Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Hành tinh quá tải của chúng ta

 Hành tinh quá tải của chúng ta

Ronald Rolheiser, 2023-02-06

Tạo ra nhân loại có lẽ là sai lầm lớn nhất của tiến hóa. Douglas Abrams đã viết như vậy trong Quyển sách Hy vọng (The Book of Hope), đồng tác giả với Jane Goodall. Dù đây là một quan điểm khá tuyệt vọng, nhưng đến tận cùng, đó là quyển sách của hy vọng, dù không phải là không có lời cảnh tỉnh thảm khốc. Hiện nay trên hành tinh có hơn tám tỷ người, và chúng ta đang dùng nguồn tài nguyên có hạn nhanh hơn mức mà thiên nhiên có thể bù đắp vào. Trong chưa đầy 30 năm nữa, nhân loại sẽ có khoảng 10 tỷ người và nếu chúng ta cứ hành động như lâu nay, thì lúc đó có thể sẽ là hồi kết của trái đất mà chúng ta biết.

Chúng ta cần làm gì để đảo ngược tình thế này? Hai tác giả Goodall và Abrams gợi ý bốn điều:

Trước hết, phải giảm nghèo đói. Khi người ta đói và tuyệt vọng, suy nghĩ của họ không còn hướng đến toàn cục, cụ thể là tương lai lâu dài và lợi ích chung của toàn thể nhân loại và địa cầu. Một chuyện dễ hiểu là suy nghĩ của họ sẽ hướng đến chuyện sinh tồn và họ sẽ không ngần ngại đốn hạ cái cây cuối cùng để kiếm thức ăn hoặc bắt luôn con cá cuối cùng còn sống. Sự tuyệt vọng và bận tâm cho toàn cục thường không đi đôi với nhau.

Thứ hai, chúng ta phải giảm những lối sống dư dật không bền vững. Mẹ Trái đất không phải là nguồn tài nguyên vô hạn và không thể duy trì mãi những lối sống hiện thời của chúng ta. Hơn nữa, đây không chỉ nói đến lối sống xa hoa của người giàu, mà là lối sống của tất cả chúng ta ở hầu hết các quốc gia. Chúng ta chưa đối diện với sự thật, mọi thứ đều có hạn, do đó chúng ta cứ mua sắm quá độ, tiêu dùng quá độ, sử dụng điện năng quá độ, lãng phí thực phẩm quá độ, dùng khí đốt quá độ và sản sinh rác thải quá độ. Không thể tiếp tục như thế nữa. Đã có hàng triệu người tị nạn tuyệt vọng ở các đường biên giới, đã có những biến đổi khí hậu nghiêm trọng ở gần như mọi nơi, và những điều đó cảnh tỉnh chúng ta phải thay đổi, và thay đổi sớm. Hành tinh của chúng ta lớn đấy, nhưng nó có hạn, và nó không thể đáp ứng mãi được cho những nhu cầu tiêu dùng bừa bãi vô giới hạn của chúng ta.

Thứ ba, chúng ta phải diệt trừ sự hủ bại và tư lợi kinh tế. Nếu không có chính phủ tốt và lãnh đạo liêm chính biết tập trung vào toàn cục thay vì vào tư lợi, thì không thể giải quyết được những vấn đề môi trường, kinh tế, xã hội khổng lồ của chúng ta. Như lời châm biếm của một nhân vật trong tiểu thuyết Không chốn nương thân (Unsheltered) của Barbara Kingsolver, đạo đức của thị trường tự do cũng chỉ bằng đạo đức của tế bào ung thư. Tinh thần doanh nhân chủ đạo của nền kinh tế này đã đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta và cho chúng ta nhiều tiện nghi, tự do và cơ hội mà ít người trong lịch sử từng có. Tuy nhiên, nhìn chung, tác hại của nó với toàn cục thì cũng như tác hại của tế bào ung thư đối với cơ thể, một tế bào duy nhất cứ phát triển mà chẳng hề có liên kết với sức khỏe của tổng thể cơ thể. Như một tế bào ung thư, thị trường tự do (ngoài một số ngoại lệ) không đặt nặng về toàn cục và sức khỏe lâu dài của cả cơ thể địa cầu này.

Thứ tư, chúng ta phải đối diện với những vấn đề gây ra do dân số tăng không ngừng. Trong hầu hết lịch sử, tôn giáo và luân lý đã huấn lệnh con người phải có con cái. Phải nhân lên và phát triển. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với Thiên Chúa và nhân loại. Tuy nhiên, phần lớn điều này là do nỗi sợ rằng nhân loại, giống như bất kỳ giống loài này khác, liên tục đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Thật sự mối nguy này luôn thường trực. Bệnh tật, nạn đói, chiến tranh, tỷ lệ tử vong sơ sinh cao, tuổi thọ giảm, và các tai ương đủ loại liên tục đe dọa nhân loại. Cũng như mọi giống loài khác, con người cần phải bảo đảm giống loài của mình tiếp tục tồn tại. Và suy nghĩ này hợp lý, cho đến thế kỷ này. Hiện giờ, với dự kiến dân số 10 tỷ người trên hành tinh này, nguy cơ tuyệt chủng phát xuất từ con số khổng lồ của chúng ta hơn là từ bất kỳ mối đe dọa nào bên ngoài. Hành tinh này chỉ có thể chứa được một số người nhất định. Nhưng khi bàn đến chuyện kìm hãm tăng trưởng dân số là có các vấn đề về tôn giáo, luân lý và tâm hồn. Dù vậy, bất kể các vấn đề này phức tạp đến đâu, chúng ta đều phải xem xét cẩn thận sự tăng trưởng này.

Abrams sai rồi. Tạo ra nhân loại không phải là sai lầm lớn nhất của tiến hóa! Tạo ra nhân loại không phải là một sản phẩm phát sinh ngẫu nhiên của một tiến hóa mù quáng. Thiên Chúa là đấng tạo ra tiến trình tiến hóa và Thiên Chúa không phạm sai lầm. Ngay từ đầu, Thiên Chúa dự định cho chúng ta xuất hiện. Hơn thế nữa, Thiên Chúa dự định cho chúng ta đóng một vai trò rất đặc biệt trong tiến trình này, cụ thể là ở một vị trí trong tiến trình mà tự nhiên sẽ dần tự ý thức và chủ động giúp Thiên Chúa định hình tiến trình này hướng đến sự yên bình và hợp nhất tối hậu (là vương quốc Thiên Chúa) bao gồm tất cả chúng ta và cả hành tinh này.

Nhân loại không phải là một sai lầm, dù phải thừa nhận rằng chúng ta cai quản địa cầu chủ yếu theo kiểu nghĩ rằng thế giới là thứ mà chúng ta có thể làm bất kỳ việc gì sinh lợi cho mình thay vì nghĩ nó là một khu vườn với tài nguyên có hạn mà chúng ta được yêu cầu phải chăm sóc bằng tình yêu.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2023/02/10/hanh-tinh-qua-tai-cua-chung-ta/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét