Ronald Rolheiser, 2023-01-30
Phải lòng yêu! Chúng ta có thể dùng thành ngữ này để nói về nhiều thứ. Phải lòng một em bé, một đội bóng, một thành phố, một công việc hoặc một người khác. Tuy nhiên, chúng ta thường dành ý nghĩa đầu tiên cho một sự, một say đắm tình cảm, một cảm giác mê mệt chúng ta có lần đầu khi gặp ai đó chúng ta xem như người tri kỷ.
Nữ triết gia Iris Murdoch từng viết, thế giới có thể thay đổi trong 15 giây bởi vì chúng ta có thể phải lòng ai đó trong chừng ấy thời gian. Bà nói đúng, và phải lòng ai đó có thể làm chúng ta thực sự tê liệt, đến mức chúng ta thà chết còn hơn mất người mình đã phải lòng yêu. Vô số những chuyện đau lòng, tan nát trái tim, trầm cảm, sức khỏe suy sụp, tự tử, giết người và giết người rồi tự tử đã làm chứng cho chuyện này. Sự say đắm về tình cảm có thể là một chứng nghiện chết người, lại ma túy cocain mạnh nhất trên đời. Vậy nó phát xuất từ đâu? Thiên đàng hay địa ngục? Và nó có ý nghĩa gì?
Xét tận cùng, Thiên Chúa và tự nhiên tạo nên nó và như vậy, nó là một thứ tốt. Chúng ta được dựng nên để gặp nó. Hơn nữa, nếu hiểu đúng, nó là một thứ lành mạnh, cả về sức mạnh gây u mê của nó và những thất bại nội tại của nó trong việc trụ đỡ tình yêu.
Khi chúng ta phải lòng ai đó quá đỗi, thật sự là chúng ta đang vướng vào chuyện gì? Chúng ta thật sự yêu người đó hay chúng ta yêu việc mình yêu người đó và những cảm xúc mà chuyện này đem lại? Chúng ta có thật sự yêu người đó hay chúng ta yêu hình ảnh người đó trong tâm trí mình, hình ảnh chúng ta phóng chiếu chất thần diệu lên đó?
Cho tôi mạn phép liều lĩnh trả lời chuyện này. Cứ hình dung một người đàn ông yêu sâu đậm một phụ nữ. Ban đầu, những cảm xúc đó có thể quá mạnh mẽ và đã làm anh tê dại cảm xúc. Tuy nhiên, trong toàn bộ chuyện này, có một câu hỏi cần được trả lời: anh thật sự yêu ai hay cái gì? Yêu cảm xúc của mình? Yêu mẫu nữ tính của cô ấy? Yêu hình tượng của cô ấy? Yêu chính bản thân cô ấy?
Trong thực tế, anh chàng yêu hết mọi điều này: anh yêu cảm xúc của chính mình, hình tượng về cô ấy, nữ tính thần diệu trong cô ấy. Tất cả chúng là một phần trong cảm nghiệm của anh. Cũng vậy, tất cả chúng có thể lành mạnh ở giai đoạn đầu của tình yêu.
Thiên Chúa đã tạo ra sự say đắm tình cảm, cũng như Ngài đã tạo ra tuần trăng mật. Chúng ta không lôi cuốn đến với nhau chỉ bằng những phân tích lạnh lùng. Nhưng dạng phải lòng yêu này là giai đoạn ban đầu của tình yêu (cũng là giai đoạn đầy thích thú), và chúng ta cần hiểu nó chính xác là gì, đó chỉ là giai đoạn ban đầu, thế thôi, giai đoạn mời gọi chúng ta đi vào điều gì đó sâu sắc hơn. Sự mê đắm về cảm xúc không phải là giai đoạn trưởng thành của tình yêu. Trừ phi người ta chết ngay trong giai đoạn đó, như Romeo và Juliet, đến một ngày sự mê đắm đó sẽ tan biến và chúng ta sẽ vỡ mộng. Khi bà Iris Murdoch nói, chúng ta có thể phải lòng ai đó trong 15 giây, có lẽ bà cũng có thể nói thêm, chúng ta có thể hết yêu mình ai đó trong 15 giây. Sự mê đắm về cảm xúc có thể rất nhanh chóng, cả khi xuất hiện cũng như lúc tan biến.
Vậy nên, phải lòng yêu theo kiểu cảm xúc này có thể kèm theo một số nguy cơ nào đó. Trước hết, có những khuynh hướng bồng bột xem đó là tình yêu sâu sắc. Hệ quả là, khi những cảm xúc mạnh mẽ, những cảm giác tâm sinh dục qua đi, người đó dễ dàng kết luận mình không còn yêu nữa, và bỏ tình yêu đó. Tiếp theo, là một nguy cơ khó thấy hơn. Khi chúng ta đang ở trong giai đoạn ban đầu này, hình tượng của người kia trong lòng chúng ta có gì đó thần diệu. Thế nghĩa là sao?
Thánh Augutinô đã gói gọn trong câu nói bất hủ: ‘Lạy Chúa, Ngài đã tạo chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài.’ Vì thế trong cuộc đời, không có gì là đủ với chúng ta. Chúng ta luôn mãi khắc khoải, khao khát một điều gì đó cao hơn nữa. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu này của tình yêu, khi rơi vào trong mê đắm cảm xúc, thì trong một thời gian, chỉ cần có người kia là đủ với chúng ta. Chính vì thế mà Romeo và Juliet có thể chết trong hạnh phúc. Ở giai đoạn này của tình yêu, họ chỉ cần có nhau là đủ.
Tuy nhiên, sự thật khó khăn là mê đắm đó không tồn tại mãi. Người kia, dù tuyệt vời đến đâu cũng không phải là Thiên Chúa và không bao giờ có thể đủ với chúng ta (và chúng ta đã bất công với người đó khi trong vô thức, chúng ta cho rằng họ đủ với mình). Trong một thời gian, chúng ta có thể cảm thấy sự thần diệu đó, nhưng ảo tưởng về sự thần diệu đó cuối cùng sẽ tan vỡ và chúng ta nhận ra đây cũng chỉ là một con người, dù tuyệt vời nhưng vẫn hữu hạn, có giới hạn chứ không phải thần thánh. Và khi nhận ra như thế (cũng là nền tảng cho một tình yêu trưởng thành) nhưng nếu chúng ta không hiểu chuyện này, thì nó có thể làm biến chất hoặc hủy hoại mối quan hệ. Thiên Chúa tạo nên phải lòng yêu! Khi phải lòng yêu, chúng ta được nếm trước thiên đàng, dù cho không phải là không có những nguy cơ.
J.B. Thái Hòa dịch
http://phanxico.vn/2023/02/01/phai-long-yeu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét