2013-2023: 10 cử chỉ của Đức Phanxicô làm sáng tỏ triều giáo hoàng của ngài
cath.ch, I.Media,
Ngày 11 tháng 4 năm 2019, Đức Phanxicô đã làm thế giới ngạc nhiên khi ngài quỳ xuống trước hai nhà lãnh đạo của Nam Sudan |và hôn chân họ. Một trong những hành vi mạnh nhất triều giáo hoàng của ngài | © Truyền thông Vatican
Đức Phanxicô đã đánh dấu trong tâm trí mọi người ngay từ những giờ đầu tiên triều giáo hoàng của ngài qua cử chỉ và lời nói của ngài. Nhân dịp Đức Phanxicô chuẩn bị mừng kỷ niệm 10 năm ngài ở ngai Thánh Phêrô, hãng tin I.Media chọn 10 cử chỉ đặc biệt làm sáng tỏ triều của giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử.
1. Đức Phanxicô nghiêng mình trước giáo dân buổi tối được bầu chọn (13 tháng 3 năm 2013)
Tân giáo hoàng vừa xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô và phong cách của ngài khác với các vị tiền nhiệm. Trong chiếc áo chùng đơn sơ, giáo hoàng Argentina đã xin một lời xin khác thường: “Xin anh chị em cầu nguyện để Chúa chúc lành cho tôi.” Hành động phù hợp với lời nói, ngài cúi mình trước hàng trăm ngàn người đang ở Quảng trường Thánh Phêrô và trên con đường della Conciliazione. Trong khoảng mười lăm giây, im lặng bao trùm buổi tối lịch sử này. Tám năm trước đó, Đức Bênêđictô XVI đã in trong tâm trí giáo dân khi ngài giới thiệu mình là “người đầy tớ khiêm nhường trong vườn nho của Chúa”. Người kế vị ngài cũng làm như vậy, theo cách của mình.
2.Hoa ném xuống biển cho người di cư bị chết đuối ở bờ biển Lampedusa nước Ý (8 tháng 7 năm 2013)
Chỉ mới vài tháng ở ngôi Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đi chuyến đi đầu tiên của ngài đến hòn đảo nhỏ Lampedusa nước Ý để “khóc cho những người di cư chết” trên biển khi họ đi tìm một tương lai tươi sáng. Hướng về biển, sau phút cầu nguyện, ngài ném vòng hoa tưởng niệm hàng ngàn người đã chết trên biển Địa Trung Hải, vùng biển đã trở thành “nghĩa trang khổng lồ” với cuộc khủng hoảng từ năm 2014 đến năm 2020. Theo con số của Liên Hiệp Quốc, đã có hơn 20.000 người di cư chết ở biển Địa Trung Hải.
Đức Phanxicô ném vòng hoa xuống biển ở ngoài khơi đảo Lampedusa của Ý, để tưởng nhớ hàng trăm người di cư từ châu Phi đã chết khi họ cố gắng vượt Địa Trung Hải | © Truyền thông Vatican
3. Đức Phanxicô xưng tội trước giáo dân (28 tháng 3 năm 2014)
Rõ ràng là không có trong chương trình. Theo nghi lễ hướng dẫn tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Phanxicô sẽ được hướng dẫn để bước vào tòa và giải tội cho các tín hữu. Nhưng thay vì theo chương trình, ngài đến một tòa giải tội khác, có linh mục đang chờ giải tội cho giáo dân. Trong vài phút, và lần đầu tiên trong lịch sử, máy ảnh và các nhiếp ảnh gia lưu lại cảnh một giáo hoàng bất ngờ đi xưng tội. Mục tiêu rõ ràng: khuyến khích người công giáo cảm nhận lại bí tích này, trong đó Giáo hội dạy Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi. Cũng trong bối cảnh này, năm sau ngài khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Trong vài phút, và lần đầu tiên trong lịch sử, máy ảnh và các nhiếp ảnh gia đã lưu lại cảnh một giáo hoàng đi xưng tội | KTO
4.Vòng ôm của giáo hoàng và thượng phụ Kyrill Nga tại Cuba (ngày 12 tháng 2 năm 2016)
Gần một ngàn năm sau cuộc Đại ly giáo năm 1054, lần đầu tiên người đứng đầu Giáo hội công giáo gặp thượng phụ chính thống giáo Matxcova. Cuộc gặp lịch sử đã diễn ra tại phi trường Cuba đánh dấu quan hệ được sưởi ấm giữa hai Giáo hội. Trước cây thánh giá lớn theo phong cách Byzantin, hai lãnh đạo tôn giáo ôm nhau, hôn lên má nhau. Mối quan hệ chậm trễ của hai Giáo hội đã bị gián đoạn một cách tàn nhẫn với cuộc chiến ở Ukraine. Những bất đồng do xung đột xảy ra khi Đức Phanxicô xin thượng phụ Kyrill đừng làm “người giúp lễ cho tổng thống Putin”.
Đức thượng phụ Kyrill và Đức Phanxicô Phanxicô gặp nhau tại Havana, ngày 12 tháng 2 năm 2016 (Ảnh CTV)
5. Đức Phanxicô đưa 12 người tị nạn từ Lesbos, Hy Lạp về Rôma theo ngài (ngày 16 tháng 4 năm 2016)
“Tất cả chúng ta đều là người nhập cư”. Tháng 4 năm 2016, Đức Phanxicô muốn thúc đẩy lương tâm người châu Âu. Khi Địa Trung Hải vẫn là nơi xảy ra các thảm kịch của con người và hàng ngàn người tị nạn đang ở trong các trung tâm mà Đức Phanxicô tố cáo đó là các “trại tập trung”. Cùng với thượng phụ Bartholomew của Constantinople và tổng giám mục chính thống giáo Ieronymos của Athens và toàn bộ Hy Lạp, ngài lên đường thăm trại tị nạn Lesbos ở Hy Lạp. Và khi về Rôma, ngài đã bất ngờ đem theo 12 người nhập cư lên máy bay với ngài, trong đó có 6 trẻ em. Ba gia đình hồi giáo đến từ Syria.
6. Đức Phanxicô hôn Đại Imam của Al-Azhar (ngày 4 tháng 2 năm 2019)
Đây không phải là lần đầu tiên hai người ôm hôn. Nhưng lần ở Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019, Bán đảo Ả Rập mang tính lịch sử.
Từ vài tháng trước, Đức Phanxicô và Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb của viện Al-Azhar đã chuẩn bị một tuyên bố về Tình huynh đệ Nhân loại. 800 năm sau cuộc gặp giữa Thánh Phanxicô Assisi và Sultan al-Malik al-Kamil, hai nhà lãnh đạo tôn giáo gặp nhau để ký một văn bản ủng hộ hòa bình và lên án những biện minh cho bạo lực nhân danh Chúa. Một hành động mạnh mẽ diễn ra vào cuối thập kỷ được đánh dấu đặc biệt bằng bạo lực của Nhà nước hồi giáo cực đoan Daesh. Tháng 3 năm 2021, Đức Phanxicô sẽ gặp tại Iraq với thẩm quyền tinh thần lớn nhất của người hồi giáo Shia, Đại giáo sĩ Ayatollah Ali al-Sistani.
Tại Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019, Đức Phanxicô đã ký văn kiện về tình huynh đệ nhân loại với Ahmed Al-Tayeb, Đại Imam của Viện Al-Azhar | © dpa Gehad Hamdy/Keystone
7. Đức Phanxicô quỳ gối cho hòa bình ở Nam Sudan (11 tháng 4 năm 2019)
Đức Phanxicô đã quỳ gối trước hai nhà lãnh đạo Nam Sudan, hôn chân họ để xin họ tái lập hòa bình cho đất nước họ. Hình ảnh phi thường này truyền đi khắp thế giới. Bằng hành động gây ngạc nhiên với cả những người thân cận nhất của ngài, Đức Phanxicô đã làm nổi bật tình trạng bi đát của một quốc gia chỉ biết chiến tranh kể từ khi được thành lập năm 2011. Sau cử chỉ này, tháng 2 năm 2023, ngài đã đi Nam Sudan cùng với tổng Giám mục Canterbury Justin Welby và ông Iain Greenshields, người điều hành Giáo hội Scotland để nhắc lại lời kêu gọi hòa bình.
8. Đức Phanxicô làm phép Quảng trường Thánh Phêrô thời Covid-19 (ngày 27 tháng 3 năm 2020)
Đây là hình ảnh sẽ có thể đi vào lịch sử. Ngày 27 tháng 3 năm 2020, khi phần lớn thế giới bị cách ly và tiếng chuông các nhà thờ ở Rome ngân vang, một mình, Đức Phanxicô đến Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ trong cơn mưa tầm tã. Hàng triệu người ngồi trước màn hình để xem nhìn cảnh ngài ban phép lành Urbi et orbi, ‘cho thành phố và cho thế giới’ trong bầu khí như ngày cuối của thế giới. Vài ngày trước đó, ngài đã thánh hiến thành phố Rôma cho Đức Trinh Nữ Maria, khi nước Ý bị tác động mạnh của một con virus chưa biết nguồn gốc và khi các dịch vụ y tế tại đây bị tràn ngập.
Hàng triệu người ngồi trước màn hình để xem ngài ban phép lành Urbi et orbi, ‘cho thành phố và cho thế giới’ trong bầu khí như ngày cuối của thế giới.
9. Đức Phanxicô đến sứ quán Nga (25 tháng 2 năm 2022)
Đây là một hành động chưa từng có mà Đức Phanxicô đã làm ngay ngày hôm sau Nga xâm lược Ukraine. Ngày thứ sáu 25 tháng 2, ngài quyết định thân chinh đến sứ quán Nga tại Tòa thánh để gặp đại sứ Nga. Sau này ngài kể lại: “Đó là quyết định sau một đêm canh thức nghĩ về Ukraine. Trong ưu tư tuyệt đối là làm một cái gì để không còn ai bị chết ở Ukraine.”
Ngài sẽ tiếp tục có những hành động khác trong suốt cả năm. Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 6 tháng 4, ngài đã hôn lá cờ Ukraine ngài vừa nhận từ thị trấn Boutcha. Ở đó, những xác chết, một số bị trói tay sau lưng được phát hiện sau khi quân đội Nga rút lui.
Đức Phanxicô rời sứ quán Nga sáng thứ sáu 25 tháng 2 năm 2022 | DR
10. Đức Phanxicô tiễn linh cữu Đức Bênêđictô XVI (ngày 5 tháng 1 năm 2023)
Hình ảnh chưa từng có trong lịch sử vì chưa bao giờ có một giáo hoàng tại vị chôn cất người tiền nhiệm của mình. Tại Quảng trường Thánh Phêrô, khi tang lễ vừa kết thúc, Đức Phanxicô đã đi vào. Nhưng sau vài bước đi về phía Đền thờ Thánh Phêrô, ngài quay lại trước quan tài của Đức Bênêđictô XVI. Đầu tiên ngài làm phép, sau đó, ngài đặt tay phải lên chiếc quan tài bằng gỗ bách và cúi đầu. “Bênêđictô, người bạn trung thành của Hôn Phu, ước gì niềm vui của anh được trọn vẹn khi anh nghe tiếng nói của Chúa Cha, dứt khoát và mãi mãi!”, đó là lời cầu nguyện ngài dành cho vị tiền nhiệm khi ngài kết thúc bài giảng ngài đọc vài phút trước đó.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2023/03/13/2013-2023-10-cu-chi-cua-duc-phanxico-lam-sang-to-trieu-giao-hoang-cua-ngai/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét