát để nhận sự sống trường sinh là điều khôn ngoan nhất, lợi nhất, trong đời.

Dụ ngôn nhắc nhở chúng ta mọi tạo vật đều qua đi, và không ai có thể giữ của cải vật chất mãi mãi. Giữ giỏi lắm là đến lúc chết, của cải đó sẽ thuộc về người khác. Tích trữ của cải chính là tích trữ tai nạn. Của cải và tai nạn sánh vai, chung bước, càng nhiều của tai nạn càng lớn.

Người trong dụ ngôn nhắc đến là một người cô đơn, bởi ông không thân thiết với ai. Ngôn ngữ ông dùng diễn tả nói đến chính mình, ngoài ra không còn ai khác. Cô đơn và hạnh phúc không bao giờ đi chung. Muốn có hạnh phúc phải có người chia sẻ, có người nghe, có người cùng chung vui. Một mình một mâm không thể nào là tiệc vui, mà chính là tiệc cô đơn, lẻ bóng. Của cải, vật chất mang lại no ấm, tăng thêm thoải mái cho cuộc sống, nhưng chúng không bảo đảm sự sống bởi chính chúng cũng chết, nên chúng không giúp chủ nó khỏi chết. Nhiều của vẫn mắc bệnh, vẫn già, vẫn chết. Điểm cuối, người trong dụ ngôn là người không có lòng biết ơn. Ông trúng mùa là do Chúa ban. Ông thu hoạch nhiều hoa mầu vào kho lẫm là do người khác làm cho, ông thuê họ nhưng ít ra có người để thuê mướn. Tự ông không thể làm hết mọi việc, vì thế cần sống trong tâm tình tạ ơn.

Dụ ngôn nhắc chúng ta, hạnh phúc vĩnh cửu, sự sống trường sinh đến từ Chúa. Ta không làm chủ ngay cả cuộc sống mình. Chúa làm chủ, ta là người quản gia, thay mặt Chủ làm công việc phân phát, chia sẻ. Bài đọc một nhắc: Chúa là ông chủ duy nhất. Xin ơn khôn ngoan biết chia sẻ niềm vui với tha nhân.

TiengChuong.org