Raïssa Maritain: không phải chỉ là một nhà huyền nhiệm
Vũ Văn An
Tiến sĩ Marie Daouda là một giảng sư tiếng Pháp tại Cao đẳng Oriel, Luân Đôn, trong bài Raïssa Maritain, more than a mystic [Raïssa Maritain: hơn ột nhà huyền nhiệm] (https://engelsbergideas.com/portraits/raissa-maritain-more-than-a-mystic/) nhận định rằng người say mê đi tìm sự thật trí thức và tâm linh này bị thời đại ta quên lãng một cách đáng buồn.
Jacques Maritain hiện vẫn nổi tiếng với vai trò cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và vai trò ông đảm nhận trong các cuộc tranh luận triết học và đạo đức học sau Thế chiến thứ hai; nhưng như bia mộ của họ làm chứng, cặp đôi này hoàn toàn không phải là một cặp đôi "người đàn ông và nàng thơ". Họ cùng học với nhau, cùng viết với nhau, cùng cầu nguyện với nhau, cùng nhau trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, và chiến đấu không ngừng cho sự thật và công lý.
Raïssa có thể được nhớ đến nhiều hơn trong tư cách một nhà huyền nhiệm và Jacques trong tư cách một nhà lý thuyết chính trị, nhưng sự phân đôi như vậy không chỉnh, vì cả hai đều coi sự kết hợp tình yêu chiêm niệm, một đối một với Thiên Chúa là cội nguồn và là cứu cánh của đời sống con người. Cả hai đều hoàn thành ơn gọi trí thức của mình bằng cách bắt rễ sâu tình yêu của họ dành cho nhau vào tình yêu của họ đối với sự thật.
Raïssa Oumansoff sinh năm 1883, tại Rostov, Nga trong một gia đình người Nga gốc Do Thái. Cả hai ông nội ngoại của bà đều sùng đạo. Lòng rộng lượng không mệt mỏi của ông ngoại và sự đền tội đầy khổ hạnh của ông nội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong thời thơ ấu của bà. Gia đình bà, mặc dù không khá giả nhưng thường xuyên tiếp đón những người vãng lai và ăn xin. Bà bị cuốn hút bởi mầu nhiệm tôn giáo - các nghi thức của Lễ Vượt Qua khiến bà vô cùng kinh ngạc. Bà từng viết trong hồi ký của mình: "Mọi cõi lòng đều xúc động trước sự cao cả của những lời hứa và ưu ái của Thiên Chúa, bởi câu chuyện thống thiết về không biết bao thế kỷ đau đớn nhưng vẫn không thể làm tiêu tan hy vọng."
Raïssa lắng nghe, và mong muốn được hiểu. Mối quan tâm của bà đối với tôn giáo được kết hợp với niềm đam mê học hỏi của bà. Bà đến trường và khám phá việc tiếp thu kiến thức dần dần, kiên nhẫn. Trong những năm đầu đời của mình, Raïssa từng viết: 'Trái tim tôi đập mạnh với hy vọng lớn lao, tôi sẽ học cách đọc. Và tất cả những gì đã được viết đều là sự thật. Ít nhất đó là những gì tôi nghĩ. Bây giờ tôi biết rằng không phải như vậy, nhưng nó phải như vậy. "
Sự thôi thúc đối với kiến thức này báo trước ơn gọi của bà; tìm kiếm sự thật, thông qua lý trí; tiếp nhận ánh sáng để thấy sự thật này, thông qua đức tin và cầu nguyện.
Các vụ tàn sát người Do Thái đã làm gián đoạn cuộc sống yên bình của gia đình Oumansoff ở Mariupol. Để bảo đảm cho con gái của họ, Raïssa và em gái Vera, một nền giáo dục tử tế, gia đình đã di cư để bắt đầu một cuộc sống mới ở Paris. Raïssa hầu như không nói được tiếng Pháp; tuy nhiên, chỉ trong hai tuần, ngôn ngữ mới đột nhiên có ý nghĩa, và vào cuối năm đầu tiên, bà đã được các giáo viên khen ngợi và ngưỡng mộ vì sự thông minh của bà, và các bạn cùng trường ca ngợi bà vì sự liêm chính và trung thực của bà. Bà say mê văn học, đọc ngấu nghiến các tác phẩm kinh điển của Pháp, và bà đã dành hàng giờ để suy gẫm về những gì Hugo hay Corneille viết về nhân loại. Bà mô tả độ tuổi này là khoảng thời gian buồn bã bồn chồn, trong đó, những câu hỏi đầu tiên của bà về cái ác trên thế giới chưa được giải đáp. Raïssa đã đậu bằng Tú Tài - bà sẵn sàng để vào Đại Học Sorbonne, nơi bà vẫn coi như một ngọn hải đăng sáng chói của túi khôn.
Raïssa đầu tiên xoay quanh lịch sử tự nhiên. Ở nước Pháp cuối thế kỷ 19, người ta theo chủ nghĩa thực nghiệm, theo Darwin và Renan, không có nhiều chỗ dành cho các câu hỏi siêu hình. Tại Sorbonne, Raïssa gặp Jacques Maritain, một thanh niên Thệ phản. Tình bạn của họ diễn ra ngay lập tức và êm đềm; các cuộc trò chuyện của họ là vô tận. Cả hai đều đang tìm kiếm sự thật và khao khát nó như một điều hơn cả những gì khoa học có thể cung cấp. Tuy nhiên, ‘Que sais-je?’ - ‘Tôi biết gì?’ - là phương châm trí tuệ thời bấy giờ, và họ sớm phát hiện ra rằng ngành nhân văn cũng ngập ngừng trong việc cung ứng các câu trả lời và nguyên tắc thống nhất về thế giới. Trong những dòng sâu sắc, Raïssa đã mô tả 'nỗi đau khổ sâu xa của trái tim [bà] ngất xỉu vì đói và khát sự thật’ và gán sự hỗn loạn trí thức dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai cho sự thiếu quyết đoán của một tuổi trẻ bị bỏ rơi không một xác tín nào, đầy một 'nỗi thống khổ siêu hình thấm nhập vào tận gốc rễ của ý chí sống'- cả một thế hệ, bị tước hết bất cứ mục đích nào hoặc sự sử dụng nào các kỹ năng trí thức của họ, sẵn sàng chìm vào sự tôn thờ vũ lực tàn bạo.
Qua sự thúc đẩy của nhà thơ kiêm nhà văn Charles Péguy, Jacques và Raïssa đã băng qua Rue Saint-Jacques, phân cách La Sorbonne với Collège de France, để tham dự các giảng khóa của triết gia Henri Bergson. Đó là một “mạc khải” tức thì. Lần đầu tiên, có người khuyến khích họ và thừa nhận sự khao khát của họ đối với chân lý siêu hình.
Tuy nhiên, vẫn chưa đủ. Có điều gì đó trong triết học của Bergson, ít nhất như Raïssa hiểu nó vào thời điểm đó, để quá nhiều điều cho tính chủ quan, và dường như bỏ rơi tâm trí cho một chuỗi nhận thức có tính duy ngã luận (solipsistic) mà không có sự thống nhất. Vào một chiều nọ, Raïssa và Jacques thấy mình lang thang giữa những con vật trong trại chăn nuôi ở Vườn Bách Thảo. Chính trong khung cảnh đó, họ đã phát biểu điều nghe như một nỗi tuyệt vọng sâu xa nhất: 'Nếu không có điều gọi là sự thật, cuộc sống không đáng sống.' Họ kết hôn năm 1904, nhưng niềm khao khát chung đối với sự thật của họ đã mang bóng dáng tối tăm của một hiệp ước tự sát.
Cùng năm đó, Raïssa và Jacques gặp được một người biết coi trọng cuộc tìm kiếm của họ. Ông đặt tên cho sự thật là Chúa Kitô; và tuyên bố rằng sự thật này không thể tìm thấy ở đâu ngoài Giáo Hội Công Giáo. Ông hăng hái chỉ trích các nghệ sĩ đánh mướn và cả các Kitô hữu hâm hấp. Giọng văn ồn ào, có lúc phản giáo sĩ một cách thô thiển, có lúc mang tính tiên tri một cách vinh thắng, trong các bài viết của ông nói lên một sự bất khoan nhượng đã thu hút họ. Họ gửi, gần như rụt rè, một số tiền cho người ‘ăn mày vô ơn’ sống một cuộc đời nghèo khổ, do sự thờ ơ chung của giới văn học Paris, và vài tuần sau họ được mời đến gặp ông ta - tên ông ta là Léon Bloy.
Raïssa thấy nơi Bloy sự hào phóng rực lửa giống như tấm lòng hào hiệp mà ông ngoại bà luôn thực hành, và một cảm thức bất khoan nhượng tôn giáo giống như ông nội của bà. Bloy thiếu thốn tiền bạc cho cuộc sống của bản thân và gia đình; nhưng ông sẵn sàng cho bất cứ ai có vẻ cần số ít ông có. Hơn nữa, ông nhạy cảm đối với cơn đói tinh thần của Raïssa và Jacques. Ông không nhồi sọ họ, cũng không vượt quá những gì ông đã viết trong sách của mình. Tuy nhiên, sự dịu dàng của nhà văn năm mươi tám tuổi, già sớm vì đau buồn và nghèo đói, trái ngược với lối viết đầy bão táp của ông, đã mang lại sự bình yên cho đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Hơn nữa, Bloy vừa xuất bản cuốn Le Salut par les juifs [Sự Cứu rỗi bởi Người Do Thái], một công trình nghiên cứu tuyệt vời về nguồn gốc Do Thái của Kitô giáo, vào thời điểm mà vụ Dreyfus gây ra cả một phong trào bài Do Thái rất đáng trách, nơi cả người Công Giáo Pháp. Đối với Raïssa, cuốn sách này cho thấy tính liên tục giữa nguồn gốc Do Thái của bà và tiếng mời gọi nhỏ bé tĩnh lặng lôi kéo bà về phía Giáo Hội Kitô giáo. Sau này, khi bà và Jacques trợ cấp cho việc tái bản cuốn sách, Bloy đã đề tặng nó cho Raïssa.
Raïssa cũng đọc Plotin, người mà bà đã khám phá ra nền siêu hình học của vẻ đẹp, Pascal, nhà khoa học thế kỷ XVII có tác phẩm ảnh hưởng đến Baudelaire và Camus, cũng như các nhà huyền nhiệm học Công Giáo như Ruysbroeck và Anne-Christine Emerich. Chậm rãi lúc ban đầu, rồi một cách chắc chắn chói lọi, bà biết nơi phải tìm ra chân lý mà bà hằng tìm kiếm - bà quyết định trở thành một người Công Giáo. Jacques đã đi theo một con đường tương tự. Điều đó không hề dễ dàng chút nào - cả gia đình hai bên của họ đều tan nát cõi lòng, và Raïssa đã phải trải qua những giai đoạn đấu tranh tinh thần thảm khốc. Tuy nhiên, bà và Jacques đã được rửa tội vào năm 1906. Bloy là cha đỡ đầu của họ.
Do tình trạng nhiễm trùng cổ họng trở nên trầm trọng hơn do can thiệp phẫu thuật sai lầm và có thể phải trả giá bằng mạng sống của bà, sức khỏe của Raïssa rất yếu, bà phải ở nhà trong thời gian dài. Cô em gái Vera đã giúp việc nhà. Trong khi Jacques đang làm việc lãnh tiền hoa hồng cho nhà xuất bản Hachette, Raïssa đã dành một mùa hè để nghiên cứu Thánh Tôma Aquinô. Đọc Summa Theologica (Tổng luận Thần học), bà khám phá ra một văn phong rất rõ ràng và trong sáng, một vẻ đẹp không có gì là giả tạo hay mầu mè. Thánh Tôma xác nhận các trực giác tâm linh và trí thức của bà. Mặc dù Jacques đã tách khỏi Bergson trong tiểu luận From Bergson to Thomas Aquinas (Từ Bergson đến Thánh Tôma Aquinô), Raïssa vẫn tiếp tục lòng biết ơn trung thành của mình đối với thầy cũ của họ và trích dẫn câu nói của ông 'Tuy nhiên, chỉ có một sự thật' như một tựa đề cho chương trong đó bà mô tả khám phá của bà về Thánh Tôma (Les Grandes amitiés, 1941).
Hiện nay, Jacques vẫn được coi là một trong những người theo học thuyết Thánh Tôma xuất sắc nhất của thế kỷ 20, nhưng chính nhờ việc đọc của Raïssa, mà lần đầu tiên ông gặp gỡ giáo huấn của ngài, và dưới sự thúc giục của bà, ông đã xây dựng triết lý và việc giảng dạy của riêng mình xung quanh học thuyết Thánh Tôma. Việc đọc Thánh Tôma của Raïssa không đưa thần học xuống tầm cỡ của một lý tưởng suy lý, nhưng cố gắng xây dựng một cầu nối giữa chân lý của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của con người và công bằng xã hội. Jacques có ảnh hưởng trong việc soạn thảo Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948 của Liên hiệp quốc; người ta có thể dám cho rằng nhận thức của ông về phẩm giá con người đã trực tiếp khai thác từ cách giải thích của Raïssa về Thánh Tôma. Trong cuốn di cảo Notes on the Lord’s Prayer (Ghi chú về Kinh Lạy Cha), một cuốn sách cô đọng các ý tưởng đã được phát biểu trong nhiều tiểu luận trước đây, Raïssa đã mở rộng phẩm giá của con cái Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, bởi vì theo Thánh Tôma, nhiệm thể Chúa Giêsu Kitô không chỉ giới hạn ở những người đã chịu phép rửa – trọn bộ loài người được kêu gọi hưởng ơn cứu rỗi. Cô gái người Nga gốc Do Thái trở thành học giả Pháp này đã trở thành sứ giả của tính thống nhất của nhân loại.
Trong khi chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa phát xít xé nát nước Pháp, phòng khách của bà đã tổ chức nhiều vòng thảo luận về những điểm Do Thái giáo và Kitô giáo có thể gặp nhau. Khi Jacques và Raïssa chạy sang Hoa Kỳ trước Thế Chiến thứ hai, bà đã đóng góp cho nhiều ấn phẩm học thuật. Tiểu luận có ảnh hưởng nhất của bà có lẽ là Histoire d'Abraham. Theo quan điểm của bà, ở ngay giai đoạn đầu của lương tâm con người, ngay cả trước khi Mười Điều Răn được hình thành rõ ràng, Abraham, bằng một đức vâng lời đầy yêu thương, đã cố gắng sống theo các mệnh lệnh nhận được từ Thiên Chúa, cả mệnh lệnh giết con trai của mình. Đối với Raïssa, cốt lõi của loài người, đặc điểm chung nhất của loài người, là sự thôi thúc tuân theo tiếng nói của sự thật. Như bà viết sau này trong cuốn tiểu sử Thánh Tôma dành cho trẻ em, 'khao khát công lý cũng giống như khao khát Thiên Chúa'. Như thể, tính bất khoan nhượng của tuổi trẻ Raïssa, được nuôi dưỡng bằng việc bà sớm đọc Nietzsche, dần dần triển khai thành một sự tin tưởng vô điều kiện rằng sự thật, sự khôn ngoan và công lý chỉ là một và y như nhau, nhờ biến động của tuyệt vọng trí thức.
Những ghi chép của Raïssa trong Thế Chiến thứ nhất, sau đó trong suốt cuộc hỗn loạn của thập niên 1930 và Thế Chiến thứ hai, nổi bật ở chỗ không có chút cay đắng nào. Năm 1941, dưới sự thúc đẩy của Jacques, Raïssa đã xuất bản tập đầu tiên của cuốn hồi ký của mình. Đây không những chỉ là một bộ sưu tập các giai thoại; Raïssa ít quan tâm đến những chi tiết của những ấn tượng đơn lẻ cho bằng ý niệm tập thể về sự thật. Bước cạnh bà giữa những dòng hồi ức tuôn chảy này là bắt gặp những linh hồn đẹp đẽ, mãnh liệt; các nhà văn và nghệ sĩ như Charles Péguy, Léon Bloy, Marc Chagall, T.S Eliot, và Benjamin và Geneviève Fondane, và diễn viên-trở thành nữ tu Ève Lavallière, tất cả đều trên cùng một con đường hướng tới sự chân thực. Raïssa và Jacques không có con - họ đồng ý sống như anh em, nhưng có nhiều đứa con đỡ đầu mà bà đã giúp đỡ và động viên qua những bức thư, bài thơ và tiểu luận của bà, nhưng trên hết, thông qua lời cầu nguyện – lâu giờ và đôi khi là những giờ phút đau đớn cầu nguyện trong im lặng. Bất cứ nơi nào bà tới, bạn bè đổ xô xung quanh bà, chắc chắn để tìm được những lời nói khôn ngoan và bình yên.
Raïssa từng viết: 'Bất cứ nơi nào tính khách quan của nhận thức bị phủ nhận cách này hay cách khác, mọi niềm vui của tinh thần đều sẽ biến mất’. Cũng giống như Simone Weil, người đương thời với bà, một người khác trở lại đạo từ Do Thái giáo, Raïssa coi chân lý và quyền được đào tạo lý trí của mình để biện phân được nó như là nền tảng căn bản nhất của các nhân quyền. Jacques Maritain bảo vệ ý niệm này vào tháng 6 năm 1947, khi viết cho UNESCO rằng Tuyên ngôn Thế giới về Nhân Quyền nhất định phải có tính tiến hóa, không phải vì sự thật thay đổi, mà vì nhân loại đang không ngừng tiến về hướng nó.
Hầu hết các tác phẩm của Raïssa Maritain hiện đã không còn bản in. Tuy nhiên, vào thời điểm mà những người trẻ tuổi, luôn mong muốn đạt tới công lý, hòa bình và hiểu biết lẫn nhau, tấm gương của Raïssa Maritain có thể mở ra một con đường tiến về phía trước và tiến về phía trên, chứng minh rằng sự thật quan trọng hơn ý kiến, và cơn lốc vạn hoa của các lý thuyết chỉ lắng đọng thành một hình ảnh vững chắc một khi người ta chịu bước ra ngoài niềm tin thoải mái của chủ nghĩa chống giáo điều.
Vietcatholic News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét