Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

Tiến trình Hồ sơ cho án phong thánh

 

Tiến trình Hồ sơ cho án phong thánh


Tiến trình Hồ sơ cho án phong thánh

TIẾN TRÌNH HỒ SƠ CHO
ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ
 PHONG THÁNH
[1]

 

WHĐ (26.02.2023) - Trải qua dòng lịch sử Giáo hội, cho đến hiện nay, công việc điều tra và tiến hành Hồ sơ án phong thánh trong Giáo hội Công giáo được Đức Thánh Cha Bênêđictô XIV (1740-1758) ấn định, với diễn tiến như một vụ án tố tụng.

Dưới triều Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, các tiêu chuẩn mới quy định được ban hành vào năm 1983, đã rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết cho một quy trình tuyên phong chân phước và phong thánh. Trước kia, phải đợi 50 năm sau khi vị Tôi Tớ Chúa qua đời, mới bắt đầu công việc nghiên cứu về cuộc đời, các nhân đức, sự thánh thiện hay cuộc tử đạo của một ứng viên. Hiện nay, thời gian cho án phong chân phước hay phong thánh tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: nội tại do sự phức tạp của chính con người vị ứng viên, hoặc do bối cảnh lịch sử mà vị ứng viên này đã sống; Ngoài ra còn có yếu tố ngoại tại như, sự chuẩn bị, quá trình tiến hành hồ sơ, sự dấn thân, cộng tác cho Hồ sơ án phong như: Cáo thỉnh viên, cộng tác viên bên ngoài, nhân chứng cung cấp lời khai trong giai đoạn điều tra cấp giáo phận, v.v...


I. DANH THƠM, TIẾNG TỐT VỀ SỰ THÁNH THIỆN (FAMA SANCTITATIS)

II. TIẾN TRÌNH CHO MỘT HỒ SƠ ÁN PHONG

       1. Giai đoạn điều tra cấp giáo phận

       2. Giai đoạn điều tra cấp Bộ Phong thánh

III. TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH

 

I. DANH THƠM, TIẾNG TỐT VỀ SỰ THÁNH THIỆN (FAMA SANCTITATIS)

Khởi đầu tiến trình cho một Hồ sơ xin phong thánh là việc cộng đoàn Dân Chúa biết đến Vị ứng viên về “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” (fama sanctitatis), nghĩa là dư luận cho rằng một nhân vật nào đó đã sống tinh thần Phúc âm cách nổi bật, và người ta nhận thấy một giá trị Tin mừng ở nơi người ấy.

Như vậy, trong mọi trường hợp, điều cần thiết đối với việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho Các Tôi Tớ Chúa, là “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” đích thực, được biết đến cách rộng rãi, lâu dài, được cộng đoàn Giáo hội xác quyết rằng vị này đã sống một cuộc sống theo tinh thần Phúc âm cách nổi bật, đã thực thi các nhân đức Kitô giáo và người ta nhận thấy một giá trị Tin mừng ở nơi người ấy với những hoa trái thiêng liêng đã trổ sinh qua cuộc sống của các ngài.

II. TIẾN TRÌNH CHO MỘT HỒ SƠ ÁN PHONG

Như  đã  nói trên, tiến trình bắt đầu với (Fama sanctitatis) được nhận biết bởi dân Chúa. Tiếp đến, cuộc điều tra bắt đầu với giai đoạn cấp Giáo hội địa phương hay Giáo phận gồm: tiến trình mở án, chứng từ và tài liệu được thu thập.

Một tòa án được thành lập với các chuyên gia thần học và lịch sử. Khi án phong được gửi đến Roma, một Cáo thỉnh viên được bổ nhiệm, vị này sẽ lo việc thu thập, chuẩn bị tài liệu, tổng hợp các bằng chứng thu thập được để tái tạo lại chính xác cuộc sống của ứng viên và chứng minh các nhân đức hoặc sự tử đạo của ứng viên được đề nghị tuyên phong, cũng như “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” và những dấu hiệu về sự thánh thiện của Vị Tôi tớ Chúa.

Để có được sự kiện tuyên phong một vị thánh, đó là cả một công trình dấn thân và cộng tác của một tập thể qua việc nghiên cứu, thu thập tài liệu, chứng cứ cách cẩn thận, chính xác, sự thật với nhiều thời gian năm tháng, có khi phải qua hàng thập kỷ.

Mỗi quy trình tuyên phong chân phước và phong thánh đều phải trải qua tiến trình bắt buộc như: điều tra, lấy lời khai, soạn thảo Positio – Tập hồ sơ đúc kết để tường trình.

Trường hợp của “án cổ xưa”, nghĩa là liên quan đến một Ứng viên sống cách đây rất lâu và không có nhân chứng, sẽ được nghiên cứu bởi một Ủy ban Lịch sử.

1. Giai đoạn điều tra cấp giáo phận

Việc kiểm chứng “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” diễn ra như sau: Trước hết, phải lo thu thập các chứng tích, thuận hay nghịch, được thực hiện tại Giáo hội địa phương hay Giáo phận, với tư cách là “Nguyên đơn” (Acteur). Công việc này sẽ được đại diện bởi một “Cáo thỉnh viên” (Postulateur). Nghĩa là, Acteur (Nguyên đơn) sẽ đề cử Postulateur đại diện để tiến hành, thực hiện công việc. Quy Luật cũ chỉ chấp nhận cho các linh mục làm Cáo thỉnh viên; Nhưng theo luật hiện hành, mọi tín hữu đều có thể giữ chức vụ này, miễn là người ấy có khả năng chuyên môn, với sự phê chuẩn của Giám mục. Cáo thỉnh viên lo soạn thảo đơn (supplex libellus), sưu tập tài liệu chứng cớ, các tác phẩm mà đương sự đã viết. Trong đơn, Cáo thỉnh viên cũng giới thiệu những ai có thể cung khai về đời sống của đương sự. Đơn sẽ nộp tại toà Giám mục, nơi mà đương sự qua đời; trong trường hợp đặc biệt, có thể xin phép Toà thánh để nộp đơn tại nơi mà đương sự đã hoạt động lâu dài vào những năm cuối đời hay ủy quyền cho một Giáo hội địa phương khác thực hiện.

Trước khi khởi sự thủ tục, phải chờ 5 năm tính từ khi ứng viên qua đời, mục đích phần nào để làm giảm nhẹ hay nguội bớt “sức nóng” do ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội đối với “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện”.[2] Trong giai đoạn thu thập chứng tích, cũng cần phân tích các bút tích của đương sự. Sau khi đã nhận đơn, Giám mục sở tại sẽ bàn hỏi với các Giám mục khác trong vùng xem có nên tiến hành hồ sơ hay không. Nếu thuận tiện, ngài sẽ ra thông cáo về việc thỉnh nguyện, và yêu cầu các tín hữu cung cấp thêm những dữ kiện dù thuận lợi hay đối nghịch. Tiếp đến, Giám mục đặt ít là hai kiểm duyệt viên (censores) để nghiên cứu tất cả những tác phẩm và bút tích của đương sự, để xem có gì trái nghịch với đức tin và phong hóa hay không. Đồng thời Giám mục xin ý kiến Toà thánh để chứng thực không có gì sai lầm (Nihil obstat). Sau khi nhận được ý kiến của Toà thánh, Giám mục sẽ ra Quyết định mở Vụ án. Từ đó, Ứng viên có thể được gọi là “Tôi tớ Chúa” (Servus Dei); Thời xưa, danh xưng “Đáng kính” (Venerabilis) cũng được dùng, nhưng theo quy định mới, Toà thánh chỉ cho phép gọi là “Đáng kính” sau khi đã có Quyết nghị nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Bộ phong thánh qua việc xem xét và chấp nhận Bản tường trình – Positio của cấp Giáo phận chuyển đến.

Khi tuyên thánh cho một người nào đó, Đức Thánh cha nhìn nhận rằng tiếng nói của các tín hữu về fama sanctitatis là phù hợp với thực tại.

Cáo thỉnh viên giữ vai trò điều hành và chủ động việc soạn thảo Positio. Vị ấy phải nắm vững và có trong tay tất cả các tài liệu, phải bảo đảm rằng tất cả mọi chi tiết cần thiết phải được ghi lại cách trung thực trên nền tảng sự thật. Nếu có điều nào bị bỏ sót, che đậy, sai sự thật, bị dàn dựng, dối trá, thì tiến trình sẽ bị đình trệ và kéo dài, có khi Hồ sơ sẽ bị dừng lại và bị hủy bỏ. Trong thực tế, không phải Hồ sơ án xin phong thánh nào khi được mở ra, cũng có kết thúc tốt đẹp. Nhiều hồ sơ bị đình trệ hay bị hủy giữa chừng do thiếu tính trung thực, sai sự thật. Hơn nữa, việc soạn thảo Positio đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, phải có tính chuyên môn, nhiều trường hợp phải mất cả hàng chục năm.

Sau khi Bản tường trình được hoàn tất. Một Tòa án hay một Hội đồng do Đấng bản quyền của Giáo hội địa phương triệu tập gồm: các nhà thần học, giáo luật, sử học để nghiên cứu, xem xét và đặt vấn đề, chất vấn, tranh luận. Tòa án này cũng mời chuyên viên của Thánh bộ hiện diện, tham gia để chứng kiến và xác nhận tính trung thực. Điều dĩ nhiên là các thành viên của Tòa án hay Hội đồng này phải thực hiện nghi thức đặt tay trên Sách Thánh để tuyên thệ trung thành với Sự thật và đức tin Kitô Giáo, kể cả Giám mục. 

Khi Bản Tường trình - Positio được thông qua với sự đồng thuận của hơn 2/3 số thành viên Tòa án hay Hội đồng. Việc niêm phong Hồ sơ được thực hiện ngay tại phiên tòa, trước sự chứng kiến của Các thành viên tham dự. Sau đó, được chuyển lên Bộ phong thánh bởi Giám mục và vị Cáo thỉnh viên. 

2. Giai đoạn điều tra cấp Bộ Phong thánh

Sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra cấp giáo phận, hồ sơ được chuyển về Rôma, và bắt đầu việc xem xét nội dung. Tất cả hồ sơ phải được sao chép thành hai bản, dịch ra một trong các tiếng thông dụng ở Thánh đô Rôma như Latinh, Ý, Pháp, Anh, Tây ban nha. Bản chính được lưu lại trong văn khố của Tòa Giám mục. Hai bản sao (dịch) và các tác phẩm bút tích sẽ được gửi sang Toà thánh.

Tại Rôma, một “vụ án” được mở ra: dưới sự hướng dẫn của một thuyết trình viên (Relator), tất cả những yếu tố thuận hay chống liên quan đến “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” (Fama sanctitatis) và việc thực hành các nhân đức cách anh hùng là tiền đề cho Fama sanctitatis này.

Để cho việc cứu xét về các việc thực hành nhân đức và Positio, sau khi Cấp Giáo hội địa phương đã hoàn tất Positio, tất cả hồ sơ được chuyển cho một Ban gồm các Vị Consultores (Cố vấn hay điều tra viên) để điều tra và xem xét việc thực hành các nhân đức. Mỗi vụ án được giao cho một Ban điều tra. Các cố vấn hay điều tra viên này sẽ đưa ra những nhận xét: thuận hay chống, dựa theo các chứng cứ đã được trình bày trong Positio và các tài liệu kèm theo. Những nhận xét này phải nêu rõ lý do và có những vị điều tra viên viết báo cáo hàng trăm trang, trình bày những lý do về kết luận của mình. Để cho Hồ sơ vụ án được tiếp tục, cần phải được đa số các Vị Cố vấn đồng thuận với kết quả chung cuộc được đồng thuận với 2/3 số phiếu trở lên.

Khi Hồ sơ đã nhận được sự đồng thuận của Ban Consultores, Positio tiếp tục được chuyển đến Hội đồng (Congregatio) của Thánh Bộ, gồm các Hồng y và Tổng giám mục. Một thành viên được đề cử làm Thuyết trình viên để nghiên cứu hồ sơ, sau đó trình bày trong một phiên họp, và các thành viên của Congregatio sẽ bỏ phiếu. Nếu được thông qua, hồ sơ được chuyển lên Đức Thánh Cha. Một nguyên tắc được quy định là Consultores và Congregatio mặc dù giữ giữ vai trò điều tra, cứu xét, nhưng không được gọi là “thẩm phán”, các Vị này chỉ cung cấp những ý kiến mang tính tư vấn. Chỉ duy Đức Thánh cha là Vị thẩm phán duy nhất và tối cao, trong tư cách là Đấng kế vị thánh Phêrô.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha ban hành Sắc lệnh công nhận Các nhân đức anh hùng, cuộc tử đạo hay việc hiến dâng mạng sống của Vị Tôi tớ Chúa. Các nhân đức anh hùng hay  “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” (Fama sanctitatis) với việc ứng viên đã thực thi các nhân đức Kitô giáo đối thần: tin, cậy và mến và các nhân luân lý như khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ, nghèo khó, khiết tịnh, vâng phục, khiêm tốn, v.v… đến mức độ “anh hùng”, hoặc đã trải qua một cuộc tử đạo đích thực, dám hy sinh mạng sống mình theo các tiêu chuẩn mà Bộ Phong thánh đã đặt ra. Từ lúc này, Vị Tôi Tớ Chúa trở thành Đấng Đáng kính. Nhưng còn phải chờ một phép lạ xảy ra và được công nhận với việc điều tra thật kỹ lưỡng, nghiêm ngặt. Phép lạ này có thể là một sự chữa lành được một Ủy ban khoa học, các chuyên viên Y tế gồm: các bác sĩ chuyên khoa, cả những người có niềm tin Kitô Giáo cùng với những người không tin. Hội đồng chuyên môn này sẽ xác nhận sự kiện lạ xảy ra là không thể giải thích về mặt khoa học và “Phép lạ” này cũng được điều tra cẩn thận bởi các nhà thần học. Tùy theo tính chất của án phong thánh, cũng cần các nhà cố vấn lịch sử điều tra, xem xét. Sau đó, các Hồng y và Giám mục của Bộ Phong Thánh tuyên bố về những phép lạ này. Cuối cùng Đức Thánh Cha ban hành Sắc lệnh liên quan đến phép lạ và việc ấn định thời gian, nơi chốn để cho việc tôn phong Chân phước.

Việc điều tra và xác định phép lạ diễn ra theo tiến trình giống hình thức điều tra Hồ sơ cấp Giáo phận, với việc thu thập các chứng cớ, cũng như phán đoán khoa học của các y bác sĩ, các nhà thần học. Bộ Phong thánh cũng có một đội ngũ các y sĩ thuộc các đại học, bệnh viện… để nghiên cứu trường hợp phép lạ, và thẩm định sự chữa bệnh có thể được giải thích vì lý do khoa học hay không.

Tuy nhiên, không phải các phép lạ đều liên quan đến việc được chữa lành bệnh. Trong lịch sử, có những trường hợp phép lạ xảy ra liên quan đến những cuộc hỏa hoạn, thiên tai… như một cuộc động đất, lở núi chôn vùi nhiều người. Khi ấy, người ta cầu khẩn một Vị Tôi Tớ Chúa, một Đấng Đáng Kính, hay một Vị Chân Phước và một phép lạ đã xảy ra giúp hàng chục, có khi hàng trăm người được thoát khỏi cái chết giữa đống đổ nát. Trường hợp này, không cần việc điều tra hay nghiên cứu của các Y Bác sĩ, nhưng là những nghiên cứu, điều tra, nhận xét và kết luận của các chuyên gia là kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà khoa học vật lý.

III. TIẾN TRÌNH PHONG THÁNH

Thủ tục về Hồ sơ án phong thánh được thực hiện cách cẩn thận và nghiêm ngặt trong đúng quy định của Bộ phong thánh trên nền tảng “Sự thật”, với mục đích chứng minh cách trung thực, chính xác về “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” (Fama sanctitatis) của vị ấy là có nền tảng vững chắc và xác thực.

Sau khi Đấng Đáng Kính được phong chân phước, bước tiếp theo, để Vị Chân phước ấy được tôn phong hiển thánh, cần phải có phép lạ thứ hai xảy ra cũng được điều tra cẩn thận và được công nhận cũng theo như tiến trình điều tra phép lạ lần thứ nhất và được xác định là nhờ sự chuyển cầu hiệu quả của Vị Chân phước.

Cần phân biệt sự khác nhau căn bản giữa việc tuyên phong chân phước (Beatificatio) và tôn phong hiển thánh (Canonizatio). Khi Đức Thánh Cha tuyên bố một chân phước, theo luật định, Vị Chân Phước ấy được phép tôn kính tại một nơi nào đó hay tại một dòng tu nào đó, đây như là một đặc ân (Indultum), nghĩa là Giáo hội cho phép được tôn kính, bởi vì Vị ấy đã nêu bật những giá trị Tin mừng, và đáng được noi gương, bắt chước. Trường hợp khi đã được phong thánh, thì việc tôn kính Vị Thánh không còn là “cho phép”, nhưng mang tính “bắt buộc” và phổ quát. Theo nhiều nhà thần học, việc tuyên thánh liên quan đến đặc ân bất khả ngộ của Đức Thánh Cha.

Sự phân biệt giữa Vị Chân phước, còn gọi là “Á thánh” (Beati) và Vị hiển thánh (Sancti) xem ra không ảnh hưởng gì đến chính cá nhân vị ấy trên Thiên đàng. Sự phân biệt này chỉ có từ thế kỷ XV dưới triều ĐTC Sixtô IV (1471-1484), để xác định hai cấp độ của sự nhìn nhận việc tôn kính công khai dành cho các Tôi tớ Chúa (Decernere cultum publicum ecclesiasticum Servis Dei praestandum). Qua việc phong Chân phước, việc tôn kính có tính cách giới hạn trong một vùng như Giáo phận hay Dòng tu. Nhưng với việc tôn phong hiển thánh, việc tôn kính mang tính cách phổ quát trong toàn Giáo Hội. Vào thời Trung cổ không có sự phân biệt này, chẳng hạn như trường hợp thánh Phanxicô, Thánh Đa Minh, Thánh Tôma Aquinô, Thánh Catarina thành Siena, v.v… Các ngài được tôn phong hiển thánh ngay sau khi Hồ sơ hoàn tất, mà không qua giai đoạn Chân phước.

Theo quy định hiện hành của Bộ Phong Thánh, Việc đòi buộc phép lạ trong thủ tục phong thánh được coi như dấu hiệu của trời cao xác nhận các nhân đức của ứng viên. Bộ luật cũ đòi hỏi 2 phép lạ để phong chân phước và 2 phép lạ để phong thánh; Quy định hiện hành chỉ đòi hỏi một phép lạ để phong chân phước, và thêm một phép lạ nữa để phong thánh. Thủ tục điều tra về phép lạ có thể tiến hành ngay từ khi nộp hồ sơ phong thánh. Phiên toà điều tra về phép lạ khác biệt với phiên toà về “Danh thơm, tiếng tốt về sự thánh thiện” (Fama sanctitatis). Việc điều tra về phép lạ cũng gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo phận và giai đoạn Toà thánh. Toà án giáo phận có thẩm quyền là nơi mà phép lạ xảy ra do đó khác với toà án về nhân đức, thánh thiện. Mục tiêu của việc điều tra nhằm kiểm chứng hai vấn đề này là: 1/ Nạn nhân mắc bệnh nan y, được khỏi bệnh cách khác thường; 2/ Sự lành bệnh là do lời chuyển cầu của Ứng viên là Tôi tớ Chúa, Đấng Đáng Kính hay Vị Chân Phước. Các người được gọi để lấy lời khai gồm: chính bệnh nhân, thân nhân, và nhất là các chuyên viên y khoa. Sau khi nhận được hồ sơ từ giáo phận chuyển về, Bộ Phong thánh sẽ cử hai chuyên viên y khoa nghiên cứu. Nếu là ý kiến thuận, thì Sự việc được trao cho ủy ban 5 chuyên viên duyệt xét. Sau khi được ý kiến thuận, hồ sơ được trình lên Ủy ban các nhà thần học và Hội nghị các Hồng y - Giám mục. Quyết định cuối cùng thuộc về Đức Thánh Cha, với việc ban hành Sắc lệnh công nhận phép lạ.

 

Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

[1] Bài viết với những kiến thức được học hỏi sau Khóa Hội thảo do Bộ phong thánh tổ chức vào tháng 10 năm 2022 và dựa theo Các Văn kiện của Bộ phong thánh trên trang Web của Bộ phong thánh và theo Quyển Causa del Santi, cùng với những sự chỉ bảo tận tình của cha Ambrosio Nguyễn Văn Sỹ, Giáo sư và là Cáo Thỉnh Viên tại Rôma.

[2] Đức Thánh cha Bênêđictô XVI đã miễn chuẩn điều kiện này cho vị tiền nhiệm Gioan-Phaolô II.

https://gpbanmethuot.net/giao-ly/tien-trinh-ho-so-cho-an-phong-thanh-11870.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét