Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2022

Thiên Chúa và khoa học

 

Thiên Chúa và khoa học

 
  •  
  •  


THIÊN CHÚA VÀ KHOA HỌC

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ và biên tập

WHĐ (09.7.2022) - Cuốn sách của M.-Y. Bolloré và O. Bonnassies, Thiên Chúa, Khoa học, Bằng chứng, xuất bản vào mùa thu năm 2021, đã kích hoạt lại cuộc tranh luận về mối tương quan giữa khoa học và đức tin. Trong khi số lần phỏng vấn hai tác giả gia tăng, thì kết luận của hai tác giả được thảo luận bởi một số hội nghị và các bài báo được xuất bản.

Sau đây là một số bài báo nói về chủ đề “Thiên Chúa và khoa học” được khởi đi từ các cuộc thảo luận liên quan đến cuốn sách nói trên.

I. Bài báo “Thiên Chúa và khoa học: Sự sôi sục của chủ đề khiến người ta không thể thờ ơ” của Jean Pierre Maillard[1]

Nhà vật lý thiên văn Kitô giáo Jean Pierre Maillard nhìn lại thành công của cuốn sách “Thiên Chúa, Khoa học, Bằng chứng” và đề cao số lượng phản hồi mà cuốn sách đó đã tạo ra. Giống như tu sĩ Dòng Tên François Euvé, ông cho rằng chúng ta có thể tìm thấy trong các khám phá khoa học “dấu chỉ” về sự hiện hữu của Thiên Chúa, mà không nhầm lẫn những dấu chỉ đó với “bằng chứng”. Ông viết:

1. Một chủ đề khiến người ta không thể thờ ơ

Tôi theo dõi những cuộc trao đổi về chủ đề “Thiên Chúa và khoa học” bởi vì, với tư cách là một nhà nghiên cứu vật lý thiên văn và cũng là một Kitô hữu sống đạo, tôi đã suy ngẫm từ lâu về khoa học mà tôi thực hành và đức tin mà tôi tuyên xưng, dẫn tôi đến các cuộc hội thảo. Sự sôi sục này chứng tỏ chủ đề khiến người ta không thể thờ ơ.

Tóm lại, hai tác giả ủng hộ luận điểm rằng các kết quả của khoa học hiện đại, đặc biệt là của vật lý thiên văn, đặt lại vấn đề một lối giải thích thuần túy duy vật về vũ trụ và mở ra “một cuộc cách mạng mới” nơi khoa học, thay vì chống lại Thiên Chúa, trở thành “đồng minh mới của Ngài”. Cuốn sách nhằm mục đích chứng minh, bằng cách tập hợp các dữ kiện đã được thiết lập một cách khoa học, rằng lần đầu tiên các dữ kiện đó đưa ra bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Ví dụ, họ trích dẫn những quan sát gần đây để có thể suy ra ngày giờ chính xác của sự kiện Big Bang - vụ nổ lớn - nguyên khởi, mà họ liên tưởng đến câu đầu tiên của sách Sáng thế ký: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất”, được viết tám thế kỷ trước Công nguyên, giữa lòng dân tộc Do thái, là những người duy nhất khẳng định niềm tin của họ vào chỉ một Thiên Chúa trong thế giới đa thần.

Với một loạt các dữ kiện và vấn nạn khác mà khoa học chưa biết cách giải quyết, chẳng hạn như nguồn gốc của sự sống, thêm vào phần thứ hai là “Những bằng chứng bên ngoài khoa học”, cùng với số phận của dân tộc Do Thái, con người của Chúa Giêsu, các tác giả tuyên bố xây dựng một minh chứng khách quan về sự hiện hữu của Chúa

2. Hai câu trả lời

Khi trả lời cho phần đầu tiên, bỏ qua phần thứ hai mà ông không thấy đối tượng, Lévy-Leblond coi những “bằng chứng” này là “những sai lầm khoa học”, những vấn nạn vẫn chưa được giải đáp mà chỉ đang chờ những phát triển mới. Ông nhắc lại rằng Cha Lemaître, cha đẻ của mô hình Big Bang - vụ nổ lớn, đã phân biệt giữa sự khởi đầu tự nhiên của thế giới và hành động sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa, theo quan điểm thần học, nếu Thiên Chúa bị biến đổi thành một thực tại mà khoa học có thể tiếp cận được, thì Ngài sẽ mất đi tính siêu việt của Ngài.

Ông kết luận rằng sự lấn sân này chỉ là một “sự quay trở lại dai dẳng của chủ nghĩa hòa hợp”, một cách phục hồi khoa học, được đặt trong bối cảnh “một cuộc tấn công chính trị và ý thức hệ của một kiểu Công giáo hữu khuynh quá khích”. Không đi sâu vào điểm cuối cùng này, dù đó là một ý kiến, những lời chỉ trích nặng nề này cần phải được xét đến. Việc trông nhờ vào các “bằng chứng” để tạo ra hiệu quả truyền thông chắc chắn không ngoài ý định của nhà xuất bản ấn phẩm này, vốn chuyên về bí quyết nghề nghiệp và về nghệ thuật suy đoán. Vì vậy, cuốn sách này có nên được giới thiệu cho những người đặt nghi vấn về mối tương quan hiện thực giữa khoa học và đức tin không?

3. Bằng chứng hoặc “dấu chỉ”

Tác phẩm mới nhất của nhà thần học François Euvé có vẻ chính xác hơn đối với tôi. Được trình bày như câu trả lời cho cuốn sách được đề cập, tác phẩm đó tiếp cận vấn đề bằng cách kiểm tra lại câu hỏi cơ bản về mối quan hệ giữa khoa học và Thiên Chúa trong bối cảnh khoa học hiện đại. Trước tiên, ông nhắc lại quyền tự chủ cần thiết của khoa học liên quan đến bất kỳ nguyên lý thần thánh nào. Nhưng trong Kinh thánh, người Do thái giải mã hành động của Thiên Chúa qua lịch sử của họ. Mọi Kitô hữu được kêu gọi làm như vậy khi kiểm điểm đời sống của mình. Tương tự như vậy, những khám phá mới trong vật lý thiên văn, sinh học hoặc các ngành khoa học khác có thể cung cấp cho người tín hữu những “dấu chỉ” về nguồn gốc thần linh, tôn trọng quyền tự chủ của khoa học và mầu nhiệm của Thiên Chúa, bằng cách xác định rằng “các dấu chỉ không phải là các bằng chứng”. Các dấu chỉ đó yêu cầu “một cách diễn giải có sự tham gia của tự do của người diễn giải”.

Trong buổi hội thảo mà tôi xây dựng để nói về “Thiên Chúa và vũ trụ”, tôi đã viết: “Kiến thức hiện đại về vũ trụ cho phép chúng ta hiểu được vẻ đẹp phi thường biểu hiện bởi sự phức tạp của các thiên hà, các ngôi sao, các hệ hành tinh, của sự sống trên Trái đất, từ đó nảy sinh sự đa dạng đáng kinh ngạc của các phần hợp thành, các hình thức và các cấu trúc”. Đây đều là những “dấu chỉ” mở ra con đường đối thoại “giữa khoa học và đức tin”, từ đó tôi kết luận rằng đối với tôi cách đọc này được diễn dịch thành những lời ngợi khen.

II. Bài báo “Cuốn sách ‘Thiên chúa, khoa học, bằng chứng’ phục vụ khoa học và đức tin” của Raphael Duque[2]

Đối với nhà vật lý thiên văn Raphaël Duqué, nỗ lực mới của hai tác giả Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies trong cuốn “Thiên Chúa, Khoa học, Bằng chứng” nhằm chứng minh một cách khoa học sự hiện hữu của Thiên Chúa là một sai lầm cả về mặt khoa học cả về mặt tôn giáo. Ông viết:


Với cuốn sách của họ Thiên Chúa, Khoa học, Bằng chứng” (Guy Trédaniel, 2021), Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies đã ném một tảng đá xuống ao. Mục đích của họ là mô tả những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực vật lý và vũ trụ học, và từ đó suy ra “những bằng chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa (được cho là) hiện đại, rõ ràng, hợp lý, đa ngành, có thể đối chiếu khách quan (sic) với vũ trụ thực”. Sau “sự thống trị hoàn toàn của chủ nghĩa duy vật” đối với thế giới trí thức, các tác giả tự chúc mừng rằng “khoa học dường như đã trở thành đồng minh của Thiên Chúa”. Thật không may, cuốn sách chứa đựng những điều ngược lại với sự thật mà những người không cần phải là nhà khoa học vẫn có thể hiểu được. Cuốn sách đưa ra một sơ đồ suy nghĩ vừa đơn giản hóa quá mức vừa lầm lạc về vấn đề Thiên Chúa, mà chúng ta có thể gọi là “chủ nghĩa duy vật rỗng không”.

Thiên nhiên thì cao vời và tất cả mọi người, đặc biệt là nhà khoa học có thể ngạc nhiên bởi trật tự tỉ mỉ của nó. Theo Bolloré và Bonnassies, khoa học đương đại sẽ khám phá trật tự này ở mức độ chi tiết đến mức không còn bao lâu nữa chúng ta có thể đặt ngón tay lên Đấng Tạo Hóa, như đặt ngón tay lên trần của Nhà nguyện Sistine. Không hơn không kém đó chỉ là lý chứng cứu cánh (tức là vũ trụ minh chứng là Thiên Chúa hiện hữu): thiên nhiên, hoàn toàn hài hòa, chỉ có thể là tác phẩm của một thực thể hoàn hảo, là Thiên Chúa. Các tác giả thích ứng với lý chứng này mà không đặt tên cho nó và bóp méo nó để phục vụ mục đích của họ. Kinh nghiệm tri giác về tự nhiên có cần phải thông qua hoạt động của khoa học không? Không, dĩ nhiên là không: người đi dạo lẻ loi một mình bỗng thấy một cánh chim bay qua một hồ nước cảm nghiệm được toàn bộ sự tuyệt vời của thiên nhiên mà không cần thực hiện bất cứ phương pháp tiếp cận khoa học nào. Dù Bolloré và Bonnassies nghĩ gì, không ai chờ đợi có Kính viễn vọng Không gian Hubble thì mới có thể chiêm ngưỡng Sự sáng tạo và cảm nhận được cử chỉ của Thiên Chúa chung quanh họ.

1. Những sai lầm về sự kiện

Các tác giả báo cáo rằng vũ trụ học hiện đại “ngụ ý rằng vũ trụ đã có một sự khởi đầu”, nhằm củng cố câu chuyện về Sự sáng tạo và sự tồn tại của một Đấng sáng tạo. Điều này là sai lầm: lý thuyết Big Bang - vụ nổ lớn - cho rằng vũ trụ chiếm một trạng thái ngày càng đậm đặc và nóng hơn khi chúng ta càng quay ngược thời gian, đến độ nó đạt đến các chế độ đậm đặc và nhiệt độ mà sự hiểu biết của chúng ta về vật lý học hiện nay không còn có thể áp dụng được nữa. Vậy thì, khoa học không còn có thể dự đoán và bất cứ tuyên bố khoa học nào về sự khởi đầu chỉ có thể là một phép ngoại suy không chắc chắn.

Nhưng chúng ta có thực sự chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa theo cách này không? Một cách mặc nhiên, chúng ta hiểu rằng các tác giả viện dẫn lập luận vũ trụ học: bất cứ chuyển động nào mà có nguyên nhân, thì phải có chuyển động đầu tiên, đó là Thiên Chúa. Một lần nữa, vấn đề được đưa ra bằng cách giảm thiểu lập luận lịch sử thành một cách diễn đạt rỗng không: khoa học đã tìm ra chuyển động đầu tiên, Thiên Chúa là chuyển động đầu tiên, do đó khoa học tìm ra Thiên Chúa. Nhưng bằng chứng này không thể làm hài lòng các tín hữu! Người thợ đồng hồ vĩ đại này, người đã tạo ra vụ nổ lớn và tính toán các hằng số cơ bản của vật lý, liệu có phải là Vị Thiên Chúa của lòng thương xót đã sinh xuống Trái đất và chịu Cuộc Khổ hình để tha thứ tội lỗi không? Tất nhiên, không ai tin điều đó.

2. Những ngõ cụt tâm linh

Chắc chắn, việc nghĩ đến sự hòa hợp của vũ trụ hoặc của Thiên Chúa như một primum mobile - động lực nguyên thủy có thể củng cố các tín hữu trong đức tin của họ, nhưng các lập luận vũ trụ học và viễn tượng học là những ngõ cụt tâm linh, chúng không giúp ích gì để tiến lên trên con đường đức tin vào Thiên Chúa của Ábraham, Isaác và Giacóp.

Sự bế tắc tâm linh này thực ra lại che giấu một bế tắc khác, lần này về mặt logic: sự hiện hữu của Thiên Chúa không thể là một đối tượng của khoa học. Như Karl Popper đã dạy chúng ta, những phát biểu nào mà có thể kiểm chứng được thông qua thí nghiệm hay quan sát, nghĩa là sự góp phần của những kinh nghiệm mới mẻ có thể bác bỏ chúng, thì mới là khoa học. Khoa học tiến triển như thế: bằng cách kiểm chứng qua thí nghiệm hay quan sát và thiết lập từng bước nội dung của nó một cách tỉ mỉ. Về nguyên tắc, điều này loại trừ khỏi khoa học một số phát biểu, bao gồm cả sự hiện hữu của Thiên Chúa. Do đó, chuyển sang khoa học để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa là một bế tắc kép, điều này ai cũng biết.

3. Thiên Chúa là một mặc khải

Trước tiên, Thiên Chúa là một mặc khải. Sau đó, đối với những ai muốn chiêm nghiệm sự thật, “đức tin và lý trí giống như hai chiếc cánh”, Đức Gioan Phaolô II viết trong Fides et ratio, một công trình không thể thiếu khi nói về vấn đề hiện nay, và là một lỗ hổng trong các tham chiếu của tác phẩm này. Vả lại, đôi cánh này không xa lạ gì với nhau. Đức tin được nuôi dưỡng bằng kiến thức, cụ thể là bằng sự hiểu biết về Thiên Chúa qua việc nghiên cứu cuộc đời của Chúa Kitô và những lời dạy của Ngài, qua khoa chú giải và thần học, vốn là những khoa học. Đương nhiên, các tín hữu được mời gọi tiếp thu kiến thức này để củng cố đức tin của họ, như thông điệp Lumen fidei gợi ý.

Khi tìm cách dồn ép chủ nghĩa duy vật vào trạng thái “niềm tin phi lý trí”, Bolloré và Bonnassies tự mâu thuẫn với chính mình. Đề xuất sự biểu lộ của Thiên Chúa trong tự nhiên như bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài chính là chủ nghĩa duy vật. Khu trú sự hiểu biết về sự biểu lộ này của Thiên Chúa vào khoa học thậm chí còn tệ hơn: đó là chủ nghĩa duy vật rỗng không. Tác phẩm của họ đưa ra một diễn ngôn vừa khoa học – vừa thần bí phục vụ cho cả khoa học, đột nhiên bị tước bỏ các nguyên tắc và đối tượng của nó, và đức tin, đột nhiên bị rút khỏi lãnh vực của trái tim con người.

Tuy nhiên, trái tim con người là nơi Thiên Chúa biểu hiện trong chiều kích đầu tiên của Ngài, nghĩa là tâm linh. Sức mạnh của tình yêu, niềm vui của sự tha thứ, sự kiên trì trong đức tin và đức cậy, hạnh phúc trong đức ái: nếu phải chiêu mộ tín đồ, chắc chắn chúng ta phải tìm cách diễn tả và khơi gợi những động thái nội tâm này. Vì nếu Thiên Chúa cũng tỏ mình ra trong việc ngắm nhìn Công trình Tạo dựng, thì công trình này, dù cao vời, vẫn không phải là công trình duy nhất của Ngài.

III. Bài báo “Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô chắc chắn không phải là một thợ đồng hồ vĩ đại” của Thierry Magnin[3]

Đối với nhà thần học và vật lý học Thierry Magnin, cuốn sách “Thiên Chúa, Khoa học, Bằng chứng” của Michel-Yves Bolloré và Olivier Bonnassies (Guy Trédaniel, 2021) có nguy cơ gây nhầm lẫn giữa các lĩnh vực khoa học và đức tin, và biến Thiên Chúa thành người chế tác toàn năng của vũ trụ. Ông viết:


Làm thế nào để đọc cuốn sách “Thiên Chúa, khoa học, bằng chứng” được xuất bản vào mùa đông này? Công lao đầu tiên của cuốn sách đó là cung cấp cho chúng ta cả một hành trình lịch sử để làm nổi bật thực tế rằng, sau sự phát triển, trong suốt thế kỷ 19 và sau đó vào đầu thế kỷ 20, của các trào lưu khoa học - theo đó khoa học là nguồn đáng tin cậy duy nhất để hiểu biết về thế giới, thái độ này đã bị nhiều người cáo giác và đặt câu hỏi bởi chính sự tiến hóa của các khám phá khoa học. Do đó, cuốn sách xem xét lại tất cả những tiến bộ khoa học vốn đã đưa vào quy trình khoa học sự phức tạp và không hoàn chỉnh, dù là trong nhiệt động lực học, cơ học lượng tử, hay thậm chí trong khoa học tự nhiên, hoặc với nguyên lý entropi - độ hỗn loạn - trong vật lý thiên văn.

Bằng sự vận động của chính mình, mỗi ngành khoa học cho thấy rằng “nền tảng của các sự vật”, nguyên lý đầu tiên, vượt ra khỏi hiểu biết của khoa học. Do đó, chúng ta không thể coi khoa học là nguồn gốc của mọi thứ và là cách giải thích mọi thứ. Chủ nghĩa khoa học thuần túy và cứng rắn đắc thắng của đầu thế kỷ 20 tự nhận thấy rằng chính nó đã bị hủy hoại bởi toàn bộ sự phát triển của nghiên cứu khoa học trong thế kỷ qua.

1. Một định nghĩa mới về đối tượng khoa học

Tự nó, điều này không có gì mới. Những khám phá này đã được biết đến từ mãi những năm 1980-2000. Bây giờ chúng ta đang thực sự đối mặt với một định nghĩa mới về đối tượng khoa học: một đối tượng mà chúng ta không nghiên cứu “trong chính nó”, nhưng là trong các mối quan hệ của nó, những tương tác của nó với những đối tượng (nhận thức luận) khác, và cả với chủ thể đang làm công việc nghiên cứu.

Do đó, trong sự phức tạp ngày nay, có sự không chắc chắn và không đầy đủ. Nhưng điều này không vì thế mà có nghĩa là khoa học không còn hợp lý, chúng ta không thể nói về sự thất bại của lý lẽ khoa học. Đơn giản, sự không đầy đủ này đã trở thành chính điều kiện thực hành của nhà khoa học. Kết quả là, một cách nhìn hoàn toàn duy vật khó có thể giữ vững được. Theo nghĩa này, tôi đồng ý với ý kiến được cuốn sách quảng bá rằng những khám phá gần đây chất vấn chúng ta về “nền tảng của các sự vật”.

Nhưng như tác phẩm này khẳng định, chúng ta có cần phải nhìn ra, trong sự không không đầy đủ này, những bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa không? Không phải vậy, bởi vì khi đó chúng ta nhầm lẫn các lãnh vực. Nguyên lý entropi – sự hỗn độn - mà cuốn sách nói đến, nêu ra một cách đặt vấn đề. Nhưng nguyên lý đó không chứng minh rằng sẽ có một thứ gọi là “đằng sau các sự vật” tức là một vị Thiên Chúa vốn có lẽ đã điều chỉnh các cơ chế của Vũ trụ và của sự sống. Và Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô chắc chắn không phải là Thiên Chúa theo nghĩa “thợ đồng hồ vĩ đại”.

2. Đừng nhầm lẫn lĩnh vực khoa học và đức tin

Về cơ bản, cách đặt vấn đề này đối với khoa học hiện tại giúp chúng ta có thể khởi động lại cuộc đối thoại giữa Đức tin và khoa học. Nhưng cuộc đối thoại này phải cẩn thận để làm rõ những lĩnh vực này một cách chính xác, chứ không nhầm lẫn chúng. Ví dụ như khi chúng ta xem xét mối quan hệ giữa Sự sáng tạo, theo nghĩa Kinh thánh và sự tiến hóa, theo nghĩa Darwin. Hai quá trình không nằm trên cùng một bình diện và do đó không nên nhầm lẫn.

Sự sáng tạo nằm trong trật tự của siêu việt tính. Bằng cách nào đó, mọi thứ “tồn tại” là bởi vì Thiên Chúa làm ra như vậy. Trong khi nguyên lý tiến hóa dạy chúng ta rằng mọi thứ đã xuất hiện trong quá trình lịch sử của sự sống đều là kết quả của sự chuyển hóa năng lượng và vật chất. Do đó, cần phải đạt đến chỗ làm rõ ràng hai hành động này, mà không gây nhầm lẫn giữa chúng. Teilhard de Chardin có một cách diễn đạt tuyệt đẹp: “Thiên Chúa khiến cho mọi điều tự xảy ra.” Thiên Chúa không dùng cái đồ vặn ốc của Ngài. Ngài đặt ra các điều kiện để mọi sự vật tự xảy ra. Trên hết, Thiên Chúa của Giao ước trao quyền tự quyết cho các thụ tạo, chúng tiếp tục công trình sáng tạo. Thiên Chúa không phải là người chế tác cũng không phải là người chế tạo đồng hồ vĩ đại. Ngài sáng tạo bằng Lời của mình, trong một Tình yêu nhưng không.

3. Thiên Chúa không phải là người chế tác

Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Fides et ratio, nêu bật những mức độ khác nhau này. Đúng là chúng ta có thể lấy làm tiếc về xu hướng xã hội của chúng ta muốn tách biệt lĩnh vực đức tin và lĩnh vực khoa học một cách rạch ròi, một khuynh hướng còn ảnh hưởng đến chính những người Công giáo: trong Giáo hội người ta là tín hữu, trong phòng thí nghiệm của mình người ta là một nhà khoa học. Điều đó thể hiện chủ trương duy đức tin và tôi hiểu rằng cuốn sách muốn chống lại điều đó, trong một xã hội không tin tưởng vào tôn giáo. Nhưng giữa một hình thức hòa hợp, muốn đưa tất cả khoa học trở lại với Thiên Chúa, và một chủ trương duy đức tin, theo đó lý trí không dạy cho chúng ta điều gì về bản chất thực sự của sự vật, có một mối liên hệ cần được thực hiện, trong sự tôn trọng các lĩnh vực khác nhau.

Đặc biệt trong lãnh vực thần học: Thiên Chúa không phải là người chế tác. Ngài là một vị Thiên Chúa của Giao ước, đã tạo ra một thế giới chưa hoàn tất, mà các thụ tạo phải tiếp tục. Như thánh Basiliô thành Caesarea đã nói một cách khéo léo: “Thiên Chúa cho phép con người vào công xưởng sáng tạo của Thiên Chúa.” Nhưng con người thì khác với một trí tuệ thượng đẳng, khác với “thiết kế thông minh” là thứ tất yếu sẽ dẫn dắt con tàu Vũ trụ và nhân loại. Hay nói đúng hơn, chính trí tuệ của tình yêu thương và ơn ban nhưng không đã truyền cảm hứng và thu hút sự tiến hóa này (từ alpha đến omega). Đó là toàn bộ sự đánh liều của đức tin, và sự tự do mà đức tin ban cho chúng ta.

Khoa học không chứng minh được sự không hiện hữu của Thiên Chúa, và cuốn sách này là đúng. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: khoa học cũng không chứng minh được sự hiện hữu của Thiên Chúa. Vả lại, đức tin vào một vị Thiên Chúa mà chúng ta muốn có bằng chứng khoa học là thứ đức tin gì? Đó sẽ không phải là đức tin… Mặt khác, chúng ta phải biết cách giải thích đức tin của mình bằng những lập luận hợp lý, bằng lý trí của chúng ta, nhất là trong bối cảnh những khám phá khoa học. Chúng ta phải biết cách nói về trí tuệ của Thiên Chúa - Đấng Sáng Tạo. Tin tưởng không phải là bất hợp lý.

IV. Những con đường đưa tới sự nhận biết Thiên Chúa.

Sau đây là những con đường dẫn đến nhận biết Thiên Chúa theo giáo lý của Giáo hội Công giáo và quyền giáo huấn của Đức Giáo Hoàng.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, chương một, phần II, số 31 có nói:

“Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được mời gọi nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, con người tìm kiếm Thiên Chúa sẽ khám phá ra một số “con đường” giúp nhận biết Ngài. Những con đường này còn được gọi là “những lý chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa”, nhưng không theo nghĩa lý chứng của các khoa học tự nhiên, mà theo nghĩa những “lý chứng đồng quy và có sức thuyết phục”, giúp con người đạt tới những sự chắc chắn thật sự. Những “con đường” để đến với Thiên Chúa như thế có khởi điểm là các thụ tạo: thế giới vật chất và con người.”

Số 32 nói tiếp:

“Vũ trụ: Thiên Chúa có thể được nhận biết như là nguồn gốc và cùng đích của vũ trụ, căn cứ vào sự vận hành và chuyển biến của vũ trụ, vào tính cách bất tất, vào trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ.

Về người ngoại giáo, thánh Phao-lô khẳng định: “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Ngài, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Ngài” (Rm 1,19-20).

Còn thánh Augustinô thì nói: “Bạn hãy hỏi vẻ đẹp của trái đất, hãy hỏi vẻ đẹp của biển khơi, hãy hỏi vẻ đẹp của không khí đang giãn nở và lan tỏa, hãy hỏi vẻ đẹp của bầu trời,… hãy hỏi những thực tại ấy. Tất cả sẽ trả lời bạn: Này bạn xem, chúng tôi quả là đẹp. Vẻ đẹp của chúng là lời tuyên xưng của chúng. Ai đã làm nên những vẻ đẹp có thể thay đổi đó, nếu không phải là Đấng Toàn Mỹ không bao giờ thay đổi?” ( Bài giảng 241,2).

1. Thiên Chúa đến gặp con người.

Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, chương hai, số 50 nói rõ:

“Con người có thể dùng lý trí tự nhiên để nhận biết Thiên Chúa một cách chắc chắn, dựa vào những công trình của Ngài. Nhưng còn có một lãnh vực nhận biết khác, mà con người không thể đạt tới bằng sức lực của mình, đó là lãnh vực của Mặc khải thần linh (Cđ Vat I: DS 3015). Thiên Chúa, bằng một quyết định hoàn toàn tự do, tự mặc khải và ban chính mình Ngài cho con người. Thiên Chúa làm điều đó khi mặc khải cho mọi người mầu nhiệm của Ngài, kế hoạch yêu thương của Ngài vốn đã có từ muôn thuở trong Đức Ki-tô. Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn kế hoạch của Ngài khi sai Con chí ái của Ngài, là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và sai Chúa Thánh Thần.”

Số 54 nói thêm:

“Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và bảo tồn mọi sự nhờ Ngôi Lời, không ngừng làm chứng cho loài người về chính mình nơi các thụ tạo; hơn nữa, vì muốn mở ra con đường cứu độ cao vời, ngay từ khởi thuỷ, Ngài đã tỏ mình ra cho nguyên tổ biết.” Ngài đã mời gọi nguyên tổ của chúng ta sống hiệp thông thân mật với Ngài, khi ban cho họ ân sủng và đức công chính rạng ngời. (DV 3).

2. Đức tin và khoa học.

Trong phần nói về Đức tin và trí khôn, sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo, số 159 nói rõ:

“Mặc dù đức tin vượt trên lý trí, nhưng không bao giờ có thể có mâu thuẫn thật sự giữa đức tin và lý trí: vì cùng một Thiên Chúa, Đấng mặc khải các mầu nhiệm và tuôn đổ đức tin, cũng là Đấng ban ánh sáng lý trí cho tâm hồn con người, mà Thiên Chúa không thể tự phủ nhận chính mình Ngài, cũng như điều chân thật không bao giờ nghịch lại điều chân thật.” (Cđ Vatican I:DS 3017).

“Bởi vậy, việc nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành, nếu được tiến hành một cách thật sự khoa học và theo đúng các chuẩn mực luân lý, sẽ không bao giờ thật sự đối nghịch với đức tin, bởi vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều có nguồn gốc là bởi cùng một Thiên Chúa. Hơn nữa, ai khiêm tốn và kiên nhẫn cố gắng nghiên cứu những bí ẩn của các sự vật, thì mặc dù họ không ý thức, họ vẫn như được dẫn đưa bởi bàn tay của Thiên Chúa, Đấng đang nâng đỡ vạn vật, Ngài làm cho hiện hữu những gì đang hiện hữu.” (GS 36,2).

3. Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo ban sự sống cho tất cả mọi loài, vì yêu thương.

Trong bài diễn văn nhân dịp Lễ Khánh thành Tượng bán thân tại trụ sở Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học để vinh danh Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, ngày 27 tháng 10 năm 2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói:


“Thưa các Viện sĩ thân mến, tại buổi kết thúc Phiên họp toàn thể của quý vị, tôi vui mừng bày tỏ sự cảm kích sâu sắc và sự khích lệ nồng nhiệt của tôi để tiến lên với tiến bộ khoa học và cải thiện mức sống của mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất.

Quý vị đang giải quyết chủ đề rất phức tạp về sự phát triển của khái niệm tự nhiên. Tôi sẽ không đi sâu vào tính phức tạp khoa học, mà quý vị hiểu rõ, của vấn đề quan trọng và cốt yếu này. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng Thiên Chúa và Chúa Kitô đang đồng hành với chúng ta và cũng đang hiện diện trong tự nhiên, như Tông  đồ Phaolô đã nói trong bài diễn văn của ngài tại Areopagus: “Thật vậy, chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Công vụ 17:28) . Khi chúng ta đọc tường thuật về Sự sáng tạo trong Sáng thế ký, chúng ta có nguy cơ tưởng tượng rằng Thiên Chúa là một pháp sư, một pháp sư đúng nghĩa với một cây đũa thần mạnh mẽ. Nhưng điều đó không phải như vậy. Ngài đã tạo ra muôn loài và để chúng phát triển theo các quy luật nội tại mà Ngài ban cho mỗi loài, để chúng có thể phát triển và đạt đến sự viên mãn. Ngài trao quyền tự chủ cho muôn vật trong vũ trụ đồng thời Ngài đảm bảo với chúng về sự hiện diện liên tục của Ngài trong đó, ban sự sống cho mọi thực tại. Và do đó, Công trình Sáng tạo đã tiến triển qua rất nhiều thế kỷ, rất nhiều thiên niên kỷ, cho đến khi trở thành như chúng ta biết ngày nay, chính xác bởi vì Thiên Chúa không phải là một hóa công hay một pháp sư, mà là Đấng Sáng Tạo ban sự sống cho tất cả mọi loài. Sự khởi đầu của thế giới không phải là một công trình phát xuất từ hỗn loạn có nguồn gốc của nó từ một hóa công nào khác, mà bắt nguồn trực tiếp từ một Nguyên lý tối cao, tạo dựng ra muôn vật vì yêu thương. Lý thuyết Vụ nổ lớn, được đề xuất ngày nay như nguồn gốc của thế giới, không mâu thuẫn với sự can thiệp của một Thiên Chúa sáng tạo mà phụ thuộc vào sự can thiệp đó. Tiến hóa về bản chất không mâu thuẫn với khái niệm Sáng tạo, bởi vì quá trình tiến hóa cần đến việc sáng tạo ra trước đó những sinh vật tiến hóa.

Tuy nhiên, đối với con người, có một sự thay đổi và một sự mới lạ. Vào ngày thứ sáu trong trình thuật của Sáng thế ký, đến thời điểm tạo dựng con người, Thiên Chúa ban cho con người một quyền tự chủ khác, một quyền tự chủ khác với giới tự nhiên, đó là tự do. Và Ngài bảo con người đặt tên cho vạn vật và tiến bước suốt dòng lịch sử. Ngài biến con người thành người quản lý công trình Sáng tạo, thậm chí cai trị công trình Sáng tạo, và họ phát triển công trình đó cho đến khi thời gian kết thúc. Do đó, nhà khoa học, và đặc biệt là cách tiếp cận của nhà khoa học Kitô giáo là điều nghiên tương lai của nhân loại và trái đất, và với tư cách là một hữu thể tự do và có trách nhiệm, góp phần chuẩn bị, bảo tồn công trình Sáng tạo, và loại bỏ bất cứ rủi ro nào đối với môi trường, cả tự nhiên và nhân tạo. Nhưng đồng thời, nhà khoa học cũng phải được đánh động bởi niềm xác tín rằng giới tự nhiên, trong các cơ chế tiến hóa của nó, che giấu tiềm năng mà nó để lại cho trí thông minh và tự do khám phá và hiện thực hóa, để đạt được sự phát triển vốn nằm trong thiết kế của Đấng sáng tạo. Vì vậy, dù có giới hạn đến đâu, hành động của con người cũng dự phần vào quyền năng của Thiên Chúa và có khả năng xây dựng một thế giới phù hợp với đời sống gồm hai phần vật chất và tinh thần của mình; để xây dựng một thế giới có nhân tính cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho một nhóm hay một giai cấp đặc quyền. Niềm hy vọng và sự tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo ra Tự Nhiên, và tin vào khả năng của tinh thần con người, có thể mang lại cho nhà nghiên cứu một động lực mới và sự bình an sâu sắc. Nhưng cũng đúng khi hành động của con người, khi tự do của họ trở thành tự trị - không phải là tự do, mà là tự trị - hủy diệt công trình Sáng tạo và con người thế chỗ Đấng Sáng Tạo. Và đây là một trọng tội chống lại Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo.

Tôi khuyến khích quý vị tiếp tục công việc của mình và thực hiện những sáng kiến lý thuyết và thực tiễn đáng mừng này vì lợi ích của con người, là điều mà quý vị tôn vinh.”[4]



[1] Jean Pierre Maillar, Giám đốc Nghiên cứu Danh dự, Viện Vật lý Thiên văn Paris – IAP, https://www.la-croix.com/Debats/Dieu-science-Cette-effervescence-montre-sujet-laisse-pas-indifferent-2022-06-30-1201222754

[2] Raphael Duque, tiến sĩ chuyên ngành vật lý thiên văn và là nhà vật lý thiên văn năng lượng cao, hiện đang làm việc tại Đại học Francfort-sur-le-Main (Đức).  https://www.la-croix.com/Debats/Le-livre-Dieu-science-preuves-dessert-science-foi-2022-01-03-1201192921

[4] Casina Pio IV, Address on the Occasion of the Inauguration of the Bust in Honour of Pope Benedict XVI.    https://www.pas.va/en/magisterium/francis/2014-27-october.html


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/thien-chua-va-khoa-hoc-46234

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét