Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Mười năm triều Đức Phanxicô: ba thách thức còn chờ ngài

 Mười năm triều Đức Phanxicô: ba thách thức còn chờ ngài

Ngày 13 tháng 3 năm 2023, kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng Phanxicô, nhiều thách thức còn chờ ngài trong hai năm tới. Chúng tôi nhận ra còn ba thách thức mang tính quyết định cho phần còn lại của triều giáo hoàng của ngài.

lepelerin.com, Christophe Chaland, 2023-03-08

Thượng hội đồng hiệp hành liên quan đến đời sống Giáo hội là công việc thiết thân của Đức Phanxicô, để tất cả những ai đã được rửa tội – giáo sĩ và giáo dân – đều có tiếng nói của họ trong Giáo hội.

Thành công với Thượng hội đồng

Khi thành lập Thượng hội đồng hiệp hành năm 2021 (nhằm đánh giá sự tham gia của các tín hữu vào đời sống của Giáo hội), Đức Phanxicô đã đặt cho ngài một mục tiêu: làm cho Giáo hội công giáo của thế kỷ 21 thích nghi với sứ mệnh của mình. Và một chân trời được ngắm đến: đầu năm 2025. Sau cuộc tham vấn dành cho tất cả mọi người (hơn 150.000 người tham gia ở Pháp), các cuộc họp của các đại biểu giáo dân, linh mục và giám mục đang tiếp tục ở cấp độ châu lục.

Một cuộc họp chung của thượng hội đồng giám mục sẽ được tổ chức tại Vatican vào mùa thu năm 2023, sau đó là cuộc họp thứ hai vào mùa thu năm 2024, trước khi có tông huấn hậu thượng hội đồng đầu năm 2025. Quy mô của tiến trình tạo những mong chờ mạnh nhưng lại tương phản theo từng vùng văn hóa. Tùy viên nhật báo La Croix Frédéric Mounier ở Rôma từ năm 2009 đến năm 2013 nhấn mạnh: “Thượng hội đồng quy tụ những chống đối chống lại ngài; sự kiên trì của Đức Phanxicô đối với “chức tư tế chung của những người đã được rửa tội” làm giảm giá trị vai trò của linh mục, vì thế đã làm cho những người công giáo bảo thủ không chịu được, vì theo họ, linh mục là người thông hiểu mọi mặt, là thiêng liêng, một khái niệm có từ Công đồng Trent từ thế kỷ 16.”  Chống lại những người thấy trong tính đồng nghị một lệch lạc kiểu tin lành của Giáo hội công giáo, trên mô hình của một tham gia dân chủ thì giáo hoàng Dòng Tên không từ bỏ chức vụ của người đảm bảo cho giáo điều, trong sự hiệp thông với các giám mục.

Ngài tham vấn, phân định, rồi quyết định. Một mình. Nếu chúng ta thấy ngài có thể tàn nhẫn trong việc quản trị, thì ở đây ngài lại rất khéo léo trong việc cải cách qua những những chi tiết nhỏ, không làm lung lay tòa nhà giáo điều của Giáo hội, nhà báo Mounier nhận xét: “Trên thực tế, trong vấn đề quản trị, Đức Phanxicô đã tách đặc quyền của thứ trật (liên quan đến chức thánh của linh mục) bằng cách quy định trong hiến pháp mới quản lý giáo triều Rôma, bất kỳ tín hữu nào cũng có thể đứng đầu một thánh bộ.” Một phát triển quan trọng cho phép bổ nhiệm giáo dân nam nữ vào các chức vụ cho đến nay vẫn dành cho các giám mục. Vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, ngài sẽ 88 tuổi vào ngày 17 tháng 12 năm 2024 – ngài sẽ đưa ra những quyết định mà ngài đã phân định.

Đương đầu với khủng hoảng của các vụ lạm dụng

Trên mặt trận lạm dụng tình dục, không có dấu hiệu tạm lắng. Vụ tai tiếng mới nhất của tu sĩ Dòng Tên người Slovenia Marko Rupnik, một nghệ sĩ bị khoảng 20 nữ tu buộc tội đã lan sang cả giáo hoàng. Tháng 3 năm 2020, linh mục Rupnik đã giảng bài suy niệm Mùa Chay ở Vatican, trong khi đầu năm 2018, Dòng Tên đã nhận khiếu nại chống lại linh mục. Trên lãnh vực này, các cuộc điều tra độc lập đã được thực hiện, gần đây là ở Bồ Đào Nha, họ xác nhận khía cạnh kinh niên của tai họa. Nhưng đó là vấn đề đã không được đề cập đến ở các Giáo hội châu Phi, châu Á và ngay cả chính Hội đồng Giám mục Ý cũng không muốn có một cuộc điều tra, vì họ sợ bị ảnh hưởng như kết luận của báo cáo Ciase (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp), được Hội đồng Giám mục Pháp ủy thác làm. Vì báo cáo Ciase đã đưa ra khía cạnh “hệ thống” của các vụ lạm dụng: tội ác không chỉ là việc của những cá nhân riêng lẻ, nó được thuận lợi qua cách hoạt động của chính quyền giáo hội.

Đức Phanxicô nghĩ gì? Bà Marie-Jo Thiel, thần học gia và là chuyên gia về chủ đề này, đã được Đức Phanxicô tiếp ngày  13 tháng 2, bà nói với báo Le Pèlerin: “Tôi đã giải thích cho ngài hiểu phân tích của ủy ban Ciase và ý nghĩa của công việc này trong việc giải quyết các vụ lạm dụng, để ngăn chặn chúng, kể cả thông qua các công việc của thần học. Ngài đánh giá cao bản chất công việc được thực hiện ở Pháp về các vụ lạm dụng.”

Ngay từ năm 2018, ngài đã chỉ ra chủ nghĩa giáo quyền là nguyên nhân của tội lỗi. Bây giờ ngài đang khắc phục điều này qua việc thực thi tính đồng nghị, bằng cách khuyến khích giáo dân lên tiếng. Bà Thiel lưu ý: “Tuy nhiên, kết quả của cuộc tham vấn hiện tại, chính xác đưa ra ánh sáng những yếu tố đã đè nặng một cách có hệ thống trong cuộc khủng hoảng lạm dụng hiện nay. Và điều mà dân Chúa xem là những rối loạn chức năng chính: không đủ chỗ cho phụ nữ trong Giáo hội, một đạo đức tình dục quá chuẩn mực không tính đến kinh nghiệm của các cặp vợ chồng và nạn kỳ thị những người đồng tính, việc cai trị hầu như chỉ nằm trong tay của các giáo sĩ và không có tách biệt giữa ba quyền (lập pháp, tư pháp và hành pháp), thiếu minh bạch… thái độ ngăn ngừa là quan trọng, nhưng chưa đủ. Không nên tránh công việc thần học, đạo đức và mục vụ.” Sau báo cáo Ciase ở Pháp, kinh nghiệm của các nhóm làm việc liên quan đến giáo dân, linh mục và giám mục là đáng khích lệ. Nhưng trong tình hình hiện tại, chính các giám mục mới quyết định và đưa ra biện pháp.


Tăng cường sự hiệp thông trong công giáo

Phong cách phát biểu tự do, phong cách quản trị của ngài không làm hài lòng những người bảo thủ nhất, họ còn hoài cổ về Đức Bênêđictô XVI, về Thánh Gioan-Phaolô II. Một nhóm nhỏ các hồng y thường xuyên lên tiếng phản đối các quyết định của ngài: việc cho người ly dị tái hôn rước lễ tùy theo từng hoàn cảnh, khoan dung với các nghi thức bị xem là lương dân ở Nam Mỹ, hạn chế cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền công đồng, tính đồng nghị…, những lời được đón nhận nồng nhiệt ở Hoa Kỳ, nơi Đức Phanxicô đã làm khó chịu khi ngài công kích nền kinh tế tự do. Mặt khác, ở Đức, “con đường đồng nghị” – một công thức ít ràng buộc về mặt giáo luật so với một thượng hội đồng – đã làm Rôma lo lắng vì các đề xuất của họ nhằm mở rộng Giáo hội hơn cho xã hội.

Mặt khác, những câu hỏi của một thành phần ở phương Tây cho là cấp bách – quản trị, vị trí của phụ nữ, sự đồng trách nhiệm của giáo dân hay sự hòa nhập của những người đồng tính – lại không nảy sinh, hoặc không nói cùng một thuật ngữ ở châu Phi, châu Á hay thậm chí ở Đông Âu. Nhưng ngày nay, không có cuộc ly giáo nào đe dọa Giáo hội hơn là cuộc ly giáo ngấm ngầm của những người rời bỏ Giáo hội.

Chúa Thánh Thần nói gì với Giáo hội? Chắc chắn, người kế vị thánh Phêrô, một tu sĩ Dòng Tên được đào tạo về ý thức chính trị và phân định thiêng liêng, sẽ dốc hết sức lực cuối cùng của ngài để đặt Giáo hội vào vị trí loan báo Chúa Kitô trong thế giới ngày nay.

Chương trình nghị sự của Đức Phanxicô

Năm 2023

Từ 28 đến 30-4: đi Hung-ga-ri.

Từ ngày 1 đến 6 tháng 8: dự Ngày Thế Giới Trẻ ở Lisbon, Bồ Đào Nha.

23 tháng 9: đi Marseilles, nước Pháp

Từ 4 đến 20 tháng 10: đại hội thường kỳ của Thượng hội đồng giám mục trong khuôn khổ Thượng hội đồng hiệp hành.

Năm 2024

Mùa thu: bế mạc Thượng hội đồng hiệp hành.

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/03/18/muoi-nam-trieu-duc-phanxico-ba-thach-thuc-con-cho-ngai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét