Theo tin Tòa Thánh, trên chuyến bay từ Nam Sudan trở về Rôma Chúa nhật 5 tháng 2, 2023, ba đức Phanxicô, Welby và Greenshields đã thực hiện cuộc họp báo lịch sử. Sau đây là nguyên văn cuộc họp báo này, theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp:



Tổng giám mục Welby

Xin chào và cảm ơn các bạn rất nhiều. Và, thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn ngài. Vào tháng 1 năm 2014, vợ tôi và tôi đã đến thăm Nam Sudan như một phần của một loạt các chuyến đi vòng quanh Cộng đồng Anh giáo. Và khi đến nơi, chúng tôi được Đức Tổng Giám Mục, Đức Tổng Giám Mục Anh giáo, yêu cầu đi lên một thị trấn tên là Bor. Cuộc nội chiến đã diễn ra trong khoảng năm tuần vào thời điểm đó và rất khốc liệt. Khi đến Bor, chúng tôi lên một chiếc máy bay một động cơ và hạ cánh xuống một sân bay vắng vẻ với những thi thể đầu tiên ở cổng sân bay. Có 3,000 thi thể chưa được chôn cất ở Bor vào thời điểm đó và đã có 5,000 thi thể tất cả. Có một số quân đội Liên Hiệp Quốc và rất nhiều quân đội xung quanh. Chúng tôi đến nhà thờ chính tòa nơi tất cả các giáo sĩ đã bị sát hại, các giáo sĩ Anh giáo, vợ của họ đã bị hãm hiếp và sau đó bị sát hại. Đó là một tình huống khủng khiếp.

Trên đường về, cả tôi và vợ tôi đều cảm thấy có một sự thôi thúc sâu sắc rằng chúng tôi phải làm gì đó để hỗ trợ người dân Nam Sudan. Và từ đó, trong một trong những cuộc gặp gỡ thường kỳ mà tôi có vinh dự được dự với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi đã nói rất nhiều về Nam Sudan và khai triển ý tưởng về một cuộc tĩnh tâm tại Vatican. Nhóm của tôi tại Lambeth, cùng với Vatican, từ khoảng năm 2016, đã đi thăm Nam Sudan trong hầu hết các tháng và dành thời gian thực địa và làm việc với các nhà lãnh đạo để cố gắng tổ chức chuyến thăm này. Vợ tôi lại đi làm việc với vợ của các giám mục và các nữ lãnh đạo, những người mà chính họ cũng phải chịu áp lực rất lớn, và chúng tôi đã đến thăm các nhà lãnh đạo đang sống lưu vong ở Uganda.

Năm 2018, điều trở nên rõ ràng là có khả thể xảy ra một chuyến thăm vào đầu năm 2019 và chúng tôi đã đã lo liệu được việc này. Đó quả là một phép lạ đã xảy ra. Một trong những phó tổng thống bị quản thúc tại gia ở Khartoum. Và tôi nhớ một ngày trước chuyến thăm - tôi đã bay đến Rome rất sớm vào sáng hôm sau cho chuyến thăm. Đó là 36 giờ ngày hôm trước - tôi đứng trong bãi đậu xe của một trường học ở Nottingham, Anh, gọi điện cho tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để nhờ ông ấy mở đường, điều mà ông ấy đã làm rất xuất sắc và cấp thị thực cho phó tổng thống, vị này đáp chuyến bay cuối cùng ra khỏi Khartoum ngay trước khi không phận bị đóng cửa vì đảo chính.

Đỉnh cao của hội nghị năm 2019 rõ ràng là cảnh tượng khó quên khi Đức Giáo Hoàng quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo và nói: 'Tôi xin các bạn hãy làm hòa' trong khi họ cố gắng ngăn cản ngài. Các bạn nghĩ ngay đến chương 13 của Tin Mừng Gioan. Đó là khoảnh khắc đáng chú ý nhất.

Chúng tôi đã có một số cuộc đối thoại rất khó khăn, và tại một thời điểm, các phó tổng thống đã đi đến một cuộc họp riêng, khá căng thẳng, nhưng cuối cùng họ đã cam kết gia hạn thỏa thuận hòa bình. Và tôi nghĩ rằng thời điểm đó của Đức Giáo Hoàng là thời điểm quan trọng, là bước ngoặt.

Nhưng như một cựu huấn luyện viên bóng đá ở Anh đã nói, bạn chỉ giỏi như trận đấu tiếp theo. Và COVID đã trì hoãn trận đấu tiếp theo một cách rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ kết quả của việc đó là sự mất đà trong tiến trình hòa bình. Và khi chúng tôi đến dự chuyến viếng thăm này, các đội vẫn tiếp tục đi tiếp nhưng kém tự tin hơn so với năm 2019.

Vì vậy, tôi đã kết thúc chuyến thăm này với một cảm thức khích lệ sâu sắc, không quá nhiều đến mức có một bước đột phá, nhưng có một cảm thức trái tim nói với trái tim, như một cụm từ quá khứ của Đức Giáo Hoàng. Không phải ở bình diện trí thức mà có được sự tiếp xúc, như các bạn có thể nhận thấy ở các cuộc tụ họp khác nhau, nơi có các bài phát biểu. Trái tim đã nói với trái tim. Và chúng tôi... Có một động lực ở bình diện giữa và ở cấp cơ sở. Và những gì chúng ta cần bây giờ là một sự thay đổi cõi lòng nghiêm túc từ ban lãnh đạo. Họ phải đồng ý với một diễn trình sẽ dẫn đến sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Họ đã được nói điều này một cách công khai. Chúng tôi đã nói điều đó với họ. Phải chấm dứt tham nhũng, buôn lậu súng ống và tích trữ số lượng lớn vũ khí. Điều đó sẽ đòi hỏi phải làm việc thêm với Vatican và Lambeth, nhưng trên hết với các chính phủ, bộ ba, để biến cánh cửa đang mở này, vốn không mở rộng như tôi muốn, đang mở, thành mở toang, mở ra và thực sự đạt được tiến bộ. Về căn bản, chỉ còn chưa đầy hai năm nữa là đến cuộc bầu cử, cuối năm '24. Chúng tôi cần tiến bộ nghiêm túc vào cuối năm '23. Tôi xin nhường cho Điều hợp viên nói đôi lời.

Điều hợp viên Greenshields

Xin cảm ơn Đức Tổng Giám Mục. Kinh nghiệm của tôi rõ ràng là rất khác với Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục, ở chỗ đây là lần đầu tiên tôi đến Nam Sudan. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên của Giáo Hội tôi ở Nam Sudan bởi vì một Vị Điều hợp trước đó đã đi vào điều mà theo ước tính của ngài là một tình huống cực kỳ dễ bị tổn thương. Hòa giải, tha thứ, là trọng tâm của cuộc trò chuyện và đối thoại diễn ra sau đó vào năm 2015. Mọi người được mời đến Scotland để suy tư và huấn luyện và quay trở lại Nam Sudan. Bây giờ việc đó nằm trong thẩm quyền Giáo Hội Trưởng lão của Nam Sudan.

Tôi sẽ lặp lại những gì bạn tôi đã nói ở đó, rằng những lời mạnh mẽ đã được nói lên. Sự thật đã được nói lên. Đối với trái tim cũng như đối với tâm trí. Tôi nghĩ tình hình bây giờ rõ ràng là thế này: hành động mạnh hơn lời nói. Chúng tôi được chính phủ và các Giáo Hội mời đến đó như một người bạn mời các bạn vào phòng của họ, vào nhà của họ. Và lời mời đó là lời mời trong đó chúng tôi được yêu cầu giúp đỡ bằng mọi cách có thể để tạo ra sự khác biệt trong tình huống đó, gặp gỡ các đối tác của chúng tôi, cố gắng bằng mọi cách có thể để nói chuyện với những người có quyền lực. Điều đó đã được thực hiện. Giờ đây, tùy những người có thể tạo ra sự khác biệt khẩn trương bắt đầu diễn trình. Và đó là những gì chúng tôi yêu cầu trong chuyến thăm này.

Câu hỏi: Jean-Baptiste Malenge (RTCE-Radio Catolique Elikya ASBL)

Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã mong mỏi được đến thăm Cộng hòa Dân chủ Congo... ngài đã thấy niềm vui... Ngài gán tầm quan trọng nào cho thỏa thuận được ký kết vào năm 2016 giữa Tòa thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo về giáo dục và y tế?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi không quen thuộc với thỏa thuận đó; tuy nhiên, Quốc vụ khanh có thể đưa ra ý kiến. Tôi biết gần đây đã có một thỏa thuận đang được tiến hành, nhưng tôi không thể trả lời điều đó. Thậm chí, tôi không biết sự khác biệt giữa thỏa thuận mới đang trên đường. Những vấn đề này được xử lý bởi Quốc Vụ Khanh, bởi Đức Tổng Giám Mục Gallagher, và họ rất giỏi trong việc đưa ra các thỏa thuận có lợi cho tất cả mọi người. Tôi đã thấy ở Cộng hoà Dân chủ Congo một khát khao lớn lao để tiến lên phía trước và rất nhiều nền văn hóa. Trước khi đến đây, tôi đã có một cuộc họp Zoom vài tháng trước với một nhóm sinh viên đại học châu Phi rất thông minh. Các bạn có những người thông minh tuyệt vời – đây là một trong những sự giàu có của các bạn: những người trẻ tuổi thông minh và không gian phải được tạo ra cho họ, thay vì đóng cửa. Có quá nhiều tài nguyên thiên nhiên thu hút mọi người đến và bóc lột Congo – thứ lỗi cho từ ngữ này– ý tưởng này hiện đang tồn tại: 'Châu Phi phải bị bóc lột.' Một số người nói - tôi không biết có đúng không - rằng các đế quốc thuộc địa cũ đã trao độc lập từ mặt đất lên, nhưng không phải dưới lòng đất, vì vậy họ đến để lấy khoáng sản. Nhưng chúng ta phải loại bỏ ý tưởng cho rằng châu Phi ở đó để bị bóc lột. Và nói về sự bóc lột làm tôi kinh ngạc; những vấn đề ở phía đông khiến tôi đau đớn. Tôi đã có thể gặp gỡ những nạn nhân của cuộc chiến đó, những người bị thương, thậm chí bị cụt tay. Có nỗi đau lớn, và tất cả chỉ vì mục đích chiếm đoạt của cải. Điều này không tốt. Không tốt chút nào. Congo có rất nhiều khả thể.

Tổng giám mục Welby

Tôi không biết rõ về phía tây Congo. Vợ tôi có đến đó, làm việc với những người phụ nữ sống trong cảnh xung đột. Nhưng tôi đã... Tôi đã đi du lịch rất nhiều ở phía Đông vào lần cuối cùng vào năm 2018, ngay trước COVID. Và tôi muốn hoàn toàn đồng ý với những gì Đức Thánh Cha nói. Chúng ta cần phải rõ ràng. Congo không phải là sân chơi của các cường quốc hay cho sự cướp đoạt các công ty khai thác nhỏ. Các công ty ở đó hành động vô trách nhiệm với việc khai mỏ thủ công, bắt cóc - sử dụng binh lính trẻ em, hãm hiếp trên quy mô lớn và họ chỉ đơn giản là cướp bóc đất nước. Đất nước đó phải là một trong những nước giàu có nhất trên hành tinh. Một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho phần còn lại của châu Phi. Nó đã bị hành hạ. Nó được trao độc lập chính trị về mặt kỹ thuật, nhưng không có độc lập về kinh tế.

Và tất cả kinh nghiệm của miền Đông - tôi đã ở đó lần cuối trong thời gian xảy ra Ebola, ngay giữa khu vực dân quân, và chúng tôi đang đào tạo các mục sư cách làm việc với các loại Ebola… Các Giáo Hội đang làm công việc phi thường ở đó. Nhóm làm việc duy nhất, đặc biệt, thưa Đức Thánh Cha, Giáo Hội Công Giáo Rôma, làm việc tuyệt vời. Dự án Hòa bình Great Lakes, do Giáo Hội Công Giáo Rôma lãnh đạo, thật tuyệt vời, nhưng các cường quốc hẳn phải thốt lên: 'Châu Phi và Congo nói riêng nắm giữ quá nhiều quặng, kim loại, khoáng sản và tài nguyên mà chúng ta khắp thế giới đang cần tới, nếu nền kinh tế thế giới phải trở nên xanh hơn và cứu hành tinh khỏi biến đổi khí hậu.' Và cách duy nhất có thể được thực hiện theo cách bàn tay của chúng ta không vấy máu là các cường quốc tìm kiếm hòa bình cho Congo chứ không chỉ đơn thuần là sự thịnh vượng của họ.

Điều hợp viên Greenshields

Tôi không muốn nói thêm quá nhiều vì tôi nghĩ đó là một câu trả lời rất xuất sắc cho nó. Nhưng đó là một lời cảnh báo, đúng không, đối với những người trong chúng ta, những người có của. Nhưng tôi nghĩ điều mà Đức Giáo Hoàng muốn đề cập ở đây là về giới trẻ. Những người trẻ có trí tuệ sáng suốt, giỏi giang xứng đáng có cơ hội phát triển. Giờ đây, từ kinh nghiệm của bản thân tôi ở những nơi khác trên thế giới, những phụ nữ trẻ có trí tuệ sáng suốt xứng đáng có quyền được hưởng những cơ hội giống như bất cứ ai khác ở bất cứ quốc gia nào, nhưng đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Và đó sẽ là lời khẩn khoản của tôi. Quyền của phụ nữ và phụ nữ trẻ nói riêng phải được công nhận là tối quan trọng.

Câu hỏi: Jean-Luc Mootosamy (CAPAV) Xuất thân từ Mauritius và cũng đưa tin cho Đài phát thanh Nam Sudan, vốn đang bị lưu đày ở Nairobi.

Ở cả Cộng hòa Dân chủ Congo lẫn Nam Sudan, bạo lực lan rộng bất chấp sự hiện diện của hai phái bộ Liên Hiệp Quốc trong nhiều thập niên. Làm thế nào qúy vị, như một, có thể giúp đề xuất một mô hình can thiệp mới, trước sự cám dỗ ngày càng tăng của nhiều quốc gia châu Phi đang thất vọng trong việc chọn các đối tác khác làm các đối tác an ninh của họ, những người có thể không tôn trọng luật pháp quốc tế? Như các công ty tư nhân của Nga, các tổ chức ở vùng Sahel chẳng hạn. Xin cảm ơn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Bạo lực là một chủ đề hàng ngày. Chúng tôi vừa thấy nó ở Nam Sudan. Thật đau đớn khi thấy bạo lực bị khiêu khích như thế nào. Một trong những vấn đề là việc bán vũ khí. Đức Tổng Giám Mục Welby cũng đã nói đôi điều về điều này. Buôn bán vũ khí: Tôi nghĩ đây là tai họa lớn nhất trên thế giới. Việc kinh doanh... buôn bán vũ khí. Một người am hiểu những vấn đề này đã nói với tôi rằng nếu không bán vũ khí trong vòng một năm thì nạn đói trên thế giới sẽ chấm dứt. Tôi không biết nếu đó là sự thật. Nhưng đứng đầu hiện nay là việc bán vũ khí. Và không chỉ giữa các cường quốc. Ngay cả với những người nghèo này... họ gieo rắc chiến tranh với họ. Thật độc ác. Họ bảo họ, ‘Hãy ra trận!’ và họ đưa cho họ vũ khí. Vì đằng sau đó là những lợi ích kinh tế để bóc lột đất đai, khoáng sản, của cải. Đúng là chủ nghĩa bộ lạc ở Châu Phi không giúp được gì. Bây giờ tôi thực sự không biết tình hình ở Nam Sudan như thế nào. Tôi nghĩ nó cũng thế. Nhưng cần phải có sự đối thoại giữa các bộ lạc khác nhau. Tôi nhớ khi tôi ở Kenya trong sân vận động đầy người. Mọi người đứng lên và nói không với chủ nghĩa bộ lạc, không với chủ nghĩa bộ lạc. Mọi người đều có lịch sử của riêng mình, có những kẻ thù cũ, những nền văn hóa khác nhau. Nhưng cũng đúng khi bạn kích động cuộc chiến giữa các bộ lạc bằng cách bán vũ khí và sau đó bạn khai thác cuộc chiến của cả hai bộ lạc. Quả là ma quỷ. Tôi không thể nghĩ ra một chữ nào khác. Đây là hủy diệt: hủy diệt sáng thế, hủy diệt con người, hủy diệt xã hội. Tôi không biết điều đó có xảy ra ở Nam Sudan hay không nhưng nó có xảy ra ở một số quốc gia: các cậu bé được tuyển dụng để trở thành một phần của lực lượng dân quân và chiến đấu với những cậu bé khác. Tóm lại, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất là sự háo hức muốn lấy của cải của đất nước đó - coltan, lithium, những thứ này - và thông qua chiến tranh, họ bán vũ khí, họ cũng bóc lột trẻ em.

Điều hợp viên Greenshields

Tôi nghĩ một trong những vấn đề nảy sinh liên quan đến vấn đề này, đó là mức độ mù chữ cao tồn tại trong các quốc gia, trong trường hợp này, mọi người không hiểu rõ họ là ai và họ đang ở đâu để đưa ra những lựa chọn có học thức. Đó là một điều. Chúng ta chắc chắn phải thách thức cuộc chạy đua vũ trang, nơi mọi người kiếm được nhiều tiền hơn nhờ đó so với thế giới và có thể là bất cứ thứ gì khác. Cách chúng ta làm điều đó là thông qua thuyết phục và cách chúng ta vượt qua sự chia rẽ là thông qua đối thoại.

Tôi chỉ muốn kể cho các bạn một câu chuyện nhỏ về Scotland, đất nước mà tôi xuất phát, là một đất nước bị chia rẽ sâu sắc về mặt tôn giáo, nơi chúng tôi có những điều khủng khiếp xảy ra, bạo lực khủng khiếp, chia rẽ khủng khiếp trong quốc gia của chúng tôi. Sau đó, bắt đầu một quá trình đối thoại giữa chúng tôi, Giáo hội Scotland và Giáo Hội Công Giáo ở Scotland, đến mức vào năm ngoái chúng tôi đã ký một tuyên bố về tình bạn, nơi chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua những khác biệt của mình, nhưng cũng đồng ý với những điều mà chúng tôi đồng ý với. Và chỉ khi bạn có thể đi đến giai đoạn đối thoại đó và gặp gỡ người khác thì bạn mới bắt đầu phá bỏ những bức tường đó. Và đó là những gì chúng tôi nhận thấy ở Scotland. Và những gì khi tôi còn trẻ, là một đất nước bị chia cắt sâu sắc và đang thay đổi. Và giáo dục cũng giúp làm được điều đó.

Tổng giám mục Welby

Tôi muốn thực hiện một chiến thuật khác vì đó là một câu hỏi rất hay, rất hữu ích. Nó không phải là Liên Hiệp Quốc hoặc những thứ khác. Nó là chữ 'và.' Luôn luôn là chữ 'và' thay vì chữ 'hoặc'.

Những gì các Giáo Hội mang lại không chỉ là các mạng lưới chức năng nơi người ta hầu như không bị tham nhũng. Và vì vậy khi bạn đưa viện trợ vào, nó sẽ đến được với những người ở thực địa; và các mạng lưới của họ vượt qua các chiến tuyến, và mọi thứ khác. Vào thứ Bảy, tổng giám mục của chúng tôi ở Kajo Keji đã chôn cất hai mươi người. Ngài đi thẳng xuống đó. Ngài đã trở lại vào tối thứ bảy. Ngài đã tạo ra một sự khác biệt lớn. Đó là sự thay đổi của trái tim. Và đó là trọng điểm của chuyến thăm này.

Một trăm ba mươi năm trước, một trăm năm trước, người Nuer và người Dinka thường xuyên xảy ra chiến tranh. Đó là một nền văn hóa trả thù. Đặc biệt, người Nuer cũng có chiến tranh giữa các thị tộc với nhau. Cướp bóc gia súc. Sự khác biệt đã không được thực hiện bởi chính quyền thuộc địa. Nó được tạo ra bởi các Giáo Hội và sự thay đổi của trái tim, khi mọi người tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô và nhận ra rằng có một cách mới để sống.

Vì vậy, lời cầu nguyện của tôi khi kết thúc chuyến thăm này không chỉ là có nhiều hoạt động, mà còn là Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa mang đến một tinh thần hòa giải và chữa lành mới cho người dân Nam Sudan.

Câu hỏi: Claudio Lavanga (NBC NEWS)

Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi ngài, vì Đức Tổng Giám Mục Welby đã nhắc lại khoảnh khắc đáng kinh ngạc đó vào năm 2019 khi ngài quỳ gối trước các nhà lãnh đạo của Nam Sudan để yêu cầu hòa bình. Thật không may, trong hai tuần nữa, sẽ là lễ kỷ niệm đầu tiên của một cuộc xung đột khủng khiếp khác, cuộc xung đột ở Ukraine, và câu hỏi của con là: Ngài có sẵn sàng thực hiện cử chỉ tương tự với Vladimir Putin nếu ngài có cơ hội gặp ông ấy không, kể từ khi những lời kêu gọi hòa bình của ngài cho đến nay đã bị bỏ ngoài tai? Và con muốn hỏi cả ba vị xem các vị có muốn đưa ra lời kêu gọi chung cho hòa bình ở Ukraine không, vì đây là khoảnh khắc hiếm hoi khi cả ba vị [cùng hiện diện với nhau]?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi sẵn sàng gặp cả hai tổng thống: Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga – tôi sẵn sàng gặp gỡ. Nếu tôi chưa đi Kyiv là vì lúc đó không thể đi Moscow; nhưng tôi đã đối thoại. Thực thế, vào ngày thứ hai của cuộc chiến, tôi đã đến Đại sứ quán Nga để nói rằng tôi muốn đến Moscow để nói chuyện với Putin, với điều kiện có một cơ hội nhỏ để đàm phán. Sau đó, Bộ trưởng Lavrov trả lời rằng ông ấy đang cân nhắc điều này nhưng [đã nói], ‘Để xem sau.’ Cử chỉ đó là điều mà tôi nghĩ, ‘Tôi đang làm điều đó cho ông ấy’. Nhưng cử chỉ của cuộc họp năm 2019, tôi không biết nó diễn ra như thế nào; nó không được nghĩ trước, và bạn không thể lặp lại những điều không được nghĩ trước – chính Chúa Thánh Thần đưa bạn đến đó. Không thể giải thích được, chấm hết. Và tôi cũng đã quên nó. Đó là một việc phục vụ, tôi là một công cụ của một xung lực bên trong nào đó, không phải là một điều đã được lên kế hoạch.

Hôm nay chúng ta đang ở thời điểm này, nhưng đó không phải là cuộc chiến duy nhất. Tôi muốn thực thi công lý: Syria đã có chiến tranh trong mười hai đến mười ba năm, Yemen đã có chiến tranh trong hơn mười năm; hãy nghĩ đến Myanmar, đến những người Rohingya nghèo khổ đi khắp thế giới vì họ bị đuổi khỏi quê hương. Ở khắp mọi nơi, ở Mỹ Latinh… có biết bao nhiêu là điểm nóng của chiến tranh! Vâng, có nhiều cuộc chiến quan trọng hơn vì tiếng ồn mà chúng tạo ra, nhưng, tôi không biết, cả thế giới đang có chiến tranh và đang tự hủy diệt. Chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc: đó là tự hủy diệt. Chúng ta phải dừng lại đúng lúc, bởi vì một quả bom đòi bạn trả đũa bằng một quả lớn hơn, và [sau đó] một quả lớn hơn nữa, và trong tình trạng leo thang, bạn không biết mình sẽ kết thúc ở đâu. Chúng ta cần phải có một cái đầu bình thản.

Sau đó, cả Tổng Giám mục Welby lẫn Điều hợp viên Greenshields đều nói về phụ nữ. Tôi đã thấy những người phụ nữ ở Nam Sudan: họ sinh con, đôi khi họ ở một mình, nhưng họ có sức mạnh để tạo dựng một đất nước; phụ nữ thật tuyệt. Đàn ông ra trận, họ ra trận, và những người phụ nữ này với hai, ba, bốn, năm đứa con tiến lên phía trước. Tôi đã thấy họ ở Nam Sudan. Và nói về phụ nữ, tôi muốn nói một lời với các nữ tu, những nữ tu dấn thân vào những gì đang xảy ra – tôi đã thấy một số họ ở đây tại Nam Sudan, và rồi trong Thánh Lễ hôm nay các bạn đã nghe thấy tên của họ. nhiều nữ tu đã bị giết... Chúng ta hãy quay trở lại với sức mạnh của phụ nữ. Chúng ta phải xem xét họ một cách nghiêm túc và không sử dụng họ như một quảng cáo mỹ phẩm: làm ơn, đây là một sự xúc phạm đối với phụ nữ; phụ nữ là dành cho những điều lớn lao hơn! Về điểm khác, tôi đã nói với các bạn rồi, hãy nhìn vào các cuộc chiến tranh đang diễn ra trên thế giới.

Tổng Giám mục Welby:

Tôi đã nói về nước Nga, Tổng thống Putin và Ukraine khi tôi ở đó vào cuối tháng 11, đầu tháng 12. Tôi thực sự không có gì để thêm vào, ngoại trừ việc nói rằng việc chấm dứt cuộc chiến này nằm trong tay của Tổng thống Putin. Ông ta có thể kết thúc nó bằng việc rút quân và ngừng bắn, sau đó đàm phán về giải pháp lâu dài. Nhưng không thể... Đó là một cuộc chiến kinh hoàng và khủng khiếp.

Nhưng tôi muốn đồng ý với Đức Thánh Cha Phanxicô. Còn rất nhiều cuộc chiến khác. Tôi nói chuyện vài tuần một lần với người đứng đầu Giáo Hội của chúng tôi ở Myanmar. Tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo Giáo Hội ở Nigeria – 40 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Katsina ngày hôm qua. Tôi nói chuyện với nhiều người trên khắp thế giới. Tôi hoàn toàn đồng ý với Đức Thánh Cha. Và không có cuộc chiến nào kết thúc mà không có sự tham gia của phụ nữ và những người trẻ tuổi vì chính những lý do mà ngài đã nói.

Câu hỏi: Bruce De Galzain (Đài phát thanh Pháp)

Thưa Đức Thánh Cha, trước khi khởi hành chuyến tông du, Đức Thánh Cha đã tố cáo việc hình sự hóa đồng tính luyến ái, điều không được các gia đình ở Nam Sudan hay Congo chấp nhận. Tuần này ở Kinshasa, con đã gặp năm người đồng tính luyến ái, mỗi người trong số họ đã bị từ chối và thậm chí bị trục xuất khỏi gia đình của họ. Họ giải thích với con rằng việc bác bỏ họ xuất phát từ sự giáo dục tôn giáo của cha mẹ họ – một số người trong số họ được đưa đến các linh mục trừ tà vì gia đình họ tin rằng họ bị ám bởi những linh hồn ô uế. Thưa Đức Thánh Cha, câu hỏi của con là: Ngài nói gì với các gia đình ở Congo và Nam Sudan, những người vẫn từ chối con cái của họ, và ngài nói gì với các linh mục, với các giám mục?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Tôi đã nói về vấn đề này trong hai chuyến đi: thứ nhất, khi trở về từ Batây: “Nếu một người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là một tín hữu và đang tìm kiếm Chúa, thì tôi là ai mà dám phán xét họ?” Tôi đã nói điều này trong chuyến đi đó. Thứ hai, trong chuyến trở về từ Ái Nhĩ Lan – đó là một chuyến đi hơi rắc rối vì ngày hôm đó người thanh niên đó đã công bố một lá thư… – ở đó, tôi đã nói rõ ràng với các bậc cha mẹ: “Những đứa trẻ có khuynh hướng này có quyền ở nhà; anh chị em không thể ném chúng ra khỏi nhà; chúng có quyền về việc này”. Và gần đây tôi đã nói điều gì đó – tôi không nhớ chính xác từng chữ một của mình – trong cuộc phỏng vấn với Associated Press.

Việc hình sự hóa đồng tính luyến ái là một vấn đề không thể coi thường. Người ta ước tính rằng, ít nhiều 50 quốc gia, cách này hay cách khác, dẫn đến việc hình sự hóa này. Một số người nói nhiều hơn, ta hãy nói ít nhất năm mươi quốc gia. Và một số trong số này - tôi nghĩ là mười - thậm chí còn có án tử hình, ít nhiều công khai. Điều này không chính đáng. Những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái là con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu họ. Thiên Chúa đồng hành với họ. Đúng là một số người rơi vào tình trạng này vì nhiều tình huống khác nhau không phải do họ lựa chọn, nhưng kết án một người như thế này là một tội lỗi; hình sự hóa những người có khuynh hướng tình dục đồng tính là một sự bất công. Tôi không nói về các nhóm, nhưng về các cá nhân. Có thể nói “Nhưng họ có những nhóm gây ồn ào…” Các cá nhân. Các vận động hành lang là một điều khác. Tôi đang nói về các cá nhân. Và tôi nghĩ rằng trong Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo có một câu [nói rằng] không được gạt họ ra bên lề xã hội. Tôi nghĩ rằng điểm này là rõ ràng.

Tổng giám mục Welby

Bạn có thể hoàn toàn nhận thấy rằng, trong Giáo hội Anh, chúng tôi đã nói về điều này “qua loa một chút” gần đây, bao gồm rất nhiều cuộc tranh luận trong Nghị viện và đủ thứ. Tôi muốn nói rằng tôi ước mong nói được một cách hùng hồn và rõ ràng như Đức Giáo Hoàng. Tôi hoàn toàn đồng ý với mọi lời ngài nói ở đó. Việc hình sự hóa – Giáo hội Anh, Hiệp thông Anh giáo – đã thông qua các nghị quyết tại hai hội nghị Lambeth chống lại việc hình sự hóa, nhưng nó không thực sự thay đổi suy nghĩ của nhiều người.

Trong bốn ngày tới tại Thượng Hội đồng của Giáo hội Anh, đây là chủ đề thảo luận chính của chúng tôi, và tôi chắc chắn sẽ trích dẫn lời Đức Thánh Cha. Ngài nói rất hay và chính xác.

Điều hợp viên Greenshields

Chỉ một nhận xét rất ngắn: Không có chỗ nào trong bốn sách Tin Mừng tôi đọc mà tôi thấy Chúa Giêsu xua đuổi bất cứ ai. Không có nơi nào trong bốn sách Tin Mừng mà tôi thấy điều gì khác ngoài việc Chúa Giêsu bày tỏ tình yêu thương với bất cứ ai Người gặp. Và với tư cách là Kitô hữu, đó là cách diễn đạt duy nhất mà chúng ta có thể dành cho bất cứ con người nào trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Câu hỏi: Alexander Hecht (Truyền hình ORF)

Một câu hỏi dành cho Đức Giáo Hoàng: trong những ngày gần đây đã có nhiều cuộc nói chuyện về sự hiệp nhất. Cũng đã có một buổi biểu lộ về sự hiệp nhất Kitô giáo ở Nam Sudan, và cả sự hiệp nhất trong chính Giáo Hội Công Giáo. Tôi muốn hỏi ngài rằng ngài có cảm thấy điều này sau cái chết của Đức Bênêđíctô XVI không: công việc và sứ vụ của ngài có khó khăn hơn đối với ngài không, vì những căng thẳng giữa các cánh khác nhau của Giáo Hội Công Giáo đã trở nên mạnh mẽ hơn?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Về điểm này, tôi muốn nói rằng tôi đã có thể nói về mọi thứ với Đức Bênêđictô, và trao đổi ý kiến, và ngài luôn ở bên cạnh và hỗ trợ tôi; và nếu ngài gặp khó khăn gì, ngài đều nói với tôi như vậy, và chúng tôi sẽ nói chuyện và không có vấn đề gì.

Có lần tôi nói với ngài về hôn nhân giữa những người đồng tính luyến ái, về thực tế rằng hôn nhân là một bí tích và chúng ta không thể tạo ra một bí tích, nhưng có khả thể bảo vệ tài sản thông qua luật dân sự. Điều này bắt đầu ở Pháp – tôi không nhớ nó được gọi là gì… [nhưng] bất cứ người nào cũng có thể thành lập một cuộc kết hợp dân sự, không nhất thiết phải là một cặp vợ chồng, những phụ nữ lớn tuổi đã nghỉ hưu [có thể] tham gia vào một kết hợp dân sự…, v.v. Một người tự coi mình là một nhà thần học vĩ đại đã đến gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thông qua một người bạn của ngài và khiếu nại chống lại tôi. Đức Bênêđíctô không ngạc nhiên; ngài gọi bốn Hồng Y là những nhà thần học hạng nhất và nói, "Hãy giải thích điều này cho tôi", và họ đã làm như vậy. Và thế là câu chuyện kết thúc.

Đây là một giai thoại cho thấy Đức Bênêđíctô đã hành động như thế nào mỗi khi có lời phàn nàn. Một số câu chuyện xung quanh việc Đức Bênêđíctô khó chịu với những gì tân Giáo hoàng làm là “những lời thì thầm của Trung Quốc”. Trên thực tế, tôi đã tham khảo ý kiến Đức Bênêđíctô về một số quyết định sẽ được đưa ra và ngài đã đồng ý.

Tôi nghĩ rằng cái chết của Đức Bênêđíctô đã bị người ta lợi dụng để trục lợi. Những người bằng cách này hay cách khác khai thác một người tốt lành như vậy, một người của Thiên Chúa như vậy, người mà tôi gần như gọi là Thánh giáo phụ của Giáo hội, những người đó là vô đạo đức, thuộc đảng phái chứ không thuộc giáo hội… Đâu đâu người ta cũng thấy xu hướng biến các quan điểm thần học thành các đảng phái và sau đó kết thúc theo cách này. Đủ rồi. Những thứ này sẽ tự sụp đổ, hoặc một số sẽ không sụp đổ mà vẫn tiếp tục, như đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử của Giáo hội. Tôi muốn nói rõ Đức Bênêđíctô là ai; ngài không buồn.

Câu hỏi: Jorge Barca Antelo (RNE)

Thưa Đức Thánh Cha, con xin chào Đức Thánh Cha buổi sáng. Hôm nay chúng ta trở về từ hai quốc gia là nạn nhân của điều mà ngài gọi là hoàn cầu hóa lòng thờ ơ. Ngài đã nói về điều này từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài và kể từ chuyến đi của ngài đến Lampedusa. Một cách nào đó, một vòng tròn đã được khép lại trong tuần này. Ngài vẫn đang nghĩ đến việc mở rộng bán kính của vòng tròn này, đến việc đi nơi khác, đến thăm các quốc gia bị lãng quên khác? Ngài đang nghĩ đến những nơi nào? Và sau hành trình dài và gian khổ này, ngài mạnh khỏe thế nào? Ngài vẫn cảm thấy mạnh mẽ chứ? Ngài có cảm thấy sức khỏe của mình đủ tốt để đi hết những nơi này không?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Có việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ ở khắp mọi nơi. Trong một nước, nhiều người đã quên nhìn đồng bào, đồng bào mình, gạt họ sang một bên để không nghĩ đến họ. Để nghĩ rằng vận may lớn nhất trên thế giới đều nằm trong tay của một thiểu số. Và những người này không nhìn vào cảnh khốn cùng, trái tim của họ không mở lòng ra để giúp đỡ.

Về hành trình: Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ là tiếp theo, vào năm tới. Vào ngày 29 tháng 9 tôi sẽ đến Marseilles, và có khả năng từ Marseilles tôi sẽ bay đến Mông Cổ, nhưng điều đó vẫn chưa được quyết định. Nó có thể. Tôi không nhớ một chuyến đi khác trong năm nay. Lisbon.

Tiêu chuẩn là: Tôi đã chọn đến thăm các quốc gia nhỏ nhất ở Châu Âu. Mọi người sẽ nói: “Nhưng ngài từng đến Pháp,” không, tôi đã đến Strasbourg; Tôi sẽ đến Marseilles, không phải đến Pháp. Những nơi nhỏ, những nơi nhỏ. [Tiêu chuẩn là] để biết một chút về Châu Âu ẩn giấu, phần Châu Âu có rất nhiều nền văn hóa nhưng không được biết đến. Đồng hành với các nước, chẳng hạn Albania, nước đầu tiên và là nước chịu ách độc tài tàn ác nhất, dã man nhất trong lịch sử. Sau đó, sự lựa chọn của tôi là thế này: cố gắng không rơi vào việc hoàn cầu hóa lòng thờ ơ.

[Trả lời câu hỏi về sức khỏe của ngài:] Bạn biết [câu nói] rằng cỏ dại sẽ không bao giờ chết! Nó không giống như lúc đầu của triều giáo hoàng, nhưng thực sự cái đầu gối này thật khó chịu, nhưng nó đang khá từ từ, vì vậy hãy xem. Xin cảm ơn.

Đối với hai điều còn lại: ngài có muốn tham gia cùng nhau trong một chuyến đi khác với Giáo hoàng không?

Tổng giám mục Welby

Vâng, nếu Đức Thánh Cha cảm thấy tôi thêm được bất cứ giá trị nào, hoặc Đức Tổng Giám Mục trong tương lai đã thêm bất kỳ giá trị nào, thì đó luôn là một đặc ân to lớn. Nó phụ thuộc vào chỗ nào và liệu chúng tôi sẽ là một trở ngại hay một sự giúp đỡ.

Điều hợp viên Greenshields

Chúng tôi chắc chắn sẽ rất vui khi làm điều gì đó như thế này một lần nữa.

Điều dè dặt duy nhất mà tôi muốn thêm vào đó là tôi sẽ hoàn thành vai trò của mình vào ngày 20 tháng 5 và một phụ nữ rất có năng lực sẽ đảm nhận vị trí Điều hợp viên của Giáo Hội Scotland, nhưng bà ấy sẽ rất vui khi được làm y việc này!