Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, đã trả lời phỏng vấn của Vatican Media để giải thích các mục tiêu của tài liệu mang tên "Đạo đức thần học về sự sống. Kinh thánh, truyền thống, những thách thức thực tế" sẽ được bầy bán tại các tiệm sách vào ngày 1 tháng 7.



Cuốn sách trên thu thập các bài viết của cuộc hội thảo nghiên cứu liên ngành do Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống tổ chức tại Vatican hồi năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và là người biên tập cuốn sách, đã cùng với với Vatican Media thảo luận về cuốn sách trên.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Paglia, cuốn sách rất dài và dày đặc. Dự án này ra đời ra sao?

Sáng kiến này xuất phát từ nhiều lời kêu gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho các nhà thần học trong các bài phát biểu và tài liệu của ngài. Chúng ta nghe mọi người nói rằng Đức Thánh Cha không quan tâm đến thần học, nhưng nếu chúng ta chú ý hơn đến những gì ngài thực sự nói, thì có vẻ như không phải vậy. Vì vậy, chúng ta tự hỏi, chúng ta có thực sự lắng nghe giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô không? Có phải chúng ta đang nghiêm túc xem xét lời nói của ngài một cách có hệ thống, chứ không chỉ sử dụng một số cách diễn đạt riêng rẽ bên ngoài bối cảnh các suy nghĩ tổng thể của ngài không? Chúng ta có xem xét những tác động mà các suy xét của ngài có đối với tư tưởng thần học không? Nếu chúng ta xem xét các văn kiện Evangelii gaudium, Laudato si ', Amoris laetitia, và Veritatis Gaudium theo quan điểm này, chúng ta nhận thấy các đề nghị trong đó mở ra một chân trời mới cho thần học và cho nhiệm vụ của các nhà thần học, với sự nhấn mạnh vào đối thoại và sự làm giầu lẫn nhau giữa các loại nhận thức.

Hỏi: Cuốn sách chỉ dành cho những vấn đề về sự sống. Sao lại như vậy?

Đạo đức thần học về sự sống con người là một lĩnh vực đặc biệt mà Hàn lâm viện quan tâm: các vấn đề như tính thân xác và thực hành chăm sóc sức khỏe được quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, đây là một lĩnh vực mà sự đổi mới khoa học và kỹ thuật liên tục đòi hỏi phải được suy nghĩ kịp thời. Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, chúng ta đang tiến tới việc kỷ niệm 25 năm thông điệp Evangelium Vitae. Lúc đó, chúng tôi đặt cho mình mục tiêu là đọc lại các chủ đề chính được đề cập trong thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II sau khá nhiều năm. Và chúng tôi đã làm điều này bằng cách mời các nhà thần học và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia một cuộc hội thảo nghiên cứu diễn ra tại Rome vào năm 2021. Các khách mời của chúng tôi đến từ nhiều châu lục và từng phát biểu các nhạy cảm và cách tiếp cận thần học khác nhau. Cuốn sách đang được xuất bản thu thập các diễn biến của công trình này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã được thông báo về từng bước đi và khuyến khích dự án của chúng tôi.

Hỏi: Đức Cha đã viết trong phần giới thiệu rằng cuốn sách này "độc nhất vô nhị". Ý Đức Cha muốn nói gì?

Một mặt, sáng kiến đến từ một Giáo hoàng Hàn lâm viện, một Hàn lâm viện thuộc Tòa thánh, nhưng mặt khác, suy tư của chúng tôi không chỉ giới hạn trong việc giải thích các bản văn của Huấn quyền. Thay vào đó, chúng tôi dự định tạo ra một cuộc đối thoại - như tôi giải thích chi tiết hơn trong phần giới thiệu - giữa các ý kiến khác nhau về các chủ đề thậm chí gây tranh cãi, đề xuất nhiều hiểu biết sâu sắc để thảo luận. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là phục vụ Huấn quyền bằng cách mở ra một không gian đối thoại giúp cho việc nghiên cứu trở nên khả thi và khuyến khích nó. Đây là cách chúng tôi nhìn vai trò của Hàn lâm viện, mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng muốn ở tuyến đầu về các vấn đề tế nhị cần được giải quyết thông qua cách tiếp cận xuyên ngành. Việc chăm sóc cách hiểu đức tin phải được tiến hành bằng cách trau dồi lĩnh vực này, nơi cần có những hiểu biết thông sáng và tiến bộ: để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng tái giải thích Tin Mừng của Chúa Giêsu hết lần này đến lần khác, để khám phá ra, một cách hữu hiệu mới, các tiến trình trong đó các mô hình của nền văn hóa nhân loại đã thành hình (Veritatis Gaudium). Một phần của thừa tác vụ được ủy thác một cách có thẩm quyền cho Giáo hoàng Hàn lâm viện là phát triển một cách nghiêm túc các tiến trình năng động của Giáo hội, không những chỉ giới hạn trong việc lặp lại các công thức và câu chuyện cũ rích.

Hỏi: Theo Đức Cha, phương pháp làm việc có phải là sự đổi mới chính không?

Vâng, đúng vậy. Tôi đã rõ ngay từ đầu rằng không khí nghiên cứu, đối thoại và thảo luận giữa những người tham gia là điều cần thiết. Như đã đề cập, nhưng điều đáng nhấn mạnh, chúng tôi không những chỉ tìm kiếm cuộc đối thoại giữa các lĩnh vực nhận thức khác nhau, mà còn giữa các quan điểm thần học và các mô hình phát triển trí hiểu đức tin về khôn ngoan và mục vụ: để làm nổi bật sự phong phú của nền thần học Kitô giáo, tính đa dạng Công Giáo của nó. Xương sống của bản văn này là một nền nhân thần học được truyền cảm hứng từ đức tin của Giáo hội trong việc đối thoại thân thiết với nền văn hóa đương thời. Nó là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sống con người và các vấn đề phức tạp về khoa học và đạo đức trong bối cảnh thế giới ngày nay. Đây là một nỗ lực, và chắc chắn không phải là một nỗ lực hoàn hảo, để chấp nhận lời mời chứa trong Veritatis Gaudium (khoản 3) phải có một thay đổi mô hình triệt để trong suy tư thần học.

Hỏi: Loại tiếp cận này đòi hỏi điều gì để tiến hành cuộc tập huấn của Đức Cha?

Tôi có thể trả lời câu hỏi này bằng cách xem qua các chương khác nhau của cuốn sách (có tất cả 12 chương). Điểm khởi đầu là bản tóm tắt những khía cạnh liên quan nhất trong các bài phát biểu và tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Từ đó, chúng tôi chuyển sang xem xét giáo huấn về sự sống trong Kinh Thánh dựa trên các biến cố Kitô học. Sau một chương tìm cách giải thích các yếu tố chính của nền văn hóa ngày nay, chương tiếp theo đề cập một cách nghiêm túc việc đọc truyền thống huấn quyền và thần học liên quan đến điều răn thứ năm, "chớ giết người." Các chủ đề lương tâm, luật pháp và sự phân định đạo đức sau đó được xem xét. Trong khuôn khổ rộng lớn này, chúng tôi cũng tìm thấy các vấn đề liên quan đến nguồn gốc của sự sống và vai trò của tính dục, đau khổ, cái chết và việc chăm sóc một người sắp chết. Một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như môi trường và sự sống (bao gồm cả sự sống động vật) trên hành tinh, việc sinh sản và phụ tạo có trách nhiệm, chăm sóc người sắp chết và các kỹ thuật mới được bàn bạc như là cơ sở thử nghiệm cho cách tiếp cận tổng thể đã nêu trong các chương trước. Ở cuối sách, chân trời cánh chung căn bản do mặc khải tiết lộ được phác thảo, điều này rất quan trọng để hiểu đúng về sự sống con người và ý nghĩa của nó, và đáng tiếc là ngày nay nó hiếm khi xuất hiện trong lời rao giảng của Kitô giáo.

Hỏi: Những nét căn bản nào của nhân thần học làm nền tảng cho sự phát triển các suy tư được Đức Cha đề nghị?

Phương thức của chủ nghĩa nhân vị (vốn được Đức Gioan Phaolô II mạnh mẽ thúc giục như một nguyên tắc phát triển nhân học của nền thần học Kitô giáo), phải được kết hợp với một công trình nghiên cứu sâu sắc có tính qui Kitô và Giáo Hội học. Việc đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô, trong các hệ luận hiện sinh và trong cách diễn đạt mục vụ, đòi hỏi một sự cam kết thực hiện trong cộng đồng. Chính bằng cách thực hiện theo cách của chúng ta cùng với những người khác, trong chiều kích xã hội và lịch sử, các tiêu chuẩn đạo đức được khai triển. Tuy nhiên, nên lưu ý điều này: chân lý của những điều thiện đạo đức không phải là về sự đồng thuận; nó nói về thực tại của mỗi con người biết sẵn sàng cởi mở đón nhận hiệp thông và tìm được sự nên trọn qua tình yêu, cởi mở với người khác và một nền đạo đức thực sự về tính khác biệt [otherness].

Hỏi: Việc thảo luận cởi mở và tự do trong cuốn sách có phải là dấu hiệu của tính đồng nghị hay không?

Tất nhiên. Không có cách nào khác, đặc biệt là khi nói đến những vấn đề căn bản như những vấn đề liên quan đến nhiều chiều kích khác nhau của sự sống con người. Chúng tôi đã đi theo con đường nghiên cứu và suy gẫm từng dẫn chúng tôi tới chỗ nhìn thấy các vấn đề đạo đức sinh học dưới một ánh sáng mới, bắt đầu với vai trò của sự phân định và lương tâm được đào tạo của tác nhân đạo đức. Chúng tôi làm điều này không những chỉ trong một bầu không khí dạn dĩ [parrhesia] nhằm kích thích và tăng sức cho các nhà thần học, các nhà học thuật, các học giả. Nhưng cũng có thể, với một thủ tục tương tự như quaestiones disputatae [các vấn đề tranh luận]: một khi một luận điểm nào đó được trình bày, cuộc tranh luận có thể bắt đầu. Và tranh luận có thể mở ra những con đường mới tiến lên phía trước, để thúc đẩy nền đạo đức sinh học thần học, gồm cả những khai triển mới nhất được tạo điều kiện thuận lợi bởi những câu hỏi được hệ sinh thái toàn diện và mức độ hoàn cầu to lớn của các vấn đề đặt ra. Cũng giống như những tranh luận thời Trung cổ nói trên: chúng không có cao vọng thay thế Huấn quyền đích thực nhưng muốn mở ra những chân trời mới để suy tư và nghiên cứu, cũng như phục vụ cho sự biện phân cụ thể và có thẩm quyền của nó. Đó chắc chắn là một tiến trình phản ảnh hơi thở và bầu khí đồng nghị mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn Giáo hội vận hành. Tiến trình đồng nghị này đã được nhấn mạnh một cách có thẩm quyền trong cuộc hội thảo, bởi các Đức Hồng Y Grech và Semeraro, những vị chủ tọa và thuyết giảng trong các buổi cử hành Thánh Thể. Bản văn bản của các ngài cũng được thu thập trong cuốn sách.

Kỳ tới: Dẫn nhập của cuốn sách và nhận định của tờ the Pillar
 
Vietcatholic Newa