Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

Văn phòng của các giáo hoàng như thế nào?

 Văn phòng của các giáo hoàng như thế nào?

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023

fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2023-03-03



Bàn giấy của Đức Phanxicô với tượng Thánh Giuse.  VaticanMedia-Foto/CPP/CIRIC

Nơi ngồi viết, ngồi đọc, ngồi suy ngẫm và cầu nguyện có một linh hồn sâu thẳm. Khám phá vũ trụ thân mật của ba giáo hoàng gần đây: Phanxicô, Bênêđictô XVI và Gioan-Phaolô II. Có khi nào chúng ta nghĩ chúng ta sẽ bước vào văn phòng của ba giáo hoàng khi họ đang viết thông điệp, đang đọc thư từ khắp nơi trên thế giới gởi về, khi đang trầm tư về những quyết định sẽ đưa ra, hoặc khi đang suy nghĩ về sứ mệnh được giao phó cho họ? Nhưng không vì thế mà quên liếc mắt nhìn các đồ vật, các kỷ niệm, các hình ảnh trong suốt thời gian sứ vụ của họ. Ba giáo hoàng, ba phong cách, ba cá tính.

Đức Gioan-Phaolô II, Chúa Kitô cụt tay và  Cha Padre Pio và hoa huệ chuông

Văn phòng của Đức Gioan-Phaolô II ở tầng ba của dinh tông tòa. Chính từ đây, từ cửa sổ, giáo hoàng Ba Lan được bầu ngày 16 tháng 10 năm 1978 đã đọc kinh Truyền tin và chia sẻ tâm tư với giáo dân tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày chúa nhật. Không có gì lộng lẫy như bên trong dinh: ở đây chỉ có một thư viện với rất nhiều sách và chiếc bàn có những vết trầy xước nhỏ ở hai bên. Đây là nơi Đức Gioan-Phaolô II làm việc hàng ngày.



Đức Gioan Phaolô II trong văn phòng riêng của ngài ở dinh tông tòa trong những năm 1990. Fondation Jean Paul II

Trên một cái kệ kê sát tường là hai chiếc điện thoại xoay, giống như những chiếc điện thoại trong các bộ phim của những năm 1960 và 1970. Trên bàn là hai bức ảnh, một của Cha Padre Pio và một của hồng y người Ba Lan Adam Sapieha. Bên cạnh là tượng Chúa Kitô và Đức Maria với Chúa Giêsu Hài Đồng.

Ngoài ra còn có ảnh của Đức Mẹ Jasna Góra và ảnh của hai thánh người Ba Lan: Maximilian Kolbe và Rafał Kalinowski.

Mieczyslaw Mokrzycki, giám mục thư ký riêng thứ hai của Đức Gioan-Phaolô II viết trong cuốn sách của ngài: “Khi giáo hoàng bắt đầu làm việc, ngài để trước mặt tượng Chúa Kitô cụt tay. Đó là món quà từ một nhà thờ bị phá hủy ở một trong những ngôi làng Nam Tư cũ.” Bên cạnh là tượng Đức Mẹ Kazan nổi tiếng của Nga. Ngoài ra còn có ảnh Đức Mẹ Jasna Góra, biểu tượng của Ba Lan, và ảnh của hai thánh Ba Lan: Maximilian Kolbe và Rafał Kalinowski.

Giám mục Mokrzycki nhớ lại: “Đây là nơi thinh lặng và yên bình, nơi tươi mát. Ngài thích không khí trong lành, ngài thích để cửa sổ  mở, cả khi trời lạnh. Thêm nữa, căn phòng như mùa xuân, vì lúc nào trên bàn làm việc của ngài cũng có hoa. Thường là những bó hoa nhỏ, mỗi mùa xuân, các nữ tu mang hoa huệ chưông hái ở vườn của các nữ tu Ursuline. Ngoài ra còn có một bức tượng lớn Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Một tượng gỗ cũ nằm trên hòn đá nhỏ ở góc văn phòng. Ngài thường dừng lại để hôn tượng.”

Đức Bênêđictô XVI, ký ức quê hương Bavaria và những cây bút chì

Đức Bênêđictô XVI qua đời ngày 31 tháng 12 năm 2022. Thật ấn tượng khi nhìn văn phòng làm việc của ngài ở đan viện Mẹ Giáo hội, nơi ngài làm việc cho đến những tháng cuối đời. Dù trong những tháng cuối đời ngài đã mất nhiều thể lực, nhưng tâm trí của của ngài vẫn minh mẫn cho đến cuối đời.



Văn phòng của Đức Bênêđictô XVI tại đan viện Mẹ Giáo hội năm  2019. Ảnh chụp màn hình Bayerischer Rundfunk

Ngài giữ thời khóa biểu làm việt rất nghiêm túc, ngài dành cho công việc trí óc một vị trí rất quan trọng. Sau thánh lễ lúc 7:30 sáng tại nhà nguyện đan viện, nơi ngài sống kể từ ngày ngài từ nhiệm 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđictô XVI ở phần lớn thời gian của ngài trong văn phòng chất đầy sách và đồ lưu niệm. Trong một bộ phim tài liệu do đài truyền hình bang Bavaria Bayerischer Rundfunk thực hiện năm 2019, nhìn văn phòng ngài làm việc trong 65 năm, ngài nói, ‘nó đã đi một chặng đường dài với tôi’. Và ngài thích thú tiết lộ ngài có một đường dây điện thoại an toàn, có từ thời thành phố Munich, ở Đức, là mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố.

Trên bàn làm việc của ngài là cây thánh giá, ảnh Đức Mẹ và ảnh của gia đình, cha mẹ và anh chị em.

Trên bàn làm việc là cây thánh giá, tượng Đức Mẹ với Chúa Giêsu Hài Đồng, tượng Thánh Giuse, một cây nến nhỏ, một bó hoa, ảnh cha mẹ và anh chị em, có bức ảnh của người chị Marie yêu quý. Cách đó không xa, hai bức tranh các Thánh ngài tôn kính: Thánh Biển Đức và Thánh Âugutinô ngài được tặng năm 1977 khi ngài còn là tổng giám mục giáo phận München và Freising. Bên cạnh chiếc ghế bành của ngài là món quà lưu niệm từ quê hương Bavaria: một chiếc bánh nhiều gia vị của quê hương Bavaria mà các hàng chữ được viết bằng sương giá ‘Không đâu bằng quê hương, Dahoam is Dahoam.’ Ngài nói trong một bộ phim tài liệu: “Tôi còn gắn bó với quê hương Bavaria, mỗi đêm tôi phó thác quê hương tôi cho Chúa.”

Khi còn là giáo hoàng, ngài rất thích làm việc trong văn phòng của dinh thự Castel Gandolfo, nơi nghỉ mùa hè của các giáo hoàng  không xa Rôma. Trên thực tế, Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng cuối cùng tận dụng dinh thự này, vì Đức Phanxicô chưa bao giờ ở đây, bây giờ dinh thự đã thành làng Laudato si. Giống như Đức Gioan-Phaolô II tiền nhiệm của ngài, Đức Bênêđictô XVI thích ở đây mùa hè để cầu nguyện, làm việc trong yên bình nhìn ra cảnh trí huy hoàng. Qua các bức hình, chúng ta thấy trên bàn làm việc của ngài có một chiếc túi da nhỏ đã sờn, đó là chiếc hộp đựng bút và bút chì, rất giống với hộp bút chì của học sinh, ngài chưa bao giờ rời nó.

Dù ngài đã có máy tính xách tay sau khi bị gãy cổ tay tháng 7 năm 2009, nhưng ngài không quen dùng máy tính. Đó là điều mà linh mục Lombardi, cựu phát ngôn viên của Vatican, cho biết: “Đặc biệt là trong công việc sáng tạo, ngài thích dùng bút hơn.” Một vài bức ảnh hiếm hoi cho thấy ngài cũng dùng bút chì. Ngài giải thích với các nhà báo trong thời gian ngài bị gãy tay: “Suy nghĩ của tôi phát triển theo dòng chữ viết tay, vì thế không viết trong sáu tuần là cả một kiên nhẫn!” Cho đến những bài viết cuối cùng, bút mực và bút chì đã trung thành theo ngài trong công việc sáng tạo của ngài.

Đức Phanxicô, Thánh Giuse và “Tiếng khóc nức nở của Thánh Phêrô”

Đức Phanxicô ít dùng văn phòng chính thức của ngài. Ngài thích làm việc ở căn phòng nhỏ ở Nhà trọ Thánh Marta, nơi ngài sống sau khi được bầu chọn tháng 3 năm 2013. Nhưng dù ở văn phòng chính thức của ngài ở dinh tông tòa, nơi ngài tiếp các nhân vật quan trọng của thế giới, hoặc văn phòng nhỏ ở Nhà trọ Thánh Marta, ngài luôn muốn có sự hiện diện của Thánh Giuse bên cạnh.

Đức Phanxicô nói: “Tôi tôn kính Thánh Giuse vì ngài là người vững mạnh và ít nói.” Trên bàn làm việc chính thức của ngài là tượng Thánh Giuse đứng cạnh Chúa Giêsu Hài đồng, nhưng cũng có một bức khác, tượng Thánh Giuse đang ngủ. Trong lần gặp các gia đình Phi Luật Tân trong chuyến đi năm 2015, ngài nói: “Trong giấc ngủ, Thánh Giuse chăm sóc Giáo hội! Đúng, ngài có thể làm và chúng ta biết điều này. Khi tôi gặp khó khăn, khi gặp vấn đề, tôi viết một ghi chú và đặt dưới tượng Thánh Giuse để ngài mơ chuyện này. Có nghĩa, cứ để cho ngài lo chuyện này!”

Bạn có biết vì sao Đức Phanxicô ngủ say không?

Đức Phanxicô dành một vị trí đặc biệt cho Thánh Giuse khi ngài ngài dâng thánh lễ mở đầu triều vào ngày lễ Thánh Giuse 19 tháng 3 năm 2013. Thêm nữa, huy hiệu giáo hoàng của ngài có loài hoa cam tùng, loài hoa thơm biểu tượng cho sự trong trắng và tình yêu, mà Thánh Giuse đã cầm trên tay khi cầu hôn Đức Maria.



Nhưng có một bức tranh khác ở bên cạnh Đức Phanxicô trong suốt quá trình làm việc của ngài, đó là bức tranh Tiếng khóc nức nở của Thánh Phêrô, sau khi phản bội Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đó là bức hình nhắc tôi ân sủng này. Có một lời cầu nguyện rất hay: ‘Khi ông Môsê đập đá, Chúa đã làm cho nước chảy ra từ đá, làm nước mắt chảy ra từ trái tim của hòn đá.” Đó là lời kinh phụng vụ đẹp, chúng ta có thể đọc trong thánh lễ xin ơn nước mắt. Nếu Chúa ban cho chúng ta khả năng khóc, thì chúng ta phải tận dụng, vì không có gì tác hại khi nỗi đau bị kìm nén, không thể bật khóc được. Và không có gì đau lòng hơn khi nhìn người thân đau, họ nghiến răng kềm lòng để không biểu lộ nỗi xót xa của họ. Trong quyển sách Từ người nghèo đến giáo hoàng, từ giáo hoàng đến người nghèo xuất bản tháng 3 năm 2022, Đức Phanxicô tâm sự: “Khóc không phải là dấu hiệu của thiếu hy vọng. Ngược lại là khác.”

Người nghèo đặt câu hỏi với Đức Phanxicô

Marta An Nguyễn dịch

http://phanxico.vn/2023/03/12/van-phong-cua-cac-giao-hoang-nhu-the-nao/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét