Hiệp hành và liên kết trong Truyền Thông
HIỆP HÀNH VÀ LIÊN KẾT TRONG TRUYỀN THÔNG
Lm Giuse Vi Hữu tổng hợp
WGPSG (19.7.2022) - Trong bầu khí Hiệp hành được Thượng Hội đồng Giám mục 16 mạnh mẽ cổ võ, những người dấn thân trong công tác tông đồ truyền thông cảm thấy có trách nhiệm phải đặc biệt sống hiệp hành và thực hiện liên kết trước hết giữa những thành viên mục vụ truyền thông với nhau.
Sắc lệnh Inter Mirifica (IM từ số 18 đến số 22) của Công đồng Vatican II và Tông huấn Communio et Progressio (CP từ số 164 đến 180) đã trình bày khá kỹ lưỡng về điều này. Hai văn kiện này cho thấy:
- Tất cả các giáo phận trên thế giới đều được mời gọi tổ chức cử hành Ngày Thế giới Truyền Thông để nói lên tinh thần hiệp hành của tất cả các tín hữu trong lãnh vực truyền thông Tin Mừng, mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho công việc tông đồ truyền thông, tôn vinh các chuyên viên đang hết lòng hy sinh dấn thân trong lãnh vực này, đồng thời cổ võ mọi người đóng góp, tài trợ cho mục đích ấy (IM 18, CP 167).
- Các loại dự án và tổ chức khác nhau cho việc tông đồ truyền thông xã hội cần được xúc tiến và phối hợp với nhau ở khắp mọi nơi (CP 166).
- Ủy Ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục cần phải thống nhất kế hoạch và năng lực của mọi Ban Mục vụ Truyền Thông trong quê hương của mình (IM 21, CP 168-172).
- Các Ủy ban Truyền thông xã hội phải tích cực cộng tác với các Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế thuộc ngành mình. Những Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do một mình Tòa Thánh và tùy thuộc Tòa Thánh (IM 21, CP 177-180).
- Các cộng đoàn Dòng Tu cần cộng tác với nhau và bám sát kế hoạch mục vụ tổng thể của các văn phòng truyền thông cấp giáo phận, cấp quốc gia, cấp lục địa, hoặc cấp khu vực (CP 177).
- Các Giám Mục có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong Giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả những tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ (IM 20).
Dưới đây là nguyên văn Sắc lệnh Inter Mirifica (IM từ số 18 đến số 22) của Công đồng Vatican II và Tông huấn Communio et Progressio (CP từ số 164 đến 180) liên quan đến hiệp hành và liên kết trong Truyền Thông.
VĂN KIỆN INTER MIRIFICA
(Công đồng Vatican II, năm 1963)
18. Ngày Truyền Thông. Ðể việc tông đồ muôn hình vạn trạng của Giáo Hội được đắc lực hơn bằng những phương tiện truyền thông xã hội, mọi giáo phận trên thế giới, tùy theo quyết định của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một ngày lễ để hướng dẫn các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là thành thật hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng kiến của Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo.
19. Ủy Ban Truyền thông của Tòa Thánh. Ðể thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những phương tiện truyền thông xã hội, Ðức Giáo Hoàng có một Ủy Ban riêng của Tòa Thánh.
20. Thẩm quyền của Giám Mục. Các Giám Mục thì có bổn phận chăm sóc các công cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong Giáo phận mình. Các ngài phải cổ võ và nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả những tổ chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.
21. Ủy Ban Giám Mục về Truyền Thông quốc gia. Tuy nhiên trên bình diện Quốc Gia, muốn cho việc tông đồ đem lại kết quả, cần phải thống nhất kế hoạch và năng lực; vì thế Thánh Công Ðồng này quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các Cơ Quan quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình, và phải dùng mọi phương thế giúp đỡ các cơ quan đó. Vậy các Cơ Quan này có bổn phận trước tiên là tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc xử dụng những phương tiện đó, cùng cổ võ và phối hợp mọi công cuộc của người công giáo trong lãnh vực này.
Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được ủy thác cho một Ủy Ban Giám Mục đặc biệt, hoặc cho một Giám Mục đặc trách; tuy nhiên những giáo dân thông thạo giáo lý công giáo và các nghệ thuật đó phải được tham dự vào những Ủy Ban này.
22. Hiệp hội Truyền Thông Quốc Tế. Hơn nữa, những phương tiện này có hiệu lực vượt khỏi ranh giới quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể xã hội nhân loại; vì thế trong lãnh vực này, phải phối hợp các tổ chức quốc gia với nhau và cả các hoạt động trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên những Cơ Quan vừa kể ở số 21 phải tích cực cộng tác với Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế thuộc ngành mình. Những Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận do một mình Tòa Thánh và tùy thuộc Tòa Thánh.
VĂN KIỆN COMMUNIO ET PROGRESSIO
(năm 1971)
164. Các tổ chức và doanh nghiệp Công giáo chính thức hoạt động trong lĩnh vực truyền thông xã hội với mục đích mục vụ, cần kêu gọi đào tạo nhân viên. Những người có trách nhiệm về công việc này trong Giáo hội cần phải ưu tiên đào tạo giáo dân, linh mục và tu sĩ.
165. Việc đánh giá cẩn thận toàn bộ phạm vi truyền thông, việc lập kế hoạch thận trọng và thông tin đầy đủ về sinh hoạt mục vụ và hoạt động tông đồ, tất cả nằm trong thẩm quyền hợp pháp của Đấng Bản Quyền. Các vị ấy nên theo lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực truyền thông khác nhau. Theo các nguyên tắc cơ bản được nhắc đến trong văn kiện Inter Mirifica (của công đồng Vatican 2), nghĩa vụ này là của mọi Giám mục trong mọi giáo phận, của một ủy ban đặc biệt trực thuộc Hội đồng Giám mục hoặc một Giám mục đại diện tại mỗi quốc gia và của Ủy ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội của Giáo hội Hoàn vũ.
166. Các loại dự án và tổ chức khác nhau cho việc tông đồ chuyên biệt trong lãnh vực truyền thông xã hội nên được xúc tiến và phối hợp với nhau ở khắp mọi nơi. Các Đấng Bản Quyền trong Giáo hội nên khuyến khích việc phổ biến sáng kiến một cách tự do trong việc này, nhưng họ nên thường xuyên đưa ra những hướng dẫn cho những công việc đó - những công việc thuộc về thừa tác vụ linh mục, và hướng dẫn những công việc - tùy theo hoàn cảnh thời gian và địa điểm - đòi hỏi sự dấn thân của các phẩm trật trong Giáo hội nhân danh các tín hữu.
167. Các cơ quan có thẩm quyền của Giáo hội các cấp (được đề cập trong đoạn 165) sẽ hỗ trợ hết mình cho việc chuẩn bị và cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội. Ngày này được thiết lập cách đặc biệt để tôn vinh các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và khuyến khích sự hợp tác của họ. Các Đấng Bản quyền trong Giáo hội sẽ thường xuyên trình bày với các dự án của Hội đồng Giám mục để tài trợ cho hoạt động mục vụ trong lĩnh vực truyền thông xã hội.
168. Các phẩm trật địa phương cần quan tâm sâu sắc đến việc tông đồ truyền thông. Họ cần tìm kiếm lời khuyên của các linh mục và giáo dân. Các văn phòng truyền thông cấp giáo phận, hoặc ít là các văn phòng truyền thông cấp liên giáo phận cần được thiết lập ở bất cứ nơi nào có thể được. Một trong những nhiệm vụ chính yếu, đó là tổ chức việc tông đồ truyền thông trong phạm vi giáo phận, xuống đến cấp giáo xứ. Một nhiệm vụ khác là chuẩn bị cho việc cử hành Ngày Thế giới Truyền thông xã hội trong giáo phận.
169. Một văn phòng quốc gia về truyền thông phải được thành lập ở mọi quốc gia. Nó có thể được chia thành các bộ phận chuyên môn và tự trị hợp lý cho từng phương tiện truyền thông riêng biệt. Hoặc nó có thể có các văn phòng riêng cho báo chí, phim ảnh và truyền hình hoạt động chặt chẽ với nhau. Trong mọi trường hợp, toàn bộ công việc tông đồ này nên được đặt dưới một hướng tổng thể duy nhất.
170. Nhiệm vụ của các văn phòng quốc gia và giáo phận là kích thích, thúc đẩy và hòa hợp các hoạt động của Công giáo trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Các văn phòng này cần quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo tín hữu, giáo sĩ và giáo dân, bằng các khóa học, hội nghị, các buổi học tập và đánh giá phê bình được tổ chức bởi các chuyên gia của họ. Như vậy, công chúng sẽ được tạo điều kiện để có những quyết định khôn ngoan. Các văn phòng này cũng cần sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho các nhà sản xuất tham gia vào các bộ phim, chương trình biểu diễn hoặc chương trình phát sóng liên quan đến các chủ đề tôn giáo.
171. Các Văn phòng Quốc gia và Giáo phận cần phải duy trì được những mối liên hệ này với giới chuyên môn về truyền thông xã hội. Họ sẽ cung cấp tài liệu, tư liệu, lời khuyên và hỗ trợ mục vụ mà các nhà truyền thông chuyên nghiệp có thể yêu cầu. Họ cũng phải tổ chức Ngày Thế giới Truyền thông xã hội ở cấp quốc gia và tổ chức việc thu quỹ do Nghị quyết của Hội đồng đề xuất nên được thực hiện vào ngày đó.
172. Ủy ban Truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục hoặc vị Giám mục được ủy quyền sẽ chịu trách nhiệm điều hành tất cả các hoạt động của các văn phòng truyền thông cấp quốc gia. Họ phải đưa ra những hướng dẫn chung để làm cho việc tông đồ truyền thông được phát triển trên bình diện quốc gia. Họ sẽ giữ liên lạc với các ủy ban giám mục khác và cộng tác với Ủy ban Truyền thông Xã hội của Tòa Thánh. Địa vị của Ủy ban này được mô tả trong Sắc lệnh Công đồng Inter Mirifica và trong Tông thư In Fructibus Multis.
173. Tại các lục địa hoặc trong các khu vực có hội đồng giám mục bao gồm một số quốc gia, hội đồng giám mục này sẽ có một văn phòng Truyền thông xã hội dưới sự chỉ đạo chung của một giám mục hoặc một số giám mục.
174. Mỗi giám mục, tất cả các hội đồng giám mục, và chính Tòa thánh đều phải có phát ngôn viên chính thức và thường trực hoặc nhân viên báo chí của mình để đưa tin và giải thích rõ ràng về các tài liệu của Giáo hội để mọi người có thể nắm bắt chính xác những gì đã được dự định. Những người phát ngôn này sẽ cung cấp thông tin đầy đủ và không chậm trễ về đời sống và công việc của Giáo hội trong khu vực mà họ chịu trách nhiệm. Chúng tôi đặc biệt khuyến nghị rằng các giáo phận riêng lẻ và các tổ chức Công giáo có trọng lượng hơn cũng có những người phát ngôn thường trực của riêng họ với các loại nhiệm vụ được giải thích ở trên. Tất cả các nhân viên này, và tất cả những người được Giáo hội xác định để làm việc với công chúng, cần phải quan tâm đến các nguyên tắc quan hệ công chúng. Họ cần xét xem đối tượng của mình là ai, vào những thời điểm khác nhau, để giải quyết và thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau. Điều này chỉ có thể được duy trì khi mọi người thực sự biết quan tâm xem xét cho nhau và tôn trọng sự thật một cách cẩn thận.
175. Chỉ có một phát ngôn viên công khai thôi là chưa đủ. Cần phải có một luồng tin tức và thông tin hai chiều liên tục. Một mặt, điều này nhằm mục đích trình bày hình ảnh đích thực của Giáo hội khiến cho tất cả mọi người đều có thể nhận thấy được. Mặt khác, cuộc trao đổi này giúp cho các Đấng Bản Quyền trong Giáo hội nhận ra những làn sóng, những trào lưu và các ý tưởng đang khuấy động thế giới loài người. Rõ ràng điều này đòi hỏi cần phải vun đắp các mối quan hệ hữu nghị dựa trên sự tôn kính lẫn nhau giữa Giáo hội, dân chúng và các nhóm. Trong cung cách này, có thể thúc đẩy sự trao đổi liên tục, mỗi bên đều cho và nhận.
176. Cần có các bản tin chính thức để đảm bảo cho cuộc đối thoại có hiệu quả, cả trong Giáo hội và với thế giới bên ngoài, về chủ đề các sự kiện vừa xảy ra và ý nghĩa tôn giáo của chúng. Các bản tin ấy sẽ phổ biến các tiết mục tin tức có liên quan càng nhanh càng tốt. Công chúng, theo cách này, sẽ nhận được thông tin trong thời gian thích hợp. Tất nhiên, tất cả các phương tiện cần thiết phải được sử dụng để làm cho các bản tin này chính xác tuyệt đối và tránh được những lần phải chỉnh sửa sau đó. Tin nhanh, telex, tất cả các kỹ thuật mới nhất sẽ được sử dụng để truyền đạt ý nghĩa chính xác theo cách đáng tin cậy nhất.
177. Các cộng đoàn dòng tu cần suy tư về những nhiệm vụ cấp bách của Giáo hội trong lĩnh vực truyền thông và xét xem mình có thể làm gì để hoàn thành các nhiệm vụ đó theo hiến pháp của mình. Các cơ quan chuyên môn truyền thông của họ cần cộng tác với nhau và bám sát kế hoạch mục vụ tổng thể của các văn phòng truyền thông cấp giáo phận, cấp quốc gia, cấp lục địa, hoặc cấp khu vực, vì thông thường, đây là những cơ quan có thẩm quyền về tông đồ truyền thông.
178. Các văn phòng truyền thông cấp quốc gia và các văn phòng trung ương tương ứng của các dòng tu sẽ hợp tác với các tổ chức quốc tế về báo chí (U.C.I.P.), về phim ảnh (O.C.I.C.), về phát thanh và truyền hình (UNDA). Điều này sẽ được thực hiện phù hợp với quy chế của các tổ chức quốc tế này đã được Tòa thánh phê chuẩn.
179. Các tổ chức Công giáo quốc tế về truyền thông xã hội này - mỗi tổ chức trong lĩnh vực riêng, phù hợp với quy chế của mình - sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các chuyên gia và các cơ quan chuyên môn cấp quốc gia của những người Công giáo dấn thân đảm nhận những nhiệm vụ này. Cách thức làm việc: đó là luôn bám sát các nghiên cứu và phát triển trên các phương tiện truyền thông. Họ sẽ thúc đẩy việc trợ giúp lẫn nhau và hợp tác quốc tế. Họ sẽ thông báo cho nhau về hoạt động của Công giáo trong lĩnh vực này. Họ sẽ chuẩn bị điều phối các chương trình và dự án quốc tế. Họ sẽ liên tục tìm kiếm lời khuyên về những cách tốt nhất để giúp đỡ các nước đang phát triển. Họ sẽ khuyến khích các sáng kiến mới. Họ sẽ sản xuất và phân phối các bộ phim và các chương trình phát sóng đã ghi âm và mọi loại tài liệu nghe nhìn, bao gồm cả các tài liệu in ấn. Họ sẽ làm tất cả những điều này vì sự thăng tiến của xã hội và làm cho đời sống Công giáo được tốt đẹp hơn. Các tổ chức Công giáo quốc tế này được khuyến khích thực hiện và phối hợp nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho các vấn đề chung của họ.
180. Các hội đồng giám mục, thông qua các văn phòng chuyên trách, và các hiệp hội Công giáo chuyên nghiệp, sẽ bảo đảm cho tổ chức Công giáo quốc tế có ngân quỹ cần thiết để thực hiện công việc này.
Nguồn: tgpsaigon.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét