Trang

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

Mùa Chay: Các cản trở để hoán cải

 Mùa Chay: Các cản trở để hoán cải

fr.aleteia.org, Jean-Michel Castaing,  

Mùa Chay là thời gian thuận lợi cho việc hoán cải hoặc tái hoán cải. Dù vậy chúng ta gặp cám dỗ… không muốn thay đổi với các lý do rất hay ho. Các lý do dù bắt buộc hay thuận tình đều có cả hai mặt, vừa tâm lý vừa thiêng liêng.

Mùa Chay là mùa thuận lợi để hoán cải và để thay đổi một vài thói quen xấu, những thói quen trở thành bản chất thứ nhì của chúng ta. Thế mà các trở ngại được dựng lên ngay khi chúng ta muốn hoán cải! Các khó khăn nhân gấp đôi: vừa tâm lý, vừa thiêng liêng kèm theo với cả đức tin. 

Các khó khăn về mặt tâm lý

Hai khó khăn đầu tiên trên con đường trở lại là lười biếng và bắt chước. Hai thói quen này dựa lên nhau. Thói lười biếng cho rằng chẳng còn ai nghe Lời Chúa: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”, để thuyết phục chúng ta đừng thay đổi. Chúng ta theo xu hướng của thời buổi và không muốn cố gắng, chúng ta lặp đi lặp lại: “Chẳng còn tín hữu kitô nào ăn chay bây giờ!”

Một lý do tâm lý khác nằm trong lương tâm ngủ yên, rằng chúng ta rất sáng suốt. Chúng ta không còn ở trong tâm trạng người pharisêu, cho rằng các việc tốt lành mình làm là để theo đúng lề luật của Chúa. Không, bây giờ không phải là thời của những huyênh hoang kiểu người thu thuế, để vẫn tiếp tục ở trong vũng lầy các điều bất toàn của mình: “Tôi không tốt hơn người khác!” Khi kêu lên tiếng kêu này, chúng ta tự khen cho lòng chân thành, cho sự đánh tội của mình, nghĩ rằng sự sáng suốt này sẽ tránh cho mình mọi trách nhiệm, và tiếp tục sống như trước! Người thu thuế đang ngủ trong chúng ta sẽ sao chép y nguyên thái độ của người pharisêu trong nghệ thuật sống theo lương tâm ngủ yên, chẳng cần cố gắng thay đổi! 

Trí thông minh bị trì trệ

Lý do khó khăn thứ ba trong việc hoán cải của chúng ta là trí thông minh bị trì trệ. Hoán cải là công việc của ý chí. Để hành động, ý chí cần ánh sáng của trí thông minh. Mà nếu ánh sáng này không phân biệt rõ ràng tốt, xấu thì sẽ rất khó khăn cho ý chỉ để biết cái gì mình phải chạy trốn, cái gì mình cần tìm kiếm.

Vì cái xấu rất xảo quyệt, để ngăn chúng ta đi theo Chúa Kitô, nó không thúc đẩy chúng ta có lập trường dứt khoát giữa cái gì là tốt cho tâm hồn. Để vượt qua sự kiểm duyệt phán xét của chúng ta, cái xấu cần ngụy trang thành cái tốt, hướng ý chí chúng ta đi theo con đường này với lương tâm ngủ yên nhất có thể. Chính vì vậy mà ở đây cần sự giúp đỡ của trí thông minh. Nếu trí thông minh chỉ dẫn cho chúng ta hướng xấu, xem đây là các xu hướng hợp pháp cần trau dồi, chúng ta yên tâm đi theo mà lương tâm không áy náy, thì việc hoán cải của chúng ta sẽ chậm trễ.

Gắn kết vào Chúa Kitô

Các khó khăn do thiếu đức tin trong việc cố gắng hoán cải cũng không phải là kém quan trọng hơn các lý do trên. Về điểm này, trở ngại đầu tiên phải vượt lên là đừng quên ơn Chúa, chỉ có ơn Chúa mới làm chúng ta tin vào Tin Mừng và hành động theo đó. Thật vô ích khi muốn thay đổi cuộc sống của mình bằng sức mạnh của chính mình. Hoán cải cần khiêm tốn, trí thông minh và ý chí. Ý chí nói: “Tôi quyết định.” Trí thông minh nói: “Chỉ có sức mạnh của Chúa mới loại bỏ các rỉ sét trong thói quen của chúng ta.” Lòng khiêm tốn lên tiếng: “Do đó tôi xin Chúa giúp đỡ tôi!”

Hoán cải để làm theo ý Chúa thì dễ với tín hữu kitô hơn vì họ được ghép vào nhiệm thể Chúa Kitô, Đấng hoàn toàn vâng lời Chúa Cha, và người đồ đệ của Chúa Kitô nhận được tính vâng lời này từ Ngài. Vì Chúa Kitô không những chỉ là gương mẫu, Ngài là sự sống nếu chúng ta ở trong Ngài, và Ngài ở trong chúng ta (Ga, 6, 56) nhất là qua Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu đã vâng lời cho chúng ta, cho chúng ta đức tính vâng lời của Ngài, để chúng ta làm theo ý Chúa với tình yêu và lòng sốt mến như chính Ngài đã làm trong cuộc đời trần thế của Ngài. Vì thế sự hoán cải của chúng ta sẽ được dễ dàng nếu chúng ta quyết tâm gắn bó vào Chúa Kitô.

Trong sự hiệp thông với các thánh

Một trở ngại khác cho việc hoán cải là chúng ta thiếu phân định về tầm quan trọng các hành động của mình. Sự hoán cải của chúng ta không phải chỉ có tác động riêng cho cuộc đời nhỏ bé của chúng ta. Nó liên hệ đến toàn Giáo hội và qua Giáo hội đến toàn thế giới nói chung. Chúng ta chỉ chú trọng đến tâm thức cá nhân. Sự thiếu lòng tin của chúng ta ngăn không cho chúng ta thấy, một hành động dù tốt, dù xấu đều có thể có tác động trên thế giới. Thánh Gioan Thánh giá đã nói: “Một tư tưởng cao cả nâng cao thế giới.”

Hoán cải, đó là làm Giáo hội lớn lên. Vì thế chúng ta cần có lòng tin vào huyền ấn hiệp thông các thánh, để đừng chỉ lo cho chính mình! Chúa Giêsu nói về những người bị chết ở tháp Si-lô-ác: “Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13,3), Ngài không muốn nói Chúa sẽ phạt chúng ta, nhưng Ngài cảnh báo nếu chúng ta không hoán cải, toàn nhiệm thể của Chúa Kitô sẽ cảm nhận điều này. Các hành động của chúng ta là các yếu tố vượt ra khỏi chu vi cuộc sống cá nhân của mình. Như thế hoán cải không phải là vấn đề đạo đức cá nhân, nhưng nhất là một cam kết cho tình yêu. Nếu chúng ta có nhiều cản trở thì lý do tình yêu sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta quyết tâm đối diện với các trở ngại này nhiều hơn.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2019/03/25/mua-chay-cac-can-tro-de-hoan-cai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét