Vợ chồng triết gia Jacques và Raissa Maritain
Vũ Văn An
Vợ chồng Jacques và Raissa Mariatin có lẽ là những đứa con thiêng liêng đầu tiên của nhà văn nẩy lửa và gây nhiều tranh cãi Léon Bloy. Và cũng là những đứa con thiêng liêng nổi danh nhất và gắn bó nhất của nhà văn này.
Đời sống đầy sóng gió và bão táp của Léon Bloy đã che phủ phần nào sự thánh thiện của Người Ăn Mày Vô Ơn và dù được Đức Phanxicô trích dẫn, ông khó có thể được xem xét để phong thánh vì những quan điểm dù đúng đắn nhưng được phát biểu một cách khá cực đoan của ông. Nhưng hai người con thiêng liêng đầu tiên của ông thì diễn trình phong chân phước, theo một nguồn tin, đã bắt đầu rồi (http://www.catholiceducation.org/articles/arts/a10052.html). Nguồn tin này nhận định rằng họ có thể được tuyên xưng như một điển hình của cuộc hôn nhân thánh thiện. Có tác giả còn nhấn mạnh đây là điển hình sáng chói của lối hôn nhân vốn được gọi là cuộc hôn nhân kiểu Thánh Giuse (Josephite Marriage) nghĩa là hai người cùng đồng ý sống chung như hai anh em, không liên hệ về tình dục, giống như hai thánh Louis và Zélie Martin, cha mẹ của Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, và hai chân phúc Luigi Beltrame Quattrocchi và Maria Corsini. Jacques và Raissa Maritain là một chứng minh hùng hồn rằng tiết chế hành vi vợ chồng không hề làm giảm tình yêu nồng nàn và thủy chung suốt đời của hai vợ chồng này. Không những thế tình yêu nồng nàn và lòng chung thủy này còn vượt quá cả thời gian, vượt quá cái chết. Sau khi Raissa qua đời, Jacques vẫn cảm nhận sự hiện diện và tác động của vợ trong các công trình nghiên cứu của ông.
Sự đóng góp lớn lao của Raissa vào công trình đồ sộ của triết gia hàng đầu thế kỷ 20 này là điều chính triết gia không ngừng thừa nhận. Nhưng bộ New Catholic Encyclopedia chỉ dành cho bà chưa đầy một nửa cột nửa trang.
Raissa, triết gia, thi sĩ, nhà huyền nhiệm
Nói về Raissa Maritain, Linh mục Michael Sherwin, O.P., [https://www.catholiceducation.org/en/culture/art/raissa-maritain-philosopher-poet-mystic.html] cho hay khi người dạy kèm Raissa để thi tú tài lúc mới 16 tuổi hỏi cô muốn học điều gì hơn cả, cô bèn trả lời: để biết điều hiện hữu. Câu trả lời cho thấy cô học trò nhỏ tuổi này có đầu óc triết lý (1). Tuy nhiên, cô quan niệm triết lý theo truyền thống Hasidic Do Thái của cô, nghĩa là tìm biết sự thật về một Thiên Chúa bản vị trước đau khổ của con người (2).
Raïssa Maritain sinh ra trong một gia đình Do Thái ngoan đạo, không giầu có mấy ở thành phố cảng Rostov-on-Don của Nga vào năm 1883. Khi cô được hai tuổi, cha cô, một thợ may, đã chuyển gia đình đến cảng Mariupol của Ukraine, vùng Biển Azov, một thành phố hiện đang bị quân xâm lăng Nga triệt phá và chiếm đóng. Trong suốt mười năm Raïssa sống ở Đế quốc Nga, cô đã được lên khuôn một cách sâu sắc bởi lòng mộ đạo và truyền thống của gia đình giữ đạo của cô, đặc biệt là bởi tấm gương của ông ngoại cô. Ấn tượng, ngay cả khi mới chỉ một tuổi, bởi tính vui vẻ và hiền lành của ông, cô đã học, trong nhiều năm tháng, nguồn gốc sâu xa mà từ đó các đức tính này nảy nở: chúng phát xuất từ lòng sùng đạo vĩ đại của ông, lòng sùng đạo của phái Hasidim, tức nền huyền nhiệm Do Thái với nhiều khía cạnh khác nhau, đôi khi nghiêng về phía trí hiểu, đôi khi nghiêng về các xúc cảm,... “Tôn giáo của ông nội tôi là tôn giáo hoàn toàn của tình yêu và sự tự tin, niềm vui và lòng bác ái” (3). Sự hiểu biết của Raïssas về di sản Hasidic của cô được thấy rõ hơn cả trong mô tả của cô về công trình và nhân cách của một người Do Thái Nga khác, bạn của cô, họa sĩ tài danh Marc Chagall.
Niềm vui thiêng liêng dịu dàng tràn ngập trong công trình của họa sĩ danh tải trên đã phát sinh cùng với ông ở Vitebsk, trên đất Nga, trên đất Do Thái. Do đó, nó thấm nhiễm một nỗi sầu muộn, tràn ngập một nỗi nhớ nhung da diết và một niềm hy vọng khó kìm nén. Quả thật, niềm vui của người Do Thái không giống bất cứ niềm vui nào khác; người ta có thể nói rằng bằng cách đâm rễ sâu xa vào thực tế cuộc sống, niềm vui của người Do Thái đồng thời rút ra từ thực tế này cảm thức bi đát về sự mong manh của nó và về cái chết (4).
Với những hình ảnh rút từ các bức tranh của Chagall, Raïssa tiếp tục phát biểu: "Cô dâu Do Thái khóc dưới tán lọng đám cưới. Người Do Thái nhỏ bé nhảy múa không làm mất đi hoài niệm về sự khốn khổ của mình; bằng cách khiêu vũ, họ chế nhạo nó và chấp nhận nó như số phận thần linh dành cho mình. Nếu hát, họ hát với những tiếng thở dài; vì họ thấm nhiễm những đau khổ trong quá khứ của dân tộc họ và tâm hồn họ được tắm gội trong ý thức tiên tri về những đau khổ không thể tưởng tượng được dành riêng cho nó. Há Thiên Chúa đã không báo trước cho họ về điều đó sao? Há Thiên Chúa đã không chịu khó, điều mà Người không làm cho bất cứ dân tộc nào khác, khi nói với họ qua tiên tri Isaia, qua tiên tri Giêrêmia và những tiếng nói tuyệt vời khác của Kinh thánh, về những việc thanh luyện mà tình yêu của Người vốn dành cho họ đó sao? Họ biết tất cả những điều này, những người Do Thái không phó mình cho thế giới trần tục, nhưng được tắm gội mỗi ngày trong nước hằng sống của Kinh thánh. Họ biết những điều này, những người Do Thái của Chagall" (5).
Raïssa Maritain cũng biết chúng. Khi mô tả nghệ thuật Chagall, bà mô tả chính mình. Cuộc sống và công việc của bà cũng ngập tràn niềm vui tinh thần dịu dàng nhưng vẫn thấm nhiễm một nỗi sầu muộn, và buốt thấu một nỗi nhớ nhung da diết và một niềm hy vọng khó kìm nén. Bài hát mà bà hát trong suốt các tác phẩm của mình, bà hát với những tiếng thở dài: bà cũng đã thấm thía những đau khổ trong quá khứ của dân tộc mình; linh hồn của bà cũng được tắm gội trong ý thức về những đau khổ dành cho tất cả những người lữ thứ trên trái đất. Đến lúc các suy nghĩ của mình về Chagall, bà đã khám phá ra mầu nhiệm đau khổ của con người được mạc khải trong Chúa Kitô từ lâu. Tuy nhiên, xin bàn đến điều đó sau này. Trước nhất, bà phải trải qua cuộc lưu đày và một cuộc tìm kiếm ý nghĩa đầy đau đớn.
Cha mẹ Raïssa nhận ra rằng bà và em gái Vera có năng khiếu về trí thức. Tuy nhiên, họ cũng biết và thường xuyên được nhắc nhở rằng là những người Do Thái ở Đế quốc Nga, vị trí của họ rất bấp bênh. Do đó, khi Raïssa mới mười tuổi, cha mẹ bà đã quyết định di cư như một gia đình đến Pháp. Họ định cư ở Paris. Đối với Raïssa Oumansov, Paris sẽ trở thành quê hương thứ hai của bà, được bà yêu quý hơn bất cứ nơi nào khác trên trái đất. Paris sẽ mang đến cho Raïssa những niềm vui sâu sắc nhất. Nó sẽ giới thiệu bà với những người sẽ định hình cuộc đời bà và đưa bà đến với đức tin Công Giáo. Nó cũng sẽ mang lại cho bà năng khiếu về ngôn ngữ Pháp mà bà sẽ thành thạo, trở thành một nhà tạo văn phong trong sáng, ấm áp và vẻ đẹp giản dị. Tuy nhiên, trước hết nó sẽ là nguyên nhân gây ra nỗi đau sâu xa cho bà.
Lưu vong khỏi quê hương không những bứng rễ họ khỏi bạn bè và gia đình mà còn khiến họ mất niềm tin. Giống như nhiều người Do Thái Nga đến Paris vào thời điểm chuyển giao thế kỷ, gia đình Oumansov đã phải đối diện với chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy lý khoa học ở cuối thế kỷ và niềm tin của họ vào vị Thiên Chúa bản vị của Giao ước bắt đầu mờ nhạt. Ở tuổi mười bốn, Raïssa đã tự đặt ra cho mình vấn đề Thiên Chúa và sự đau khổ.
“Bây giờ tôi đã biết (ít nhất tôi lờ mờ tri nhận ra điều đó) con người bất hạnh hoặc độc ác xiết bao, tôi tự hỏi liệu Thiên Chúa có thực sự hiện hữu hay không. Tôi nhớ lại rất rõ ràng rằng tôi đã lý luận như vậy: Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì Người cũng là Đấng tốt lành và toàn năng vô hạn. Nhưng nếu Người tốt lành, thì làm sao Người lại có thể cho phép đau khổ? Và nếu Người toàn năng, làm sao Người lại có thể dung thứ cho kẻ ác? Vì vậy, Người không toàn năng và cũng không tốt lành vô hạn; do đó Người không hiện hữu” (6).
Ở thời điểm đó trong cuộc đời, các câu hỏi của bà vẫn ở bình diện ý tưởng được đề xuất hơn là khẳng định (7). Bà vẫn không hoàn toàn tuyệt vọng và mất niềm tin vào Thiên Chúa, vì bà vẫn hy vọng tìm ra giải pháp cho vấn đề. Bà duy trì niềm hy vọng rằng các giáo sư tương lai của bà tại Sorbonne có thể nắm giữ chìa khóa mở ra các kiến thức mà bà đang tìm kiếm.
Khi Raïssa bắt đầu học tại Đại học Paris, bà mới mười bảy tuổi và năm đó là năm 1900. Đó là thời điểm của nhiều thành tựu khoa học và Sorbonne là một trong những trung tâm của nó. Thí dụ, Marie và Pierre Curie đã phát hiện ra radium ở đó chỉ hai năm trước đó. Do đó, việc Raïssa hướng đến các ngành khoa học để tìm câu trả lời cho điều bà tìm kiếm là điều tự nhiên. Tuy nhiên, trước sự thất vọng của bà, bà sớm phát hiện ra rằng các giáo sư của bà hoặc là theo chủ nghĩa duy vật nghiêm khắc hoặc đơn giản không tự đặt cho mình những câu hỏi triết học liên quan đến chân lý và ý nghĩa. Hy vọng bắt đầu vơi dần trong trái tim bà. Tuy nhiên, bà vẫn tiếp tục chờ đợi một sự kiện trọng đại nào đó, một sự ứng nghiệm hoàn hảo nào đó (8). Bước đầu tiên hướng tới sự ứng nghiệm này xuất hiện khi bà gặp người đàn ông sẽ trở thành người bạn đồng hành vĩ đại nhất của bà trong cuộc lữ hành trần thế.
II. Người bạn vĩ đại nhất của bà: Jacques Maritain và hành trình của họ đến sự thật
Gần như từ lúc Jacques Maritain tự giới thiệu mình với Raïssa Oumansov, họ đã trở nên không thể tách rời nhau. Cả hai đều là sinh viên tại Sorbonne, ông hơn bà một tuổi, và cả hai đều đang tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời mình. Jacques Maritain xuất thân từ một gia đình vốn hiện thân cho các giá trị của Cách mạng Pháp (9). Maritain đưa ra một mô tả cho thấy những giá trị này trong lời kể của ông về quan điểm trí thức tràn ngập ngôi nhà của người bạn thời thơ ấu thân thiết nhất của ông, Ernest Psichari, cháu nội của Renan. Ông giải thích rằng nhà của người bạn mình bị tràn ngập bởi: “một tinh thần tìm hiểu luân lý vô cùng rộng lớn và cao cả, nhưng xa lạ với mọi chắc chắn siêu hình, một khuynh hướng rõ ràng muốn phớt lờ những xung đột tạo ra bởi sự đối lập các nguyên tắc trí thức. Bạn không chống lại Kitô giáo, bạn đã bị thuyết phục sâu xa đến nỗi bạn đã thẩm hóa nó và phát triển quá nó” (10).
Maritain đã lớn lên trong một môi trường trí thức tương tự. Tuy nhiên, ông đã sớm phát hiện ra điều mà một ngày nào đó nhiều người khác trong thế hệ của ông sẽ nhận ra: thuyết bất khả tri siêu hình, vốn là di sản của họ, là một mảnh đất quá mỏng đối với cảm thức công lý bùng cháy trong trái tim họ. Để chống chọi với những cơn gió của bạo quyền, công lý cần có gốc rễ sâu và một lớp đất phong phú để đánh chìm chúng. Chính trong diễn trình tìm kiếm mảnh đất siêu hình phong phú đó, Jacques đã gặp Raïssa. Trong tình bạn nảy nở giữa họ, họ đã cùng nhau tiến hành cuộc tìm kiếm.
Khi họ theo đuổi nghiên cứu của mình, chủ nghĩa duy vật điềm tĩnh và thuyết vô thần thuyết phục nơi các giáo sư khoa học khiến họ lạnh nhạt. Các triết gia ở Sorbonne cũng làm họ thất vọng không kém.
“Các thầy giáo của chúng tôi là những nhà triết học, nhưng trên thực tế, họ đã mất hết hy vọng vào triết học.... Thông qua một số mâu thuẫn thực tế kỳ lạ, họ đã tìm cách xác minh mọi điều bằng các diễn trình học hỏi vật chất và xác minh thực nghiệm, nhưng họ lại tuyệt vọng đối với sự thật, mà ngay cái tên của nó đối với họ cũng không hề đáng yêu chút nào và chỉ có thể được sử dụng giữa dấu ngoặc kép của một nụ cười tỉnh mộng” (11).
Hiệu quả tích lũy trong những năm học của họ đã khiến Raïssa và Jacques đến ngưỡng của sự tuyệt vọng. Đối với Raïssa, cuộc sống lưu vong của bà khỏi quê hương của đức tin bắt đầu khi gia đình bà lần đầu tiên rời khỏi nước Nga, giờ đây đang xuống mức thấp nhất.
“Chúng tôi bơi một cách không mục đích trong làn nước quan sát và kinh nghiệm như một con cá dưới đáy biển sâu, mà không bao giờ nhìn thấy mặt trời có những tia sáng lờ mờ lọt xuống chúng tôi,... Và nỗi buồn đâm thấu trái tim tôi, vị đắng đót trống rỗng của một linh hồn đã thấy đèn tắt, từng ngọn một” (12).
Giữa lúc họ cùng quẫn, Jacques và Raïssa đi đến một quyết định đầy định mệnh sẽ định hình phần còn lại của cuộc đời họ. Khi đi dạo qua Vườn Bách Thảo (Jardin des Plantes) yêu dấu của Paris, cả hai đều đồng ý rằng nếu không thể biết sự thật, không thể phân biệt được thiện ác, công chính và bất chính, thì không thể sống có nhân phẩm được. Trong trường hợp như vậy, thà chết trẻ bằng cách tự sát còn hơn là sống trong sự vô lý. Tuy nhiên, một điều gì đó đã ngăn cản họ thực hiện bước cuối cùng này. Việc họ từ chối chấp nhận điều phi lý và mong muốn được biết sự thật, một mong muốn khiến họ đau khổ tột cùng, dường như chỉ ra một điều gì đó vượt ra ngoài sự vô lý.
“Điều đã cứu chúng tôi lúc đó, điều khiến nỗi tuyệt vọng thực sự của chúng tôi vẫn còn là nỗi tuyệt vọng có điều kiện chính là sự đau khổ của chúng tôi. Phẩm giá gần như vô thức đó của tâm trí đã cứu tâm trí chúng tôi qua sự hiện diện của một yếu tố không thể giản lược vào sự phi lý trong đó mọi điều dường như đang cố gắng dẫn dắt chúng tôi” (13).
Vì vậy, họ quyết định dành cho điều chưa biết một cơ hội để tự giải thích cho họ và tiết lộ một sự thật mà nhờ đó họ có thể sống theo.
Trong những ngày sau đó, Jacques và Raïssa Maritain sẽ khám phá ra sự thật kỳ diệu này là Thiên Chúa Vô minh mong muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý (1 Tm 2: 4). Thiên Chúa, trong lòng nhân từ vĩ đại của Người, đã dẫn họ đến với Chúa Kitô, với phép rửa trong Giáo Hội Công Giáo và sự an ủi của Bí tích Thánh Thể. Con đường đến với đức tin vào Chúa Kitô của họ có nhiều khúc mắc. Nó được dẫn dắt từ triết gia Henri Bergson, qua các tác phẩm của Plotinus và Ruysbroeck, và cuối cùng là của Maeterlinck đến nhà văn và nhà thuyết giáo nổi tiếng, Léon Bloy. Khi đọc cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Bloy, Người đàn bà nghèo (La Femme Pauvre), vợ chồng Maritain bắt gặp khuôn mạo và sự vĩ đại của vị thánh Kitô giáo.
“Điều khiến chúng tôi có ấn tượng khi đọc cuốn La Femme Pauvre lần đầu tiên là sự bao la của linh hồn tín hữu này, lòng nhiệt thành cháy bỏng của ông đối với công lý, vẻ đẹp của một học thuyết cao cả lần đầu tiên hiện lên trước mắt chúng tôi” (14).
Khi gặp Bloy và gia đình ông, họ thậm chí còn có ấn tượng hơn nữa. Sự nghèo khó, đức tin của ông, sự độc lập anh hùng của ông, tất cả đều nói cho vợ chồng Maritain hay mầu nhiệm ban sự sống của Chúa Kitô. Vào nhà của gia đình Bloy đối với họ dường như là một sự trở về nhà. Trong mô tả của ông về sự thánh thiện và cố gắng của ông muốn sống nó với lòng nhiệt thành đối với công lý thần linh, khát vọng chân lý và tình yêu dịu dàng dành cho những người đau khổ, họ nhận ra hình ảnh của những khao khát hiện diện trong chính trái tim họ.
Quan trọng không kém đối với Raïssa là cuốn sách của Bloy Le Salut par les Juifs (Ơn cứu rỗi nhờ người Do Thái). Mặc dù phong cách trần thế và tiên tri của Bloy thường xúc phạm chính những người mà ông định bảo vệ, nhưng trong mô tả của Bloy về ơn gọi của người Do Thái, Raissa nhận ra chìa khóa để giải quyết vấn đề đã ám ảnh bà từ khi còn nhỏ: vấn đề Thiên Chúa và sự đau khổ. Chìa khóa là Chúa Kitô. Một cách nghịch lý, bằng cách dẫn Raïssa đến với Chúa Kitô, Bloy đã trả bà lại cho đức tin Do Thái thời thơ ấu của bà, bây giờ được hoàn thành trong Giao ước Mới trong máu Chúa Kitô. Bloy giải thích với Raïssa một điều mà một cách nào đó bà vốn đã có cảm thức: sức mạnh cứu độ của sự đau khổ của con người khi trong ân sủng của Thiên Chúa, nó được kết hợp với những đau khổ của Chúa Kitô.
Léon Bloy có lẽ là nhân vật đáng chú ý nhất xuất hiện ở Pháp vào lúc hoàng hôn của thế kỷ XIX. Đói khổ, liên tục bị các chủ nợ quấy rối, phải nuôi vợ và hai con, Bloy dành cả cuộc đời mình để sấm sét chống lại việc nước Pháp bác bỏ Thiên Chúa và việc tự mãn hâm hấp của những tín đồ vẫn còn ở lại. Vào đúng thời điểm khi Paris đang chuẩn bị cử hành bài ca mừng chiến thắng của sự tiến bộ con người, tức Cuộc triển lãm năm 1900, Bloy đã nói với nước Pháp rằng hãy chuẩn bị cho sự hủy diệt sẽ ập đến với nó: Cuộc triển lãm... không nên diễn ra, bởi vì Paris và mọi quốc gia sẽ có đủ việc để làm trong việc lên gân guốc chống lại cái chết (15). Khi chiến tranh cuối cùng xảy ra, cùng với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914, Bloy nhận xét rằng đó mới chỉ là bắt đầu (16). Năm 1916, trong lời tựa của cuốn Au Seuil de l’Apocalypse (Trước ngưỡng cửa Ngày chung cuộc), Bloy viết, “Trong thế kỷ 19 và 20, người ta thấy một quốc gia đã đảm nhiệm một điều chưa từng thấy kể từ thuở ban đầu của Lịch sử: SỰ TẬN DIỆT CÁC LINH HỒN. Điều này được gọi là Văn hóa Đức” (17). Đánh giá cường điệu này, rất đặc trưng của Bloy, đã chỉ ra một sự thật có thực: có điều gì đó sai lầm khủng khiếp ở Đức, và nó đang lan rộng. Bloy đặc biệt quan tâm đến dòng tư tưởng bài Do Thái mới đang nảy sinh xung quanh ông. Không còn là cá nhân Do Thái này hay cá nhân Do Thái nọ hay cộng đồng Do Thái này hay cộng đồng Do Thái nọ bị tấn công nữa. Người Do Thái bây giờ đang gặp nguy hiểm như cả một chủng tộc. Một cách hết sức đáng lưu ý, Bloy đã viết điều này vào năm 1916!
Thông điệp của Bloy không chỉ là một thông điệp về hủy diệt. Ông cũng nói về một sự đổi mới sắp tới. Kitô hữu sẽ phải đau khổ, nhưng hợp nhất với Chúa Kitô những đau khổ của họ sẽ thanh tẩy họ và giúp nhiều linh hồn tìm thấy tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Một cách mầu nhiệm, theo quan điểm của Bloy, những đau khổ của người Do Thái là một dấu hiệu dẫn tới Chúa Kitô, người đồng bào Do Thái của họ, những người đã phải chịu đau khổ với họ. Như ông đã thấy, sứ mệnh của Bloy là giúp nước Pháp chuẩn bị bước đi với Chúa Kitô trên con đường Canvê để Giáo hội có thể được đổi mới.
Raïssa tiếp thu thông điệp của Bloy. Năm 1906, cùng với Jacques và Vera, bà được rửa tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo, với Léon và Jeanne Bloy là cha mẹ đỡ đầu của bà. Kể từ thời điểm đó, Raïssa bắt đầu nhận ra những nét đặc trưng trong ơn gọi của mình. Bà đã được kêu gọi để sống trong sự kết hợp với Chúa Kitô. Bà cũng được mời gọi, qua đời sống cầu nguyện và học hỏi, đặt thành lời văn xuôi và thi ca những chân lý mà bà đang khám phá ra trong Chúa Giêsu Kitô. Trong những năm sau đó, đau khổ về thể xác và tình cảm sẽ không bao giờ rời xa bà, nhưng cũng có sự bình yên và niềm vui âm thầm. Bà được củng cố bởi sự xác tín ngày càng tăng rằng trong Chúa Kitô, những đau khổ của bà đang ngấm ngầm hoạt động vì lợi ích của các linh hồn. Cuộc sống mà bà và Jacques phải sống để phục vụ Giáo hội được hiểu rõ nhất như một nỗ lực để sống theo tầm nhìn của Bloy.
Những năm giữa lễ rửa tội của họ và sự bùng nổ của Thế Chiến thứ nhất là khoảng thời gian mang tính chất thiêng liêng đối với vợ chồng Maritain và nhiều người khác ở châu Âu. Những năm đó chứng kiến sự trở lại đạo của người chị của Jacques và của người cha của chị em Raïssa. Một số bạn bè của họ cũng đã trở lại đạo vào thời điểm này, trong đó có hai người đã trở nên thân qúy đối với nhiều người ở Pháp qua các bài viết và chiến tích của họ: người bạn thời niên thiếu của Jacques, Ernest Psichari, và người cố vấn ban đầu của anh, Thi sĩ Charles Péguy. Trong những năm đó, Jacques và Raïssa cùng với em gái Vera đã trở thành những người dòng ba của Dòng Biển Đức, cùng nhau thành lập một cộng đồng cầu nguyện và học tập tại gia. Jacques và Raïssa đã quyết định sống như anh chị em, từ bỏ tình thân mật vợ chồng và niềm vui nuôi dưỡng một gia đình để tận hiến sâu sắc hơn cho ơn gọi phục vụ sự thật của họ. Cũng trong những năm đó, vợ chồng Maritain đã khám phá ra Thánh Tôma Aquinô và, dưới sự hướng dẫn của những vị cố vấn dòng Đa Minh của họ, đã bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm của ngài một cách sâu xa.
Mặc dù Jacques đã bắt đầu nổi tiếng ở Pháp qua các bài báo của mình, nhưng chỉ sau Thế Chiến thứ nhất, cuộc đời triết gia của ông mới bắt đầu một cách nghiêm túc. Sau khi nhận được một di sản để hỗ trợ công việc của mình từ một người lính thiệt mạng tại mặt trận, Maritain đã có thể mua một ngôi nhà ở Meudon, một ngôi làng không xa Paris, và đưa kế hoạch của họ thành hiện thực. Họ có thể sống một cuộc đời cầu nguyện và học tập, và biến ngôi nhà của họ trở thành trung tâm tư tưởng và văn hóa Công Giáo, dưới sự bảo trợ của Thánh Tôma Aquinô. Nhà của họ trở thành một nơi mà các nghệ sĩ và trí thức có thể tìm được tình bạn và thảo luận sôi nổi. Danh sách khách đến nhà của họ trong những năm đó được đọc giống như một cuốn Who’s Who của cuộc phục hưng trí thức Công Giáo ở Pháp. Chính trong những năm Meudon, cuộc đời công khai của Raïssa với tư cách là một nhà văn và một nhà thơ bắt đầu.
III. Công trình của bà: Sự sống phục vụ sự thật
Tuyển chọn các bài thơ của Raïssa Maritain
(Bản tiếng Anh của một tu sĩ dòng Biển Đức của Đan Viện Stanbrook)
Suy niệm
Bóng tối bên dưới và bóng tối bên trên;
Dưới cánh đen Tổng Lãnh Thiên Thần
Kế hoạch của Thiên Chúa khai triển.
Nghịch lý của Sáng Thế là vô hạn
Vĩnh cửu được tạo nên từ thời gian,
Điều thiện bất diệt được cổ vũ bởi điều ác.
Nhân loại lê bước về phía trước tìm kiếm công lý
Trên những nẻo đường lười biếng của hành vi gian ác,
Và những gian dối và lầm lạc của ngày hôm nay
Sẽ phục vụ sự thật ngày mai.
Sự thiện nhỏ nhoi,
Dù có vẻ như không đáng gì
Để vượt qua thảm họa trong thời đại của chúng ta,
Chứa hạt giống cây vĩnh cửu tình yêu.
Cái ngã của Icarus
Một nhánh hoa lên khung biển cả.
Một số con tàu mơ về vũ trụ; Trên bờ, những con cừu thẫn thờ.
Icarus đã rơi từ trên trời xuống
như cú nhào xuống của một con mòng biển.
Giữa trưa, mặt trời sáng thế thiếp ngủ
Thế giới, thanh bình, vẫn giữ được vẻ đẹp của nó.
Ôi Thập Giá
Ôi Thập giá, ngươi chia cắt trái tim,
Ôi Thập Giá, ngươi chia cắt thế giới,
Thập Giá thần linh và gỗ cây đắng đót,
Giá đẫm máu mua các Mối phúc,
Thánh giá hoàng gia, dấu ấn đế chế,
Thập giá u ám nhất, giá treo cổ của Thiên Chúa,
Sao sáng các Mầu nhiệm
Chìa khóa sự chắc chắn
Đám mây
Một đám mây trên bầu trời,
Cỗ xe của Êdêkien
Đang phóng qua.
Trong đồng cỏ thấy
Dưới cây đào
Hoa hồng rực rỡ,
Sau đó, ngài xuất hiện
Và những giọt nước mắt chảy dài
Trong không khí loãng
Trên khuôn mặt của Ngài
Hỡi người sứ giả.
Ấn phẩm đầu tiên của Raïssa Maritain là cuốn La Vie d’Oraison (Đời sống Cầu nguyện) khá mỏng, một tác phẩm mà bà đã viết cùng với Jacques như một cuốn sách hướng dẫn thiêng liêng cho các nhóm nghiên cứu tư tưởng Thánh Tôma mà bà và Jacques đã thành lập. Mục tiêu của công trình nhỏ này là truyền đạt cho các thành viên của nhóm nghiên cứu tính ưu tiên của việc cầu nguyện và tình yêu Kitô giáo đối với sự tiến bộ trong đời sống trí thức: bản thân trí hiểu chỉ có thể phát triển những khả năng cao nhất của nó khi nó được bảo vệ và củng cố bởi sự bình an được ban cho nhờ lời cầu nguyện. Linh hồn càng tiến gần Thiên Chúa bằng tình yêu thương, thì trí hiểu càng phát triển và tầm nhìn của nó càng rõ ràng hơn (18). Vì vậy, đời sống trí thức phải được củng cố bằng đời sống chiêm niệm nếu nó muốn đạt được tiến bộ thực sự trong việc khám phá chân lý và trong việc dẫn dắt những người khác biết và yêu sự thật.
Raïssa đã ghi nhớ nằm lòng thông điệp trong cuốn sách của mình và cố gắng sống nó. Ngay từ những ngày đầu mới trở lại đạo, bà đã cảm thấy một lời kêu gọi mãnh liệt bước vào việc cầu nguyện chiêm niệm. Chính trong giai đoạn này, Raïssa bắt đầu viết Nhật Ký của mình, chỉ được xuất bản sau khi bà qua đời. Với sự rõ ràng hấp dẫn, bà mô tả hành động của Chúa trong cuộc sống của bà và những cuộc đấu tranh của bà để hiểu và đáp ứng. Những hiểu biết thông sáng ngắn gọn để yêu thương và hiểu người lân cận, người ta phải quên bản thân mình (19) được xen kẽ với những mô tả về các cuộc đấu tranh của bà và những viên ngọc trai của sự khôn ngoan điềm tĩnh, chẳng hạn như những điều sau:
“ Lầm lỗi giống như bọt sóng, nó lẩn tránh sự nắm bắt của chúng ta và cứ thế xuất hiện trở lại. Linh hồn không được kiệt sức khi chiến đấu chống lại bọt sóng. Lòng nhiệt thành của nó phải được thanh tẩy và thanh tĩnh, và bằng sự kết hợp với Ý chí thần linh, nó phải tập hợp sức mạnh từ những chiều sâu thẳm. Và Chúa Kitô, với tất cả công lao của Người và công lao của tất cả các thánh, sẽ làm công việc của Người ở sâu dưới mặt nước. Và mọi thứ có thể cứu vớt sẽ được cứu vớt” (20).
Nhật ký cũng cung cấp các ghi chép của bà về ý thức cho rằng Chúa đang mời gọi bà chấp nhận chia sẻ đau khổ của Người.
“Trong lúc cầu nguyện im lặng, tôi cảm thấy bên trong mình được khuyến khích từ bỏ mình cho Thiên Chúa, và không những được khuyến khích mà còn có khuynh hướng thực hiện nó một cách hữu hiệu, và thực hiện việc đó, cảm thấy làm việc đó cho một thử thách, một đau khổ, mà do đó, sự thuận ý của tôi đã được yêu cầu. Tôi thực hiện hành động từ bỏ mình này bất chấp sự hèn nhát bẩm sinh của mình” (21).
Chính trong những năm tháng ở Meudon, Raïssa đã nhận được thiên phú làm thơ: Người có thể biết được chiều sâu của tinh thần hoặc, nếu bạn muốn, tính tâm linh của hiện hữu, bắt đầu bằng cách đi vào chính mình. Và cũng chính trong nội tâm của cuộc sống, của suy nghĩ, của lương tâm mà họ bắt gặp Nàng Thơ, nếu họ được định mệnh xếp đặt để gặp gỡ nàng (22). Trong sâu thẳm lời cầu nguyện của bà, Raïssa đã gặp Nàng Thơ. Những bài thơ trở thành cách để bà phát biểu các trải nghiệm nội tâm của mình. Mặc dù các chuyên gia đã lưu ý đến những hạn chế về mặt kỹ thuật trong một số bài thơ của bà (23), nhưng các tác phẩm hay nhất của bà đã thành công trong việc làm cho những sự kiện bình thường của cuộc sống ánh lên sự trong sáng tâm linh (24). Người ta tìm thấy ở đấy những đề tài được lặp đi lặp lại suốt trong các tác phẩm của bà: bỗng nhiên gặp Thiên Chúa trong đời thường (Đám Mây); mầu nhiệm của cái ác đạo đức và vẻ đẹp tự nhiên (Cái ngã của Icarus); việc làm của Chúa quan phòng ở giữa tội lỗi của con người (Suy Niệm); và mầu nhiệm luôn hiện hữu về sự đau khổ của Chúa Kitô và ơn gọi của chúng ta tham gia vào đó (Ôi Thập giá). Tổng cộng, Raïssa đã viết gần chín mươi bài thơ, được xuất bản trong bốn tuyển tập khác nhau, và được Jacques tập hợp lại thành một tập sau khi bà qua đời (25). Đối với những ai có kiên nhẫn để nghệ thuật của thi sĩ nói với họ, thì các vần thơ của bà có một giá trị lâu dài.
Khi Thế Chiến thứ hai diễn ra ở Pháp vào năm 1940, vợ chồng Maritain đang ở Mỹ. Không thể trở về quê hương và bạn bè của mình, họ đã cống hiến năng lực của mình để giúp thế hệ trẻ đang trải qua những hiểm nguy của chiến tranh tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn về những biến cố họ đang phải chịu đựng. Họ khuyến khích người dân Pháp nhìn cuộc chiến dưới ánh sáng của nước Pháp mới có thể nảy sinh sau chiến tranh. Chiến tranh là một thảm họa, nhưng nó cũng tạo cơ hội để xây dựng một nước Pháp mới và một châu Âu mới cho những ai có đủ can đảm và tinh thần sâu sắc để đảm nhận nhiệm vụ. Vì vậy, Jacques đã viết À Travers le Désastre (Qua thảm họa, nhưng được xuất bản bằng tiếng Anh với tựa đề France, My Country), một cuốn sách đã được chuyển lậu vào Pháp và được các thành viên kháng chiến đọc rộng rãi (26).
Phản ứng của Raïssa một lần nữa là đặc trưng của nguồn gốc Hasidic của bà: bà sẽ kể truyện. Bà sẽ giúp những người trẻ tuổi bị cám dỗ tuyệt vọng bằng cách kể cho họ nghe câu truyện về sự tốt lành của Thiên Chúa cho một thế hệ thanh niên trước đó cũng bị cám dỗ tuyệt vọng. Bà sẽ kể câu truyện về sự phục hưng của Công Giáo ở Pháp như bà và Jacques đã trải qua. Với phần dạo đầu kể lại thời thơ ấu và thuở thiếu thời của mình, bà đã ghi lại những năm 1900-1917, khoảng thời gian kéo dài từ khi bà vào Sorbonne và bắt đầu cuộc đời của bà với Jacques cho đến khi Léon Bloy qua đời. Tập đầu tiên, Les Grandes Amitiés (các Tình Bạn Vĩ Đại, bản tiếng Anh: We Have Been Friends Together) ra đời năm 1941 và được tiếp theo bởi cuốn, Les Aventures de la Grâce (Những cuộc phiêu lưu của ân sủng) vào năm 1944. Đối với một thế hệ cần nghe nó, Raïssa đã đưa ra một giải trình về niềm hy vọng đã có ở trong bà và đã làm như vậy với sự dịu dàng và tôn kính (I Pr 3:15). Là một biên niên sử về sự phục hưng của Công Giáo ở Pháp, những cuốn sách này không có gì so sánh bằng. Tuy nhiên, hơn thế nữa, chúng còn cung cấp cho chúng ta một thần học về sự hoán cải và ơn gọi Kitô hữu được phát biểu trong một câu chuyện kể về tác động của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với cuộc sống của một thế hệ đi tìm kiếm ý nghĩa. Đối với bất cứ ai có thể bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu lâu bền của Thiên Chúa dành cho dân ương ngạnh của Người, những cuốn sách này tiếp tục mang hy vọng lại cho những thời điểm khó khăn.
IV. Sự thật lên tiếng
Có thể nói nhiều hơn nữa về Raïssa và công việc của bà. Chắc chắn, Jacques sẽ nhắc người đọc như ông vẫn thường làm trong suốt cuộc đời của mình về vai trò của Raïssa trong quá trình hình thành các tác phẩm của chính ông. Bà đọc chúng và sửa đổi chúng, thường làm chúng rõ ràng hơn và làm dịu đi sự gay gắt trong các cuộc tấn công của ông (27).
Các tiểu luận của bà về thi pháp và việc phát triển luân lý cũng đáng được chú ý (28). Tuy nhiên, tổng hợp lại, thơ của bà, các tiểu luận và hồi ký của bà đều là một câu trả lời nhẹ nhàng và vui tươi cho câu hỏi từng định hướng cho đời bà. Raïssa Oumansov đã tìm cách biết điều hiện hữu. Trong im lặng và giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, bà đã tìm thấy câu trả lời cho mình: Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Thiên Chúa (Tv 46:10).
Chú thích
1. Raïssa Maritain, We Have Been Friends Together, do Julie Kernan dịch (New York: Longmans, Green and Co., 1942), 34-35.
2. Muốn có một phân tích về lối hiểu của người Hasidic về Thiên Chúa và sự đau khổ, hãy xem Hasidic Thought của Yoram Jacobson (Tel Aviv: MOD Press, 1998), 84-112.
3. Raïssa Maritain, We Have Been Friends Together, 2.
4. Raïssa Maritain, Marc Chagall (New York: Editions de la Maison Française, 1943), 16-17.
5. Đã dẫn, 17-18.
6. Raïssa Maritain, We Have Been Friends Together, 26.
7. Đã dẫn.
8. Đã dẫn, 34.
9. Ông của Jacques Maritain là Jules Favre, một đảng viên cộng hòa hăng hái, từng công khai chống lại Napoléon III tại quốc hội và đã tham gia vào các cuộc đàm phán với Bismarck nhằm cứu Paris khỏi sự chiếm đóng hoàn toàn trong chiến tranh Pháp-Phổ. Ông cũng từng là phó tổng thống và bộ trưởng ngoại giao của Đệ tam Cộng hòa. Xem Julie Kernan, Our Friend, Jacques Maritain: A Personal Memoir (Garden City, NY: Doubleday, 1975), 15.I.
10. Jacques Maritain, Antimoderne (Paris: Desclé de Brouwer, 1922), 230. Xem Raïssa Maritain, We Have Been Together, 52.
11. Raïssa Maritain, We Have Been Together, 67-68.
12. Đã dẫn, 63, 64.
13. Đã dẫn, 75.
14. Đã dẫn, 106.
15. Léon Bloy, Le Mendiant Ingrat: Quatre Ans de Captivité à Cochons-surs-Marne, L'Oeuvre Complete de Léon Bloy, vol. 5 (Paris: François Bernouard, 1948), 790. Trích dẫn trong Raïssa Maritain, We Have Been Together, 108.
16. Xem Raïssa Maritain, Adventures in Grace, do Julie Kernan dịch (New York: Longmans, Green and Co., 1945), 249.
17. Léon Bloy, Le Mendiant Ingrat: Au Seuil de l'Apocalypse, L'Oeuvre Complete de Léon Bloy, vol. 10 (Paris: François Bernouard, 1948), Phần mở đầu không đánh số trước trang 2011. Nhấn mạnh trong bản gốc. Xem Raïssa Maritain, Adventures in Grace, 25 1.
18. Jacques và Raïssa Maritain, Prayer and Intelligence (London: Sheed and Ward, 1928), 5.
19. Raïssa Maritain Raïssa Journal, do Jacques Maritain trình bầy (Albany, NY. Magi Books, 19 74) trình bày, 59.
20. Đã dẫn, 158.
21. Đã dẫn, 126. Cũng trong những năm này, Raïssa đã cho đăng tải một bài suy niệm về vai trò của Ác quỷ trong bi kịch về thế giới sa đọa, và ơn gọi của Chúa Kitô phải vượt thoát Hoàng tử của Thế giới. Xem, Raïssa Maritain, Le Prince de ce monde (Paris: Desclé de Brouwer, 1929).
22. Raïssa Maritain, Raïssa Journal, 373.
23. Xem Judith D. Suther, Raïssa Maritain: Pilgrim, Poet, Exile (New York: Fordham University Press, 1990), 65-99; 177182.
24. Nhận định này là của Thomas Merton, người viết tiếp: Câu thơ của bà không kỹ xảo, thuần khiết không trang trí và cầu kỳ, đến nỗi nó có tính chất gần gũi của một bức tranh Nhật Bản. Một trong số đó (bài Recipe) có sự đơn giản ngắn gọn và bí ẩn của haiku. Người ta theo bản năng nghĩ tới những phép loại suy bằng hình ảnh đối với trải nghiệm thơ của bà chính xác vì nó quá gần gũi và quá thuần khiết (Thomas Merton, Raïssa Maritain Poems, Jubilee [4/1963]: 27).
25. Raïssa Maritain, Poèmes et Essais (Paris: Desclée de Brouwer, 1968).
26. Julie Kernan, Our Friend, Jacques Maritain, 121-123.
27. Xem Judith D. Suther, Raïssa Maritain: Pilgrim, Poet, Exile g, 44.
28. Xem Raïssa Maritain, Sense and Non-Sense in Poetry and Magic, Poetry, và Mysticism in Jacques and Raïssa Maritain, The Situation of Poetry (New York: Philosophical Library, 1955), 1-36; Raïssa Maritain, Abraham and the Ascent of Conscience in Bridge: A Yearbook of Judaeo Christian Studies (New York: Pantheon, 1955), 23-52.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét