Mười năm của Đức Phanxicô: một giáo hoàng trở thành nhà tiên tri về nhân phẩm
Chúng ta đánh giá mọi thứ qua cái sàng lọc theo quan điểm chính trị riêng của chúng ta, đến mức chúng ta đòi hỏi giáo hoàng chỉ nói những gì có thể hữu ích cho lợi ích ý thức hệ của chính chúng ta.
lanacion.com, Victor Manuel Fernández, 2023-03-12
Đức Phanxicô và tổng giám mục Victor Manuel Fernándenăm 2016 tại Vatican.
Đức Phanxicô được bầu ngày 13 tháng 3 năm 2013. Ngài đã làm sáng rõ chức vụ giáo hoàng, làm cho chức vụ này trở nên đơn giản, gần gũi, ở tầm tay với một ngôn ngữ mọi người có thể hiểu. Ngài đặt vào đó sự huyền bí của tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ, nhưng cuối cùng ngài lại loại bỏ tất cả hào quang của bí ẩn, của điều hiếm có và sức mạnh của không thể tiếp cận. Sẽ có người nói đây là hành động tự sát, vì theo cách này, ngài để mình lộ ra cách trực diện, bị những người công giáo không đồng ý với ngài bêu rếu trên blog của họ. Thậm chí họ còn xem ngài là kẻ dị giáo hoặc một ngụy giáo hoàng. Nhưng những người lên án ngài là kẻ dị giáo thì đồng thời họ lại yêu cầu ngài lên án các giám mục và các nhà thần học vì một số “lỗi lầm học thuyết” của họ, điều mà ngài không làm. Họ không chấp nhận giáo hoàng mất đi đặc tính quan tòa toàn năng và kiểm soát. Tệ hơn ngài lại nói: “Tôi là ai mà phán xét?”
Với lối sống gần gũi, giản dị, tự do phát biểu ý kiến và không quá coi trọng ý kiến của mình, ngài đã đưa triều giáo hoàng của ngài đến gần với sự giản dị của giáo hoàng tiên khởi Phêrô, người đánh cá xứ Galilêa. Chúng ta không thể phủ nhận, điều này liên quan đến đất nước Argentina đã nuôi dưỡng ngài. Hầu hết người Argentina đều không muốn tiết lộ danh hiệu quý tộc, chúng tôi không thích người nào cho mình có quyền lực hoặc biết tất cả, chúng tôi thích đối xử đơn giản, người bạn cùng chia sẻ, tự do ngôn luận.
Dấu ấn về người nhập cư cũng rất Argentina, và Đức Bergoglio ẩn chứa một tinh thần của người vùng Piedmont nước Ý, những con người rất chăm chỉ, cần cù, kiên trì. Ngài dậy sớm, ít nghỉ ngơi, không bị ám ảnh bởi việc phải chiều lòng ai, có lối sống đạm bạc và hướng đến những mục tiêu lớn. Đó là lý do vì sao ngài nói, “không có sỉ nhục nào tệ hơn sỉ nhục tước đi phẩm giá của công việc.” Thật lạ lùng, làm sao người ta lại làm méo mó lời dạy của ngài, đến mức cho rằng ngài khuyến khích lười biếng.
Vì thế chúng tôi đã đi đến một thảm kịch lớn của quê hương chúng tôi, đặc biệt là trong thập kỷ vừa qua: ném mọi thứ vào cơn lốc đang nuốt chửng vết nứt. Chúng tôi đánh giá mọi thứ qua cái sàng lọc theo quan điểm chính trị riêng của chúng tôi, đến mức chúng tôi đòi hỏi giáo hoàng chỉ nói những gì có thể hữu ích cho lợi ích ý thức hệ của chính chúng tôi. Nếu không thì hạ ngài xuống. Đó là một trong những lý do vì sao chuyến đi của ngài về đất nước chúng tôi và những nước khác có tình trạng như thế, chẳng hạn nước Tây Ban Nha sẽ thành khó khăn.
Đức Phanxicô, người không ngừng nói về một Thiên Chúa yêu thương và chờ đợi, một Chúa Kitô cứu độ và luôn ban cho chúng ta cơ hội mới, chính vì lý do này ngài đã trở thành ngôn sứ của phẩm giá con người. Có lẽ đây là chủ đề chính trong thông điệp của ngài: phẩm giá đó, vượt lên mọi hoàn cảnh, vì mỗi con người đều có giá trị vô hạn vì tình yêu bao la của Thiên Chúa đã nâng đỡ họ. Ngài bảo vệ những người nhập cư, kêu gọi có một cuộc sống đàng hoàng cho các tù nhân, hủy án tử hình, lên tiếng cho những người bị bỏ rơi và sống bên lề, những vấn đề không công bằng về mặt chính trị và đụng chạm đến một số lợi ích.
Như chúng ta biết, lời nói của ngài luôn đi đôi với hành động: chuyến đi đầu tiên của ngài là đến đảo Lampedusa với người tị nạn, ngài ăn trưa với người vô gia cư ở Rôma, ngài gọi điện thoại cho những người bị lãng quên, ngài đến các quốc gia ít ai biết đến, tất cả để nói: ở đâu có người bị lãng quên hay bị khinh miệt, ở đó có kho báu, và tôi muốn đến đó.
Nếu có một bà mẹ tuyệt vọng, chạy trốn khỏi nạn bóc lột tình dục và đau khổ trên chiếc bè với ba đứa con trên lưng, thì có hợp lý khi đòi hỏi Đức Phanxicô gởi phụ nữ đó trở lại vùng đất của bà, để bảo vệ cho một chính sách chống nhập cư, thậm chí còn hơn thế, lên án người nhập cư nghèo khổ chỉ vì họ sinh ở biên giới bên kia không? Liệu có hợp lý với ngài, khi tống tất cả tù nhân vào chân tường, đặc biệt khi họ là người da đen không? Hoặc yêu cầu ngài trục xuất gia đình có con nhỏ đã có được căn phòng nhỏ có chăn đắp trong mùa đông không?
Ngược lại, chúng ta nghe ngài lên án những kẻ buôn người, họ lạnh lùng ném xác người di dân xuống biển, hay kẻ côn đồ trục lợi từ việc chiếm đoạt đất đai. Nhưng cho rằng ngài bỏ thì giờ để bảo vệ những người mạnh sẽ là vô ích. Tốt hơn chúng ta chấp nhận con người thật của ngài, chúng ta cố gắng thu thập lời và chứng từ tốt đẹp của ngài, nhờ đó chúng ta sẽ luôn có ký ức trìu mến chúng ta đã có một giáo hoàng người Argentina. Chúng ta sẽ cảm thấy chính tiếng nói của chúng ta đã vang lên trong thế giới đen tối, bạo lực và ích kỷ này, mời gọi chúng ta ngẩng đầu lên để nhận ra người khác.
Xin chúc mừng 10 năm người cha già thân yêu của chúng con!
Tổng giám mục Victor Manuel Fernández, giáo phận La Plata, Bang Buenos Aires, Argentina.
Marta An Nguyễn dịch
http://phanxico.vn/2023/03/14/muoi-nam-cua-duc-phanxico-mot-giao-hoang-tro-thanh-nha-tien-tri-ve-nhan-pham/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét